Hôm nay,  

Vô Tư, Trung Thực, Tôn Trọng Độc Giả

17/04/200300:00:00(Xem: 4533)
(Góp ý với Đại hội Truyền thông Việt Nam Hải ngoại 2003)
Tôi năm nay tuổi đã già sức đã yếu, lại mới lâm bệnh nên rất tiếc không thể đến tham dự Đại hội Truyền Thông Việt Nam Hải ngoại. Tôi nghĩ việc tổ chức một đại hội như vậy là việc nên làm và những mục tiêu đề ra trong thơ mời là hữu ích. Tôi không đi dự được nên có một vài suy tư và ý kiến cá nhân, chỉ mong đóng góp được phần nào dù là nhỏ với Đại hội. Những ý kiến của tôi có thể đúng có thể sai, nhưng bản thân tôi nghĩ là đúng nên mới mạo muội viết ra đây. Nếu có điểm nào sai, xin quý vị đồng nghiệp niệm tình lượng xét và sửa chữa cho, vì đây chỉ là ý kiến cá nhân chớ không liên hệ đến ai và tôi cũng không đại diện cho ai. Trong bài này tôi dùng từ ngữ quen thuộc "báo chí" để chỉ mọi ngành truyền thông hiện hữu, báo viết, báo nghe và báo nhìn, và từ ngữ "độc giả" để chỉ người đọc báo, khán thính giả của các đài phát thanh, truyền hình, kể cả những báo và bài phổ biến trên mạng luới Internet.
Những ký giả già thường hay nhìn đến tương lai nhiều hơn quá khứ. Tôi thuộc thế hệ già nhất trong làng báo tiếng Việt hải ngoại, từ lâu tôi đã nghĩ đến những thế hệ kế tiếp. Mấy tháng gần đây, mỗi khi nhìn những bài báo của tôi xuất hiện đều đặn hàng tuần trên các báo, tôi cảm thấy áy náy, tự hỏi phải chăng một người già đã choán chỗ quá lâu của những thế hệ trẻ hơn.
Tôi vẫn thích một câu nói bất hủ của Đại tướng Douglas Mac Arthur:
Old Soldiers never die,
They just fade away.
(Những người lính già không bao giờ chết.
Họ chỉ mờ dần đi).
Trong những dịp gặp mặt vui với các bạn đồng nghiệp hay các thân hữu, tôi thường tinh nghịch đổi chữ "soldiers" thành "journalists" của câu nói trên để cười chơi. Sự thật tôi không xứng đáng được coi như một anh lính già của Đại tướng Mac Arthur, tôi chỉ chọc phá cho vui, có lẽ để cố quên rằng mình đã già rồi. Tôi chỉ là một nguời sống lâu lên lão làng chớ không có tài cán gì đặc biệt. Nếu có nhiều người biết đến tôi, đó chẳng qua vì tôi đã làm báo lâu năm và cũng chịu khó viết đều đặn. Những ký giả hành nghề nhiều năm và viết bài đều đều đến tay độc giả chắc chắn sẽ được biết đến nhiều như tôi chớ chẳng có gì lạ. Cũng như mọi ngành nghề khác, nghề làm báo có những nỗi vinh nhục, lúc vui lúc buồn. Thực tế cuộc đời cho thấy nghề viết báo nhiều buồn hơn vui. Sống bằng ngòi bút thật đạm bạc, không ai làm nghề viết báo viết văn mà làm giầu được. Chẳng những thế, nguời viết nhiều khi còn mang họa vào thân dưới những độ độc tài, thiếu tự do dân chủ. Có người đã hỏi tôi: Nếu vậy tại sao làm báo lâu như vậy" Chính tôi cũng đã tự hỏi tôi. Có lẽ vì ngoài nghề viết báo tôi không biết làm nghề gì để kiếm sống nuôi gia đình. Và cũng có lẽ vì sự say mê lý tưởng và những giá trị cao quý của nghề làm báo.
Báo chí và tuổi trẻ
Tôi nghĩ nghề viết báo tiếng Việt ở Mỹ cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới có cộng đồng người Việt cư ngụ có hai sứ mạng căn bản. Thứ nhất là bảo tồn ngôn ngữ Việt Nam, trong khi chúng ta và các thế hệ kế tiếp chúng ta đều có nhu cầu hội nhập với xã hội chúng ta đang sống. Hội nhập không có nghĩa là quên gốc. Hội nhập không có nghĩa là đồng hóa. Trái lại hội nhập có nghĩa là đem những giá trị văn hóa và đặc tính dân tộc của chúng ta góp phần xây dựng xã hội và nền văn hóa ở những nước chúng ta đang sống. Muốn làm được như vậy chúng ta phải biết bảo tồn văn hóa của chúng ta và phương pháp tốt nhất để bảo tồn văn hóa là gìn giữ tiếng Việt sao cho khỏi phai mờ với thời gian khi các thế hệ sắp tới lớn lên. Còn tiếng Việt, còn văn hóa Việt.
Sứ mạng thứ hai của nghề viết báo tiếng Việt ở nước ngoài là phong phú hóa tiếng Việt. Tôi thiết nghĩ những người làm báo tiếng Việt ở nước ngoài có hoàn cảnh và môi trường thuận lợi hơn đa số ở trong nước để làm việc này. Những người làm báo như chúng ta hàng ngày phải đụng chạm và đương đầu với việc chuyển dịch ra tiếng Việt các từ ngữ mới mỗi ngày một nhiều ở những nước đúng hàng đầu về phát triển truyền thông. Những từ ngữ đó không phải chỉ có trong ngôn ngữ thông thường mà cả những thuật ngữ, những từ ngữ mới đang nở rộ theo đà với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Gìn giữ và phong hóa tiếng Việt là việc làm âm thầm trên con đường dài nhưng cũng là một cách góp phần tích cực cho tương lai một nước Việt Nam mà tôi tin chắc sẽ là một nước dân chủ đa nguyên, tôn trọng nhân quyền và tự do ngôn luận.
Để thực hiện hai sứ mạng này cần phải có sự nối tiếp của nhiều thế hệ, nhất là những thế hệ trẻ sắp đến tuổi trưởng thành. Tôi tin rằng những thế hệ đi sau vẫn có nhiều khả năng và tài giỏi hơn những thế hệ đi trước. Tại sao vậy" Hai cột trụ của nghề làm báo là kiến thức và đạo đức. Về kiến thức tổng quát, chúng ta và con em chúng ta đang sống trong một môi trường tốt nhất cho sự học hỏi. Cuộc cách mạng kỹ thuật thông tin đại chúng đã làm gia tăng gấp bội khối lượng tin tức và kiến thức trao đổi. Còn về kiến thức kỹ thuật báo chí, ở Mỹ cũng như ở nhiều nước đã phát triển không thiếu gì những trường dạy làm báo để con em chúng ta học hỏi nếu họ muốn đi vào nghề làm báo. Những trường dạy làm báo ở Mỹ cố nhiên tốt hơn và hiện đại hơn những trường dạy làm báo sơ khai trước đây ở miền Nam Việt Nam.
Riêng về mặt trau dồi kiến thức tổng quát, tôi muốn nói thêm một vài điểm. Học vấn giản dị chỉ là sự tích lũy kinh nghiệm. Bởi vậy trau dồi kiến thức không nhất thiết chỉ ở các trường học mọi cấp mà còn ở trường đời. Nghề làm báo là môi trường tốt nhất cho sự học hỏi, vì công việc hàng ngày cũng là dịp bắt buộc người ký giả ở mọi lứa tuổi phải tìm hiểu thêm. Hành nghề báo chí là tự học, ngày ngày phải học và học mãi cho đến già. Tôi nay đã 82 tuổi, nhưng tôi vẫn phải học hỏi thêm mỗi ngày cho đến hôm nay không lúc nào ngơi nghỉ. Vậy bí quyết của việc học này là gì" Bí quyết chỉ có một chữ "khiêm tốn". Đừng có tự cao tự đại, đừng cho mình là rốn của vũ trụ, đừng tự coi mình không bao giờ nhầm lẫn và phải luôn luôn nhớ rằng sự hiểu biết của mình còn thấp kém. Không biết thì học thêm chớ có gì xấu" Học từ sách vở tra cứu, học từ bạn và đồng nghiệp và quan trọng nhất cho người làm báo, học từ độc giả. Trong số những độc giả, có nhiều người có kiến thức còn sâu rộng hơn các ký giả.
Báo chí và chính trị
Người làm báo chuyên nghiệp nên độc lập về chính trị. Độc lập không có nghĩa là trung lập, hai chữ hoàn toàn khác nhau. Trước hết tôi muốn nói về độc lập chính trị. Tôi thiết nghĩ người làm báo chuyên nghiệp không nên gắn bó hay đứng trong một tổ chức, tập thể hay đảng phái chính trị nào, bởi vì khi có mối liên hệ như vậy, người ký giả có thể khó giữ được một nguyên tắc căn bản của nghề làm báo là vô tư và trung thực. Chữ vô tư ở đây không có ý nghĩa máy móc như một tấm hình chụp hay một cuốn phim thời sự, mà vô tư là để có sự quân bình theo lương tri của người làm báo, tránh những thiên lệch quá đáng dễ bị lôi cuốn vào vào cực đoan. Sự vô tư như vậy sẽ làm nổi bật thêm sự trung thực của tin tức cần thiết cho sự tìm hiểu thời sự của người đọc. Còn trung lập chỉ là một thủ đoạn nhất thời, một nhu cầu hoàn cảnh, và nếu ở một cá nhân nó chỉ biểu hiện cho sự thiếu khả năng suy xét để xác định lập trường.

Tôi nghĩ trong một cuộc hội nghị truyền thông chú trọng về những vấn đề nội bộ của nghề nghiệp, không nên đặt ra những vấn đề chính trị đảng phái hay tranh chấp giữa các cá nhân và phe nhóm về bất cứ vấn đề gì đi ra ngoài lãnh vực nghề nghiệp. Các nghiệp đoàn ký giả hay nghiệp đoàn truyền thông cũng nên gạt bỏ hẳn những vấn đề chính trị phe đảng bởi vì đúng theo tên gọi của nó, nghiệp đoàn là những đoàn thể nghề nghiệp chớ không phải đoàn thể chính trị. Nếu vậy ký giả và các nghiệp đoàn ký giả không có lập trường chính trị hay sao"
Câu hỏi cũng bằng thừa, bởi vì chúng ta, những người làm báo chuyên nghiệp, một khi đã chấp nhận "tự do ngôn luận, tự do báo chí" là đã dứt khoát chấp nhận một lập trường chính trị rõ rệt. Chế độ nào có tự do ngôn luận, tự do báo chí, chúng ta ủng hộ. Chế độ nào không có tự do ngôn luận, không có tự do báo chí, ra tay đàn áp, bóp nghẹt những tự do đó, chúng ta chống lại. Chúng ta có thể chỉ trích hay châm biếm những sự lạm dụng hay quá trớn của tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhưng tôi tin trong chúng ta không có ai chối bỏ các quyền tự do căn bản đó của con người. Kẻ nào chống những quyền tự do đó, kẻ nào chủ trương thông tin một chiều, kẻ nào dùng báo chí để hăm dọa, lũng loạn hay khủng bố hàng ngũ ký giả đều là những tay sai của một chế độ độc tài, những kẻ đó không thuộc "làng báo" của chúng ta. Ngược lại, tất cả những ai dù không ở trong làng báo, dù ở trong lãnh vực nào và bất cứ từ đâu đến, một khi đã chấp nhận tự do ngôn luận, tự do báo chí, đều là bạn của chúng ta.
Trong một chế độ dân chủ, chính trị có nhiều khuynh hướng như những cái nhài quạt từ một gốc xòe ra, từ cực tả đến cực hữu. Tính độc lập chính trị theo cá nhân lại càng phức tạp, vì có khi cùng có một mục tiêu tranh đấu, lại có những bất đồng, tranh cãi, đối nghịch gay go về phương pháp hay chiến thuật đấu tranh. Làng báo chúng ta tuy có những cá nhân độc lập về chính trị nhưng lại có một nền tảng chính trị rất vững chắc không ai dị nghị là tự do ngôn luận, tự do báo chí, nên có thể từ nền tảng đó dễ dàng tạo được sự đồng thuận để cải thiện nghề nghiệp, xây dựng tình nghĩa gắn bó với nhau để tương trợ trong mọi trường hợp khi cần thiết.
Báo chí và tranh đấu
Truyền thông là một lợi khí rất mạnh trong mọi cuộc tranh đấu. Nghệ thuật tuyên truyền đã phát sinh từ thời Đức quốc xã, sau đó được Liên Sô đi theo và cải biến. Từ thời đó tâm lý chiến là một từ ngữ quen thuộc và khi kỹ thuật truyền tin được phát triển mạnh, các ngành truyền thông càng giữ vai trò quan trọng hơn. Tôi nói ký giả nên giữ tư cách độc lập trong các tranh chấp đảng phái, đó chỉ là một lời khuyên về mặt nghề nghiệp chớ không phải là một nguyên tắc cứng nhắc để bắt buộc phải theo. Các ký giả chuyên nghiệp hành nghề toàn thời gian hay bán thời gian dĩ nhiên có quyền tự do lựa chọn để gia nhập bất cứ đảng phái hay đoàn thể nào có khuynh hướng chính trị phù hợp với lập trường riêng của mình, bởi vì quyền tự do lựa chọn là gì nếu không phải là một trong những quyền căn bản của nền dân chủ. Gia dĩ báo chí là một nghề tự do. Tôi đã có lần viết: Nghề viết báo là một nghề dễ tính. Lái xe còn phải có bằng lái theo luật định, nhưng viết báo không ai đòi hỏi bằng cấp hay giấy phép. Nhưng điều đó không có nghĩa là trên mặt báo chí không có một nền trật tự nào. Ngoài những ký giả chuyên nghiệp, còn có những vị thức giả, học giả hay chuyên gia viết và nói những bài rất hay, có khi còn hay và đúng tiêu chuẩn hơn cả những người chuyên nghề làm báo. Mặt khác cũng có rất nhiều nhà hoạt động chính trị đã sử dụng mặt báo làm môi trường phổ biến những lý tưởng, chính kiến hay lập luận chính trị của mình để vận động sự ủng hộ của quần chúng. Tôi nghĩ tất cả những sự tham gia từ bên ngoài đó rất đáng hoan nghênh, vì điều đó chứng minh tầm ảnh hưởng quan trọng của báo chí trong dư luận quần chúng và sức mạnh của truyền thông trong đời sống chính trị.
Tuy nhiên, tôi có một vài ý kiến như sau: nói dùng báo chí để vận động quần chúng là đúng, nhưng nói dùng báo chí để lãnh đạo dư luận là không còn hợp thời nữa. Phương châm của nghề làm báo là "chúng tôi đưa tin, độc giả quyết định". Không ai có quyền quyết định giùm người đọc, chỉ có báo chí dưới các chế độ độc tài đảng trị mới đòi quyết định giùm người đọc. Trong lãnh vực nghị luận, những mục bình luận, xã luận hay phân tích thời cuộc cũng chỉ là những ý kiến cá nhân nêu ra để độc giả tùy nghi tham khảo chớ không thể là những bài xách động hay coi như kim chỉ nam cho độc giả phải theo. Dư luận quần chúng ngày nay nói chung còn sáng suốt về chính trị hơn các cá nhân viết báo. Nói lãnh đạo dư luận là coi thường sự phán đoán của dư luận. Tôi muốn nhấn mạnh ở điểm báo chí cần phải tôn trọng độc giả.
Báo chí và đạo đức
Cũng về mặt này, chúng tôi muốn nói đến đạo đức báo chí. Nó cũng nằm trong những đạo lý thông thường về nhân phẩm và tư cách của con người. Ký giả trước hết và trên hết cũng chỉ là người. Nhưng ngòi bút lại là một vũ khí sắc bén trong tay ký giả, nên khi có những cuộc bút chiến, tấn công, trả đũa, bộc lộ công khai, phơi bày trên mặt báo dĩ mục quan chiêm, người viết báo càng phải gìn giữ thận trọng hơn, theo đúng bộ luật hành xử nghề nghiệp, tránh những lời lẽ thô bạo, khiếm nhã hay mạ lị. Dù có bị địch thủ nhục mạ, bôi lọ danh dự, tôi thiết nghĩ người ký giả cũng không thể tự hạ thấp mình vào tầm cỡ đối phương mà dùng những lời lẽ ti tiện để trả đũa. Vì khi bôi lọ danh dự kẻ thù trên mặt báo thì chính mình cũng đã tự bôi lọ nhân phẩm của mình rồi. Sự trào lộng châm biếm là chuyện thường, nhưng không thể quá lạm đến độ coi thường danh dự phẩm giá của người khác. Tôi nghĩ bàn tay sắt bọc nhung vẫn thấm thía hơn những đòn đao to búa lớn và sự hung bạo trên văn đàn không thể nào hiệu quả bằng những lời lẽ nghiêm túc thẳng thắn, nhưng vẫn giữ được vẻ tao nhã lịch thiệp. Tôi tin những người mượn mặt báo làm lợi khí đấu tranh nghiêm chỉnh cho những mục tiêu chính trị đều gìn giữ được những giá trị cao quý của nghề làm báo.
Để kết luận, tôi muốn nói đến một nhân vật tiểu thuyết của nhà văn Khái Hưng trong cuốn Tiêu Sơn Tráng Sĩ. Nhân vật đó là Trần Quang Ngọc, một tráng sĩ lập ra đảng Tiêu Sơn trong thời Mạt Lê để chống lại sự chiếm đóng Bắc Hà của nhà Nguyễn Tây Sơn. Quang Ngọc cạo trọc đầu, mặc áo cà-sa giả làm một nhà sư để trốn tránh bọn "mật thám" Tây Sơn. Lúc đó trong đảng có một vị nữ hào kiệt tài sắc vẹn toàn là Nhị Nương, thường hóa trang làm một vị công tử nhà giầu, đã có lần cứu sống Quang Ngọc và rất thường khi sát cánh bên Quang Ngọc, mỗi người một kiếm, xông pha nơi hiểm địa diệt trừ bọn tham quan ô lại của Tây Sơn. Anh em trong đảng đều biết rõ tình cảm giữa cặp nam nữ anh hùng này, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ thấy họ lộ ra tình yêu trai gái, mà chỉ có tình chiến hữu rất sâu đậm. Nhiều người thắc mắc. Một hôm Lê Báo, nhị đệ của Quang Ngọc tò mò hỏi: "Hai người thân thiết với nhau như vậy mà không yêu nhau kể cũng lạ""
Quang Ngọc đáp: "Nói là kính trọng nhau thì đúng hơn". Trầm ngâm một lát chàng nhìn đến chiếc áo đang khoác trên nguời rồi khẽ nói: "Xin Nhị đệ hiểu cho rằng ta đã nhờ chiếc áo cà-sa này để tranh đấu, thì cũng không nên làm nhọ nhem nó".
Tháng 4, năm 2003.
Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.