Hôm nay,  

Đông Á Há Mồm...

05/07/200300:00:00(Xem: 4405)
Nhân dịp đảng Cộng sản VN họp Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, kỳ thứ tám của khóa chín với một đề tài trong nghị trình là chiến lược quốc phòng, chúng ta hãy cùng nhìn vào hoàn cảnh bơ vơ ngơ ngác của Đông Á trước các thách đố mới....
Hơn 15 năm đã trôi qua kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc và khu vực Đông Á (Á châu Thái bình dương) đã trải qua nhiều biến động dẫn tới một hoàn cảnh hết sức bấp bênh ngày nay. Những biến động đó là cuộc khủng hoảng kinh tế Đông Á 1997-1998, khủng bố tại Mỹ rồi tại Bali của Nam Dương (Indonesia), vụ khủng hoảng nguyên tử tại bán đảo Triều Tiên và sự xoay chuyển lập trường của Hoa Kỳ đối với toàn khu vực...
Đông Á là một khái niệm địa dư bao gồm nhiều khác biệt về kinh tế, chính trị và văn hóa. Khu vực này gồm có ba phần là Đông Bắc Á (Trung Quốc, Mông Cổ, Nam-Bắc Hàn, Nhật Bản và Đài Loan), Đông Nam Á gồm mười quốc gia hội viên của Hiệp hội ASEAN, và, thứ ba, Úc châu, trước kia được coi như là lục địa riêng, nhưng ngày nay đã là một phần chiến lược của Á châu vì những quan hệ kinh tế và an ninh trong một thế giới bị thu hẹp bởi khoa học kỹ thuật, trong đó có cả kỹ thuật chiến tranh. Mười lăm năm qua, khu vực rộng lớn này đã có nhiều đổi thay lớn lao hơn tất cả những gì đã thấy kể từ Thế chiến II, mà biến cố Chiến tranh lạnh kết thúc và sự sụp đổ của Liên xô chỉ là một phần. Sự đổi thay này đang tạo ra những động lượng (“momentums”) mới và thách đố mới.
Đông Bắc Á, rồng ẩn cọp nằm.... thẳng cẳng
Đổi thay lớn nhất tại đây là sức mạnh kinh tế Trung Quốc, như con rồng đang thức giấc, trước sự suy sụp kinh tế Nhật Bản và hậu quả của nó là sự xuất hiện của cường quốc đại lục Trung Quốc cùng phản ứng dân tộc của Nhật Bản thể hiện trên lãnh vực quốc phòng và ngoại giao.
Trung Quốc đang là cường quốc kinh tế mới, nhưng tổng hợp lại thì sản lượng chỉ bằng một phần tư sản lượng Nhật, hơn 1.000 tỷ đô la so với 4.500 tỷ của Nhật. Với thế lực mới về kinh tế, đảng Cộng sản Trung Hoa tự biện minh lý do tồn tại bằng chủ nghĩa dân tộc: 1) niềm tự hào của dân chúng sau mấy thập niên điên loạn của Mao Trạch Đông, 2) ý chí sẽ thu phục Đài Loan và 3) ảnh hưởng trên diễn đàn quốc tế có hiệu lực hơn khẩu hiệu “phi liên kết” và “lãnh đạo thế giới thứ ba” (giữa hai “thế giới” Mỹ-Nga) thời Mao. Nhưng, bên trong, Trung Quốc lại bị thách đố là cải cách kinh tế mà không bị động loạn chính trị và dù thế hệ thứ tư đang củng cố dần quyền lực sau Đại hội đảng năm ngoái, biến động xã hội xuất phát từ cuộc cải cách vẫn có thể xảy ra với xác suất cao.
Nhật Bản chưa ra khỏi cơn khủng hoảng kinh tế khởi sự cùng lúc với sự sụp đổ của Liên xô, với nguyên nhân chủ yếu là sự lão hóa dân số (người sản xuất ít hơn, người lãnh hưu bổng nhiều hơn) trong một cơ chế xã hội và chính trị già nua không thay đổi. Ảnh hưởng kinh tế Nhật tại Đông Á (qua đầu tư, viện trợ và tín dụng) bị soi mòn dần, nhưng đang được thay thế bởi một phản ứng mới là khẳng định tư thế về ngoại giao lẫn quân sự: chiến thuyền Nhật đã đến eo biển Malacca và vào tới Ấn Độ Dương, Nhật đang thực hiện kế hoạch trang bị hỏa tiễn và vệ tinh do thám và sẽ có ngày bãi bỏ điều chín của Hiến pháp, tức là cho phép thành lập một quân đội. Việc Nhật Bản tái võ trang trước sự xuất hiện của Trung Quốc là kết quả tổng hợp của hai chuyển động kinh tế lớn trong khu vực.
Giữa hai cường quốc đó lại thấy xuất hiện một phản ứng dân tộc khác tại bán đảo Triều Tiên. Chối từ cải cách, Bắc Hàn cộng sản lồng ý thức hệ cộng sản vào chủ nghĩa dân tộc mệnh danh “tự chủ” và cố tồn tại bằng lời đe dọa tự sát với võ khí nguyên tử để tống tiền viện trợ. Tại Nam Hàn, vụ khủng hoảng Đông Á khiến hai vị tổng thống thiên tả theo nhau thắng cử nhưng không giải quyết nổi khó khăn kinh tế nên đang bị chống đối và họ cũng lại khai thác chủ nghĩa dân tộc để biện minh cho quyền lực. Chủ nghĩa dân tộc này là tinh thần chống Mỹ và hòa giải với Bắc Hàn, khiến Bình Nhưỡng càng được khích lệ trong đòn “cào mặt ăn vạ” và khiến Hoa Kỳ phải duyệt lại đối sách tại bán đảo.
Quốc gia được tương đối yên lành nhất trong khu vực là Đài Loan thì cũng đang thay đổi sau sự sụp đổ của Quốc dân đảng và trôi vào đấu đá chính trị nội bộ giữa ba đảng lớn, đảng Dân Tiến đang cầm quyền và hai đảng hình thành từ sự vỡ đôi của Quốc dân đảng. Một quốc gia nửa mùa khác là Hong Kong thì cố xoay trở giữa hậu quả của khủng hoảng 97-98 và sự khuynh đảo của Bắc Kinh, vốn coi Hong Kong là két bạc nhưng cũng là cửa ngoại nhập cho các thế lực gây bất ổn cho Hoa Lục: dân chủ và Pháp luân công.
Đông Nam Á và sự tiêu vong của ASEAN
Sau khủng hoảng Nhật (khởi sự từ 1990), Đông Nam Á bắt đầu bị khủng hoảng từ năm 1997 với nguyên nhân chính là nhược điểm trong sách lược kinh tế hướng ngoại, nhưng còn gặp nhiều vấn đề nan giải hơn nữa. Sức mạnh kinh tế tổng hợp của ASEAN trở thành huyền thoại, nội bộ phân hóa và khủng bố đã có thể luồn lách từ xứ này qua xứ khác, trong khi một số quốc gia như Nam Dương, Phi Luật Tân, Mã Lai Á hay Miến Điện đang hoặc sắp bị khủng hoảng chính trị bên trong.
Là một câu lạc bộ kinh tế, ASEAN không có thế lực chính trị ngoài phản ứng tiêu cực là “không xen lấn nội bộ của nhau”. Câu lạc bộ kinh tế đó đang rã với phản ứng chung là “đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ”. ASEAN bắt đầu phát triển theo hai tốc độ: sáu hội viên cũ đã tương đối phát triển thì chạy trước, để lại bốn hội viên mới đang ngoi ra khỏi chế độ tập trung kế hoạch và độc tài là Việt, Miên, Lào, Miến. Trong nội bộ, từng quốc gia lại tìm cách thỏa hiệp về mậu dịch hay kinh tế riêng lẻ, với Trung Quốc, Nhật Bản hay Hoa Kỳ. Khi Miến Điện công nhiên chà đạp dân chủ với việc quản thúc bà Aung San Suu Kyi, khối ASEAN lại chui về núp dưới chiêu bài “không xen lấn nội bộ” và trở thành trò cười cho thế giới, trừ các nước Âu châu đang lo việc khác.

Tại Đông Nam Á, có ba nước đã thay đổi lãnh đạo do vụ khủng hoảng Đông Á là Nam Dương, Thái Lan và Phi Luật Tân; một nước thứ tư là Mã Lai Á cũng sẽ chuyền quyền nay mai với việc Thủ tướng Mohamad Mahathir sẽ về hưu. Không quốc gia nào trong số đó có ảnh hưởng đủ lớn để cứu vãn tiền đồ ASEAN, vốn do họ xây dựng lên từ 1967. Có dân số lớn nhất và quá khứ thế lực nhất là Nam Dương thì bị khủng hoảng lớn sau khi Suharto bị lật đổ năm năm trước và đang cố gắng cầm cự với liên minh giữa nữ Tổng thống Megawati Sukarnopoutri có thế và quân đội có lực, đằng sau một phản ứng dân tộc và bị đục khoét bởi đòn chính trị của các phe Hồi giáo và đòn khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Trí tuệ và túi khôn của ASEAN là Singapore ngày nay cũng không đưa ra nổi một đề nghị cứu nguy nào khác trước một hiện tượng toàn cầu phi kinh tế là khủng bố Hồi giáo. Cho đến khi Thái Lan củng cố được ảnh hưởng kinh tế (hiện đã có tốc độ tăng trưởng cao nhất vùng sau Hoa lục) và tìm được một chiến lược phát triển sáng tạo hơn để có thể cứu vãn được tình hình, tương lai ASEAN sẽ là một sự u ám kéo dài.
Trong khối đó, có Việt Nam là trâu chậm uống nước đục và ngày càng đục hơn vì đảng cầm quyền ưu tiên lo lắng cho sự tồn tại của chính nó và cứ nghĩ rằng mai sau dù có thế nào thì cũng còn hậu phương chính trị là Trung Quốc.
Cảnh sát Úc xuất hiện
Trong toàn khu vực Đông Á, nơi có nhiều thay đổi lớn lao nhất lại là một lục địa hẻo lánh bình an: Úc châu. Là một mảnh vụn của Âu châu trong một góc yên lành tại cực Nam Thái bình dương, Úc châu bị hậu quả bất ngờ của cơn địa chấn Đông Á là vụ khủng hoảng Nam Dương. Người dân nước Úc bừng tỉnh trước thực tế là Á châu mà bị động thì mình gặp loạn. Phản ứng dân tộc cực đoan với sự xuất hiện (ngắn ngủi) của đảng One Nation Party và một nữ dân biểu cực hữu chỉ là mặt nổi của nỗi lo âu đó. Là láng giềng rất gần bên dưới quốc gia đông dân Hồi giáo nhất thế giới là Nam Dương, Úc không thể nhìn Nam Dương quần đảo bị loạn vì sẽ bị hai hậu quả song hành: 1) làn sóng di dân tỵ nạn tràn vào một lục địa bát ngát thưa thớt dân cư, 2) những chướng ngại trên đường thông thương buôn bán với các nước Á châu khác và sau đó là với Âu châu.
Vụ khủng bố tại Bali (khiến kiều dân Úc bị chết nhiều nhất trong số 200 nạn nhân) càng làm Úc phải duyệt lại chính sách an ninh và đối ngoại. Úc sẽ can thiệp vào tình hình Nam Dương quần đảo, trước tiên tại Đông Timore và Papua New Guinea, và sẽ là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ, cũng ngang hàng Anh quốc ở Đại Tây dương, trên trận tuyến chống khủng bố. Nếu cần, Úc sẽ trở thành cảnh sát viên của toàn vùng dù có thể bị chỉ trích là một con bài của Mỹ, hoặc một thế lực thực dân mới của Tây phương.
Trên toàn cục, Á châu Thái bình dương đang có hai thế lực quân sự mới là Nhật và Úc, những đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ. Chẳng những quân khủng bố Hồi giáo không vui gì với sự kiện này, các nước Hồi giáo khác trong khu vực cũng vậy. Và xa hơn nữa, có Trung Quốc cũng không an tâm về sự thể đó.
Làm gì và làm sao bây giờ"
Xưa nay, Hoa Kỳ là quốc gia có sự chủ quan của một cường quốc trẻ. Trở thành một siêu cường toàn cầu duy nhất sau sự tan rã của Liên xô, Hoa Kỳ đã mất mười năm ngơ ngác để tìm ra một định hướng đối ngoại cho tương lai. Vụ khủng bố 9-11 đã chấm dứt thời chuyển tiếp đó và siêu cường độc bá này đang trở thành một đế quốc bất đắc dĩ. Bất đắc dĩ hay không, những tính toán của Hoa Kỳ sẽ làm thay đổi cục diện thế giới vì đây là quốc gia có nhiều ảnh hưởng nhất, kể cả về thế lẫn lực, và dám lấy những quyết định táo bạo bất kể tới phản ứng của dư luận quốc tế, nhất là loại phản ứng tiêu cực, ích kỷ và có ẩn ý như của vài nước Âu châu “già”. Các nước Đông Á phải làm gì và làm được gì trước sự thể đó, ngoài phản ứng hời hợt là đánh bóng lại chủ nghĩa quốc gia dân tộc cho lãnh đạo"
Sau ba chục năm tăng trưởng liên tục, Đông Á tưởng rằng cái lực kinh tế sẽ biến thành cái thế chính trị, và khôn ngoan núp dưới cây dù nguyên tử Mỹ (và cả những hy sinh của miền Nam Việt Nam) để nói chuyện hòa dịu với Trung Quốc bên khẩu hiệu chống Mỹ ngoài môi. Tình hình kinh tế suy sụp sau đó làm tiêu hao cái lực kinh tế, và khủng bố Hồi giáo lột trần luôn sự bạc nhược bên dưới cái thế chính trị. Ngày nay, các nước Đông Á hạng nhì, ngoài Trung Quốc, Nhật Bản và Úc, đều là thế lực không đáng kể. Duy nhất có điều đáng kể là an ninh, gần là an ninh chống khủng bố, xa là an ninh chiến lược trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi và Trung Quốc.
Trong mươi năm tới, khủng bố Hồi giáo vẫn là ưu tư ưu tiên. Nhưng, xa hơn, các nước Đông Á sẽ phải trực diện đối phó với thế lực Trung Quốc, sẽ được tăng cường ráo riết trong khi Hoa Kỳ phải giải quyết nạn khủng bố.
Ngay trong hiện tại, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã là một đe dọa và là nguy cơ phân hóa và tiêu vong của ASEAN. Trong tương lai không xa, sức mạnh quân sự của Trung Quốc, với tham vọng không che dấu nhắm vào Đài Loan và các quần đảo ngoài Đông Hải của Việt Nam (mà họ gọi là Trung Nam Hải, “biển miền Nam của Trung Hoa”) sẽ là một thách đố lớn hơn. Điều đó giải thích phản ứng tái võ trang của Nhật Bản và sự xuất hiện của nước Úc hiền lành như một thế lực quân sự mới.
Giữa bốn thế lực Đông Á là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Trung Quốc, các nước Đông Á còn lại sẽ phải chọn lựa. Lợi ích kinh tế và an ninh lãnh thổ là những yếu tố then chốt cho sự chọn lựa này mà những khẩu hiệu quốc gia hay dân tộc không thể khỏa lấp nổi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.