Hôm nay,  

Hồ Sơ Mật Csvn Về Tôn Giáo: Nhuộm Đỏ Tu Sinh Trước

20/08/200200:00:00(Xem: 3826)
HANOI - Một tài liệu mật của Đảng CSVN về cách kiểm soát các hoạt động tôn giáo vừa được phổ biến ra hải ngoại bởi 2 nhà hoạt động đang đòi hỏi tự do tôn giáo quốc nội. Đặc biệt, Đảng CSVN nhấn mạnh việc giáo dục ‘tính đảng’ tại các trường dạy tu sĩ, “Cần quan tâm hơn đến nội dung giảng dạy về văn hóa, lịch sử dân tộc, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong các cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo...” Dưới đây là lời báo động và bản văn mật.
Kính thưa Quý Cha, Quý Bác, Quý Anh
Chúng con xin kính gởi đến Quý Cha, Quý Bác, Quý Anh một tài liệu (hy vọng Quý vị chưa có) của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để Quý vị thấy thêm một lần nữa não trạng độc tài toàn trị thâm căn cố đế và âm mưu khống chế tôn giáo cách tinh vi thâm độc của Cộng sản Việt Nam. Tài liệu này có thể là bước chuẩn bị cho Pháp lệnh về tôn giáo.
Xin được kính gởi để Quý Cha, Quý Bác, Quý Anh đọc, phân tích, nhận định, hầu giúp đỡ hàng ngũ giáo sĩ, soi sáng hàng ngũ giáo dân và cảnh cáo hàng ngũ giáo gian!
Xin Thánh Thần liên kết chúng ta trong sứ mạng chứng nhân cho Sự thật.
Kính
P. NHG & P. PVL
Các ý kiến của Hội đồng Tư vấn Tôn giáo
ỦY BAN TRUNG ƯƠNG CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
HỘI ĐỒNG TƯ VẤN TÔN GIÁO
Hà Nội ngày 18 tháng 03 năm 2002
BÁO CÁO TỔNG HỢP CÁC Ý KIẾN CỦA HỘI ĐỒNG TƯ VẤN TÔN GIÁO TRONG PHIÊN HỌP TOÀN THỂ HỘI ĐỒNG ĐẦU NĂM 2002
Kính gửi: Các thành viên Hội đồng tư vấn tôn giáo.
Ngày 9 tháng 3 năm 2002, Hội đồng tư vấn tôn giáo đã họp phiên toàn thể tại Hà Nội, với sự tham dự của các vị trong Hội đồng, một số đồng chí trong Ban thường trực Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Ban tôn giáo - dân tộc và đại diện lãnh đạo các Ban trong cơ quan.
Đồng chí Phạm Thế Duyệt - Chủ tịch Đoàn chủ tịch UBTW.MTTQVN và giáo sư Đặng Nghiêm Vạn - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn tôn giáo đã chủ trì Hội nghị.
Sau khi đánh giá khái quát một số công tác trong năm 2001 và thống nhất công tác năm 2002 của Hội đồng, các thành viên trong Hội đồng đã tập trung thảo luận và tham gia ý kiến về 6 nội dung trọng tâm mà Ban chủ nhiệm đã hướng dẫn trong công văn số 04/HĐTVTG ngày 25 tháng 1 năm 2002.
Ban chủ nhiệm Hội đồng xin tổng hợp ý kiến của các thành viên theo từng nội dung như sau:
1- Về vấn đề đất đai và các cơ sở thờ tự của tôn giáo:
Các ý kiến đã thảo luận tại hội nghị hoặc gửi về cho Thường trực Hội đồng tư vấn đều nhất trí với gợi ý về phương hướng có tính nguyên tắc của Ban chủ nhiệm Hội đồng, đó là:
- Việc giải quyết vấn đề đất đai và cơ sở thờ tự của các tôn giáo trước hết là nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của đất nước, phù hợp với đặc điểm của tôn giáo.
- Những đất đai, cơ sở thờ tự của các tôn giáo đã hiến tặng cho Nhà nước, đoàn thể thì không đặt vấn đề đòi lại dưới bất cứ hình thức nào. Vấn đề là chính quyền, đoàn thể các cấp phải sử dụng đúng mục đích vào các công việc phúc lợi xã hội, như mở trường học, xây dựng cơ sở y tế, văn hóa... không để các cá nhân chiếm dụng hoặc chia, bán cho cá nhân.
- Đối với những đất đai và các cơ sở thờ tự tôn giáo mà các cơ quan Nhà nước, đoàn thể mượn (ngắn hạn hoặc dài hạn) hoặc bị nhân dân lấn chiếm, nay cơ sở tôn giáo có nhu cầu sử dụng, thì về nguyên tắc cần đặt vấn đề trả lại.
Hình thức trả lại thì tùy theo hoàn cảnh cụ thể của từng trường hợp mà có sự thống nhất về hình thức: trả lại nguyên trạng, hoán đổi hay mua lại.
Các đại biểu cũng cho rằng: cần có một Hội đồng bao gồm thành phần các cơ quan hữu quan của Chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, tổ chức tôn giáo tại địa phương cùng nhau bàn bạc, thiện chí thống nhất hình thức giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng:
+ Khi giải quyết vấn đề đất đai, cơ sở thờ tự mà các tôn giáo đã "hiến", "tặng" thì Nhà nước cũng nên cân nhắc linh động đối với từng trường hợp cụ thể. Cần nghiên cứu xem người đứng ra hiến, tặng đó có hợp pháp, có đủ tư cách pháp lý đại diện cho tổ chức tôn giáo hay không" Ví dụ, linh mục xứ chỉ là người quản lý cơ sở chứ không có đủ tư cách hiến, tặng cơ sở của giáo hội, mà chỉ có các vị giám mục mới có thẩm quyền.
+ Việc hiến, tặng của các cá nhân, tổ chức tôn giáo có phải là tự nguyện hay không" hay bị ép buộc, cưỡng chế"...
2- Về phạm vi các tôn giáo được tham gia trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội...
Các ý kiến của các nhà khoa học và các vị chức sắc tôn giáo trong Hội đồng đều thống nhất rằng: Đảng, Nhà nước đã có chủ trương xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia cùng góp sức với Nhà nước trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội. Mặt khác, Đảng và Nhà nước cũng nhìn nhận các tôn giáo đều bình đẳng như các thành phần khác trong xã hội.
Như vậy thì không có lý do gì để hạn chế các tôn giáo tham gia xã hội hóa trong các lĩnh vực đó, mà Nhà nước cần có những chính sách pháp luật cụ thể để phát huy mọi nội lực, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo được tham gia mở trường lớp, không chỉ là cấp mẫu giáo và nhà trẻ như hiện nay, mà cả các cấp giáo dục phổ thông trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường dạy nghề, thậm chí là mở cả các trường cao đẳng, đại học.
Tương tự, các lĩnh vực khác như: thể thao, vui chơi, giải trí, y tế, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng... các tôn giáo cũng được bình đẳng như vậy.
Các thành viên trong Hội đồng (kể cả các vị là chức sắc tôn giáo) cũng nhất trí với nguyên tắc là trong quá trình tham gia hoạt động trong các lĩnh vực đó, các tổ chức cá nhân tôn giáo phải đảm bảo đúng các quy định của các cơ quan Nhà nước hữu quan như: Bộ giáo dục - đào tạo, Bộ y tế, Bộ lao động thương binh xã hội, Bộ xây dựng... về phương diện: nội dung, chương trình, trường sở, đội ngũ giáo viên, kiến trúc xây dựng... Ngoài ra, các tổ chức và cá nhân tôn giáo không được truyền bá tôn giáo và chính trị trái với Hiến pháp và pháp luật trong các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội dưới bất kỳ hình thức nào. Các bộ ngành liên quan cần có quy định, chế tài cụ thể để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tôn giáo khi tham gia hoạt động trong các lĩnh vực này. Như vậy là vừa phát huy được quyền làm chủ của đồng bào các tôn giáo tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gắn bó đạo - đời, vừa bảo đảm được yêu cầu quản lý và hướng dẫn hoạt động của các tôn giáo theo đúng chính sách pháp luật.
3- Về vấn đề các trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành tôn giáo:
Các thành viên trong Hội đồng cho rằng: công tác đào tạo là rất quan trọng, nhằm hình thành đội ngũ chức sắc, nhà tu hành tôn giáo có đủ phẩm chất, kiến thức, tinh thần dân tộc để phụng sự tôn giáo, phụng sự Tổ quốc và phục vụ tốt sinh hoạt tôn giáo chân chính cho đồng bào có đạo.
Nhiều đại biểu đề nghị các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc cần thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức trường sở, nội dung, chương trình giảng dạy, đội ngũ giáo viên trong các cơ sở đào tạo của tôn giáo. Cần quan tâm hơn đến nội dung giảng dạy về văn hóa, lịch sử dân tộc, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong các cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo, nhằm nâng cao tinh thần dân tộc và ý thức công dân cho các chức sắc tương lai.
Mặt khác, Nhà nước cần có thái độ cởi mở hơn trong việc cho phép các tôn giáo mở trường lớp đào tạo chức sắc, tránh hiện tượng "tu chui" và "chịu chức chui" do nhu cầu thực tế quá bức xúc. Ngoài ra, nếu các chức sắc có tri thức, có phẩm chất thì đạo mới trong sáng, tín đồ mới không bị mê hoặc, không rơi vào mê tín hủ tục.

4- Về vấn đề các Hội đoàn tôn giáo:
Đây là nội dung mà các thành viên trong Hội đồng còn có ý kiến khác nhau. Tựu trung có 3 loại ý kiến như sau:
- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng: Nhà nước không nên nghi ngờ và không nên đặt vấn đề về tính chất của các hội đoàn tôn giáo đang tồn tại hiện nay, mà coi đó là những sinh hoạt bình thường diễn ra trong khuôn khổ bình thường của các sinh hoạt tôn giáo, được nhìn nhận theo tinh thần tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo.
Các hội đoàn chỉ cần đăng ký hoạt động với chính quyền sở tại, kèm theo tôn chỉ, mục đích của mình và người đứng đầu hội đoàn chịu trách nhiệm, chứ không phải xin phép chính quyền.
- Loại ý kiến thứ hai cho rằng: Cần phân biệt tính chất của hội đoàn. Đối với các loại hội đoàn mang tính tôn giáo thuần túy (hội kèn, trống, rước kiệu...) thì không cần phải đăng ký hoạt động. Đối với các hội đoàn mang tính xã hội, có tính tập hợp quần chúng (thanh thiếu nhi thánh thể, dòng ba...) cần đăng ký về nội quy, danh xưng, tôn chỉ, mục đích rõ ràng và phải được sự đồng ý của chính quyền.
Cần gắn hoạt động của các hội đoàn trong sự chỉ đạo, hướng dẫn chung của Mặt trận và các đoàn thể xã hội.
- Loại ý kiến thứ ba cho rằng: Không cần phân biệt tính chất của hội đoàn tôn giáo. Các hội đoàn phải được sự đồng ý của chính quyền mới được hoạt động. Chính quyền căn cứ vào nội quy, tôn chỉ, mục đích, danh xưng của hội đoàn, nếu rõ ràng thì cho phép hoạt động.
Hoạt động của hội đoàn có thể gắn với sự hướng dẫn, giúp đỡ của Mặt trận và các đoàn thể.
5- Về thái độ đối với các "hiện tượng tôn giáo mới" (hay còn gọi là đạo lạ, tà giáo, giáo phái mới...):
Về vấn đề này, các thành viên trong Hội đồng có 2 loại ý kiến:
- Loại ý kiến thứ nhất: Đại đa số các ý kiến của các vị chức sắc tôn giáo đều cho rằng: Nhà nước cần kiểm soát và ngăn chận triệt để không cho các "hiện tượng tôn giáo mới" hoạt động, dù có nguồn gốc từ trong nước hay từ nước ngoài vào, để vừa bảo vệ tôn giáo truyền thống vừa đảm bảo an ninh trật tự cho xã hội. Các tôn giáo truyền thống cũng cần tăng cường vận động tín đồ không để họ bị lôi cuốn vào các hiện tượng này.
- Loại ý kiến thứ hai cho rằng: Các "hiện tượng tôn giáo mới" có hai loại: loại tích cực và loại tiêu cực, tiêu cực là phần lớn. Vì vậy Nhà nước nên cân nhắc và xem xét cụ thể từng trường hợp, tránh những hiểu lầm không cần thiết.
6- Về vấn đề đảm bảo đời sống tôn giáo được trong sạch:
Tất cả các thành viên trong Hội đồng đều thống nhất rằng: cần đảm bảo sự lành mạnh trong các sinh hoạt tôn giáo, đồng thời kiên quyết bài trừ những hiện tượng tiêu cực như: mê tín hủ tục, lạm dụng tôn giáo vào các mục đích kinh tế, chính trị, vì các hiện tượng này ảnh hưởng xấu đến uy tín của tôn giáo, xã hội và đất nước.
Thái độ đối với các hiện tượng này là Chính quyền, Mặt trận cần kết hợp với các giáo hội xử lý kịp thời, đúng mức tùy theo mức độ vi phạm luật đạo luật đời; đồng thời cần biểu dương tuyên truyền rộng rãi những gương "tốt đời đẹp đạo" trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Có đại biểu chức sắc tôn giáo đã đề nghị Đài truyền hình Việt Nam - VTV.3 đưa lên chương trình "Người đương thời" hoặc chương trình "Dành cho người hâm mộ" những gương sáng phụng đạo yêu nước của các vị chân tu để động viên quần chúng tín đồ và để các vị tu hành khác noi gương học tập.
Ý kiến của vị chức sắc tôn giáo khác cũng đề nghị Nhà nước cần hướng dẫn khuyến khích các tôn giáo nên hạn chế những chi tiêu quá mức cho những việc làm có tính phô trương hay đua đòi, như xây dựng nhà thờ, chùa chiền, tổ chức lễ hội quá to lớn làm hao tổn tiền của, công sức của giáo dân.
Cũng có ý kiến đề nghị xem xét lại hình thức tổ chức quyên góp để đảm bảo việc quyên góp của quần chúng tín đồ được tự nguyện, lịch sự văn minh.
7- Một số kiến nghị khác:
Ngoài 6 nội dung trọng tâm mà các thành viên trong Hội đồng tập trung thảo luận và cho ý kiến, các vị cũng kiến nghị một số vấn đề cụ thể và đề xuất việc đổi mới nội dung, phương thức và đầu tư kinh phí nhất định cho Hội đồng tư vấn tôn giáo làm việc có hiệu quả.
Cụ thái đầu sư Trần Đức Tăng, sau khi giới thiệu khái quát về tình hình của 9 hệ phái Cao Đài đã có tư cách pháp nhân, cụ đã đề nghị Mặt trận Trung ương và Mặt trận các tỉnh, thành cần quan tâm tổ chức các lớp học về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như giới thiệu và những âm mưu lợi dụng tôn giáo của kẻ thù bên ngoài cho chức sắc các hệ phái Cao Đài. Cụ cũng đề nghị MTTW có ý kiến với UBND một số tỉnh, thành phía Nam cho phép đạo Cao Đài xây sửa lại một số cơ sở thờ tự bị chiến tranh tàn phá mà còn dấu tích.
Cụ hoà thượng Thích Thông Bửu (đệ tử trưởng của hòa thượng Thích Quảng Đức, Tp. HCM) và nhiều vị khác đề nghị MTTW cần có công văn giới thiệu với Ủy ban Mặt trận các tỉnh, thành có thành viên Hội đồng tư vấn tôn giáo của MTTW sinh sống, để Mặt trận liên hệ và tạo điều kiện cho các vị hoạt động, tránh hiểu lầm. Ý kiến này đã được chấp nhận và MTTW sẽ có công văn gửi Mặt trận các tỉnh, thành phố trong thời gian tới.
Cụ Thái Văn Năm - Phó Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo kiến nghị Nhà nước hỗ trợ cho đạo Hòa Hảo có cờ đạo và có tổ chức giáo hội hoặc hội thánh như các tôn giáo khác, tránh để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Cụ cũng đề nghị Mặt trận cần có ý kiến với Nhà nước tạo điều kiện cho đạo Hòa Hảo được mở lớp đào tạo chức sắc để lo việc đạo.
Cụ linh mục Thiện Cẩm - Ủy viên Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam (ở Tp. HCM) kiến nghị Nhà nước cần có chính sách cụ thể để các tổ chức tôn giáo không phải "đền bù" những hư hại vật chất khi tiến hành giải tỏa các cơ sở mà tổ chức hoặc cá nhân đã chiếm dụng cơ sở tôn giáo, vì những thiệt hại đó không do các tổ chức tôn giáo gây ra.
Khi Nhà nước xây dựng các cơ sở hạ tầng quốc gia, nếu phải giải tỏa cơ sở thờ tự của tôn giáo (nhà thờ, chùa chiền...) ở các khu dân cư, thì Nhà nước phải tạo điều kiện về đất đai, kinh phí phù hợp cho tôn giáo xây dựng lại cơ sở thờ tự mới ngay trong làng hoặc trong khu dân cư, vì các cơ sở thờ tự bao giờ cũng gắn liền với các cộng đồng làng xã, khu dân cư chứ không tách rời.
Cụ cũng đề nghị Mặt trận có ý kiến với Chính phủ, cho phép các dòng tu đạo Công giáo được mở Học viện liên dòng để đào tạo các tu sĩ trong các dòng tu, vì các dòng tu có lối sống tu trì khác với đại chủng viện, nên hiện nay các tu sĩ đa phần đều chưa được đào tạo chính quy, trình độ tôn giáo và ý thức chính trị - công dân cũng hạn chế. Vấn đề này, ông Trưởng ban tôn giáo Chính phủ đã hứa nhiều năm nhưng chưa giải quyết.
Những ý kiến cụ thể của các vị, Hội đồng cũng sẽ phản ánh với các cơ quan có trách nhiệm.
Trên đây là tổng hợp những nội dung chính của Hội đồng tư vấn tôn giáo trong phiên họp toàn thể đầu năm 2002. Những ý kiến này đã được trình với Ban thường trực Đoàn chủ tịch. Ban chủ nhiệm Hội đồng xin thông báo tới các thành viên và mong các vị tiếp tục bổ sung để Ban chủ nhiệm tiếp tục báo cáo Ban thường trực Đoàn chủ tịch Ủy ban TW.MTTQVN.
Các góp ý bổ sung xin gửi về địa chỉ: ông Đinh Văn Lành, Thường trực Hội đồng tư vấn tôn giáo, số 46 Tràng Thi, Hà Nội - ĐT: 04. 8.248.452.
TM. HỘI ĐỒNG TƯ VẤN TÔN GIÁO
GS. Đặng Nghiêm Vạn
Nơi nhận
- như kính gởi Chủ nhiệm
- lưu: Ban tôn giáo - dân tộc (ký tên)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.