Hôm nay,  

Bốn Dạo Khúc Về Sài Gòn Và Lan Hương

23/10/200200:00:00(Xem: 4048)
1. Lan Hương
Chỉ ở những năm trung học, người ta mới cảm thấy mình là học sinh thực thụ: những buổi học theo thời khóa biểu nhất định, và thời khắc biểu rõ ràng; buổi sáng thức dậy sớm, có khi trước cả tiếng chuông đồng hồ báo thức, có khi trước cả người đàn bà giúp việc vặt trong nhà; đánh răng, rửa mặt, trở lên phòng thay quần áo, chải tóc, sắp xếp sách vở trên mặt bàn, lựa những cuốn cần thiết cho buổi học, đến bên giường ngủ của Bé đắp lại chiếc chăn cho ngay ngắn, rồi khép cửa buồng, xuống nhà, giả vờ như vội vã nên quên ăn sáng, vì biết rằng lát nữa sẽ cùng người yêu bước vào phía sâu trong một quán cà phê nhỏ bé trên đường từ nhà đến trường.
Chàng sẽ gọi hai tô mì nhỏ và hai ly cà phê sữa, ly ít cà phê dành cho tôi; cả hai ngồi yên lặng, chăm chú nghe những người ngồi bàn bên cạnh - những người phu quét đường, những công nhân một tư sở phía bên kia đường, một hai công tư chức... - trò chuyện. Những câu chuyện của họ thật bình thường, giản dị cũng như những cử chỉ của họ, khi châm điếu thuốc, khi đổ cà phê từ chiếc ly ra lòng đĩa; câu chuyện cùng tiếng nói giống như những giọt cà phê đổ ra, vừa đủ, không dư, không thiếu, khi chăm chú nghe, câu chuyện vừa bắt đầu, khi không muốn chú ý đến nữa, câu chuyện chấm dứt; giống như những làn khói thuốc lởn vởn chập chờn trước mắt, lúc hết tò mò, tất cả đột nhiên tan biến vào không khí buổi sáng mát lạnh.
Khi đến nơi hò hẹn thường lệ, thấy chàng say mê nhìn một bà cụ già đang lúi húi bầy hàng bên lề đường, dưới mái hiên căn nhà bên cạnh tiệm cà phê bình dân. Những gói thuốc lá từ từ choán đầy khung kính, những gói kẹo buộc thành túm treo lòng thòng trên sợi dây, một cây nhang dài cắm bên thùng kính, buổi trưa đi học về thấy còn khoảng một nửa, một cái mẹt trên lăn lóc vài trái ổi, cóc, mận... Chàng đang làm quen buổi sáng sớm vừa bắt đầu cùng với tiếng chén đĩa trong quán cà phê vọng ra, tiếng người nói lao xao, vài tiếng ho thúng thắng.... Chàng ngẩng đầu lên nhìn tôi vẫn còn đứng bên này đường, và tôi biết chàng sẽ mỉm cười, một phần nụ cười dành cho tôi, phần còn lại là của buổi sáng sớm.
Tôi nhìn thấy nụ cười của chàng từ khi còn ở nhà, còn ở trong phòng riêng, nụ cười như quanh quẩn đâu đó, như ở phía tủ, ở phía bàn học, ở sau, ở dưới, hoặc ở trong chồng sách vở trên bàn học, nơi tôi cất giấu những bức thư chàng viết cho tôi, những lần tình cờ cha tôi bước vô phòng, tôi vẫn bị luống cuống, mỗi lần tự dưng nhớ tới những dòng chữ đã làm tôi xúc động, sau cơn xúc động, tôi vẫn thường tự nhủ nên đốt bỏ....
Tôi sẽ kể cho chàng nghe những chuyện vụn vặt chẳng dính dáng gì đến tình yêu, chẳng hạn như chủ nhật vừa qua Thu đến nhà chơi, hai đứa bầy trò cầu cơ, tôi mời được một hồn ma nhiều lời, hồn nói, tám năm nữa tôi sẽ lấy chồng.
("Tám năm nữa, có phải một lần anh viết, anh sẽ đợi Hương, anh đợi tình yêu của anh, và anh có cả một đời để chờ đợi...")
Chuyện về Bé, chắc anh đã đoán trước được rồi, hay hờn dỗi, ích kỷ, và bướng, giận Hương từ hôm qua chỉ vì Hương đi Bình Dương thăm vườn bưởi bắt đầu chín của ba má Thu mà không cho Bé cùng đi.
("Có thể một hôm nào giận Hương quá, nó sẽ nói, và mọi người sẽ biết, nhưng cũng chẳng sao... Hình như có một lần anh nói, "Le Mal n'est jamais dans l'amour," câu nói của ông mục sư với cô bé mù trong Symphonie pastorale, Le Mal n'est jamais dans l'amour, nhiều lúc Hương cũng muốn tin như vậy...).
Chiếc đồng hồ ở nhà nhanh hơn đồng hồ ở trường năm phút từ hôm qua nên sáng nay chúng ta có thể ngồi ở đây lâu hơn thường lệ được những ba trăm giây đồng hồ, anh thử tính coi trong đời có bao nhiêu lần ba trăm giây đồng hồ như vậy.
Nếu nhớ ra, tôi sẽ bảo chàng, trong cặp tôi có mấy trái mận Vi vừa mang từ Đà Lạt về, chàng vừa ăn vừa hút hết điếu thuốc, khói thuốc đột nhiên làm mắt tôi cay sè, chàng hơi nhăn mặt vì vị chua của trái cây. Những người ngồi trước mặt chúng tôi sẽ tảng lờ như không thấy chàng rút khăn lau mặt giùm cho tôi, như không thấy hai bàn tay đó đan vào nhau, người đàn ông đứng tuổi ngồi gần chàng mỉm cười kín đáo khi chàng đưa tay vén giùm tôi hai ba sợi tóc lòa xòa trên má, tôi cảm thấy bình yên, dễ chịu, tuy hơi lúng túng khi ngồi ở đây, giữa những làn khói thuốc, những câu chuyện trời mưa trời nắng, thời sự quốc tế quốc nội, những nỗi cực nhọc người đàn ông chủ gia đình phải gánh chịu mỗi ngày khi kiếm miếng ăn, chuyện những đứa trẻ nghịch ngợm, lười biếng chăm chỉ, hoặc đau ốm, bệnh tật, tôi bảo chàng hôm nay thứ hai, phải chào cờ trước khi vô lớp, đừng ngồi đây quá lâu rồi tôi đến lớp trễ giờ chào cờ, lại bị phạt như thứ hai tuần trước... Khi đứng dậy sửa soạn đi ra, đột nhiên chàng nói, "Tay em đến bây giờ vẫn còn lạnh". Lạnh, lạnh, chợt tôi rùng mình, có phải chàng định nói... Chàng nói đùa như để tôi quên, khỏi nghĩ ngợi, "Cô giáo chắc sẽ bắt em chép phạt một ngàn lần câu: "Em yêu anh, và cố gắng đi học đúng giờ". Đối với chàng, tôi vẫn chỉ là một cô bé con, chàng vẫn muốn sự vật đừng thay đổi, đời sống đừng thay đổi, chàng muốn tất cả vẫn như xưa, như cũ... "Em biết không, Ngọc chỉ chê anh một điều là anh hay cười." Ngọc là em trai một người bạn gái của tôi. Ngọc khoảng tuổi tôi, nghĩa là kém chàng khoảng chín, mười tuổi.... "Không hiểu Ngọc có nhìn thấy như anh không" Không hiểu Ngọc định tìm gì ở nơi em""; tìm gì, tìm gì, tôi chỉ là một món đồ kỳ lạ, khác thường, nên mọi người muốn tìm tòi, khám phá, một món đồ làm gợi lại trí nhớ, làm sống lại tuổi thơ của chàng, hay là tôi là một cái cớ để giải thích tại sao chàng sống, tại sao chàng sẽ chết, anh, Ngọc, Quang, và cả Tuấn nữa, tại sao nhiều người yêu tôi vậy"... "Không phải đâu, em mang dáng điệu của một người đàn bà ngay khi còn bé con, và suốt đời em sẽ phải tập làm một đứa trẻ...".
"Khi em đi vô cổng trường, rồi anh đừng có đứng lại lâu vì em sẽ biết anh đang nhìn em, em phải quay lại mỉm cười nhìn anh, lũ bạn vô lớp lại có chuyện để nói..."; đi vô trường, không quay lại nhìn chàng, dù biết chàng vẫn còn đứng đó, tìm một chỗ đứng giữa Nga, Dung, hoặc Châu, chào cờ, thong thả đi vào lớp học, cúi nhìn xuống những cuốn sách đã được mở rộng, tự nhủ thầm bỏ mặc chàng với những lo âu vô ích như chiến tranh, chết, sống, khổ sở, hạnh phúc... "Em sẽ học hoài, chỉ còn cách đó để chứng tỏ tình yêu là một thách đố, phản lại định mệnh", chỉ còn tiếng ngòi bút chạy trên giấy, tiếng cô giáo giảng bài, thứ tiếng nói đều đều như đã có sẵn từ lâu, vẫn còn đó chẳng bao giờ thay đổi, chẳng dành riêng cho ai, buổi học êm ả và buồn nản trôi đi giữa bốn bức tường đầy tiếng cười nói hoặc sự chăm chú yên lặng. Khi cắm cúi ngồi viết còn thấy ẩn trong mắt người bạn gái ngồi bên cạnh nụ cười vui vẻ, tinh nghịch trong giờ ra chơi. Những phiền muộn đặc biệt học trò, bài học chưa thuộc, bài làm chưa xong, đứa bạn bên cạnh vẫn còn hờn giận... một câu chuyện thích thú chưa có dịp kể, một mẩu giấy vo tròn được chuyền từ cuối lớp, bàn này qua bàn nọ, tuổi trẻ, tuổi trẻ, tiếng động ồn ào huyên náo của những trang giấy học trò.... "Lan Hương năm nay có vẻ làm biếng khác hẳn năm ngoái. Tại sao vậy"" Bích Nga bỗng nhiên đứng dậy, trả lời: "Thưa Cô, Lan Hương năm nay đã đến tuổi làm biếng rồi ạ."... Tuổi làm biếng, tuổi yêu đương, tuổi khổ sở, tuổi nhớ nhung, Lan Hương năm nay đã lớn, đã gặp một người...
(Khi tôi gặp chàng lần đầu tiên, tôi mười một tuổi. Khi chàng đăm đăm nhìn tôi, bỗng nhiên tôi nghĩ tới những chữ kỳ lạ như tình yêu, tình yêu, yêu... và tôi bỗng bàng hoàng run sợ...)
"Đời của tôi", Bích Nga thường gọi chàng bằng những tiếng kỳ cục, "Đời của mày hôm nay đâu rồi, sao không đi đón mày"", mỗi lần thấy tôi đi bộ lủi thủi một mình về nhà, dáng đi của tôi chắc cũng thật kỳ cục, đến nỗi Châu phải thốt lên, "Lan Hương đi như đi trong một đám tang", còn chàng nói, "... một hình thức tự vệ. Em là một cô gái kỳ lạ."
Cuối cùng Bích Nga hoảng hốt kêu lên, "Nhưng rồi làm sao" Phải làm sao chứ Lan Hương"". Phải làm sao, làm sao bây giờ được. Hạnh phúc của chúng tôi gây phiền muộn cho rất nhiều người, chúng tôi lại là những người sợ hãi phiền nhiễu, luôn luôn lẩn tránh và cố thu xếp đời mình cách nào cho được yên thân. Chàng nói, "Hạnh phúc ở ngoài mối tình, tùy thuộc người khác, thế hệ khác... Sống hạnh phúc tức là sống mà không nhìn thấy người khác khổ sở vì mình, vì hạnh phúc của mình..." Lần đầu tiên cô bạn gái có cái nhìn thật thẳng vào mặt người đối diện, có mái tóc con trai, được nghe một câu chuyện tình chỉ có ở trong tiểu thuyết, không bao giờ xẩy ra, không bao giờ có thực. Trong tiếng kêu thảng thốt, "Phải làm sao chứ, phải tính sao chứ Lan Hương...", cô bạn định nói,"Không, không phải như vậy! Đời sống không phải như vậy! Đời sống không có sự khổ sở...", cô bạn gái được sung sướng, nuông chiều từ nhỏ chưa thể hiểu được có sự khổ sở trong tình yêu, có vị đắng cay lẫn trong những lời âu yếm, những nụ hôn dằm thắm... "Anh yêu em, và tất cả tùy ở em..."
(Nhưng có thật chúng tôi đang khổ sở" Chúng tôi đang sung sướng hay đang khổ sở" Chàng tự hỏi chàng, hỏi tôi như vậy. Tình yêu đâu phải là khoảng đất ươm mầm để rồi nẩy ra những cỏ dại, là nỗi cô đơn, niềm bi thương, những giọt lệ đắng cay hay là niềm tuyệt vọng. Tình yêu phải là một cánh cửa, một con đường đưa chúng ta thoát khỏi nỗi cô đơn, chính nỗi cô đơn đã xua đuổi chúng ta ra khỏi vườn địa đàng, và cũng chính nỗi cô đơn đã ngăn chặn chúng ta trở về... Chàng có vẻ hơi say khi đưa tôi đến lớp học buổi tối ở Trung tâm Văn hóa Pháp, khi tan học, câu đầu tiên tôi hỏi chàng, "Anh đã hết say chưa"". Anh đã hết say chưa" Khi nào thì cơn say sẽ hết" Khi nào chúng tôi ra khỏi cơn say" Khi nào chúng tôi hết yêu nhau"...
Tình yêu, tình yêu, anh mơ tưởng hạnh phúc còn em nghĩ hạnh phúc không có, "Je t'aime parce que tu veux l'impossible", và chàng trả lời, "Muốn hưởng hạnh phúc thì ít nhất phải tin hạnh phúc có." Nhưng hạnh phúc ở đâu, ở trên trời, hay ở dưới đất, hay ở địa ngục" Chúng tôi sẽ phải làm một điều thiện vĩ đại để có vé vào thiên đàng, hay một điều ác thật ghê rợn, để chiếm lấy địa ngục, cho chỉ hai đứa"
(Thứ tình yêu chỉ gồm có chiêm ngưỡng và kính trọng, thứ amour platonique mà anh nói đó cũng làm Hương sợ).
Tình yêu, tình yêu, có phải những cử chỉ của người yêu đã khuấy động phần vô thức, anh yêu em bởi vì có những phần tối tăm ở nơi anh mà anh không thể hiểu nổi, đôi mắt long lanh của em, nụ cười của em mỗi khi gặp đã soi sáng tất cả, mọi chuyện đều trở nên dễ hiểu, đều có thể cắt nghĩa được, yêu em, yêu dáng đi cô đơn của em dẫn dắt chúng ta tới khu rừng thông đầy ắp tiếng thì thầm, đến khoảng trời nước im lặng, mặt hồ run rẩy trong gió, còn em run rẩy trong tay anh, những giọt mưa đọng trên chiếc áo lạnh của em, mưa, mưa, khuôn mặt em và hạnh phúc của chúng ta... Dáng đi cô đơn dẫn tới vùng trời cao nguyên mơ mộng, thiên nhiên im lặng đồng tình, những con đường dẫn sâu vào bóng tối, bông hoa nước róc rách trong đêm, em bảo nó cũng đang kể lể tâm sự, tâm sự của nó là những giọt nước mát lạnh đổ xuống hoài như không bao giờ hết, em là cô bé con với chiếc mũ bằng lá, dáng đi tất tả vội vã đến nơi hò hẹn lần đầu tiên trong đời, trong thành phố lạnh lẽo, xa lạ đột nhiên trở thành Hà Nội, chiếc mũ nhỏ bé không đủ che lấp nụ cười bất chợt hiện ra, dần dần nở rộng... yêu như nắm chặt tay đập mạnh vào mặt một chiếc trống lớn, càng đập mạnh, tiếng động càng lớn, không khí càng thêm nhiễu loạn, tất cả trở thành niềm hân hoan, tiếng reo hò đắc thắng của tình yêu, yêu tức là phân chia thế giới làm hai, một có anh và em, và tình yêu vạch định ranh giới, chúng ta sẽ sống hòa bình với phía bên kia, chúng ta không còn cảm thấy cô đơn, và sợ hãi đời sống, không còn nhìn phần thế giới còn lại đó bằng con mắt thán phục hoặc khiếp đảm, tình yêu nhập một hai chúng ta, xóa bỏ sự xa lạ giữa chúng ta và những người chung quanh, đập vỡ vỏ cô đơn và đồng thời cũng tạo nên một đồn lũy để ngăn cấm những người khác không được quyền xâm phạm tới phần đất thần thánh, riêng biệt của chúng ta đó... "il est vrai que nous aimons la vie non que nous soyons accoutumés à la vie mais que nous sommes habitués à l'amour.." (1)
(Thứ tình yêu đầy những passion mà anh có đó, em không có, hay thứ tình yêu gồm một phần ba là confiance, một phần ba là respect, một phần ba là "je ne sais quoi", có lẽ, hình như em đã yêu anh như vậy... Không, trăm lần không, ngàn lần không, đừng bao giờ nói như vậy, đừng bao giờ nói anh không xứng đáng, cũng đừng bao giờ nói anh làm cho tuổi thơ của Hương bị xáo trộn, những ngày đầu tiên quen anh là những ngày sung sướng đối với Hương, anh là người đầu tiên đã trò chuyện với Hương, đã làm cho Hương nghĩ tới một điều gì từa tựa như là tương lai, hạnh phúc, một điều gì từa tựa như tình yêu...)
"... Người ta không thể yêu nhau vì duyên cớ ở ngoài mối tình... nhưng sự thực là gì vậy" Ai, ai có thể xứng đáng được hưởng thứ tình yêu không đến vì một duyên cớ nào ngoài nó, Lan Hương, Lan Hương, em nói lại một lần nữa, em yêu anh và tình yêu đó không vì bất cứ một lý do nào ở ngoài mối tình, Lan Hương, em nói...."
(1966)
(1) Nietzsche: "Ansi parlait Zarathoustra"
2. Thời gian
Tuổi trẻ chấm dứt khi khám phá ra sự tầm thường, và cùng với nó, là lòng tự hào, hoặc kiêu hãnh về mình, về những gì đã trải qua, hoặc tưởng tượng đã trải qua, tưởng tượng những sự kiện như thế đó đã thực sự xẩy ra, một ngày nào đó, một lúc nào đó, trong quá khứ; kể luôn cả sự kiêu ngạo vì đã đọc được một ý tưởng hay ho, ở trong đống sách vở nơi bàn viết, dưới gầm giường, hay nơi xó nhà... những lúc rảnh ranh, hoặc khi trốn tránh một việc cần phải làm, chàng vẫn thường tìm một cái cớ để cho thời gian trôi đi, bằng cách xếp dọn đống sách vở bề bộn đó, và cảm thấy thật hài lòng khi tìm thấy, ẩn náu ở trong những trang sách im lìm không muốn mách chuyện, không thích tò mò, là một hai bức hình của nàng tưởng đã thất lạc, một hai lá thư, nàng viết trên những trang giấy xé ra từ những cuốn vở học trò, loại một trăm, hay hai trăm trang, chàng đọc và có cảm tưởng như đang đọc một bài luận: "Anh (hay chị) hãy tả một..." nhưng đó chỉ là cảm tưởng đầu tiên, bởi vì sau đó, sau khi đã đọc đi đọc lại nhiều lần, chàng luôn tìm ra, hoặc tưởng tượng ra, rất nhiều nét, dáng, vẻ, ý nghĩ... của một người đàn bà đã trưởng thành và nay đang sống lại cuộc đời của mình: chàng thấy thật rõ, chàng, Vi, và Bé tất cả chỉ là những đứa trẻ luôn luôn nhõng nhẽo, quấy rầy nàng, làm nàng học không yên (Bé), làm nàng sống không được thoải mái, yên ổn (Chàng), làm phiền nàng vì những trò thật đàn bà, như đỏm đáng, chưng diện kiểu này, mốt kia, y phục nọ (Vi); một cuốn tiểu thuyết của Durrrell, nàng tặng chàng hôm sinh nhật, với những dòng chữ, giống như một nữ tốc ký ghi lại một cuộc nói chuyện, nàng ghi lại những lời chàng nói bữa đó, "Buồn, dễ giận, kiêu ngạo, yêu anh không, kìa anh hỏi H. mà. Em là cái máy magnétophone. Không nghĩ (được vậy, H. đã mừng).... ", chàng giành lấy cây viết ghi thêm: "Em là ma vie... quà tặng của H. (nhân dịp H. giận)"; nhưng không phải những dòng chữ đó, cũng không phải món quà nhỏ bé đó, nhân dịp sinh nhật của chàng, nàng đã mang đến tặng chàng một món quà thật quí giá, một quyết định can đảm và liều lĩnh, nàng đã nhớ lại cái cảnh lần đầu tiên chàng gõ cửa nhà nàng, rồi khi nàng lấp ló sau tấm cửa sắt, chàng lúng túng hỏi: "Đây có phải nhà...", nỗi bâng khuâng, xao xuyến, xen lẫn với cảm giác sợ sệt, ngần ngại, khi nàng nghĩ đến những chữ kỳ lạ và đầm ấm như tình yêu, yêu, yêu..., khi cơn say bắt đầu, nàng tưởng tượng một tương lai trong cóù nàng và chàng, những lời, những chữ, những bức vẽ, tất cả giống như ở trong những cuốn sách viết cho trẻ con, những câu chuyện thần tiên với bà tiên già độc ác, chuyện chiếc thảm biết bay, chuyện một túp lầu tranh hai trái tim vàng, những hoàng tử, những công chúa... nàng đã suy nghĩ, cân nhắc hạnh phúc và khổ sở, xấu và tốt, trong sạch hoặc bẩn thỉu, dối trá hoặc ngay thẳng, thiện hoặc ác, hiếu hay tình... nàng đã nhớ, tưởng tượng, suy nghĩ như thế dòng dã suốt mấy năm trời, nàng và chàng không hề gặp nhau tuy ở cùng trong một thành phố, một thành phố bị chiến tranh và những người già cả, những nhà đạo đức, hiền triết, vây hãm, thao túng, nắm giữ vận mệnh, vận mệnh của thành phố, của quốc gia, và của cả dân tộc, trong đó có vận mệnh của một đôi trai gái yêu nhau, càng yêu nhau càng cảm thấy bứt rứt, khổ sở, tội lỗi, luôn luôn bị ám ảnh bởi một ông già đeo kính trắng, hút thuốc lào, và đọc Khổng Tử, càng yêu nhau càng cảm thấy như đang hành hạ lẫn nhau, "Chúng ta không sợ chúng ta không yêu thương nhau mà chỉ sợ chúng ta yêu thương nhau nhiều quá", nàng đã nhớ lại những ngày đầu tiên quen biết, đã tưởng tượng, suy tính, cân nhắc, đắn đo như vậy trong suốt mấy năm trời, đến khi gặp lại, nàng nói, "Em yêu anh ngay từ dạo đó, em yêu anh, và anh đã biết điều đó từ lâu rồi mà, có phải không"" Sau đó, nàng lại để một năm, sau bao nhiêu lần hò hẹn, sau nụ hôn đầu ướt đẫm những giọt lệ hạnh phúc, sau bao nhiêu lần đi chơi lén lút, sợ hãi tất cả mọi người, vì nhìn ai cũng trở thành người thân, hoặc quen biết gia đình nàng, sau đúng một năm trời, vào đúng lúc chàng gặp tai nạn, bị thương nặng, xuýt chết, sau khi thoát chết, ra khỏi nhà thương lần đầu tiên, vị bác sĩ hẹn hai tháng sau trở lại để tháo plâtre và giải phẫu thêm một lần nữa, vào đúng dịp sinh nhật của chàng, sinh nhật lần thứ ba mươi mà cũng là sinh nhật lần thứ nhất, nàng nói, "Je serai ta femme."

Đêm hôm đó, vào khoảng hai, ba giờ sáng, chàng bỗng nhiên thức giấc, và rùng mình sợ hãi, run lẩy bẩy nhìn cánh tay bị băng bột cứng ngắc, mỗi khi ngủ phải nằm sát bên tường để tìm cách tựa cánh tay lên đó; chàng vẫn còn nghe tiếng xương kêu lạo xạo khi cánh tay bị mảnh mìn xuyên qua, cảm giác đau nhói ở bụng khi trúng thương từ trái mìn thứ nhì, và nhìn thấy ánh mắt ái ngại của vị bác sĩ khi vừa nhìn đồng nghiệp vừa lắc đầu. Chàng run lẩy bẩy nhìn cánh tay bó bột trắng lờ nhờ trong đêm, rùng mình sợ hãi khi chợt hiểu ra một điều là mình đã chết hụt, và đồng thời, cảm thấy như bị chết cứng, bị đóng băng trong hạnh phúc, do câu nói của nàng hồi chiều. Trong đêm tối, chàng run rẩy, mò mẫm, viết những dòng chữ nguệch ngoạc gửi nàng: "Có phải tình yêu có quá nhiều đam mê và liều lĩnh của anh đã xô đẩy em đến quyết định đó không"" Chàng nhớ lời nàng nói, khi phải trả lời tại sao nàng yêu chàng: "Tại vì anh yêu em nhiều quá." Tình yêu của nàng giống như một sự đáp ứng, một sự dội lại tình yêu của chàng. Một lần khác, nàng trả lời: "Tại vì anh hơn em mười một tuổi." Nàng tỏ vẻ tin cậy chàng, tin tưởng mối tình của chàng đối với nàng, tình yêu đồng nghĩa với sự tin cậy, tin tưởng, và kính trọng. Nàng là một cô gái thông minh, học giỏi, mới lớn lên, đứng ngập ngừng ở ngưỡng cửa đời sống, tò mò ngắm nghía đời sống, những người khác, thế giới, tò mò ngắm nghía xen lẫn chút e dè sợ sệt, và nàng hy vọng ở chàng, mong có chàng ở bên cạnh trong đoạn đường đầu tiên khó khăn, nguy hiểm, và đầy bất trắc đó, như vậy nàng sẽ yên tâm hơn. Đối với chàng, tình yêu có nghĩa là giật lùi, hoặc đứng lại, hoặc một sự nghỉ ngơi, còn đối với nàng, tình yêu mở ra đời sống, tương lai, hạnh phúc, cái đẹp, sự toàn thiện. Khi chàng bảo nàng: "Tình yêu đối với em, là một khởi điểm để vươn tới, một điểm tựa để xâm nhập đời sống, để khám phá, làm quen với những gì xa lạ, những người khác. Chúng ta yêu nhau vì chúng ta còn có thể yêu những người khác, những cái đẹp ở bên ngoài mối tình," nàng đã hóm hỉnh trả lời: "Như vậy có nghĩa, H. yêu anh là để có thêm kinh nghiệm tình trường, có phải không""

Cảm giác chết cứng, đóng băng trong hạnh phúc, chàng đã được hưởng hơn một lần. Lần hẹn ở Đà Lạt, đối với chàng, có thể coi đó là lần đầu, hoặc trang sách đầu tiên của mối tình. Trước đó, khi nàng còn nhỏ, chàng thường căn giờ, đạp xe đến nhà nàng, chờ nàng đi học về. Trường nàng học ở ngay con hẻm phía đối diện nhà nàng, và khi nàng từ bên kia lề đường chạy vội qua, nhìn thấy chiếc xe đạp cũ kỹ dựng ở gần cửa ra vào, gần bên vòi nước công cộng, nàng ngửng đầu lên nhìn chàng đang đứng trên ban công bằng gỗ, khuất sau cánh cửa sổ, hoặc tì tay lên tấm biển quảng cáo mang dòng chữ "Nhà Sách A.B.C.", và nàng mỉm cười, nụ cười hoặc trước, hoặc sau, lời thì thầm của chàng, "Em cười đi, em cười đi", và nàng mỉm cười, có khi nàng cố tình trêu chàng, môi mím chặt, nhưng giỏi lắm cũng chỉ độ nửa phút là cùng, sau đó là nụ cười tươi, hơn mọi lần, mắt long lanh đầy vẻ tinh nghịch, chế giễu. Nếu là một buổi chiều mưa nhỏ hạt, nàng cầm mấy cuốn vở giơ lên che đầu, rồi chạy đến vòi nước công cộng, cúi xuống rửa chân, nhưng cũng không quên nghịch ngợm, hoặc lấy chân đùa với những giọt nước, hoặc tìm cách bịt vòi nước lại, và dòng nước bị chặn lại, đùa lại nàng, bắn tung tóe lên mặt, lên tóc, lên quần áo, chàng cảm thấy rõ ràng, chàng cũng đang vui đùa cùng nàng, thế giới chỉ còn lại có nàng, và chàng, và cái vòi nước... Lần hẹn nhau trong thành phố lạnh và xa, Đà Lạt, nàng thi đậu Tú Tài phần thứ nhất, và đã lên đó trước, chàng là công chức nên còn ở Sài Gòn làm việc, chiều thứ bẩy, chàng ra bến xe đò, vượt khoảng đường mấy trăm cây số, chàng bỗng nhiên có cảm tưởng, nàng đang ở trong Hà Nội, nàng đã trở về Hà Nội trước chàng, và chiến tranh đã hết, chàng đang trở về thành phố thời ấu thơ, nay đang gìn giữ hạnh phúc của đời chàng. Khi nhìn thấy bóng dáng nàng từ đầu phố tất tả vội vã chạy lại (nàng dến trễ, vì còn phải tìm cách nói dối Vi, Vi nhất định đòi đi cùng), chàng bỗng run lên vì sợ. Chàng run lên vì sợ hãi, vì sung sướng, vì hạnh phúc, chàng sợ thực sự, sợ nàng, sợ hạnh phúc, sợ khổ sở, sợ cô đơn, sợ tất cả...
Tuổi trẻ chấm dứt khi chàng nhận ra sự tầm thường, khi lòng kiêu hãnh về chàng, về nàng, về tình yêu... tan vỡ ra như những chiếc bong bóng xanh xanh đỏ đỏ chàng vẫn chơi đùa hồi còn nhỏ, bằng cách nhúng đầu chiếc ống giạ vào đĩa xà phòng, rồi sau đó thổi lên trời, chúng chưa kịp bay cao đã vỡ tan; mối tình đầy những tưởng tượng, đầy những từ ngữ hoa mỹ lấy từ sách vở, từ những câu chuyện thần tiên cho đến những trang sách triết lý... đã đến lúc phải dời chỗ ẩn náu để đụng đầu với thực tế. Lúc đó, nàng nói: "Bây giờ H. hết lãng mạn rồi."
3. Khu Rừng Trong Đêm.
Mùa mưa đến như thường lệ, khoảng đầu tháng năm vào đúng kỳ nghỉ hè của những trường học. Tuy không còn có dịp dậy sớm đưa đón Lan Hương, nhưng mỗi lần tình cờ đi qua con đường cũ tự nhiên có cảm giác bàng hoàng sợ sệt, giống như lần trở lại nhà thương Grall, đi qua salle P.O. [Hậu Giải Phẫu], nhìn lại căn phòng, chiếc giường đã nằm, đã từng khổ sở vì vết thương do vụ mìn nổ hành hạ. Khoảng đường nhỏ rực rỡ những cánh hoa, nơi vẫn thường ngừng xe đợi Lan Hương mỗi lần tan trường, nay trở nên vắng lặng, pha lẫn đôi chút buồn rầu, mệt mỏi của một người vừa trải qua một cơn vui đùa quá mức bây giờ chìm đắm trong nghỉ ngơi, trong dáng vẻ trang nghiêm, sầu mộng; niên học cuối cùng của Lan Hương ở bậc trung học đã qua đi, hai cánh cửa trường đã âm thầm khép kín, và trở nên lạnh lùng, thờ ơ, lãnh đạm, như thái độ của cô gái sau khi đã tham dự một trò chơi quá sức của nàng, tình yêu, sau khi đã phải cố gắng tưởng tượng, khi không thể tưởng tượng được nữa, nàng nói... trở nên lạnh lùng, thờ ơ, lãnh đạm, như vẻ đẹp của nàng, những ngày sau này, khi mối tình đã tan vỡ, nàng rút vào thế giới riêng tư, thế giới nội tâm, cùng với thế giới sách vở, học thức, trở nên lạnh lùng và bí ẩn, trở nên đẹp một cách buồn bã, lầm lì, nàng giống như một người định bước vào đời sống bằng một cánh cửa mở xuống khu vườn tình yêu, mơ mộng và lãng mạn, nàng định coi tình yêu như là một thứ khí giới, một thứ áo giáp chở che, chống lại dáng vẻ xa lạ, độc ác của đời sống, và nàng đột nhiên nhận ra sự vô dụng, bất toàn của thứ khí giới mỏng manh và lố bịch đó, và nàng lùi lại, giống như một con ốc sên thu mình vào vỏ, giống như nàng công chúa ngủ trong rừng, trong đêm khuya bất chợt thức giấc, tưởng trời đã sáng, tưởng khoảng thời gian bị ảnh hưởng lời nguyền của bà tiên già độc ác đã chấm dứt, nhưng không phải, chỉ là báo động hoảng, nàng ngủ tiếp và thời gian trở lại bình thường, nghĩa là chẳng bao giờ còn được trông thấy lại người gác cổng gầy gò, ốm yếu, buổi sáng sớm mở rộng hai cánh cửa sắt, chờ đám học trò nhỏ vô sân trường đông đủ, sau đó từ từ đóng cửa trường, từ từ và chậm chạp không phải vì hai cánh cửa sắt quá nặng nề so với sức mình, nhưng có lẽ chỉ vì muốn che giấu cử chỉ, dáng điệu hài lòng của mình (niềm hạnh phúc bé nhỏ buổi sáng sớm), khi phải chờ đợi người nữ sinh nhỏ bé cuối cùng, đi học trễ, đang vội vàng từ giã người yêu, vội vàng chạy vô cổng trường rồi lại vội vàng chạy ra: nàng quên không dặn chàng trưa nay đừng đón nàng, vì nàng sẽ về chung với Lan Anh, bạn nàng... "Em chưa nghĩ đã đến lúc phải nói cho Lan Anh biết chuyện chúng mình. Em không thích khoe khoang hạnh phúc. Hơn nữa, em nghĩ, một ngày nào đó, Lan Anh đã lớn, và sẽ hiểu, và lúc đó chắc nàng sẽ phá lên cười, ngạc nhiên tự hỏi, tại sao ngày ấy nàng lại yêu em nhiều quá như vậy...".
Đêm thứ nhì sau vụ mìn nổ, khi chàng tỉnh táo, nhận ra những khuôn mặt thân thương trong gia đình, chàng cố gắng cất tiếng nói nhưng không thể, và chàng cảm thấy thật rõ ràng một điều, chàng sẽ chết trong đêm, và trước khi chết, chàng sẽ được gặp nàng lần cuối cùng. Trước khi chết, chàng sẽ còn đủ thì giờ để nói với nàng, rằng chàng yêu nàng vô cùng, và tình yêu đó chẳng liên can gì đến đời sống hoặc cái chết, rằng nó phải như vậy, nếu không đã chẳng thể nào có nàng và chàng ở trên đời, và điều chàng ân hận, là chàng đã yêu nàng nhiều quá, như một lần chàng đã viết, "Chúng ta không sợ chúng ta không yêu thương nhau mà chỉ sợ chúng ta yêu thương nhau nhiều quá." Chàng cảm thấy đời chàng sẽ kết thúc như vậy, và chẳng thể nào khác.
Sáng sớm hôm sau, khi chàng nhận thấy đã chống cự nổi, và thắng cả thần chết, đã lừa dối được định mệnh, đồng thời chàng cũng nhận ra một sự thật thảm thương, là sự sống sót của chàng như có một điều chi bất thường, giống như một nốt nhạc sai, dư, thừa, bất toàn, một giọng hát lạc giữa một bài ca, sự sống sót của chàng là một điều xúc phạm tới tình yêu thiêng liêng: Chàng vẫn sống và nàng đã chẳng tới được nhà thương đêm đó.
Trong khi lần hồi sống lại, trong những lần nàng vào nhà thương Grall thăm chàng, nghe nàng kể chuyện, khi được tin, nàng đã khóc và không dám giụi mắt, vì sợ mắt sẽ đỏ, và người trong nhà sẽ biết. Chàng nghe kể lại, vừa cảm động vừa hổ thẹn....

Ngày 28 tháng 3, tôi gặp lại H. lần cuối cùng. Trời bữa đó mưa. Trận mưa mở đầu mùa. Thời tiết thay đổi, khí hậu ẩm ướt làm cánh tay trái của tôi trở nên đau nhức, khó chịu. Tôi ra Sài Gòn, tìm một quán nước, vừa uống cà phê vừa ngó mưa. Quán này, ngày trước tôi và H. thỉnh thoảng có ghé. Tôi còn nhớ, một lần ngồi đây, cũng tại bàn này, tôi uống bia, và chợt có ý định muốn hôn nàng. Lúc đó buổi trưa, trong quán chỉ có một hai người ngoại quốc đang dùng bữa. Họ vừa ăn vừa cắm cúi đọc báo. Ngày hôm sau, nàng bảo tôi, nàng biết ý định của tôi lúc đó, và phải quay đi, để che giấu nụ cười.
Đang ngồi, đột nhiên nhớ đến nàng, đột nhiên tôi có ý định phải gặp nàng, và chỉ cần nhìn mặt nàng lúc này, là tôi biết rõ, nàng có còn yêu tôi hay không. Tôi đến đại học khoa học, và ngồi ở hiên ngoài, cũng là nơi tôi vẫn thường ngồi với bạn bè, hoặc ngồi một mình đọc sách, thay vì ngồi bên trong giảng đường nghe giáo sư giảng bài.
Tôi ngồi chờ nàng thật lâu. Cơn mưa vẫn tiếp tục. Cuối cùng, tôi chạy vào bên trong trường tìm nàng. Tôi gặp nàng đứng nói chuyện cùng mấy người bạn học. Nàng rời đám bạn, và hai đứa chúng tôi vừa đứng đợi ngớt mưa, vừa nói chuyện, những câu nói nhạt thếch. Khi mưa ngớt, chúng tôi thản nhiên chào nhau ra về, mỗi người đi một ngả đường. Khi nàng đi được một quãng khá xa, đột nhiên tôi quay lại, và chạy theo, chạy thật nhanh. Tôi bắt kịp nàng, và hỏi, nàng còn yêu tôi hay là không. Nàng lắc đầu. Tôi bảo nàng nói. Nàng nói. Nàng nói thêm, nàng chưa hiểu tình yêu là gì. Tôi mệt và giận, muốn đánh nàng, bất chợt, tôi nhìn thấy tôi, trong tấm kiếng chiếc xe hơi đậu kế bên đường: đầu tóc rũ rượi, thở hổn hển, cánh tay trái lòng khòng, nước mưa rỏ trên khuôn mặt hốc hác, tôi đột nhiên nhận ra khuôn mặt thảm hại của tình yêu, tôi đột nhiên có cảm tưởng đã sống hết đời tôi, đã sống hết mối tình. Tôi bảo nàng đi về, tôi bảo tôi đi về. Tôi hiểu rằng tình yêu của tôi đối với nàng đã hết.
4. Mùa Hè Miền Nam
Căn nhà gỗ, vách ván, nền tráng xi măng, mái thấp, đứng ở ngoài hiên, hơi kiễng chân có thể lùa tay dọc theo con máng, lùa mớ lá khô, rồi sau đó, lấy rẻ ướt vét sạch lớp bụi cát do những chuyến xe đò chạy trên đường lộ lùa tới, lưu cữu dưới lòng máng sâu, mùi xăng nhớt lẫn trong luồng hơi nóng bị vách ván cùng những cánh cửa sổ đóng kín, ngăn chặn, quanh quẩn trong hiên, đánh thức những giấc ngủ trưa chập chờn, bài hoải trên chiếc ghế bố ở cuối hiên, đánh thức luôn những xúc động nhỏ nhặt, những ước muốn mơ hồ, không rõ rệt... Một lần giở một khúc máng gỉ nát tính sửa chữa, tình cờ tìm lại được cả một tập thư tình viết cho L.H. Những bức thư tình viết đầu tiên trong đời, trong đêm khuya, dưới ánh đèn lén lút chiếu sáng vừa đủ trang giấy, lo sợ, không phải ánh sáng đèn, nhưng mà là những xúc động rồn rập (nhiều lúc làm nghẹt thở), làm mọi người thức giấc; càng về khuya, chữ càng thêm năng nề, nhưng vẫn không thể nói hết, thỉnh thoảng viết được một vài điều thật cảm động, (những kể lể sướt mướt, những lời nói họa hoằn của nàng vẫn còn đọng lại, tiếng cười, cử chỉ của nàng khi vẫy tay từ giã, hẹn kỳ hè tới sẽ gặp lại...), vội vã tắt đèn, ngồi yên lặng trong bóng tối, sợ hãi chính nỗi xúc động của mình, chúng có thể gây nên những tiếng động lịch kịch như tiếng bàn ghế di chuyển, làm ngọn đèn cháy sáng trở lại, nỗi xúc động giống như nỗi cô đợn nhiều khi đột nhiên thái quá, làm ngây ngất, khó chịu. Những bức thư viết nhưng không bao giờ gửi, không phải sự sợ hãi, không phải quá rụt rè khi gặp nàng, nhưng mỗi lần tính đưa, thì một cử chỉ vô tình của nàng làm khựng lại, ngay chính người đưa thư cũng nhận ra sự vô ích, thừa thãi, nhưng tại sao vẫn.... Tưởng tượng nếu nàng đọc những bức thư đó, có cảm giác chết cứng vì tủi hổ, nỗi cô đơn đột nhiên bị tước đoạt, cảm giác trần truồng trước mặt nàng, trước người khác... Những bức thư được giấu kỹ trong đống sách vở, ở dưới đệm giường, ở dưới lòng máng, chỗ an toàn nhất không sợ chị Thu lục lọi ngăn kéo hộc bàn tìm mẩu viết chì, thỏi gôm, lật những cuốn tập, vô tình thấy, tò mò đọc, chắc chắn sẽ cười cợt, chế giễu, nhưng có thể sẽ thương hại; xấp giấy được giấu kỹ như những món quà, bánh được ba má chia đều cho hai chị em, thường để dành, tìm chỗ cất giấu, nhiều khi mải chơi, quên luôn, khi nhớ tìm lại, kiến bu quanh, hoặc chuột đã tha đi đâu mất tích, xấp giấy nay cũng bị gián nhấp tả tơi, chữ thiếu hụt, chỗ còn mất, nước mưa làm nhiều chỗ trở nên trắng bệch, mất cả buổi sáng tìm cách vá víu, chắp nối, nhưng không thể, quá khứ...
Mái lợp ngói nâu, vẻ cũ kỹ, mốc thếch, vườn cây vây quanh nhà, con kinh đào dẫn nước luân lưu khắp vườn, sau cùng đổ những trái dừa, trái cam hư thối ra nhánh sông sau nhà, một chiếc xuồng lập úp, vùi giữa đống lá dưới bóng một thân cây lớn, chủ nhật hay ngày lễ, nhất là vào dịp nghỉ hè, L. H. từ Sài Gòn lên vườn thăm chị Thu, sẽ đưa nàng đi chơi xuồng, cả hai len lỏi giữa những vùng trời nước im lặng, tiếng mái chèo đập nước làm át tiếng tim đập mạnh, giả đò thở hổn hển vì mệt chứ không phải vì quá xúc động... hoặc đậu xuồng dưới đám lá cây dầy đặc che hết ánh nắng (nàng bỏ kính che mắt, trong bóng mát, ánh mắt chợt long lanh, có thể nàng biết... tinh nghịch nhúng tay xuống nước, bóng nàng vỡ ra từng mảnh, chụm dần lại... biết tôi đang đăm đăm, ngơ ngẩn nhìn....), hoặc chìm mất giữa đám sậy nhỏ, những lần đi quá xa, tiếng chị Thu từ trên bờ gọi trở về dùng cơm vọng nước tới làm tắt ngấm những lời dự định nói, cuối cùng vẫn chỉ là những lời vu vơ, những hỏi han về việc học, về thành phố Sài Gòn đã lâu chưa có dịp xuống chơi, về một vài dự tính trong tương lai (nàng nói, sẽ học y khoa, chữa bệnh cho mọi người nhưng không cho riêng ai, tâm sự của mỗi người cũng chỉ là một chứng bệnh, rồi sẽ qua đi, chẳng cần chữa trị...), tất cả những gì còn lại được giấu kín như những bức thư chẳng bao giờ gửi, như những lần tự nhủ, trước khi nhập ngũ, sẽ gặp nàng một lần, và sau đó sẽ bỏ đi, sẽ mất tích trong cuộc chiến, hoặc cũng chẳng cần cuộc chiến, sẽ cố gắng quên hết, cố gắng làm lại từ đầu, giả sử như chưa từng gặp nàng, như những lần lang thang nơi khu phố nàng ở, (gần một ngã sáu, khu trung tâm thành phố, sinh hoạt đông đảo, một cửa tiệm bán sách vở, dụng cụ văn phòng, nàng thường ngồi sau một chiếc bàn lớn ở gần phía bên ngoài, gần cửa ra vào, phóng xe qua thật nhanh, hơi nhìn ngang, có thể thoáng thấy nàng ngồi chăm chú, viết, hoặc lơ đãng nhìn ra bên ngoài, làm sao nàng có thể nhận ra...), hoặc ghé xe bên lề đường, mua tờ báo, bao thuốc, hoặc ngồi uống cà phê ở quán Tầu phía bên kia đường, ngó những đứa trẻ đánh giầy chia nhau tiền bạc, giành giật khách, hay mẩu thuốc, khi ra về thường quá khuya, vòng xe qua con đường phía sau nhà nàng, ngó nhìn lên, có thể bóng dáng nàng sẽ hiện ra nơi khung cửa sổ trên lầu cao, che bớt ánh đèn lạnh toát, thỉnh thoảng bị mưa, ướt sũng, run lập cập, cần nhất là không bao giờ kể lể than khóc với nàng về ba chuyện đó, và nàng cũng chẳng bao giờ biết, hoặc hiểu được, nàng đến từ phía bắc, từ một thành phố có mưa phùn, có gió bấc, có rét mướt, băng giá, và nàng mang theo cùng với nàng chút giá băng, lạnh lùng, một chút tẻ nhạt, nàng đứng ở bên ngoài đời sống cô đơn, rực lửa, quạnh hiu của tôi, ở ngoài những nao nức, những băn khoăn, những mơ mộng của cả một thời niên thiếu, ở ngoài sự kiêu ngạo muốn đạp đổ tất cả, muốn xua đẩy nỗi giá băng, lòng lo lắng sợ sệt, muốn được nàng an ủi, vỗ về, nàng đứng ở đâu đó ở bên ngoài cuộc đời của tôi, như một người đứng ở chỗ sáng ngó vào chỗ tối, nàng không thể thấy, không thể biết, nhưng thôi, thôi, Ngọc, Ngọc, cố gắng quên đi, cố gắng đừng thủ dâm nữa, đừng nói gì cả....
Sơ Dạ Hương.
(1966).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.