Hôm nay,  

Pháp Quốc: Chàng D’artagnan Gãy Kiếm

23/04/200300:00:00(Xem: 4437)
Dù chính quyền Bush chưa chính thức nói ra, cuộc chiến tại Iraq coi như ngã ngũ. Giấc mơ đại cường của Pháp cũng vậy. Nhân vật tiêu biểu cho Pháp từ tiểu thuyết võ hiệp Alexandre Dumas, chàng d’Artagnan tài hoa và đào hoa, người của đường gươm ngoạn mục và hành động hào nhoáng... coi như bị trụi lông trên mũ và gãy kiếm trong tay, như một anh ăn trộm thành Baghdad bị bắt quả tang...
Lịch sử cũng biết mỉm cười. Và cười mỉa mai khi Mỹ vừa vào đến Baghdad thì Pháp loan tin chấm dứt khai thác phi cơ Concorde vì không có lợi về kinh tế. Một biểu tượng về ưu thế kỹ thuật và kinh tế của Pháp và Anh đã sụp đổ cùng các đền đài và hình tượng về quyền uy của Saddam Hussein. Một tuần sau, sự hợp tác thắm thiết giữa Pháp và Anh cũng đi vào lạt phai khi, ngày 16 vừa qua, Anh từ chối không chia sẻ cùng Pháp những bí mật quốc phòng liên hệ tới một hàng không mẫu hạm trị giá hơn bốn tỷ đô la mà Anh dự trù chế tạo. Giao trứng cho ác như vậy là quá đủ, vì trong mấy tuần giao tranh, Liên quân Anh Mỹ đã tìm ra nhiều chứng cớ cho thấy Pháp vẫn cung cấp nhiều loại võ khí và kỹ thuật quốc cấm cho Iraq, từ bệ phóng tới hỏa tiễn hay súng cao xạ phòng không và nhiều thứ quỷ quái khác có hại cho an ninh của Anh và của Mỹ.
Pháp đang bị lột mặt nạ và quan hệ với Hoa Kỳ coi như đã bị sứt mẻ trầm trọng.
Chúng ta hãy lần giở lại chuyện cũ, khi George W. Bush vất vả đắc cử và lên nhậm chức với kế hoạch đối ngoại đầy gai góc, khiến cho đầu năm 2000, dư luận có nơi nhận xét rằng Hoa Kỳ đang mở lại không khí Chiến tranh lạnh trong mối quan hệ với Liên bang Nga và Trung Quốc. Điều này chưa hẳn đúng.
Thời chiến tranh lạnh, thế giới có hai khối đối nghịch với tương quan lực lượng ngang ngửa và quan hệ giữa các nước bị chi phối bởi cục diện này. Các nước gọi là Phi liên kết thì cũng chỉ ngả nghiêng ở giữa, thí dụ như đảo qua phe Liên xô về lập trường để dễ moi tiền viện trợ của Hoa Kỳ.
Sau khi Liên xô tan rã vì lý do chủ quan là sự bất lực của chủ nghĩa cộng sản và khách quan là sự thách đố kinh tế lẫn kỹ thuật chiến tranh của Mỹ, thế giới chỉ còn một siêu cường toàn cầu duy nhất là Hoa Kỳ, lúc đó không còn đối thủ và cũng chẳng cần tìm đối thủ. Riêng ông Bush còn chủ trương là không nên áp đặt những giá trị dân chủ của Mỹ trên các xứ khác. Đó là thời của các cường quốc hạng nhì, được giải phóng khỏi nguy cơ chiến tranh nguyên tử với Liên xô, và thoát khỏi cây dù bảo vệ của Mỹ, để có thể đi tìm một định mệnh khác. Pháp là quốc gia điển hình cho loại cường quốc hạng nhì này. Hạng nhì nhưng khôn lanh hạng nhất!
Trước khi bị Đức quốc xã khuất phục năm 1940, Pháp từng là cường quốc toàn cầu, có thuộc địa khắp nơi. Nhờ sự yểm trợ của Mỹ, Pháp đứng vào phe chiến thắng năm 1945 nhưng thấy ngột ngạt bức bí dưới cây dù nguyên tử của Mỹ, trước các sư đoàn của Hồng quân Liên xô đã đặt chân vào tới Đông Âu. Trong các nước thuộc Minh ước NATO, Pháp là quốc gia cựa quậy nhiều nhất để tìm cho mình một tư thế lớn hơn thực lực, kể cả đòi đưa sức mạnh nguyên tử của mình ra khỏi cơ chế điều động của NATO thời de Gaulle và đòi dạy dỗ Mỹ về cách xử trí tại Việt Nam. Trong quan hệ Đông-Tây, Pháp luôn ở vào thế “chân trong chân ngoài”, gần như cố đứng trung lập giữa Hoa Kỳ và Liên xô, nhưng được Tây Đức ngăn với Liên xô và được Mỹ bảo vệ đằng sau, trong khi bực bội vì cái thế khuynh đảo của Mỹ về kinh tế, kỹ thuật, văn hóa và quân sự. Pháp có tham vọng cũng to bằng mặc cảm của mình, sau khi bị xuất huyết từ thời Napoleon tới ba cuộc chiến đều thảm bại với Đức (1870, 1914, 1940).
Sau Thế chiến II, để tìm ra cho mình một không gian hành xử rộng rãi hơn, Pháp ưu tiên phát triển ra tư thế Âu châu bằng cách hợp tác với Tây Đức, nhờ đó mới có một diễn đàn cao hơn tầm vóc và tiếng nói lớn hơn khả năng. Đồng thời, Pháp cũng hâm nóng lại quan hệ với các thuộc địa cũ, từ Bắc Phi đến Nam Sahara qua Trung Đông tới Đông Dương. Điều đó phần nào giải thích lập trường của Paris về cuộc chiến Việt Nam: chống Mỹ đến nỗi thân Hà Nội cũng được, dù thực tế thì Pháp còn kiếm ra tiền ở miền Nam chứ chẳng moi được gì tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa! Hoa Kỳ dĩ nhiên là khó chịu với đường lối láu cá đó của Pháp và bị Liên xô khai thác tận tình, nhưng chỉ có thể thụ động ngăn ngừa mà thôi. Vả lại, ngoài cái tiếng, Pháp cũng chẳng có miếng để trở thành một đồng lõa khách quan của Liên xô trong hệ thống phòng thủ Tây phương.

Việc Liên xô tan rã đã gỡ Pháp khỏi cái cảnh đu đưa khó chịu đó, để từ cái tiếng sẽ tìm ra cái miếng. Khổ nỗi, thời Chiến tranh lạnh, Pháp còn có thể ngả vào Liên xô để làm khó Hoa Kỳ mà Mỹ phải nhịn, chứ hoàn cảnh năm 2000 đã đổi khác và nếu Pháp được giải phóng thì Mỹ cũng vậy. Khi đó, chỉ có thực lực của hai bên là đáng kể, và thực lực của Pháp thì chẳng thể sánh nổi. Pháp phải ráo riết xây dựng và củng cố cái bệ Âu châu để leo lên cho cao hơn, bằng mọi cách phải tiến tới Âu châu thống nhất. Thứ hai, phải bắc cái loa Pháp thoại (Francophony) là các xứ thuộc địa cũ để khuếch âm tiếng nói của mình. Thứ ba, mở rộng quan hệ với các nước Hồi giáo chống Mỹ, chống Do Thái hoặc là chư hầu cũ của Liên xô. Đồng thời, ve vuốt Nga và Trung Quốc để sát vai lập ra một cục diện “đa cực” trên thế giới, nhằm hóa giải cái thế độc bá của Mỹ.
George W. Bush lên cầm quyền năm 2000 là gặp tình huống đó và không mơ hồ gì về “tình nghĩa đồng minh”; nhưng Pháp là một ưu tiên rất nhỏ, không đáng quan tâm và phải có ngay đối sách. Chín tháng sau khi ông nhậm chức, vụ khủng bố của Al-Qaeda càng đảo lộn ưu tiên của Mỹ. Hoa Kỳ sẽ phải can thiệp vào tình hình thế giới để diệt trừ nguy cơ khủng bố, dù có bị kết án là đế quốc, “sen đầm quốc tế” hay hiếu chiến cũng chẳng sao. Thế thủ hay nhất là thế công!
Khốn nỗi, trên trận tuyến này, Hoa Kỳ gặp ngay dấu tích Pháp. Các xứ hung đồ hoặc chứa chấp khủng bố cũng lại là thân chủ (trong ý nghĩa “khách hàng” kinh tế và chính trị) của Pháp, đứng đầu là Iraq, kế tiếp là Syria, một thuộc địa cũ của Pháp! Vì vậy, Tổng thống Jacques Chirac mới huy động bộ máy Liên hiệp quốc làm cỗ xe cản đường và cái loa Âu châu làm diễn đàn vừa chống Mỹ vừa cứu thân chủ. Đó là lý do vì sao Pháp liên kết với các nước tiền phong lập ra Cộng đồng Âu châu vào thập niên 50-60 (Đức, Bỉ, Lục Xâm Bảo) cùng với Nga để chống Mỹ đến cùng, bất chấp mọi nguyên lý hay đạo tắc chính trị.
Tháng 11 năm ngoái, khi đồng ý soạn thảo Nghị quyết 1441 với Mỹ, Pháp đã tính trước là sẽ dùng văn kiện đó để mua thời giờ cho Saddam Hussein và ngăn Mỹ tấn công Iraq. Vì vậy, qua tháng Hai năm nay mới tuyên bố trước là sẽ phủ quyết mọi đề nghị khác của Mỹ. Là người thực tâm tin vào lời Ngoại trưởng Pháp Dominique de Villepin, Ngoại trưởng Colin Powell nổi giận thấy là mình bị lường gạt! Trước đây, Pháp luôn luôn vận động Liên hiệp quốc ngưng trừng phạt Iraq vì Saddam Hussein vi phạm quyết định cấm không sản xuất hay tàng trữ võ khí tàn sát. Sau khi chế độ Saddam bị tan rã, Mỹ đề nghị Liên hiệp quốc thu hồi quyết định trừng phạt để kịp bơm dầu cấp cứu dân Iraq thì cả Nga và Pháp đều chống. Ngoại trưởng Nga trả lời tỉnh bơ: phải điều tra xem Iraq còn võ khí tàn sát không đã! Pháp thì khôn ngoan viện ra lý do phải thảo luận về “thể thức” đã. Hồ sơ cũng sẽ lại vào Hội đồng Bảo an, là nơi mình có quyền phủ quyết để ngăn Mỹ, dù vẫn tỏ vẻ ưu lo cho hạnh phúc của dân chúng Iraq. Nghị sĩ Alan Specter gọi hành động này là “đòn tống tiền quốc tế thật tinh vi”! Tình trạng này kéo dài thì sẽ kéo dài chương trình “đổi dầu lấy thực phẩm”, một chương trình béo bở cho Pháp và Nga. Chẳng là vì suốt giai đoạn phong tỏa kinh tế Iraq, để dân khỏi bị đói, Liên hiệp quốc cho Saddam Hussein bơm dầu bán ra ngoài lấy tiền mua thực phẩm và hai nước Pháp Nga giữ vai chủ yếu trong việc quản lý tiền bơm dầu và chọn hãng cung cấp thực phẩm viện trợ! Khi vào Baghdad thăm các cung đình dinh thự của cha con Saddam Hussein, Tướng Tommy Franks gọi chương trình này là “đổi dầu lấy dinh” cho Saddam. Ngày nay, trong khi dân Iraq cần lương thực cứu đói thì Pháp cố ngồi lên hồ sơ này và những ngân khoản kếch xù do việc bơm dầu của Iraq mà không chuyển thành lương thực cho dân Iraq.
Cho nên nếu muốn điều tra xem chế độ Saddam kinh tài ra sao trong những năm nhúng tay vào máu, hãy để ý đến Pháp: trong dấu vết tình nghi, ngoài mấy mẩu thép vụn như gươm gẫy, nếu có thấy sợi lông đà điểu trên cái mũ của chàng d’Artagnan rớt lại, người ta đừng ngạc nhiên. Ngẫu nhiên chăng, nếu Chirac cũng là cùng quê với chàng pháo thủ huê dạng này, với cái tên rất vần với nhân vật gian hiểm Rastignac của Balzac!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.