Hôm nay,  

Văn Hóa Nghệ Thuật Suy Nghĩ Về Triển Lãm Mỹ Thuật 1.5 Việt Úc

04/10/200200:00:00(Xem: 4288)
Chiều Thứ Bảy, 21/9 vừa qua, Ông Lưu Tường Quang, Trưởng Nhiệm Đài Phát Thanh SBS, đã chính thức khai mạc cuộc Triển lãm Mỹ thuật Thế hệ Một rưỡi Việt Úc tại Casula Powerhouse Arts Centre, với sự đóng góp nghệ phẩm của 9 nghệ sĩ thuộc thế hệ một rưỡi: Caroline Hồ Bích Tuyền Đặng, Thảo Nhi La, Phong Lê, Mỹ Lệ Thi, Minh Huy Nguyễn, Khánh Linh Bảo Phạm, Garry Trịnh, Bình Trương & Joseph Jermey, và Thụy Vy.
Phần đông quan khách Việt Úc tham dự lễ khai mạc cuộc triển lãm đều là những người hâm mộ nghệ thuật. Tất cả đều ngạc nhiên, thán phục trước những nghệ phẩm độc đáo của các nghệ sĩ Việt Nam. Nhiều người Việt Nam cũng xúc động trước những nghệ phẩm đậm đà màu sắc, đường nét, hình ảnh... truyền thống Việt Nam.
Đặc biệt, bà Dorothy Koreshoff, chủ tịch hiệp hội Bonsai Úc, người đã có hơn nửa thế kỷ nghiên cứu về Bonsai, đã công khai bầy tỏ sự thán phục trước những tiểu cảnh do nhà sinh vật cảnh Khánh Linh tạo tác.

Nhưng bên cạnh sự ngưỡng mộ và lòng xúc động trước những nghệ phẩm do 9 nghệ sĩ tạo tác, tôi cũng có một số băn khoăn, xin được mạnh dạn trình bầy cùng qúy độc giả. Trước hết, đây là một cuộc triển lãm của những nghệ sĩ được mệnh danh là Thế Hệ Một Rưỡi. Và qua cuộc triển lãm, tôi được mọi người cho biết, cuộc triển lãm này vô cùng quan trọng đối với tương lai phát triển của cộng đồng. Như vậy, câu hỏi đầu tiên ở đây là: Thế Hệ Một Rưỡi là gì"
Trong phần Dẫn Nhập cuốn “In-Between 1.5 Generation Viet-Aust”, anh Lê Phú Cường, Nhân Viên Nghệ Thuật Đa Văn Hóa của Cộng Đồng NVTD/NSW cho biết: “Sau hai mươi lăm năm định cư của người Việt tại Úc, một thế hệ mới tạm gọi là ‘Thế Hệ Một Rưỡi’ đã xuất hiện trong xã hội Úc hôm nay. Họ là những người ‘ra đời ở Việt Nam và trưởng thành ở Úc’ - những người đã rời quê nhà và đến với đất khách khi còn trong lứa tuổi ấu hoặc thiếu niên.” Cũng theo anh Lê Phú Cường, Thế Hệ Một Rưỡi rất quan trọng đối với tương lai phát triển của cộng đồng người Việt tại Úc. Anh viết: “Thế Hệ Một Rưỡi đóng vai trò quan trọng như một ‘gạch nối’, nối liền thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai của cộng đồng người Việt, và trong một bối cảnh lớn hơn, nối liền cuộc sống địa phương và hoàn cầu. Họ là đại biểu của hàng tiền phong tạo nên sự phát triển trong tương lai của cộng đồng người Việt ở Úc. Nói rộng hơn, cái bản sắc do thế hệ này sáng tạo có thể được hiểu như một bản sắc cộng sinh, vượt qua những biên giới của chủng tộc, văn hóa và thế hệ.”
Bên cạnh tầm quan trọng vô cùng to lớn của Thế Hệ Một Rưỡi như vừa nêu, cuộc Triển lãm Mỹ thuật Thế hệ Một rưỡi Việt Úc còn có một giá trị đặc biệt vì một số lý do sau. Thứ nhất, theo lời anh Lê Phú Cường, “Thế hệ 1.5 là chủ đề cho chương trình phát triển văn hoá nghệ thuật lâu dài của cộng đồng người Việt tự do NSW do anh Lê Phú Cường đề xướng và đã được trung tâm nghệ thuật Casula Powerhouse hợp tác.” Thứ hai, trong Lời Giới Thiệu cuốn “In-Between 1.5 Generation Viet-Aust”, ông Con Gouriotis, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Casula Powerhouse, đã viết: “Cuộc triển lãm mỹ thuật In-tween Thế Hệ 1.5 là một phần của một kế hoạch 5 năm nhằm nghiên cứu những tính cách phức tạp của thế hệ người Việt gốc Úc đặc biệt này thông qua các loại hình nghệ thuật khác nhau như mỹ thuật, trình diễn, phim ảnh và văn học”.
Vì tầm mức vô cùng quan trọng của Thế Hệ Một Rưỡi cũng như cuộc Triển lãm Mỹ thuật Thế hệ Một rưỡi Việt Úc, nên chắc chắn khi tham quan, bên cạnh sự ngạc nhiên trầm trồ, và lòng ngưỡng mộ bái phục dành cho các nghệ phẩm của 9 nghệ sĩ, bản thân tôi có một số băn khoăn lo ngại xin được mạnh dạn trình bầy cùng qúy vị hữu trách trong cộng đồng và qúy độc giả.
1. Nếu Thế Hệ Một Rưỡi Việt Úc được định nghĩa là thế hệ “ra đời ở VN và trưởng thành ở Úc”, ta phải thừa nhận Thế Hệ Một Rưỡi đóng một vai trò quan trọng trong thời gian trên dưới nửa thế kỷ đầu đối với lịch sử phát triển của cộng đồng người Việt. Nhìn vào quá trình phát triển của cộng đồng người Việt tại Úc, tôi nhận thấy, Thế Hệ Một Rưỡi Việt Úc nhìn chung chia làm hai loại: Một, Thế Hệ Một Rưỡi Tỵ Nạn chiếm tới 98%; và hai, khoảng 2% còn lại là Thế Hệ Một Rưỡi Không Tỵ Nạn. Phân chia như vậy tuyệt nhiên tôi không hề có ý gây phân hóa, chia rẽ trong cộng đồng, mà chỉ muốn chúng ta nhìn rõ một thực tế hiển nhiên: Trong hai Thế Hệ Một Rưỡi đó, thế hệ nào đông gấp bội, thế hệ nào đóng vai trò quan trọng gấp bội, đối với tương lai phát triển của cộng đồng. Trong hai Thế Hệ Một Rưỡi đó, thế hệ nào cần được sự quan tâm nhiều hơn, đúng đắn hơn của những người hữu trách trong cộng đồng, cũng như trong chính giới Úc. Có nhìn rõ thực tế này, cộng đồng chúng ta mới có thể góp phần, giúp cho những cơ quan nghiên cứu của chính phủ tiểu bang hoặc liên bang Úc, biết rõ và hiểu đúng về bản sắc của cộng đồng người Việt tại Úc, qua các loại hình nghệ thuật. Có nhìn rõ thực tế này chúng ta mới giúp chính phủ Úc có những công trình nghiên cứu thực sự được đặt trên nền tảng những giá trị nghệ thuật điển hình, có tính phổ quát, đại diện cho tâm tư, nguyện vọng, lập trường, của đại đa số người Việt ở Úc. Nếu những người hữu trách trong cộng đồng không thấy được thực tế khác biệt vô cùng cần thiết này, vô hình chung, cái điển hình của thiểu số 2% lại được chú ý thổi phồng, để rồi bị ngộ nhận là cái điển hình đại diện cho cái đa số 98% còn lại. Và như vậy, bản sắc của cộng đồng người Việt tại Úc sẽ bị đánh giá một cách méo mó, thiếu trung thực.
2. Trong số trên 70 ngàn người Việt tỵ nạn sinh sống tại NSW, có đến vài chục ngàn người thuộc Thế Hệ Một Rưỡi, nghĩa là sinh ra ở VN nhưng đến Úc khi còn ở tuổi từ 5 đến trên dưới 20. Đó là một sự thực ai ai cũng phải thấy! Như vậy tại sao trong số đó, số người có nghệ phẩm trưng bầy tại cuộc Triển lãm Mỹ thuật Thế hệ Một rưỡi Việt Úc lại chiếm một tỷ lệ quá ít" Tại sao Thế Hệ Một Rưỡi Tỵ Nạn chiếm tới 98% nhưng chỉ có một vài nghệ sĩ có nghệ phẩm triển lãm"
Trước thực tế này, tôi không thể không băn khoăn tự hỏi, phải chăng, đại đa số Thế Hệ Một Rưỡi đặt chân đến Úc trong tư cách tỵ nạn, đã gặp phải những đau khổ trên đường vượt biên, đã trải qua những kinh hoàng khi sống với cộng sản, nên tâm hồn nghệ sĩ của họ đã bị thui chột" Hay Thế Hệ Một Rưỡi Tỵ Nạn cũng đã sản sinh ra rất nhiều nghệ sĩ, có những nghệ phẩm độc đáo, nhưng họ đã quá e dè, hoặc do khiêm tốn nên không muốn đem ra để triển lãm" Hay tài năng của họ đã không được những người hữu trách trong cộng đồng quan tâm phát hiện, giới thiệu một cách công bằng và đúng đắn" Hay những nghệ phẩm của họ chỉ thuần túy lên án tội ác chiến tranh của CS nên không phù hợp với chủ trương hòa hợp hòa giải, kiến tạo hòa bình của ban tổ chức cuộc triển lãm" Nếu đúng như vậy thì quả thực tôi không đồng ý, vì theo tôi nghĩ, một tác phẩm nghệ thuật lên án chiến tranh phi nghĩa, dù ít dù nhiều, luôn luôn có giá trị thức tỉnh, đóng góp cho hòa bình của nhân loại. Tỷ dụ như khi Đức oanh tạc thị trấn Basque, Guernica ở miền bắc Tây Ban Nha vào ngày 26 tháng 4 năm 1937, họa sĩ Picasso đã vẽ ngay bức tranh nổi tiếng Guernica. Nếu lúc đó, lãnh đạo các quốc gia Anh, Pháp, Mỹ... thấu hiểu được sự tàn nhẫn của Đức qua bức họa của Picasso, chắc chắn họ đã có thái độ cứng rắn và kiên quyết với Hitler. Và như vậy, biết đâu Đệ Nhị Thế Chiến đã không xảy ra sau đó, hoặc có xảy ra, cũng không khủng khiếp đến như vậy.
3. Từ hai điểm nêu trên, tôi xin nêu một câu hỏi: Nếu quả thực tương lai phát triển của cộng đồng người Việt tại Úc tùy thuộc quan trọng vào Thế Hệ Một Rưỡi, thì Thế Hệ Một Rưỡi nào sẽ đóng vai trò then chốt" Thế Hệ Một Rưỡi bao gồm những nghệ sĩ có những nghệ phẩm trưng bầy tại cuộc Triển lãm" Hay Thế Hệ Một Rưỡi bao gồm vài chục ngàn người tỵ nạn “ra đời ở VN và trưởng thành ở Úc”, trong đó có những người tích cực đóng góp cho cộng đồng được Ông Lưu Tường Quang nêu tên trong bài viết “Vai trò và đặc tính của Thế Hệ Một Rưỡi” như Luật sư Nguyễn Văn Thân, Cô Trần Hương Thủy, Bác sĩ Trần Bình Đông, Tiến sĩ Trần Duy Cường"... Ngoài ra, ta không thể không quan tâm đến những nghệ phẩm của hàng ngàn nghệ sĩ thuộc thế hệ Một Rưỡi Tỵ Nạn đang sống rải rác trên khắp mọi miền của nước Úc, mà những người có trách nhiệm trong cộng đồng phải cố gắng tìm kiếm, phát hiện, khuyến khích, và nghiên cứu.
4. Nếu Thế Hệ Một Rưỡi được hiểu như là một gạch nối giữa hai thế hệ, giữa hai nền văn hóa, giữa hai cộng đồng, thì đâu là sắc thái điển hình của 2 nền văn hóa và bản sắc của 2 cộng đồng, được các nghệ sĩ kết hợp và thể hiện trong các nghệ phẩm trưng bầy tại cuộc Triển Lãm" Đồng ý, nghệ thuật là những cảm hứng trừu tượng và người nghệ sĩ tạo hình luôn luôn tự do trong việc thể hiện những cảm hứng nghệ thuật trừu tượng đó. Tuy nhiên, một nghệ sĩ nếu thực sự đại diện cho đại đa số Thế Hệ Một Rưỡi Tỵ Nạn, thực sự hòa nhập trọn vẹn vào cộng đồng, cùng vui cái vui chung của cộng đồng, cùng lo cái lo chung của cộng đồng, nghệ sĩ đó chắc chắn phải có những cảm hứng tuyệt vời, kết hợp được hai giá trị điển hình: Giá trị thứ nhất, điển hình của Thế Hệ Người Việt Tỵ Nạn Bất Khuất Tìm Tự Do; Giá trị thứ hai, điển hình của Thế Hệ Người Úc Yêu Tự Do Sẵn Sàng Đón Nhận Những Người Việt Bất Khuất Tìm Tự Do. Kết quả của gạch nối tuyệt vời này sẽ khiến người nghệ sĩ thuộc thế hệ Một Rưỡi giúp cho không những người Việt thuộc Thế Hệ Một hiểu rõ giá trị của tự do dân chủ tại các quốc gia tây phương, mà còn giúp cho người Việt thuộc Thế Hệ Hai cũng như người Úc bản xứ hiểu rõ và biết trân qúy sự vô giá của tự do dân chủ mà họ được thừa hưởng gần như đương nhiên khi họ chào đời.
Xưa nay, cộng đồng người Việt tại Úc, cũng như tại hải ngoại, là cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản. Đây là bản sắc then chốt và điển hình xuyên suốt thời gian 27 năm qua và bản sắc này sẽ còn tiếp tục tồn tại như là một di sản tinh thần qúy báu cho muôn đời người Việt tại VN cũng như hải ngoại.
Đồng ý, trong thời gian một thập niên trở lại đây, do chính sách cứng rắn của LHQ và của chính phủ các quốc gia tự do đối với người Việt tỵ nạn, nên số lượng người Việt tỵ nạn cộng sản đã gần như chấm dứt. Tuy nhiên, hầu hết người Việt còn sinh sống tại Việt Nam đều không ưa gì cộng sản. Đó là thực tế ai ai cũng phải công nhận. Vì vậy, trong thời gian qua, nhiều người Việt đã lợi dụng những thay đổi về chính sách ngoại giao giữa hai quốc gia Việt Úc, những kẽ hở hậu quả của tham nhũng trong chế độ cộng sản, tìm cách “tỵ nạn cộng sản” tạm thời hoặc lâu dài dưới chiêu bài du học, hôn phối, đoàn tụ gia đình, di dân kinh tế, xuất ngoại lao động...
Phần, số lượng này chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản, phần, đại đa số những người Việt đến muộn này đều là những người yêu tự do, ghét cộng sản, nên ta có thể nói, bản sắc chính thống của cộng đồng người Việt tại Úc, cũng như tại hải ngoại, vẫn là bản sắc của cộng đồng tỵ nạn cộng sản, yêu tự do. Đây là một bản sắc cao đẹp, xứng đáng với những giá trị nhân bản mà loài người đã tạo dựng. Bản sắc cao đẹp này hoàn toàn phù hợp với sự tiến bộ của nhân loại và bước đi tất yếu của lịch sử. Bản sắc cao đẹp này phải là nguồn cảm hứng chính đáng và bất tận cho tất cả mọi người yêu tự do, trong đó có văn nghệ sĩ Việt cũng như Úc. Dĩ nhiên, bản sắc cao đẹp này có được phát triển mạnh mẽ hay không, có được đông đảo người Úc biết đến và ngưỡng mộ hay không, tùy thuộc phần lớn vào thái độ, lòng nhiệt tình, sự chịu khó... của mỗi người Việt, và đặc biệt là của qúy vị hữu trách trong cộng đồng, của những người làm công tác văn hóa nghệ thuật như anh Lê Phú Cường, cũng như các văn nghệ sĩ, dù là Thế Hệ Một Rưỡi, Thế Hệ Một, hay Thế Hệ Hai...
Dĩ nhiên, trên con đường duy trì bản sắc cao đẹp của cộng đồng tỵ nạn yêu tự do, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn, hậu quả từ sự đánh phá của CSVN, từ sự thỏa hiệp của một số người Việt tỵ nạn, và thậm chí từ những hạn chế về tầm nhìn, những ảo tưởng về CS, những nghiêng ngửa về ý chí, lòng liêm khiết... của ngay cả một số người bản xứ. Tuy nhiên, nếu cộng đồng chúng ta biết đoàn kết, biết trước sau như một duy trì bản sắc cao đẹp của một cộng đồng tỵ nạn CS, yêu tự do, chúng ta sẽ vượt qua tất cả mọi khó khăn, trở thành một động lực kinh tế, chính trị, văn hóa quan trọng trong xã hội Úc. Không những vậy, cộng đồng người Việt tỵ nạn yêu tự do chúng ta còn đóng góp vào niềm tự hào chung của nước Úc, giống như niềm tự hào mà những người Do Thái tỵ nạn Đức quốc xã đã đóng góp vào lịch sử của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Trong tư cách người thưởng ngoạn, bản thân tôi hoàn toàn trân trọng trước những đóng góp tuyệt vời của tất cả các nghệ sĩ thuộc Thế Hệ Một Rưỡi Việt Úc, không hề phân biệt Một Rưỡi Tỵ Nạn hay Không Tỵ Nạn. Tôi cũng ghi nhận, tại cuộc triển lãm, đông đảo quan khách Úc, Việt, Đại Hàn, Trung Hoa... đều vô cùng ngạc nhiên và ngưỡng một trước những nghệ phẩm của 9 nghệ sĩ. Tôi cũng vô cùng biết ơn trước những bảo trợ và đóng góp của Hội Đồng Nghệ Thuật Liên Bang Úc, Bộ Nghệ Thuật Tiểu Bang NSW, Hội Đồng Thành Phố Liverpool, Cộng Đồng NVTD/NSW, Ông Con Gouriotis, Ông David Cranswick, Ông Lưu Tường Quang, Anh Lê Phú Cường, 9 nghệ sĩ... Nhưng vì ý nghĩa đặc biệt của cuộc triển lãm có liên quan mật thiết đến việc đánh giá bản sắc cộng đồng người Việt, cùng tương lai phát triển của cộng đồng, nên tôi viết bài này, ngắn gọn những suy nghĩ của mình. Tương lai, khi có điều kiện, tôi sẽ trở lại vấn đề này đầy đủ hơn.
Để qúy độc giả có thể hiểu rõ hơn những băn khoăn của tôi, sau đây là phần tiểu sử cùng quan niệm về nghệ thuật của 9 nghệ sĩ. Rất mong qúy độc giả đóng góp ý kiến về vấn đề vô cùng quan trọng này.

TIỂU SỬ VÀ Ý TƯỞNG VỀ NGHỆ THUẬT CỦA 9 NGHỆ SĨ THUỘC THẾ HỆ MỘT RƯỠI

Caroline Hồ-Bích-Tuyền Đặng

Tiểu sử: Tôi sinh năm 1971, tại thành phố Huế, Việt Nam. Gia đình tôi và tôi dời vào Sài Gòn, và em trai tôi chào đời ở đó vào năm 1972. Chúng tôi rời Việt Nam vào ngày 5 tháng Năm 1978, trên một chiếc thuyền nhỏ được đóng riêng cho cuộc hải hành. Có chừng 75 người trên thuyền. Chúng tôi cập vào bãi Pula Besar, Mã Lai. Đến đó, chúng tôi vào trại tỵ nạn và ở lại đó hơn ba tháng.
Tôi được chính phủ Úc chấp nhận, và được phép di cư đến Sydney. Ngày 17 tháng Chín 1978 tôi đến Sydney bằng máy bay. Tôi tạm trú tại East Hills Hostel. Nơi đó chúng tôi ở chung với những người di dân khác, và có chỗ để học tiếng Anh. Chúng tôi được cấp thức ăn và được khám sức khoẻ (tôi còn nhớ những lần khám chấy trên đầu và những lần bị chích thuốc).
Ba mẹ tôi để dành được chút tiền do đi làm công nhân các hãng và rồi chúng tôi dọn đến Wiley Park, ở tại căn hộ hai phòng ngủ, và chị em tôi đi học trường Tiểu Học Lakemba. Sau đó, chúng tôi dời đến một căn hộ khác ở Lakemba. Đến năm 1988, ba mẹ tôi mua một cái nhà ba phòng ngủ ở Punchbowl, nhưng tôi vẫn còn học ở trường Nữ Trung Học Wiley Park cho đến khi tốt nghiệp. Rồi tôi tiếp tục học từ năm 1990 đến 1993 tại Trường Mỹ Thuật, thuộc Đại Học NSW, ở Paddington, và đậu Cử Nhân ngành Giáo Dục Nghệ Thuật.
Sau đó tôi đi làm ở nhiều nơi, hầu hết các công việc đều có dính líu đến nghệ thuật, trong lúc tôi vẫn cố gắng sáng tác nghệ thuật. Tôi nhận một công việc thường trực tại Trung Tâm Nghệ Thuật Cộng Đồng Footscray, và còn tiếp tục làm đến bây giờ. Tôi sống ở Footscray được một năm, rồi dời xuống St. Kilda East, là nơi tôi hiện đang cư ngụ.

Ý tưởng của nghệ sĩ: Những bản đồ địa lý/địa hình của Việt Nam và Úc là cơ sở và nguồn cảm hứng cho những bộ tác phẩm tôi đang sáng tạo. Bộ tác phẩm mang nhan đề Những Con Đường Không Người Đi ('Untravelled Roads') tập trung vào những vùng bờ biển ở Huế, sinh quán của tôi, và vùng biên giới giữa hai tiểu bang NSW và Victoria. Những Con Đường Không Người Đi nói đến một thứ ký ức và/hoặc niềm hoài vọng về chuyến thám du vào những vùng đất tôi chỉ biết qua tài liệu chứ không qua kinh nghiệm thật sự.
Những Biên Cương và Ranh Giới ('Borders and Boundaries') cũng là một bộ tác phẩm gắn bó dưới góc độ tạo hình với những ý tưởng về bản đồ và cách vẽ bản đồ. Đặc biệt có một bức tranh thể hiện sự tái tạo một hình tượng hỗn hợp của các tỉnh huyện từ miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Tác phẩm này nhằm mô tả một sự hợp nhất hoà bình và tính cách bất khả trong việc vẽ lại bản đồ của những vùng này khi chúng kết hợp với nhau làm một. Điều này giống như sự viết lại diễn trình lịch sử đã ổn cố qua nhiều ngàn năm.
Những Dòng Sông và Những Con Đường ('Rivers and Roads') là một sự nối tiếp ý tưởng về những giấc mơ bất khả. Tác phẩm bao gồm những thuỷ lộ và quan lộ từ các miền khác nhau của đất nước và lục địa, đem chúng vào nhau trong một phong cảnh tưởng tượng được tạo hình bởi những mảnh rác và phế liệu nhằm tái hiện tính cách huyễn tưởng và hư cấu không bao giờ có trong hiện thực.

*

Thảo Nhi La

Tiểu sử: Tôi chào đời tại Sài Gòn, Việt Nam. Mẹ tôi và tôi di cư sang Úc năm 1992 để đoán tụ với chị tôi. Tuy nhiên, lý do tôi đi Úc đúng hơn là để theo đuổi nghệ thuật và được trải qua những kinh nghiệm mới lạ ở một đất nước Tây phương.
Mặc dù với những hoài bão như thế, khi tôi mới đến Sydney tôi cảm thấy uất ức, buồn bã và tuyệt vọng. Tôi không nói được tiếng Anh và không có một xu dính túi. Tôi không có việc làm.
Một hôm tôi đến một quán ăn ở Cabramatta để xin một chân rửa chén. Tôi trở về nhà nước mắt ràn rụa, cảm thấy tuyệt vọng vì nhận ra cái chậu rửa chén cao lớn hơn tôi nhiều.
Tôi quyết định học thêm để vượt qua bức tường ngôn ngữ và văn hoá. Tôi nghĩ rằng tôi không thể sống nổi ở Úc nếu tôi không có bằng đại học. Sau khi cố gắng cật lực, tôi đậu Cử Nhân Nghệ
Thuật, hạng Danh Dự, tại Trường Mỹ Thuật, thuộc Đại Học NSW. Từ đó, tôi mới có thể làm việc như một nghệ sĩ cộng đồng.
Tất nhiên tôi nhớ Việt Nam. Nhưng giờ đây tôi cảm thấy nước Úc là nhà của mình. Tôi vừa về thăm Việt Nam và trở lại Úc cách đây vài tuần. Tôi tự lấy làm ngạc nhiên vì đã nhớ nước Úc quá mức. Trông thấy Opera House và Harbour Bridge trên đường từ Sài Gòn về Sydney, tôi mới thấy thư giãn và khuây khoả, như một người đi xa về lại nhà mình vậy.

Ý tưởng của nghệ sĩ: Hội hoạ giúp tôi phơi trải tất cả những cảm xúc sâu kín nhất - từ lòng tự tin, tình yêu, hạnh phúc, đến những nỗi buồn phiền, đam mê, phẫn uất và oán ghét. Khi buồn, tôi vẽ điều gì đó để khảo sát cảm xúc ấy và tôi thấy thanh thản hơn. Nước mắt và cuộc vẽ làm nỗi buồn tôi nguôi ngoai. Khi vui, tôi vẽ điều gì đó và tôi lại thấy vui hơn. Đó là lý do tại sao tôi yêu hội hoạ.
Điều tôi muốn trình bày qua tác phẩm là những cảm xúc và hoài niệm được diễn tả bằng vẻ đẹp của màu sắc, chuyển động và bố cục.

*

Phong Lê

Tiểu sử: Tôi sinh năm 1963 tại Cao Lãnh, Đồng Tháp, cách Sài Gòn 162 cây số về phía tây-nam. Đó là một thị trấn nhỏ nhưng hiện nay đã phát triển rộng lớn hơn.
Vào ngày 19 tháng Năm, 1978, ba mẹ tôi, cùng ba chị em gái và tôi rời Việt Nam trên một tàu đánh cá với 166 người khác để đi tìm tự do và một cuộc sống tốt đẹp hơn (hầu hết chúng tôi đều đã toại nguyện). Tám ngày sau, chúng tôi đến Pulau Tanga, Mã Lai, và được chấp nhận như những người tỵ nạn, cũng như hàng trăm người đã đến trước. Chúng tôi ở trong trại 6 tuần lễ rồi quyết định đi Úc. Chúng tôi được chuyển lên Kualar Lumpur và ở đó một tuần lễ trước khi đáp máy bay sang Sydney vào ngày 19 tháng Bảy, đúng hai tháng kể từ khi rời Việt Nam.
Tôi vẫn còn nhớ cái lạnh cắt da khi chúng tôi vừa ra khỏi Phi Trường Kingsford Smith và bước vào xe buýt. Đó là một kinh nghiệm nhớ đời cho một cậu con trai 15 tuổi vừa đến từ một xứ nhiệt đới và chưa từng bao giờ chịu một mùa đông lạnh như ở Sydney. Xe buýt chở chúng tôi đến East Hills Hostel nơi những người tỵ nạn Đông Dương khác đã đến ở trước đó. Gia đình sáu người của chúng tôi được cấp một căn hộ hai phòng ngủ và chúng tôi ở lại đó khoảng 6 tháng rưỡi.
Các chị em gái của tôi và tôi đến trường Trung Học Casula để học Anh ngữ. Khi tiếng Anh của chúng tôi đã khá hơn, chúng tôi được chuyển sang các lớp học chính thức tùy theo tuổi và điểm thứ. Tôi được vào lớp 8.
Vào tháng Hai 1979, chúng tôi dời về Bankstown, ở tại nhà một người bạn đã quen từ thị trấn quê nhà. Chúng tôi chỉ có một phòng ở trên tầng hai, trong khi ông ấy ở tầng trệt. Chúng tôi ở tại phòng đó cho đến năm sau. Rồi người bạn dời ra, và ba mẹ tôi thuê cả căn nhà và mở cửa hàng tạp hoá do người Việt làm chủ đầu tiên ở Bankstown. Tôi sống ở đó đến năm 1990. Tất cả con cái đều dọn ra nhưng ba mẹ tôi mua và tân trang căn nhà ấy và vẫn còn ở đó cho đến nay.
Tôi học lớp 9 ở trường Nam Trung Học Bankstown, lớp 10 ở trường De La Salle Bankstown, rồi lớp 11 và 12 ở trường Trung Học Benilde. Từ lúc ra trường vào năm 1982, tôi đã làm nhiều công việc và tốt nghiệp nghề Kim Hoàn năm 1991. Vào năm 1996 tôi quyết định ngưng làm việc một thời gian và ghi danh vào một khoá đồ hoạ ở Đại Học Western Sydney, Macathur. Tôi ra trường vào năm 2000 với bằng Cử Nhân ngành Visual Communication (Nhiếp Ảnh & Tạo Hình bằng Vi Tính).
Hiện nay tôi sống ở Canley Vale, NSW và làm giáo viên bán thời tại các trường cao đẳng kỹ thuật ở Liverpool, Campbelltown và Wetherill Park, và làm giảng nghiệm viên bán thời tại Đại Học Western Sydney, Milperra. Tôi cũng hành nghề nhiếp ảnh và đồ hoạ theo giờ giấc tự do.

Ý tưởng của nghệ sĩ: Với kinh nghiệm làm kim hoàn, thật là tự nhiên khi tôi chọn công việc sáng tác với chất liệu kim khí, đặc biệt là thép dẻo. Tôi đã làm việc với chất liệu này từ năm 1995.
Loạt tác phẩm điêu khắc này hoàn toàn khác với loạt tôi thực hiện trước đây, vốn kềnh càng và nặng nề hơn. Những tác phẩm lần này ít cứng rắn hơn nhưng đồng thời lại hàm chứa khối lượng qua kích thước của chúng. Chúng không thụ động cũng không năng động nhưng bao hàm cả hai. Tất cả đều cấu tạo từ những mảnh thép dẻo được tìm thấy hoặc chế biến. Những bức điêu khắc được sơn một lớp mỏng với dầu pha phấn, khiến màu kim loại rỉ sét vẫn còn được nhìn thấy.
Năm bức điêu khắc này diễn tả những kinh nghiệm tôi đã trải qua và những cảm xúc của tôi, như một người Úc gốc Việt, đối với bằng hữu và gia đình, đặc biệt là mẹ tôi. Hơn hết, chúng biểu lộ tình yêu của tôi đối với loại hình nghệ thuật này.

*

Mỹ Lệ Thi

Tiểu sử: Tôi sinh năm 1964 tại Buôn Ma Thuột (Làng của Cha Thuột), ở vùng cao nguyên Trung phần, Việt Nam. Mẹ tôi làm thợ thủ công và làm nội trợ; bà là người đã ảnh hưởng to lớn đến tôi. Cuộc sống của bà và những gì bà đã trải qua trong đời đã dạy tôi rất nhiều về đức kham nhẫn, lòng nhân từ, sự chấp nhận và hân thưởng.
Sau khi mẹ tôi qua đời vào năm 1973, tôi thay thế mẹ tôi để bán cá khô muối và chăm sóc một người già (cho đến khi ông mất vào năm 1981). Như một đứa trẻ ở một tỉnh lẻ không có thú giải trí gì khác ngoài những bộ phim cũ rích chiếu đi chiếu lại nhiều tháng tại một rạp nhỏ nơi thường có những vụ nổ mìn, đêm đêm tôi tiêu thì giờ bằng cách vẽ tranh và đọc sách. Vào ban đêm tôi cũng thường leo lên mái nhà để cất cao giọng trước cơn gió Buôn Ma Thuột ào ào thổi, cùng với những tiếng súng xa xa vọng lại. Từ 1975 đến 1985 tôi học nhạc và các vũ điệu cổ truyền cao nguyên.
Tôi rời Việt Nam năm 1985 để di cư sang Úc. Tôi đến sống tại Darwin và ở tại Trung Tâm Tạm Cư Phụ Nữ hơn một năm. Ngoài thời gian kiếm việc làm và đi học tiếng Anh, tôi thường vẽ bằng sơn và bút chì. Sau khi nhìn thấy những bức vẽ của tôi, bà Joyce Whaley - quản lý Trung Tâm, người sau này trở thành người mẹ Úc của tôi - mang tôi đến một cuộc phỏng vấn tại Phân Khoa Nghệ Thuật của Đại Học Northern Territory. Suốt cuộc phỏng vấn, Joyce Whaley nói giùm tôi hết mọi sự và, trông vẻ mặt của vị Phân Khoa Trưởng, tôi biết tôi đã 'qua' được bước đầu tiên. Từ năm 1986 đến 1992, tôi sáng tác, làm việc, học hành, trông nom bé trai của tôi, rồi cuối cùng tôi lãnh bằng Cử Nhân Nghệ Thuật hạng Danh Dự vào năm 1993. Năm 1994, tôi xuống Sydney cư ngụ và tiếp tục công việc nghệ thuật của mình.

Ý tưởng của nghệ sĩ: Nghệ thuật của tôi ngẫu nhiên có một nối kết chặt chẽ với cuộc sống của tôi - quá khứ và hiện tại của tôi. Để làm nghệ thuật, tôi cố gắng tìm một sự quân bình giữa nơi tôi đang hiện hữu và nơi tôi đã hiện hữu. Tôi kiếm một cầu nối giữa những người khác và bản thân tôi, một điểm chung để liên kết nhiều sự dị biệt và tương đồng giữa những con người. Đôi khi tôi sáng tạo một hiện thực riêng biệt trong nghệ thuật của mình và sử dụng nghệ thuật để tìm một lời giải đáp cho những vấn đề của mình. Tôi sử dụng nghệ thuật để sáng tạo một hiện thực, và sử dụng hiện thực để sáng tạo nghệ thuật.

*

Minh Huy Nguyễn

Tiểu sử: Tôi sinh ra và lớn lên tại Vĩnh Long, miền Nam Việt Nam, cách Sài Gòn chừng 136 cây số. Vào ngày 30 tháng Mười Một 1988, má tôi, anh tôi và tôi di cư sang Úc để đoàn tụ với ba tôi.
Đầu tiên chúng tôi sống ở Ashfield, Sydney, và tôi bắt đầu vào lớp 6 trường Tiểu Học Ashfield. Đó là thời gian tệ hại nhất trong đời học vấn của tôi do những trở ngại về ngôn ngữ. Tệ hơn nữa, tôi lại là đứa trẻ người Việt duy nhất trong toàn trường.
Rồi tôi lên học trường Nam Trung Học Ashfield cho đến lớp 9. Sau đó gia đình tôi dời xuống Warwick Farm nên tôi chuyển qua trường Nam Trung Học Liverpool. Có nhiều học sinh người Việt cùng năm học nên tôi nhanh chóng có nhiều bạn bè. Tôi cũng theo lớp Việt Ngữ vào mỗi thứ Bảy nơi tôi có thể trao đổi với thầy giáo và các bạn học người Việt. Môi trường mới này tạo điều kiện cho tôi có ý thức về mình như thành viên của một cộng đồng. Tôi tốt nghiệp tú tài năm 1996.
Tôi đã yêu thích nhiếp ảnh từ hồi còn bé, tuy nhiên tôi đã chẳng lưu tâm lắm cho đến khi theo học môn nhiếp ảnh ở lớp 11. Cuối năm lớp 12 tôi phải hoàn tất một tác phẩm cho môn Nghệ Thuật Tạo Hình, và tôi quyết định sử dụng chất liệu nhiếp ảnh để thực hiện tác phẩm. Những bức ảnh tôi chụp đã được xếp vào hạng "top ten" và được chọn vào cuộc triển lãm mệnh danh "Schoolõs Out 96" tại Bicentennial Art Gallery của thành phố Cambelltown. Điều đó càng làm tôi hăng hái thêm về nhiếp ảnhsau khi rời trung học.
Tôi được nhận vào ngành Visual Communication tại Đại Học Western Sydney, với môn chính là nhiếp ảnh và tạo hình bằng vi tính. Tôi đang hoàn tất học kỳ cuối cùng của khoá học.

Ý tưởng của nghệ sĩ: Sống giữa hai nền văn hoá là một kinh nghiệm lý thú. Nhưng ở đó luôn luôn có cả điều hay lẫn điều dở. Điều hay là được biết cả hai nền văn hoá, điều dở là tôi không thể hoàn toàn lĩnh hội cả hai.

*

Khánh Linh

Tiểu sử: Tôi sinh tại Hà Nội, Việt Nam, vào năm 1965, trong một gia đình có nếp sống gần gũi với triết lý, văn hoá và nghệ thuật. Năm 1993, tôi đến Úc do vị hôn thê bảo lãnh. Tôi tiếp tục nghề buôn đồ cổ ở đây cho đến lúc thất bại vào năm 1997. Ở thời điểm đó của cuộc sống, tôi mới có nhiều thì giờ để suy tưởng và chiêu nghiệm về tương lai mình và tôi cố gắng tìm kiếm một thế quân bình cho đời mình. Với tất cả vốn kiến thức tự học và vốn nghệ thuật thừa hưởng - mẹ tôi là một hoạ sĩ và bố tôi là một chuyên gia lâm sản - tôi quyết định theo đuổi sở thích thiết kế cảnh trí Đông phương vì nó có thể kết hợp tất cả những gì tôi yêu mến như triết lý, thiên nhiên, sinh vật học, văn hoá, thi ca, hoa viên, điêu khắc, nghệ thuật tạo hình và tạo kiểu.
Bên cạnh việc thiết kế những hoa viên quy mô lớn cho chùa chiền và những nơi công cộng, tôi còn dựng tiểu cảnh để làm cho các kiểu tạo hình của mình có thể dễ dàng đến với công chúng qua những cuộc triển lãm. Tôi đang sống ở Bonnyrigg với người vợ đầy cảm thông và ba đứa con xinh đẹp.

Ý tưởng của nghệ sĩ: Sự hỗn loạn và những áp lực của xã hội hiện đại cùng sự xa rời môi sinh thiên nhiên đã khiến con người không thể tìm lại chính mình qua vẻ đẹp tự nhiên chung quanh mình. Qua những tiểu cảnh, tôi muốn chia sẻ hành trình nội tâm của tôi với khách thưởng lãm và hy vọng khai lộ được cái đẹp, sự hài hoà, niềm tĩnh lặng và những ý nghĩa sâu sắc.

*

Garry Trịnh

Tiểu sử: Tôi sinh tại Sài Gòn, Việt Nam, vào năm 1975. Gia đình tôi sống ở Pháp hai năm trước khi dời qua Úc vào ngày 31 tháng Tám 1980.
Chúng tôi ở chung với các cô chú của chúng tôi vài tháng đầu tiên trước khi dọn ra một căn hộ hai phòng ngủ ở Auburn. Thế rồi ba mẹ tôi để dành đủ tiền và mua một cái nhà năm phòng ngủ ở Berala vào năm 1984.
Suốt tuổi thiếu niên, tôi luôn luôn yêu thích những hình ảnh và giới truyền thông. Tôi là một trong những đứa trẻ biết đích xác mình muốn làm gì khi lớn lên.
Tôi theo học trường Tiểu Học Auburn rồi Berala. Tôi tiếp xúc với nghệ thuật lần đầu tiên lúc trào lưu văn hoá Hip Hop và Graffiti đang nở rộ vào giữa những năm 80. Khi làm những bài khảo cứu ở tiểu học, tôi thường bỏ nhiều giờ để trình bày trang bìa và xếp đặt phần nội dung sao cho đẹp mắt. Mọi thứ khác chỉ là chuyện phụ.
Tôi vào trung học ở Sefton. Thứ văn hoá của trò chơi trượt ván ảnh hưởng tôi mạnh mẽ suốt những năm đó. Tôi bị lôi kéo theo thái độ nổi loạn, tính cách tự chủ và dòng âm nhạc "Grunge" gắn liền với trò thể thao này. Căn phòng và sách vở của tôi bị dán ngập những bích chương quảng cáo và những bức minh hoạ xé ra từ những tạp chí về trò trượt ván.
Sau khi tốt nghiệp Cử Nhân Nghệ Thuật tại UWS, tôi bắt đầu chụp ảnh những cảnh trượt ván quanh Sydney. Tôi khám phá mình có con mắt nhiếp ản và theo học ngành Visual Communication tại UWS. Hiện tôi đang làm nghề vẽ kiểu đồ họa, dạy đại học và là một nghệ sĩ.

Ý tưởng của nghệ sĩ: Bản sắc của chúng ta định hình qua cách chúng ta kiến tạo những mảnh ký ức của mình vào cuộc sống của mình. Tác phẩm này gồm hai mươi bảy mảnh ký ức khó quên trong đời tôi. Mỗi mảnh tượng trưng cho một tuổi sống, và mỗi mảnh đều góp phần vào việc định hình bản sắc của tôi.

*

Bình Trương & Joseph Jermey

Tiểu sử: Tôi sinh ngày 22 tháng Tư, 1976, tại Gò Vấp, một quận gần Sài Gòn. Ba má tôi có năm người con, và tôi là con gái út . Tôi còn nhớ nhà tôi có một mảnh vườn đáng yêu trồng dừa, mít, khế và nhiều loại hoa.
Tôi là một trong số người may mắn không phải trải qua kinh nghiệm vượt biển đau thương. Vào tháng Sáu 1984, má tôi cùng hai người chị của tôi và tôi đi máy bay từ Sài Gòn đến Sydney. Chúng tôi có cơ hội đó là nhờ Kế Hoạch Đoàn Tụ Gia Đình của chính phủ Úc. Nhà thờ mà tôi vẫn đang đi dự thánh lễ đã giúp ba tôi trả phí tổn chuyến bay cho chúng tôi. Anh cả của tôi là người cuối cùng đến Úc vào năm 1990 vì đã vượt biển thất bại. Anh đã bị bắt và cầm tù trong lúc hồ sơ di trú của chúng tôi đang được duyệt xét.
Đến Úc, chúng tôi sống ba năm đầu tiên trong một ngôi nhà mướn ở Bankstown. Tôi học trường Tiểu Học Bankstown, rồi trường Nữ Trung Học Bankstown. Sau đó, chúng tôi may mắn được cấp một căn townhouse bốn phòng ngủ ở Bass Hill.
Tôi chuyển sang trường Trung Học Bass Hill, và học xong tú tài ở đó. Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi đi du lịch sáu tuần lễ. Khi trở về, tôi làm nhân viên bán tạp hoá ở Marrickville. Rồi tôi ghi danh vào SIT Design Centre ở Enmore, và hoàn tất chương trình học dài ba năm về ngành Mãi Dịch Kim Hoàn.
Tình trạng đời sống của tôi hiện nay rất giống như đang ở "khoảng giữa". Năm tôi hai mươi ba tuổi, tôi rời gia đình và đến ở tại khu phố Glebe một năm, rồi dọn về Warwick Farm, nơi anh cả tôi cư ngụ. Hiện thời tôi trả tiền thuê nhà và để một số vật dụng cá nhân ở Warwick Farm, nhưng tôi lại về ở với ba má tại Bass Hill.
Tôi hiện đang làm thợ kim hoàn toàn thời cho công ty Distell Internationals tại trung tâm thành phố Sydney, đồng thời tôi đang học ngành Nghệ Thuật và Sản Phẩm Truyền Thông tại University of Technology, Sydney.
Sự hợp tác giữa tôi và Joseph Jermey trong dự án 'Khoảng Giữa' là sự tiếp nối một hợp tác sẵn có. Joseph và tôi đã làm việc chung với nhau trong hai năm qua, sản xuất nhiều cuốn phim ngắn, chủ yếu để dự các cuộc tranh giải. Chúng tôi cũng làm việc chung với nhiều người khác như những thành viên của một nhóm.
Nhóm chúng tôi làm việc với nhau rất nhịp nhàng và Joseph và tôi đã cùng sản xuất phim Đời trong Dấu Nối ('Life in Hyphen').

Ý tưởng của nghệ sĩ: Thế Hệ Một Rưỡi không chỉ xảy ra cho cộng đồng người Việt. Nó bao gồm bất cứ ai bị mắc vào khoảng giữa của hai nền văn hoá. Thiếu hiểu biết về di sản văn hoá của mình, bạn có nguy cơ đánh mất cái tinh túy và độc đáo của bản thân. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào sự ứng phó của bạn bởi vì một thế giới hoàn cầu hoá sẽ ban cho bạn một tính danh bằng cách bảo cho bạn nghe bạn là ai và bạn cần gì.
Thiếu bản sắc của mình, phải chăng chúng ta sẽ bước vào một tương lai xám ngắt"
Quá khứ của Hyphen đã bị tước đoạt, và để bước vào tương lai của mình, nàng phải rời bỏ sự quen thuộc yên ổn của nơi cư trú để khám phá mình là ai và từ đâu đến. Hyphen có thể là chính bạn, là tôi hay bất cứ ai mắc kẹt giữa các nền văn hoá.
Khi thế hệ kế tiếp của người Việt hay của bất cứ nền văn hoá nào khác ra đời, ta sẽ trao truyền cho chúng những gì để chúng có thể nhớ đến di sản của chúng"

*

Thụy Vy

Tiểu sử: Tôi chào đời tại một ngôi làng làm nghề nông ở Lâm Đồng, Việt Nam. Đó là năm 1979. Cha tôi, một cựu quân nhân miền Nam Việt Nam, vượt biển ra đi vào năm 1982. Năm năm sau, ông bảo lãnh cả nhà chúng tôi sang Úc qua chương trình Đoàn Tụ Gia Đình. Chúng tôi đi máy bay đến Melbourne, và định cư tại đó cho đến hôm nay. Tôi khám phá nghệ thuật nhiếp ảnh lúc còn ở trung học. Sau đó, tôi theo ngành nhiếp ảnh tại Đại Học RMIT. Hiện tôi đang sống và làm việc tại Sydney.

Ý tưởng của nghệ sĩ: Nhan đề: John Trần + Sue Trần
trai / gái
trái / phải
đông / tây
anh / em

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.