Hôm nay,  

Khủng Hoảng Đếm Phiếu

14/11/200000:00:00(Xem: 5321)
Cuộc bầu cử Tổng Thống đầu thế kỷ mới ở Mỹ không thấy có gì mới mà chỉ thấy lạ hoắc. Bầu cử ngày 7-11 nhưng một tuần sau, người ta chưa biết kết quả và tin chính thức nói phải chờ đến ngày 17-11, vì 10 ngày sau bầu cử, tiểu bang Florida mới có đủ các phiếu bầu theo thư gửi về qua bưu điện của các công dân Mỹ ở nước ngoài. Nhưng chưa chắc vào ngày đó dân Mỹ sẽ biết ai làm Tổng Thống nếu cứ xét theo những rắc rối về việc đếm phiếu tại một số quận ở Florida. Nếu có tranh chấp pháp lý lâu dài, không biết chừng phải chờ đến lễ Giáng Sinh mới thấy quả búa tạ "giáng" vào đầu ông nào. Quả là một chuyện vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nước Mỹ.

Xưa nay, các công dân hay viên chức Mỹ ở nước ngoài, kể cả hàng chục ngàn binh sĩ làm việc xa căn cứ bỏ phiếu bằng cách gửi thư là chuyện thường. Các lần bầu cử trước không có chuyện chờ vì kết quả cuộc kiểm phiếu trong nước là đủ. Khi một ứng cử viên thắng thế hơn đối thủ đến cả triệu phiếu trong nước, tất nhiên việc kiểm vài chục ngàn phiếu từ ngoại quốc gửi về cũng chỉ bằng thừa. Năm nay, tính số phiếu trên toàn quốc hai ông Gore và Bush suýt soát nhau. Trong số khoảng 100 triệu phiếu phổ thông của cử tri toàn quốc, ông Gore hơn ông Bush 200,000 phiếu. Về phiếu cử tri đoàn - chưa kể Florida - ông Gore có 262 phiếu và ông Bush có 246 phiếu. Thành ra số phiếu ở Florida quyết định chung cuộc. Florida có 25 phiếu cử tri đoàn, bởi vậy bất cứ ông Gore hay ông Bush có thêm 25 phiếu cử tri đoàn đó là đã có đủ con số thần diệu 270 phiếu cử tri đoàn để làm Tổng Thống Mỹ, bất luận phiếu phổ thông của toàn dân bao nhiêu cũng mặc.

Rút cuộc quyền quyết định "trời xui khiến" rơi vào tay gần 6 triệu công dân Mỹ ở tiểu bang này mà ông Thống đốc tình cờ cũng là em ruột của ứng cử viên Cộng Hòa George W. Bush. Theo luật pháp, ở tiểu bang nào một ứng cử viên Tổng Thống chỉ cần tương đối hơn số phiếu đối thủ, ứng cử viên đó sẽ chiếm trọn số phiếu cử tri đoàn của tiểu bang. Tương đối có nghĩa là chỉ cần hơn vài chục hay...vài phiếu, nếu không muốn nói đến tận cùng chi lý là chỉ cần hơn một phiếu của người dân. Thành ra vận mệnh cả nước Mỹ không những thu hẹp vào một tiểu bang, mà còn co rút hơn nữa và thu nhỏ đến con số vài chục hay vài trăm lá phiếu.

Mệnh Trời...Ôi, mệnh Trời! Tôi xin nói thật, hãy bỏ qua lời than kiểu Mao Tôn Cương hay Thánh Thán, mà nói là "mệnh" của...máy đếm mới đúng. Cố nhiên người ta đếm phiếu bằng máy và ở Florida có luật nếu hai ứng viên chỉ hơn nhau chưa đầy 0.05% tổng số phiếu, sẽ có việc đếm lại lần thứ hai bằng máy. Và lần đếm lại này, chuyện thần kỳ đã xẩy ra. Trong lần đếm #1, ông Bush hơn ông Gore 1,784 phiếu, nhưng trong lần đếm lại #2, ông Bush chỉ còn hơn có 327 phiếu theo tin của AP. Nghĩa là phiếu thắng của ông Bush giảm trong khi số phiếu thắng của ông Gore tăng thêm. Riêng trong lần đếm thứ 2 bằng máy tại quận Palm Beach, số phiếu của ông Gore đã thêm 36 phiếu và số phiếu của ông Bush đã giảm 3 phiếu. Tại sao có sự khác biệt giữa hai lần đếm" Tại máy hay tại người" Bất luận vì lý do gì, phía ông Gore đã có đủ lý do để đòi hỏi một cuộc đếm lại #3 và lần này người đếm bằng tay cho 4 quận có nhiều nghi ngờ và tranh cãi nhất.

Vào chiều thứ bẩy quận Palm Beach đã bắt đầu đếm lại bằng tay, tổng số phiếu quận này thu được là 425,000. Cuộc đến bằng tay này rất cực nhọc nhưng dĩ mục quan chiêm, bởi vì làm trong phòng có kiến bao quanh như lồng kính, xung quanh có những máy camera của truyền thông Mỹ rọi vào xem từng cử chỉ, có thêm cả hay máy truyền hình của Đức và Ý. Đến sáng chủ nhật mới chỉ đếm thử có 4,500 phiếu, nghĩa là 1% tổng số của quận, số phiếu của Gore đã hơn 19 phiếu. Theo lời phát ngôn nhân của quận, nếu cứ theo 1% số phiếu đếm được đã có sự sai khác, tính cả quận (100%) phiếu đếm bằng máy, số nhầm lẫn có thể lên đến 1,900. Bởi vậy quyết định của ủy ban bầu cử Palm Beach là đếm lại bằng tay toàn bộ 531 quản hạt bầu cử của quận này.

Thế nhưng phía Bush đã có phản ứng, tố cáo việc đếm bằng tay và xin án tòa ra lệnh bỏ ngay việc đếm bằng tay. Việc đếm bằng tay là hợp pháp. Tại Florida có luật đếm lại bằng tay nếu cần. Ngay tại Texas, ông George W. Bush hiện ra tranh cử cũng là Thống đốc tiểu bang, năm 1997 đã ký một luật ghi rõ cách đếm bằng tay sẽ được sử dụng để giải quyết những tranh chấp trong bầu cử. Ngoài ra người ta cũng không quên trong cuộc vận động tranh cử rất sôi nổi vừa qua ông W. Bush đã nhiều lần quả quyết ông tin ở người dân. Bây giờ bộ tham mưu tranh cử của ông đòi bỏ lối đếm bằng tay mà chỉ cần tin ở cách đếm bằng máy là xong cho nhanh, vậỵ là tin ở máy chớ không phải tin ở người.

Cho đến cuối tuần qua còn những tranh chấp khác nổi bật, như cuốn sổ mẫu bầu cử để cử tri bấm phiếu dễ gây nhầm lẫn, chẳng hạn muốn bấm cho Gore lại bấm nhầm cho ứng cử viên Tổng Thống Buchanan. Ứng cử viên Buchanan là người Cộng Hòa, nhưng bất mãn nên ra tranh cử riêng chống cả Gore lẫn Bush. Số phiếu trên toàn quốc của Buchanan rất yếu nhưng ở Florida riêng trong quận Palm Beach nó lại vọt lên cao khác thường. Các cuộc đếm lại phiếu bằng tay có thể gập trở ngại vì phía Bush phản đối, xin lệnh tòa cho ngưng ngay lại, vì sợ càng đếm Bush càng thiệt.

Sáng thứ hai, bà Katherine Harris, tổng thư ký (secretary of state) tiểu bang Florida ra quyết định hẹn đến 5 giờ chiều thứ ba 14-11 các quận phải nạp hết kết quả kiểm phiếu, nếu chậm là vô giá trị. Bà Harris là một nhân vật cao cấp của đảng Cộng Hòa và cũng là đồng Chủ tịch Ủy ban vận động tranh cử Tổng Thống cho ông Bush. Dân Chủ phản đối vì cần có thời gian để đếm bằng tay. Cộng Hòa cũng đòi đếm lại ở một số tiểu bang khác. Rắc rối bầu cử thu nhỏ trong một vùng tiểu bang, nay có thể bung ra toàn quốc. Hỡi ôi, bầu cử năm 2000!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.