Hôm nay,  

Tuổi Trẻ Phải Nói

07/03/200600:00:00(Xem: 6283)
- Góp ý với các bạn trẻ trong nước về việc "góp ý" hay không "góp ý" với Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam"

Trong thời gian qua, nhiều bài góp ý với Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 10, từ nhiều người, nhiều thành phần xã hội, nhiều thế hệ được phổ biến công khai trên báo chí. Những góp ý tuy khác nhau về mức độ phân tích nhưng đều tập trung vào những sai lầm của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Một số quan điểm cho rằng những góp ý như thế là đúng, là những bước đầu cần thiết cho một tiến trình dân chủ, người dân có cơ hội được công khai phát biểu và đang tận dụng cơ hội đó. Tuy nhiên, cũng có một số quan điểm cho rằng góp ý với giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng khác gì "đem đàn gảy tai trâu", ngày nào Đảng Cộng sản còn độc quyền lãnh đạo đất nước thì ngày đó chuyện góp ý chỉ là trò đùa, người Việt có thói quen nói cho đã cái miệng nhưng thường dừng lại ở chỗ nói cho đã mà thôi v.v..

Trước đây tôi cũng nghĩ như quan điểm thứ hai. Đọc các báo cáo chính trị trong các đại hội từ 1960 đến 2001, tôi có cảm tưởng các ông già đó chỉ thay ngày đổi tháng còn nội dung thì xào nấu cho khác nhau chứ căn bản vẫn giống nhau. Những người soạn đề cương, một phần không dám viết khác, một phần dù sinh trước hay sinh sau cũng đều bái chung một thầy, đọc chung một sách và dùng chung một cuốn tự điển nên không lạ gì ngôn ngữ trong các văn kiện Đảng gần như giống hệt nhau. Nghe các lãnh đạo Đảng trả lời phỏng vấn giống như nghe một đĩa hát cũ. Nếu bài phỏng vấn không ghi ngày tháng, thật khó biết các ông đó được phỏng vấn khi nào. Trong các báo cáo chính trị thì Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn sáng suốt, đường lối luôn luôn đúng đắn và nếu phải nhắc đến sai lầm thì sai lầm đó bao giờ cũng phát xuất từ những lý do hết sức khách quan, chẳng trách người dân trong nước thường mỉa mai "Mất mùa là tại thiên tai, được mùa là bởi thiên tài Đảng ta".

Tuy nhiên, sau một thời gian khá dài tìm hiểu tiến trình hình thành của giới trí thức trẻ, đặc biệt các em du học sinh tại Mỹ, tôi lại nghĩ "góp ý" là một điều cần thiết. Hai quan điểm trên chưa hẳn mâu thuẫn nhau. Phát biểu là dấu hiệu đầu tiên của sự tự tin, nói lên tinh thần độc lập và không sợ hãi. Biết là "đàn gảy tai trâu" nhưng vẫn cứ nói. Vấn đề không phải là Đảng có nghe hay không, điều quan trọng là nói.

Trong một bài viết trước đây, tôi cho rằng hai căn bệnh trầm kha còn tồn tại trong thế hệ trẻ là nói trễ và nói dối. Hai căn bịnh đó là hậu quả của một chính sách giáo dục ngu dân, tiêu diệt các mầm mống sáng tạo, lão hóa các nhận thức của tuổi trẻ, đã và đang tồn tại trong xã hội Việt Nam. Do đó nói vẫn là quan tâm hàng đầu, còn nói gì, nói sai hay nói đúng tính sau. Nhiều khi nói không đúng hay không đúng lắm lại là một điều hay vì có cơ hội cho những tiếng nói đúng, hợp tình hợp lý hơn được gióng lên. Tiến trình dân chủ của một quốc gia, dù là Cộng hòa Liberia vừa ra khỏi nội chiến hay dân chủ hàng đầu như Mỹ cũng bắt đầu trong một cách đơn giản như thế. Những người Mỹ soạn thảo hiến pháp 1787 không phải là cái gì cũng "nhất trí" như Quốc hội Việt Nam mà cãi nhau cả nhiều tháng, cũng có người ra về nửa chừng, có người không ký, thậm chí trong số 55 đại biểu họp ngày đầu chỉ có 39 người đặt bút ký. Dù sao, như Benjamin Franklin lưu ý, đó là nền tảng để xây dựng căn nhà dân chủ tốt đẹp hơn.

Thành phần trí thức Việt Nam trẻ, không chỉ học trong nước mà ngay cả thành phần sinh viên du học nước ngoài, những năm trước đây đã không đóng đúng vai trò của tuổi trẻ trước những vấn đề bức thiết của đất nước. Bịnh nói trễ quả là trầm trọng. Mười năm trước trong thành phần đối kháng không có những Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Đỗ Nam Hải và trong hàng ngũ trí thức trẻ không có những người thẳng thắng như Phạm Duy Nghĩa, Vũ Minh Khương.

Tôi tiếp xúc nhiều với tuổi trẻ, khá đông là du học sinh, vì tôi luôn đặt nặng vai trò của thế hệ trẻ Việt Nam đối với tương lai đất nước dù họ sinh ra ở nơi nào trên đất nước hay nơi nào ở hải ngoại. Các thế hệ cha chú phần lớn đều mang theo những vết thương hằn sâu trên thân thể cũng như trong tâm thức, và do đó không có một góc nhìn rộng đủ để thấy được những nhu cầu khách quan của đất nước.

Trong những đợt du học đầu, phần lớn nếu không muốn nói hầu hết sinh viên đến từ miền Bắc, có lý lịch tốt, con của các gia đình cán bộ trung hay cao cấp. Trong những năm sau, điều kiện du học dễ dàng và rộng rãi hơn, lý lịch cũng không cần phải quá hồng như những đợt đầu, trình độ học vấn được đặt nặng đúng mức và sinh viên cũng đến từ nhiều nơi chứ không chỉ riêng miền Bắc.

Như những con chim được thoát ra khỏi lồng sắt, dù lớn lên ở miền Bắc hay miền Nam, một khi được sống trong môi trường tự do, tiếp cận hàng ngày với các sinh hoạt dân chủ, các em hiểu được tự do, dân chủ là một quyền thiêng liêng, không thể thiếu trong đời sống con người. Niềm khao khát tự do dân chủ cho đất nước trong lòng các em cũng qua đó mà dấy lên.

Tôi đã có dịp ngồi nghe nhiều em du học sinh từ miền Bắc kết án giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hùng hồn như một ông biện lý kết án những tên trộm bị bắt quả tang, không những đúng sách vở mà còn bằng những ví dụ, bằng chứng rất rõ ràng, cụ thể mà các sinh viên gốc Việt cùng thế hệ lớn lên ở nước ngoài không thể biết được.

Những câu chuyện các em kể về đời sống của người dân miền Bắc còn thê thảm hơn nhiều so với những chuyện chúng ta đọc hàng ngày trên báo. Những cảnh mẹ tố con, vợ tố chồng trong cải cách ruộng đất mà các em nghe cha mẹ kể còn chi tiết và rùng rợn hơn những lời kể trong sách của Hoàng Văn Chí, Nguyễn Minh Cần. Khi phê bình tình trạng con ông cháu cha trong chế độ cộng sản, các em không chỉ nói lên tệ trạng đáng khinh đó mà còn có thể kể vanh vách từng tên một, con ông Phạm Hùng làm gì, con ông Lê Đức Anh học hành ra sao, ở đâu, làm gì v.v...

Tôi cũng biết một em du học sinh mà việc đầu tiên sau khi dọn xong chỗ ở trong cư xá là đặt trên kệ sách của mình một bức hình "Bác Hồ - một tình yêu bao la" nghiêm trang, có nụ cười nhân hậu, nhưng chỉ một thời gian sau bức hình ông Hồ đã không còn trên giá sách nữa. Kệ sách của em toàn là sách khoa học, sách kinh tế bằng tiếng Anh và "Bác Hồ - một tình yêu bao la" đã được đưa đi "tìm đường cứu nước" trong một nơi kín đáo nào đó. Tôi khám phá nơi em những trăn trở lớn về tương lai đất nước. Là một sinh viên kinh tế, em biết Việt Nam không có tương lai nào cả. Những gì em được dạy ở Việt Nam chỉ là những lời hứa rỗng.

Tổng sản lượng một năm mồ hôi nước mắt của cả nước góp lại không bằng vài tuần làm thêm của với các quốc gia kỹ nghệ. Người dân Việt cần 30 năm để tiến từ chế độ ăn độn sang được gạo trắng nhưng vẫn được Đảng ca ngợi như một bước phát triển thần kỳ. Trong 30 năm đó bao nhiêu mồ hôi nước mắt đã đổ xuống, bao nhiêu tài nguyên nhân lực đã bị lãng phí và trong 30 năm đó nhân loại đã bỏ Việt Nam biết bao xa. Khẩu hiệu "Phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa" em đang nghe, giống như khẩu hiệu "Tiến nhanh tiếng mạnh tiếng vững chắc lên chủ nghĩa xã hội" cha mẹ em đã nghe và cũng không khác mấy so với "Thắng giặc Mỹ ta xây dựng bằng mười lần hôm nay" mà các thế hệ Việt Nam trong chiến tranh đã nghe. Tất cả chỉ là những chiếc bánh vẽ. Nền kinh tế Việt Nam chỉ là một lối đi vòng, cuối cùng sẽ dẫn vào ngõ cụt.

Qua trao đổi với em, tôi biết trong lòng em, sự kính trọng dành cho ông Hồ vẫn còn nhưng ít ra không đến nỗi mù quáng, không mang màu sắc sùng bái tà ma một cách cuồng tín như nhiều người Việt Nam không có điều kiện sống trong môi trường tự do dân chủ như em. Với tôi, em đã bước một bước nhận thức khoa học rất dài. Đổi mới tư duy không phải là việc của một sáng một chiều mà là một quá trình liên tục và cần có thời gian. Hãy để em va chạm với thực tế, qua đó, em sẽ học được những điều mới lạ. Sự thật và giả dối như ánh sáng và bóng tối. Một khi ánh sáng hiện rõ ra, bóng tối và sương mù sẽ tự động tan đi. Mỗi ngày em sẽ hiểu rõ hơn và thấy được nhiều điều khác hơn về những con người mà một thời em được dạy như là những "mặt trời chân lý". Tôi tin, một khi thấy được sự thật bằng chính mắt mình, nhận thức sự thật được bằng chính tư duy của mình, em sẽ dứt khoát bỏ đi và không bao giờ bị mê hoặc lần nữa.

Thế nhưng, những thao thức ước mơ kia chỉ sống dậy trong giảng đường đại học Mỹ. Những khát khao cháy bỏng kia cũng chỉ cháy ở xứ người. Khi từ giã vùng ánh sáng của tự do văn minh để trở về với vũng tối của độc tài lạc hậu, suy nghĩ của các em cũng theo đó mà bị nhiễm đục.

Trong nước, các em không còn là một sinh viên có suy nghĩ độc lập mà là một bộ phận của chiếc máy xay khổng lồ. Việt Nam không có khái niệm tự trị đại học. Các em phải đối diện với những nhu cầu mới của cá nhân và gia đình. Các em cũng đối diện với những áp lực, đe dọa từ phía nhà cầm quyền. Các em rất dễ dàng bị cuốn hút vào chiếc vòng công danh và quyền lực. Các em cảm thấy yếu đuối, nhỏ nhoi và già nhanh hơn so với tuổi tác của mình. Những trăn trở, ước mơ chưa chết và đôi khi cũng thức dậy trong đêm khuya, nhưng để được nói lên, được biến thành những hành động cụ thể vẫn còn là một quảng đường dài hút mắt.

Nhắc lại những chuyện trên không có nghĩa là tôi quá bi quan về tuổi trẻ. Nói đến những thực tế ảm đạm đó không có nghĩa là tôi đánh giá thấp vai trò của tuổi trẻ hay phủ nhận các đóng góp của tuổi trẻ. Tôi tin ở tuổi trẻ như tin vào lịch sử. Các thế hệ trẻ dù muốn hay không cũng phải nhận lãnh trách nhiệm của mình. Sức đẩy để đất nước đi lên là từ bàn tay tuổi trẻ. Tương lai Việt Nam có được vinh quang hay phải tiếp tục chịu đựng lầm than tủi nhục cũng là từ hành động của các thế hệ trẻ. Dù có oán trách các thế hệ cha chú bao nhiêu đi nữa thì trách nhiệm vá lại mảnh dư đồ rách nát hôm nay vẫn là trách nhiệm của tuổi trẻ. Nếu tuổi trẻ không nói rồi ai sẽ nói thay cho" Nếu tuổi trẻ không làm thì rồi ai sẽ làm thế cho đây"

Đã đến lúc tuổi trẻ phải nói.

Khi bàn về quyền nói, quyền góp ý, tôi không thể quên những bài góp ý nổi tiếng của Tiến sĩ Phan Đình Diệu. Cung cách và thái độ của tiến sĩ Phan Đình Diệu là một bài học giá trị về sự cần thiết để góp ý.

Cách đây 13 năm, tôi đọc được bài góp ý của tiến sĩ Phan Đình Diệu tại một hội nghị của ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong bài, ông bàn về những phương thức để đưa Việt Nam thành một nước giàu mạnh như ông khẳng định "xu thế phát triển trong hòa bình, ổn định để đi tới dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh đã có thể coi như một xu thế mới không có gì cưỡng nổi." Và tiến sĩ Phan Đình Diệu kết luận: "Một mặt, chúng ta thừa nhận nền kinh tế thị trường với những chủ thể kinh tế tự do, bình đẳng của nó, nhưng mặt khác, chúng ta vẫn duy trì một hệ thống tổ chức xã hội theo mô hình chủ nghĩa xã hội nhà nước. Đây là một mâu thuẫn khó dung hòa được.

Cần nhìn nhận một sự thật là không thể phát triển kinh tế thị trường với lý thuyết về chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản đâu có thừa nhận kinh tế thị trường" Cũng xin phép nói rằng một Đảng theo chủ nghĩa cộng sản, nếu thực sự kiên định với chủ nghĩa cộng sản, thì không thể lãnh đạo sự phát triển kinh tế thị trường là cái mâu thuẫn như nước và lửa với học thuyết xây dựng xã hội cộng sản."

Hẳn nhiên giới lãnh đạo Đảng Cộng sản không đếm xỉa gì đến những lời gan ruột của tiến sĩ Phan Đình Diệu mặc dù trong tất cả văn kiện quan trọng của Đảng đều có nhắc đến "vận dụng một cách sáng tạo", "cách mạng tư duy", "chủ động nắm bắt thời cơ", "đẩy mạnh kinh tế thị trường" v.v...

Suốt 30 năm cầm quyền, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không học được gì từ những cái hay cái đúng của thế giới hay sửa sai được gì từ những sai lầm của chính họ.

Lịch sử thế giới đã để lại nhiều bài học về giá trị của lòng yêu nước, những tấm gương lãnh đạo quốc gia biết nhìn xa thấy rộng, nắm bắt thời cơ. Đừng nói chi Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật hay Rama IV của Thái cách nay đã vài thế kỷ, chỉ riêng Konrad Adenauer của Đức sau thế chiến thứ hai cũng đã chứng minh thế nào là sự quan trọng của vận dụng sáng tạo, nắm bắt thời cơ lịch sử và có một tầm nhìn rất xa vào tương lai đất nước. Bài học Konrad Adenauer vô cùng giá trị mà thế hệ trẻ Việt Nam nên biết.

Trong kế hoạch viện trợ kinh tế Châu Âu, được gọi là Kế hoạch Marshall, Mỹ đã viện trợ 13 tỉ đô-la năm 1947, tương đương với khoảng 130 tỉ theo thời giá hiện nay, để tái thiết châu Âu. Người Mỹ bỏ tiền ra không phải chỉ vì lòng thương xót của chính phủ Mỹ dành cho một châu Âu điêu tàn đổ nát mà chính là để ngăn chặn làn sóng đỏ khỏi lan tràn sang phía Tây, tạo điều kiện cho các cơ hội đầu tư của tư bản Mỹ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm được sản xuất với tốc độ nhanh của thời chiến nhưng đang đối diện với nguy cơ thất nghiệp trầm trọng trong thời bình. Trong lãnh vực ngoại giao, Kế hoạch Marshall đã giúp cho sự có mặt của Mỹ tại Châu Âu chẳng những là điều hợp lý mà còn hợp tình.

Konrad Adenauer hẳn nhiên biết rất rõ những dụng ý của Kế hoạch Marshall, nhưng thay vì từ chối hay sử dụng một cách lãng phí đồng tiền viện trợ, chính phủ ông đã dùng nhiều tỉ đô-la để tái thiết hàng ngàn thành phố, phục hồi kỹ nghệ, và không lâu, nước Đức đã trở thành quốc gia kỹ nghệ tiên tiến cạnh tranh ngang ngửa với sản phẩm của Mỹ.

Konrad Adenauer, nhà lãnh đạo vĩ đại của nước Đức thời hiện đại, không những lo tái thiết đất nước mà còn thể hiện quan tâm thật sự đến tinh thần đoàn kết, hòa giải và hòa hợp các thành phần dân tộc Đức. Sau khi Adenauer qua đời một cuộc trưng cầu ý kiến tại Đức để xem thành tựu nào của Adenauer có ý nghĩa nhất; khác với dự đoán của các nhà phân tích, đa số dân Đức biết ơn Adenauer không phải vì ông đã đưa nước Đức lên hàng cường quốc mà vì ông đã đưa được người tù binh cuối cùng của chế độ Quốc Xã, một chế độ đã từng bỏ tù ông, từ Liên Xô về đoàn tụ với gia đình.

Tôi nghĩ trong tương lai, nếu có một thống kê nào yêu cầu người dân chọn một điều sai lầm nhất của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản, tuy khó chọn, nhưng có lẽ chữ ký của ông Phạm Văn Đồng trong lá thư thừa nhận chủ quyền Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các chiến dịch cải cách ruộng đất ở miền Bắc và việc bỏ tù nhiều trăm ngàn sĩ quan viên chức Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam sau 1975 sẽ là những câu trả lời được nhiều phiếu nhất. Đó là bằng chứng của chủ trương "kiên quyết bảo vệ vùng trời vùng biển của tổ quốc" và "phát huy tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc" mà giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn thành triệt để trong 50 năm qua.

Sự kiện Việt Nam đã cần đến 30 năm để có một ông thủ tướng chính phủ chính thức viếng thăm Hoa Kỳ chỉ để lần nữa chứng minh chính sách đối ngoại lạc hậu, hẹp hòi, vô cùng thiển cận mà Đảng Cộng sản Việt Nam theo đuổi. Ảo giác chiến thắng đã làm họ nghĩ rằng chính phủ Mỹ phải cử đại sứ nhất bộ nhất bái đến Hà Nội xin bồi thường chiến tranh, nhân mạng và tài sản cho Việt Nam mà quên một điều, đối với các cường quốc khái niệm thắng hay bại, bạn hay thù, chỉ là một sự thay đổi hay điều chỉnh một vài điểm trong chiến lược toàn cầu của họ mà thôi. Từ 1975, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để hội nhập vào thế giới như một quốc gia bình đẳng trước cộng đồng nhân loại như đã được ghi lại trong hồi ký Hồi ức và Suy nghĩ của cựu thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ và nhiều tài liệu nước ngoài khác.

Trong quan điểm của cá nhân, tôi thực sự nghĩ chính phủ Mỹ có trách nhiệm đóng góp vào việc tái thiết Việt Nam sau cuộc chiến, có trách nhiệm đạo đức với 7 triệu tấn bom họ đã rải xuống ba miền đất nước Việt Nam, có trách nhiệm đạo đức với hàng ngàn tấn hóa chất họ đã rải xuống thôn làng đồng ruộng Việt Nam, có trách nhiệm đạo đức với nhiều triệu người Việt đã chết trong cuộc chiến. Nhưng trách nhiệm đó không thể giải quyết bằng chủ trương "ai thắng ai" như Lê Duẩn huênh hoang sau 30 tháng 4 năm 1975 mà phải bằng những cuộc thương thảo bình đẳng và có lợi cho cả hai bên.

Chính sách của Đảng trong 30 năm qua chứng tỏ quá rõ ràng giới lãnh đạo Đảng không quan tâm đến quyền lợi lâu dài của dân tộc. Mục đích của họ là duy trì cho bằng được vai trò đè đầu cưỡi cổ nhân dân Việt Nam. Tất cả "đổi mới", "hội nhập" cũng chỉ nhằm phục vụ cho mục đích đó mà thôi. Họ lừa bịp và khinh thường nhân dân đến nỗi, trong khi hàng vạn người bị giết một cách thảm thương oan uổng trong cải cách ruộng đất, thì trong Báo cáo Chính trị trong Đại hội III năm 1960, Lê Duẩn đã xem đó như một thành quả vĩ đại, một thắng lợi lịch sử: "Đảng ta đã vận động cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc nước ta, xoá bỏ vĩnh viễn chế độ chiếm hữu phong kiến đối với ruộng đất, thực hiện triệt để khẩu hiệu "người cày có ruộng". Việc hoàn thành hai nhiệm vụ cơ bản của cuộc cách mạng dân chủ nhân dân trên miền Bắc nước ta là một thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt-nam. Nó mở đường cho cách mạng Việt-nam bước sang một giai đoạn mới."

Trở lại với chuyện "góp ý" của Tiến sĩ Phan Đình Diệu. Câu ca dao "Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" có lẽ thích hợp nhất để dành ca ngợi nhân cách của hai trí thức lớn của thời đại chúng ta: Nguyễn Mạnh Tường và Phan Đình Diệu. Giống như Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, người đã công khai tố cáo những sai lầm của cải cách ruộng đất trước Mặt trận Tổ quốc Hà Nội tháng 10 năm 1956, Tiến sĩ Phan Đình Diệu phát biểu trong tư cách của một uỷ viên trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tháng 3 năm 1993 về con đường không lối thoát của xã hội Việt Nam sau chiến tranh.

Hơn ai hết, Tiến sĩ Phan Đình Diệu biết cái chức ủy viên trong một hội mang danh nghĩa Tổ quốc nhưng lại do một ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản làm chủ tịch cũng chỉ là hữu danh vô thực, nhưng ông đã khôn khéo vận dụng cái không có một chút thực quyền đó thành một diễn đàn có thực quyền để công kích Đảng một cách công khai mà Đảng không làm gì được. Ngôn ngữ trong các bài góp ý khác của ông trong những năm gần đây cũng thế, trí thức, từ tốn, nhẹ nhàng, khéo léo, tuy nhiều đoạn phải đọc giữa hai hàng chữ, nhưng luôn chuyên chở thao thức của một trí thức yêu nước.

Trí thức phải nói. Những bậc trí thức như Nguyễn Mạnh Tường, Phan Đình Diệu đã nói, rồi những trí thức trẻ phải nói.

Vâng, nhưng nói gì"

Trong một dịp tâm tình với các bạn sinh viên tại một đại học ở Mỹ, một sinh viên du học đã hỏi tôi, giả thiết chúng ta đồng ý với nhau rằng đất nước cần phải có tự do dân chủ, các quyền của người dân phải được tôn trọng, xã hội Việt Nam phải trong sạch, tương lai Việt Nam phải giàu mạnh, đạo đức phải được phục hồi và đất nước phải hội nhập vào dòng phát triển của văn minh nhân loại, thì việc phải làm của em khi về nước sẽ là gì"

Tôi chia sẻ với em. Nếu chúng ta đồng ý với mục đích đó rồi em làm gì cũng được. Em có thể đứng hẳn về phía người dân trực diện với Đảng Cộng sản để đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân, có thể đứng ngoài như một chuyên gia độc lập, làm chủ một công ty tư nhân, thậm chí em cũng có thể tham gia vào bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trở nên một Đảng viên, một bí thư tỉnh ủy, thành ủy, ủy viên trung ương Đảng, nói chung, làm tốt nhất trong hoàn cảnh của em và với những phương tiện em có. Làm tốt nhất mà tôi muốn nói với em là mỗi công việc em làm, mỗi chữ ký em ký, mỗi tiếng nói em cất lên, mỗi chỉ thị em ban ra, bằng cách này hay cách khác phải gởi gắm được, chuyên chở được, phải thúc đẩy cho được mụch đích cuối cùng tự do, dân chủ, nhân bản và cường thịnh mà em theo đuổi cho đất nước mình. Nói cũng tương tự như làm. Không nhất thiết phải nói đến những vấn đề đao to búa lớn nhưng bằng việc nói lên những bất công cụ thể, trước mắt và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Cuộc vận động phục hưng Việt Nam là một cuộc vận động toàn diện chứ không giới hạn trong một vài lãnh vực.

Thật vậy. Chế độ độc tài hiện nay mâu thuẫn với quyền lợi đất nước về mọi mặt nên phê bình mặt nào cũng đúng cả. Từ những cuộc biểu tình của công nhân các khu Công nghiệp Điện Bàn Quảng Nam, Khu Công nghiệp Biên Hoà II, Khu Công nghiệp Tân Bình, Khu Chế xuất Vĩnh Lộc, Công ty Giày Gia Định, tệ nạn buôn bán phụ nữ, bán thân nuôi miệng, bán máu nuôi con, làm dâu xứ lạ, cho đến ý thức hệ Marx-Lenin, độc tài kiểu Stalin, đàn áp tôn giáo v.v... đều là sản phẩm của chế độ cộng sản Việt Nam.

Tôi không bao giờ nghĩ con đường phục hưng dân tộc là độc đạo mà có thể từ nhiều ngả khác nhau. Mỗi người Việt Nam sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh gia đình, thời đại không giống nhau, mang trên lưng một quá khứ khác nhau và do đó tình yêu nước cũng thuận theo điều kiện mà thể hiện. Tiến sĩ Phan Đình Diệu phê bình Đảng từ một diễn đàn hợp pháp và được nhiều người nghe, điều đó không có nghĩa là những tiếng nói phản kháng khác là bất hợp pháp và không ai nghe. Nói cũng không có nghĩa là thỏa hiệp với tầng lớp lãnh đạo Đảng. Nếu ngày mai, mỗi gia đình Việt Nam, mỗi người Việt Nam đều gởi cho Đảng Cộng sản một bản góp ý với nội dung "Tôi không chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam" thì tiếng nói đó có ý nghĩa biết bao nhiêu.

Dĩ nhiên giới lãnh đạo Đảng không muốn người dân có quyền nói một cách tự do như thế, nhưng muốn hay không không còn là quyết định của giới lãnh đạo Đảng nữa. Vào năm 2006, Đảng Cộng sản vẫn còn là một Đảng độc tài toàn trị nhưng cũng chưa bao giờ trong suốt 76 năm lịch sử, Đảng ở vào thế bị động và bị cô lập hơn bây giờ. Trong chiến tranh chống thực dân, Đảng có nhiều lý do để vận động quần chúng, trong chiến tranh Việt Nam Đảng có nhiều phương tiện để bưng tai bịt mắt nhân dân, nhưng trong cuộc tranh chiến tranh chống độc tài, nghèo nàn, lạc hậu hiện nay thì không.

Quyền lợi của Đảng và quyền lợi của dân tộc về căn bản vốn mâu thuẫn và ngày nay mức độ mâu thuẫn đã dẫn đến điểm đối kháng. Nói theo kiểu quy luật lượng chất thì nước đã sôi, lửa đã cháy. Những cuộc đình công, từ tự phát đang tiến dần đến tổ chức, đang diễn ra trên khắp nước là hồi chuông báo tử cho một chế độ mà mỗi khi há miệng là nhân danh quyền lợi của giai cấp công nhân. Ngày nay người dân Việt Nam đã thấy rằng, kẻ thù của nghèo nàn lạc hậu, vật cản của phát triển kinh tế, con kỳ đà của hội nhập vào trào lưu dân chủ văn minh nhân loại không gì khác hơn là Đảng độc tài Cộng sản. Nếu có cơ hội để nói mà không lo sợ bị tù đày, tôi tin mọi người dân Việt Nam đều nói.

Nhiệm vụ của tuổi trẻ Việt Nam hiện nay, vì thế, là mang lịch sử trả về cho những người thực sự đã làm nên lịch sử.

Một lý do khác mà suýt chút nữa tôi quên đặt ra, nếu tuổi trẻ không "góp ý" với Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng Cộng sản lần này, biết đâu sẽ không còn cơ hội nào nữa, vì đây có thể là đại hội cuối cùng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.