Hôm nay,  

Cộng Đồng Việt Nam Và Cuộc Chiến Iraq

04/09/200300:00:00(Xem: 4635)
Cuộc chiến Iraq làm nổi bật quan điểm của cộng đồng người Việt trong các nhóm thiểu số tại Hoa Kỳ. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về quan điểm đó và những động lực bên dưới.
Qua cuộc khảo sát ý kiến hồi tháng Năm của tổ chức truyền thông New California Media (NCM) và hiệp hội các nhà báo chuyên nghiệp Society of Professional Journalists (SPJ), truyền thông Mỹ rất lưu ý đến quan điểm nổi bật là “chủ chiến” của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đối với cuộc chiến Iraq. Quan điểm này cũng được nêu lên trong buổi hội luận giữa các đại diện của truyền thông thiểu số vào ngày 28 tháng Tám tại Los Angeles (xin xem bài “Dân thiểu số ở Mỹ và Cuộc chiến Iraq” trên Việt Báo số ra ngày 30).
Chúng ta có thể giải thích lập trường của người Việt tại Mỹ như thế nào" Sau khi tóm lược nội dung cuộc khảo sát, người viết xin có một số ý kiến sau đây khi trình bày cho dư luận Hoa Kỳ hiểu được tâm lý của dân mình.
Nội dung khảo sát
Cuộc khảo sát được thực hiện khá đứng đắn trên toàn quốc, tại các tiểu bang có nhiều di dân, với độ chuẩn xác cao nhất trong cộng đồng Á dân (mức dung sai là ±4,5%), thấp nhất trong cộng đồng Latino (dung sai là ±7,1%) và trung bình trong cộng đồng Trung Đông (±5,8%).
Qua cuộc khảo sát này, người ta thấy ra chín điểm then chốt sau đây: 1) Di dân (thiểu số) có tỷ lệ ủng hộ cuộc chiến Ira thấp hơn hẳn so với trung bình toàn quốc, trừ dân Việt. 2) Dân Trung Đông rất lo sợ ảnh hưởng quốc tế của cuộc chiến. 3) Nhiều người sợ hậu quả bất lợi do cuộc chiến gây ra như bất ổn kinh tế, chính quyền hạch sách người dân và khủng bố. 4) Đa số cho là uy tín quốc tế của Mỹ bị sa sút nếu không tìm ra võ khí tàn sát (WMD), nhiều người tin rằng chiến thắng vẫn chưa đạt được. 5) Cộng đồng di dân khác nhau rất nhiều đối với việc lãnh đạo chiến tranh của ông Bush, nổi bật nhất là tỷ lệ tin tưởng rất cao của người Việt đối với ông Bush. 6) Trong khi nhiều di dân lại cho rằng Tổng thống Bush chưa thuyết phục nổi dư luận về lý do khởi chiến tại Iraq. 7) Mặc dù không đồng ý với lập trường chủ chiến và đuợc thông tin với những hình ảnh rất tiêu cực về Hoa Kỳ qua truyền thông thế giới và truyền thông của quốc gia nguyên quán, một tỷ lệ di dân rất lớn cho biết là họ cảm thấy “ái quốc hơn” đối với Hoa Kỳ. 8) Nhiều di dân tỏ ý dè dặt khi nói về cuộc chiến Iraq. 9) Dân gốc Latino chủ yếu theo dõi tin tức chiến sự trên truyền hình nói tiếng Spanish.
Bối cảnh tình hình
Chúng ta biết rằng chính quyền Mexico của Tổng thống Vincente Fox chống lại việc Mỹ tham chiến tại Iraq và cộng đồng Latino có dân số chỉ thua cộng đồng người Mỹ da đen trên toàn quốc, đặc biệt tại California và Texas. Chúng ta cũng biết lập trường chính quyền Hà Nội chẳng những là phản chiến, chống Mỹ mà còn ủng hộ chế độ Saddam Hussein đến ngày cuối. Ảnh hưởng của truyền thông nguyên xứ (Mexico và Việt Nam) đối với dư luận gốc Latino hay Việt Nam có khác nhau và nói chung, dân Việt tại Mỹ có đọc báo hay xem truyền hình Việt Nam bằng những phương tiện hiện đại thì cũng không mấy tin vào quan điểm lập trường hoặc cách loan tin của Hà Nội như dân Latino đối với truyền hình tiếng Spanish của họ.
Nếu để ý riêng trong Quận Cam, tại những nơi tập trung người Việt, ta thấy quốc kỳ Mỹ xuất hiện nhiều nhất, trong các cửa hàng hay xe cộ di chuyển dọc đường, hơn hẳn một số thị trấn có mật độ Latino rất cao (như Santa Ana) hay có đông dân Đại Hàn (Garden Grove). Đồng thời, phản ứng của người Việt đối với vụ khủng bố 9-11 và tình tương lân với nạn nhân của vụ khủng bố đã được nhiều người Mỹ chú ý ngay từ năm kia. Nói chung, dân Việt Nam thương nước Mỹ hơn, hận khủng bố hơn và thấy gắn bó với người Mỹ hơn sau biến cố 9-11.
Trong các cộng đồng thiểu số, Á dân ủng hộ nhiều nhất, sau đó là dân Latino còn dân gốc Trung Đông có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất (44%). Trong cộng đồng Á dân, lập trường của người Việt còn chủ chiến mạnh hơn cả trung bình toàn quốc. Những yếu tố này có thể là khung cảnh tâm lý chung. Đi vào chi tiết, người ta mới thấy điểm nổi bật của cộng đồng người Việt mà dư luận Hoa Kỳ cần được biết rõ hơn.
Quan điểm người Việt
Người Việt Nam ủng hộ quyết định tham chiến và khả năng lãnh đạo chiến tranh của ông Bush với tỷ lệ cao hơn trung bình toàn quốc, khác hẳn quan điểm đa số của các cộng đồng thiểu số, là ủng hộ dè dặt thậm chí chống chiến tranh và chống Bush. Trong thành phần ủng hộ, sau Việt Nam (tỷ lệ 85% so với 78% của toàn quốc), có dân Phi Luật Tân (75%) và Đại Hàn (58%), còn lại, dân gốc Ấn và gốc Hoa ủng hộ ít hơn 50%.
Chúng ta giải thích hiện tượng này như thế nào"
Thứ nhất, về chiến tranh, người Việt Nam là nạn nhân của cuộc chiến lâu dài và tàn khốc nhất trong thế kỷ 20 với từ hai đến ba triệu người tử nạn nên hiểu rất rõ quy luật cư an nguy, muốn sống hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh. Tâm lý chung của người Việt không là “chủ hòa” hay “phản chiến” mà là một sự bi quan về sự điên cuồng của các lãnh tụ và dễ dàng chấp nhận quan điểm “tiên hạ thủ”, ra tay trước. Biến cố 9-11 là yếu tố chính giải thích phản ứng này.

Thứ hai, về khủng bố, người Việt có kinh nghiệm với nạn đặc công khủng bố có lẽ ngang bằng với dân Do Thái. Khi thấy Hoa Kỳ hết là một hải đảo an toàn, người Việt cho là không xử trí với khủng bố thì không thể có hòa bình. Vì vậy, cuộc chiến Iraq có thể nhất thời gây thêm phản ứng khủng bố trong ngắn hạn nhưng là một bước cần thiết.
Thứ ba, về quan hệ giữa Iraq và khủng bố, người Việt hiểu rõ quy luật “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” và “kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta” nên không thắc mắc nghi ngờ soi mói chính quyền Bush về mối liên hệ giữa khủng bố và chế độ Saddam Hussein. Sau Chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ triệt thoái dần khỏi Đông Nam Á và năm 1992 rút khỏi các căn cứ quân sự tại Phi Luật Tân và trong vụ khủng hoảng năm 1998 tại Indonesia đã cố tránh không can thiệp, nhưng khủng bố Hồi giáo vẫn ra tay tại đây và trở thành đồng hành của al-Qaeda và các nhóm cực đoan khác ở Trung Đông. Kết quả ngày nay cho thấy là các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan đều sẵn sàng hợp tác với nhau để tấn công Hoa Kỳ.
Thứ tư, về ý niệm “xây dựng dân chủ” hay “xây dựng quốc gia”, người Việt tỵ nạn tại Mỹ là chứng nhân về sự thất bại của kế hoạch xây dựng dân chủ hay bảo vệ tự do tại miền Nam và hoài nghi những kế hoạch như vậy. Nhưng, cộng đồng này cũng biết là nếu Mỹ không quan tâm đến các vấn đề của thế giới thì sẽ bị các vấn đề này dội vào lãnh thổ và khuyến dụ khủng bố. Việc can thiệp vào Iraq để cho dân chúng Iraq một tương lai khác là điều chính đáng, dù có nhiều rủi ro và khó khăn thì cũng vẫn nên làm. Nó sẽ khiến các chế độ độc tài khác phải suy nghĩ.
Thứ tư, về ảnh hưởng quốc tế của cuộc chiến, người Việt tin rằng nếu Liên hiệp quốc và các nước khác tham gia thì càng hay, nhưng cũng hiểu rằng Liên hiệp quốc có những nhược điểm hiển nhiên. Việc một quốc gia từng nhúng tay vào khủng bố như Libya lại là chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Liên hiệp quốc khiến người ta thực tế nhìn ra tổ chức này như một diễn đàn tranh thủ quyền lợi của các nước với khả năng gián chỉ rất thấp trước các mối nguy khủng bố, độc tài và gây chiến. Khi thấy Pháp thay đổi lập trường và cò kè mặc cả về việc Libya bồi thường tội khủng bố, người ta hiểu rằng lập trường của Pháp trong cuộc chiến chỉ phản ảnh quan điểm về quyền lợi của họ. Trong hoàn cảnh đó, không thể trông đợi nhiều ở các đồng minh và tổ chức quốc tế.
Thứ năm, về nghĩa vụ của mình đối với xã hội này, người Việt luôn luôn có phản ứng của người tỵ nạn chính trị hơn là tỵ nạn kinh tế như nhiều cộng đồng khác và rất hãnh diện về điều đó. Vì là tỵ nạn chính trị, người Việt cho rằng chính quyền nên hạn chế sự can thiệp và kiểm soát đời sống, nhưng cũng vì là tỵ nạn chính trị, người Việt đánh giá tự do rất cao và biết là muốn có tự do thì phải bảo vệ. Thay vì nhìn xem mình có lợi gì hay bị hại thế nào vì cuộc chiến, cộng đồng người Việt có phản ứng khác: muốn có tự do, mình phải góp phần bảo vệ quyền tự do đó. Nhiều gia đình khuyến khích con cái tình nguyện nhập ngũ ngay giữa không khí sôi động của chiến tranh chính là vì phản ứng về nhiệm vụ này.
Vì vậy, và đây là yếu tố thứ sáu, người Việt không lo sợ về hậu quả chiến tranh như một số sắc dân thiểu số khác. Chiến tranh có làm kinh tế suy trầm thì đó là cái giá phải trả. Khủng bố có đòi hỏi chính quyền tăng cường kiểm soát thì càng là điều tốt. Trong đời sống hàng ngày, có khi người Việt gặp phản ứng kỳ thị của một vài người, nhưng không tin rằng vì khủng bố mà mình sẽ là nạn nhân của sự kỳ thị đó. Cộng đồng Việt Nam thực sự hội nhập vào dòng chính lưu nhiều hơn người ta tưởng và có tinh thần liên đới mạnh hơn người ta nghĩ đối với quốc gia này.
Sau cùng, như một yếu tố tổng kết, sau biến cố 9-11, người Việt tại Hoa Kỳ có phản ứng “ái quốc” cao nhất trong các nhóm thiểu số cũng vì quá chán ghét chiến tranh, khủng bố, độc tài; khi đến được vùng đất tự do này để làm lại cuộc đời mà thấy xứ này còn bị tấn công vô nhân đạo như vậy thì đa số đều có phản ứng xúc động và phẫn uất. Phản ứng đó không là cảm quan nhất thời mà là một sự tỉnh táo của người bi quan biết rõ là nếu không giải quyết nguy cơ khủng bố tận gốc rễ thì sẽ không bao giờ yên thân được nữa. Việc chính quyền Hà Nội ủng hộ Saddam Hussein một cách mù quáng cho đến cùng càng khiến người Việt nơi đây thấy chế độ này đáng ghét hơn. Việc cả thế giới đều nhắc lại kinh nghiệm Việt Nam và hăm dọa Hoa Kỳ là coi chừng sẽ lại gặp một Việt Nam nữa cũng khiến người Việt mong là Hoa Kỳ sẽ thành công tại Iraq và dân Iraq sẽ có dân chủ trong tương lai.
Trên đây là một số lý luận có thể giải thích vì sao trong các cộng đồng thiểu số, người Việt Nam lại có lập trường nổi bật như vậy....

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.