Hôm nay,  

Luật Pháp Phổ Thông

15/07/200200:00:00(Xem: 4600)
Hỏi (ông T. T. Nguyễn): Chúng tôi định cư tại Úc tính đến nay đã được hơn 15 năm. Cách đây hơn 10 năm, chúng tôi có mua một căn nhà và cho con gái của chúng tôi đứng tên làm chủ.
Nay cháu đã khôn lớn và đã đến tuổi lập gia đình, cháu có ngõ ý là muốn sang tên lại căn nhà cho chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi thì không muốn làm điều đó vì hiện chúng tôi cũng đã đứng tên làm chủ một căn Flat.
Xin LS cho biết là trong trường hợp cháu lập gia đình và nếu các cháu, sau một thời gian chung sống, thấy không còn hợp nhau nữa và xin ly dị thì căn nhà đó của cháu có bị ảnh hưởng trong việc chia tài sản hảy không" Nếu bị ảnh hưởng, thì cháu nên làm giấy tờ gì để bảo vệ tài sản đó" Tòa có quyền bác bỏ sự thỏa thuận này hay không"
Thực ra chúng tôi không coi trọng tài sản hơn là hạnh phúc lâu dài của các cháu. Tuy nhiên, có những trường hợp đã xảy ra trên thực tế làm chúng tôi không thể nào không nghĩ đến điều này được. Xin LS giúp ý kiến cho chúng tôi.

Trả lời: Mặc dầu việc phân chia tài sản sau khi hôn nhân đổ vỡ còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Khi ly dị và nộp đơn xin được phân chia tài sản thì căn nhà mà người con gái của ông đang đứng tên làm chủ sẽ bị ảnh hưởng, mặc dầu căn nhà này được liệt kê vào tiết mục những tài sản mà con gái của ông đã có sẵn vào lúc kết hôn.
Tuy nhiên, để bảo vệ tài sản này không bị ảnh hưởng đến việc xin phân chia tài sản khi hôn nhân bị đổ vỡ, “Đạo Luật Gia Đình” (the Family Law Act) đã quy định một số “các sự thỏa thuận về tài chánh” (financial agreements) để bảo vệ quyền lợi của các bên phối ngẫu.
Theo “thuật ngữ pháp lý” (legal terminology) sự thỏa thuận này được gọi là “sự thỏa thuận về tài chánh trước khi kết hôn” (financial agreements before marriage); hoặc “sự thỏa thuận trước khi kết hôn, hoặc [khế ước tiền hôn nhân]” (pre-nuptial agreements).
Điều 90B của Đạo Luật Gia Đình quy định rằng những người có ý định kết hôn với nhau có thể ký kết các sự thỏa thuận về tài chánh liên hệ đến các vấn đề nêu sau:
(1) Các sự thỏa thuận liên hệ đến việc phân chia tài sản của cả 2 bên phối ngẫu khi hôn nhân bị đổ vỡ, hoặc sự thỏa thuận liên hệ đến các tài sản mà các bên phối ngẫu đứng tên làm chủ vào lúc ký kết sự thỏa thuận này.
(2) Các thỏa thuận liên hệ tiền cấp dưỡng cho cả hai bên phối ngẫu “trong thời gian hôn phối và/hoặc sau khi ‘ly dị’ [giải trừ hôn nhân]” (during marriage and/or after the dissolution of marriage); hoặc
(3) “Bất cứ vấn đề bất ngờ hoặc phụ thuộc nào khác đối với các vấn đề trên” (any other incidental or ancillary matters to those above).
Để hiểu rõ hơn về các sự thỏa thuận này chúng ta thử xét xem luật pháp đã định nghĩa “các vấn đề bất ngờ hoặc các vấn đề phụ thuộc” (incidental or ancillary matters) là những vấn đề gì"
Thực ra, Đạo Luật Gia Đình khi được ban hành vào năm 1975 đã không định nghĩa hoặc đưa ra bất cứ thí dụ nào liên hệ đến các vấn đề được gọi là “vấn đề tình cờ hoặc phụ thuộc” này cả.
Tuy nhiên, áp dụng “sự giải thích hiến pháp” (constitutional interpretation), chúng ta có thể thấy được rằng “vấn đề tình cờ và phụ thuộc” là những vấn đề có sự liên hệ mật thiết đối với “chủ đề của việc phân chia tài sản hoặc sự cấp dưỡng cho người phối ngẫu trong thời gian hôn phối hoặc sau khi ly dị” (the subject of property division or spousal maintenance during marriage or after dissolution).


Ví dụ, việc trả toàn bộ tiền thiếu nợ hàng tháng trong thẻ tín dụng cho người phối ngẫu, hoặc việc trả tiền hàng tháng còn thiếu cho chiếc xe mà người phối ngẫu đã mua thiếu chịu, hoặc việc trả tiền giáo dục cho đứa con của hôn phối hoặc đứa con của người vợ hoặc người chồng trước đều được gọi là “những vấn đề tình cờ hoặc phụ thuộc” đối với việc cấp dưỡng cho người phối ngẫu trong thời gian hôn phối.
Điều 90G của Đạo Luật Gia Đình đòi hỏi “khế ước tiền hôn nhân” (pre-nuptial agreement):
(1) Phải được cả hai bên đương sự đồng ý và ký kết.
(2) Trong ‘bản khế ước’ [tờ thỏa thuận] đó phải có điều khoản nói rõ rằng mỗi một bên đương sự đã được sự cố vấn độc lập do luật sư của đương sự đưa ra liên hệ đến các vấn đề sau:
a) ảnh hưởng của bản khế ước đó đối với các quyền lợi của đương sự
b) bản khế ước đó có những lợi điểm hoặc những điểm bất lợi nào đối với đương sự
c) có nên ký kết sự thỏa thuận đó hay không
d) bản khế ước đó có công bằng và hợp lý để được ký kết trong tình huống đó hay không
(3) Phải có “chứng thư” (certificate) do LS ký vào đó để chứng nhận rằng những lời cố vấn liên hệ đến các vấn đề vừa nêu đã được đưa ra cho đương sự biết.
(4) Sự thỏa thuận đó chưa bị hủy tiêu hoặc bị tòa án bác bỏ.
(5) Sau khi ký kết, bản chính của tờ thỏa thuận sẽ được một bên đương sự lưu giữ và một bản sao sẽ được trao cho đương sự phía bên kia.
Hầu hết các bản “khế ước tiền hôn nhân” đã được ký kết nhằm mục đích phân chia tài sản trong trường hợp ly dị. Tuy nhiên, trong trường hợp một bên đương sự qua đời, Điều 90H của Đạo Luật Gia Đình quy định rằng “khế ước tiền hôn nhân” đó sẽ có hiệu lực pháp lý đối với các đứa con của hôn phối và các người thừa kế pháp định.
Trong một vài trường hợp đặc biệt, theo Điều 90K của Đạo Luật Gia Đình, mặc dầu “khế ước tiền hôn nhân” được ký kết theo sự quy định vừa được nêu trên, tòa vẫn có thẩm quyền đưa ra quyết định để hủy tiêu hoặc bác bỏ khế ước này nếu tòa nhận thấy rằng:
a) sự thỏa thuận đã đạt được do sự gian trá. Ví dụ: một bên đương sự giấu giếm không cho đương sự kia biết về những vấn đề quan trọng trước khi ký kết; hoặc
b) sự thỏa thuận là bất hợp lệ hoặc không thể thi hành được. Ví dụ; những thủ tục cần thiết đã không được tuân theo; hoặc
c) từ lúc kết ước, tình huống đã thay đổi làm cho bản khế ước không thể nào thực hiện được.
Như trên đã trình bày, ông có thể yêu cầu LS soạn thảo một bản thỏa thuận gọi là “khế ước tiền hôn nhân” (pre-nuptial agreement) để bảo vệ tài sản mà ông bà cùng cháu tậu mãi được do sự tận tụy làm việc.
Việc yêu cầu người chồng, hoặc vợ sắp cưới ký vào bản “khế ước tiền hôn nhân” này không phải vì thế mà làm phai nhạt đi hạnh phúc của lứa đôi, cũng không phải vì thế mà cho rằng đó chính là nền tảng tạo nên cái hố cách biệt trong hôn nhân như nhiều người đã lầm tưởng, mà ngược lại – trong một vài trường hợp đặc biệt - đây chính là nền tảng của hạnh phúc lứa đôi, và nếu không, thì ít ra đây chính là sự thử thách về lòng trung thành của các bên hôn phối VÌ có những điều khoản trong bản khế ước loại này quy định rằng nếu em sống trung với anh, hoặc anh sống trung thành với em trong thời gian 10, 15 hoặc 20 năm gì đó thì toàn bộ tài sản hiện thời mà em [hoặc anh] đang có là tài sản chung của chúng ta.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.