Hôm nay,  

Vn Báo Cáo Kinh Tế Tăng Vọt; Quốc Tế Nghi Có Phóng Đại

24/12/200300:00:00(Xem: 4355)
HANOI -- Các số liệu trên giấy tờ không phản ánh đúng thực trạng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo bản tin đài VOA sáng thứ ba.
Theo bài viết của ký giả Didier Lauras thuộc hãng tin AFP, nền kinh tế Việt Nam đạt được các số liệu rất hào nhoáng vào năm 2003 và tự khoa trương là tỷ lệ tăng trưởng nhanh thứ nhì trên thế giới, nhưng nền kinh tế này không thuyết phục được các nhà phê bình chú mục vào chính sách tài chính thiếu ổn định và môi trường kinh doanh đầy bất trắc.
Bài viết nhận định rằng trên giấy tờ thì thành tích rất tốt, tổng sản phẩm quốc dân đạt mức từ 7,2 đến 7,3% theo các ước tính của Việt Nam, hay 6,9% theo Ngân hàng phát triển Á Châu.
Hồ sơ chính thức cho thấy sản lượng công nghiệp đã tăng 15% và xuất cảng tăng 18,7%, là mức tăng cao nhất từ 3 năm nay, một phần nhờ hiệp định thương mại Việt Mỹ.
Hồi đầu năm nay, Hà Nội đã lo ngại sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của các biến động trên toàn cầu do cuộc chiến tranh Iraq và dịch bệnh SARS, và quả nhiên, cũng như các lân bang khác, Việt Nam cũng không tránh khỏi bị tác động.
Trong khi đó, thì môi trường kinh doanh cũng không gây được sự tin tưởng của giới đầu tư. Chắc chắn là Việt Nam có đạt được tiến bộ, nhưng không nhanh bằng một số các quốc gia láng giềng. Sản lượng có tăng, nhưng các mặt hàng đắt và phẩm chất kém.

Phó Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải thừa nhận trước Quốc Hội rằng sự cách biệt giữa phát triển kinh tế Việt Nam và một số các quốc gia trong khu vực vẫn còn rất nhiều và trong năm 2003, khoảng cách đó vẫn chưa thu ngắn được.
Mối quan ngại chính của các nhà đầu tư là môi trường kinh doanh, tình trạng thiếu minh bạch trong chính sách nhà nuớc khiến họ khó vạch ra được các sách lược. Sự xung đột giữa các ban ngành có thể đưa đến những thay đổi khôn lường về chính sách.
Ông Lê Đăng Doanh, tiến sĩ kinh tế làm việc cho Viện Nghiên Cứu Kinh tế Việt Nam cũng nhận xét rằng Việt Nam phải cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh các cải cách hành chính để giảm bớt các vấn đề cho các nhà kinh doanh nước ngoài.
Mặc dù con số đầu tư nước ngoài lên tới một tỷ rưỡi đôla, tức là tăng ít nhất 4% so với năm ngoái, một số nhà phân tích nhận định rằng xu huớng đó luôn luôn có thể bị đảo ngược.
Khu vực tư nhân tại Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng xấu do tình trạng thiếu minh bạch.
Ông Sean Nolan, một chuyên gia thuộc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế mới đây đã nêu rõ nguy cơ đầu tư trong khu vực tư nhân có thể bị trì trệ nếu môi trường kinh doanh không được giải quyết một cách thích đáng.
Nhà nước Việt Nam đã hứa sẽ đáp lại những mối quan ngại vừa kể trong năm tới. Như ông Võ Hồng Phúc, bộ trưởng bộ Kế Hoạch và Đầu Tư đã nói với các nhà đầu tư Nhật Bản, là Việt Nam đang tiến tới việc tạo một sân chơi công bằng cho các nhà đầu tư cả ở trong nuớc lẫn nước ngoài.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.