Hôm nay,  

Thắp Sáng Nhân Quyền

10/12/200100:00:00(Xem: 3728)
Trời lạnh đầu đồng. Buổi tối cuối tuần. Đêm nay Buổi lễ Thắp Sáng Nhân Quyền do Phong trào Đấu tranh cho Tự do Tôn giáo và Nhân quyền VN tổ chức, trong Sân Chợ ABC, bề ngoài cũng giống như các cuộc tập họp chánh trị ngoài trời khác từng thấy ở Vùng Little Sàigòn, nơi quần cư công đồng người Việt hải ngoại đông đảo nhứt thế giới. Đó là nói về lượng. Nhưng đi sâu vào phẩm và bản chất, có khác nhiều. Ba tiếng đồng hồ ngồi dự kiến, quan sát và phân tích, nhiều người ra về nói với nhau, thật đáng giá. Sinh hoạt chánh trị của cộng đồng người Việt ở Little Sàigòn đang bước một bước ngoặc mới từ hình thức đến nội dung.

Kinh nghiệm của những bậc lão thành sinh hoạt đoàn thể, đảng phái của 26 đoàn thể nắm tay nhau lập nên Phong trào, được kết họp nhuần nhuyễn với kiến thức Mỹ của lớp trẻ, đã làm hai cuộc tập họp đầu do Phong trào Tổ chức trở nên gọn nhẹ, nặng thực chất nhẹ hình thức rườm rà. Không cần âm thanh nổi, ánh sáng màu, cờ to, biểu ngữ lớn. Quần chúng không cần đông hàng ngàn người mà lo nói chuyện riêng nhiều hơn tập trung chú ý nghe và phát biểu.

Hai lần tổ chức của Phong trào, người dự mỗi lần không quá hai trăm. Lượng tuy thấp nhưng phẩm thì cao. Hầu như tất cả những nhân vật lãnh đạo tinh thần, chánh trị, nhân sĩ Việt trong Vùng đều có mặt. Là những người gắn bó đời mình với vận mạng nước non, cử tọa là những người tình nguyện, quyết tâm tham dự. ïDo vậy có mặt tới giờ chót và đóng góp rất nhiều cao kiến.

Ban Tổ chức nghe nhiều hơn nói, tự chế trong vòng tối đa 5 hay 3 phút. Và ngay trong giây phút đầu cuộc tập họp, nội qui này Ban tổ chức cũng xin cử toạ thông qua để nhiều người được đóng góp ý kiến.

Thứ đến là nhiều dấu hiệu chỉ rõ hướng đi mới của Phong trào: đi thẳng vào dòng chính chánh trị của Hoa kỳ. Ngoài các giới chức dân cử đia phương, lãnh đạo hai chánh đảng Cộng hoà và Dân chủ đều có mặt và phát biểu hùng hồn. Cử toạ không cần thông dịch, mất thì giờ, đa số hiểu rõ.

Trong hai cuộc tổ chức đầu tiên của Phong trào, người ta thấy đại diện Đảng Cộng hoà có mặt thường và nhiều của Dân Chủ. Dù là đảng cầm quyền, các nhân vật Cộng hoà đia phương biết rõ khối cử tri người Việt ở Cali là khối cử tri biên tế đóng vai trò giọt nước tràn ly cho cuộc thắng cử trong các cuộc bầu cử cấp tiểu bang hay quốc gia. Hay đó là kết quả những cuộc vận động âm thầm, không mệt mỏi của một nghị viên trẻ của Thành phố Garden Grove mà nhiều người Việt mong mỏi sẽ có mặt ở Quốc Hội Liên bang hay tiểu bang những tháng năm tới"

Đi vào dòng chính chánh trị Hoa kỳ là một quan niệm đa số cho là đúng trong hiện tình. Phải can đảm và thực thà thấy rằng cộng đồng người Việt là một cộng đồng thiểu số lại chấn ướt chấn ráo ở xứ này. Một phần tư thế kỷ mít tinh, biểu tình, kiến nghị, kháng thư ký với nhau hàng triệu chữ, gởi đi hàng ngàn lần, cũng ngăn cản được chánh sách của Mỹ đi lại với kẻ thù CS.

Trong khi đó chánh quyền Mỹ sống nhờ lá phiếu lại không chú ý nhiều đến việc đi bỏ thăm và sinh hoạt đảng phái Mỹ. Người Việt tuy không có nhiều phiếu nhưng biết trao đổi, kết họp với các nhóm sắc tộc khác, biết sữ dụng lá phiếu độc chieu để làm giọt nước tràn, biết đón gió để ủng hộ người đắc cử thì vẫn có thể ảnh hưởng không ít đến người có quyền làm luật, làm chính sách ở Mỹ. Việc làm ấy ít tốn công sức hơn hô " Đả đảo CS" trước mặt các dân biểu nghị sĩ Hoa kỳ.

Cũng vì chưa đi vào dòng chính nên cho đến bây giờ thủ đô tinh thần của Cộng đồng người Việt hải ngoại lớn nhứt thế giới chỉ có hai nghị viên thành phố.

Trễ còn hơn không làm. Hoa kỳ là đồng minh của người Việt tỵ nạn CS khi xưa, và bây giờ là nước mà người Mỹ gốc Việt có đầy đủ quyền công dân như bất cứ một người Mỹ nào. Nếu người bạn đồng minh Mỹ xưa nay không hay chưa làm nghĩa vụ của người bạn, người Việt phải khẳng định quyền làm bạn của mình. Thuyết phục, trao đổi, dàn xếp, đối phó để bạn phải ra bạn, công dân phải ra công dân. Người Mỹ gốc Việt làm nghĩa vụ đóng thuế, đi lính cho đất nước này, đương nhiên có quyền đòi hỏi đất nước này nghe tiếng nói của mình, xem xét nguyện vọng của mình. Người có trách nhiệm nghe và làm là người đại diện dân cử. Chức quyền của họ là do lá phiếu của cử tri mà ra, trong đó co ùcủa người Việt ở Mỹ. Làm chưa được hôm nay, mai làm; tháng sau, năm tới vẫn làm. Chánh trị ai dài hơi, vững lòng người đó thắng.

Vã lại người Mỹ gốc Việt có đòi hỏi đất nước gì cao xa, riêng tư, khác lạ đâu. Tự do tôn giáo là nguyên động lực thúc đẩy tiền nhân Pilgrims lên tàu Mayflower rời bỏ quê cha đất tổ để được thờ phượng theo niềm tin của mình và sau đó làm nên đất nước này. Nhân quyền, tự do, bình đẳng là tinh lý của Hiến pháp Hoa kỳ. Người Việt ở Mỹ đấu tranh cho tự do tôn giáo, nhân quyền là đấu tranh cho chuẩn mực, giá trị văn hoá chánh trị, xã hội của đất nước và nhân dân Hoa kỳ, trong do có người Việt, thân nhân, bè bạn đang bị CS Hà nội cưỡng đoạt mất quyền thiêng liêng bất khả tương nhượng ấy ở VN.

Đấu tranh cho tự do và nhân quyền là đi vào dòng chính văn hoá chánh trị Hoa kỳ. Người Mỹ, người đại diện dân cử Mỹ không lý do gì để từ chối, trái lại cộng tác yễm trợ mạnh nữa là khác. Có điều là ta phải biết lôi kéo người Mỹ vì quá quen thuộc với tự do nên đa số xem đó là đương nhiên cho nên nhiều khi không hiểu được nỗi khổ của người bị tước đoạt tự do dưới chế độ độc tài.

Đối với nội bộ người Việt với nhau, đặt quyền lợi Tổ quốc lên trên, đứng ngoài mọi tranh chấp phe nhóm trong cộng đồng, 26 đoàn thể sáng lập ra Phong trào Đấu tranh cho Tự do Tôn giáo và Nhân quyền VN để đánh CS, không đánh vào các tổ chức đồng bào. Phong trào đang mở một con đường mới đi thẳng vào dòng chính chánh trị, văn hoá, xã hội Mỹ. Việc làm có trễ; nhưng trễ còn hơn không. Hai cuộc họp đầu tiên với lề lối làm việc mới, tạo sinh khí mới, và hy vọng mới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.