Hôm nay,  

Sợ Đuổi Hơn Sợ Phạt

02/09/200300:00:00(Xem: 4523)
Bạn,
Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị, tình trạng mất vệ sinh của thức ăn đường phố Sài Gòn lần đầu định lượng rõ bằng cuộc khảo sát 400 người bán, 400 người mua và 50 cán bộ địa phương có quản lý thức ăn đường phốâ ở các quận 1, 4, 5, Bình Thạnh. Những người bán thức ăn trên đường phố cho biết họ rất sợ bị công an đuổi hơn là sợ bị phạt. Báo này ghi lại.
Chị Nguyễn Thị Đăng là một người có thâm niên 17 năm bán hàng rong, bán thức ăn trên đường phố được mời phát biểu. Chị vừa kể lại, cũng như vừa thú nhận thực trạng day dứt của an toàn vệ sinh thực phẩm đường phố: "Từ năm 89 - 94, tôi làm nghề bán hàng chẻ, là các loại trái cây cóc, ổi, xoài, khóm chẻ ra để bán. Đi kèm với các loại trái cây gọt vỏ sẵn, chẻ ra từng miếng hấp dẫn luôn là một thau nước màu vàng và một chén mắm ruốc." Chị Đăng thú nhận thau nước màu vàng có một ít đường hoá học. Chị nhấn mạnh: Biết là không an toàn nhưng vì miếng cơm manh áo nên phải bán. Có nhiều người sợ bụi, sợ ô nhiễm bịt mắt từ đầu tới chân nhưng vẫn ghé mua trái cây chẻ vì thấy hấp dẫn quá. Sau mấy lần bị phạt vì tội lấn chiếm lòng lề đường (chứ không phải bị phạt vì bán thực phẩm không an toàn-lời chị Đăng) nên hết vốn, chị nghỉ một thời gian rồi xoay sang bán hủ tiếu, bánh cuốn. An toàn vệ sinh loại này cũng không có gì khá hơn. Chị thú thực: "Vì là hàng bán lề đường nên bán một buổi trời, mấy chục cái tô, mấy chục cái đĩa chỉ có một thau nước rửa. Bán hủ tiếu một tô hai ba ngàn thì tiền đâu mà mua thịt trên thớt, thịt có kiểm dịch. Tôi phải chờ tới trưa để mua thịt ế, giá chỉ bằng phân nửa so với thịt tươi. Có hôm tôi mua trúng miếng thịt không biết họ ướp cái gì mà khi nấu, thịt nổi lều bều, miếng thịt rã ra.Đắn đo mãi, cuối cùng tôi quyết định đổ bỏ, bởi vì lỡ ăn vào có người chết thì to chuyện."

Theo kết quả điều tra, thực tế của kinh doanh thức ăn đường phố hiện nay, kiểu bán hàng phổ biến nhất là có chỗ bán cố định trên vỉa hè, chiếm 76.5%, xe đẩy lưu động và bưng bê chỉ chiếm lần lượt 16,3% và 7,3% . Khảo sát cho ra những kết quả hết sức đáng lo ngại. Có bức ảnh chụp trong đợt khảo sát ghi nhận lại cảnh ăn uống bên cạnh điểm tập kết rác. 10 quy định của ngành y tế đối với an toàn vệ sinh thực phẩm bán trên đường phố đường như không có chỗ để áp dụng. Ấy là đợt khảo sát lần này không đề cập các chỉ tiêu vi sinh, lý hoá và chất lượng của thức ăn đường phố.
Dù thực tế nhiều nguy cơ, thiếu an toàn, nhưng thức ăn đường phố vẫn được nhìn nhận như một nhu cầu thiết yếu cho đời sống đô thị hiện nay. Kết quả khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ người có nhu cầu ăn thức ăn đường phố là rất cao. 99.5% số người được hỏi cho biết đã từng ăn thức ăn đường phố và khoảng một nửa trong số đó dùng thức ăn đường phố hàng ngày. 70 % ý kiến cho rằng họ chọn thức ăn đường phố là vì tiện lợi. Thời điểm sử dụng thức ăn đường phố nhiều nhất là vào buổi sáng với 82% .
Bạn,
Cũng theo SGTT, phần lớn các ý kiến trong cuộc hội thảo công bố kết quả khảo sát đều cho rằng trước hết cần phải tạo cho những người bán thức ăn đường phố một chỗ bán ổn định. Một tiểu thương cho biết: "Nếu có chỗ bán ổn định, không lo chạy công an thì sẽ có điều kiện để lo cho vệ sinh thực phẩm. Thực tế là người bán chỉ sợ công an, không sợ phạt vệ sinh an toàn thực phẩm."

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.