Hôm nay,  

Tính “không”

21/07/200300:00:00(Xem: 5192)
Trong triết lý đạo Phật có ý niệm cho rằng vạn vật đều có tính “KHÔNG”. Vậy thì tính “không” là tính gì"
Nói đơn giản, ta có thể trả lời rằng tính “không” chính là tính Tương-đối.
Tương đối có nghĩa là khi cần xem xét một sự vật hay sự việc, ta bắt buộc phải dựa vào một sự vật hay sự việc khác để làm chuẩn.
Như vậy, tính “KHÔNG” trong đạo Phật có thể được giải nghĩa là: mọi sự vật hay sự việc đều KHÔNG tự nó có bản chất, mà đều phải dựa vào các sự vật hay sự việc khác để làm tiêu chuẩn.
Ta có thể đưa ra vài ví dụ về tính “không”, tức là tính tương đối của mọi vật qua một số hoàn cảnh chung quanh ta như sau:
Ví dụ 1: Màu đỏ của Hoa Hồng
Khi nhìn thấy một cánh hoa hồng màu đỏ, ta thường cho rằng màu đỏ của hoa hồng là một sự thật vô cùng hiển nhiên, không ai có thể chối cãi.
Thật ra cánh hoa hồng tự nó không có màu sắc. Nó chỉ phản chiếu các tia sáng chạm vào nó mà thôi. Một số các tia phản chiếu đó đập vào võng mạc trong mắt của ta. Sở dĩ con người nhìn thấy màu đỏ, hay các màu vàng, xanh, tím, v.v… là bởi vì võng mạc con người cảm ứng được với những bước sóng ánh sáng dài 380 đến 700 nanô-mét. Những màu sắc nào nằm ngoài bước sóng trên, con người sẽ không nhìn thấy, mặc dù chúng vẫn có đó(như tia cực tím hay tia hồng ngoại chẳng hạn).
Nhiều sinh vật có tế bào thị giác chỉ cảm ứng được với mức độ sáng tối. Thế giới hiện ra trước mắt chúng cũng giống như khi ta xem ti-vi trắng đen. đối với các loài này, hoa hồng chỉ là màu xám.
Có những loài chỉ nhìn đời bằng thị giác dựa trên nhiệt độ(thermal vision) chứ không phải dựa trên ánh sáng. đối với các loài đó, sẽ không có quan niệm gì về màu sắc cả.
Có những loài khác nhìn đời bằng siêu âm, bằng sóng điện từ, hay bằng những bước sóng khác trên quang phổ, v.v… đối với các loài đó, hình ảnh về cánh hoa hồng cũng sẽ hoàn toàn khác xa với cách nhìn của con người.
Như vậy, màu đỏ của hoa hồng chỉ là một sự thật tương đối, dựa trên tiêu chuẩn thị giác của loài người mà thôi. Ta gọi đó là tính “không” của màu sắc.
Ví dụ 2: Tiếng của Sự Yên Lặng
Khi ngồi trong một căn phòng hoàn toàn yên lặng, ta tưởng rằng chung quanh ta không có một âm thanh nào cả.
Tuy nhiên, một con dơi hay một con chó vẫn có thể nghe được những âm thanh với tần số thật cao hay thật thấp mà loài người không thể nghe được.
Trong căn phòng yên lặng đó, vẫn có thể có vô số làn sóng radio đang bủa vây quanh ta. Các máy radio có thể bắt được, nhưng tai ta không bắt được.
Như vậy, sự yên lặng mà chúng ta tưởng là thật đó chỉ là tương đối, dựa trên tiêu chuẩn thính giác của loài người. Trong sự yên lặng “giả” đó vẫn có thể có vô số âm thanh khác nhưng ta không biết chỉ vì hai tai ta không nghe được chúng mà thôi.
Ngược lại, trong một căn phòng đông người trò chuyện, ta sẽ cho là phòng có nhiều tiếng ồn ào. Nhưng nếu một loài nào đó có thính giác chỉ cảm ứng được với sóng âm thanh trên 20 KHz, thì căn phòng đối với chúng là yên lặng.
Đó là tính “không” của âm thanh.
Ví dụ 3: Di động và đứng Yên
Khi ta đứng yên trên mặt đất, ta tưởng rằng ta đang đứng yên, hoàn toàn không di động. Ta đâu biết rằng, ngay chính lúc đó, ta đang di động với một vận tốc nhanh khủng khiếp. Lý do là vì ta đang đứng trên mặt trái đất, và trái đất đang xoay quanh trục với vận tốc 1600 cây số/giờ.
Ở khu vui chơi Disneyland có trò chơi du hành không gian. Khán giả ngồi vào một chiếc phi thuyền, có cảm giác rõ ràng rằng phi thuyền đang cất cánh bay vào không gian. Khi phi thuyền lượn qua lượn lại thật nhanh để né tránh các vẫn thạch, ta thấy lên ruột lên gan, thấy thân mình nghiêng qua nghiêng lại như thật. Nhưng trên thực tế, phi thuyền vẫn đứng yên tại chổ, chỉ lắc lư và dùng hình ảnh qua khung cửa để đánh lừa giác quan của khán giả mà thôi.
Ở bất cứ nơi nào trong vũ trụ này, khi cần xác định sự di động hay đứng yên, ta đều phải dựa vào các vật khác để làm chuẩn, như dựa vào mặt đất, hay vào một điểm đã định trước, v.v… Nếu không có gì để làm chuẩn ta sẽ không thể biết được rằng ta đang di động hay đứng yên.
Như vậy, sự di động hay đứng yên đều chỉ là tương đối. đây là một trong những nguyên lý động học căn bản của môn vật lý mà các học sinh thường được học từ trung học. đó chính là tính “không” của sự di chuyển và đứng yên.
Ví Dụ 4: Thép Cứng
Khi cầm một thỏi thép cứng trên tay, ta thấy rõ ràng rằng thỏi thép đó là một khối cứng rắn, chắc đặc, và “có thật”.
Tuy nhiên, nếu dùng kính hiển-vi cực mạnh nhìn vào thỏi thép đó, ta sẽ thấy thỏi thép ấy là một khoảng không với các nguyên tử lơ lửng trong đó.
Nhìn sâu vào các nguyên tử, ta sẽ thấy chúng cũng là khoảng không, với một hạt nhân ở giữa và các hạt âm điện(electron) bay vòng vòng chung quanh.
Nhìn sâu vào các hạt nhân, ta sẽ thấy chúng cũng là khoảng không, với những hạt còn nhỏ hơn nữa lơ lững trong đó.

Càng đi sâu vào, ta càng thấy cái tưởng đâu là hạt, cũng chỉ là khoảng không. Nhưng khoảng không đó có năng lượng. Chính nguồn năng lượng đó đã làm cho ta có ảo giác về sự cứng chắc của thép.
Nhà bác học Albert Einstein đã dùng phương trình nổi tiếng E = mc2 để diễn tả rằng cái mà ta tưởng là vật chất “có thật” thực ra chỉ là khoảng không có năng lượng.
Như vậy, ý niệm của ta cho rằng thỏi thép cứng rắn, chắc đặc chỉ là tương đối, dựa trên sự so sánh giữa thép với những vật khác trong đời sống của chúng ta như đất, nước, cây cỏ, da thịt, v.v… đó chính là tính “không” của vật chất.
Ví Dụ 5: Thiện và Ác
Quan niệm về điều thiện và điều ác cũng đều chỉ là tương đối. Không có một sự việc gì tự nó là thiện hay tự nó là ác. Khi cần đánh giá một hành động là thiện hay ác, con người luôn phải dựa và một số tiêu chuẩn đã được định sẳn, thường là bởi những truyền thống văn hóa, xã hội. Chẳng hạn như khi hỏi “bố thí” là thiện hay ác, ta thấy rõ ràng rằng thiện hay ác đều tùy thuộc vào hoàn cảnh. Bố thí cho anh ghiền để anh ta lấy tiền mua xì-ke, ma-túy có phải là thiện hay không" Còn bố thí tiền bạc cho anh nhà giàu nức đố đổ vách có phải là thiện hay không" Tương tự, khi nói về tính thiện ác của việc giết chóc cũng vậy: Con cọp giết con nai để ăn thịt là thiện hay ác" Giết một người để cứu ngàn người là thiện hay ác" Một quân nhân dùng phát súng ân huệ bắn chết đồng đội đang hấp hối trong đau đớn cùng cực vì bị cháy phỏng toàn thân, đó là thiện hay ác" Giết người vì tuân lệnh Thượng-đế là thiện hay ác" Giết người trong lúc ta đang mộng du có là ác hay không"
Ngày xưa có thầy Mạnh Tử và Tuân Tử, một người cho rằng “con người sinh ra vốn có bản tính thiện” còn thầy kia cho rằng “con người sinh ra vốn có bản tính ác”. đa số quần chúng xưa nay xem ra thích quan niệm “con người có bản tính thiện” của thầy Mạnh Tử vì nó có tính khích lệ, tích cực, lạc quan.
Thật ra, con người sinh ra chẳng có bản tính gì cả, không thiện mà cũng chẳng ác. Thiện ác đều là do các tiêu chuẩn của xã hội phán xét mà thôi. Mà đã là tiêu chuẩn do xã hội đặt ra thì chưa chắc là lúc nào cũng sẽ giống nhau. Bởi vậy cho nên lịch sử mới có chuyện hai thầy Mạnh Tử và Tuân Tử bất đồng với nhau về bản chất con người.
Đó chính là tính “không” của thiện và ác.
Ví Dụ 6: Sự Thật
Nhân gian thường cho rằng sự thật chỉ có một. Tuy nhiên, sự thật cũng mang tính tương đối, tùy theo góc độ mà người ta nhìn vào vấn đề.
Như trong ví dụ 1 về màu đỏ của hoa hồng, người cho rằng hoa hồng màu đỏ cũng nói đúng sự thật, mà người nói rằng hoa hồng không có màu cũng nói đúng sự thật.
Trong ví dụ 2 về sự yên lặng, người cho rằng căn phòng hoàn toàn yên lặng cũng nói đúng sự thật, mà người nói rằng căn phòng có nhiều âm thanh cũng nói đúng sự thật.
Trong ví dụ 3 về sự di động, người cho rằng mình đang đứng yên cũng nói đúng sự thật, mà người nói rằng mình đang di động thật nhanh cũng nói đúng sự thật.
Trong ví dụ 4 về thỏi thép, người cho rằng thỏi thép chắc đặc cũng nói đúng sự thật, mà người nói rằng thỏi thép chỉ là khoảng không cũng nói đúng sự thật.
Trong một số phiên toà ở Mỹ, khi luật sư lên chất vấn đối phương thường đặt câu hỏi và chỉ cho trả lời “yes” hay là “no” mà thôi. Trong nhiều trường hợp, người bị chất vấn tức đến phát khóc vì câu trả lời đúng nhất phải là “cả yes lẫn no” hay có khi là “chẳng yes mà cũng chẳng no”. Làm sao trả lời luật sư cho đúng “sự thật” bây giờ"
Đó là chưa kể có những sự việc không thể hoàn toàn diển tả bằng ngôn ngữ hay suy nghĩ, chẳng hạn như tình yêu, hạnh phúc, Niết bàn.
Đó chính là tính “không” của sự thật.
Ví Dụ 7: Phật Pháp và Tất Cả các Pháp
Đối với đạo Phật, ngay cả Phật Pháp và tất cả các pháp môn của đạo Phật, hay cả các tôn giáo khác cũng đều chỉ là tương đối.
Vì có khổ nên mới có Phật Pháp. Nếu không có khổ, thì không có Phật Pháp. Phật Pháp chẳng tự nó tồn tại.
Vì chúng sinh có nhiều cá tính, trình độ khác nhau, nên mới có nhiều pháp môn hay tôn giáo khác nhau để đáp ứng với từng chúng sinh. Nếu quần chúng không khác biệt, thì sẽ chẳng có các pháp môn. Nếu không có nhu cầu tâm linh, thì sẽ chẳng có tôn giáo. Các pháp môn và tôn giáo đều không tự nó hiện hữu.
Đó chính là tính “không” của tất cả các pháp.
Kết:
Một số quí vị có thể sẽ đặt vấn đề rằng: “Quan niệm về tính KHÔNG trong đạo Phật quả là sâu sắc và khoa học. Nhưng liệu cái quan niệm đó có giúp ích gì được cho tôi hay cho xã hội hay không""
Câu trả lời sẽ là: khi hiểu về tính “không”, hiểu về sự tương đối của vạn vật, ta có thể sẽ bớt cực đoan, sẽ bớt bám víu, tin tưởng một cách cố chấp vào những thứ mình cứ tưởng đâu là tuyệt đối.
Khi không bị đánh lừa bởi những cái tưởng đâu là tuyệt đối, ta đã bớt “SI”.
Khi không hùng hổ, tức giận cố chấp những cái tưởng đâu là tuyệt đối, ta đã bớt “SÂN”.
Khi không tham lam bảo vệ hay luyến tiếc những cái tưởng đâu là tuyệt đối, ta đã bớt “THAM”.
Bớt tham, sân, si trong đời sống tức là bớt khổ cho mình và cho người.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.