Hôm nay,  

Ánh Hồng Đã Hiện: Kinh Tế Phục Hồi

07/06/200300:00:00(Xem: 4285)
Ông Bush có thể thắng lớn năm tới nhờ kinh tế nhưng lại bị khốn đốn về đối ngoại. Vì sao lại có nghịch lý này"
Tuần qua, Tổng thống Bush có chuyến công du loại “marathon” sáu ngày ghé sáu nước và thắp lên một tia hy vọng dù còn mong manh tại Trung Đông với “lộ trình” hòa giải Do Thái với Palestine. Ông Bush quả là người chủ động và tích cực giải quyết các vấn đề chiến lược về đối ngọai. Nhưng tuần qua có một biến cố đáng chú ý hơn. Chỉ số Dow Jones đã lần đầu vượt lại 9.000 điểm. Tiêu biểu hơn chỉ số tập trung vào 30 tổ hợp lớn của Dow Jones, chỉ số S&P500 của 500 công ty lớn nhỏ cũng đã vượt 990 điểm. Điều đáng chú ý ở đây mà truyền thông lại ít nói đến là các chỉ số chứng khoán đều bung khỏi các điểm “chặn” (“resistance”) trên đỉnh để vượt lên đỉnh mới. Khi S&P vùng khỏi biên độ 770-970 điểm bị khóa từ gần một năm nay mà truyền thông vẫn nói về số thất nghiệp hay đơn đặt hàng của tam cá nguyệt trước, người ta thấy là có gì đó đáng chú ý.
Năm 2000, khi thị trường chứng khoán Mỹ có chỉ dấu tiên báo về một vụ điều chỉnh sau năm năm tăng giá liên tục, đa số truyền thông vẫn nói về số liệu kinh tế đã qua để tin rằng một vụ sụt giá cổ phiếu là hãn hữu. Ngày 12 tháng Ba năm 2000, vụ điều chỉnh bắt đầu, chứng khoán lần lượt tuột dốc, ba thị trường tiêu biểu là Dow Jones, S&P và nhất là Nasdaq (tiêu biểu của các công ty kỹ thuật cao) đều chậm rãi và liên tục mất giá trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Sáu tháng sau, tức là cuối năm 2000, kinh tế bắt đầu bị suy trầm. Trong cuộc tranh cử, khi hai ông Bush và Cheney báo động là thị trường chứng khoán có thể sụt, họ bị đối thủ đả kích là cố tình gieo hoang mang trong dư luận để bài bác thành tích của chính quyền Dân chủ trước đó. Khi nhậm chức vào đầu năm 2001, ông Bush lãnh ngay nạn suy trầm trước khi gặp thêm vụ khủng bố tháng Chín rồi vụ gian lận của các doanh nghiệp xảy ra từ đã lâu đến lúc đó mới đổ bể.
Chúng ta cần nhắc lại mấy điều trên để nêu một số nhận xét sau đây về tương lai ngắn hạn (trong hai năm trước mắt):
Thứ nhất, thị trường chứng khoán tổng hợp sự tính toán thuần lý lẫn tâm lý của tác nhân kinh tế nên có một giá trị dự báo đáng để ý. Thị trường đó ảnh hưởng tới tính toán nhà của sản xuất lẫn giới tiêu thụ, nên chừng sáu tháng sau một vụ sụt giá chứng khoán là kinh tế bị đình trệ hoặc suy trầm (nghĩa là nặng hơn đình trệ, vì đạt tốc độ tăng trưởng thấp hơn trước trong sáu tháng liền). Vụ sụt giá tháng Ba năm 2000 báo hiệu sự suy trầm khởi từ cuối năm, sau chín năm liền tăng trưởng khả quan.
Thứ nhì, ngược với sự lạc quan của nhiều người vì cuộc cách mạng tín học, kinh tế Mỹ vẫn bị ảnh hưởng bởi các chu kỳ kinh doanh: sau khi tăng trưởng nhanh sẽ có lúc trì trệ để giải trừ gánh nặng thái quá thời tăng trưởng. Cũng ngược với Nhật Bản từ năm 1990 và Âu châu ngày nay, nạn suy trầm Mỹ không trầm trọng dù có thể lâu hơn dự đoán của nhiều người và nhất là không bị rơi vào cảnh “đụng đáy hai lần” như nhiều người báo động (kể cả người viết bài này). Đụng đáy hai lần là bị suy trầm, vừa phục hồi thì lại bị lần thứ nhì, với đường tuyến biểu hiện có cái dạng của chữ W. Nếu so sánh, hoàn cảnh của Nhật hay Đức và Pháp có thể có cái dạng của chữ U: nằm dưới đáy khá lâu.
Thứ ba, chính quyền, Dân chủ hay Cộng hoà, không là tác nhân mà chỉ có thể hỗ trợ đà tăng trưởng, hoặc giới hạn hậu quả xã hội bất lợi của suy trầm và can thiệp bằng biện pháp thuế khóa (hạ thuế hay nâng trợ cấp) để kích thích cho kinh tế chóng phục hồi. Biện pháp kích thích khác là tiền tệ (hạ lãi suất) lại thuộc lại phạm vi ngân hàng trung ương, là một định chế độc lập. Vì vậy, nói là công hay tội của các chính quyền trong tăng trưởng hay suy trầm là chưa đúng hẳn. Nhưng nếu can thiệp không khéo thì chính quyền có thể đưa ra liều thuốc đổ bệnh, khiến suy trầm biến thành suy thoái, có khi khủng hoảng rồi tổng khủng hoảng, như vụ tổng khủng hoảng 1929-1933, một thành tích Cộng hòa được đảng Dân chủ kéo dài bằng chế độ trợ cấp.

Thứ tư, có khi vì hậu ý chính trị, đa số truyền thông cứ nhìn vào thống kê của quá khứ để dự báo trong khi thị trường lặng lẽ chuyển động căn cứ trên những tính toán cho tương lai. Vì vậy mà nhiều dự báo vào thời chuyển biến đều có thể trật. Chúng ta đang ở vào điểm chuyển biến, với việc thị trường chứng khoán bắt đầu vùng khỏi thời u ám kéo dài hơn ba năm qua. Trong lần chuyển biến trước, khi kinh tế suy trầm thì truyền thông vẫn nói đến phép lạ của nền “Kinh tế mới” do cuộc cách mạng tín học đem lại, khiến tâm lý lạc quan làm nhiều người sạt nghiệp vì cổ phiếu mất giá. Lần chuyển biến này, truyền thông vẫn nói đến thống kê u ám của tháng Ba về trước, khi doanh giới và công chúng chưa rõ vụ Iraq sẽ ra sao, có chiến tranh hay không, chiến tranh kéo dài lâu hay mau, dầu thô tăng giá đến đâu, v.v...
Thứ năm, về căn bản, kinh tế Mỹ có nền tảng lành mạnh hơn các nền kinh tế Âu-Nhật cho nên sau một chu kỳ trũng thì vẫn có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, đà tăng trưởng dù cao gấp đôi hai gấp ba Nhật Bản hoặc Âu châu vẫn khó lên tới tỷ lệ 5% như đã từng thấy trong các năm 1995-2000. Trong trung hạn, từ hai đến bảy năm, hiện tượng thất quân bình vì tiết kiệm ít và nhập cảng nhiều vẫn dẫn tới một vụ điều chỉnh khác, nằm ngoài chân trời tranh cử 2004. Trước mắt thì việc Hội đồng Dự trữ Liên bang (ngân hàng trung ương, hay được gọi tắt là “Fed”) hạ lãi suất và có thể còn hạ nữa trong kỳ họp tới, cùng với việc chính quyền Bush hạ thuế vẫn có tác dụng kích thích kinh tế. Ngoài ra, phải nói đến một biện pháp khác của ngân hàng trung ương là nới lỏng điều kiện vay mượn cho các doanh nghiệp (nâng cao tỷ lệ cho vay căn cứ trên một nguồn thế chấp thứ hai) có thể sẽ được ban hành nay mai với kết quả là các doanh nghiệp sẽ vay được nhiều hơn với lãi suất thấp hơn. Tức là ngân hàng trung ương sẽ còn bơm thêm tiền vào bộ máy kinh tế.
Tổng kết lại, đồng đô la sụt giá đang đẩy mạnh xuất cảng, lãi suất hạ đang thổi bùng thị trường địa ốc và sản xuất, việc giảm thuế đang khuyến khích đầu tư và tiêu thụ, và việc ngân hàng trung ương bơm thêm tiền vào kinh tế... ngần ấy biện pháp sẽ có tác dụng được thị trường chứng khóan dự báo: cuối năm nay, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi. Thông thường, khi cử tri Mỹ bỏ phiếu họ nghĩ tới quyền lợi thiết thực trước mắt, nên quan tâm đến kinh tế hơn đối ngoại. Vì vậy, ông Bush cha mới thất cử năm 1992 dù đạt chiến thắng trong vụ Iraq, và ông Clinton mới thắng vì hứa hẹn ưu tiên giải quyết hồ sơ kinh tế, khi kinh tế đã hết suy trầm mà dư luận lúc đó chưa biết: họ được truyền thông loan báo thống kê của quá khứ!
Nhược điểm cố hữu của đảng Cộng hòa và nhất là ông Bush là được dân tin cậy về đối ngoại nhưng đánh giá thấp về kinh tế. Với nền kinh tế có thể phục hồi vào cuối năm và tăng trưởng mạnh vào đầu năm, trong khi đảng Dân chủ vẫn phân hóa và chưa tìm ra một chương trình hành động mạch lạc, ông Bush có hy vọng thắng lớn vào năm tới. Nhưng, ngược với cái nghiệp của thân phụ, nhược điểm chính của ông Bush trong năm tới lại có thể là đối ngoại. Nếu tình hình suy đồi tại Iraq và A Phú Hãn vì chiến tranh du kích kéo dài, nếu hy vọng hòa giải Do Thái tan biến vì sự cực đoan của cả hai phe, và nội bộ ban tham mưu đối ngoại lại tranh cãi gay gắt mà ông không dung hòa và chỉ đạo nổi, ông Bush có thể sẽ bị điêu đứng to....
Đảng Dân chủ có thể chờ ông ở khúc quanh đó, nếu biết kịp thời đứng dậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.