Hôm nay,  

Khả Năng Chuyển Hướng Trong Quan Hệ Việt Mỹ

07/10/200300:00:00(Xem: 4557)
Quan hệ Việt-Mỹ là một vấn đề tế nhị vì những trở ngại về tình cảm và lịch sử. Hai nước từng đánh nhau, binh sĩ tử nạn của hai bên vẫn chưa tìm ra hết, vết tích bom đạn vẫn còn trên đất nước Việt Nam. Và sự cần thiết lẫn nhau cũng chưa có gì thúc bách, nhất là đối với Hoa Kỳ.
Trước đây nếu nói đến quan hệ Việt Mỹ người ta hàm ý quan hệ về sự tìm kiếm quân nhân còn trong danh sách mất tích hay quan hệ trợ giúp nhân đạo. Xa hơn là quan hệ mậu dịch, và xa hơn chút nữa là quan hệ ngoại giao theo mô thức bình thường, không thân, không sơ. Trong tinh thần đó, từng bước một, năm 1994 Hoa Kỳ bỏ cấm vận và năm 1996 thiết lập bang giao với Việt Nam. Năm 2000 Việt Nam và Hoa Kỳ ký thỏa ước mậu dịch song phương mở đầu sự hội nhập của Việt Nam vào sinh hoạt kinh tế toàn cầu.
Cho đến rất gần đây không ai nghĩ có thể có một quan hệ quân sự giữa Việt Nam và Hoa kỳ, mặc dù tháng 3 năm 2000 bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ William Cohen đã thực hiện một chuyến thăm viếng thiện chí Việt Nam, và tháng 11 năm đó tổng thống Clinton và gia đình cũng đã đến thăm Hà Nội trước khi rời chức vụ tổng thống.
Nhưng cách đây hai tháng có tin đồn tướng Phạm Văn Trà, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam sẽ thăm viếng Hoa kỳ vào mùa thu năm nay. Tin tung ra nhưng phía Mỹ cũng như Việt không ai xác nhận, cho đến Thứ Năm 25/9 vừa qua ông Lê Dũng phát ngôn nhân bộ ngoại giao Việt Nam mới xác nhận rằng bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Donald Rumsfelt có mời bộ trưởng Phạm Văn Trà sang thăm Hoa Kỳ.
Ông Lê Dũng nói rằng: "Nếu cuộc thăm viếng Hoa Kỳ được thực hiện thì đây là cuộc thăm viếng chính thức đầu tiên của một bộ trưởng quốc phòng Việt Nam từ ngày chiến tranh chấm dứt." Cách nói của phát ngôn nhân bộ ngoại giao cho thấy chuyến Hà Nội chưa chính thức nhận lời, và sự tiết lộ có nghĩa là một sự thăm dò phản ứng từ nhiều phía, nhất là phản ứng của Trung quốc. Tuy nhiên khi công bố chính thức lời mời, có lẽ Hà Nội - sau hơn một tháng để tin tức bay trong gió - muốn nói với Trung quốc đã đến lúc Hà Nội phải làm một chọn lựa.
Nếu chuyến đi được thực hiện thì đây là một chuyển biến quan trọng chẳng những trong bang giao Việt - Mỹ mà còn là một chuyển hướng quan trọng của Việt Nam về chính sách quốc phòng. Theo một bản tin của AFP ngày 30/9/2003 đại sứ Hoa Kỳ Burghardt tại Việt Nam mới đây khi nói chuyện với một số doanh nhân Mỹ nói rằng "quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ dù muốn giới hạn trong lĩnh vực mậu dịch và đầu tư cũng sẽ trở thành những quan hệ văn hóa, an ninh và quân sự". Và phát ngôn nhân Lê Dũng cũng phụ họa rằng: "Nếu bộ trưởng Phạm Văn Trà thăm viếng Hoa Kỳ thì chúng ta sẽ có một cái khung mới trong quan hệ giữa hai nước".
Cũng theo bản tin của AFP nói trên thì một nhà ngoại giao Âu châu có nhiệm sở tại Hà Nội nhận xét rằng dù muốn dù không Việt Nam cũng đang chơi bài với hai đối thủ lớn là Hoa Kỳ và Trung quốc, và đã đến lúc phải đánh một nước bài. Và theo một tướng lãnh của Hà nội có mặt tại Sài gòn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 (muốn dấu tên) thì việc gởi tướng Trà chính thức đi Hoa Kỳ là một tính toán quân sự có tính cách chiến lược của Hà Nội. Viên tướng này nói rằng trang bị của lực lượng quân sự Việt Nam càng lúc càng xuống cấp so với các nước chung quanh, và đã đến lúc phải tìm một cách gì đó để cải tiến trước khi quá muộn. Cải tiến để làm gì ông ta không nói nhưng ai cũng hiểu để Việt Nam có thế đương đầu với áp lực càng ngày càng gia tăng của Trung quốc.
Tình hình trong vùng Á châu Thái Bình Dương đã thay đổi nhiều trong 28 năm qua từ khi miền Nam sụp đổ. Lúc đó Trung quốc còn ngỗn ngang với cuộc Cách mạng Văn hóa, kinh tế yếu kém nên không phải là một thế lực đáng quan tâm. Hoa Kỳ tuy rút ra khỏi Việt Nam sau Hiệp định Paris ký năm 1973, và mất thế đứng tại tây Thái Bình Dương nhưng các nước Đông nam Á đã không sụp đổ theo nên Hoa Kỳ vẫn có thể tạo một thế cân bằng chiến lược nào đó đối với Liên bang Xô viết qua những đồng minh tại chỗ như Nhật Bản, Úc châu và Hiệp hội các nước Đông nam Á (Asean).
Nhưng một thập niên sau đó, Đặng Tiểu Bình mở cửa, canh tân xứ sở, và bước vào thập niên cuối của thế kỷ 20 Trung quốc trở thành một quốc gia vững mạnh về cả hai phương diện kinh tế và quân sự. Và ai cũng có thể thấy Trung quốc có mộng siêu cường, muốn vươn lên thành một lực lượng có khả năng kình chống với Hoa Kỳ trong những thập niên tới. Người Trung hoa nào cũng ôm ấp giấc mộng này, nên chế độ chính trị (cộng sản hay không cộng sản) tại đó sẽ không thay đổi đường hướng chiến lươc này của Trung quốc.

Trong bối cảnh mới của đầu thế kỷ 21, Trung quốc cố giữ thế cân bằng tại Bắc Á châu đối với Liên bang Nga, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trung quốc có khả năng và có quyền lợi duy trì sự ổn định tại đó qua sự kềm chế tham vọng nguyên tử của Bắc Hàn và tự kềm chế không gây chiến với Đài Loan (trong giới hạn Đài Loan làm gì thì làm nhưng không tuyên bố là một nước độc lập tách rời vĩnh viễn ra khỏi Trung quốc). Nhưng Trung quốc sẽ không tự chế như vậy trong vùng Đông nam Á châu. Ở đây có một khoảng trống quyền lực sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Khối Asean tuy có khả năng kinh tế với Singapore, Thái Lan, Mã Lai Á, và khả năng quân sự với Indonesia, Việt Nam nhưng không ăn thua gì trước sức mạnh và tham vọng của Trung quốc phóng ảnh hưởng của mình về phương nam.
Để kiểm soát đường biển từ Ấn Độ Dương lên, chiếm kho dầu hỏa dưới lòng biển, và xử dụng quần đảo chiến lược Trường Sa, Bắc Kinh - trong đầu thập niên 1990 - đơn phương tuyên bố biển Đông, vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam, Việt Nam, Phi Luật Tân và Indonesia thuộc về Trung quốc. Việt Nam và khối Asean bày tỏ sự phản đối, nhưng Trung quốc cho thấy họ xem sự công bố chủ quyền đó của họ là một mục tiêu chiến lược, và họ sẽ không từ bỏ một hành động gì để đạt mục tiêu trên. Từ thập niên 1980 áp lực quân sự và kinh tế của Trung quốc càng ngày càng thấy rõ trong vùng. Bằng chứng sau cuộc đụng độ giữa hải quân Việt Nam và Trung quốc năm 1988 để giành mấy hòn đảo trong quần đảo Trường Sa, Việt Nam thua nhưng người ta không thấy Việt Nam nhắc nhỡ đến vấn đề chủ quyền này tại các diễn đàn quốc tế. Mặt khác, năm 1999 và năm 2000 Việt Nam đã phải nhượng bộ Trung quốc để ký thoả ước biên giới nhường cho Trung quốc một số cao điểm chiến lược dọc biên giới và chia lại vùng biển giữa vịnh Bắc Việt và đảo Hải Nam có lợi cho Trung quốc.
Trong toan tính bành trướng của Trung quốc, quyền lợi của Hoa Kỳ và Việt Nam đều bị xâm phạm gián tiếp hay trực tiếp. Hoa Kỳ không thể để cho Trung quốc kềm chế con đường giao thông ngắn nhất từ Ấn Độ Dương lên Bắc thái Bình Dương qua biển Đông, đe dọa vùng chiến lược tây Thái Bình Dương, trong khi Việt Nam cũng không thể để tài nguyên thiên nhiên dưới lòng biển lọt trọn vào tay Trung quốc, chưa nói quần đảo chiến lược Trường Sa che sườn phía đông của Việt Nam. Trong bối cảnh đó một quan hệ mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cần phải được tính toán lại. Đó có thể là lý do của chuyến đi thăm Hoa Kỳ của bộ trưởng Phạm Văn Trà.
Vì tính cách quan trọng của cuộc thăm viếng, sẽ có nhiều thế lực muốn phá hỏng chuyến đi của tướng Phạm Văn Trà. Trước hết là Trung quốc và thành phần thân Trung quốc trong nội bộ đảng CS Việt Nam. Thành phần này cho rằng VN nên chơi với Trung quốc, là một nước đồng chủ thuyết, thì được an toàn hơn là chơi với Hoa Kỳ, là quốc gia mà thành phần này nghi ngờ chỉ muốn làm suy yếu quyền hành của đảng CS Việt Nam bằng diễn biến hòa bình. Trong khi đa số thành phần tướng lãnh trong quân đội Việt Nam, trái lại, nghĩ rằng Trung quốc là một đe dọa lâu dài, và chơi với Hoa Kỳ Việt Nam sẽ an toàn hơn. Về phía Hoa Kỳ bệnh gọi là "hội chứng Việt Nam" vẫn còn trong một số thành phần cực hữu của Quốc hội Hoa Kỳ và thành phần này không thấy có gì hấp dẫn trong quan hệ quân sự với Việt Nam khi cái bóng của Trung quốc chưa đe dọa quyền lợi trực tiếp của Hoa Kỳ. Mặt khác nếu các nhà chiến lược Hoa Kỳ thấy giúp đỡ Việt Nam về mặt quân sự có lợi về mặt chiến lược thì các nhà lãnh đạo chính trị cũng chưa thấy đó là một công việc cấp bách, nhất là khi Hoa Kỳ đang phải đương đầu với cuộc chiến tranh chống khủng bố toàn cầu và cuộc chiến du kích tại Iraq.
Nhưng đối với Việt Nam thì khác. Các lối đi để lựa chọn không nhiều. Lối thứ nhất là không làm gì cả, và đặt vận mạng đất nước vào vui buồn của Trung quốc. Truyền thống và lịch sử của Việt Nam không cho phép người lãnh đạo chọn lối đi này. Lối thứ hai là tự canh tân kinh tế để xây dựng một lực lượng quân sự đủ mạnh. Muốn chọn lối này lãnh đạo đảng CS phải khai thác toàn bộ sức mạnh tiềm ẩn của quốc dân, và điều kiện cần thiết là dân chủ hóa xứ sở. Đây là điều người lãnh đạo cộng sản chưa sẵn sàng làm. Mà nếu họ muốn làm cũng không theo kịp sự lớn mạnh nhanh chóng của lực lượng quân sự của Trung quốc. Chỉ còn lối thứ ba. Hợp tác với một thế lực mạnh có cùng quyền lợi. Lực lượng nào" Asean còn quá yếu và quá rụt rè. Liên bang Nga không có quyền lợi cần bảo vệ tại đó, hơn nữa cũng không còn là đối trọng của Trung quốc như trong những thập niên 1960, 1970. Vậy chỉ còn lại Hoa Kỳ.
Hy vọng rằng chuyến thăm viếng chính thức của bộ trưởng quốc phòng Phạm Văn Trà - nếu thực hiện - sẽ mở đầu một kỷ nguyên hợp tác chiến lược giữa hai nước vốn là cừu địch của nhau.
Trần Bình Nam - Oct. 5, 2003
BinhNam@earthlink.net
http//www.vnet.org/tbn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.