Hôm nay,  

Mắt Em Dìu Dịu Buồn Tây Phương

07/02/200300:00:00(Xem: 6263)
Thơ Quang Dũng

Bài viết "Người Sơn Tây", trong Tuyển Tập Tạp Ghi của Lô Răng mở ra bằng một cú phôn, của một ông bạn, rằng cái "câu hát 'Con gái Sơn Tây yếm thủng tầy giần, rốn lồi quả quýt...', là do kẻ viết bài [ký giả LR] bịa ra. Không, tôi đâu dám thế. Khả năng hạn hẹp của tôi không đủ sức sáng tác ra một bài hát ly kỳ như vậy..."
Bài hát ly kỳ đó quả có thiệt, như cá nhân người viết bài này đã từng nghe, hồi còn nhỏ, và trong lần về lại xứ Đoài mây trắng, mới đây, sau nửa thế kỷ xa cách, tôi đã được một người bà con đọc cho nghe toàn bài, khá dài, với khá nhiều chi tiết ly kỳ, tiếc không nhớ trọn để chép lại hầu độc giả. Trong có chi tiết về đôi mắt người Sơn Tây, không "xoáy vào" vẻ đẹp dìu dịu buồn, nhưng mà là "toét nhèm, đo đỏ, mọng nước" của nó.
Lô Răng tự hỏi, "Lý do nào mà người Sơn Tây lại tự trào, tự biếm mình như thế thì cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu nổi." Tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng những chi tiết về cửa sổ [đôi mắt] mở ra linh hồn của những cô gái Sơn Tây, có thể đã có một thời đúng như trên miêu tả, và là do hậu quả của "thổ ngơi" (đất đỏ) tại vùng này.

Trong những nhân vật nổi cộm của Sơn Tây, Lô Răng bỏ qua một vài người. Thí dụ như ngoài Cử Bình, tức Chu Văn Bình, tức Chu Tử, người làng Thừa Lệnh, còn có Cử Côn, tức Chu Quang Côn, người làng Phú Hữu, kế ngay bên làng Thừa Lệnh. Hai ông cử này, tuy là bạn học, tuy cùng họ Chu, nhưng không phải bà con, một người vào Tề, người theo Kháng Chiến. Trên web site Tin Văn, do người viết phụ trách, hiện đang đăng hồi ký của Chu Quang Cảnh, em ruột Chu Quang Côn, viết về ông anh của ông, và những ngày Hà Nội vào cuộc toàn quốc kháng chiến. Chu Quang Côn là chú của tôi.

"Còn nhớ dạo 'nín thở qua sông' ở miền nam, tôi sống như cỏ cây trong một khu vườn ngoại thành. Thỉnh thoảng một vài người bạn đi xe đò lên thăm. Một hôm có hai ông bạn làm thơ, ông Thanh Tâm Tuyền và ông Cung Trầm Tưởng lên chơi. Chúng tôi ngồi dưới gốc chôm chôm, chuyện phiếm. Ông Cung Trầm Tưởng lai rai đọc thơ Quang Dũng, bài 'Đôi Mắt Người Sơn Tây': 'Vừng trán em vương trời quê hương, Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương'. Nhà thơ tác giả 'Tiễn Em' vốn ngày xưa học ở bên Pháp, chợt nghiêng đầu mà hỏi; 'Sao lại buồn Tây Phương, sao lại có beauté grecque [vẻ đẹp Hy Lạp] ở đây kìa'.
Và Lô Răng trả lời, Tây Phương là chùa Tây Phương ở Sơn Tây.

Nhưng Sơn Tây quả có một vẻ đẹp đến từ Tây Phương thật, và hiện nay là một trong những kỳ quan của nó, phân biệt với những vùng khác tại miền bắc. Kỳ quan này có tên là Lô Cốt!


Sau đây xin giới thiệu [trích đoạn] bài viết của Phan Huyền Thư - nữ thi sĩ, tuy sinh tại Hà Nội, nhưng cũng dân kẻ Nủa, tức làng Hữu Bằng, quê Lô Răng - về kỳ quan này. Bài đăng trên báo Tia Sáng (trong nước) số 5/4 tới 5/5 năm 2001 tranh. Cô còn viết dưới bút hiệu Phan Lạc Nhi, qua bài viết Xẩm thất truyền cũng trên cùng số báo.

Lô Cốt, Di Sản Vô Giá Của Chiến Tranh
Phan Huyền Thư
"Người Pháp khi vào Việt Nam đô hộ đã mang theo những phong cách kiến trúc tuyệt vời, đồng thời họ cũng mang theo một hệ thống lô cốt được xây dựng theo trọng tuyến trên khắp đất nước. Biết đâu lô cốt sẽ còn bền bỉ hơn những ngôi chùa nét cong diêm dúa dòng Đại thừa hay Tiểu thừa long phụng nhả ngọc phun châu... Hiện nay, trong khu tư liệu lích sử còn khá nhiều những dấu vết của nền móng thuộc địa đầu tiên mà người Pháp áp đặt lên nước An nam nhỏ bé mà gai góc này, như bức ảnh chụp nền móng lô cốt Pháp xây trên bệ rồng kinh thành Thăng Long xưa...
Hơn bất kỳ một bảo tàng quân đội hay chiến tranh nào khác, lô cốt đã trở thành một biểu tượng mang tính cạnh tranh với những di sản văn hóa lạc Việt."
"Một làng nhỏ ở Hải Dương, trong kháng chiến chống Pháp có một câu chuyện rất thương tâm, mở và đóng trong một cái lô cốt đầu làng. Một phụ nữ, tình nghi là vợ du kích nên bị cai đồn bắt ra bốt đầu làng.Chị bị hãm hiếp trong cái lô cốt đó. Sau chồng trở về, thấy vợ mang thai nên đã không chấp nhận. Chị lại ra lô cốt ở khi quân Pháp đã rút đi, đẻ đứa con của mình ở chính lô cốt đó. Sau này, cái lô cốt trở thành nhà của hai mẹ con. Người cha đứa bé hình như có đi tìm lại con và gặp nhau trong lô cốt, nhận tình phụ tử... Ngày nay có thể tìm về nơi xẩy ra câu chuyện và gặp lại những người trong cuộc....."
"Sơn Tây là mảnh đất nhiều lô cốt nhất trên cả nước. Xứ sở này mặc nhiên mang một vẻ đẹp u uẩn và thiên về âm tính. Cũng ở đây, lô cốt ít bị phá lấy đá hay dẹp đường, người ta phát hiện ra vẻ kiên cố kín đáo của lô cốt, để 'cố thủ' những tình cảm riêng""...

Phan Huyền Thư đã tiên đoán đúng, về sự trường tồn của lô cốt, so với chùa Tây Phương, như Lô Răng cho biết, về "tin mới nhất tôi vừa nhận được là tượng Phật Bà trăm mắt trăm tay tại chùa Tây Phương vừa được lấy đi, chắc là mang xuất khẩu..."
Và ông kết luận, so với câu thơ mà Cao Bá Quát "phang" quê hương Sơn Tây của ông và cũng là của người viết bài này ('Nhà dột một vài gian, một thầy, một cô, một chó cái/Học trò dăm bẩy đứa, nửa người, nửa ngượm, nửa đười ươi'), thì "cái tin trên còn nặng hơn là lời miệt thị của ông Cao Bá Quát dạo nào."
NQT

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.