Hôm nay,  

Xây Dựng Dân Chủ Tại Iraq

07/05/200300:00:00(Xem: 4429)
Chiến dịch Iraq có thần tốc thần kỳ đến mấy cũng sẽ vô hiệu nếu Hoa Kỳ không xây dựng được nền móng dân chủ tại xứ này. Những khó khăn thì hầu như ai cũng biết, nhưng vụng về nhất là nói về dân chủ, hoặc phủi tay ra về sau khi tổ chức bầu cử thật sớm...
Trước và sau khi Hoa Kỳ khai diễn chiến dịch Iraq, hầu hết mọi nhà bình luận đều nói tới những khó khăn của việc xây dựng dân chủ tại đây. Từ nguyên thủy và trong khi tranh cử, ông Bush từng đả phá tham vọng chủ quan của Mỹ là đem quân đi xây dựng dân chủ ở xứ khác theo mẫu mực của Hoa Kỳ. Vụ khủng bố 9-11 khiến ông đảo ngược lập trường và giờ đây, Hoa Kỳ phải nhúng tay vào việc xây dựng nền móng dân chủ cho một quốc gia Hồi giáo chưa có tập quán dân chủ, giữa một vùng có tỷ lệ chống Mỹ cao nhất địa cầu và trong môi trường quốc tế mà nhiều đồng minh chí thiết thời xưa chỉ mong là Mỹ sẽ thất bại. Chính quyền Mỹ, từ Bộ Quốc phòng đến Ngoại giao hay các cơ quan hữu trách khác đều ý thức được thách đố này, nhưng cho rằng dù khó khăn thì vẫn phải làm để trừ cho tuyệt nọc tinh thần chống Mỹ hoặc sự bất mãn chuyển thành khủng bố.
Sau khi nhắc lại vài vấn đề căn bản, ta có thể nghĩ đến những gì phải làm, những gì nên tránh, và nghĩ đến điều đó khi nhớ tới Việt Nam thời xưa (1954-1975) và... thời sau.
Mầm dân chủ khó mọc....
Sống giữa môi trường cởi mở hoặc trong các thành phố tiếp cận với Tây phương, ta có thói quen thành tật là nghĩ tới dân chủ như giải pháp thần diệu cho mọi vấn đề. Người ở trong cuộc, cư dân Iraq chẳng hạn, không biết và cũng chẳng cần biết về dân chủ mà quan tâm tới các vấn đề thiết thực hơn. Vì vậy, muốn có khả năng thuyết phục cao, hãy tạm ngưng nói về xây dựng dân chủ mà tìm hiểu nền tảng của dân chủ là gì.
Nền tảng đó không là những định chế hay cơ chế như bầu cử, hiến pháp, đảng phái chính trị, quốc hội, v.v.... Nền tảng đó phải gồm hai phần là tập quán văn hóa và cơ sở kinh tế. Về tập quán, dân chủ đòi hỏi tinh thần cởi mở (không ai có độc quyền chân lý đòi người khác phải theo), tin cậy lẫn nhau, chấp nhận ủy quyền và không kỳ thị thiểu số (sắc tộc, tín ngưỡng hay chính trị). Về cơ sở kinh tế thì đời sống phải tương đối dư giả, thành phần trung lưu phải đủ đông (thay vì chỉ có một thiểu số sống giữa lầu đài bằng đá hoa cương và tuyệt đại đa số lầm than trong sỏi đá chỉ muốn nổi loạn) để duy trì sinh hoạt bình hòa không qua giải pháp bạo động hoặc phá hoại. Vẫn biết rằng kinh tế tăng trưởng khả quan thì tập quán dân chủ dễ phát triển, nhưng kinh tế không là điều kiện ắt đủ, hai yếu tố này phải bổ sung cho nhau.
... trên hoa cương và sỏi đá
Nếu tạm chấp nhận vài tiêu chuẩn tối thiểu đó thì Iraq chưa có điều kiện căn bản cho dân chủ, đó là một quốc gia giàu tài nguyên mà chậm tiến. Tinh thần bộ tộc (ý thức căn thuộc vào một trong hơn 100 bộ lạc xứ này) vẫn chi phối đa số khiến họ tự nhiên phục tùng tộc trưởng hay lãnh chúa, được họ suy tôn như anh hùng mà mọi quyết định đều là chân lý không cần và không được thảo luận. Tinh thần gia trưởng ngự trị quá lâu khiến người dân thụ động trong sinh hoạt công ích, thiếu ý chí tự chủ mà chỉ đợi “trên” ban chỉ thị là chấp hành. Quyền tự do chính trị hoặc phát triển đời sống là những khái niệm còn xa lạ. Bên dưới là vậy, ở trên, ta còn thấy sự phân hóa giữa ba thế lực chính là dân Shiite chiếm đa số thì tin vào giáo chủ hơn quốc gia, dân Sunnite thì tin vào đảng Baath của Saddam Hussein hơn là chính mình, và dân Kurd thì chỉ muốn độc lập hoặc ít ra là quyền tự trị.
Những vấn đề trên không xa lạ với giới hữu trách Mỹ, mà giờ đây, chính quyền Bush vẫn phải xăn tay áo vào giải quyết, như muốn lùa mèo thành bầy... Nhưng người Mỹ vốn lạc quan và tự tin và đã thành công trong nhiều việc sau khi thất bại cũng nhiều... Sau đây là một số phương hướng giải quyết ta có thể thấy ra sau khi kiểm lại kinh nghiệm của Mỹ.
Thiết lập kỷ luật thép
Dại dột vô cùng khi muốn xây dựng dân chủ lại tuyên truyền về dân chủ và mau mắn tổ chức bầu cử từ cấp thượng tầng xuống trong tinh thần hữu nghị và thân thiện. Đó là lối rút chạy mau nhất, để lại một (hay nhiều) trái bom nổ chậm cho các cuộc nội chiến kéo dài, môi trường lý tưởng cho khủng bố. Ngược lại, cần cho mọi người, mọi phe phái bộ tộc hay xu hướng thấy ý chí quyết liệt của Hoa Kỳ là ổn định trật tự để tái thiết nền móng quốc gia. Khi có thể bạo hành, cướp bóc hay trả thù lẫn nhau thì kẻ khờ khạo cũng biết rằng quyền lực đang nằm dưới đất, ai giựt cũng được, may ra lại thành lãnh chúa. Và các giáo chủ hay tộc trưởng hoạt đầu sẽ không lỡ cơ hội, với biểu ngữ chống Mỹ làm bình phong ve vuốt tự ái dân tộc bị tổn thương vì sự can thiệp của Mỹ.
Việc quân Mỹ hai lần bắn vào đám đông tuần qua là đáng tiếc, nhưng cần thiết sau khi lỡ buông thả trong giai đoạn đầu: thông điệp cần loan truyền là Mỹ không nhu nhược lúng túng và không để lực lượng phá hoại nảy sinh thành thế lực cát cứ sau này. Quân chiếm đóng cần có quân cảnh đi cùng cảnh sát Iraq vào trước, hướng đạo sinh đi sau lo việc cứu trợ và tái thiết.
Nhổ cỏ dại
Trước khi nghĩ đến việc gieo trồng hạt mầm dân chủ thì phải nhổ sạch cỏ dại là các giáo phái, băng đảng, các nhóm đạo tặc võ trang có thể ném lựu đạn giết hại ứng viên tranh cử hoặc bắn vào thùng phiếu. Không trừ tuyệt nọc mầm phân hóa mà cứ tổ chức bầu cử thì có hai giả thuyết xảy ra: chính quyền tân lập đòi Mỹ cút về nước (kết quả bầu cử năm ngoái tại Turkey, năm xưa tại Indonesia). Hoặc chỉ tồn tại khi quân Mỹ còn đó và sẽ bị đảo chánh ngay sau khi Mỹ bàn giao ra về. Người ta nghĩ tới điều đó sau kinh nghiệm Việt Nam Cộng hòa thời 1954, 1963, kinh nghiệm Nga sau 1991, kinh nghiệm Cămbốt sau 1992, Bosnia sau 1995. Cùng với việc “nhổ cỏ dại” - giải giới các lực lượng phân hóa - phải giải quyết sinh kế cho các tay súng thất nghiệp. Nhàn cư vi bất thiện, không tiền không việc làm mà có súng thì sẽ đổi đạn lấy gạo. Chương trình tái thiết hạ tầng bị tàn phá phải khởi sự bằng cách huy động nguồn nhân lực nhàn rỗi đó, và có thể thanh toán ngay bằng ngân khoản hơn 800 trăm triệu đô la tịch thu được của chế độ cũ. Với lương tháng 40-50 chục đô la, cao gấp bội so với lợi tức trung bình của người dân thời Saddam (hơn gấp đôi số lương hứa cho cảnh sát Iraq đang được gọi trình diện để làm công tác giữ gìn trật tự) Mỹ có thể đưa hơn một triệu nhân lực dư dôi hiện nay vào lao động công ích trong suốt năm mà chưa phải dùng đến tiền thuế của dân Mỹ hay dầu hỏa của Iraq.
Nhưng, khi nói cảnh sát đi trước, hướng đạo đi sau, ta nghĩ ngay đến vấn nạn: cảnh sát xử lý trên cơ sở luật pháp nào, hay là lại trở về thói quen độc đoán tự tiện của chế độ cũ"
Dân chủ pháp trị khởi đầu bằng luật pháp
Bất cứ một học sinh trung học nào cũng có thể thảo ra một bản hiến pháp không tệ và có thể đánh lừa được báo chí Mỹ. Người đầu tiên biết điều đó là... Hồ Chí Minh tại Ba Đình ngày hai tháng Chín năm 1945 với dăm câu lấy từ tuyên ngôn độc lập của Mỹ. Nhưng hiến pháp sẽ chỉ là văn kiện vô lực và cuộc bầu cử xuất phát từ bản hiến pháp đó cũng vô hiệu nếu dân Iraq không thấy yên tâm với hệ thống luật lệ mới, huống hồ luật lệ bầu cử. Thành thử, trước khi nói đến dân chủ và bầu cử, phải làm ngược lại là xây dựng một nền tảng luật lệ khả tín và một bộ máy tư pháp có thực quyền. Hầu hết các nỗ lực xây dựng dân chủ đều thất bại vì dân không tin vào luật lệ nhà nước và giới dân cử - trong chính quyền mới - lại không bị câu thúc bởi luật lệ. Và không có luật pháp hay thẩm phán, thì cảnh sát sẽ được “Bình Xuyên hóa”. Khi phân hóa, các chính quyền độc tài đều dễ dẫn tới chế độ đạo tặc trị (voyoucratie, kleptocracy), đó là kinh nghiệm Liên bang Nga thời Boris Yeltsin, hoặc... Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Năm Cam thời nay.

Hồi phục xã hội dân sinh
Tự cổ chí kim, sinh hoạt của xã hội con người xuất hiện trước khi có chính quyền và chính quyền nào cũng có khuynh hướng phủ trùm lên các sinh hoạt đó quyền lực của mình. Mãi đến gần đây, từ hơn 200 năm trở lại, người ta mới để ý tới phần sinh hoạt thường nhật và tự nhiên của người dân mà không cần có sự sai khiến hoặc chỉ bảo của chính quyền. Đó là “xã hội công dân”, hay “xã hội dân sự” (civil society, société civile) mà người viết xin dịch là “xã hội dân sinh” để phản ảnh phần sinh hoạt tự nhiên và vai trò kinh tế hơn là chính trị hay pháp quy. Biểu hiện của xã hội dân sinh đó là các hiệp hội, đoàn thể, các tôn giáo, câu lạc bộ hay phường hội nghề nghiệp, vốn là những cơ chế tự nguyện do dân lập ra để giải quyết vấn đề dân sinh của mình mà khỏi cần tới chính quyền. Chúng là sợi dây nối kết từng thành phần dân chúng với nhau để duy trì sinh hoạt bình hòa của quần thể, độc lập với chính trị và chính quyền.
Các chế độ độc tài thường phá vỡ xã hội dân sinh để chỉ còn sợi dây nối kết người dân theo hàng dọc, từ trên xuống, từ nhà nước xuống đến từng người; mọi liên hệ hàng ngang đều bị cắt đứt, hoặc bị cưỡng đoạt, xâm nhập để thực hiện chủ trương của chính quyền. Muốn xây dựng dân chủ thì trước đó phải hồi phục xã hội dân sinh và cho người dân được liên lạc với nhau, được lập hội, được xây dựng những cơ chế tương trợ. Thế giới đã phát triển ra một hệ thống thông tin liên lạc hiện đại và cách mạng là mạng lưới điện tóan Internet. Nó là công cụ phát triển xã hội dân sinh hay nhất và nhanh nhất. Thí dụ như người dân Iraq sinh quán ở Basra ngày nay có thể liên lạc với nhau trên khắp địa cầu để kêu gọi nhau xây dựng một trường trung học hay một đền cổ bị tàn phá và tự động giải quyết nhu cầu đó không qua bầu cử hay chính quyền. Các cơ quan ngoài chính phủ, NGO, của thế giới có thể góp phần tích cực cho những sinh hoạt này.
Nhưng, nhu cầu nhổ cỏ dại cũng đòi hỏi là mọi người đều được thông báo rõ ràng là các đoàn thể cổ võ bạo động, khủng bố hoặc kỳ thị tôn giáo đều không được phép tồn tại. Đền thờ chứa võ khí, giáo trường truyền bá tinh thần kỳ thị tôn giáo hay các hội thiện kinh tài cho khủng bố sẽ phải bị triệt hạ không nương tay.
Đưa cách mạng tin học vào dân chủ hóa
Mươi năm về trước, Hoa Kỳ có bước vào xây dựng dân chủ tại Iraq thì chưa chắc là đã ý thức được nhu cầu nhổ cỏ dại và chắc chắn là chưa khai thác được một lợi thế mới là hệ thống thông tin điện tử, các Websites hay Emails... Cuộc cách mạng tin học đã làm đảo lộn quan hệ hàng ngang giữa con người với nhau và đưa tới nhiều thay đổi lớn trong lề lối tổ chức và sinh hoạt của loài người. Chúng ta có thể áp dụng những phương tiện tối tân đó để liên lạc và quảng bá tinh thần và tập quán dân chủ. Trên con đường đó, đôi khi người ta bị nạn khi gặp phải chính quyền lạc hậu - Phạm Hồng Sơn và Phạm Quế Dương và các nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam trao đổi thông tin trên Internet là chứng cớ - nhưng tại Iraq, tình hình tất nhiên phải khác. Thí dụ như khi toàn bộ chương trình năm ngoái của PBS về sự sụp đổ của chế độ Milosevic tại Nam Tư được phóng lên không gian điện toán, người dân, nhất là giới trẻ tại Iraq và các nơi khác, có thể học được bài học đấu tranh của thanh niên và sinh viên Serbia và cũng biết được vì sao thanh niên thành công sau khi các đảng phái đã thất bại. Cuộc cách mạng tin học cũng có thể giải phóng truyền thông và báo chí Iraq khỏi tinh thần một chiều và xây dựng được ý thức cạnh tranh trong thông tin, nhu cầu lập ra các diễn đàn tranh luận cho chính giới.
Dĩ nhiên là trên không gian điện toán người ta có thượng vàng hạ cám đủ loại thông tin nhưng tối thiểu cũng chỉ ra được một điều là tinh thần cởi mở, là khả năng và nhu cầu tranh luận để không ai có thể đòi độc quyền nắm giữ chân lý.
Dân chủ nhập cảng là tai họa
Người ta có thể học hỏi tập quán dân chủ từ các nước khác, nhưng lãnh đạo một nước không thể là nhân vật nhập cảng từ bên ngoài, nhất là từ Hoa Kỳ đem về Iraq. Tổng thống Karzai của A Phú Hãn có thể chỉ ngồi tại chức khi được Hoa Kỳ bảo vệ - trong nghĩa đen - nhưng ông được Hội đồng Kỳ lão A Phú Hãn bình bầu sau khi được Liên hiệp quốc tuyển chọn tháng 12 năm 2001 tại Bonn thuộc Đức quốc nên dù sao vẫn có chính danh. Một lãnh tụ được dân bầu lên khi Hoa Kỳ đang hiện diện tại Iraq tất nhiên bị mang tiếng là sản phẩm của Mỹ xuất cảng cho dân Iraq để thi hành chánh sách của Mỹ. Vì vậy và dù Liên hiệp quốc là tổ chức vô quyền và nhiều khi đớn hèn bất lực, Hoa Kỳ vẫn cần sự can dự của tổ chức này trong giai đoạn cuối, khi tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực.
Có Liên hiệp quốc ban phép lành, lãnh đạo mới sẽ có chính danh hơn, dù Hoa Kỳ phải chủ động tổ chức tiến trình đó đàng sau Liên hiệp quốc. Cũng vậy, một cuộc bầu cử quốc hội hoặc tổng thống mà có sự bảo trợ của Liên hiệp quốc và giám sát của các nước khác, nhất là Liên đoàn các Quốc gia Hồi giáo, sẽ xóa được ấn tượng “made in USA” của nền dân chủ Iraq.
Tổng kết: dân chủ không phải là cổ phần hóa hay tư nhân hóa
Tờ Wall Street Journal, số ra ngày mùng một tháng Năm có một bài viết về kế hoạch kinh tế mà Hoa Kỳ trù tính áp dụng tại Iraq (Neil King Jr., "Bush Officials Devise a Broad Plan For Free-Market Economy in Iraq”) trong đó có dự trù những chương trình giải tư (hoặc tư nhân hóa, cổ phần hóa) các xí nghiệp quốc doanh và cả kỹ nghệ dầu hỏa và việc cải tiến hệ thống thị trường chứng khóan lẫn thuế lợi tức... Với thói quen cho rằng kinh tế là yếu tố quyết định chính yếu, nhiều người sẽ tin là khi kinh tế thị trường được thiết lập là dân chủ có thể nẩy mầm. Thực ra, nếu không có những bước tiên khởi như đã nói ở trên, người ta sẽ chỉ có một xã hội lý tài ngụy danh kinh tế thị trường và có khi một chế độ độc tài ngụy danh dân chủ, là những kết quả thường hay gặp trong nỗ lực xây dựng dân chủ của Hoa Kỳ tại quá nhiều nơi trên thế giới. Trong một dịp khác, ta sẽ trở lại đề tài cải cách kinh tế để xây dựng dân chủ.
Iraq là một nước có tài nguyên dầu hỏa cho nên việc giải quyết bài toán kinh tế không khó bằng bài toán xã hội và chính trị. Nếu không giải quyết hai loại vấn đề sau thì thành quả kinh tế sẽ dồn cho một thiểu số và xác nhận những điều tệ hại nhất về “nền dân chủ Mỹ”. Vấn đề chính yếu ở đây là người dân Iraq muốn gì và thành phần ưu tú của họ, ở trong và ngoài nước muốn gì, ngoài phản ứng bất mãn vì ghét Mỹ mà cứ phải nhờ Mỹ.

Và dân Mỹ, nếu thực sự muốn bắc một nhịp cầu thông cảm và hàn gắn đổ vỡ vẫn có thể góp phần vào nỗ lực chung này, thí dụ như kêu gọi từng thị xã kết nghĩa với một thị xã của Iraq, giúp học xây trường học nhà thương, gửi thuốc men, sách vở và dụng cụ học trò cho dân Iraq mà khỏi cần con dấu “Mỹ quốc viện trợ”. Đó là cách hay nhất để phát huy tinh thần dân chủ của Hoa Kỳ: thấy đúng là làm, khỏi cần nhà nước chỉ thị hay đòi hỏi.

Gần 30 năm trước, khi bước chân vào xã hội này, chúng ta có thấy tinh thần đó từ các gia đình đã bảo trợ mình.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.