Hôm nay,  

Thế Giới Ngày Càng Mất Thiện Cảm Với Mỹ

19/09/200300:00:00(Xem: 4659)
Nước Mỹ vừa tổ chức lễ kỷ niệm hai năm biến cố ngày 11 tháng 9. Người ta chưa quên cảnh tượng kinh hoàng khi hai tòa tháp của Trung tâm thương mại ở New York lần lượt sụp xuống sau khi bị phi cơ do bọn khủng bố cướp đâm vào. Ước tính có trên dưới 3000 người thiệt mạng trong biến cố kinh khủng ngày 11 tháng 9 này. Sau ngày định mệnh này, nước Mỹ quyết tâm trả đũa và trừng trị bọn khủng bố, nói chung là khủng bố Hồi giáo, trên khắp thế giới. Vì căm phẫn trước sự dã man, tàn bạo vì cách giết người của bọn khủng bố, mà trùm khủng bố đứng đầu là Bin Laden, dân chúng Mỹ đa số tán thành chính sách tiêu diệt khủng bố của chính phủ Mỹ. Dư luận thế giới nói chung là biểu đồng tình. Nhưng rồi chính sách chống khủng bố của Mỹ đã có những sự sai trái khiến dư luận thế giới ngày càng lạnh nhạt và mất thiện cảm với nước Mỹ. Liệu nước Mỹ có nhìn thấy ra điều này để kịp thời chấn chỉnh sự sai trái của mình hầu giữ được thiện cảm của các nước trên thế giới không hay vẫn tiếp tục có những hành động chống khủng bố không hợp lòng người để rồi nước Mỹ ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế" Trả lời cho câu hỏi này không phải là chuyện đơn giản và dễ dàng vì chuyện bảo về quyền lợi và đồng thời tạo dựng một gương mặt khả ái trước cộng đồng thế giới là chuyện mà Mỹ đang lúng túng giải quyết kể từ sau biến cố 11 tháng 9.
Ngay sau vụ khủng bố, Mỹ đã dần dần truy tìm ra đầu mối và nguồn gốc của 19 tên khủng bố đã cướp 4 chiếc phi cơ (hai chiếc đâm vào tòa nhà đôi Trung tâm thương mại thế giới ở New york, một chiếc đâm vào Ngũ giác đài và một chiếc đâm xuống đất ở vùng ngoại ô Pennsylvania vì hành khách đứng lên chống lại bọn không tặc, nên chúng không lái được chuyến bay này tới nơi dự định ). Nói chung bọn không tặc thuộc nhóm khủng bố của Osama Bin Laden, lúc ấy đang ở ngôi vị lãnh đạo quyền lực chung với giáo chủ Omar cai trị đất nước A phú hãn, sau khi thành công trong chuyện đánh đuổi Liên xô xâm lăng về nước. Mỹ lập tức điều động quân đội qua tiêu diệt chế độ của Omar và tổ chức khủng bố Al Qaeda do Bin Laden cầm đầu ở A phú hãn. Đó là một chuyện làm hợp tình, hợp lý, thuận lòng dân, hợp ý trời. Ngay cả Đức Đạt Lai Lạt Ma sau này trả lời phỏng vấn cũng cho chuyện Mỹ đem quân vào A phú hãn tiêu diệt khủng bố là một chuyện làm đúng. Mỹ có đủ thế danh chính ngôn thuận để tấn công này vì Bin Laden và chế độ Omar nuôi dưỡng bọn khủng bố đã tấn công vào đất Mỹ và đã giết ước chừng trên dưới 3000 thường dân Mỹ vô tội. Quốc tế cũng hầu như ủng hộ hành động trả đũa này của Mỹ vì nó là hành động chính đáng. Nhưng rồi khi Mỹ quyết định đem quân xâm lăng Iraq thì dư luận quốc tế không còn hậu thuẫn Mỹ như trước nữa, trước đây quốc tế coi Mỹ là một nạn nhân khủng bố và xứng đáng được hưởng sự chia sẻ chân thành cùng sự ủng hộ, nay thì hầu như coi Mỹ như một thế lực bất chấp ý kiến của thế giới để làm những hành động quân sự không công bằng, chính đáng. Nói chung dư luận thế giới vốn dành sự ưu ái cho Mỹ vào thời điểm ngày 9 tháng 11 đã thay đổi. Thế giới coi Mỹ như là một tên anh chị đi hà hiếp và bắt nạt kẻ khác.
Từ Phi châu qua tới Âu châu rồi đến Đông Nam Châu Á đều nảy sinh ra một điểm chính yếu rõ ràng: cuộc chiến ở Iraq đã có một sự tác động ảnh hưởng lớn vào ý kiến quần chúng, vốn biến từ sự thông cảm sâu xa đưa đến chuyện dành nhiều cảm tình cho Mỹ sau ngày 11 tháng 9 trở thành ác cảm với Mỹ sau cuộc chiến tranh Iraq, hay ít nhất cũng là sự bất mãn đối với khuynh hướng của siêu cường Mỹ muốn ra tay hành động trước mà không có lý do gì thuyết phục hay được sự chấp thuận đồng ý của Liên Hiệp Quốc.
Trong vài mức độ nào đó, sự oán trách tập trung vào cá nhân Tổng thống Bush, bị nhiều người phỏng vấn cho là một phát ngôn viên thiếu hiệu quả của những quyền lợi của Mỹ và tệ hơn nữa, là trở thành một tên cao bồi bắn súng, không coi những hiệp ước quốc tế ra gì và chỉ suốt ngày lo chuyện kiểm soát nguồn dầu của thế giới. Xin đừng quên Iraq có một trữ lượng dầu đứng thứ nhì thế giới, chỉ sau có xứ Ả rập Saudi Arabia.
Những chuyên gia về chính sách quốc ngoại đã chỉ ra những sự nứt rạn, sinh ra từ cuối cuộc chiến tranh lạnh, đã bùng nổ thành quan điểm trong cuộc thảo luận về nguyên nhân đưa đến cuộc chiến ở Iraq. Vào mùa hè trước, có sự biến chuyển đột ngột khi chính sách của Mỹ quyết định đi tới chiến tranh với Iraq. Điều này đã làm phát sinh sự liên minh đối kháng của hai nước Pháp và Đức, và sau đó là làn sóng thù ghét Mỹ dâng lên mạnh mẽ.
Địa vị của Mỹ trên trường quốc tế dĩ nhiên là một chuyện phức tạp, và gương mặt bầm dập của Mỹ trước thế giới cũng có thể cải tiến nhanh chóng tùy theo sự đáp ứng với những biến cố. Chuyện chính phủ Bush vừa mới kêu gọi sự giúp đỡ từ Liên Hiệp Quốc vào giai đoạn hậu chiến tranh Iraq là một thí dụ điển hình. Trước đây, Mỹ bất chấp những nghị quyết của Liên Hiệp Quốc để tiến quân xâm chiếm Iraq. Nay thì mặc dù chiếm được Iraq, Mỹ bắt đầu mất máu với chiến tranh du kích, lính Mỹ thiệt mạng mỗi ngày, sự ủng hộ của dân chúng Mỹ dành cho Tổng thống Bush sút giảm nhanh chóng, nên Mỹ giờ đây lại kêu gọi Liên Hiệp Quốc giúp đỡ Mỹ trong chuyện quản trị xứ Iraq vì Mỹ không thể làm một mình. Mỹ giống như một anh võ sĩ hạng nặng, đánh đấm tàn bạo, mạnh mẽ nhưng lại không được dài hơi. Mỹ trước đây đành rút lui khỏi Việt Nam vì không chịu nổi sự mất mát sinh mạng lính Mỹ mỗi ngày.
Có những vùng trên thế giới, đặc biệt là tại Âu châu, có sự chia rẽ quan điểm của họ về vai trò của Mỹ: Chính phủ và dân chúng ở những nước cộng hòa tách ra từ Liên xô ủng hộ sức mạnh của Mỹ nhiều hơn là chính phủ và dân chúng ở Tây Âu (Western Europe), đáng chú ý hơn cả là ở Pháp và Đức.
Ở Nhật, vốn là một đồng minh mạnh của Mỹ, luôn cảm thấy bất an khi phải đối diện với nước Bắc Hàn được trang bị vũ khí nguyên tử, cũng có những sự lo âu, nghi ngờ về sự khôn ngoan của Mỹ khi tiến hành cuộc chiến tranh ở Iraq. Nhưng Nhật ít có ngờ vực về sự quan trọng của sức mạnh Mỹ nói chung đối với vấn đề an ổn toàn cầu.
Ở Trung Cộng, nơi mà mỗi người dân bình thường bày tỏ sự nghi ngờ về cuộc chiến của Mỹ ở Iraq, cảm giác chống Mỹ hạ xuống dần kể từ ngày 11 tháng 9 năm 2001, và dường như có sự hiểu biết nhiều hơn cùng sự chỉ trích ít hơn đối với Mỹ bởi những viên chức chính quyền và giới trí thức. Giới lãnh đạo Trung Cộng phần lớn đi theo đường lối mở cuộc chiến tranh chống khủng bố do Mỹ khởi xướng và theo đuổi.
Tuy nhiên vẫn có ý tưởng đương thời rộng rãi cho rằng Mỹ là một sức mạnh đế quốc cũ chỉ tập trung chuyện kiểm soát nguồn cung cấp dầu toàn cầu và chuyện khống chế quân sự toàn thế giới.
Trạng thái này được diễn tả bằng nhiều cách khác nhau bởi những người khác nhau, từ những ủng hộ viên dã cầu ở thành phố Montreal, Canada, đã la to chọc quê khi có quốc ca Mỹ trổi lên, cho đến những học sinh trung hoc ở Thụy sĩ không muốn đến Mỹ để du học trao đổi vì Mỹ không phải làø một nước tốt. Ngay ở cả những người trẻ, cũng không khó để nghe những lời chê trách chính sách của Mỹ và những nghi vấn sâu sắc về động cơ hành động của Mỹ. Một nhà phê bình văn học của Nga tên Dmitri Ostalsky, năm nay 25 tuổi, có đưa ra nhận xét như sau, " Mỹ muốn nắm quyền lực khắp thế giới. Mỹ là một quốc gia tuyệt vời, nhưng nó muốn thâu tóm quyền lực. Nó muốn cai trị thế giới. Những cố gắng của Mỹ là muốn tái xây dựng lại toàn thế giới dưới hình ảnh của chủ nghĩa cấp tiến và chủ nghĩa tư bản đã mang đầy những điều nguy hiểm tương tự giống như bọn Phát-xít muốn thống trị toàn cầu trước đây." Đó không phải là một nhận xét không có căn cứ và ý nghĩa mà Mỹ cần ghi nhận để sửa đổi lại chính sách đối ngoại của mình hầu được các quốc gia trên thế giới ủng hộ nhiều hơn.
Mọi người đều đồng ý trên những nguyên tắc của dân chủ và tự do, nhưng vấn đề ở đây là chúng ta không đồng ý về những phương tiện để đạt cho được những điều ấy. Mỹ không thể cứ nghĩ rằng sức mạnh sẽ giải quyết mọi chuyện. Người dân Âu châu đã trả qua hai cuộc thế chiến nên biết cái giá của máu như thế nào rồi. Nếu Mỹ muốn thống trị thế giới thì cũng không nên ngạc nhiên khi thấy có nhiều người ở những nước khác nhau có ác cảm với Mỹ. Tờ báo Jakarta Post ở Nam Dương cũng cho biết rằng nếu Mỹ muốn làm bá chủ thế giới thì những nước khác cũng khó mà ngăn chặn được. Tuy nhiên, nếu Mỹ muốn trở thành một sức mạnh bá chủ có được sự kính trọng và tin cậy của các nước khác, nó phải là một sức mạnh tốt lành, không gây nên sự ghét bỏ hay sợ hãi ở những nước khác.
Chủ yếu trong ý kiến toàn cầu là sự thất bại của chính phủ Bush trong chuyện thuyết phục phần lớn quần chúng về lý lẽ chính đáng khi mở cuộc tấn công vào Iraq. Dù đa số dân Mỹ tin là có một sự nối kết giữa Saddam Hussein và những tên khủng bố thuộc tổ chức Al Qaeda, phần còn lại thế giới vẫn còn ngờ vực về chuyện này.
Điều đó giải thích về sự khác biệt to lớn về ý kiến của quốc tế đối với hành động quân sự của Mỹ ở A phú hãn (Afghanistan) vào những tháng sau biến cố 11 tháng 9, vốn được thế giới coi như thỏa thuận ngầm vì đây là một hành động tự vệ hợp pháp và chính đáng, và hành động quân sự của Mỹ ở Iraq, vốn được voi như một hành động độc đoán của một sức mạnh hống hách.
Có lẽ kết quả rõ rệt nhất của dư luận quần chúng thể hiện rõ nhất ở những nước Ả rập và Hồi giáo. Ngay cả những nước Hồi giáo ôn hòa như Nam Dương và Thổ nhĩ kỳ, hay là những quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo đông đảo như Nigeria, những cuộc thăm dò dư luận cũng như phỏng vấn cho thấy có sự sút giảm nghiêm trọng trong chuyện chấp nhận những hành động của Mỹ.

Ở những quốc gia thân Mỹ rõ rệt như Ba Lan, nên nhớ Ba Lan là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ sau Anh, các cuộc thăm dò dư luận cho biết là 60 phần trăm dân chúng Ba Lan chống lại quyết định của chính phủ gửi 2500 quân đến Iraq.
Đối với nhiều người, vấn đề không phải là nước Mỹ mà là chính phủ Bush, một chính phủ bị đánh giá là kiêu căng, phách lối. Với chuyện này, cách giải quyết là phải có nhiều chính sách khác nhau cũng như phải có những công bố thay đổi để có thể tạo thành những thái độ khác nhau. Tổng thống Bush là một người giới thiệu yếu kém nước Mỹ trước thế giới , cho dù là về vấn đề Al Qaeda hay A phú hãn, cho nên dư luận thế giới cũng không cần suy nghĩ gì nhiều đến vị trí chức vụ của ông nữa.
Nhưng trong lúc những bản công bố của chính phủ Bush không có tác dụng tốt đối với thế giới, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng những nguyên nhân sâu xa của sự nứt rạn mới vừa hé lộ. Theo quan điểm của họ, cuộc chiến Iraq chưa hẳn đã gây ra sự bất đồng, chia rẻ mà nó chỉ làm tăng sự chú ý và mở rộng ra một điều hiện hữu kể từ khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt. Nói một cách trắng trợn phũ phàng thì giờ đây Ââu Châu ít cần Mỹ cho nên nó cảm thấy ít có sự đe dọa.
Thật ra, trong lúc Mỹ có lẽ cảm thấy có nhiều sự đe dọa bây giờ còn hơn là năm 1989 là khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt, Âu châu đa số nghĩ rằng không còn mối đe dọa nào sắp đến cả. Có những lực cấu trúc sâu xa trước biến cố ngày 9 tháng 11 đã phân hóa toàn cầu. Khi Liên xô không còn là mối đe dọa, thì không cách gì mà mối liên hệ giữa Mỹ và ÂÂÂâu châu lại không nới lỏng ra. Vì thế khi chính phủ Bush lên nắm chính quyền, câu hỏi đặt ra là liệu nó có làm cho mọi chuyện tốt đẹp hơn hay tệ hại đi. Có lẽ nó làm cho mọi chuyện tệ hại thêm lên.
Trong chiến tranh lạnh, chuyện Mỹ theo chủ nghĩa đơn phương không phải trả giá gì cả. Nhưng khi Mỹ phải đối phó với Iraq, Iran và Bắc Hàn, Mỹ cần Âu Châu và Mỹ cần cơ quan Liên Hiệp Quốc. Sự thật là Mỹ không thể tự một mình điều khiển thế giới, và vấn đề bây giờ đặt ra là Mỹ đã làm xấu đi mối quan hệ với những đồng minh và những người bạn của Mỹ không còn nhiệt tình để giúp Mỹ bây giờ nữa. Người Mỹ và dân Âu Châu đồng ý về căn bản của những sự đe dọa toàn cầu nhưng bất đồng sâu đậm về chuyện họ phải đối phó với chúng như thế nào.
Điều ngạc nhiên nhất là sự khác biệt về chuyện dùng sức mạnh quân sự, 84 phần trăm dân Mỹ đồng ý dùng nó nhưng chỉ có 48 phần trăm dân Ââu Châu ủng hộ chuyện dùng sức mạnh như là một phương tiện để áp đặt công lý thế giới.
Có những khó khăn có từ trước ngày 11 tháng 9 như chuyện tranh cãi kinh tế liên quan đến chuyện phụ cấp thép và nông nghiệp; những sự giới hạn về hợp tác luật pháp vì án tử hình ở Mỹ; những lời tố cáo liên tục về chuyện Mỹ đơn phương hành động ở Afghanistan; và đến những quyết định của Mỹ trong hiệp ước ABM, về Hiệp ước Kyoto, về Tòa án hình sự quốc tế và Hiệp ước về vũ khí hóa học. Câu hỏi nghiêm trọng đặt ra ở đây là liệu Mỹ và Âu châu có tiến đến trường hợp đường ai nấy đi hay không"
Ở Nam Dương giờ chỉ có 15 phần trăm tỏ ý ủng hộ Mỹ, so với 61 phần trăm một năm trước đây. Nam Dương là một vấn đề khó giải quyết đối với những người làm chính sách của Mỹ, vì Mỹ nghĩ rằng đối với một nước có thái độ dễ dãi với tôn giáo như Nam Dương, thì Nam Dương phải tỏ ra một nước mẫu Hồi giáo thân Mỹ. Nhưng kể từ ngày 9 tháng 11, có một nhóm độc hại có tên là Jemaah Islamiyah đã dần dần thu tóm được sức mạnh, tấn công ở Bali và Jakarta và làm cho Nam Dương trở nên một xứ bất ổn đến nổi Tổng thống Bush dự tính sẽ không đến Nam Dương trong chuyến công du Á châu vào tháng tới. Một lãnh tụ Hồi giáo ở Nam Dương tên Din Syamsuddin gọi Mỹ là " vua khủng bố " và gọi Tổng thống Bush là " một con ngựa say". Đây là một điều tệ hại đáng buồn vì Bộ ngoại giao Mỹ đã có một chương trình cung cấp 10 triệu dollars làm những phim nói về đời sống người Hồi giáo ở Mỹ và được gửi đến những quốc gia Hồi giáo hồi mùa thu rồi, trong đó có cả Nam Dương.
Tuy nhiên cũng có những cảm tình sâu đậm và rộng rãi dành cho Mỹ ở vài nơi trên thế giới. Nhiều học sinh khắp năm châu có nguyện vọng muốn được giáo dục ở Mỹ. Quan niệm cho rằng Mỹ là vùng đất hứa vẫn còn hấp lực của nó. Trên căn bản thì người Mỹ và dân Âu châu vẫn thích nhau, dù sự nồng ấm có phần phai lạt đi vì cuộc chiến Iraq. Người Mỹ và dân Aâu châu không ở trên những lục địa khác nhau khi có vấn đề nhận định về những sự đe dọa chung quanh họ. Nhưng ít có nghi ngờ là những lục địa này đã tách xa nhau! Đã qua rồi cái thời 200000 người Đức đi biểu tình ở Berlin để bày tỏ sự đoàn kết với người bạn đồng minh Mỹ. Ngay cả một tờ báo có tiếng tăm ở Pháp là tờ báo Le Monde cũng chạy một tít lớn nhan đề, " Chúng ta đều là người Mỹ.". Mới đây thì tờ báo Nouvel Observateur cho ấn hành một bài bình luận nhan đề, " Chúng ta không phải tất cả là người Mỹ."
Đối với những chính phủ ở Đông Âu, biến cố 11 tháng 9 được coi như một cuộc trắc nghiệm lòng trung thành với Mỹ. Romania, Hungary, Bulgaria, Cộng hòa Czech và Ba Lan cảm thấy họ bị kẹt giữa nước Mỹ và Cộng Đồng Ââu Châu (European Union), đây là một tổ chức mà họ tính sẽ gia nhập trong thời gian ngắn tới. Cuộc chiến ở Iraq đã cho thấy Âu châu sẵn lòng ủng hộ Mỹ tới mức độ nào.
Một số quốc gia ở Đông Âu ngả theo với đa số Cộng đồng Âu Châu về những câu hỏi đại loại như Tòa án hình sự quốc tế, vốn bị chính phủ Bush chống đối, trong khi muốn giúp Mỹ bằng vài cách nào đó với cuộc chiến tranh ở Iraq. Ba Lan và Romania đã gửi quân và Hungary đã cho phép huấn luyện người Iraq ở một căn cứ quân sự trong nước. Dù cái thái độ chung của những quốc gia trong khối Liên Xô cũ đa số ủng hộ Mỹ, những cuộc thăm dò mới đây cho thấy sự kính trọng đã giảm bớt. Họ muốn nhìn Mỹ là một siêu cường biết tự chế và giới hạn sự phiêu lưu quân sự.
Có lẽ quyết định của chính phủ Bush gõ cửa Liên Hiệp Quốc nhằm kiếm một chỉ thị thành lập một lực lượng quốc tế ở Iraq đã phản ảnh thái độ sẵn sàng muốn tự chế của Mỹ. Chính phủ Bush có vẻ học được một bài học là dùng sức mạnh riêng lẻ có thể trả một giá đắt rất nhanh chóng.
Nhưng con đường tái lập sự ủng hộ của toàn cầu có lẽ còn dài đối với một quốc gia như Mỹ, là một quốc gia mà mỗi quyền lực - chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự - làm nó thành một mục tiêu tự nhiên cho sự phê phán và ghen tức. Ngay cả ở quốc gia như Nhật, quan điểm cho rằng Mỹ là một thế lực hà hiếp đã trở thành quan điểm của đa số quần chúng Nhật.
Khi mở cuộc tấn công vào Iraq, Tổng thống Bush cứ nhắc đi nhắc lại rằng cần phải đánh Iraq vì Iraq có vũ khí hủy diệt lớn ( weapons of mass destruction). Nay thì chiếm Iraq mấy tháng rồi vẫn chưa tìm thấy dấu vết của vũ khí hủy diệt hàng loạt, nên có thể coi đây là chỉ là một cái cớ để Mỹ tấn công Iraq. Mỹ tấn công Iraq vì quyền lợi của Mỹ và bất chấp sự bất bình của thế giới. Còn nói Mỹ tấn công Iraq vì Saddam Hussein độc tài thì tại sao Mỹ không tấn công Bắc Hàn, Cu Ba, Trung Cộng và Việt Nam là những nước đang có chế độ độc tài để cho nhân dân các nước ấy được nhờ" Trước đó Saddam Hussein đã đồng ý cho Liên Hiệp Quốc đến thanh tra vũ khí rồi và Liên Hiệp Quốc cũng đang tiến hành chuyện thanh tra vũ khí ở Iraq. Cho nên chuyện đánh Iraq của Mỹ chỉ là chuyện làm của kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu mà thôi. Mỹ đánh Iraq vì quyền lợi thuần túy của Mỹ và bất chấp những nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng " chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ. " Sau mấy tháng trấn đóng, quân Mỹ bị tấn công riêng lẻ cũng như bị bắn sẽ nên bị thiệt mạng hàng ngày. Dân Mỹ không còn ủng hộ Tổng thống Bush nồng nhiệt như hồi xưa nữa. Ai nấy đều cảm thấy có cái gì đó sai trái trong chuyện làm của Mỹ về đối ngoại. Rồi lại đến chuyện lính Mỹ bắn vào những đoàn biểu tình của người Iraq làm cho dân Iraq căm thù Mỹ thêm. Những ống dẫn dầu bị đặt bom khiến Mỹ không thu được lợi nhuận bao nhiêu từ chuyện bán dầu Iraq. Mỹ giờ này cầu cứu Liên Hiệp Quốc nhảy vào can thiệp chuyện điều hành Iraq thì Mỹ không một mình làm nổi chuyện đó.
Ai cũng biết là Thủ tướng Anh Tony Blair đã ủng hộ nhiệt tình chuyện Mỹ đánh Iraq. Thủ tướng Blair là người khôn ngoan, giỏi giang và đã lèo lái nước Anh đi lên trong mấy năm cầm quyền. Không hiểu sao kỳ này ông ăn "cháo lú" nên nhảy vào bênh vực và tiếp tay với Mỹ trong chuyện đánh Iraq làm uy tín ông xuống dốc thê thảm. Chuyện tự tử của chuyên gia vũ khí là Tiến sĩ Kelly làm cho ngôi vị thủ tướng của ông Blair lung lay thật sự. Không biết kỳ này ông còn giữ được chức vụ thủ tướng nữa hay không vì dân Anh cho là ông nói dối với họ lúc đi theo Mỹ đem quân Anh vào tấn công Iraq.
Năm 1968 Liên Xô đem quân xâm lăng Tiệp Khắc và cũng kể từ đó Liên Xô mất hết uy tín đối với các nước trong khối xã hội chủ nghĩa. Nay Mỹ cũng làm chuyện tương tự khi đem quân xâm lăng Iraq khi không có lý do chánh đáng. Nếu Mỹ khôn ngoan giao chuyện điều hành Iraq cho Liên Hiệp Quốc trông coi thì may ra cảm tình của thế giới dành cho Mỹ sẽ đầy tràn trở lại. Tình hình thế giới ngày nay không cho phép Mỹ có quyền một mình "múa gậy vườn hoang" được nữa. Khi đem quân xâm chiếm Iraq, Mỹ đã đi quá trớn trong chuyện "trừ gian diệt bạo" . Đúng ra, Mỹ phải đóng vai trò hiệp sĩ "cứu khốn phò nguy" sẵn sàng ra tay giúp đỡ những nước đang lâm vào tình trạng khủng hoảng, khó khăn và chỉ ra tay trừng trị những nước chứa chấp khủng bố bằng quân sự khi không còn giải pháp nào khác. Có như thế thì hy vọng Mỹ mới mong dành được thiện cảm và sự kính trọng của dư luận khắp năm châu.
Lawndale, một sáng lành lạnh có nắng hanh hao giữa tháng 9-2003
TRẦN VIẾT ĐẠI HƯNG

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.