Hôm nay,  

Bộ Ngoại Giao Mỹ Ra Lệnh Giảm Bác Đơn Vì Gánh Nặng Xã Hội

26/06/199900:00:00(Xem: 5385)
Mục di trú và bảo lãnh hàng tuần do Văn Phòng tham vấn di trú Robert Mullins International đảm trách, chỉ có mục đích thông báo các tin tức thời sự liên quan đến vấn đề đoàn tụ gia đình, rất hữu ích cho quý độc giả nào quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân. Việc tín nhiệm các tin tức trong mục này hoàn toàn thuộc quyền tự do và trách nhiệm của quý độc giả.
Tuần trước chúng tôi có trình bày về vấn đề bảo trợ tài chánh và đã lưu ý về điểm có quá nhiều hồ sơ xin cấp chiếu khán di dân bị bác khước căn cứ vào điều khoản gọi là “gánh nặng xã hội” của luật di trú. Ngay cả Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng nhìn rõ vấn đề này và đã tìm những biện pháp thích ứng để giảm thiểu số lượng hồ sơ bảo lãnh di dân bị bác khước vì lý do “gánh nặng xã hội”.
Trong bài viết hôm nay, chúng tôi hân hoan thông báo đến quý thính giả những tin tức phấn khởi về vấn đề này. Chúng tôi vừa được biết Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã gởi chỉ thị đến các nhiệm sở ngoại giao hải ngoại, tức các Tòa Lãnh Sự phụ trách duyệt xét và cấp chiếu khán di dân, yêu cầu các giới chức phỏng vấn áp dụng các biện pháp sau đây để giảm thiểu số lượng hồ sơ bị bác khước vì lý do “gánh nặng xã hội”.
Phân chia các hồ sơ bị bác khước về vấn đề bảo trợ tài chánh làm hai loại:
- loại hồ sơ bảo trợ tài chánh điền sai hoặc thiếu sót một vài tài liệu không chính yếu,
- loại hồ sơ bảo trợ tài chánh mà lợi tức hiển nhiên dưới mức tối thiểu theo luật định.
1- Loại hồ sơ bảo trợ tài chánh điền sai:
Hồ sơ bảo trợ tài chánh gồm có mẫu I-864 và tùy trường hợp có thêm mẫu I-864A, và các tài liệu chứng minh lợi tức và tài sản đính kèm.
Vì mẫu I-864 và I-864A là các mẫu mới được áp dụng và được xem như những văn kiện pháp lý có tính cách ràng buộc về tài chánh đối với người thiết lập nên có hình thức không đơn giản và cách hành văn nhiều chỗ khó hiểu nên việc điền sai hoặc thiếu sót rất thường xảy ra.
Đối với các hồ sơ bảo trợ tài chánh phạm vào các sai sót về kỹ thuật trong việc điền mẫu I-864, hoặc thiếu một vài tài liệu không chính yếu thì thay vì bác khước theo điều khoản 212(a)(4), tức “gánh nặng xã hội” và đương đơn phải làm lại toàn bộ hồ sơ, thì từ nay chỉ nên bác khước theo điều khoản 221(g) và có thể cho điều chỉnh hoặc giải quyết nhanh chóng.
Thí dụ như các trường hợp sau đây :
a-Không có sẵn mẫu I-864 để trình giới chức lãnh sự lúc phỏng vấn (có thể do thư từ bị lạc hoặc người đứng bảo trợ gởi trễ nên đương sự chưa nhận kịp)
b-Có trình hồ sơ bảo trợ tài chánh, nhưng mẫu I-864 điền sai, hoặc thiếu một vài giấy tờ phải đính kèm, nhưng có đủ yếu tố để tin rằng người đứng bảo trợ có đủ khả năng để bảo trợ cho thân nhân. Thí dụ như thiếu giấy khai thuế hoặc mẫu W-2 của một năm (thay vì phải đủ 3 năm) hoặc thiếu phần liệt kê chi tiết (schedule) của giấy khai thuế.
2- Loại hồ sơ bảo trợ tài chánh hiển nhiên không đủ lợi tức theo luật định :
Đối với các hồ sơ mà căn cứ vào giấy khai thuế mới nhất và giấy chứng nhận sở làm, hiển nhiên không đủ lợi tức theo mức luật định thì sẽ bác khước theo điều khoản 212(a)(4) về “gánh nặng xã hội”. Trong trường hợp này không cần phải bắt bẻ thêm là mẫu I-864 điền đúng hay sai hoặc thiếu một vài giấy tờ gì khác.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lưu ý các Tòa Lãnh Sự hải ngoại và các giới chức phỏng vấn ở điểm cần phải tạo điều kiện cho các đương đơn được nhanh chóng điều chỉnh hoặc bổ túc hồ sơ cần thiết để được cấp phát chiếu khán. Điều mà các giới chức phỏng vấn cần quan tâm là ưu tiên áp dụng điều khoản 221(g) để các đương đơn dễ dàng và nhanh chóng bổ túc hồ sơ, thay vì bác khước theo điều khoản 212(a)(4) về “gánh nặng xã hội”.
3-Trường hợp bảo trợ tài chánh cho vị hôn thê/ hôn phu:
Đối với các hồ sơ bảo lãnh vị hôn thê/hôn phu thì không phải thiết lập mẫu I-864. Tuy nhiên, để tránh những sai sót có thể làm cho hồ sơ bị chậm trễ, chúng tôi xin lưu ý quý vị về các điểm sau đây trong việc bảo trợ tài chánh cho vị hôn thê/hôn phu:
a-Nộp giấy khai thuế của 3 năm sau cùng, nếu đương sự chỉ mới có công việc làm mới trong thời gian gần đây.
b-Nộp giấy khai thuế của 1 năm sau cùng, nếu đương sự đi làm cho hãng xưởng nào đó (không phải tự làm chủ, hoặc hành nghề tự do) và nếu đương sự đã đi làm liên tục trên 1 năm rồi.
c-Nộp giấy khai thuế của 3 năm sau cùng kèm theo mẫu 1722 (tức giấy xác nhận hồ sơ khai thuế của Sở Thuế Vụ địa phương), nếu đương sự làm nghề tự do.
PHẦN GIẢI ĐÁP CÁC CÂU HỎI CỦA QUÝ VỊ:
Câu hỏi 1: Tôi có làm hồ sơ bảo lãnh cho vợ tôi và đã gởi giấy bảo trợ tài chánh sang văn phòng ODP Bangkok rồi. Vợ tôi sắp gặp phái đoàn phỏng vấn vào tuần tới. Làm thế nào để biết được là giấy bảo trợ tài chánh của tôi sẽ có sẵn trong hồ sơ khi phái đoàn phỏng vấn"
Đáp: Không biết được. Nếu ODP Bangkok đã nhận được giấy bảo trợ tài chánh của ông thì họ để vào hồ sơ bảo lãnh của ông để giới chức phỏng vấn cứu xét. Vợ ông cần phải trình bày với giới chức điều này và yêu cầu giới chức kiểm kỹ lại hồ sơ. Nếu không có giấy bảo trợ tài chánh trong hồ sơ (có thể bị thất lạc) thì ông cần phải thiết lập lại toàn bộ giấy bảo trợ tài chánh khác. Vì vậy để tránh trở ngại này, tốt hơn hết là ông nên gởi giấy bảo trợ tài chánh về thẳng cho vợ ông để bà ấy cầm nộp cho phái đoàn lúc đi phỏng vấn là bảo đảm nhất.
Câu hỏi 2: Hồ sơ bảo lãnh cho ba tôi hiện được cứu xét ở Saigon, nhưng ba tôi nhận được thơ báo cho biết là giấy bảo trợ tài chánh đã hết hạn. Vậy tôi có cần phải nộp lại các giấy chứng minh lợi tức và tài sản mới hay không"
Đáp: Nếu thư của ODP không nói rõ ông phải nộp lại các giấy chứng minh lợi tức và tài sản thì có thể ông khỏi phải làm. Tuy nhiên để bảo đảm cho việc cứu xét hồ sơ bảo lãnh của ông được suông sẽ, chúng tôi thiết nghĩ ông nên làm lại mẫu I-864 kèm theo giấy chứng nhận việc làm, giấy khai thuế và mẫu W-2 của năm sau cùng.

Quý độc giả quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân muốn có thêm tin tức cập nhật, xin theo dõi qua báo chí hay đón nghe chương trình phát thanh của chúng tôi vào mỗi tối thứ Tư từ 7PM đến 7:30PM và 11:30AM-12PM mỗi trưa Chủ Nhật, trên hai làn sóng 1430AM và 106.3FM. Hoặc quý vị liên lạc với một trong những văn phòng Robert Mullins International gần nhất, tại Nam California: (714) 890-9933, Bắc California: (408) 294-3888, Oakland-San Francisco: (510) 238-8830 hay qua Email: info@rmiodp.com.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.