Hôm nay,  

Luật Pháp Phổ Thông

25/08/200100:00:00(Xem: 4174)
Hỏi (bà Trần Thị Tiếm): Chồng tôi làm việc tại hãng chuyên sản xuất các loại giấy tissue tính đến nay đã gần 9 năm. Mặc dầu đã kết hôn đã khá lâu, chúng tôi vẫn chưa có con với nhau.

Cách đây hơn 3 tháng, trong lúc đang làm việc, chồng tôi đã bị chiếc xe forklift của hãng đang chuyển hàng lên xe truck đụng phải. Ngay sau đó chồng tôi đã được chuyển đến bệnh viện để băng bó. Vì thương tích khá trầm trọng nên chồng tôi đã nằm bệnh viện hơn một tuần lễ mới được xuất viện.

Sau khi xuất viện chồng tôi đã đến gặp bác sĩ gia đình và được giải thích rằng chân phải và tay trái đã bị thương tích khá nặng, cũng theo lời giải thích của bác sĩ gia đình, dựa theo bản tường trình của bác sĩ chữa trị tại bệnh viện thì chồng tôi có thể bị tàn phế trên 30%.

Sau khi xuất viện chồng tôi vẫn đi khám bác sĩ thường xuyên, đồng thời cũng đi tái khám tại bệnh viện như đã được yêu cầu bởi bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện.

Mặc dầu không thể đi làm được nhưng hãng vẫn tiếp tục trả lương cho chồng tôi từ ngày bị tai nạn.

Chồng tôi có vẻ chán nản, sau vụ tai nạn này, anh ta không còn lạc quan như những ngày tháng trước đó. Cách đây hơn một tháng, vào một buổi sáng nọ, sau khi thấy chồng tôi không dậy sớm như thường lệ, tôi đã vào phòng và phát hiện được rằng chồng tôi đã tự tử bằng cách chích bạch phiến vào mạch máu và chết tự hồi nào. Sau khi giảo nghiệm mới biết được rằng chồng tôi đã chích quá liều.

Chồng tôi trước đây có hút thuốc lá, nhưng đã bỏ thuốc lá được gần một năm nay. Riêng bạch phiến thì chồng tôi chưa bao giờ dùng tới. Tôi vẫn còn các kết quả thử máu của chồng tôi trước đây. Điều này cũng có thể được làm sáng tỏ bằng cách yêu cầu bệnh viện cho biết kết quả của việc thử nghiệm máu và nước tiểu trước khi giải phẩu sau khi chồng tôi bị tai nạn.

Hiện giờ tôi không biết phải khiếu nại như thế nào; có thắng kiện được không" liệu hãng giấy có chịu bồi thường cho sự qua đời của chồng tôi hay không" Xin LS giải đáp giùm.

Trả lời: “Quan hệ nhân quả” (causation) là một học thuyết quan trọng trong “luật về trách nhiệm dân sự” (law of torts). Bằng chứng về sự quan hệ nhân quả giữa sự bất cẩn của “bị đơn” (defendant) và thương tích mà “nguyên đơn” (plaintiff) phải gánh chịu sẽ trở nên phức tạp hơn nếu những sự việc xảy ra theo sau đó ảnh hưởng đến tình trạng thương tích do bị đơn gây ra.

Vì thế, vấn đề được đặt ra là ai sẽ là người chịu trách nhiệm NẾU một người lái xe bất cẩn đã gây thương tích cho khách bộ hành, sau đó đương sự đã được chuyển đến bệnh viện để chữa trị, và do sự chữa trị bất cẩn của các bác sĩ tại bệnh viện này thương tích của nạn nhân đã trở nên trầm trọng hơn. Sau đó nạn nhân vì quá thất vọng và chán nản đã tự tử. Người tài xế, trong trường hợp này, có thể cho rằng nạn nhân chết là không do lỗi của tôi mà do sự bất cẩn của các bác sĩ tại bệnh viện đã làm cho đương sự thất vọng và quyết định tự tử.

Trong các trường hợp này, thuật ngữ thường được xử dụng để diễn đạt tiønh huống này là “sợi dây xích của sự quan hệ nhân quả” (a chain of causation). Tòa án phải quyết định về việc liệu mỗi biến cố xảy ra theo sau đó có phải là mỗi mắt xích trong trong sợi dây xích của sự quan hệ nhân quả này hay không, hay là “biến cố đó đã làm đứt sợi dây xích của sự quan hệ nhân quả đó” (it has broken that chain of causation).

Biến cố xảy ra theo sau đó làm đứt sợi dây xích của quan hệ nhân quả này tiếng La Tinh gọi là “novus actus interveniens” có nghĩa là “hành động mới đã can dự vào” (new intervening act).

Trong vụ The Oropesa, khi chiếc tàu Oropesa đã bất cẩn dụng phải chiếc tàu Manchester Regiment. Vị Thuyền Trưởng của chiếc Manchester Regiment đã quyết định dùng “xuồng cấp cứu” (a lifeboat) sang tàu Oropesa để thảo luận với vị thuyền trưởng này về kế hoạch để cứu cho thuyền khỏi bị chìm. Chiếc xuồng cấp cứu đó đã “bị lật” (capsized) và 9 trong số 17 thủy thủ đã bị chết trong vụ này gồm con trai của “nguyên đơn”.

“Nguyên đơn” đã khiếu kiện chủ nhân của chiếc Oropesa vì cho rằng con trai của họ bị chết là do sự bất cẩn của chiếc Oropesa. “Bị đơn” tranh cãi rằng quyết định của vị thuyền trưởng Manchester Regiment dùng “thuyền cấp cứu” (lifeboat) để chèo sang chiếc Oropesa là “hành động mới đã can dự vào”.

Tòa Kháng Án đã cho rằng không có một hành động mới nào can dự vào “nguyên nhân và hậu quả” (cause and effect) giữa sự bất cẩn của chiếc Oropesa và cái chết đối với con trai của “nguyên đơn” cả, vì thế “nguyên đơn” đã được thắng kiện.

Lord Wright đã tuyên bố rằng: “Để cho rằng sợi dây xích của sự quan hệ nhân quả đã bị gián đoạn người ta phải chứng minh rằng có một sự việc nào đó . . . có thể được diễn tả hoặc là không hợp lý hoặc là không dín dáng đến hoặc là do tác động từ bên ngoài (can be described as either unreasonable or extraneous or extrinsic). Tôi không nghĩ là luật pháp có thể được diễn đạt một cách rõ ràng hơn điều đó.”

Trong vụ Haber kiện Walker. Trong vụ đó, chồng của “nguyên đơn” đã bị thương nặng trong một tai nạn xe cộ. Phần vì tinh thần bị sa sút quá độ, phần do bởi thương tật tại não bộ gây ra trong vụ tai nạn. Tình trạng tâm thần của đương sự trở nên tồi tệ, cuối cùng đương sự đã tự tử.

“Nguyên đơn” (vợ của nạn nhân), đã kiện “bị đơn” (người tài xế của chiếc xe phía bên kia trong vụ tai nạn), cho rằng chồng của bà đã chết là do bởi sự bất cẩn của “bị đơn”. Bồi thẩm đoàn đã cho rằng “bị đơn” đã bất cẩn, và sự bất cẩn đó đã đưa đến cái chết của nạn nhân. “Bị đơn” bèn kháng án.

Tòa đã bác bỏ sự kháng án của “bị đơn” vì cho rằng hành động hoặc sự tắc trách được xem như là nguyên nhân của sự thiệt hại ngoại trừ có sự can dự vào hành động hoặc sự tắc trách đó bởi một hành động khác.

Tòa đã đưa ra phán quyết rằng hành động tự tử của nạn nhân không thể được xem như là một “hành động tự nguyện của con người” (voluntary human action), bởi vì “tình trạng tâm thần của đương sự” (his mental state) đã tước đoạt mất đi khả năng phán đoán của đương sự . Vì thế, sự tự tử của nạn nhân không phải là “hành động mới đã can dự vào” và đã làm đứt sợi dây xích của sự quan hệ nhân quả. Tòa đã tuyên bố rằng “nguyên đơn” phải được bồi thường.

Theo luật về trách nhiệm dân sự cũng như các phán quyết vừa trích dẫn, tôi có thể cho bà biết được rằng bà có quyền kiện chủ nhân hoặc công ty mà nhân viên của công ty đó đã bất cẩn gây ra tai nạn cho chồng bà. Cũng vì tai nạn đó mà chồng bà đã sa sút về tinh thần để rồi quyết định kết thúc cuộc đời của mình bằng cách chích quá liều bạch phiến vào thân thể của mình như đã được quyết định trong vụ Haber kiện Walker. Riêng câu hỏi liên hệ đến việc phải khiếu nại như thế nào thì tôi xin để dành cho LS của bà trả lời cho bà.

Việc bà có thắng kiện hay không vẫn còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, vì thế tôi đề nghị bà nên mang toàn bộ hồ sơ đến gặp LS của bà để được cố vấn và hướng dẫn tường tận hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.