Hôm nay,  

Tưởng Niệm 30-4: Tiếng Thở Dài...

05/05/200300:00:00(Xem: 4773)
Thị xã Bankstown, một buổi sáng tinh mơ, những giọt mưa đêm vẫn còn lấp lánh trên ngọn cỏ, hơi thu lành lạnh cộng thêm những cơn gió vô tình thổi qua cũng đủ làm co dúm một nhóm người đang tụ tập nơi góc phố. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe vụt qua và cũng có vài chiếc dừng lại thả xuống một vài người cho nhập bọn rồi vội vã quay đầu dọt mất hút.
Từ mỗi ngả đường, từng nhóm năm ba người vội vàng, tất tưởi như sợ lỡ một chuyến đò mà mỗi năm chỉ có một lần... Trời đã sáng, khu phố vẫn chìm trong im lặng. Chỉ riêng góc phố này có vẻ hơi ồn ào bởi những tiếng gọi nhau, tiếng chào hỏi, cười đùa phấn khởi trong khi chờ đợi những chiếc xe bus đến đón họ về tụ điểm chính, để cùng nhau lên đường tham dự cuộc biểu tình hàng năm trước tòa đại sứ CS, tại thủ đô Canberra...
Xe đã đến, đoàn người ồn ào nối đuôi nhau lên xe để đi về địa điểm tập trung tại thị trấn Cabramatta... Nơi đây mặt trời đã ló dạng để bắt đầu cho một ngày mới. Không khí trở nên ấm áp hơn bởi những tiếng cười nói, chào hỏi và những tiếng loa réo gọi của ban tổ chức, đã tạo nên một không khí ồn ào tấp nập như một ngày trảy hội trên quê hương ngày nào... Sau khi sự sắp xếp được ổn định, đoàn xe từ từ chuyển bánh, chiếc nọ nối tiếp chiếc kia, mang tâm sự như những con thuyền lênh đênh đi tìm vùng đất hứa. Một vài chiếc xe nhà lẽo đẽo theo sau có lẽ vì thiếu chỗ hay trục trặc đến trễ...
Tất cả, họ là những người từ khắp các nẻo đường về tham dự cuộc biểu tình này. Cuộc biểu tình đấu tranh tìm tự do, dân chủ và nhân quyền cho quê hương và đồng bào. Họ cũng như tất cả gần ba triệu người Việt Nam lưu vong trên khắp thế giới, cũng có những khó khăn, toan tính, vật lộn trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, họ không bao giờ quên ngày này của 28 năm trước, một ngày đen tối của lịch sử, đẫm máu và nước mắt. Ngày toàn dân miền Nam bị phủ kín một mầu tang, ngày cáo chung cho những tự do, dân chủ và nhân quyền... Không riêng gì miền Nam, tất cả đất nước đã trở thành một "nhà tù vĩ đại". Mọi người "Được" học cách vỗ tay và gật đầu trong "Vô thức"... Trong cái xã hội khốn cùng đó, họ phải sáng tạo nhiều phương cách mưu sinh trên những đống rác đầy ruồi nhặng và giành giựt thực phẩm của súc vật để sống còn bên những con mắt cú vọ đầy sát khí đang luôn luôn rình rập... Buổi biểu tình năm nay đủ mọi thành phần, có những cụ già tám chín mươi tuổi, sinh viên, học sinh và cũng có cả những em thiếu nhi chưa từng một lần diện kiến quê hương. Nhiều phụ nữ đã phải thức trắng đêm, lo thanh toán cho xong số hàng may để kịp thời gian tham dự chuyến đi mà họ mệnh danh là "ngày giỗ của Quê Hương", mặc dù họ biết rằng quê hương chưa chết, chỉ tạm bị chiếm đóng bởi một bọn bạo ngược, man rợ, và quê hương đang chờ ngày hồi sinh...
Những người trong chuyến đi hôm nay là những người khốn khổ năm xưa, cùng mang chung một nỗi đau nước mất nhà tan như những người Chiêm Thành hay Do Thái vong quốc ngày nào. Điều đáng nói là Quê hương còn đó, nhưng họ đã mất tất cả trên chính quê hương mình, để đành phải bỏ lại sau lưng những gì thân thương nhất, ra đi tìm hai chữ "tự do" và cố gắng tranh đấu mong ngày trở lại trong thanh bình hạnh phúc. Vì thế, họ luôn ghi nhớ và nhắc nhở nhau, tìm về nhau trong chuyến đi như thế này hầu có thể giữ lại hơi ấm quê hương qua tình người nơi xứ lạ và cũng để tưởng niệm những "Giọt đắng ngậm ngùi" cách đây hai mươi tám năm.... Đoàn xe bắt đầu rời thành phố và lướt đều trên xa lộ. Mọi người như quên đi những sinh hoạt thường nhật để dành trọn tâm tư cho chuyến đi như một "chuyến đò định mệnh"... Họ bắt đầu quen nhau, những tiếng cười nói trở nên rôm rả. Họ nói đủ thứ chuyện, từ những ưu tư trong cuộc sống, chuyện nhà, chuyện nước và đa số là những câu chuyện của một Saigòn xa xưa hay những chuyến vượt biên thập tử nhất sinh, hoặc những đoạn đời đen tối lo âu trong các trại tỵ nạn. Mỗi người một cảnh, một câu chuyện khác nhau và hầu như năm nào cũng vậy, chỉ chừng đó quay đi quay lại như một cuốn băng nhựa lâu đời, nhưng càng nghe càng thấm thía, không bao giờ biết chán. Mỗi lần nghe là một lần xúc động, bồi hồi, mắt lệ trào dâng, tưởng chừng như tất cả đang xẩy ra trước mắt. Tuy nhiên, điều đáng buồn là gần hai trăm ngàn người Việt định cư tại Úc, nhưng năm nào cũng chỉ quy tụ được chừng hơn một ngàn đổ lại. Không biết đi đâu cả rồi"... Tại sao chúng ta cùng chung một quá khứ, một định mệnh, một hoài bão... mà sao không về với nhau, để cùng nhau chia xẻ những vui, buồn, tủi, hận và cùng xiết tay nhau tranh đấu cho quê hương dân tộc mình"... Tất cả anh chị em chúng ta đang định cư trên xứ Úc này chắc chắn đã cùng đến đây với danh nghĩa "tìm tự do", chứ không một ai dám vỗ ngực tự xưng mình là người đi tìm bơ thừa sữa cặn. Vậy tại sao hôm nay, ngày kỷ niệm hay đúng hơn là ngày giỗ "Mất tự do", ngày đánh dấu cho những tất tưởi hoang mang đau khổ để phải bương trải bằng mọi cách, kể cả đánh đu với tử thần để tìm kiếm ý nghĩa chân thực của hai chữ "Tự do"... lại vắng bóng họ, và vắng bóng thật nhiều" Những người anh em ngày nào đã nhân danh hai chữ "Tỵ Nạn" để được định cư tại đây danh chính, ngôn thuận để rồi, theo năm tháng, đã ăn nên làm ra, nay đâu cả rồi" Chẳng lẽ tất cả những đau buồn tủi nhục, cay đắng, mất mát hay những chữ quê hương, tự do, dân tộc không còn đọng lại trong tâm não họ một chút dư âm nào hay sao" Buồn quá... Lúc này, bọn CSVN đang vui mừng, nhẩy múa kỷ niệm cái thành qủa "Vĩ đại" của chúng đã đưa được cả một dân tộc vùi sâu trong vũng lầy lạc hậu, thối tha của nhân loại...
Bên này hận nhớ, bên kia vui mừng. Vậy mà, trong anh em chúng ta vẫn có những thành phần lêu bêu đứng giữa chợ đời một cách dửng dưng như người ngoài cuộc. Họ đến đây với danh nghĩa "Tỵ Nạn Cộng Sản", với tư cách của những nạn nhân bị áp bức, bóc lột, mất tự do, mất nhân quyền ,v,v. Tuy nhiên, sau khi đã ổn định, họ lại rất sợ nhắc đến những danh từ này. Họ không muốn để ý đến tất cả mọi sinh hoạt cộng đồng, họ tìm cách xa lánh như một thứ bệnh truyền nhiễm... Phải chăng họ sợ bọn nằm vùng điểm mặt để mất cơ hội buôn bán, làm ăn với CS hay sợ bị hoen ố lý lịch khi nạp đơn xin làm tay sai cho bọn "Bắc bộ phủ""...

Mải mê suy nghĩ, đoàn xe đã đến trạm nghỉ ngơi... Một lần nữa, tiếng hỏi, lời chào, những cái bắt tay nồng thắm giữa khung trời giá lạnh của những người từ những chiếc xe khác nhau, tìm đến nhau, thăm hỏi và chia xẻ nỗi hờn ly quốc... Sau khi dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống khoảng nửa tiếng, đoàn người tiếp tục lên đường... Giờ đây, khoảng cách mỗi lúc một thu hẹp, khiến tâm trạng mọi người trở nên bồi hồi, nôn nóng và xúc cảm... Chỉ một lát nữa, tất cả sẽ được đến điểm tập trung như mọi năm và được đứng giữa bầu trời trong xanh an bình, nghiêm trang nhìn lá cờ tổ quốc tung bay trong gió, hoà với những âm vang bản quốc ca hùng tráng để bồi hồi xót xa nhỏ lệ cho một quê hương êm ấm ngày nào, nay đã nghìn trùng xa cách. Chính lúc này, hai chữ Quê hương mới thấm thía tận cùng trong từng huyết mạch. Có lẽ cũng bởi cái thân phận ăn nhờ ở đậu như loài chùm gởi, cho nên chỉ một lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ cũng đủ tạo nên cả một cảm xúc mãnh liệt hơn bao giờ hết, lá quốc kỳ đã gói trọn hồn thiêng sông núi và tình tự dân tộc cùng tất cả xương máu của biết bao nhiêu anh hùng liệt sĩ... Cái cảm xúc hứng khởi, ngạo nghễ khi nhìn lá cờ tung bay và buồn đau như cắt đứt từng phần tim mạch khi rũ xuống đã trở về mãnh liệt trong tâm thức của đoàn người biểu tình...
Người ta thường nói, chim khôn chẳng bao giờ quên tổ ấm, dù đã lớn khôn và bay đi bất cứ nơi đâu, cũng như những nhánh sông dẫu có quanh co khúc khủyu rồi cuối cùng cũng biết đường tìm tới sông cái và đổ ra biển rộng. Nhưng điều đáng buồn, trong đám con cháu của giống Lạc Hồng có những người con lạc đàn quên cội quên nguồn, khi đủ lông đủ cánh, chúng đã vội quên đi cái tổ ấm ngày nào ấp ủ, cưu mang chúng để chúng được sống còn mà bay lên bầu trời bao la hôm nay, hay nói cách khác chúng là những nhánh sông chỉ biết chạy vòng quanh vách núi âm u, rồi đọng lại thành những ao tù lởn vởn rác rưởi đầy bơ thừa sữa cặn nên không biết tìm đường về sông cái hay trôi ra biển... Đó chính là những kẻ vì lợi ích cá nhân đang ẩn núp dưới danh nghĩa hai chữ Tỵ Nạn để làm tay sai cho CS bằng cách móc nối đưa đám cán bộ văn hóa len lỏi và diễn đàn Tỵ nạn hay tung ra những luận điệu làm phân hóa tinh thần đoàn kết của đồng hương như xoá bỏ quan điểm, lập trường chống cộng hay hòa hợp hòa giải, phi chính trị, phi đấu tranh ,v,v... Để tránh hiểu lầm, tôi xét thấy cũng cần xin xác định rõ rệt hai chữ "sông biển" ở đây mang ý nghĩa "Dòng sông tranh đấu của dân tộc" và "Biển tự do, dân chủ và nhân quyền mênh mông của nhân loại". Dòng sông của chúng ta đang bương trải với tất cả phong ba, bão táp để tìm cách trôi về gạn lọc tất cả những rác rến vẩn đục của chế độ CSVN đang lềnh bềnh trên biển mẹ...
Sau khi đến nơi, sắp hàng tiến vào địa điểm, khi nhìn lá cờ máu của CS trên nóc tòa đại sứ CSVN, mọi người không cầm được phẫn uất, hô to những khẩu hiệu lên án bọn CSVN khát máu, buôn dân, bán nước... Khí thế trào dâng như bất tận, nhiều người không cầm được nước mắt khi lá quốc kỳ VNCH được kéo lên mà nghẹn ngào trong những lời quốc ca hùng tráng... Cuộc "Hành hương đấu tranh" cho quê hương được diễn ra trong nhiều tình huống vui buồn lẫn lộn nhưng trật tự. Những nỗi xúc động, phẫn uất chen lẫn những bùi ngùi thương cảm về cố quốc. Bao nhiêu hình ảnh thân thương cũng như tức tưởi nghẹn ngào đã trở về rõ ràng trong tâm trí mọi người như một cuốn phim tài liệu...
Sau khi kết thúc, mọi người ra về trong mệt mỏi, không phải chỉ riêng về thể xác mà kể cả tâm hồn vì quá nhiều xúc cảm... Nhìn những xông xáo, ngược xuôi của ban tổ chức trộn lẫn với những mái đầu phủ trắng bụi thời gian của một số vị cựu quân nhân và những đoàn viên trẻ của mặt trận QGTNGPVN đang tất bật khuân vác thu dọn những biểu ngữ, những lá cờ, khiến lòng người ly hương dạt dào thương cảm và xác định được một cách rõ rệt, cuộc chiến vì tự do, dân chủ và bảo vệ Tổ Quốc năm nào của một miền Nam thân yêu vẫn còn tiếp diễn trên mọi hình thức. Những chữ "Danh Dự - Tổ Quốc- Trách Nhiệm" vẫn sáng ngời chính nghĩa, nhưng không phải của riêng ai, mà của chung tất cả con dân Việt Nam. Do đó, chúng ta có bổn phận bảo vệ cho đến cùng dù phải chấp nhận tất cả những phong ba bão táp, khốn khó, gian nan...
Trở lại tình hình trước năm 1975, nếu tất cả người dân Miền Nam đều ý thức được "Trách Nhiệm" bảo vệ "Danh Dự -Tổ Quốc" đúng nghĩa với những câu tục ngữ "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách" hay "Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh" thì có lẽ chúng ta không có ngày "Quốc Nạn 30-4" dù cho chúng ta có bị đồng minh phản bội trên bàn cờ quốc tế... Điều đáng mừng, trong cục diện hôm nay, trên dòng sông tranh đấu, sóng sau đang vươn lên dồn dập với sóng trước và mãi mãi bất tận trong hồn thiêng sông núi...
Trên đường về, mọïi người không còn cười nói ồn ào như lúc ra đi mà chỉ còn một vài tiếng rù rì nho nhỏ hòa lẫn vơí tiếng máy xe nhẹ nhàng trên xa lộ như những tiếng nguyện cầu cho một quê hương tang tóc, khổ nạn... Có lẽ trong tâm tư mỗi người đều có nhiều điều vương vấn suy tư. Riêng tôi, tâm trạng như nuối tiếc không khí biểu tình còn đọng lại trong tâm não, bùi ngùi cho hoàn cảnh chung đất nước và ngay cả chính mình nơi tha hương lạc xứ... Tôi cảm thấy mệt mỏi và thiếp hồn vào giấc mộng...
...Trong giấc mộng tôi đã tìm lại được một Quê hương dấu yêu ngày cũ với bầu không khí tự do dân chủ đượm thắm tình dân tộc... Đang mơ màng, chiếc xe bỗng giao động làm tôi chợt tỉnh. Lúc này trời đã tối, trong bóng đêm im lặng, tôi chợt nghe đâu đây có tiếng thở dài và hình như trong đó có cả chính mình...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.