Hôm nay,  

Nhân Ngày Khai Trường

03/10/200300:00:00(Xem: 4528)
"Ngồi buồn gãi háng dái lăn tăn".
Tác giả câu thơ vừa dẫn, ông Trần Văn Hương, là một thi sĩ nghiệp dư và là một chính khách hơi tài tử. Ít ai lưu tâm đến chuyện thơ thẩn của ông ta. Không mấy người biết ông Hương còn có tên gọi là Ông Già Gân và ông ta "gân" thiệt. Trong suốt thời gian làm Đô Trưởng Sài Gòn, ổng hay đi làm bằng... xe đạp! Cũng chả lắm người nhớ rằng ông đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền như Thủ Tướng, Phó Tổng Thống và Tổng Thống của miền Nam - Việt Nam.
Ở miền Bắc nuớc này, phần lớn, quí vị chính khách đều hành nghề cách mạng một cách bền bỉ, liên lỉ và chuyên nghiệp hơn nhiều. Họ cũng đều sính chuyện thơ văn hơn, và cách họ viết văn hoặc làm thơ cũng gây phiền phức nhiều hơn - cho cả đống người. Khi ngồi buồn họ không gãi háng. Lúc rảnh rỗi họ cũng không chĩu chỉ làm thơ chơi chơi cho vui. Thơ của họ khiến không ít kẻ phải bận lòng, và khối người vất vả. Xin đơn cử một thí dụ, một câu thơ nổi tiếng hơn, của một chính khách tăm tiếng (và tai tiếng) hơn nhiều:
"Bỗng nghe vần thắng vút lên cao".
Nói theo ngôn ngữ của binh pháp thì tác giả câu thơ vừa dẫn, ông Hồ Chí Minh, là người cư an tư nguy. Ông Trần Văn Hương thì ngược lại. Ổng cư nguy tư an. Nói cách khác, và nói theo kiểu thường dân, là ổng lè phè chết mẹ!

Nghiêm túc, khẩn trương, hiếu thắng và hiếu chiến... không phải là quan niệm sống lập dị của riêng cá nhân ông Hồ. Thi đua lập chiến công dâng đảng, đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào, một người làm việc bằng hai, nghiêng đồng cho nước chẩy ra ngoài... là lệnh của "trên" đưa xuống và bắt buộc nửa nước phải triệt để tuân hành. Lè phè cũng không phải là thái độ sống chỉ có nơi ông Trần Văn Hương. Đó là quan niệm sống chung của hầu hết người dân miền Nam. Sự khác biệt giữa ông Trần Văn Hương và dân chúng, có chăng, chỉ là mức độ.
Không mấy người dân miền Nam, lúc buồn, chịu ngồi gãi háng xuông như Phó Tổng Thống và Tổng Thống Trần Văn Hương. Thường, họ vừa gãi háng vừa nhậu chơi lai rai vài xị cho vui - nếu là đàn ông. Họ đánh tứ sắc, đi coi cải luơng, hoặc đi cầm đồ để mua sầu riêng ăn cho đỡ ghiền - nếu là đàn bà, ở thành phố. Đi Hồng Kông hay Nhựt Bổn mua đồ lót và son phấn, nếu là bà lớn. Đi buôn lậu (không chừng), nếu là ông lớn. Và chơi dích hịnh, rượt bắt, năm mười, tạt lon, thả diều, đá banh, đá bóng, đá dế, đá cầu, đá kiện, đá cá hay lắc bầu cua cá cọp - nếu là con nít.
Chiến tranh là "chuyện riêng" của một giới người, tụi lính. Hứng chịu bom đạn, tai ương của nó là nỗi bất hạnh dành riêng của một giai cấp người khác nữa - đám nông dân.
Những chiến dịch hay phong trào hoàn thành kế hoạch nhỏ, nhi đồng cứu quốc, thay trời làm mưa, quyết tâm thu hoạch vượt chỉ tiêu vụ này vụ nọ... nếu phát động ở miền Nam (e) sẽ thiếu người tham dự và tác giả của chúng - chắc chắn - sẽ bị dân chúng cũng như báo chí chế diễu là những kẻ mất bịnh thường. Chuyện Nam - Bắc đánh nhau kết thúc ra sao, vào ngày 30 tháng tư năm 1975, mọi người đều rõ. Viết thêm nửa chữ cũng thừa. Cuộc chiến tàn. Theo sự hứa hẹn của quí vị lãnh tụ (của phe thắng trận) thì từ đây ta sẽ xây dựng đất nước gấp năm hay gấp mười lần gì đó, và toàn dân sẽ chuyển đổi từ ăn no mặc ấm qua ăn sang mặc đẹp... Thích ăn bánh vẽ không phải là phong tục của người Việt. Tin tưởng vào những lời hứa hẹn của lãnh tụ cũng không phải là tập quán của dân tộc này, dù họ miền nào cũng thế - kể cả miền ngược; tuy vậy, mọi người vẫn thở phào nhẹ nhõm khi đất nuớc ngưng tiếng súng.
Dân chúng miền Bắc ngỡ rằng sau chiến tranh họ sẽ thôi còn phải làm việc gấp hai. Chuyện dùng sức nguời biến sỏi đá thành cơm chấm hết. Hạt gạo công khó làm ra cũng khỏi mất công phải cắn làm tư hay làm tám để chi viện cho chiến trường này hay chiến trường nọ..., và chi viện cho miền Nam (thân yêu) nữa. Dân miền Nam (những kẻ thuộc phe chiến bại) tuy đón chào hòa bịnh thống nhất với không ít ngỡ ngàng, và dù ngỡ rằng "lè phè" là hai chữ không có trong tự điển của "cách mạng", vẫn thấy an ủi và đặt tin tưởng rất nhiều vào viễn tượng được sống trong cảnh an bình.
Một phần tư thế kỷ sau, sau khi hòa bình được tái lập trên nước Việt, nhật báo Nhân Dân số ra ngày 30 tháng 8 năm 99 có đi tin về "Cuộc Thi Vẽ Hòa Bình Trong Mắt Tuổi Thơ" - đuợc tổ chức sáng 29 tháng 8, tại Cung Thiếu Nhi, Hà Nội. Báo Nhân Dân mô tả những bức tranh dự thi như là "thông điệp gửi tới toàn thể nhân loại trên thế giới huớng về một tương lai sáng, một thế giới hoà bình và hạnh phúc."
Cũng theo báo Nhân Dân, ban tổ chức đã trao 10 giải A - 10 giải B và 20 giải C cho các em có tranh đoạt giải. Điều đáng tiếc là không có bức tranh nào được in lên báo để độc giả biết xem "thông điệp" và "hoà bình trong ánh mắt tuổi thơ" của VN ra sao. Tranh các em vẽ không được phổ biến trên báo Nhân Dân, nhưng đời sống của chúng thế nào thì mọi người đều có thể biết được qua tờ báo này. Trưóc đó ba tuần, ngày 7 tháng 8 năm 99, báo Nhân Dân đăng tin "Khen Thuởng Hai Em Nhỏ Mười Năm Cõng Bạn Đến Trường." Em Huỳnh Duy Tài vị bị phế tật nên phải nhờ hai bạn là Bùi Ngọc Nha và Nguyễn Quí cõng đi học liên tiếp trong vòng muời năm qua. Do đó, bài báo viết tiếp: "tại Đại Hội Cháu Ngoan Bác Hồ, huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam (ngày 29 tháng 7 năm 99) các em đã nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt nhất."


Thay vị những tràng pháo tay nồng nhiệt, nếu em Huỳnh Duy Tài nhận được một đôi nạng tốt hay một cái xe lăn thì thiệt là đỡ khổ biết chừng nào - cho cả ba thằng! Sau đại hội, Bùi Ngọc Nha và Nguyễn Quí lại cõng Tài về nhà; để sáng hôm sau tiếp tục... cõng bạn đến truờng, như chuyện vẫn xẩy ra hàng ngày, từ mười năm về trước.
Cùng số báo này, cũng trong phần tin tức, nguời ta cũng đọc được bản tin nữa có liên quan đến trẻ thơ: "Các Truờng Học Không Được Xẩy Ra Nạn Lạm Thu." Giám đốc Sở Giáo Dục Và Đào Tạo Thành Phố HCM, ông Trương Song Đức, cho biết kể từ năm học 1999 2000 việc quản lý thu chi phải đúng qui định. Nói cách khác là vào những niên học trước, lạm thu học phí là điều vô cùng phổ biến và là chuyện đương nhiên - như "chuyện vẫn xẩy ra hàng ngày ở huyện."
Mức thu theo đúng qui định là bao nhiêu" Theo báo Nhân Dân, cùng số, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội cho phép các cơ sở giáo dục thu học phí như sau: mẫu giáo 75.000 đồng/tháng, trung học chuyên nghiệp 100.000 đồng/ tháng, trung học dậy nghề 120.000 đồng/tháng, đại học 150.000 đồng/tháng...
Như vậy, nếu có bốn đứa con đến trường từ mẫu giáo đến đại học thì học phí mỗi tháng sẽ là 400.000 đồng. Tính theo Mỹ Kim bản vị thì đâu chỉ chừng 30 đô la. Ít xịt và rẻ rề hà, cũng rẻ tương đương với tiền luơng trung bình hàng tháng của một nguời dân Việt. Đã thế, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội "cũng cho phép ngành Giáo Dục Đào Tạo được thu tiền đóng góp xây dựng truờng nhưng không quá 40.000 đồng/ năm, và thu hỗ trợ tiểu học 10.000 đồng tháng..." Bản tin vừa dẫn còn có câu kết luận nguyên văn như sau: "Ngoài các khoản thu trên nhà trường không được thu thêm bất cứ một khoản tiền nào khác, đồng thời phải hạn chế và công khai các mức thu của hội cha mẹ học sinh." Câu văn trên có hai mệnh đề. Mệnh đề trước cho biết "nhà trường không được thu thêm bất cứ một khoản tiền nào khác"; mệnh đề thứ hai thì tiết lộ một về khoản phụ thu khác mà mệnh đề thứ nhất quên nhắc tới - đó là tiền đóng góp vào "Hội Cha Mẹ Học Sinh." Riêng số tiền này thì phải "hạn chế" và "công khai". Chừng đó học phí, lệ phí, hỗ trợ phí, nguyệt liễm hay niên liễm... vẫn chưa bảo đảm có chỗ học hành cho lũ trẻ con; do đó, theo báo Nhân Dân số ra ngày 6 tháng 6 năm 99, bà Mon Thêm - một người Việt gốc Miên, ở ấp Hòa Đông, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh - đã "hiến" 4.320 mét vuông đất để xây cất trường học. Ba tuần sau, báo Nhân Dân số ra ngày 30 tháng 6 năm 99 lại cho biết thêm là ông Lâm Văn Liêm - ngụ tại ấp Láng Khiết, xã Song Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh - đã "tự nguyện hiến" thêm 1.400 mét vuông nữa, cũng để xây trường. Lẽ ra bà Mon Thêm và ông Liêm nên tình nguyện hiến luôn cả máu. Thầy giáo và cô giáo của xấp nhỏ cần thứ này để khỏi bị xỉu bất tử, vị đói, trong lúc giảng bài. Có lẽ tại dân Việt chưa tận lực nên tình trạng giáo dục của xứ sở này vẫn khiến cho người ngoại quốc không được bình tâm; do đó, cũng theo báo Nhân Dân, số ra ngày 23 tháng 4 năm 99, "chính phủ Nhật Bản thông qua lãnh sự tại TP Hồ Chí Minh vừa làm lễ khởi công xây dựng trường Bịnh Phuớc tại huyện Cần Giờ với số vốn viện trợ là 84 ngàn Mỹ Kim".
Thiệt là đã đời luôn!
Tôi viết những giòng chữ này vào ngày 3 tháng 9 năm 99. Cách đây đúng 54 năm, nhân dịp mùa khai trường, cũng vào ngày này tháng này năm 1945, ông Hồ Chí Minh đã đọc diễn văn gửi cho học sinh cả nước. Trong dịp này ông hùng hồn tuyên bố: "Từ giờ phút này trở đi các em nhận được một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền giáo dục của một nuớc độc lập." Hồi đó tôi chưa ra đời. Thế hệ của chúng tôi không vướng mắc hay mặc cảm gì nhiều về chuyện bị trị hay nô lệ. Bởi vậy, theo tôi (và mâý thằng bạn nhậu), điều duy nhất cần thanh thoả với chủ nghĩa thực dân nên được giải quyết giản dị thế này. Khi có dịp chúng tôi sẽ xin quốc dân được dựng tượng của 13 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, những nguời đã bị tử hình năm 1930 sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái, trong một công viên nào đó ở Hà Nội. Đối diện với họ là 13 pho tượng khác của tất cả những nhân vật, cùng thời, đứng đầu chính phủ và nội các Pháp. Những bức tượng sau sẽ chỉ được phá bỏ nếu người Pháp trả lời xong câu hỏi giản dị này:" Qúi vị lấy lý do gì để xử tử những đảng viên Việt Quốc"" Đòi hỏi độc lập tự do cho quê hương, theo văn minh và văn hoá của qúi vị, là một cái tội phải bị chém đầu hay sao" Bằng vào cái thứ văn hoá man rợ đó mà qúi vị dám mang "nền văn minh của nước Đại Pháp" đi áp đặt lên những dân tộc khác à" Và ngay cả khi nước nhà còn bị thống trị bởi những kẻ khác máu tanh lòng đó, tôi tin chắc rằng, người Pháp vẫn chưa đến nỗi nhẫn tâm để mặc một đứa trẻ phế tật cho bạn cõng đến trường - mười năm liên tiếp. Trong ánh mắt tuổi thơ, thời nô lệ, cũng không có hình ảnh của những cô giáo ngượng ngập đứng bán hàng rong trong lớp học hay những thầy giáo bối rối khổ sở khi phải so đo thực phẩm - giữa sân trường. Lũ bé con sẽ vô cùng xúc động, nếu biết rằng cha anh - thuộc ba thế hệ liên tiếp - đã phải hy sinh xương máu để dành cho chúng một nền giáo dục độc lập. Chúng sẽ xúc động hơn nữa- trong tương lai gần - khi đủ lớn khôn để nhận ra rằng mình đang sống trong một quốc gia không những chỉ có độc lập mà còn có hoà bình, tự do, và hạnh phúc nữa. Tất cả đều là đồ... giả!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.