Hôm nay,  

Nước Luôn Lấy Dân Làm Gốc

19/06/200300:00:00(Xem: 5378)
Dân tộc nào cũng có niềm tự hào riêng của dân tộc ấy: nghĩ rằng dân tộc mình hơn hẳn những dân xứ khác. Niềm tự hào dân tộc thật sự phát xuất từ nền văn hóa truyền thống và những thành quả vinh quang dân tộc đó gặt hái được, theo thời gian đã giúp hun đúc lòng yêu nước của người dân. Đó chỉ là điều thường tình thể hiện do bản tính con người, khác nhau chút ít tùy theo giống dân. Chúng ta sẽ ngạc nhiên vì có hàng triệu người Ấn Độ cực đoan sẽ bỏ dở đĩa thức ăn do bồi bàn dọn sẵn mà có bóng của người khác đi qua phủ lên dĩa thức ăn của họ. Dân da trắng sẽ buồn cười biết bao khi biết rằng thổ dân tại Bắc Cực thường rủa "đồ da trắng!" như tiếng chửi thậm tệ nhất của họ. Thời Pháp thuộc, một số ông bà ta đã khinh khi dân Pháp là "giống man di mắt xanh" viết chữ "như giun bò" vậy. Niềm tự hào đó trên thực tế có đúng hay không mới là điều đáng nói. Tuy nhiên, cũng chính quan niệm quá chủ quan và cực đoan dễ dẫn đến nhiều cuộc thảm sát hoặc trở nên đầu mối của nhiều cuộc chiến tranh khủng khiếp: Dân Đức dưới thời Hitler đã thiêu sống và xả hơi ngạt giết hại khoảng 6 triệu dân Do Thái vì ganh ghét giống dân thông minh được chọn làm dân Chúa này. Như thế, chúng ta thấy nhân dân là yếu tố quan trọng nhất trong việc hình thành một quốc gia; do đó, muốn tồn tại, chính quyền một quốc gia phải lấy dân làm gốc, dựa vào dân mà tiến, thương dân như lòng yêu nước để, dù lịch sử thăng hay trầm, cùng toàn dân dựng nên những trang sử hào hùng cho dân tộc.

Tinh thần dân tộc giúp dân Việt giữ vững chí bất khuất để nuôi mộng phục quốc suốt ngàn năm dài khốn khổ, sống dưới chế độ cai trị hà khắc của Bắc phương. Tinh thần dân tộc giữ vững bản chất đặc biệt của giống Việt giúp dân ta không bị đồng hóa thành người Hán; dẫu vậy, bao năm Bắc thuộc đã nhào nắn tư tưởng, lối sống, phong tục, tập quán ta giống người Hán chỉ là lẽ tất nhiên. Được trui rèn trong gần 5 ngàn năm lịch sử, qua bao thử thách từ việc chống kẻ thù phương Bắc, chống Pháp đô hộ, hai lần chia đôi anh em xâu xé nhau rồi đến việc chống thiên tai, hạn hán, lũ lụt triền miên đã nung thêm chí phấn đấu, lòng chịu đựng bền bỉ của sức người để thắng vượt mọi hoàn cảnh, trở lực. Vì vậy, tuy người Việt là giống dân hiền hòa, lấy nhân nghĩa làm gốc cho mọi lối xử thế, nhưng không ai có thể nghi ngờ khả năng chịu đựng, chí kiên cường bất khuất của dân tộc ta trong việc chống ngoại xâm được. Bằng chứng cụ thể kẻ thù phương Bắc đã sát nhập nước ta vào TQ như một quận của họ và cai trị dân ta bằng kế hoạch đồng hóa thâm độc nhưng rồi phải thất bại; sau này, người Pháp từng chiếm đất đô hộ dân ta gần thế kỷ rốt cuộc cũng đành tháo chạy. Phải chăng tinh thần quốc gia và niềm tự hào dân tộc giữ chúng ta khỏi ngã quỵ và đầu hàng nghịch cảnh ngay cả vào những lúc khốn cùng, kiệt lực nhất" Hãy cùng suy gẫm bài thơ trang nghiêm, khoáng đạt đề ngay trên nóc ngai vàng vua nhà Nguyễn, tại chính giữa điện Thái Hòa để thấy rằng công nghiệp lập nước, giữ nước cùng bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc của tổ tiên thật vô cùng thâm sâu:
Văn hiến thiên niên quốc
Xa thư vạn lý đồ
Hồng Bàng khai tịch hậu
Nam phục nhất Đường Ngu

Nước ngàn năm văn hiến
Giang sơn vạn dặm xa
Từ Hồng Bàng khai quốc
Nghiêu Thuấn vững sơn hà
(Phạm Văn Thanh dịch)

Hãy đọc lại tuyên ngôn xác định chủ quyền và quyết tâm bảo toàn lãnh thổ của Lý Thường Kiệt trong bài thơ phá Tống:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Nước Nam là của dân Nam,
Thiên thư phân định giang san rõ ràng.
Nghịch quân xâm lấn tham tàn,
Tất là chuốc nhục muôn vàn bại vong.
(Phạm Văn Thanh dịch)

Xin đọc tiếp tục một đoạn trong bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi để cảm thấy lòng trào tràn niềm kiêu hãnh về dân tộc:
...
Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu;
Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Đinh, Lê, Lý, Trần gây nền độc lập;
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương.
Dẫu cường nhược có lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có
...
(Bình Ngô Đại Cáo, Bùi Kỷ dịch)

Chắc chắn mọi người đều nhận thức rằng trách nhiệm của những nhà lãnh đạo phải tiếp nối truyền thống dân tộc thật nặng nề mà nếu không có tinh thần dân tộc cao độ, dân Việt khó thể tồn tại trước bao cuồng phong muốn thổi bật gốc văn hóa dân tộc. Tư tưởng Nho Giáo từng là căn bản văn hóa của dân Việt từ thời lập quốc và hợp với Lão Giáo, Phật Giáo và rồi với nền văn hóa Tây Phương thành nền nếp, kỷ cương người Việt ngày nay. Người Việt rất trọng nhân nghĩa, thủy chung và đối tượng của nhân nghĩa chính là người dân. Từ xưa đến nay, những áng văn thư lịch sử nổi tiếng luôn lấy dân làm gốc và đề cao vai trò của người dân.

Vào năm 1010, trong "Chiếu Dời Đô" khi truyền dời Kinh Đô Hoa Lư của nhà Đinh về Đại La và đổi tên Đại La thành Thăng Long vì nhà vua thấy rồng vàng hiện ra tại vùng này, Lý Công Uẩn đã viết:
"Ngày xưa nhà Thương đến Bàn Canh là 5 lần dời đô, nhà Chu đến Thành Vương là 3 lần dời đô, há phải là các vị vua thời tam đại ấy tự dời đô theo ý thích riêng đâu, mà là mưu chọn chỗ ở trung tâm, giữ mối giềng muôn đời cho con cháu, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ thích hợp thì dời đổi. Bởi thế ngôi truyền dài lâu, xã tắc hưng thịnh..." Nhà Vua làm điều gì, nhất là những đổi thay có thể ảnh hưởng đến tương lai của giống nòi, đều cân nhắc chín chắn và quyết định thay đổi vì lợi ích chung của dân tộc. Thời nhà Trần, Trần Quốc Tuấn đã trông cậy vào sức của toàn dân mà thắng được giặc Nguyên. Tư tưởng của người được cô đọng thành một câu:
"Dựa vào sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước." Trước thế mạnh của quân Nguyên mà gót chân của đạo quân thiện chiến này từng đạp đổ thành trì bao nhiêu nước từ Á sang Âu, Trần Quốc Tuấn đã tự tin vào tài thao lược của tướng sĩ nhà Nam và dựa vào sức mạnh đoàn kết của dân tộc để ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Lòng tự tin của các tướng được thể hiện qua những câu nói bất hủ của Trần Thủ Độ: "Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo," của Trần Quốc Tuấn: "Nếu bệ hạ muốn hàng thì xin chém đầu thần trước đã" và sau đó lời thề sông Hóa: "Trận này không phá được giặc, ta thề chẳng trở về khúc sông này nữa." Trước một quyết định quan trọng đến vận mệnh dân tộc, nhà Vua cùng các cấp lãnh đạo chẳng tự ý định đoạt mà triệu tập Hội Nghị Diên Hồng và Hội Nghị Bình Than hỏi ý kiến muôn dân từ bậc bô lão đến người niên thiếu để thống nhất ý chí toàn dân "quyết chiến." Đến thời Hậu Lê, Nguyễn Trãi đã nhấn mạnh đến việc coi trọng nhân nghĩa đối với quốc dân trong Bình Ngô Đại Cáo:
"...Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân;
Quân điếu phạt chỉ vì khử bạo..."

Bậc lãnh đạo quốc gia chỉ thật sự cần thiết mới khởi động can qua, chinh chiến vì biết rằng trước "mũi tên hòn đạn" sinh mạng sĩ tốt chẳng biết đâu mà ngờ. Hơn thế, bất cứ một mất mát nào cũng đều gây khổ não cho nhiều thân nhân liên hệ. Chưa kể đến sự thiệt hại về tài sản dân chúng và quốc gia cũng như cuộc chiến có thể xô đẩy dân tộc vào một tương lai vô cùng tăm tối, khó khăn về kinh tế, xáo trộn về xã hội mà phải mất thời gian lâu dài mới phục hồi lại được. Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nói:

Cổ lai quốc dĩ dân vi bản
Đắc quốc ưng tri tại đắc dân

Từ xưa đến nay, nước luôn lấy dân làm gốc
Được nước, nên biết là nhờ được lòng dân
(Thơ Hán: Cảm Hứng)

Thời nào cũng vậy, muốn quốc gia hưng thịnh, các nhà lãnh đạo phải dựa vào nhân dân, lấy dân làm gốc, hành động theo ý dân, vì tương lai dân tộc. Dưới chế độ quân chủ, phong kiến mà nhà Vua còn coi trọng ý dân và người dân như vậy huống hồ trong khuynh hướng "dân chủ hóa toàn cầu" hiện nay, người dân càng phải được coi trọng hơn nhiều. Đó chính là triết lý căn bản để tự tồn của bất cứ chế độ nào. Đó cũng chính là tư tưởng đặt căn bản trên tinh thần quốc gia, dựa vào lập trường dân tộc và quyền tự do bình đẳng của người dân. Biết xử dụng tinh thần quốc gia và niềm tự hào dân tộc đúng chỗ, dân Việt sẽ đập tan bất cứ thế lực khủng khiếp nào muốn áp đặt trên đầu cổ dân ta. Ngược lại, khi một nhóm người đạt được quyền bính rồi không phục vụ cho quyền lợi tổ quốc mà chỉ vì quyền lợi riêng hay đảng phái, họ sẽ trở nên nhóm người kiêu căng vô lối, coi thường thiên hạ sẵn sàng làm bất cứ điều gì tồi tệ nhất nếu có lợi cho họ. Đối với loại người này, Shakespeare đã phải than: "Thế nhân! Thế nhân sao mà kiêu căng! Nắm được chút quyền uy là người ta "coi trời bằng vung," làm những điều bất nhân đến nỗi các thiên thần phải rơi lệ." Thật vậy, khi chỉ chú trọng vào việc "vinh thân phì gia" thì nhân nghĩa có lẽ chẳng còn quan trọng: ông Nguyễn Hữu Đang, người đã tin lầm đóng góp rất nhiều của cải, tiền bạc cho Đảng Cộng Sản Việt Nam trong thời gian đầu hoạt động và rồi tổ chức cho Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã bị trả công bằng 20 năm tù sau khi Nhân Văn Giai Phẩm của ông bị đóng cửa. Nhạc Sĩ Văn Cao, tác giả bài Tiến Quân Ca đã chẳng còn sống đến năm 2001 nếu có ai sáng tác được bản quốc ca khác thay thế. Trường hợp tệ hơn, một khi tinh thần quốc gia bị chèn xuống hàng thứ yếu dưới quyền lợi cá nhân hay đảng phái thì đất nước trở thành tài sản riêng của Đảng và cấp lãnh đạo có thể cam tâm cắt đất, nhượng biển cho ngoại bang chẳng chút ân hận. Người lãnh đạo chỉ muốn "vinh thân phì gia" quên quyền lợi dân tộc, không còn xúc động trước nỗi khốn khổ, nghèo đói của nhân dân thì họ "yêu nước, thương dân" được sao" Lúc đó, họ còn nhớ gì đến chính do dân mà họ có địa vị "cao nhất nước" và đang hưởng thụ một cuộc sống xa hoa ngoại hạng đó. Chúng ta thử xét xem chính quyền CSVN có thực hiện những gì họ "tuyên ngôn" sau khi cướp được chính quyền vào tháng 8 năm 1945 để thấy nhân nghĩa thủy chung họ có bất nhất hay không bằng cách đối chiếu với văn kiện đầu tiên dùng làm nền tảng cho cuộc chiến tranh chống Pháp 1945-1954 và Hiến Pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay.

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Đảng CSVN do Chủ Tịch Hồ Chí Minh đọc dựa vào hai nguyên tắc căn bản của bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ và Tuyên Ngôn Độc Lập của Pháp là nhân loại sinh ra phải được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Hai nguyên tắc căn bản này đã trở thành nền tảng cho Hiến Pháp Hoa Kỳ và Pháp cũng như các quốc gia theo thể chế dân chủ trên thế giới. Đoạn văn bất tử trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ năm 1776 ghi rõ:

"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc."

Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Cách Mạng năm 1791 của Pháp cũng nhấn mạnh thêm:
"Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi: và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi"

Căn cứ vào Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Đảng CSVN, Đảng kết tội hành động xâm lăng nước ta của bọn thực dân Pháp là trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa:
"Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết."

Vâng, đã 28 năm qua, sau khi thống nhất đất nước, không còn bóng dáng bọn thực dân Pháp trên quê hương, bọn đế quốc Mỹ cũng đã "cút" từ năm 1973 rồi và "ngụy quyền" cũng đã đổ, xanh mờ rêu phủ mà Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa đã cho toàn dân chút tự do, dân chủ nào chưa" Hay Nhà Nước lại đang theo dấu xe đổ của thực dân Pháp thi hành những điều như:
"Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược"

Chắc hẳn những người quốc gia yêu quê hương chân chính đều nghĩ bụng: "Gớm! sao mà thực dân Pháp tàn nhẫn, bất nhân quá thể! Nhưng mà sao chế độ Nhà Nước của ta hiện nay cũng khác gì thời thực dân Pháp đâu" Hãy thử nghĩ xem, này nhé sau 30 tháng 4, 1975 không ai chối bỏ rằng Nhà Nước đã mở bao nhiêu nhà tù cải tạo trên khắp nước để hành hạ, trả thù mọi cấp quân cán chính miền Nam hầu diệt trừ hậu hoạn" Dân chúng nhà tan cửa nát, kẻ vượt biên làm mồi cho cá biển, hải tặc cướp bóc, hãm hiếp mà kẻ ở lại cũng phải bồng bế nhau về vùng rừng thiêng nước độc kinh tế mới hầu Nhà Nước, cán bộ có cớ cướp đoạt tài sản người dân. Rồi lại đổi tiền ba bốn bận để Nhà Nước lột sạch tài sản còn sót lại của người dân, rồi quốc-hữu-hóa mọi thứ từ mảnh vườn hương hỏa của tổ tiên đến vạt đất thiêng liêng là nơi thờ phượng Chúa, Phật. Đúng là Nhà Nước không tắm máu quân cán chính miền Nam một cách công khai nhưng tinh vi lắm, Nhà Nước đã vắt cạn giòng máu trong các thể xác gầy còm xương xẩu, da bọc xương cho những công tác thủy lợi, đào kênh đắp mương, lao động sản xuất" Cán bộ nói đó là lòng nhân đạo của Đảng, của Nhà Nước để cho bọn "ngụy quân, ngụy quyền" có cơ hội lập công chuộc tội, hầu phục hồi quyền công dân của mình. Đúng là "nhân nghĩa" của những người Cộng Sản! Tôi sinh ra trên đất nước tôi thì tôi là người dân Việt, có khai sinh hộ tịch, làm đầy đủ bổn phận công dân, kể cả nghĩa vụ thi hành bổn phận người dân yêu nước cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương trong thời chiến. Tôi thua trận bởi vì những người lãnh đạo ở hai miền đã cam tâm muối mặt nhìn nhau không là anh em cùng dòng giống Tiên Rồng mà là thù nghịch. Anh em miền Bắc bị Đảng bắt buộc vào Nam gây cuộc chiến tương tàn, chém giết anh em miền Nam vì quyền lợi của ngoại bang Nga Sô, Trung Cộng và anh em miền Nam cũng phải hăng hái chém giết để bảo vệ miền Nam và tiền đồn chống Cộng của Thế Giới Tự Do chứ" Tôi thua bởi vì người bạn đồng Minh tráo trở, bỏ bạn nửa đường vì tình bằng hữu đến hồi không còn cần thiết nữa. Tôi thua một cách tủi nhục, uất nghẹn, mất cả vợ con, anh em, cha mẹ; thế nhưng, kẻ ngã ngựa có được nâng dậy, an ủi, chăm sóc đâu mà chỉ nhận những hình phạt tinh thần và thể xác đắng cay ngàn nỗi. Nhà Nước cũng đoạt quyền Tạo Hóa cướp mất của những kẻ ngã ngựa quyền được sống, quyền công dân, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Nói cho đỡ ức, đỡ đau vì tôi biết rằng người dân sống trong xứ tự do dân chủ như Hoa Kỳ được tự do nói sự thật, quan điểm của mình một cách trung thực mà không chịu trách nhiệm gì. Tuy vậy, Nhà Nước tại quốc nội phải có trách nhiệm nên có thể không nói ra nhiều bí mật người dân muốn biết khi họ thắc mắc. Trách nhiệm của những nhà lãnh đạo một quốc gia thật vô cùng nặng nề: nào là phải lo bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo toàn lãnh thổ cha ông để lại nào phải nuôi sống gần 80 triệu dân nghèo nhất thế giới. Biết vậy, nên những người quốc gia yêu quê hương chân chính hằng tha thiết với tương lai dân tộc vẫn tìm đủ cách xây dựng đất nước, nhưng tin những gì Nhà Nước nói thì phải xét lại. Trong cuốn "Theo Bước Chân Đổi Mới," nhà báo Hữu Thọ, nguyên Tổng Biên Tập báo Nhân Dân, nguyên Trưởng Ban Tư Tưởng-Văn Hóa Trung Ương kiêm Trợ Lý Tổng Bí Thư đưa ra chân lý của chế độ CSVN: "Nhà Nước thật sự là của dân, do dân và vì dân. Nhà nước quản lý xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng là bản chất của Nhà Nước pháp quyền Việt Nam ta." Một câu nghe mãi thành nhàm, viết ở trang 194 cho chúng ta biết gì" "Đảng cử, dân bầu" thì Nhà Nước có thật sự là của dân và do dân không" Đảng kiểm soát mọi sự quản lý xã hội của Nhà Nước thì Nhà Nước được Đảng chọn lựa để thi hành mệnh lệnh, chỉ thị của Đảng; nên chi, người dân trong nước phải hiểu rằng mọi quyền sinh sát đều nằm trong tay Đảng mà Nhà Nước chỉ là bù nhìn mà thôi. Lý do thật dễ hiểu: mọi sự đúng hay sai, hợp lý hay không người dân chỉ trông cậy vào sự sáng suốt và tài lãnh đạo của Đảng và có lẽ, hi vọng có thành viên nào của Nhà Nước đủ can đảm, dám nói thẳng, nói thật những gì họ nghĩ là có lợi cho dân cho nước. So sánh với thực tế, chúng ta thấy ngay rằng: "sự lãnh đạo của Đảng hình như thiếu sáng suốt, hợp thời vì chỉ lo bảo vệ quyền lợi của Đảng, của tập đoàn lãnh đạo mà không vì quyền lợi quốc gia và hạnh phúc của dân chúng." Khơi lại chuyện quá khứ chỉ thêm buồn lòng, "nhân tri sơ, tính bản thiện" nên bao nhiêu người miền Nam ngã ngựa dù muốn hay không cũng cố nguôi ngoai, quên dần và rồi "forgive và forget" hầu xóa bỏ hận thù, thành kiến, bất đồng để cùng Nhà Nước thực thi tình đoàn kết dân tộc vì nghĩ rằng: "dù gì cũng là anh em, kẻ thù thật sự chính là phương Bắc đang lăm le "nuốt chửng" vùng đất còn lại của ta nếu anh em trong nhà vẫn còn hục hặc nhau mãi." Thế nhưng, Nhà Nước không nghĩ như toàn dân nghĩ, không cảm được những gì người dân cảm nên thay vì hiểu lòng dân mà "thương dân" để cùng nhau đoàn kết xây dựng đất nước, bảo vệ quê hương thì Nhà Nước lại dùng chính sách ngu dân để trị, dùng chính sách thắt chặt bao tử dân để sai khiến. "Lúc đói đầu gối người dân phải bò" nói gì đến chống đối đòi tự do dân chủ, đòi quyền làm người" Dư luận chưa kịp mở miệng đã bị công an bịt kín miệng bằng băng masking tape cứng ngắc rồi, vài người can trường, vùng vẫy thoát được vừa cất tiếng nói lên vài lời phải quấy trong tinh thần xây dựng vì lòng yêu nước thương nòi thì Nhà Nước đã dán lên trán bản án "gián điệp, có hành động phá hoại nền an ninh quốc gia," và tống ngay người dân vô tội vào nhà tù, giam lỏng, tù đầy chẳng cần nghe một lời phân bày phải, trái. Ai mà không cảm thấy thương tâm khi linh mục Nguyễn Văn Lý vì chỉ muốn tự do tín ngưỡng mà phải chịu 12 năm tù, 3 năm quản chế. Hòa Thượng Quảng Độ chỉ vì tổ chức cứu giúp dân bị lũ lụt và kêu gọi dân chủ mà bị mấy mươi năm quản chế, cho đến những người trẻ tuổi yêu quê hương, nặng lòng với tương lai đất nước chỉ mong góp sức kiến thiết xứ sở làm cho đất nước tươi sáng hơn mà cũng bị hành hạ đọa đầy. Anh Lê Chí Quang bị 4 năm tù thêm 3 năm quản chế trong cơn bệnh ngặt nghèo vì viết bài cảnh giác Nhà Nước về tham vọng của Trung Quốc, anh Phạm Hồng Sơn bị tù vì dịch bài học sơ đẳng "Thế Nào Là Dân Chủ"" rồi anh Nguyễn Khắc Toàn tù tội vì lòng nhân giúp người cô thế viết đơn khiếu nại với Nhà Nước và 3 cháu của cha Lý, ông Trần Khuê, Phạm Quế Dương "làm gián điệp phương hại đến nền an ninh quốc gia" như Nhà Nước kết tội. Thật buồn lòng khi Bản Tuyên Ngôn kết án thực dân Pháp ràng buộc dư luận mà chính Nhà Nước ngày nay độc quyền tự do tư tưởng còn vô lý áp bức dân lành vô tội gấp bội. Kết án thực dân Pháp làm cho nòi giống ta suy nhược mà bây giờ chính Nhà Nước lại toa rập, làm ăn mờ ám với kẻ phạm pháp, băng đảng xã hội đen để chia chác mặc cho chúng đầu độc thanh niên bằng ma túy, bạch phiến nguy hại gấp nhiều lần thuốc phiện. Nhà Nước mặc cho chúng tổ chức làm ăn bất hợp pháp, làm băng hoại nền luân lý kỷ cương nền nếp tốt đẹp của dân tộc từ bao đời bằng những động đĩ điếm công khai hay trá hình, mặc cho bọn ma cô, ma cạo tổ chức bán thanh thiếu nữ cho ngoại kiều "vùi hoa dập liễu" hay làm kiếp tôi đòi một đời.

Chúng ta hãy đọc một đoạn khác trong Tuyên Ngôn Độc Lập:
"Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn."

Thực dân Pháp đã không còn hiện diện trên đất nước ta để bóc lột dân ta nữa, Đế Quốc Mỹ đã rút khỏi miền Nam từ lâu sau Việt Nam Hóa Chiến Tranh để "giao trứng cho ác" và Ngụy cuối tháng 4, 1975 cũng cao chạy xa bay theo "bơ thừa sữa cặn" rồi bây giờ nước ta đang dưới sự lãnh đạo của Nhà Nước mà sao nhân dân Việt vẫn không khác gì sống dưới thời bọn thực dân đô hộ: dân ta vẫn nghèo có hạng trong những nước nghèo nhất thế giới, nước ta vẫn lạc hậu, chỉ nhờ vào ngoại viện cầm hơi. Thế là thế nào" Chẳng lẽ dưới sự lãnh đạo anh minh của Đảng, một dân tộc đã từng đánh thắng hai đế quốc lớn là Pháp, Mỹ và 28 năm trôi qua trong thái bình mà Nhà Nước lại không thể phát triển đất nước để nhân dân ta nở mày nở mặt với thiên hạ hay sao" Có lẽ nhiều người sẽ cười khì mà nói: "Bộ anh chưa về tham quan quê hương hay sao mà không biết rằng các nhà lãnh đạo nước ta toàn là tỉ phú không à, có chăng chỉ thua ông Bill Gates mà thôi chứ thua gì ai đâu" Sự thật là vậy thì phải có điều gì không ổn! Tại xứ này, nhiều người hàng ngày làm việc quần quật mà vẫn thiếu trước hụt sau chứ có dư dả gì đâu thế mà sao các nhà lãnh đạo Nhà Nước Việt Nam lại có thể "tay không dựng nổi cơ đồ" nhanh như thế nhỉ" Cả đời người làm ăn lương thiện, kiếm được một triệu đô-la đã là gia tài lớn, cuộc sống đã sung túc rồi thì nắm bạc tỉ trong tay quả là thừa quá, một triệu lần thừa! Tập đoàn lãnh đạo thì quá dư, mà 80 % dân chúng lại quá thiếu, "đầu tắt mặt tối' cả năm chỉ kiếm được khoảng 400 đô-la, họ đã hi sinh quá lâu, quá nhiều suốt gần thế kỷ, xin hãy nhường bớt một ít trong số mấy triệu lần dư thừa ấy để giúp dân nghèo, cải thiện xã hội về mọi mặt như giáo dục, kinh tế, y tế công cộng, v.v để nước ta khỏi phải cầu viện trợ mà phát triển tự túc tự cường. Muốn vậy, chính sách kinh tế thích hợp, hiệu quả phải được thi hành một cách can đảm, dứt khoát, không tiếc rẻ gì "chế độ Cộng Sản" ngu dân, lừa mị dân vì nó đã cho thấy, thay vì Thiên Đường, lại là Địa Ngục trần gian của nghèo đói, thù hằn, giết chóc. Quốc gia nhỏ bé Do Thái, sống giữa vùng đất thù nghịch, đâu cần độc tài, kềm kẹp dân lành, tước đoạt tự do nhân quyền mà người dân vẫn đường hoàng sống mạnh mặc cho cả khối hơn 300 triệu dân Hồi Giáo chỉ mong "ăn tươi nuốt sống" mình. Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn có nguồn liệu dồi dào như Việt Nam đâu mà họ vẫn tiến bộ, đất nước hưng thịnh, người dân ấm no" Lý do thật giản dị: các nhà lãnh đạo biết "yêu nước, thương dân" dựa vào dân, hành động vì quyền lợi tối thượng của quốc gia và một lòng chăm sóc cho đời sống dân lành. Chỉ một câu, đọc qua so sánh với sự thật, chúng ta cũng tìm ra tất cả những gian trá, "tri hành bất nhất," lừa bịp người dân rồi thì làm sao Nhà Nước thuyết phục được những người dân hiểu biết" Hãy thành tâm giúp đỡ, khích lệ người dân làm việc, tăng cao năng suất làm giầu cho đời họ, chẳng bao lâu họ sẽ làm giàu cho quốc gia gấp bội. Hãy thật lòng mở cửa, tạo kế hoạch khuyến khích ngoại quốc đầu tư, phát triển một cách công bình theo luật lệ và tiêu chuẩn quốc tế, kết quả sẽ chẳng thiếu công ty ngoại quốc muốn vào nước ta đầu tư. Hãy trao lại quyền làm chủ mình và chủ đất nước cho người dân và chúng ta sẽ thấy rằng chính quyền xứng đáng do dân bầu sẽ đưa đất nước ta bắt kịp những quốc gia tiên tiến không khó lắm. Chẳng cần chờ đợi lâu, hãy thật lòng tin cậy nhân dân, chứng tỏ bằng hành động cụ thể lòng "yêu nước, thương dân" như trả tự do cho tất cả những người đang bị giam giữ tù đầy, Nhà Nước sẽ có người dân là những bạn tốt, giúp đỡ đắc lực Nhà Nước hiện nay giải quyết nhiều vấn đề khó khăn của quốc gia mà với cương vị Nhà Nước không thích hợp đề cập đến hoặc phản ứng đối với áp lực của ngoại bang. Lúc đó, Nhà Nước sẽ mạnh miệng ăn nói hơn, đối thoại ngang hàng với TQ trong thế tương quan lực lượng vì có khối dân 80 triệu đoàn kết sau lưng chứ không chịu lép vế như hiện giờ: thay vì bảo vệ công dân nước Việt như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Hòa Thượng Quảng Độ, LS Lê Chí Quang, Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, anh Nguyễn Khắc Toàn,... lại hành hạ cầm tù những người dân yêu nước này chỉ vì do áp lực của ngoại bang nhằm bảo vệ quyền lợi riêng.

Dân tộc Việt Nam đã từng trải qua bao thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc ta đã từng bị đặt trước bao thử thách có tính cách quyết định sống còn. Muốn tồn tại, dân ta đã không quản ngại hi sinh máu xương để bảo vệ quê hương, bảo vệ truyền thống nhân bản từ thuở Hùng Vương lập quốc. Quan niệm nhân nghĩa, thủy chung đã biểu hiệu sâu sắc lòng "yêu nước, thương dân" của các nhà lãnh đạo, cũng như biểu hiệu rõ nét tình yêu, nhân sinh và quan-niệm-sống của người dân. Lắm lúc, con người bị đặt trước một quyết định khó xử giữa sống và chết, chúng ta tin rằng, được chết cho lý tưởng cao đẹp, "lưu danh muôn thuở" hay tham danh húy lợi làm điều càn bậy để "lưu xú vạn niên" sẽ là điều không khó chọn lựa đối với những người quốc gia yêu quê hương chân chính. Vì rằng, có ai mang được gì về cõi chết"
"Man mác trăm chiều tâm sự, sống những lo trả nợ cho đời
Phôi pha một mảnh hình hài, thác rồi bỏ làm phân cho đất."
(Nguyễn Đình Chiểu, Văn Tế Sĩ Phu Lục Tỉnh)

Quan niệm thác vinh hơn sống nhục của Trần Bình Trọng, Nguyễn Biểu: "Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc" thì cái chết của tiền nhân thật rạnh danh và tinh thần họ trở thành bất tử. Văn Thiên Tường đã viết nên ý nghĩ sâu sắc đó:
"Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thử đan tâm chiếu hãn thanh."
Đời người sớm muộn ai không chết,
Hãy để lòng son rạng sử xanh.

Thương nước tức là thương dân, cấp lãnh đạo có lòng yêu nước thương dân khi cầm quyền phải xử dụng tài đức của mình để tạo đất nước cảnh thái bình thịnh trị. Đối với văn hóa truyền thống Việt Nam, lòng thương dân của nhà vua phát xuất từ đức thương người mà thương người thì các nhà lãnh đạo phải sống trọn đạo làm người trước đã, phải "xử kỷ, đối nhân" nghĩa là phải "tu thân, tề gia" trước khi "trị quốc, bình thiên hạ."

Dân Việt hi vọng rằng mấy câu thơ của Cụ Trạng Trình để lại không phải là những câu sấm ký của Notradamus Việt Nam mà khả năng "trên thông thiên văn, dưới thông địa lý" biết trước và sau 500 năm ám chỉ hiện tình đất nước ta ngày nay:
Nhà dột bởi đâu" nhà dột nóc,
Nếu nhà dột nóc, thế chon von.

Chấn chỉnh lại tình trạng nhà dột trên nóc dột xuống ấy, những người phụ mẫu chi dân đang cầm quyền chính là những người có bổn phận và trách nhiệm. Tham nhũng từ trên tham nhũng xuống hạ tầng cơ sở thì "thượng bất chánh hạ tắc loạn" kẻ trên làm sao bảo kẻ dưới mà họ tuân phục" Người thanh liêm, vì dân vì nước muốn xoay chuyển tình thế thì sợ "bứt giây động rừng" chỉ mang họa vào thân khi mà tham nhũng đã mọc rễ chằng chịt trong cả guồng máy công quyền từ trên xuống dưới"

Tại sao các nhà lãnh đạo không chịu hiểu nguyện vọng hiền hòa của nhân dân là được sống một cuộc đời tự do, thái bình, an lạc sau cuộc chiến tranh tương tàn, xương thành núi, máu thành sông" Muốn có một xã hội ổn định, nhà nước chỉ cần thật tâm "yêu nước, thương dân," trước lo cho quyền lợi quốc gia, kế đến lo cho đời sống toàn dân thì việc chấn hưng kỷ cương, đạo đức và phát huy truyền thống dân tộc tự nhiên sẽ được giải quyết một cách tốt đẹp. Là người dân yêu quê hương chân chính, chúng ta mong muốn nói với các nhà lãnh đạo đất nước rằng: "ai cũng chết và không ai mang theo được bất cứ thứ gì về cõi chết nên chi, xin hãy hành xử như những người yêu nước thật sự, như những bậc lãnh đạo gương mẫu một lòng hi sinh vì nước vì dân; như người quân tử phải "tam lập" để lưu danh thơm muôn đời." Được như thế, tôi xin được trở về sống đời một nông dân chân lấm tay bùn, chia sẻ thăng trầm với những người dân hiền hòa của tôi để toại nguyện ước mơ được sống và chết trên mảnh đất quê hương tự do yêu dấu.

Phạm Văn Thanh
June 19, 2003
VnhfThanhPham@aol.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.