Hôm nay,  

Trí Thức Phải Dám Nói

21/04/200300:00:00(Xem: 4863)
Thượng Tọa Tuệ Sĩ tên thật Phạm Văn Thương, sinh năm 1943 tại làng Tân An, huyện Thahine tỉnh Pakse, nước Lào. Thân phụ ngài là cụ Phạm văn Phẩm, thân mẫu ngài là cụ Đặng thị Chín, chánh quán Đức Phổ, tỉnh Quảng Bình, lập nghiệp tại Lào từ thập niên 30. Năm 12 tuổi, ngài về Sàigòn, và tu học qua các chùa Từ Đàm Huế, Phật học viện Hải Đức Nha Trang, Thiền viện Quảng Hương Già Lam ở Gò Vấp. Năm 20 tuổi, ngài có pháp danh Tuệ Sỹ, và trở thành giáo sư trường Đại học Vạn Hạnh Sài gòn. Ngài từng là Chủ bút tập san Bát Nhã, cơ quan truyền bá giáo lý của tổng vụ Hoằng pháp, và là Trưởng ban tu thư Viện Đại học Vạn Hạnh Sàigòn. Sau năm 1975, ngài phải đi làm rẫy tại Nha Trang. Đến giữa năm 1977, ngài trở lại sống trong chùa Già Lam, SG. Khoảng đầu năm 1978 ngài bị bắt, và được trả tự do năm 1981. Ngày 1.4.1984, ngài lại bị CS bắt giam, và trong phiên tòa kéo dài ba ngày 28, 29 và 30 tháng 9.1988, ngài bị kết án tử hình. Nhờ tình thương yêu của mọi người và cuộc vận động quốc tế ráo riết của Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, từ Liên Hiệp quốc đến các chính giới Âu, Mỹ, Úc, Á, CS phải giám bản án tử hình xuống 20 năm khổ sai. Ngày 2 tháng 9 năm 1998, ngài được trả tự do sau 14 năm khổ sai.

Không những là một vị chân tu khả kính, uyên thâm Phật pháp, một vị cao tăng chấp nhận dấn thân để cứu vớt chúng sinh khỏi bể khổ, ngài còn là một nhà đại trí thức, tác giả của nhiều tác phẩm tên tuổi trong kho tàng kiến thức Việt Nam, như Đại Tự Điển Bách Khoa Phật Giáo Việt Nam (viết cùng Đại Đức Thích Trí Siêu Lê Mạnh Thát), Triết Học Về Tánh Không, Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng, Trung Quán Luận, Triết Học Tây Phương Hiện Đại (dịch), Thiền Luận (dịch, tập trung và hạ -tập thượng do Trúc Thiên dịch), Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam (dịch từ nguyên tác Pháp ngữ của Trần Văn Giáp), Kinh Lăng Già (dịch)... Đặc biệt, bên cạnh trí tuệ siêu việt, Thượng Tọa Tuệ Sĩ còn là người có một tâm hồn trác tuyệt dành cho thơ. Cố thi sĩ Bùi Giáng đã có lần nhận xét về ngài: Tuệ Sỹ là người mang một nguồn thơ Việt phi phàm, trùm lấp hết chân trời mới cũ, từ Đường Thi Trung Hoa tới siêu thực tây phương.

Sau đây, Sàigòn Times xin trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả bài viết tâm huyết của Thầy, gửi từ Sài Gòn, nói lên bản chất phi nhân của chế độ CSVN, tính nhẫn nại chịu đựng của những người dân nghèo bị chế độ đàn áp, và niềm tin sắt son của Thầy đối với những người trí thức chân chính của Việt Nam.

* *

Kính thưa quí vị,

Hân hạnh gửi đến quý vị một vài ý nghĩa phiến diện về những điều đè nặng tâm trí tôi trong suốt thời gian ở tù. Nhưng điều trước tiên tôi muốn bày tỏ ở đây là sự tri ân của tôi đối với đồng bào hải ngoại, với sự cộng tác của quốc tế, đã can thiệp một cách có hiệu quả khiến cho bản án tử hình dành cho tôi trở thành bản cáo trạng dành cho những người tự cho có quyền xét xử tôi và phán xét những người đã hành động theo lương tâm. Tiếp theo, sự can thiệp đã khiến cho Nhà Nước Cộng Sản Việt nam phải tuyên bố trả tự do cho tôi, nhưng nhiều người bạn tù của tôi vẫn còn bị khổ trong các trại tù. Trong số đó có nhiều người bị giam cầm gần 25 năm, vượt quá thời hạn mà luật Hình sự của Nhà nướcViệt Nam quy định đối với việc thi hành các bản án giam giữ có thời hạn.
Ở đây, tôi cũng xin bầy tỏ sự cảm kích sâu xa đối với các cộng đồng Việt Nam hải ngoại đang đấu tranh cho một nước Việt Nam trong sáng và tự do. Tôi cũng xin gởi lời cảm ơn đến các nhân sĩ Hòa Lan, trong tình cảm nhân loại đã trực tiếp can thiệp với chính phủ Việt Nam cho tôi được sang thăm viếng đất nước Hòa Lan, để có thể có điều kiện tự do hơn nói lên tiếng nói thầm lặng mà đã một phần tư thế kỷ bị bóp nghẹt.
Trong những năm gần đây, trước cả khi tôi được lịnh phải rời khỏi nhà tù để trở về chùa, có rất nhiều đồng bào ta từ nước ngoài về thăm và càng ngày càng chứng kiến những đổi thay được nói là đáng khích lệ. Khích lệ theo chiều hướng nào, còn tùy theo cách nhìn mỗi người. Riêng tôi, tôi không có được may mắn là chứng nhân trực tiếp trước những thay đổi của đất nước, mặc dù tôi đang sống trong lòng quê Cha đất Tổ. Đó là điều tốt hay xấu, cũng còn tùy cách nhìn của mỗi người.
Mặc dù không có cái may như nhiều đồng bào sau khi sống tự do 15, 20 năm ở nước ngoài về thăm quê, thấy được những đổi thay từ trên thượng tầng, thấy được sự giầu sang của đất nước qua những tiện nghi vật chất từ các khách sạn năm sao dành cho cán bộ cao cấp và khách nước ngoài, từ những tiếp đón niềm nở và linh đình của những nhân vật thuộc thượng tầng xã hội, với những đặc quyền xã hội mà điều kiện chính trị dành cho, nhưng tôi có cái "may mắn" khác - nếu cho đó là may mắn - được sống chung trong một thời gian rất dài với thành phần được xem là "cặn bã" của xã hội. Chính từ xã hội gọi là cặn bã ấy tôi đã chứng kiến những đổi thay trong nhà tù như là ảnh chiếu của những "đổi thay to lớn" của đất nước. Sự chứng kiến đơn giản và dễ hiểu thôi.
Cũng như người ta chỉ cần nhìn vào rác rưởi phế thải được dồn ra sân sau mà có thể biết những thứ đã được tiêu thụ ở sân trước. Chúng tôi, một số người từ lâu đã được học tập để thành thói quen suy nghĩ số phận dân tộc từ những đống rác, đã tự mình đặt thành nhiều câu hỏi cho lương tâm nhân loại, cho ý nghĩa tiến bộ của xã hội loài người, và trên tất cả là một câu hỏi lịch sử: Đất nước đã thấm bao nhiêu xương máu của bao nhiêu thế hệ ông cha và bè bạn để dồn lại thành những đống rác như thế, những đống rác càng ngày càng to phình lên một cách khủng khiếp.
Việt Nam đang là một đống rác khổng lồ. Đó không phải là ý nghĩ riêng của tôi, mà là nhận xét của nhân vật cao cấp nhất của đảng Cộng Sản Việt Nam. Đây không phải là ý nghĩa kinh tế. Nó bao trùm tất cả mọi khía cạnh đời sống: văn hóa, chính trị, và cả tôn giáo. Vậy thì, một câu hỏi cần phải được đặt ra cho những ai còn có chút tự trọng dân tộc: Tại sao một dân tộc luôn luôn tự hào với truyền thống bốn nghìn năm văn hiến, bỗng nhiên để cho đất nước mình trở thành một đống rác, kho chứa tất cả những gì xấu xa nhất của nhân loại văn minh" Nguyên nhân từ đâu và do ai"
Trong gần mười lăm năm trong tù, điệp khúc tôi phải thường xuyên học tập để ca ngợi tính can đảm của đảng Cộng Sản Việt Nam: "Cán bộ làm sai, đảng tri... Đảng làm sai, đảng sửa." Tôi cũng thường xuyên trả lời: Đó không phải là sự can đảm, mà là thái độ cai trị khinh dân; xem dân như là vật thí nghiệm cho những tư duy không tưởng, học thuyết viễn vông của mình.
Tôi cũng thường xuyên bị học tập rằng, chính sách đoàn kết dân tộc của đảng là làm cho "dân tin đảng và đảng tin dân." Tôi cũng thường xuyên trả lời: làm cho dân tin đảng; đó là điều tất nhiên và dễ hiểu thôi vì có đáng tin thì người ta mới tin được; vì đảng cần được dân tin tưởng để tồn tại, dù chỉ là tin tưởng giả tạo. Nhưng "dân tin đảng" có nghĩa là thế nào" Nếu đảng không tin dân thì đảng xử lý dân như thế nào" Câu trả lời thực tế: Cả nước trở thành một nhà tù vĩ đại.
Ngày nay, khi không còn ở trong nhà tù nhỏ như mười lăm năm trước nữa, tôi không còn có điều kiện để được lên lớp chính tri. Tôi hy vọng đảng Cộng Sản Việt Nam không còn có cái can đảm như xưa, để thử nghiệm học thuyết của mình thêm nhiều lần nữa; và cũng không thi hành chính sách "đại đoàn kết" như xưa, để dân có thể sống tự tại mà không bị đảng nghi ngờ.
Mặc dù có những thay đổi lớn nhìn từ góc độ nào đó, nhưng thực tế tôi biết chắc rằng có một điều không thay đổi. Đó là: đảng Cộng Sản vẫn tự coi mình là ân nhân của dân tộc và do đó có độc quyền quyết định số phận của dân tộc (mà là ân nhân hay tội đồ gì thì quần chúng và lịch sử trước mặt sẽ phán xét). Đó là điểm khác biệt với các chế độ chuyên chính lừng danh trong lịch sử. Đây cũng chính là nguyên nhân của một trong những điều mà các đảng viên bảo thủ cho là "rác rưới tư bản". Điều đó là nạn tham nhũng. Bởi vì, quan liêu, hách dịch, thái độ kẻ cả ban ơn, vừa là bản chất và vừa là dưỡng chất của tệ nạn tham nhũng của Việt Nam hiện nay.
Mọi tội phạm xảy ra đều do một bên gây hại và một bên bị hại. Trong tham nhũng, mới nhìn thì không có ai bị hại một cách rõ ràng. Trước mắt, người đưa hối lộ và người nhận hối lộ đều nhận được những điều lợi nhất định. Như vậy người bị hại chính là quần chúng, không đủ đặc quyền để tham gia nhằm hưởng lợi trực tiếp từ nạn tham nhũng. Nghĩa là những thành phần cùng khốn của xã hội chẳng có gì để cho, nên chẳng nhận được gì, vì vậy họ trở thành nạn nhân. Tính cá biệt của nạn nhân tham nhũng ở Việt Nam hiện tại là do thái độ ban ơn của những kẻ có chức quyền đối với "thần dân" dưới sự cai trị của mình.
Tham nhũng ở Việt Nam không chỉ là thỏa thuận song phương để dành những hợp đồng kinh tế béo bở. Nó bòn rút xương tủy của nhân dân; những người cùng khốn phải còng lưng lao động để có tiền đóng thuế.
Tham nhũng là gốc rễ của các tệ nạn xã hội khác. Vì nó tổ chức bao che và nuôi dưỡng chung. Nó xói mòn mọi giá trị đạo đức truyền thống. Bảo vệ hay phát huy văn hóa dân tộc trên cơ sở đó chỉ là lá chắn cho tệ nạn tràn lan mà thôi.
Tôi nói, tham nhũng là sân sau của quyền lực. Bởi vì chính những người dân cùng khốn, là tiếng nói luôn luôn bị áp chế bằng sự dọa nạt, là những người bị trấn áp bởi bạo quyền chuyên chính khốc liệt nhất, nhưng cũng lặng lẽ chịu đựng nhất. Đó là những chứng nhân cho mặt trái của tham nhũng và quyền lực; nạn nhân trực tiếp của tất cả sự áp chế của nó đối với giá trị nhân phẩm.
Có lẽ tôi muốn kể lại đây một câu chuyện thương tâm, để chúng ta hiểu phần nào bản chất tham nhũng trong một chế độ thường tự hào là không có người bóc lột người. Chuyện xảy ra trong trận lụt vào cuối năm vừa qua.
Tại xã Hương Thọ huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên có một gia đình nghèo khổ sống lênh đênh trên một chiếc đò. Khi cơn lụt ập đến, gia đình này là duy nhất có ghe ở địa phương miền núi này, do đó đã vớt được trên 80 người khỏi cảnh chết chìm. Sau nước rút, thỉnh thoảng có vài phái đoàn đến cứu trợ. Các gia đình khác đều nhận được cứu trợ. Chỉ trừ gia đình anh. Lý do: không có hộ khẩu, vì lâu nay gia đình này nghèo quá, phải sống "vô gia cư" phiêu bạt trên các sông suối nên không có hộ khẩu thường trú. Dân làng biết ơn anh, xin chính quyền địa phương cấp hộ khẩu cho. Nhưng thiếu điều kiện nhập hộ: gia đình anh không có đủ 400,000 đồng VN để hối lộ. Khi các thầy của tôi lên cứu trợ, dân làng tự động đến tường thuật sự việc để các thầy giúp đỡ. Các thầy giúp đủ số tiền, nhưng với điều kiện phải giấu kín nguồn gốc. Vì sẽ còn nhiều vấn đề rắc rối khác.
Điều tôi muốn nói ở đây không phải nhắm đến tệ nạn tham nhũng. Mà là nhân cách của gia đình nghèo khốn ấy; và thái độ chịu đựng sự bất công một cách thầm lặng đáng kính phục. Dù sống dưới mức tận cùng khốn khổ, anh vẫn giữ vẹn giá trị nhân phẩm của mình. Làm ơn cho nhiều người, nhưng không kể ơn để được đền bù. Chỉ có dân làng biết ơn và tự động đền đáp. Nhưng dân ai cũng nghèo khổ và lại gặp hoạn nạn như nhau, lấy gì chu cấp cho nhau"
Khắp cả đất nước này, có bao nhiêu trường hợp như vậy. Đó là những cuộc sống ở sân sau của quyền lực, sống trong bóng tối của xã hội. Nếu họ không lên tiếng, ai biết họ ở đây. Nhưng họ lại không lên tiếng. Vì không thể, hay vì không muốn" Do cả hai. Điều mà quý vị biết rõ là tôi đang nói chuyện ở đây cũng chỉ là cách nói "lén lút qua mặt chính quyền." Tôi chưa biết ngày mai của tôi ra sao, khi những điều tôi nói không làm hài lòng Đảng và Nhà nước.
Hoàn cảnh đất nước Việt Nam như thế cho nên dân ta phải chịu quá nhiều đau thương và tủi nhục. Đối với giới trí thức nói riêng, mà xã hội Việt Nam truyền thống rất tôn trọng, điều tủi nhục lớn nhất là họ không thể thay những người dân thấp cổ bé miệng nói lên một cách trung thực tất cả những uất ức, những khổ nhục mà họ phải chịu. Bởi vì, tại Việt Nam ngày nay những người có thể nói thì ngòi bút đã bị cong; những người muốn nói thì ngòi bút đã bị bẻ gẫy.
Nhưng tôi biết rõ một điều, và điều đó đã được ghi chép trong lịch sử: Trí thức chân chính của Việt Nam không bao giờ khiếp nhược.

Trân trọng kính chào quí vị.
Tu Viện Quảng Hương, Sài Gòn, VN

Phỏng vấn

Ông Nguyễn Ngọc Đức, Tổng Thư Ký Liên Minh VNTD, Thành Viên Ủy Ban Phối Hợp Hành Động Hội Đồng VN Bảo Toàn Đất Tổ

Hữu Nguyên

LTS: Trước hành động lén lút cắt đất, cắt biển dâng cho quan thầy Trung Cộng của CSVN, cuối năm 2002 vừa qua, đông đảo qúy vị lãnh đạo tinh thần, thân hào, nhân sĩ, cùng các hội đoàn, đoàn thể trong cộng đồng người Việt trên toàn thế giới đã bừng bừng khí thế đổ về Nam California, Hoa Kỳ để tham dự một hội nghị có tên Hội Nghị Diên Hồng Hải Ngoại Bảo Toàn Đất Tổ. Sau thời gian 2 ngày đại hội, Hội Nghị đã thành lập Ủy Ban Phối Hợp Hành Động, bao gồm đại diện người Việt tại các châu lục. Nhằm quảng bá sâu rộng tinh thần của Hội Nghị tới đông đảo người Việt tại Úc, Ủy Ban Phối Hợp Hành Động tổ chức các cuộc hội thảo đề tài, “Phát huy tinh thần Diên Hồng: Đấu tranh bảo toàn Đất Tổ”, tại NSW, Victoria, Nam Úc và Tây Úc, với các diễn giả: Ông Nguyễn Ngọc Đức, Tổng Thư Ký Liên Minh Việt Nam Tự Do, đến từ Pháp; Ông Đoàn Việt Trung, Chủ tịch Cộng Đồng NVTD Úc Châu, đến từ Melbourne; và Ông Nguyễn Hoàng Thanh Tâm, đại diện Mạng Lưới Tuổi Trẻ VN Lên Đường.

Để có thể nắm được tinh thần của Hội Nghị Diên Hồng Hải Ngoại Bảo Toàn Đất Tổ cùng phương thức đấu tranh cho quê hương VN trong giai đoạn tới, sau đây, kính mời qúy độc giả theo dõi bài phỏng vấn Ông Nguyễn Ngọc Đức, Tổng Thư Ký LMVNTD, và là thành viên của Ủy Ban Phối Hợp Hành Động Hội Đồng Việt Nam Bảo Toàn Đất Tổ.

*

SGT: Thưa ông, được biết, Hội Đồng Việt Nam Bảo Toàn Đất Tổ được thành lập ngày 29/12/2002 tại Hội Nghị Diên Hồng Hải Ngoại Bảo Toàn Đất Tổ. Vậy xin ông cho biết mục tiêu chính yếu và cơ cấu hoạt động của Hội Đồng"
Ông N.N. Đức: Trước hết, tôi xin cám ơn quí báo đã cho tôi có cơ hội trao đổi với quí độc giả về những vấn đề mà tôi tin rằng tất cả chúng ta đều quan tâm, đó là vấn đề bảo toàn đất tổ, vấn đề giành lại tự do dân chủ cho người Việt Nam,... Về mục tiêu thành lập Hội Đồng Việt Nam Bảo Toàn Đất Tổ, chắc ông và quí thính giả cũng đồng ý là vấn đề tranh đấu để bảo toàn đất tổ vượt qua khỏi khả năng của một tổ chức hay của bất cứ tập hợp quần chúng nào. Cuộc đấu tranh này đòi hỏi sự tổng hợp sức mạnh của nhiều tổ chức, đoàn thể, của nhiều thành phần quần chúng, của người Việt cả trong lẫn ngoài nước. Mục tiêu chính yếu của việc thành lập Hội Đồng Việt Nam Bảo Toàn Đất Tổ là góp phần vào việc xây dựng sức mạnh tổng hợp đó. Với quan niệm phối hợp một cách cụ thể những công tác chung nhằm đấu tranh chấm dứt chế độ độc tài và bảo toàn đất tổ, Hội Đồng Việt Nam Bảo Toàn Đất Tổ đã không đặt nặng vấn đề cơ cấu hoạt động, mà chỉ thành lập một Ủy Ban Phối Hợp Hành Động nhằm đề xuất và phối hợp những kế hoạch, công tác mà các thành viên của Hội Đồng có thể cùng nhau tiến hành.
SGT: Bên cạnh việc thành lập Hội Đồng Việt Nam Bảo Toàn Đất Tổ, Hội Nghị còn quyết định thành lập một Hội Đồng Cố Vấn. Ông có thể cho biết việc thành lập HĐCV hiện tiến hành đến đâu"
Ông N.N. Đức: Hiện nay, Ủy Ban Phối Hợp Hành Động đang nỗ lực mời gọi các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, các bậc trưởng thượng, các vị thức giả trong cộng đồng,... tham gia vào Hội Đồng Cố Vấn. Đã có nhiều vị đồng ý tham gia vào Hội Đồng này và trong thời gian ngắn trước mắt, Ủy Ban Phối Hợp Hành Động sẽ công bố danh sách đầu tiên của Hội Đồng Cố Vấn.
SGT: Trong danh sách đầu tiên của HĐVNBTĐT có 71 hội đoàn, đoàn thể và một số cộng đồng, bao gồm cả CĐ Người Việt LB Úc Châu, như vậy những thành viên thuộc cộng đồng người Việt có tự động là thành viên của HĐVNBTĐT"
Ông N.N. Đức: Thưa không. Vì mặc dù những tổ chức, đoàn thể hoạt động trong một cộng đồng, nhưng mỗi tổ chức, đoàn thể đều có sự độc lập về quan điểm chính trị và sự tham gia hay không tham gia vào bất kỳ một cơ cấu phối hợp nào đều là quyền quyết định của các tổ chức và đoàn thể đó.
SGT: Thưa ông, tinh thần của Hội Nghị Diên Hồng đời Trần cách đây hơn 7 thế kỷ là "quyết tâm đoàn kết đánh giặc ngoại xâm" và tinh thần đó đã được thể hiện ngay sau đó bằng hành động cụ thể là đánh tan quân xâm lược Mông Cổ. Còn Hội Nghị Diên Hồng Hải Ngoại cuối năm 2002 vừa qua, đâu là tinh thần và hành động cụ thể của Hội Nghị"


Ông N.N. Đức: Tinh thần chính yếu của Hội Nghị Diên Hồng năm 1284 là tinh thần đoàn kết. Sự đoàn kết đưa đến quyết tâm và đã được thể hiện bằng hành động cụ thể là nỗ lực của toàn dân nhằm chống giặc ngoại xâm. Hội Nghị Diên Hồng Hải Ngoại Bảo Toàn Đất Tổ vào cuối tháng 12 năm 2002 cũng một hội nghị phát huy tinh thần đoàn kết. Hội nghị này đã quy tụ được hầu hết các tổ chức, cộng đồng và các khuynh hướng khác nhau của tập thể người Việt tại hải ngoại. Hầu hết tất nhiên không phải là tất cả. Vì không ai trong chúng ta lại có sự viễn mơ về một thế đoàn kết tuyệt đối trong công cuộc đấu tranh này. Do đó, sự kiện có những nhóm, những tổ chức vẫn đứng ngoài thế đoàn kết của đại đa số là điều luôn luôn xảy ra trong mọi nỗ lực tổng hợp sức mạnh đấu tranh chung. Hội Nghị Diên Hồng Hải Ngoại Bảo Toàn Đất Tổ đã diễn ra trong chiều hướng đó. Mặc dù không quy tụ được hết các tổ chức và khuynh hướng khác nhau, nhưng có thể nói đây là một hội nghị có số đoàn thể tham dự đông nhất từ trước đến nay và có mặt hầu hết những khuynh hướng tiêu biểu của cộng đồng. Ngoài ra, với sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều nhà dân chủ trong nước như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Linh Mục Phan Văn Lợi, các ông Phạm Quế Dương, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang và Trần Khuê, Hội Nghị Diên Hồng Hải Ngoại Bảo Toàn Đất Tổ đã vượt qua sự giới hạn của hải ngoại như tên gọi mà ban tổ chức đã khiêm nhường đặt cho nó, để trở thành một hội nghị chung của người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước, nhằm phát huy tinh thần Diên Hồng của đời Trần năm 1284. Nhưng thay vì trả lời câu hỏi "hòa hay chiến"" như các bô lão ở Điện Diên Hồng năm xưa, những đại biểu tham dự Hội Nghị đã trả lời câu hỏi "làm sao để chấm dứt chế độ độc tài bán nước"" bằng những quyết tâm kết ước. Đó là kết ước vượt qua mọi tỵ hiềm và khác biệt, sát cánh thành một đại khối dân tộc. Đó là kết ước phối hợp đấu tranh, mở rộng sự liên kết. Những kết ước này cho chúng ta một sự tin tưởng như lời kết luận của bản Tuyên Ngôn Diên Hồng Hải Ngoại Bảo Toàn Đất Tổ, đó là "tin tưởng vào tương lai xán lạn của đất nước và tin tưởng rằng với quyết tâm kết ước của người Việt Nam, với những nỗ lực phối hợp đúng đắn và cụ thể, với các chương trình hành động hợp lý và khả thi, toàn dân ta sẽ thành công trong mục tiêu chấm dứt chế độ độc tài bán nước và xây dựng thành công một nước Việt Nam tự do, dân chủ và phú cường".
SGT: Trong bản Tuyên Ngôn của Hội Nghị Diên Hồng Hải Ngoại Bảo Toàn Đất Tổ được tuyên đọc ngày Chủ Nhật 29 tháng 12 năm 2002, có phần kêu gọi mọi người Việt ở khắp nơi cùng nhau kết ước 3 điểm, trong đó có điểm thứ hai: "Muốn bảo toàn đất tổ, dân tộc Việt Nam phải giành lại quyền làm chủ đất nước. Do đó, toàn dân Việt Nam quyết tâm dồn mọi nỗ lực đấu tranh để dứt điểm chế độ độc tài bán nước hiện nay càng sớm càng tốt, nhằm xây dựng một thế chế vì dân, vì nước thật sự". Như vậy, thưa ông, đâu là giải pháp để "dứt điểm chế độ độc tài bán nước hiện nay"" Và trong bối cảnh mới của thế giới hiện nay, cụ thể Mỹ đơn phương tự vệ bằng cách tấn công Iraq bất chấp sự chống đối của LHQ, ông có nghĩ trong những giải pháp đấu tranh "dứt điểm chế độ độc tài bán nước" nên có giải pháp đấu tranh bằng quân sự"
Ông N.N. Đức: Với hai ngày ngắn ngủi của Hội Nghị, các thành viên tham dự không có tham vọng đề ra những giải pháp mang tính chiến lược như ông hỏi, mà chỉ tập trung vào việc thảo luận nhu cầu phối hợp chung, thảo luận một số công tác cụ thể cho nhu cầu phối hợp này. Do đó, “Giải pháp nào để dứt điểm chế độ độc tài bán nước hiện nay" Nên có giải pháp đấu tranh bằng quân sự hay không"” đã không có sự thảo luận nào trong hội nghị. Hẳn nhiên, mỗi tổ chức đều có quyền có những quan điểm của mình về vấn đề này. Riêng Liên Minh Việt Nam Tự Do, chúng tôi không quan niệm giải pháp đấu tranh bằng quân sự có thể giải quyết được vấn đề Việt Nam. Đất nước ta đã quá khổ đau vì các cuộc chiến kéo dài trong thế kỷ qua, do đó, một cuộc chiến tranh mới nếu xảy ra, sẽ dẫn đến những hậu quả rất tai hại cho đất nước và dân tộc. Trong khi đó, chúng tôi tin rằng chúng ta có thể dứt điểm được chế độ độc tài với một tiến trình chuyển hóa dân chủ trong hòa bình, bằng cách khai dụng áp lực ngay trong lòng chế độ, áp lực đến từ quần chúng và áp lực từ phía quốc tế.
SGT: Trong bài diễn văn nhan đề "Những Chương Trình Hành Động Hướng Vào Quốc Nội" được ông đọc tại Hội Nghị Diên Hồng Hải Ngoại ngày Thứ bảy 28 tháng mười hai 2002, ở phần 4, "Xác định những mục tiêu hướng vào quốc nội", ông có đưa ra đề nghị: "Chúng ta phải khai thác tối đa sự kiện biên giới để đánh sập chiêu bài dân tộc của đảng CSVN, làm cho tập đoàn này hiện nguyên hình là một tập đoàn phi dân tộc, bán nước, bị dân tộc và lịch sử đời đời nguyền rủa". Như vậy phải chăng đánh sập chế độ độc tài CSVN là mục tiêu then chốt của Hội Nghị Diên Hồng Hải Ngoại BTDT"
Ông N.N. Đức: Hội nghị đã nhận định rất rõ ràng là với sự lệ thuộc và với bản chất đặt quyền lợi tập đoàn lên trên quyền lợi dân tộc, đảng Cộng Sản Việt Nam đã nhiều lần nhượng bộ, dâng hiến lãnh thổ cho ngoại bang, để bảo vệ độc quyền thống trị. Do đó, ngày nào tập đoàn độc tài này còn nắm quyền, ngày đó đất đai và lãnh hải của Việt Nam vẫn còn tiếp tục bị đe dọa và sẽ mất dần vào tay của Trung Cộng. Với nhận định này, Hội Nghị cho rằng chúng ta phải dứt điểm chế độ độc tài bán nước hiện nay, thì mới giải quyết được rốt ráo vấn đề đất đai lãnh hải. Nói cách khác, chúng ta phải giải quyết kẻ nội thù bán nước trước, thì mới giải quyết được vấn đề ngoại xâm.
SGT: Nếu so sánh giữa chế độ CSVN với Iraq, chắc ông cũng đồng ý, CSVN hà khắc, tàn ác và độc tài gấp bội Iraq. Vì vậy, trong mục Diễn Đàn Độc Giả của Sàigòn Times tuần này, một độc giả đã nhận xét rất hợp lý là nếu Mỹ tấn công CSVN, dân VN sẽ ồ ạt nổi dậy ủng hộ Mỹ và chỉ vài ba ngày là chế độ CSVN sụp đổ. Trong cương vị của một thành viên của Ủy Ban Phối Hợp Hành Động, ông có hậu thuẫn việc Mỹ tấn công CSVN hay không"
Ông N.N. Đức: Chúng ta chỉ có thể lượng định xem mình sẽ chọn thái độ nào trước một sự kiện của tương lai, nếu sác xuất xảy ra của sự kiện này cao. Cá nhân tôi đánh giá rằng trong khoảng thời gian vài năm trước mặt, sác xuất Mỹ dùng quân sự tấn công CSVN rất thấp và có thể nói là gần với số không.
SGT: Theo tin tức mới nhất, sau khi thủ đô Baghdad sụp đổ, hầu hết các tòa đại sứ của Iraq trên thế giới đều ngưng hoạt động, hoặc tuyên bố trung thành với nhân dân Iraq thay vì với Saddam Hussein. Riêng đại sứ Iraq tại Hà Nội với sự hậu thuẫn của CSVN vẫn ngoan cố tuyên bố, dân Iraq sẽ tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ một tháng, một năm hay 10 năm nữa. Theo ông, ta nên khai thác sự hậu thuẫn Saddam Hussein của CSVN như thế nào để có lợi cho cuộc đấu tranh lật đổ chế độ CS"
Ông N.N. Đức: Đặc điểm giống nhau giữa chế độ CSVN và chế độ Saddam Hussein là độc tài, tàn bạo. Một yếu tố tương đồng khác của hai chế độ này là thái độ thù hận đối với Hoa Kỳ. Về phía CSVN, mặc dù cuộc chiến gọi là "chống đế quốc Mỹ xâm lược" đã chấm dứt cách đây 28 năm và hai bên cũng đã nối lại bang giao, nhưng thái độ thù hận đối với Hoa Kỳ vẫn còn âm ỉ trong lòng của giới lãnh đạo của đảng CSVN. Do đó, người ta đã không ngạc nhiên khi Hà Nội đã chống cuộc chiến tại Iraq một cách kịch liệt và một cách gián tiếp, hậu thuẫn cho chế độ độc tài của Saddam Hussein. Chúng ta cần cho dư luận quốc tế, đặc biệt là dư luận tại Hoa Kỳ, thấy thái độ hằn học của Hà Nội đối với Mỹ về cuộc chiến tại Iraq. Chúng ta cũng cần cho thấy sự tương đồng về bản chất độc tài, tàn bạo của CSVN và Saddam Hussein. Chúng ta cần cho dư luận thấy chế độ độc tài, dù bất cứ ở đâu, cũng đều là nguồn gốc của bất ổn, của chiến tranh và của những khổ đau mà người dân của họ phải gánh chịu. Do đó, nếu dư luận quan tâm đến chế độ độc tài tại Iraq hay tại Bắc Hàn, thì cũng không thể quên những chế độ độc tài khác, đặc biệt là những chế độ đang lợi dụng sự bất ổn của thế giới để đàn áp nhân quyền và dân chủ. Sau cùng, điều cũng cần cho dư luận thấy là CSVN đã lợi dụng cuộc chiến tại Iraq để đàn áp những người tranh đấu cho dân chủ.
SGT: Thưa ông, ngày 21 tháng 3 vừa qua, Ủy Ban Phối Hợp Hành Động - Hội Đồng Việt Nam Bảo Toàn Đất Tổ đã phát động chiến dịch "Một Tháng Cho Những Người Dân Chủ Tại Việt Nam", từ 1-4 đến 30-4. Chiến dịch này hiện đang được thực hiện như thế nào" Đã có dấu hiệu gì chứng tỏ những người dân chủ tại VN nhận biết được chiến dịch chúng ta đang thực hiện cho họ hay không"
Ông N.N. Đức: Hiện nay, chiến dịch "Một tháng cho những người dân chủ tại Việt Nam" đang được phát động ở khắp nơi trên thế giới trên cả ba lãnh vực: quốc tế, cộng đồng và hướng về quốc nội. Trên lãnh vực quốc tế, nhiều cuộc tiếp xúc với chính giới ngoại quốc đã được thực hiện nhằm vận động chính quyền và giới dân cử ở các quốc gia trên thế giới quan tâm đến tình trạng đàn áp nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Tại Hoa Kỳ, tổ chức VPAC đã mở cuộc vận động quốc hội Hoa Kỳ trong hai ngày 6 và 7/4 vừa qua. Tại Úc, Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu đã có một số cuộc tiếp xúc với các dân biểu Liên Bang. Tại Âu Châu, vào hạ tuần tháng 4 tới đây, một cuộc vận động lớn sẽ được thực hiện ở Quốc Hội Âu Châu tại Bruxelles. Về phía cộng đồng, Ủy Ban Phối Hợp Hành Động đã được sự hỗ trợ tích cực của giới truyền thông qua việc loan tải các tài liệu quảng bá chiến dịch. Riêng tại Úc, hầu hết các báo Việt Ngữ đã loan tải miễn phí trang tài liệu về chiến dịch nội dung hướng dẫn đồng hương đóng góp một cách cụ thể cho chiến dịch. Trên mạng internet, chúng tôi cũng mở một chiến dịch gởi email phản đối đến các cơ quan của CSVN ở trong và ngoài nước. Quí đồng hương có thể tham gia chiến dịch gởi email phản đối bằng cách vào trang web của HĐVNBTĐT (www.hdvnbtdt.org). Hướng về quốc nội, chúng tôi đã liên hệ với những người dân chủ ở Việt Nam hay thân nhân của họ để thông báo về nỗ lực của hải ngoại trong tháng 4/2003. Điều cần lưu ý là những người đối kháng trong nước rất chờ đợi sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt hải ngoại nhằm giải tỏa tình trạng đàn áp đang đè nặng trên những người này. Việc phát động một tháng tranh đấu liên tục cho những người dân chủ đã đáp ứng được sự chờ đợi này.
SGT: Trong bài tham luận đọc tại Hội Nghị Diên Hồng, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện xác nhận, "Ngày nay hoạt động trong nước có điều kiện thuận lợi hơn nhiều, có thể nói thuận lợi hơn cả dưới thời Pháp thuộc." Chế độ tem phiếu không còn, kiểm soát hộ khẩu gần như vô hiệu, xã hội thì hỗn tạp, mỗi năm, hàng trăm ngàn người Việt, cộng với du khách ra vô Việt Nam. Guồng máy hành chánh, công an CS thì tham nhũng hối lộ. Thưa ông, trong hoàn cảnh đó, tại sao tin tức về CSVN bán nước cho Trung Cộng, vẫn rất ít người VN biết tới là thế nào"
Ông N.N. Đức: Sự kiện không có nhiều người Việt Nam trong nước biết đến hành động bán nước của đảng CSVN bắt nguồn từ mấy lý do. Một là không phải người Việt nào tại hải ngoại cũng biết đến sự kiện Hà Nội ký kết những hiệp định dâng đất, dâng biển cho Trung Quốc. Mặc dù giới truyền thông, các tổ chức, đoàn thể vẫn thường xuyên đề cập đến việc này, nhưng vẫn có những người chưa thật sự quan tâm và cũng có những tập thể quần chúng ở hải ngoại đứng ngoài luồng tác động của truyền thông hay cộng đồng. Họ không biết đến hay chưa quan tâm đến sự kiện biên giới, thì khi tiếp cận với đồng bào trong nước, sự truyền đạt dĩ nhiên là không có. Hai là những người từ hải ngoại về Việt Nam vẫn chưa có những nỗ lực đúng mức để truyền đạt tin tức và sự hiểu biết của mình cho thân nhân và đồng bào quốc nội. Sự truyền đạt này, nếu có, cũng chỉ tập trung ở các thành phố lớn, trong khi đó đại đa số người Việt Nam vẫn sống ở các vùng nông thôn. Đồng bào sống ở miền núi, vùng sâu, thì lại càng ít có cơ hội tiếp cận với thế giới bên ngoài. Đây là lý do mà nhiều tổ chức, cộng đồng vẫn thường xuyên kêu gọi ý thức của tập thể người Việt hải ngoại trong việc góp phần phá vỡ sự bưng bít thông tin tại Việt Nam. Nếu mỗi người Việt ở hải ngoại đều tự cho mình là một nhà truyền thông, thì tôi tin rằng tin tức về việc CSVN bán nước cho Bắc Kinh sẽ truyền bá một cách rộng rãi trong nước và chắc chắn có những phản ứng tích cực của đồng bào quốc nội.
SGT: Chúng tôi được biết, trong kỳ Đại Hội Liên Minh Việt Nam Tự Do Toàn Thế Giới kỳ 7 tại Vương Quốc Bỉ vào cuối tháng 9 năm 2002, đại hội có đưa ra 4 nhận định, trong đó nhận định thứ ba là "Cộng đồng người Việt tại hải ngoại đang có những thay đổi đáng kể. Do đó cần có những phương thức vận động mới phù hợp với những thay đổi này". Trong tư cách là Tổng thư ký của tổ chức Liên Minh Việt Nam Tự Do, xin ông cho biết rõ những thay đổi đó cùng những phương thức vận động mới phù hợp"
Ông N.N. Đức: Trước hết, điều chúng ta cần nhìn thấy là khối quần chúng hải ngoại, tuy vẫn là một tập thể không chấp nhận chế độ độc tài, nhưng do sự chi phối ràng buộc ngày một nhiều hơn vào xã hội định cư, nên nhiệt huyết đấu tranh đã không còn sôi nổi như những năm trước đây. Kế đến, do lòng thương nhớ quê hương và khi chế độ buộc phải mở cửa ra thế giới bên ngoài, số người Việt hải ngoại về nước ngày một đông và dần dần trở thành một sự kiện bình thường. Sau cùng, sự trưởng thành của một thế hệ mới đã và đang mang đến nhiều thay đổi, mà sự thay đổi đầu tiên là tâm thức chính trị của thế hệ này có rất nhiều điểm dị biệt với thế hệ cha anh. Do đó, không thể tiếp tục dùng những lời kêu gọi hay những khẩu hiệu đấu tranh của những năm trước đây để tác động vào tầng lớp trẻ Việt Nam ở hải ngoại.
Những sự thay đổi nói trên của cộng đồng hải ngoại buộc những người đấu tranh phải có những sự thay đổi trong quan niệm cũng phương cách vận động. Trước hết, chúng ta cần quan niệm cuộc đấu tranh cho dân chủ Việt Nam là một cuộc đấu tranh toàn diện không ranh giới, để tiềm năng hải ngoại có điều kiện chan hòa cùng tiềm năng đấu tranh ở trong nước. Trong thời gian qua, mặc dù tất cả những người đấu tranh đều nhận thấy có nhu cầu tác động vào trong nước, nhưng vẫn có người vạch hẳn một ranh giới giữa quốc nội và hải ngoại. Những sự trao đổi giữa hai bộ phận trong và ngoài nước, dù có qua hệ thống kiểm soát của chế độ độc tài hay không, vẫn không được chấp nhận. Điều đáng lưu ý là những người có quan niệm như vậy hiện nay chỉ còn là một thiểu số rất nhỏ. Trong khi đó, đại đa số đã không đồng hóa 80 triệu đồng bào trong nước với chế độ CSVN và chúng ta đã đấu tranh dựa trên lằn ranh dân tộc, giữa một bên là thiểu số lãnh đạo của đảng CSVN, còn một bên là đại khối dân tộc, bao gồm đồng bào cả trong và ngoài nước.
Có đặt căn bản vận động cộng đồng hải ngoại trên quan niệm như vậy, chúng ta mới mở ra được những phương cách vận động mới phù hợp với những thay đổi của cộng đồng, phù hợp với tâm thức của thành phần trẻ. Những phương cách này nhắm vào mục tiêu khai dụng tình trạng chế độ ngày một mất dần sự kiểm soát về mọi mặt trên xã hội Việt Nam, khai dụng tình trạng người Việt hải ngoại về trong nước ngày một nhiều hơn, để xâm nhập vào các lãnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, kinh tế,... nhằm phá vỡ sự bưng bít, mở rộng tầm ảnh hưởng và kích động sự chống đối.
SGT: Xin hỏi ông câu cuối. Nếu tháng 4 này là “Tháng Cho Những Người Dân Chủ Tại Việt Nam”, thì trong những tháng tới Ủy Ban Phối Hợp Hành Động sẽ có những kế hoạch gì"
Ông N.N. Đức: Hẳn nhiên, việc đấu tranh cho những người dân chủ tại Việt Nam chỉ có thể có kết quả bằng những nỗ lực đấu tranh bền bỉ và liên tục. Sau tháng 4/2003, Ủy Ban Phối Hợp Hành Động vẫn tiếp tục các nỗ lực này, đặc biệt là trên lãnh vực vận động quốc tế. Chúng tôi dự trù sẽ vận động để có nhiều chính giới ngoại quốc đứng ra bảo trợ cho những tiếng nói lương tâm tại Việt Nam. Việc vận động để có những phái đoàn ngoại quốc đi về Việt Nam thăm các nhà dân chủ và gia đình của họ cũng sẽ được đẩy mạnh. Lãnh vực truyền thông là một lãnh vực mà chúng tôi rất chú trọng. Trong những ngày tới đây, Ủy Ban Phối Hợp Hành Động sẽ gởi một số đoạn phim video đến các chương trình phát hình của người Việt và các trung tâm băng video để kêu gọi quảng bá. Đây là những đoạn phim rất ngắn, nhằm nhắc nhở mọi người Việt Nam về sự kiện đất đai, lãnh hải bị CSVN cắt nhượng cho Trung Quốc và kêu gọi người Việt hải ngoại khai thác mọi cơ hội tiếp cận với đồng bào trong nước để truyền đạt những sự kiện này. Ngoài ra, Ủy Ban Phối Hợp Hành Động cũng đang thảo luận về nhu cầu thành lập các khối chuyên môn về tài liệu, luật pháp, vận động cộng đồng, truyền thông, giới trẻ,... nhằm nghiên cứu và đề xuất những kế hoạch hoạt động dài hạn cho nhu cầu đấu tranh chấm dứt chế độ độc tài và bảo toàn đất tổ.
SGT: Chân thành cảm ơn ông, và kính chúc ông cùng qúy vị trong Hội Đồng Việt Nam Bảo Toàn Đất Tổ mãi mãi bền tâm vững chí, thắp sáng niềm tin trong tâm hồn người Việt để chúng ta sớm thành công trong mục tiêu “chấm dứt chế độ CS độc tài bán nước và xây dựng thành công một nước Việt Nam tự do, dân chủ và phú cường”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.