Hôm nay,  

Liên Quân Việt-mỹ, Trận Chiến Khe Sanh 1967

12/10/199900:00:00(Xem: 8261)
Trong loạt bài “Chiến trường Việt Nam 30 năm nhìn lại” khởi đăng vào tháng 1/1998, VB đã giới thiệu sơ lược về trận tấn công của 3 sư đoàn CSBV vào căn cứ Khe Sanh trong dịp Tết Mậu Thân. Đây là một trận đánh khốc liệt nhất trên chiến trường Việt Nam trong năm 1968, trận chiến mà đại tướng Westmoreland và nhiều tướng lãnh Hoa Kỳ đã mô tả là trận Điện Biên Phủ thứ hai. Trước khi khởi động cuộc tấn công quy mô này, ngay từ năm 1967, CQ cũng đã khởi động nhiều cuộc tấn công cấp tiểu đoàn và trung đoàn vào một số tiền cứ quanh căn cứ Khe Sanh. Thể theo lời yêu cầu của một số đông bạn đọc muốn có được những thông tin đầy đủ về trận chiến Khe Sanh trong hai năm 1967 và 1968, VB giới thiệu đến bạn đọc loạt bài viết về chiến trường Khe Sanh, được biên soạn dựa theo tài liệu của Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ, bản tin chiến sự hàng ngày do Tổng cục Chiến tranh Chính trị QL/VNCH phổ biến cho báo chí, hồi ký của đại tướng Westmoreland, một số bài viết trong tạp chí KBC... Sau đây là phần đầu trình bày về tình hình Khe Sanh trước 1968.

* Căn cứ Khe Sanh từ 1960 đến 1966:
Vào giữa năm 1960, khi bộ Tư lệnh Quân đoàn 1/ Vùng 1 chiến thuật và Phái bộ Cố vấn Hoa Kỳ nghiên cứu soạn thảo kế hoạch xây cất một số căn cứ trọng yếu dọc theo biên giới Việt-Lào trong lãnh thổ hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên thì Khe Sanh là một căn cứ phía cực Tây trong số những căn cứ này, nằm trong địa phận quận Hướng Hóa, cách biên giới Lào khoảng 10, cách Đông Hà khoảng 60 km đường chim bay. Căn cứ được xây dựng vào tháng 8/1960 nằm gần một sân bay cũ của quân đội Pháp trước 1954. Đây là một tiền cứ thuận lợi cho các hoạt động của lực lượng Dân sự chiến đấu (Biệt kích quân Biên phòng)-một thành phần được Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ huấn luyện và chỉ huy trong giai đoạn đầu.
Sau khi tiền cứ Khe Sanh được thiết lập, Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ đã trấn đóng tại đây cho đến tháng 10/1966, sau khi xây cất xong doanh trại Làng Vei lân cận ở phía Tây Nam Khe Sanh, nằm ngay trên Quốc lộ 9, gần biên giới Việt-Lào. Tình hình chiến sự tại Khe Sanh bắt đầu sôi động vào tháng 4/1966 khi Cộng quân tung một thành phần chủ lực hoạt động gần Khe Sanh. Để truy lùng địch, Liên quân Việt Mỹ đã khởi động chiến dịch trong vùng Khe Sanh, về phía Hoa Kỳ, nỗ lực chính trong cuộc hành quân này là tiểu đoàn 1/3 Thủy quân Lục chiến. Đến tháng 10/1966, Khe Sanh được giao Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ bàn giao cho Lực lượng 3 Thủy bộ Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ. Tiểu đoàn 1/3 Thủy quân Lục chiến HK được ủy nhiệm tiếp nhận căn cứ, đơn vị này đã phối hợp với Công binh Thủy quân Lục chiến HK biến đổi tiền cứ này trở thành một căn cứ yểm trợ hỏa lực với một phi đạo được tu bổ lại đủ khả năng tiếp nhận nhiều loại phi cơ.

* Trận chiến quanh các ngọn đồi Khe Sanh trong năm 1967:
Từ tháng 10/1966 đến tháng 1/1967, tình hình chiến sự tại Khe Sanh không có các cuộc đụng độ lớn. Từ tháng 2/1967 đến tháng 12/1967, hoạt động của các đơn vị Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ được ghi nhận như sau:
Tháng 2/1967, tiểu đoàn 1/3 Thủy quân Lục chiến (TQLC) được hoán chuyển bởi đại đội E tiểu đoàn 2/9 TQLC. Ngày 15 tháng 3/1967: đại đội B tiểu đoàn 1/9 thay thế vị trí phòng thủ đại đội 1 tiểu đoàn 2/9. Tháng 4/1967, tin tức tình báo của liên quân Việt-Mỹ ước định có khoảng 1 trung đoàn CSBV đang hoạt động quanh Khe Sanh; ngày 20 tháng 4, lữ đoàn 3 TQLC do đại tá John Lannigan lãnh trách nhiệm hành quân toàn vùng này. Ngày 24/4, Cộng quân mở một loạt tấn công vào một số vị trí tiền cứ quanh Khe Sanh, kịch chiến đã diễn ra giữa đơn vị trú phòng và CSBV. Ngày 25 tháng 4, tiểu đoàn 2 và 3/3 bắt đầu được không vận vào chận địch, lực lượng này đã tung các đợt tấn công vào đội hình địch, đến ngày 28 tháng 4/1967, tiểu đoàn 2/3 do trung tá De Long chỉ huy chiếm ngọn đồi 861. Sau 4 ngày hỗn chiến, tiểu đoàn 3/3 đã tiến chiếm đồi 881 Nam, 1 ngày sau (3/5), tiểu đoàn 2/3 đã vô hiệu hóa các ổ hỏa lực của CQ ở phía Nam đồi 881 Nam, đến ngày 5 tháng 5/1967, tiểu đoàn này đã đánh bật CQ ra khỏi khu vực quanh đồi nói trên.
Trận chiến trên các ngọn đồi lại bùng nổ vào ngày 11 tháng 5/1967 và kéo dài trong 2 ngày. Tổng kết có 940 Cộng quân bỏ xác tại trận, phía Hoa Kỳ có 155 quân sĩ bị tử trận. Trong ngày 13 tháng 45/1967, lữ đoàn 3 TQLC Hoa Kỳ được bốc về Đông Hà, bộ chỉ huy trung đoàn 26 TQLC Hoa Kỳ và tiểu đoàn 1/26 được không vận đến Khe Sanh. Cũng trong ngày này, đại tá John Padley thay thế đại tá Laginan chỉ huy trung đoàn 26 TQLC. Ngay khi đến Khe Sanh, tiểu đoàn 1/26 TQLC khai triển các đại đội tiến chiếm các cao điểm 861, 881 và 950.
Ngày 14/5/2967, chiến dịch Crockett được bắt đầu nhằm giải tỏa áp lực CQ quanh Khe Sanh. Liên tiếp trong gần 1 tháng, được sự yểm trợ của Không quân và Pháo binh, lực lượng TQLC Hoa Kỳ phòng thủ Khe Sanh đã tung các cuộc hành quân truy kích quanh khu vực. Ngày 13 tháng 6/1967, tiểu đoàn 3/26 được tăng cường cho mặt trận Khe Sanh để chận đứng các hoạt động của đối phương.


Ngày 16 tháng 6/1967, chiến dịch Crockett chấm dứt, kết quả: 240 CQ bỏ xác tại trận địa, phía Hoa Kỳ có 52 TQLC tử trận. Một ngày sau, Thủy quân Lục chiến HK tại giới tuyến khởi động chiến dịch Ardonne, chiến dịch này kéo dài đến ngày 31 tháng 10/1967 với kết quả: 113 CQ bỏ xác tại trận, 10 TQLC Hoa Kỳ hy sinh. Cũng trong thời gian diễn ra chiến dịch, vào ngày 12 tháng 8/1967, khi áp lực của CQ đã giảm, 2 đại đội K và L của tiểu đoàn 3/6 được tăng cường cho trung đoàn 9TQLC, 5 ngày sau, phi đạo Khe Sanh được đóng cửa để tiến hành sửa chữa. Đến 3 tháng 9/1967, thành phần còn lại của tiểu đoàn 3/26 được đưa nốt về Quảng Trị. Đến ngày 27 tháng 10, phi đạo Khe Sanh đã mở cửa lại để cho phi cơ C 123 đáp xuống.
Ngày 1 tháng 11/1967, chiến dịch Scotland 1 bắt đầu, đến ngày 13 tháng 12, tiểu đoàn 3/26 TQLC lại được không vận vào Khe Sanh vì áp lực CQ gia tăng. Ngày 21 tháng 12/1967, tiểu đoàn này khởi động một cuộc hành quân 5 ngày về phía Tây căn cứ, nhưng không chạm địch.
Đến cuối năm 1967, có hơn 2 ngàn Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đóng quân tại căn cứ này cùng với một đơn vị pháo binh yểm trợ nằm giữa ba ngọn đồi về hướng Tây Bắc.

* Vị trí chiến thuật và chiến lược của căn cứ Khe Sanh:
Khe Sanh là một lòng chảo ở giữa Cao nguyên đất đỏ, được bao bọc bằng những ngọn đồi cây cối và tre nứa. Từ Khe Sanh, liên quân Việt Mỹ tung các đơn vị bộ chiến và sử dụng Pháo binh đánh phá các tuyến đường xâm nhập và vận chuyển tiếp liệu từ Bắc Việt vào lãnh thổ Lào cũng như dọc theo biên giới vào Miền Nam Việt Nam. Rút kinh nghiệm từ bài học Điện Biên Phủ, Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đã cho phát quang các ngọn đồi chung quanh. Vào đầu năm 1968, các toán thám sát đã giao chiến với lực lượng lớn của Cộng quân gần đồi 861, khám phá nhiều vị trí được xây dựng rất kiên cố, đến ngày 2 tháng 1/1968, có 5 sĩ quan CSBV bị toán quân tuần tiễu bắn hạ gần phi đạo Khe Sanh, từ những khám phá đó, bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH và bộ tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định rằng căn cứ Khe Sanh được xem như là một cứ điểm chiến lược trong các cuộc tấn công của CQ, vì vậy kế hoạch bảo vệ Khe Sanh được thực hiện rất quy mô.
Trước hết, hai tiểu đoàn TQLC Hoa Kỳ được gửi đến để phát quang các ngọn đồi 861, 881 Bắc và 881 Nam. Họ được nhanh chóng thay thế bằng tiểu đoàn khác của trung đoàn 26 TQLC Hoa Kỳ. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Cộng quân sẽ dùng mọi cách để triệt tiêu Khe Sanh vì vị trí này đã vô hiệu hóa cường lực của Cộng quân và việc vận chuyển tiếp liệu vào Nam. Các tin tức tình báo cho biết Sư đoàn 325 CSBV đang di chuyển đến tại một vị trí tại phía Bắc căn cứ, về phía Đông Nam là sư đoàn 304 CSBV, tổng số lực lượng CSBV trong giai đoạn này gần 20,000 CQ. Cách đó không xa lắm là sư đoàn 324 và 320 CSBV đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để bao vây căn cứ. Các đơn vị CSBV này đều được trang bị đầy đủ đại pháo, súng cối và hỏa tiễn chống chiến xa.

Từ những diễn biến chiến trường, Liên quân Việt-Mỹ đã phải chọn một trong hai đường: hoặc bỏ Khe Sanh cho CSBV, hoặc tiếp tục giữ vững gọng kìm ngăn cản tuyến đường tiếp liệu của CQ bằng cách đánh bật cuộc tấn công của đối phương mà Liên quân Việt-Mỹ đã biết trước.
Về địa hình địa thế, trước cuộc tấn công Mậu Thân, Khe Sanh không mấy khác so với Điện Biên Phủ. Vị trí của căn cứ này nằm lọt giữa một thung lũng, các ngọn đồi bao bọc chung quanh, do đó đây không hẳn là một vị trí có thể quan sát bao quát hết các vị trí địch. Quân CSBV đã đào được hai địa điểm đặt đại pháo tại khu phi quân sự (cách 14 dặm về phía Bắc) và ở Lào, có thể mở cuộc tấn công hỏa tập vào căn cứ bất cứ lúc nào. Khoảng 1 tuần trước khi xảy ra cuộc chiến thật sự, đồn biên giới Ban Houli Sane của quân đội Hoàng Gia Lào bị chiếm gọn, có đến 2,000 binh sĩ Lào thiệt mạng. Các binh sĩ Lào thoát được, bỏ lại vị trí của mình đến cầu cứu và xin tạm tị nạn tại trại Làng Vei của Biệt kích quân Biên phòng.
Vào tháng 1/1968, lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tại Khe Sanh có 4 tiểu đoàn: 3 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 26 và tiểu đoàn 1/13. Tại căn cứ Pháo binh được trang bị 18 khẩu 105 ly, và sáu khẩu đại bác 155 ly. Các căn cứ Hoa Kỳ lân cận có thêm 18 khẩu pháo 175 ly. Vũ khí hạng bao gồm 6 chiến xa M 48 được trang bị đại bác0 ly và 14 thiết vận xa, cộng thêm 14 chiến xa Ontos với 6 đại bác không giật 106 ly cho mỗi chiếc, và 4 chiến xa Dusters rrang bị đại bác 40 ly hoặc đại liên 50. Cho đến giữa tháng Giêng, Khe Sanh đã được tăng cường kiên cố: Doanh trại đã sẵn sàng giao chiến với nhiều hàng rào công sự bằng bao cát hoặc thép gai mìn dày dặc. Một hệ thống nhiều đường hào bảo đảm cho việc giao thông dưới lửa đạn và trường hợp rút lui khi thất bại. Cộng quân buộc phải tránh sự quan sát theo dõi liên tục từ các ngọn đồi lân cận bằng cách đặt các vị trí tiền đồn kiên cố tại các đỉnh đồi mà địch chiếm đóng. Trận chiến tại Khe Sanh sắp bùng nổ…

Kỳ sau: Những trận đánh lớn tại Khe Sanh vào cuối tháng 1/1968.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.