Hôm nay,  

Nữ Khoa Học Gia Mỹ Gốc Việt Kể Về Khám Phá Bom Aùp Nhiệt

26/09/200200:00:00(Xem: 4083)
PHOTO: Nữ khoa học gia Nguyệt Ánh chế bom nhiệt áp.

Tránh tổn thất về nhân mạng, góp phần vào chiến thắng của quân đội Đồng Minh tại chiến trường A Phú Hãn
Little Saigon (Vẻ Vang Dân Việt) - Đúng ra chúng tôi đã cho phổ biến tài liệu này từ lâu, nhưng như quý bạn đọc đã biết, tuy nền văn học của nước ta thật phong phú, nhưng chúng ta chưa có viện hàn lâm ngôn ngữ để thống nhất những từ ngữ, nhất là những từ về khoa học, do đó những bản dịch từ ngoại ngữ qua Việt ngữ thường không thống nhất, đó là chưa kể có đôi khi chữ dịch bị phản nghĩa với chính bản. Vì thế, để tránh tình trạng trên, chúng tôi đã phải chờ tác giả của công trình phát minh sau khi đi nghỉ hè về, duyệt xét, tu sửa cho đúng ý.
Về tác phẩm, chúng tôi xin được minh chứng bằng tài liệu, tóm dịch từ bài của ký giả Robert Little, đăng trên nhật báo The Baltimore Sun, số phát hành đề ngày 4 tháng 8 năm 2002.
Cửa của hang động bị hủy diệt một cách kinh khiếp. Trái bom chui lọt qua cửa và nổ tung, phóng ra hàng ngàn mảnh thép, phá bung những bờ thành và sàn hầm, biến tất cả thành tro bụi chỉ trong nháy mắt.
Nhưng cô Dương Nguyệt Ánh dường như không hài lòng cho lắm.
Hai tháng trước đó, khi binh sĩ Hoa Kỳ mở đầu chiến dịch tảo thanh bọn khủng bố trong các hang động ở vùng núi A Phú Hãn, cô đã cùng với các đồng nghiệp nguyện sẽ chế ra một loại vũ khí mới hầu trợ giúp cho cuộc chiến chống khủng bố đó. Loại bom mới nầy không giống như những loại đã có, nó không những chỉ phá sập cửa hang động mà còn tạo nên một sức ép và hơi nóng cao độ, luồn vào bên trong, xuyên qua các địa đạo, tiêu diệt tất cả những sự sống trong hang sâu.
Sự thành công của loại bom này rất cấp thiết. Bởi thiếu loại vũ khí này, Hoa Kỳ đã phải bắt đầu chiến dịch truy quét quân khủng bố ở những hang động bằng các toán bộ binh. Sự thành công cũng là một ý nguyện riêng tư của cô Nguyệt Ánh mà ít ai được biết và hiểu rõ. Nguyệt Ánh xem công trình sáng tạo nầy là một cách trả ơn nước Mỹ. Thế nhưng khi Nguyệt Ánh rảo bước qua đống đá nát vụn sau lần thí nghiệm đầu, cô không thấy điều gì có thể chứng minh rõ rệt sự thành công của thứ vũ khí mà cô mới vừa sáng chế xong.
Cô Ánh cho biết : "Bình thường tôi là một khoa học gia điềm tĩnh, rất tự tin về kinh nghiệm kỹ thuật, nhưng lúc đó tôi bỗng cảm thấy hồi hộp. Đất nước chúng ta đang rất cần loại vũ khí nầy". "Một tiếng nổ lớn ở cửa hang động không chứng minh được gì cả. Tôi thấy lo ngại! Tôi cần nhiều dữ kiện hơn nữa".
Hôm đó là một ngày tháng Chạp ở khu vực thí nghiệm tại Nevada, không ai hiểu hết được sức công phá dữ dội của trái bom vừa thử nghiệm xong, bởi vì không thể thấy hết được những kết quả ở bên trong động. Chỉ có một dấu hiệu sơ khởi là gần cửa ra phía sau núi, trái bom đã làm bật tung tấm song sắt chắn lỗ thông hơi như lật một mảnh giấy.
Thật ra, bằng chứng rõ rệt là dữ kiện điện toán được thu thập bằng những máy dò và máy đo đặt dọc suốt đường hầm. Dữ kiện cho thấy sức nổ làm rung chuyển sâu trong lòng núi, nhiệt và sức ép vẫn còn tỏa ra rất lâu sau khi trái bom nổ. Tầm công phá của các loại bom khác thường bị núi non cản trở, nhưng trái bom nầy khi nổ, sức ép và nhiệt đã len lỏi qua cái hang hình móng ngựa, nổ xuyên ra đến ngõ sau mà vẫn đủ sức để xé banh một người ở cách xa 1,100 bộ (feet).
Sau nhiều ngày phân tích, kết quả tìm ra thật mỹ mãn và rõ rệt: Trái bom BLU-118/B quả là một sự thành công khủng khiếp.
Trong khi cuộc chiến ở A Phú Hãn đang hồi quyết liệt, quân đội Hoa Kỳ đang tảo thanh vùng núi phía đông, truy lùng Osama Bin Laden và đồng bọn, thì cô Nguyệt Ánh và một toán khoa học gia cùng các kỹ sư ở Nam Maryland đang chế tạo một loại vũ khí ghê gớm và bí mật, và họ đã chế thành công loại bom mới với sức nổ có thể làm tan xương, nát thịt một người ở cách xa gần một phần tư dặm.
Đối với Dương Nguyệt Ánh, một người tỵ nạn từ Việt Nam, đặt chân đến Hoa Kỳ vào năm 1975,ø học khoa học ở trường trung học và đại học công lập tại Maryland, đây là sự hoàn thành một nguyện ước mà cô đã ấp ủ suốt đời.
Khi Nguyệt Ánh định cư ở Maryland 27 năm về trước, cô tự hứa là sẽ tranh đấu để bảo vệ những lý tưởng của quốc gia đã đón nhận cô tỵ nạn.Và bây giờ, mọi chuyện đạt được đúng như dự tính, trái bom BLU-118/B do cô sáng chế ra sẽ chui xuyên vào trong một cửa hầm ở vùng núi non A Phú Hãn để tiêu diệt kẻ thù.
Cô Ánh cho biết : "Không giống những gì mà chúng tôi vẫn làm trước đây, không phải là chỉ chế tạo một chất nổ mới, mà lần này với một mục tiêu rõ rệt, biết trước nó sẽ được xử dụng ở đâu và vào việc gì. Đây phải nói là niềm hãnh diện nhất trong các thành công của đời tôi. Không những chỉ cho nghề nghiệp ma øcho cả cá nhân tôi. Chúng ta đang có chiến tranh. Đây là một cơ hội cho tôi trả ơn quốc gia đã cưu mang tôi một cách ân cần."
Nếu những sử gia có thể lần dò ra được nguồn gốc của những gì đã thúc đẩy cô Ánh, họ sẽ tìm thấy "mầm mống" của những vũ khí hiện đại cho Ngũ Giác Đài đang bập bềnh trên một chiếc thuyền nhỏ ngoài khơi Việt Nam vào ngày 30 tháng Tư, 1975, đang hồi hộp, lo sợ làm sao để nhảy sang tàu lớn.


Dương Nguyệt Ánh vừa mới di tản khỏi Sài Gòn vài giờ trước đó - cha mẹ cô là người Bắc di cư năm 54 - họ đã thoát đi vừa lúc thành phố sắp bị chiếm. Khoảng 50 người, gồm thân quyến và họ hàng, được nhét đầy lên hai chiếc trực thăng, một chiếc do người anh ruột của Ánh lái. Sau đó, đoàn người đã được đưa lên một chiếc thuyền nhỏ, vượt ra hải phận để đến một chiếc tàu lớn của Hải Quân VNCH đang chờ đón ngoài khơi.
Những ký ức kinh hoàng vẫn còn ám ảnh Nguyệt Ánh, từ cảnh cô đứng xếp hàng chờ đến phiên nhảy qua tàu lớn, nhìn thấy cậu em họ nhảy hụt xém chút nữa là đôi chân bị kẹp nát giữa hai mạn tàu. Sau này, khi các con của Nguyệt Ánh trêu mẹ thiếu năng khiếu thể thao, Nguyệt Ánh cười và nói: "Phải rồi, tụi bay cứ chê mẹ đi, mà có đứa nào dám nhảy từ một chiếc thuyền con lên boong một chiếc tàu lớn như mẹ đã nhảy đó không!".
"Giờ thì đó chỉ là một câu chuyện vui mà tôi đã kể lại nhiều lần. Tôi cố gắng dạy các con tôi là đừng có ỷ vào những gì mình đang có, sự tự do và nếp sống mà chúng ta đang được hưởng là do những hy sinh lớn lao. Thật là một phép lạ để tôi được hiện hữu ở đây."
Dương Nguyệt Ánh bắt đầu cuộc hành trình nửa vòng trái đất trong sáu tháng lúc vừa tròn 15 tuổi với vốn liếng chừng 50 chữ tiếng Anh. Đầu tiên cô đến Subic Bay nước Phi Luật Tân, sau đó được chuyển tới trại tỵ nạn Fort Indiantown Gap ở Pensylvania. Cô cùng bố mẹ di cư về Maryland vào cuối năm 1975, do nhờ được một nhà thờ Tin Lành ở Washington, D.C., bảo trợ, tuy gia đình của Ánh không phải đạo Thiên Chúa giáo.
Dương Nguyệt Ánh học rất nhanh và ra trường Trung Học với hạng danh dự, Ánh vào học ở Đại học Maryland, đậu bằng Kỹ Sư Hoá Học năm 1982, cũng với hạng danh dự. Sau này, Ánh được đào tạo thành khoa học gia. Với ước muốn ở gần gia đình, Ánh nhận một việc làm cho Hải Quân Hoa Kỳ ở Indian Head, Maryland, mới đầu làm việc chế tạo thuốc nạp đạn đại bác, sau đó chuyển sang chế tạo nhiên liệu hoả tiễn.
Là một phụ nữ nhỏ nhắn với nụ cười thật tươi, nhưng Nguyệt Ánh trở nên nghiêm trang khi nói về nước Mỹ, những cơ hội sinh sống, tiến thân, và lịch sử đã làm cho cô cảm kích về quê hương mới cuả mình. Ánh nói: "Đó là lý tưởng của tôi, tôi muốn có cơ hội dấn thân vào cuộc tranh đấu bảo vệ tự do, được góp phần gìn giữ quốc gia đã bảo bọc tôi. Làm việc cho Quốc Phòng Hoa Kỳ là một điều hợp ý nguyện. Tôi đã cảm thấy là mình có thể đóng góp được nhiều tại đó".
Ngày nay Dương Nguyệt Ánh được 42 tuổi, là trưởng toán nghiên cứu chất nổ ở trung tâm nghiên cứu và chế tạo vũ khí dùng trên mặt biển của Hải Quân (Naval Surface Warfare Center) ở Indian Head. Nguyệt Ánh là một chuyên gia thượng thặng được thế giới công nhận và là nhân vật chính của gần như tất cả mọi chương trình nghiên cứu chất nổ của Hải Quân Hoa Kỳ. Cô đã giúp chế tạo gần một tá hợp chất có sức công phá cao đã được xử dụng trong đầu đạn của nhiều loại vũ khí cho Hải Quân, Không Quân, Bộ Binh và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.
Về tác giả, để minh chứng đây là một nhân vật có thật, chúng tôi xin đăng kèm nơi đây một bức hình chân dung và một số nét chính về tiểu sử của tác giả:
Cô Dương Nguyệt Ánh sanh năm 1960 tại Việt Nam. Cô xuất thân từ một dòng dõi nổi tiếng về văn chương và khoa bảng. Cả hai bên nội ngoại đều có nhiều thế hệ danh sĩ trong triều đình nhà Nguyễn, Việt Nam. Ông nội cô là cụ Dương Lâm, từng được phong tước Thái Tử Thiếu Bảo. Ông bác là cụ Dương Khuê, cũng làm quan lớn trong triều, cả hai cụ đều có tên trong văn học sử Việt Nam. Thân phụ cô là ông Dương Tự Giần, con trai út của cụ Dương Lâm. Ông Giần là Tổng Thư ký Phủ Tổng Ủy Phát Triển Nông Nghiệp, kiêm giáo sư Viện Đại học Quốc Gia Hành Chánh dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa.
Sau khi tốt nghiệp bằng kỹ sư hóa học, Dương Nguyệt Ánh vào làm cho trung tâm nghiên cứu và chế tạo vũ khí dùng trên mặt biển của Hải quân Hoa Kỳ (Naval Surface Warfare Center) ở tiểu bang Maryland.
Là một kỹ sư xuất sắc, Nguyệt Ánh đã được khen thưởng đủ 19 lần trong 19 năm làm việc cho Hải Quân. Ngày nay cô là một chuyên gia thượng thặng về chất nổ của Hoa Kỳ, với danh tiếng vào tầm vóc quốc tế. Cô đã cho phổ biến trên ba mươi bài nghiên cứu về các loại chất nổ và đã thuyết trình hơn 40 lần ở các hội nghị quốc gia và quốc tế. Cô có một bằng phát minh và hai bản công bố phát minh (invention disclosure). Nguyệt Ánh cũng từng là đại biểu của Hoa Kỳ ở Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong tiểu ban chất nổ, là thành viên của nhiều ủy ban chuyên môn quốc gia và quốc tế.
Hiện Nguyệt Ánh đang giữ chức vụ Giám đốc Khoa học và Kỹ thuật (Director of Science and Technology).
Năm 1999, Nguyệt Ánh được trao tặng giải thưởng Dr. Arthur E. Bisson Prize for Achievement in Naval Technology, để vinh danh những thành quả nghiên cứu và chế tạo chất nổ của cô. Đây là giải thưởng lớn nhất của Hải Quân Hoa Kỳ dành cho những khoa học gia.
Năm 2002, Nguyệt Ánh được trao tặng huy chương cao quý Civilian Meritorious Medal do thành quả chế tạo bom "Áp Nhiệt".
Nguyệt Ánh hiện sống ở Maryland với chồng là Đặng Hữu Thọ và bốn con.
(Trích tài liệu VẺ VANG DÂN VIỆT Tuyển tập V sắp phát hành).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.