Hôm nay,  

Cuộc Đấu Tranh Cho Tự Do Vn Không Dừng Ở Cờ Vàng

01/08/200300:00:00(Xem: 27973)
LGT: Tác giả là một người hoạt động nhân quyền tại Hoa Kỳ, hiện là Tổng Thư Ký Ủy Ban Đòi Nhân Quyền Cho Việt Nam và nguyên là Tổng Thư Ký Ban Phối Hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, có chủ trương phân biệt hoạt động nhân quyền với hoạt động chính trị. Tác giả quan niệm rằng "Tự do và nhân quyền là cứu cánh của hoạt động nhân quyền. Người hoạt động nhân quyền nào mà coi nhân quyền là phương tiện hay vũ khí lợi hại để chống cộng thì người đó hoạt động chính trị. Hoạt động nhân quyền theo lương tâm thôi thúc phụng sự các giá trị và lý tưởng cao quí được đề ra trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị nên không khoan nhượng những bất công”. Bài này viết với tư cách cá nhân nhằm góp phần giải thích các bạn trẻ người Việt, các bạn hoạt động cho tự do và nhân quyền Việt Nam, và đặc biệt là các bạn hoạt động nhân quyền ngoại quốc. Trong tương lai, khi thuận tiện tác giả sẽ trình bày về một số đề tài quan trọng như tác dụng vào trong nước của phong trào biểu dương Cờ Vàng ở hải ngoại, vai trò của những người cộng sản phản tỉnh trong công cuộc đấu tranh tự do dân chủ Việt Nam, tự do Việt Nam cũng là quyền lợi Hoa Kỳ, và giới kinh doanh quốc tế cần hỗ trợ tự do dân chủ Việt Nam.
*
Ngày 19/2/2003 thành phố Westminster nơi có khu Little Saigon ra Nghị Quyết 3750 công nhận Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, thường gọi Cờ Vàng hay Cờ Tự Do, là cờ của Người Việt sinh hoạt trong thành phố (1). Đến nay, đã có nhiều thành phố và tiểu bang từ California, đến Texas, Louisana, Virginia, v.v. liên tiếp ra nghị quyết công nhận lá cờ Vàng là cờ của Người Việt Hải Ngoại hay Cờ Tự Do, một biểu tượng tự do của Người Việt Hải Ngoại (2). Tuy báo chí Hoa Kỳ không chú ý đúng mức nhưng việc công nhận Cờ Vàng này cũng đã gây ra dư luận sôi nổi khắp nơi. Trong khi cộng đồng người Việt phấn khởi với lá cờ, chính quyền Hà Nội lại kịch liệt phản đối và đã làm áp lực với chính phủ Hoa Kỳ và các chính quyền địa phương chống lại việc vinh danh Cờ Vàng.
Từng là người bị CSVN đàn áp vô cớ tại Việt Nam hoặc là thuyền nhân liều chết vượt biển tìm tự do, chúng ta thấy vô cùng xúc động trước những tin dồn dập về lá cờ mà mình trân quí được công nhận như một biểu tượng của tự do! Trong khi vui hưởng các quyền sống thiêng liêng (như ngôn luận, lập hội, bầu cử, và nhất là tự do chọn lựa và chào kính lá cờ) tôi thấy đau lòng khi nghĩ đến Việt Nam hiện nay, dân ta đã bị cộng sản độc tài tước đoạt những quyền sống căn bản này. Vì bị bưng bít và mất tự do lâu quá nên có nhiều người không hề biết mình có những quyền sống như vậy, và có người thậm chí còn cho rằng miếng cơm manh áo, dù là cơm độn áo rách, cũng là nhờ ơn "Bác và Đảng". Tuy nhiên, hễ có áp bức là có đấu tranh! Dù là dưới chế độ độc tài đảng trị cộng sản luôn bị đàn áp thẳng tay, lúc nào Việt Nam cũng có người can đảm đứng lên đòi quyền sống, nói lên nguyện vọng tự do cho dân như BS Nguyễn Đan Quế, GS Nguyễn Đình Huy, HT Thích Quảng Độ, LM Nguyễn Văn Lý, ĐT Phạm Quế Dương, BS Phạm Hồng Sơn, và ký giả Nguyễn Vũ Bình. Một đất nước có trên 4 ngàn năm văn hiến với trên 80 triệu dân mà không có được một tờ báo độc lập, không một đảng chính trị nào ngoài Đảng CSVN, không một đoàn thể nào không bị Đảng chi phối, và các dân biểu đều do Đảng chỉ định. Niềm vui của chúng ta sao trọn khi quê hương và đồng bào trong nước còn chịu cảnh lầm than" Làm sao chúng ta không mong cho dân mình sớm được hưởng cái vui nhìn thấy lá cờ biểu tượng tự do, do dân chọn lựa, được tung bay trên toàn đất nước Việt Nam tự do" Làm sao dân mình sớm có tự do dân chủ thật sự" Càng nghĩ càng thấy lòng bi phẫn.
Trước khi có những nhận định về những tác dụng do việc vinh danh Cờ Vàng gây ra và nêu lên những việc cần làm, có lẽ chúng ta nên tìm hiểu sơ lược về lịch sử và ý nghĩa của hai lá cờ mang hai sắc thái chính trị hoàn toàn khác biệt trong lịch sử cận đại Việt Nam.
Sau năm 1948, khi tuyên bố độc lập trong Liên Hiệp Pháp (French Union) Việt Nam đã chọn lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ làm quốc kỳ cho cả nước. Cờ có nền vàng tượng trưng cho dân tộc và đất nước Việt Nam ở Á Châu và 3 sọc đỏ song song tượng trưng cho dân chúng ba miền Nam, Trung và Bắc thuộc nhiều thành phần chung sống hòa thuận trên đất nước ở phương Nam. Cũng cần nói thêm, Cờ Vàng này là hậu thân của lá Cờ Vàng Quẻ Ly Đỏ do vua Bảo Ðại và chính phủ Trần Trọng Kim chọn vào tháng 4 năm 1945, khi quân đội Nhật tước vũ khí quân Pháp và trao lại chủ quyền cho Việt Nam. Trong sử sách Việt Nam cũng có ghi là giữa thế kỷ thứ 3 có Bà Triệu, một nữ anh hùng của Việt Nam từng phất Cờ Vàng chống ngoại xâm (4).
Đến năm 1956, lá cờ này đã được Quốc Hội Lập Hiến tại thủ đô Sài Gòn tái khẳng định là quốc kỳ (3). Như vậy, Cờ Vàng đã chính thức đuợc chấp nhận qua các thủ tục dân chủ cần thiết, có tính chính thống, thể hiện nguyện vọng sống thuận hòa, yêu chuộng tự do của đa số dân chúng Việt Nam. Vì vậy, dù hiện nay bị cấm ở Việt Nam đa số dân chúng vẫn trân trọng Cờ Vàng. Khi có dịp thoát ra ngoài để sống tự do thì người Việt đều nhiệt tình chào mừng và bảo vệ Cờ Vàng yêu quí của mình.
Ngược với Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là Cờ Đỏ Sao Vàng, còn gọi là Cờ Đỏ hay Cờ Máu, là lá cờ mà Việt Minh dùng khi ở mật khu Việt Bắc, được Hồ Chí Minh trưng lên vào ngày 2/9/1945 nhưng chưa hề được dân chúng đích thân chọn lựa qua các thủ tục dân chủ. Từ đó, lá Cờ Đỏ chỉ được CSVN dùng tại những vùng do họ kiểm soát và mãi đến sau năm 1975 mới được áp đặt lên cả nước. Hiện nay cờ này được công nhận trên phương diện ngoại giao là cờ của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nhưng chính trong tâm khảm của đại đa số dân Việt khắp nơi trên thế giới thì nó bị khiếp sợ và khinh bỉ tương tự như cờ đầu lâu của hải tặc hay cờ của Đức Quốc Xã. Hơn nữa, cùng với Cờ Đỏ Búa Liềm của Đảng CSVN, Cờ Đỏ Sao Vàng đến đâu là gieo rắc thảm cảnh và tù ngục lên dân chúng đến đó. Các cựu đảng viên CSVN từ lâu bị bưng bít và tuyên truyền, nhưng sau khi biết được sự thật đã tỏ ra chua xót và chán ghét lá Cờ Đỏ này. Hiện nay ở Hoa Kỳ chỉ có vài nơi như Trụ Sở Liên Hiệp Quốc (NY), Toà Đại Sứ CSVN (DC) hay Tòa Lãnh Sự CSVN (SF) là có treo lá Cờ Máu, còn hầu hết các nơi khác thì người Việt chỉ dùng Cờ Hoa Kỳ và Cờ Vàng mà thôi.
Nhưng tại sao đến nay mới có một hiện tượng ngoạn mục về Cờ Vàng như vậy" Có nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ lý do chính là vì người Việt hải ngoại thấy đã đến lúc phải gióng lên tiếng nói cho thế giới biết về nguyện vọng tự do của mình và của đồng bào trong nước. Người Việt Hải Ngoại muốn thách thức Hà Nội để cho dân chúng hành xử các quyền tự do căn bản của mình, kể cả quyền chính trị trong đó có việc chọn lựa quốc kỳ, thể chế chính trị, và chính quyền đại diện dân qua các thủ tục dân chủ tự do thật minh bạch có quốc tế giám sát. Có như vậy thì chính quyền được dân chọn mới là chính quyền chính thống của dân vì dân và quốc kỳ mới là cờ tự do. Ngược lại, tất cả các xảo thuật tuyên truyền về cởi mở và đổi mới cũng như sự thật về độc tài và thối nát sẽ được phơi bày trước công luận.
Thực vậy, khi thấy chính phủ Hoa Kỳ vì nhu cầu ngoại giao và thương mại đã từ từ làm ngơ tình trạng vi phạm nhân quyền và những tội lỗi quá khứ của Hà Nội để tái lập bang giao, bỏ cấm vận, ký thương ước, và gia tăng viện trợ Việt Nam như thể là Hoa Kỳ tưởng thưởng kẻ gian tà, thì cộng đồng người Việt lấy làm xót xa cay đắng! (5) Cộng đồng người Việt thấy cần phải tích cực hơn nữa trong việc khích lệ quần chúng tại Việt Nam nên một mặt nỗ lực vận động các chính quyền địa phương tại các tiểu bang như Lousiana, California, Texas, và Virgina ở Hoa Kỳ chính thức công nhận lá Cờ Vàng là cờ biểu tượng lý tưởng tự do của người Việt, mặt khác vận động thành công Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam (6). Thấy vậy nên chính phủ Hà Nội đã ra sức chống lại phong trào vinh danh Cờ Vàng và Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam; nhưng với lòng quyết tâm với sự hỗ trợ của bạn hữu khắp nơi, qua các thủ tục dân chủ hiến định của cộng đồng người Việt đã thành công trong viêc chọn lựa biểu tượng tự do của mình. Đến nay việc vận động chưa kết thúc nhưng chúng ta cũng đã thực hiện thành công hai việc nêu trên, thực hành theo các quyền tự do được qui định trong Hiến Pháp Hoa Kỳ, bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị.
Việc vận động cho Cờ Vàng và cho tự do dân chủ Việt Nam là việc có chính nghĩa; tuy nhiên, muốn hoạt động hữu hiệu trong đấu tranh chúng ta cần biết các điểm tích cực để phát huy và tiêu cực để tránh. Trước đây khi phản đối Trần Trường treo Cờ Máu tại Little Sài Gòn chúng ta chỉ nhấn mạnh là biểu tình chống Cờ Máu vì đó biểu tượng của chế độ độc tài CSVN, và dù không đồng ý nhưng chúng ta không chống cái quyền tự do ngôn luận của Trần Trường đã được Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ. Nay ta biểu dương Cờ Vàng vì đó là lá cờ do dân ta chọn một cách tự do chứ không do ai áp đặt. Để tránh các chống đối và khó khăn do thủ tục ngoại giao gây ra vô ích, trong lúc này chúng ta cần tránh xác định rằng đây là cờ của Việt Nam Cộng Hòa, hay là cờ chống cộng. Người Mỹ và chính quyền các thành phố có thể binh vực dân ta đòi nhân quyền và tự do nhưng họ không muốn dính vô các vấn đề chính trị hay đấu tranh giữa các thế lực của nước khác.
Như vậy với chủ trương cổ súy tự do và nhân quyền, một mặt chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh việc vinh danh Cờ Vàng làm biểu tượng tự do vì đã được quyết định qua những tiến trình dân chủ; mặt khác lên án các biện pháp độc đoán, ngược với ý nguyện tự do, của một đảng phái hay của một nhóm người nhằm áp đặt lá cờ và khuynh hướng chính trị của nhóm mình lên người khác, dù ở hải ngoại hay ở Việt Nam. Nói rõ hơn, người Việt từng ở Miền Bắc sau trước 1975 - hay từng theo CS mà nay đã tỉnh ngộ và chống lại - tuy có ra hải ngoại tìm tự do nhưng chưa quen với Cờ Vàng thì chúng ta không nên ép họ để bị xem là ngôn hành bất nhất. Với lòng bao dung và kiên nhẫn, chúng ta chắc chắn sẽ thuyết phục được họ. Có lẽ sẽ có người vì quá nhiệt tình với Cờ Vàng mà phản đối; tuy nhiên chúng ta phải học cách tôn trọng các quyền căn bản của người khác ở đây. Kết quả sẽ là tín hiệu mạnh mẽ có thể làm cho hàng ngũ của những người yêu chuộng tự do ngày càng đông và mạnh, sớm thành công.

Phải đòi hỏi và công khai thách đố Hà Nội tôn trọng các quyền tự do căn bản của dân, nhất là quyền chọn một lá quốc kỳ cũng như chọn thể chế chính trị, giống như các quyền mà chúng ta đang hưởng tại Hoa Kỳ. Cần phải nói ra trước công luận thế giới rằng chính quyền Hà Nội đã được đảng CSVN dựng lên bằng bạo lực, không do dân bầu, liên tục xé các hiệp định quốc tế, và chà đạp có hệ thống các nhân quyền thì nó không thể cho dân có tự do, hạnh phúc và giàu mạnh như nó thường rêu rao. Ngoài ra, CSVN phải chấm dứt các can thiệp vào sinh hoạt nội bộ địa phương, tôn trọng các quyền chính trị và dân sự của dân chúng Hoa Kỳ.
Chính phủ Hoa Kỳ là chính phủ của dân, lập nên theo các lý tưởng tự do dân chủ truyền thống nên phải có nhiệm vụ bảo vệ quyền tự do hiến định của dân chúng, trong đó có cộng đồng người Việt tại các địa phương. Hơn nữa, Hoa Kỳ trước đây vì nghĩa vụ tự do đã cùng các nước đồng minh đến giúp bảo vệ Việt Nam như là một tiền đồn của thế giới tự do trước hiểm họa độc tài cộng sản. Sau nhiều năm chiến tranh với 58 ngàn quân dân hy sinh, Hoa Kỳ đã bỏ dở nghĩa vụ này khiến cho toàn cõi Việt Nam bị CS chiếm. Như vậy, Hoa Kỳ vẫn còn món nợ hay nghĩa vụ tinh thần cho một Việt Nam tự do đối với dân chúng Việt Nam và trước hương linh tử sĩ đã hy sinh. Như thế ít nhất Hành Pháp Hoa Kỳ nếu chưa ủng hộ được thêm thì cũng không nên can thiệp gây cản trở công cuộc biểu dương Cờ Tự Do của những người Việt Nam, những người sống sót qua cuộc chiến bảo vệ tự do, tù đày và cuộc vượt thoát tìm tự do.
Chúng ta cũng nên giải thích cho công luận Hoa Kỳ biết để tranh thủ thêm cảm tình và ủng hộ. Vấn đề lá cờ không những rất tế nhị giữa người Việt mà còn đối với người Mỹ địa phương. Khi thấy người Việt quá nhiệt thành với Cờ Vàng người bản xứ có thể cảm nhận sai vội có ác cảm vì cho là người Việt ở Mỹ không yêu quí Hoa Kỳ bằng Việt Nam, còn giữ hận thù chiến tranh, và quá khích muốn áp đặt lá cờ và khuynh hướng chính trị lên người khác.
Thực ra, về tình cảm thì Hoa Kỳ như là Mẹ Nuôi còn Việt Nam là Mẹ Đẻ; nên người Việt vừa thương Việt Nam vừa quí Hoa Kỳ là bình thường. Còn hận thù sẽ hết khi kẻ gây ra là CSVN thực sự hối cải, chấm dứt bất công và tôn trọng tự do; lúc đó vết thương sẽ lành và bình yên tâm hồn sẽ đến. Sau hết, cộng đồng người Việt quá nhỏ thì làm sao áp đặt chính kiến lên các cộng đồng khác. Còn giữa người Việt với nhau, vụ mấy chục ngàn người biểu tình chống Trần Trường treo cờ Máu chỉ là xử dụng quyền phản đối trong ôn hòa mà thôi. Qua bao nhiêu ngày đêm biểu tình sôi sục mà họ Trần không bị hề hấn gì thì không thể nào gọi là áp đặt được! Chúng ta vừa dùng các lập luận nêu trên cho bạn ngoại quốc vừa cố gắng tự chế để khỏi bị xem là thích bạo động và độc đoán. Khi thấy có các phần tử quá khích, có thể bị CSVN giật dây làm cái việc "con sâu làm rầu nồi canh", thì phải nhờ pháp luật giải quyết.
Cứu cánh đấu tranh của dân ta không dừng lại ở lá Cờ Vàng. Khi xem lá cờ là biểu tượng của tự do thì cũng hiểu là tự do của bản thân ta và của đồng bào đất nước Việt Nam thân yêu của mình. Cộng đồng ta qui tụ những người lưu vong thì tự do ta có cũng chỉ là tự do chưa trọn vì cả nước ta vẫn còn chịu dưới ách độc tài. Vì vậy, trước công cuộc đấu tranh cho tự do Việt Nam, việc cắm cờ là một phản ứng của công cuộc đấu tranh, có tính cách biểu tượng về tình cảm. Chúng ta phải sáng suốt hướng về phía trước để tránh bị mất "focus", không nhận rõ đâu là diện và đâu là điểm đấu tranh.
Người Việt ta ta đều biết CSVN tàn bạo, chà đạp nhân quyền và tuyên truyền xảo trá, nhưng công luận thế giới có biết đúng mức như thế chăng" Nếu không thì tại sao"
Nhìn ra thấy ở Miến Điện cũng có được Phong Trào Dân Tộc Vì Dân Chủ chống chính quyền, có bầu cử tự do hơn 10 năm trước và có biểu tình của lực lượng đối lập; nay lãnh tụ đối lập bị bắt thì cả khối Hiệp Hội Đông Nam Á, Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ đều đồng lòng lên án và có biện pháp chế tài thích đáng. Ở Cu Ba đã có Varela Project với cả chục ngàn chữ ký của dân tại đảo quốc này công khai đòi trưng cầu dân ý thiết lập dân chủ và hủy bỏ độc tài; và mới đây khi Fidel Castro đàn áp các nhà hoạt động dân chủ thì cả Âu và Mỹ đều quyết liệt chống lại. Ở Cam Bốt có báo chí độc lập, đảng phái đối lập và bầu cử đa đảng mà chính quyền Hun Sen phải tôn trọng. Tại sao cả thế giới cùng lên án chế độ quân phiệt Miến Điện, độc tài Cu Ba, và Bắc Hàn mà không có phản ứng đáng kể trước các vi phạm nhân quyền của Hà Nội" Thế giới không lên tiếng cho ta đúng mức có lẽ do chúng ta hoạt động chưa hữu hiệu"
Lâu nay chúng ta thường chú trọng các hoạt động có bề nổi như chống Cờ Máu, chống văn công Hà Nội lưu diễn, kiện Đại Học Boston bất công, phản đối Thầy Nhất Hạnh tuyên bố sai, kỷ niệm Ngày Quân Lực hay Quốc Hận 30/4 hàng năm, v.v. còn các hoạt động tuy ít nổi nhưng có tầm quan trọng chiến lược như bênh vực nhân quyền Việt Nam, vận động các dự luật hay nghị quyết nhân quyền, hay gầy dựng và nuôi dưỡng lực lượng dân chủ trong nước thì gần như khoán trắng cho các tổ chức nhân quyền quốc tế và cho một ít người Việt hoạt động nhân quyền. Thản hoặc có tổ chức hay cá nhân người Việt hải ngoại móc nối, hỗ trợ, bênh vực các thành phần dân chủ, đòi bỏ Điều 4 Hiến Pháp, đòi ra báo lập hội hay ứng cử bầu cử tự do trong nước mà có vài sáng kiến đấu tranh thì cũng bị các thành phần cực đoan vu khống hay đe dọa. Chúng ta cần phải bình tĩnh và sáng suốt cùng nhau tìm phương sách hữu hiệu để vừa tranh thủ thế giới ủng hộ vừa giúp đẩy mạnh phong trào đấu tranh trong nước.
Cứu cánh ghi khắc trong tâm khảm của dân ta là tự do, dân chủ và nhân quyền. Như vậy, đấu tranh cho các giá trị này không được dừng lại ở chỗ treo được nhiều Cờ Tự Do, biểu tình chống các phái đoàn cộng sản, hay tố cáo kẻ khác là những người làm gián điệp cho cộng sản. Phải biến tình cảm yêu đất nước đồng bào, khao khát tự do và lòng căm hận bạo quyền thành ý chí và hành động có tính cách chiến lược, biết đâu là điểm đâu là diện, để đấu tranh đạt được mục đích tối hậu, tránh được thất bại phũ phàng như đã từng vấp phải trong quá khứ, khi liên tiếp đạt được những thắng lợi nhỏ nhưng lại thất bại hoàn toàn ở trận sau cùng năm 1975.
Năm 1999, từng có mấy chục ngàn người Việt ở Nam California biểu tình liên tục chống Trần Trường treo Cờ Máu và hình Hồ. Nhưng liệu có mấy ai chịu nghiền ngẫm sách lược hữu hiệu cho Việt Nam sớm tự do" Và trong số này, có mấy người thực hiện sách lược đã được nghiền ngẫm ấy" Bài học Đông Âu và Nga hơn 10 năm trước, mũi nhọn đấu tranh phải là người từng sống và phục vụ chế độ trở thành phản tỉnh. Họ đã đi tiên phong đấu tranh như Gorbachev và Yeltsin ở Nga (8/91) hoặc là chịu nhượng bộ lực lượng dân chủ như Jaruzelski ở Ba Lan (6/89), Karel Urbanek và Gustav Husak ở Tiệp Khắc (12/89), Károly Grósz và Miklós Németh ở Hung Gia Lợi (5/90). Nơi nào còn cưỡng lại ý dân thì bị tiêu diệt như Ceausescu tại Lỗ Mã Ni (12/89). Như vậy, chúng ta cần hỗ trợ cho những ai có chủ trương tự do dân chủ, tìm cách chia rẽ nội bộ bọn cầm quyền, lôi kéo những người phản tỉnh về với chính nghĩa, và gầy dựng phong trào dân chủ tự do trong nước. Nói cách khác, chúng ta phải ở thế tiến công mở rộng lằn ranh tự do dân chủ tại Việt Nam, cô lập bọn lãnh đạo, và thực hiện diễn tiến hòa bình đến toàn thắng.
Trong đấu tranh có khi phải liên minh với nhiều thành phần dân tộc tuy có cùng mục tiêu tự do dân chủ nhưng khác biệt về quá khứ và khuynh hướng chính trị. Như vậy chúng ta cần phát huy sự đồng thuận và tôn trọng những khác biệt để tránh cảnh "nghêu cò tranh nhau cho ngư ông thủ lợi" hoặc "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" làm lụn bại công cuộc đấu tranh để bọn độc tài tiếp tục đè đầu cưỡi cỗ dân mình. Một khi có tự do dân chủ, dân chúng sẽ tuần tự giải quyết các vấn đề của đất nước theo căn bản tự do dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Tóm lại, càng nghe tin Cờ Vàng được công nhận là biểu tượng cho tự do của Người Việt tại Mỹ thì lòng ta càng mừng, nhưng mừng chưa trọn khi dân Việt Nam còn sống dưới ách độc tài. Càng nghĩ đến tình cảnh lầm than trên đất nước, ta càng thấy đau đớn và nhục nhã. Ở hải ngoại chúng ta gần như có tất cả; nhưng suy cho cùng thì mới thấy BS Nguyễn Đan Quế rất chí lý khi ông từ chối ra ngoại quốc để được thả tù vì đại ý cho rằng "Bị cưỡng bách lưu vong xa xứ là mất tự do!" (7) Như vậy, chúng ta đừng quên tìm phương cách hữu hiệu và đồng tâm hiệp lực cho tự do dân chủ cho dân mình. Với người yêu nước thật sự, khi quê hương có tự do thì dù có lưu lạc ở góc biển chân trời nào ta cũng thấy có tự do.
California ngày 30 tháng 7 năm 2003
Ngô Văn Hiếu
Phụ Chú:
1. Xem bản Nghị Quyết 3750 ngày 19/2/2003 của thành phố Westminster do Nghị Viên Andy Quách đưa ra.
2. Xem Nghị Quyết số 03-1220 của thành phố San Francisco có nội dung chuyển từ lá Cờ Quốc Gia thành Cờ Tự Do (Vietnamese Heritage and Freedom Flag Resolution) do Hội Đồng Quản Trị (Board of Supersvisors) thông qua ngày 25/7/03 với đa số tuyệt đối.
3. Theo LS Nguyễn Hữu Thống, nguyên Đệ I Phó Chủ Tịch Quốc Hội Lập Hiến, Việt Nam Cộng Hòa (1966-1967).
4. Theo tác phẩm Kiến Văn Lục của Lệ Thần Trần Trọng Kim, nguyên Thủ Tướng Việt Nam năm 1945.
5. CSVN từng nhận viện trợ ào ạt của khối cộng sản và công khai xé Hiệp Định Paris năm 73, dùng võ lực cưỡng chiếm Miền Nam năm 1975.
6. Còn gọi là Viện Trợ Việt Nam thuộc Phần Bổ Túc của Dự Luật Ngoại Viện Hoa Kỳ HR-1950 (Foreign Relations Authorization Act) do Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua ngày 16/7/2003. Phần này gồm các điều khoản chính yếu của Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam (Việt Nam Human Rights Act of 2003, HR 1587), gọi là Viện Trợ Việt Nam.
7. Theo BS Nguyễn Quốc Quân, bào huynh của BS Nguyễn Đan Quế, cho biết lý doBS Quế từ chối điều kiện Hà Nội đưa ra để được thả khỏi nhà tù đại ý là "Bị cưỡng bức sống lưu vong ở hải ngoại là mất tự do".

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.