Hôm nay,  

Phim “journey From The Fall” Dự Tính Phát Hành Tháng Tư

29/01/200500:00:00(Xem: 2277)
wk_01292005_1wk_01292005_2wk_01292005_3
wk_01292005_4wk_01292005_5


Gần 30 năm sau khi cộng sản chiếm Sài Gòn, tại Thái Lan dựng lên một trại tù cải tạo. Có nhà tù, có gác canh, có phòng thăm nuôi, có cả một ruộng bắp.

May thay, đây là một trại giả, không nhốt tù mà chỉ để quay cuốn phim do một nhóm người Việt trẻ tại Mỹ thực hiện. Đạo diễn Hàm Trần và nhà sản xuất Lâm Nguyễn, cả hai đều mấp mé 30 tuổi, đã đi vêà Thái Lan nhiều lần để chọn cảnh, xây trường quay, và thực hiện phim Journey from the Fall (tạm dịch là Hành Trình từ Sụp Đổ), dự tính sẽ trình làng tháng Tư 2005 kịp thời kỷ niệm 30 năm tỵ nạn.

Phim Lịch Sử Tỵ Nạn

Phim Journey from the Fall sẽ, theo lời Hàm kể với Việt Báo, “bao trùm hết cả lịch sử tỵ nạn, từ ngày 30 tháng 4 đến trại tù cải tạo, vượt biên, phấn đấu dựng lại cuộc đời trên quê hương mới.” Cuốn phim đã được quay tại Thái Lan và tại miền Nam California vào năm ngoái, và hiện đang sắp kết thúc phần hậu kỳ.

Journey from the Fall đi theo một gia đình trải qua lịch sử sau 30 tháng 4. Mất nước, không chạy di tản, người cha (tên Long, do Long Nguyễn đóng) bị bắt vào tù cải tạo, để lại mẹ già, vợ dại, con thơ. Không sống được trong hoàn cảnh thiếu tự do, cả ba người – bà mẹ (do Kiều Chinh đóng), cô vợ tên Mai (do Diễm Liên đóng), và đứa con 10 tuổi tên Lai (do Thái Nguyên đóng) lên đường vượt biên.

Cuộc vượt biển hiểm nguy vì sóng gió đã đành, chuyến tàu còn bị hải tặc tấn công, Mai bị thương tật. Đến được Mỹ, họ gầy dựng lại cuộc sống mới. Từ Việt Nam có tin anh Long vượt ngục, nhưng không biết anh còn sống hay chết. Đời sống thì chật vật, khó khăn trong sở làm, trường học, mỗi người đành tự tìm một lối thoát cho riêng mình. Bà nội bám vào hy vọng con mình còn sống. Mai gượng gạo xây lại một gia đình mới cho con. Lai thể hiện niềm hy vọng vào hội họa, cặm cụi vẽ những bức hình Lê Lợi, Lê Lai, và thanh kiếm thần theo lời kể của bà nội. Ba người trong một gia đình, sống cùng một nhà, nhưng ngày càng tản mát. Phải cho đến lúc mọi sự đè nén bùng nổ lên, gia đình mới thực sự có dịp lại gần với nhau.

Mới 30 tuổi, nhưng Hàm Trần đã đoạt nhiều thành tựu lớn. Năm 2004, cuốn phim ngắn The Anniversary (Ngày Giỗ) của anh lọt vào bán kết “short list” của giải Oscar cho phim ngắn. Cuốn phim còn đoạt nhiều giải nhất tại các đại hội điện ảnh quốc tế như ĐHĐA USA, Visual Communications, Bangkok. Ngày Giỗ cũng đoạt giải Khán Giả Bình Chọn tại Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (ViFF) ở Irvine năm 2003. Cuốn phim đã in thành DVD do trung tâm Asia phát hành.

Nhà sản xuất phim Journey from the Fall là Lâm Nguyễn, đã cùng cộng tác với Hàm trong Ngày Giỗ. Sinh tại Sài Gòn sau ngày mất nước 1975, Lâm từng đóng trong phim Thời Hùng Vương 18 và We Were Soldiers. Ngoài ra, anh cũng làm đạo diễn cho video Vân Sơn trong nhiều năm. Thân phụ anh là Thiếu úy Nhảy Dù, khóa 6 Đà Lạt, đã mất năm 1981 tại Việt Nam.

Một Tác Phẩm Cho Miền Nam

Lâm tâm sự: “Chúng ta thiếu những tác phẩm để giới trẻ có thể cảm thông về những gì thuộc về miền Nam. Bản thân tôi, sinh sau 30 tháng 4, khi qua trại Bataan ở Philippines, tôi mới thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ lần đầu tiên. Tôi hỏi cờ đó cờ gì, người ta trả lời cờ Việt Nam, tôi lại còn cãi vì tới lúc đó tôi chỉ biết có cờ đỏ. Nếu không có những tác phẩm nghệ thuật về vấn nạn tù đày, tị nạn, sẽ có biết bao nhiêu người trẻ nữa giống tôi hồi đó"”

Một giám đốc sản xuất (executive producer) của phim này là Alan Võ Ford nói với Việt Báo: “Tôi lớn lên trong hoàn cảnh cũng tựa như trong phim, lúc còn nhỏ thì ba đi học tập, cả chục năm sau mới về. Chuyện học tập, vượt biên, định cư, là câu chuyện của hết mọi thế hệ Việt Nam.”

Được đào tạo tại Mỹ nên kịch bản của Hàm không thụ động. Hàm nói: “Tôi không chủ trương cho một người ngồi kể chuyện, đó không phải là phim. Phim phải cho người xem đến tận nơi, nhìn tận mắt, nghe tận tai những điều mình muốn kể.”

Để dựng lại 30 tháng 4, trại cải tạo, vượt biên, Hàm và Lâm đã bỏ ra bốn tuần ở Thái Lan để tìm ngoại cảnh thích hợp. Một cảnh quan trọng trong phim sẽ là cảnh trên tàu vượt biên. Lâm kể: “Tụi tôi tìm thấy một chiếc tàu đánh cá ở Việt Nam, tính mua, hỏi giá thì người ta đòi 40,000 đô lận. Bên Thái Lan, tụi tôi lại tìm được chiếc tàu giống tới 90% tàu đánh cá Việt Nam, mà giá chỉ có 5,000 đô.”

Thế nào là 90% giống" Lâm giải thích: “Tàu đánh cá ở Việt Nam lúc nào cũng có một bàn thờ nhỏ, rồi có treo võng nằm, màu sơn tàu thì thường là có khác tàu Thái. Tụi tôi phải sơn lại chiếc tàu và làm lại cho nó giống tàu Việt Nam.” Một người mới đây còn chưa biết cờ vàng ba sọc đỏ, nay đã thành chuyên viên tàu vượt biên. Nghề làm phim quả có cung cấp những tri thức bất ngờ.

Xây Tù Thật, Lội Bùn Thật, Ăn Dế Thật, Khóc Thật

Tại tỉnh Nakhon Nayok, Hàm và Lâm đã tìm được nơi có ưu điểm địa lý để xây trại tù. Hàm cho biết, “Tôi gặp mặt và nói chuyện với rất nhiều người từng đi tù cải tạo. Theo lời người ta nói, tụi tôi phải tìm được một chỗ có đồng, có rừng, lại có núi vì nhiều trại cải tạo nằm gần núi, trong lòng chảo. Nakhon Nayok có ruộng, có rừng, lại có rặng núi Dong Phaya Yen rất thích hợp.”

Thời tiết cũng quan trọng. Lâm nói, “Ở đây mùa mưa giống ở Việt Nam lắm. Chúng tôi có gặp hên là năm nay không bị lụt, vì chính quyền Thái vừa xây một cái đập nước cho nguyên vùng này.” Hàm chen vào, “Thực ra nếu lỡ có lụt thì tôi làm phim theo lụt, không sao hết. Nếu không có được thời tiết như mình muốn thì phải làm phim theo thời tiết như mình có! Hồi làm phim Ngày Giỗ cũng vậy, đang quay bỗng có mưa, ngôi chùa bị ngập nước, tôi quay luôn, lại thành ra một trong những cảnh đẹp trong phim.”

Tinh thần “thời tiết sao, làm phim vậy” lại được thử thách trong Journey from the Fall. Nữ diễn viên gạo cội Kiều Chinh đóng vai “bà nội” (tức bà nội của Lai, mẹ của Long) trong phim này. Cô kể lại với Việt Báo:

“Trong phim có cảnh vượt biên, muốn làm bão giả thì nghe đâu quá đắt, đang loay hoay thì tự nhiên mưa thật! Thế là dắt nhau lên thuyền đóng cảnh vượt biên. Lúc ấy trời thì mưa, thuyền thì ướt, Hàm mới hỏi tôi, ‘Cô có dám leo bên mạn thuyền không"’ Tay tôi đang đau, lại không biết bơi, bình thường thì chả dám, nhưng đạo diễn đã yêu cầu thì mình làm. Thế là tôi ráng leo mon men, anh Lâm thấy vậy nhảy ngay xuống nước, nói ‘Cô té con đỡ cho!’ May là không xảy ra chuyện gì.”

Cùng đóng trong phim là ca sĩ Diễm Liên, trong vai Mai, tức mẹ của Lai, vợ của Long. Trong một cuộc phỏng vấn với báo Người Việt, cô tiết lộ đường vào điện ảnh của mình như sau:

“Một bữa Lâm gọi điện thoại kêu ra đóng thử phim, con [cô xưng “con” với người phỏng vấn] ngạc nhiên nói, ‘Are you crazy" [Bộ điên hay sao"] Bộ không sợ hư phim hở"’ Và tôi nói ‘Không!’ Lâm nói: ‘Thì thử thôi, làm gì dữ vậy!’ Con vẫn cương quyết không. Mãi rồi Lâm phải nói: ‘Thôi, bây giờ Diễm Liên hãy vì tình bạn bè mà đi thử, có được không"’ Lúc đó con đành phải nhận lời. ‘Vì bạn bè’ là một câu tụi con chỉ dùng khi năn nỉ hết nước rồi, và cũng là câu tụi con khó từ chối nhau.”

Đóng phim đại, nhưng Diễm Liên đã thành công. Long Nguyễn (vai Long) từng đóng trong các phim Heaven and Earth, Green Dragon, v.v., nói: “Long có một cái tên cho Diễm Liên, là ‘one-take Diễm Liên’. Khi mà quay sát ống kính, diễn viên nếu khuôn mặt mình đóng chưa ‘tới’ thì rất là rõ, thường phải quay vài lần mới được take (lần quay) mà đạo diễn muốn, mà Diễm Liên chỉ cần một take là được rồi.”

Lỡ đóng, phải đóng cho trót. Diễm Liên nói: “Có một cảnh con muốn kể, đó là đoạn phim kể chuyện xẩy ra trong một khu rừng già. Con phải lội xuống sình ngập lên đến đây này (quá đầu gối). Con phải lội thật sự, phải thò tay xuống sình mò tìm một vật gì đó. Chú tưởng tượng đêm tối giữa rừng, con lội bì bõm như thiệt vậy đó. Con phải chống chỏi với nỗi sợ hãi, sợ hãi đêm tối, sợ hãi không biết dưới lớp bùn kia có con gì không, lỡ nó cắn chân con, lỡ nó rút con sâu xuống bùn thì sao, lỡ con đạp trúng mảnh chai, mảnh đạn thì sao. Sợ lắm chú ạ.”

Lội bùn sao bằng ăn dế! Long Nguyễn kể với đài VNCR: “Có cảnh tù cải tạo bắt được dế ăn sống, lúc đầu tôi ngại quá làm chết oan hai con, vì tay còn run, đạo diễn bắt quay lại. Tụi tôi bỏ vào miệng ăn thiệt nhưng không nuốt thiệt, quay hết thì nhè ra!”

Lội bùn thật, ăn dế thật, lúc đóng cảnh buồn, người đóng cũng buồn thật luôn. Diễm Liên cho biết: “Diễn xong một cảnh 30 giây mà có khi con phải chạy ra chỗ khác, đi vòng vòng để khóc đến 15 phút nữa mới ngừng được. Ngay cả anh Long, cô Kiều Chinh cũng thế, hoặc cả cậu bé đóng vai con của con. Cậu bé đóng xong rồi phải vô giường nằm vật ra khóc một hồi mới tỉnh lại được!”

Những cảm xúc thật đó là do đạo diễn Hàm Trần gây ra nơi người diễn viên. Khi diễn viên đóng, Hàm Trần đứng ngay phía sau, thủ thỉ vào tai những điều làm người diễn viên phải “nhập” vào cảm xúc của lúc diễn, không tránh được.

Diễn viên đóng vai Lai, em Nguyễn Thái Nguyên, 13 tuổi, kể lại cũng bị (hay “được”") đạo diễn làm cho khóc: “Mấy cảnh khó nhứt là mấy cảnh khóc. Con đóng cảnh khóc được tại vì chú Hàm kêu nghĩ những gì xấu, nghĩ chuyện xấu xảy ra, nghĩ xong mình tự nhiên ra nước mắt.”

Hàm tiết lộ: “Chính người nhà em cho tôi biết làm cách nào cho em khóc. Mà ‘work’ thiệt. Thấy mình cũng ác nhưng đúng là mỗi lần muốn em khóc tôi chỉ cần nói là _ _ _.” Lâm chặn lại: “Đừng nói! Một mình Hàm biết đã làm em khóc quá trời rồi, viết lên mặt báo cả thế giới chọc cho khóc suốt ngày!”

Tài Tử Cháu, Tài Tử Ông

Thái Nguyên, qua Mỹ mới hơn 1 năm, đến với Journey from the Fall khi ông nội em, ông Nguyễn Thông Thomas, đưa em đi diễn thử. Ông Thông không lạ với chuyện cải tạo, vượt biên. Chính ông bị tù cải tạo 12 năm, 1987 được thả ra ông vượt biên, đến được Mỹ. Con ông bị bắt năm 1980, bị tù 11 năm, ra khỏi tù mới sanh Thái Nguyên. Cả hai ông bà Thông cùng theo cháu đi Thái Lan. Thái Nguyên kể, “Con đi Thái Lan với ông bà nội con, ông bà nội cũng có đóng nữa, ông nội đóng vai người dân, bà nội đóng vai người bán hàng.”

Gần một tháng ở Thái Lan, Thái Nguyên vẫn phải học bài. Ông Thông kể: “Lúc cháu được nhận đóng phim, tôi đến nhà trường xin phép cho cháu đi, người ta đồng ý, đưa cho homework, bắt cháu phải làm. Thành ra lúc ở Thái Lan, tối nào cũng vậy, đóng phim xong thì có khi 1 giờ, 2 giờ khuya, tôi lại phải dạy cháu học, cho cháu làm homework, rồi mới đi ngủ.”

Vui không" “Dạ vui!” Thái Nguyên khẳng định. Tiếng Thái em “học được 10 từ,” là “đếm từ 1 tới 10.” Em biết “lẩu canh chua Thái ngon hơn với nó cay hơn.” Em thấy Diễm Liên “đẹp,” em thích chơi với “chú Khánh,” diễn viên đóng vai thuyền trưởng vượt biên, và những người cưng em nhất là “má Mai [Diễm Liên] với lại bà nội Kiều Chinh.”

Giá Trị Nhân Bản Không Giới Hạn Trong Cộng Đồng Việt

Những cố gắng của bao nhiêu diễn viên, của đoàn làm phim, có ý nghĩa gì không" Theo Diễm Liên, “tất cả những khổ cực đó rất đáng cho con chịu đựng, rất đáng để cho con phải cố gắng. Con nghĩ chỉ cần làm một phim thật đàng hoàng, đâu ra đó, con cũng hãnh diện về sau này.”

Kiều Chinh nói thêm, “Truyện phim Journey from the Fall là một câu chuyện rất hay, nói lên được cuộc đời của những người di cư từ 1975, câu chuyện mà trong mỗi chúng ta đều có một phần. Hơn nữa, thời điểm 2005 sẽ đánh dấu 30 năm tỵ nạn của cộng đồng và khi cuốn phim ra mắt sẽ là một đóng góp quan trọng.”

Alan Võ Ford đánh giá phim không giới hạn trong cộng đồng Việt Nam: “Mặc dù đây là một cuốn phim có chủ đề Việt Nam, giá trị nhân bản của nó vượt ra khỏi Việt Nam, khiến cho mọi người đều có thể xem và thích, vì rốt cuộc gia đình bé Lai trong phim tượng trưng cho cố gắng của mọi gia đình trên đất Mỹ hay trên thế giới mà gặp khó khăn, gặp trở ngại.”

Long Nguyễn đồng tình: “Chuyện cộng sản là câu chuyện kể trong phim, nhưng thông điệp mạnh nhứt là cái tình cảm con người, nó bí mật lắm, mình không biết được. Cho nên nếu mà coi phim này xong thấy được tình cảm của mình như thế nào, với gia đình như thế nào, thì rất là hay.”

Vì vậy, nhóm làm phim dự định phát hành phim trong thị trường Mỹ chứ không giới hạn trong khán giả Việt Nam. Lâm nói: “Chúng tôi phải cố gắng tìm nhà phát hành Mỹ, dĩ nhiên vì muốn có thêm lời. Nhưng quan trọng hơn là vì câu chuyện của người Việt Nam không những cần ghi lại cho các thế hệ Việt Nam tương lai, mà còn phải kể cho cả thế giới nghe nữa. Người ta phải biết những thương xá Việt Nam sầm uất ở Ca-li, ở Texas, phải xây bằng bao nhiêu là đau thương, bao nhiêu là nước mắt.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.