Hôm nay,  

Ra Mắt Ủy Ban Nhân Quyền Úc Việt Tại Victoria

25/08/200100:00:00(Xem: 3970)
MELBOURNE: Tối Thứ Tư, 22/8, tại Queens Hall, Quốc Hội Victoria, đã diễn ra một sự kiện trọng đại, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ giữa Úc và tương lai tự do dân chủ tại Việt Nam: Ủy Ban Nhân Quyền Úc Việt chính thức ra mắt với mục đích tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Ủy Ban đã được sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhiều nhân vật có uy tín trên chính trường Úc trong đó có Tiến sĩ Ian Spry, Chủ Tịch Ủy Ban, Mục sư Tim Costello, Phát Ngôn Viên của Ủy Ban, Thượng Nghị Sĩ Lyn Allison thuộc đảng Dân Chủ, Dân biểu Bob Sercombe thuộc đảng Lao Động, Thượng Nghị Sĩ Tseben TChen thuộc đảng Tự Do cũng như nhiều vị nổi tiếng trong chính giới, các vị lãnh đạo tôn giáo và các vị đại diện cộng đồng.

Được biết, Tiến sĩ Ian Charles Fowell Spry, Tiến sĩ Luật Khoa, là trạng sư với tước hiệu Q.C. trên 20 năm, nguyên thành viên của phân khoa luật thuộc trường đại học Melbourne và Monash, đồng thời ông cũng là Chủ bút tờ National Observer, một tạp chí tam cá nguyệt chuyên về thời sự hàng đầu của Úc. Ông là người luôn luôn quan tâm đặc biệt về công bằng xã hội và nhân quyền, và là một trong những người đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập Ủy Ban Nhân Quyền Úc Việt tại Victoria. Trong buổi lễ ra mắt Ủy Ban, trong tư cách Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền Úc Việt tại Victoria, tiến sĩ Ian Spry đã đọc một bài diễn văn, trong đó ông nhấn mạnh:

"Ủy Ban Nhân Quyền Úc-Việt chắc chắn không phải là một nhóm thiểu số. Trái lại, Ủy Ban thực sự đại diện cho đông đảo mọi thành phần trong Cộng Đồng Việt Nam."

Sau khi trình bầy về tình trạng bách hại tôn giáo, vi phạm nhân quyền của cộng sản Việt Nam, Tiến sĩ Ian Spry thẳng thắn chỉ trích thái độ thụ động của chính phủ Úc: "Bất hạnh thay, [trước những vi phạm nhân quyền của CSVN] sự phản ứng của chính phủ Úc Đại Lợi đã không đáp ứng đúng mức. Đặc biệt nỗ lực của Bộ Ngoại Giao và Ngoại Thương [Úc] chỉ là trò giễu cợt. Một cảm giác chung cho thấy nhân viên của các phủ bộ thuộc chính quyền Úc đã thiếu sự quan tâm đúng mức. Chúng ta được báo cáo là đã có những lời phản đối, và đã có những trao đổi 'hữu ích', nhưng nói chung phần lớn chỉ là để che giấu sự thiếu sức mạnh tinh thần. Ai cũng quan ngại khi nhìn ra sự thiếu cứng rắn tương tự của Chính Phủ Liên Bang. Sự lên án các vụ vi phạm nhân quyền [của CSVN] từ chính phủ Liên Bang chỉ giới hạn ở một mức độ nào đó, và chẳng bao giờ có thái độ cứng rắn hơn. Đây là một biểu hiện của sự khiếp nhược tâm lý."

So sánh với những phản ứng tích cực của Quốc Hội Âu Châu đối với nhà cầm quyền CSVN, Tiến sĩ Ian Spry khẳng định: "Một trong những việc phải làm đầu tiên là Quốc Hội Liên Bang Úc Châu nên có những hành động phản ứng tương tự như Quốc Hội Âu Châu. Mới tháng trước đây, Quốc Hội Âu Châu đã chính thức lên tiếng đòi hỏi Việt Nam phải lập tức thả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, chấm dứt việc bách hại các tôn giáo, kêu gọi Đại Sứ các Quốc Gia Hội Viên điều tra các vụ vi phạm nhân quyền, và cử một Phái Đoàn đến Việt Nam gặp gỡ các vị lãnh đạo của mọi tôn giáo, đăc biệt, những vị hiện đang bị giam cầm. Với những lời lẽ vừa phải và cân nhắc, Quốc Hội Âu Châu cũng đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam phải bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, tôn giáo và hội họp cho người dân Việt Nam. Úc Đại Lợi cho đến giờ vẫn tỏ ra quá hời hợt trong vấn đề nầy. Chính phủ và các nhân viên ngoại giao Úc đáng lẽ phải tổ chức các buổi thăm viếng thường xuyên các tù nhân lương tâm để theo dõi tình trạng của họ. Sự can thiệp của quốc tế là một hình thức bảo vệ các tù nhân lương tâm. Các chính phủ độc tài như Việt Nam sẽ chùn bước khi họ biết, những hành vi áp bức của họ đang bị cộng đồng thế giới theo dõi và lên án."

Nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ giữa viện trợ cho CSVN và nhân quyền tại Việt Nam, Tiến sĩ Ian Spry phân tích: "Quan trọng hơn nữa là vấn đề ngoại viện. Úc Đại Lợi liên tục cung cấp hàng chục triệu đô la viện trợ nhân đạo cho Việt Nam. Chúng ta có đủ mọi lý do để đòi hỏi từ nay về sau hình thức viện trợ nầy phải đi kèm với điều kiện nghiêm ngặt về vấn đề nhân quyền. Nếu [CSVN] không có sự cải thiện sâu rộng, cần phải có biện pháp ngăn chận [viện trợ] tức thời và hiệu quả. Nói cách khác, nếu không có sự cải thiện nhân quyền một cách cụ thể, Úc phải chấm dứt hoàn toàn viện trợ cho CSVN."

Đề cập đến thái độ tráo trở hai mặt của chính quyền CSVN, Tiến sĩ Ian Spry cho biết: "Như vừa trình bày, sự cải thiện phải thật cụ thể. Các chính quyền độc tài thường nói láo có sách lược, và [CS] Việt Nam là một thí dụ điển hình về việc tuyên truyền láo khoét. Nếu tin vào các lời tuyên bố của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, chắc chắn chúng ta phải kể Chế độ Cộng Sản Việt Nam như là một chế độ dân chủ mẫu mực chứ không thể nào là một chế độ độc tài như thực tế hiện nay. Bất kỳ lý do nào chúng ta cũng phải tự hỏi tại sao người dân Úc phải ra sức đóng thuế để liên tục đóng góp hậu hĩ cho các chế độ độc tài" Những lời phản đối và chỉ trích của chính phủ các quốc gia khác là một phương cách thật cần thiết, và có ảnh hưởng. Tuy vậy hiệu quả thì thật là chậm và lắm khi chẳng thấm vào đâu. Nhưng điều mà tất cả các chế độ độc tài hiểu rất rõ là chấm dứt cung cấp tài lực, chấm dứt viện trợ, bao giờ cũng là vũ khí hữu hiệu hơn tất cả mọi loại vũ khí."

Mời qúy độc giả theo dõi bài phỏng vấn Tiến sĩ Ian Spry, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền Úc Việt tại Victoria, do phóng viên Đinh Minh Hợp của Hệ Thống Đài Phát Thanh Tiếng Nước Tôi thực hiện (tr.33).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.