Hôm nay,  

Dự Thi Người Việt Trên Đất Úc: Trầm Cảm

02/04/200200:00:00(Xem: 4320)
Viết bài này tôi chỉ mong đây là một bức thư tâm tình với mọi lời chân thành gởi tặng người vợ đáng thương mà xưa nay bằng ngôn từ tôi đã không thể truyền đạt được tất cả những yêu thương tôi gói ghém trong lòng. Trong một chừng mực nào đó, tôi cũng mong được chia sẻ kinh nghiệm hạnh phúc gia đình cùng bạn đọc hy vọng búc thư tâm tình này có giá trị thật sự vì chúng tôi đã phải trả một giá rất đắt cho cụm từ "Tình Yêu và Hạnh Phúc".

* * *

Trong số báo 250 ngay trang đầu đăng một tin hết sức kinh hoàng đó là một bà mẹ đã dìm nước 5 đứa con của chính mình trong bồn tắm cho đến chết. Andrea Yates đã âm mưu từ lâu, đã mấy lần bất thành nhưng cuối cùng 5 đứa bé đã bị thảm sát. Bà tin rằng chỉ giết con mình thì xã hội mới cho bà một hình phạt xứng đáng. Đọc xong đoạn thẩm vấn của thám tử Mehl với Andrea Yates tôi thấy lo sợ, có ý định vứt bỏ tờ báo. Suy nghĩ một lúc, tôi không thể làm điều ấy được vì vợ tôi rất thích đọc báo... Hôm đó, khi nàng hỏi... tôi đành nói thật và khuyên: Quyên em đừng đọc, nó kinh khủng qúa sức tưởng tượng, anh sợ em bị ám ảnh bởi vì!... Tôi đành dừng lại không nói được vì những chữ muốn nói tôi đã phải tránh như những lời nguyền rủa xui xẻo, phải kiêng như chay tịnh... vì nếu Quyên nghe được sẽ buồn, nó cũng có thể kích thích gợi nhớ những kỷ niệm đau buồn cũ... Tôi đã vô tình kích thích sự tò mò nên Quyên đã "cướp" lấy tờ báo đọc ngấu nghiến. Không như tôi, thay vì sự lo sợ, ghê rợn, Quyên đã nghẹn ngào xúc động...

- Em thấy tội nghiệp, bà ấy bị bệnh qúa nặng , bà ấy cần có người chồng thương yêu chiều chuộng và giúp đỡ hết lòng. - Quyên rưng rưng ngấn lệ! Nàng vui mừng vì nàng may mắn hơn Andrea Yetes rất nhiều.

- Thôi đừng khóc nữa. Mỗi lần em xúc động, căn bệnh của em lại gia tăng, tối lại mất ngủ, anh biết rồi, anh xin lỗi em nhiều lần rồi... cũng tại vì anh ít hiểu biết tâm lý và y học, hơn nữa chứng bệnh này quá lạ đối với nhiều người chẳng riêng gì anh, em biết đó, ngay cả bác sĩ cũng không đoán ra, nhiều bác sĩ cho em thuốc ngủ mà em vẫn không ngủ, có ông còn cho em uống gấp đôi để em ngủ nhưng em có ngủ được đâu! Lại có nữ bác sĩ người Philipine trợn mắt lên nói rằng em lạm dụng thuốc ngủ, cô ấy cảnh cáo nếu em không tập ngủ bình thường mà cứ lệ thuộc vào thuốc em sẽ bị ghiền!

Sự mất ngủ triền miên của Quyên khiến lòng kiên nhẫn lắng nghe bác sĩ khuyên can trở nên mệt mỏi. Cuối cùng chúng tôi đồng ý đổi sữa cho con, thay vì bú sữa mẹ, Tracey được cho bú sữa formular S26 để Quyên có thể sử dụng thuốc ngủ với hy vọng Quyên kiếm được một giấc ngủ bình thường. Tiếc thay! Chúng tôi vẫn không đạt được ý muốn. Có một lần một vị bác sĩ vừa bắt đầu khuyên nhủ, tôi liền cắt ngang: Bác sĩ làm ơn cho Quyên toa thuốc ngủ thật mạnh, vì loại Ducene 5mg Quyên đã dùng hết mà vẫn không ngủ được cả tháng nay rồi, chúng tôi đã lắng nghe và làm theo rất nhiều bác sĩ căn dặn nhưng đều vô hiệu qủa. Ông ta có vẻ bất bình vì tôi không muốn nghe ông, tuy nhiên ông cũng đặt bút ký toa thuốc và nói rằng loại này rất mạnh, phải cẩn thận đừng lạm dụng, khi đã ngủ được rồi thì nên dừng ngay.

Cầm toa thuốc đến Chemist, cô y sĩ bỏ tên Quyên vào computer data base. Cô tươi cười bảo:

- Hôm nay lại trở lại loại thuốc cũ à"

Tôi ngạc nhiên:

- Thuốc cũ" Tôi xin bác sĩ cho thuốc mạnh hơn Ducene 5mg mà.

- Dạ thuốc này là loại mà chị đã dùng 2 tháng trước đây. Nó mạnh lắm đó anh. Ducene 5mg cũng mạnh nhưng mỗi viên nhỏ hơn để bệnh nhân có thể uống 2 viên!

Mua thuốc xong chúng tôi thất vọng trở về. Tôi hiểu ràng, không còn loại nào mạnh hơn, muốn mạnh thì uống gấp đôi, gấp ba lần!...

* * *

Chúng tôi đã đến gõ cửa hầu hết các phòng mạch bác sĩ Việt Nam ở Footscray, chúng tôi đã nghe những lời khuyên của nhiều vị bác sĩ , hầu như những lời khuyên nhủ đại ý giống nhau và chính tôi cũng khuyên Quyên như vậy ngay từ đầu. Sự gặp gỡ các bác sĩ chỉ làm tôi củng cố thêm lý luận bảo thủ và thiếu khách quan của chính mình.

Tiếng Quyên đột nhiên kéo tôi trở lại với thực tại:

- Em hiểu rõ cái ảo giác bà Andrea Yetes tâm sự với bác sĩ: "Tôi cảm thấy như có lời thúc dục, thấy hình ảnh con dao dài sắc nhọn... chúng thúc dục tôi giết người. Tôi rất sợ có ngày tôi làm hại người khác. Tôi chỉ còn cách tự tử để không còn hại ai được nữa..." Anh ạ, hồi ấy nó cũng sảy đến với em ttương tự mà anh không tin em. Mình là người Công Giáo không tin dị đoan nhưng nó cứ thôi thúc em...

- Thôi đừng nhắc lại nữa, anh sợ lắm rồi!

Tôi không dám gạt phăng như trước nhưng luôn luôn khéo léo tìm cách tránh nói về chuyện này để Quyên khỏi xúc động, nhưng đôi khi không đặng phải đừng tôi đành ngồi chịu trận lắng nghe.

- Anh biết không, hồi ấy em không dám lên phòng khách, em chỉ cúi đầu dọn dẹp thật nhanh rồi trốn vào phòng ngủ hoặc xuống nhà bếp. Mỗi lần em bước lên phòng khách, em cảm thấy nhà mình có qủy, nó cám dỗ, nó thôi thúc em: "làm những chuyện ô uế lên bàn thờ"... nhưng lòng tin thiên chúa và sự tôn trọng nơi thờ phượng lại khiến em vô cùng cung kính. Hai ý tưởng trái nghịch nhau nó giằng xé tâm trí khiến em muốn điên, không tin dị đoan nhưng cũng phải xiêu lòng. Anh còn nhớ không, đã nhiều lần em bắt anh phải gọi đến bà chủ cũ hỏi tại sao bà bán nhà này cho mình, phải chăng nhà này có ma! Chắc chắn phòng khách nhà mình có qủy, nó thôi thúc em làm điều phản bội Thiên Chúa. Có lần em cố gắng làm điều anh khuyên em là cầu nguyện hết lòng, nếu Chúa không nhậm lời thì mình cũng có được lòng tin và những suy nghĩ tích cực để vượt qua lối tin dị đoan vớ vẩn, em bước đến bàn thờ, làm dấu thánh gía và cầu nguyện, em cố gắng cầm lòng cầm trí nhưng nó vẫn thôi thúc em làm điều phản bội thiên chúa.

Đôi mắt Quyên vẫn rưng rưng. Quyên đã kể chuyện này với tôi nhiều lần nhưng tôi vẫn im lặng lắng nghe, tôi hiểu rằng câu chuyện này tôi không có quyền nhàm chán. Thứ nhất là để Quyên có dịp tuôn trào nỗi uất ức mà tôi không hiểu nàng ngày xưa. Thứ hai, đây là "hình phạt" mà tôi phải chịu vì cái tội cứng đầu ngày xưa không biết lắng nghe! Thứ ba nếu tôi không nghe nàng nói có nghĩa là tôi gạt bỏ, như vậy tôi đã trở thành con người cũ của tôi trước đây không biết lắng nghe sẽ kích thích khiến Quyên mắc bệnh trở lại là điều rất có thể.

Anh biết không, đứng trước bàn thờ, em oà lên khóc vì không ai hiểu em, em chỉ còn hy vọng duy nhất là Thiên Chúa, chỉ có ngài hiểu em vì ngài là đấng toàn năng. Tự nhiên em thét lên: "Lạy Chúa con bị bệnh gì xin Chúa chữa con, giúp con kiếm được thầy thuốc". Từ hôm ấy Thiên chúa đã chữa em, em tin ngài đã nhận lời. Có lẽ ngài soi sáng cho em bắt anh đưa em đến gặp bác sĩ tâm thần, chúa đã nhậm lời em vì ngài đã trả lại cho anh "trái tim bằng thịt" thay vì là chai đá. Anh đã biết lắng nghe, đồng ý đưa em đi bác sĩ và yêu cầu bác sĩ gia đình giới thiệu đến bác sĩ chuyên môn còn mấy bác sĩ đa khoa chẳng hiểu em tí nào cả.

* * *

Chúng tôi đến gặp vị bác sĩ tâm thần (Psychiatrist) người Tích Lan da ngăm đen, thoạt đầu tôi tưởng ông là người Ấn Độ. Tôi trao cho ông bức thư (report) từ bác sĩ gia đình, ông liếc sơ qua và bình thản nhìn chúng tôi. Thay vì hỏi bệnh nhân như mọi bác sĩ khác, vị bác sĩ này lại nói cho tôi nghe một loạt những "tật xấu" của vợ tôi!

- Đây là đúa con đầu lòng của bạn"

- Dạ!

Ông nhìn Tracey con gái của chúng tôi hỏi xã giao: "How old are you""

Tracey thẹn thùng. Tôi trả lời thay: "3 tuổi (She's three)"

- Vợ của bạn mất ngủ nhiều"

- Dạ!

- Vợ của bạn dễ xúc động, sợ coi film, tin tức hoặc những hình ảnh có sự chết chóc, chảy máu, bạo động, tai nạn xe cộ...

- Dạ!

- Trước kia cô ta vui tươi yêu đời, bây giờ ngược lại, không thích tiếp xúc bạn bè, không thích vui chơi, trở nên rất tiêu cực (Negative self thought)

- Dạ!

-Cô ta hay lo sợ vô lý như kiểm soát cửa nhà mặc dầu đã xem xét khóa đi khóa lại nhiều lần"

- Dạ!

- Cô ta hay sợ một chứng bệnh hiểm nghèo nào đó, sợ dơ bẩn quá đáng ví dụ rửa tay nhiều lần"

- Dạ!

- Vợ bạn rất nóng tánh, gắt gỏng với bạn và con cái"

- Dạ!

- Vợ bạn đôi khi có ý tưởng tự tử, chán ghét cuộc sống"

- Dạ!

- Cô ta tỏ ra không thương con hoặc ít thương con"

- Dạ!

Tôi hết sức ngạc nhiên và khâm phục. Chưa một bác sĩ nào chúng tôi đã gặp nói và hiểu biết như bác sĩ này, Tánh tình của vợ tôi mà sao ông hiểu rõ thế! Ông rút trong ngăn kéo, lấy ra một miếng giấy có in hai hình bộ não giống nhau nhưng màu sắc hơi khác, ông chỉ vào hình thứ nhất và giải thích:

- Đây là bộ não con người. Chung quanh màng não luôn luôn được bao phủ bởi một lượng nguyên tố hoá học nhất định để bộ não hoạt động bình thường.

Ông chỉ sang tấm hình bên cạnh và tiếp tục giải thích:

- Đây cũng là bộ não con người, tuy nhiên! Mức độ của những nguyên tố hoá học chung quanh bộ não ít hơn làm cho bộ não hoạt động không bình thường.

Tôi đồng ý: Xe có nhớt và nước đầy đủ thì chạy ngon, cạn nhớt hoặc nước thì máy nóng là lẽ dĩ nhiên. Hơn nữa trách nhiệm là một "thông dịch viên" tôi cứ phải nói như một cái máy cho vợ tôi nghe . Vị bác sĩ chậm rãi tiếp tục giải thích:

- Tất cả mọi cử động, hoạt động, sự cảm nhận ngoại cảnh và sự đáp lại đều được điều khiển bằng bộ não, một khi bộ não không bình thường thì họ cảm nhận không bình thường vì vậy hành động cũng không bình thường. Họ thường có những triệu chứng như tôi đã nói ở lúc nãy.

- Như vậy vợ tôi là người mắc bệnh" - Tôi thắc mắc và lo lắng...

- Đúng thế! Cô ta bị bệnh depression.

Cái số kiếp làm thông dịch viên bất đắc dĩ vẫn theo đuổi tôi. Tôi đã phải dịch những câu độc đáo chưa từng thấy trong tự điển: nào là trúng gió, cạo gió, lể, giác, nóng và mát trong người... và những chữ ít khi dùng đến như tiểu đường, tăng xông và bây giờ đến lượt dịch cho vợ tôi hiểu chữ Depression! (Sau này tôi thấy có vài người dịch chữ depression là suy sụp thần kinh, có ngưòi gọi là bệnh trầm cảm.) Thoáng qua trí tưởng tượng tôi thầm nhủ: Không lẽ Quyên bị điên thật sao! Nhưng phải dịch như thế nào để nàng hiểu và tránh được sự xúc động quá mức! Thấy tôi bối rối vị bác sĩ hỏi tôi:

- Bạn làm nghề gì" (What's your background)

- Tôi học về điện.

- Tốt lắm, như vây bạn biết đá Nam Châm và bản chất từ tính của nó"

- Vâng tôi hiểu rõ bản chất của nam châm.

- Nam châm là một vật thể được cấu trúc bằng thép có nhiều chất than, ta có thể nhìn thấy, sờ mó được. Tuy nhiên từ tính của nó ta không nhìn thấy, không sờ mó được nhưng đưa vào gần sắt nó sẽ hút, lực hút của nó ta cảm nhận được. Ta cũng có thể phá hủy từ tính của nam châm khiến nó không còn (hút) hấp dẫn chất sắt nữa. Ngược lại ta có thể làm miếng thép trở thành nam châm.

- Vâng tôi hiểu điều ấy.

- Bộ não và chứng bệnh tâm thần cũng vậy. Chúng ta không thể nhìn thấy hoặc sờ thấy tâm thần bị hủy hoại nhưng sự ảnh hưởng của nó vô cùng tệ hại. Người bị chứng bệnh này họ đau khổ vô cùng. Không riêng gì họ, mà người chung quanh cũng bị ảnh hưởng. Bệnh nhân tựa như cục nam châm mất từ tính, người xung quanh là những mảnh sắt lân cận. Bệnh nhân tâm thần không hấp dẫn người chung quanh, người chung quanh không thích người bệnh vì họ khó tính, gắt gỏng, thiếu nhã nhặn đối với ngườì thân.

- Như vậy có cách nào chữa chứng bệnh này không, có hy vọng gì không, thưa Bác sĩ"

- Bạn đừng lo, nó cũng như mọi chứng bệnh khác như mưng mủ làm độc thì có thuốc trụ sinh, cảm cúm nhức đầu thì có Panadol. Nếu sác suất chất hóa học trong não vì một lý do gì bị giảm đi gây nên bệnh thì ta phải tìm cách tăng cường chất đó lên để chữa bệnh. Đơn giản vậy thôi! Có một điều là sự giúp đỡ bệnh nhân tâm thần không giống sự gíup đỡ bệnh nhân đau lưng hoặc gẫy chân. Thay vì dìu dắt, bồng bế, đối với bệnh nhân tâm thần bạn cần hiểu họ, thông cảm và an ủi họ cho dù bạn cảm thấy khó chịu với lối cư xử của họ. Bạn phải tin rằng lối ứng xử thiếu tế nhị, tiêu cực, thụ động không vui tươì từ nơi họ không phải là bản chất của họ mà chính là hậu quả của chứng bệnh Trầm Cảm.

* * *

- Anh ơi! Cả tuần nay em không ngủ được tí nào, em mệt quá, em chỉ muốn chết đi cho xong.

- Đừng nói vớ vẩn! Em không có quyền chết, em mất ngủ cả năm nay rồi, mất ngủ thêm một hai ngày nữa cũng không sao, người ta chết vì bệnh hoạn, chiến tranh, tai nạn xe cộ, chưa có ai chết vì mất ngủ cả! Bác sĩ nào cũng khuyên em nên tập thể dục, đi dạo chơi, làm vườn, đọc truyện tìm mọi cách giải trí, mình phải tập suy nghĩ một cách tích cực không nên bi quan chán nản vớ vẩn... Mình phải hoạt động để máu lưu thông, cơ thể có mệt mình ngủ mới say, em thấy anh không, đi làm về mệt lăn ra giường là ngủ như chết cho đến sáng, còn em tối cũng nằm, sáng cũng nằm làm sao mà ngủ được!

- Em mệt nên em phải nghỉ, em chỉ mong chớp mắt được một tí mà cũng không được, đã nhiều lần em làm vườn và tập thể dục mệt đờ người mà vẫn không ngủ được, hay là anh xin việc cho em đi làm!

- Con mình còn nhỏ, anh muốn em cho con bú sữa mẹ ít nhất 6 tháng rồi đổi sữa bởi vì sữa mẹ gíup con mình có được những kháng thể tốt, hỏn nữa nếu mình gởi con nhà trẻ, tiền lương em đi làm không bõ tiền gởi con, đã vậy sáng sớm con mình đang ngủ phải lôi nó dậy, tối về anh phải đón con và tắm rửa cho nó trong lúc em phải lục đục nấu ăn, anh thấy vất vả quá, chẳng có thờì gian cho nhau, chẳng có thời gian cho con. Đã đành 2 đứa mình chấp nhận vất vả nhưng tại sao mình lại bắt con mình là đứa bé sơ sinh phải san sẻ nỗi vất vả ấy chứ" Chỉ vì nó không biết nói, nếu nó biết nói chắc chắn nó sẽ phản đối. Không một thú vật nào trên trái đất này không ấp ủ con, không cho con bú sữa mẹ, chỉ có loài người văn minh quá nên mới đưa con cho kẻ khác chăm sóc, mới lấy sữa của loài thú khác cho con mình bú! Riêng anh, nhận thấy ấp ủ con mình, cho con bú sữa mẹ là những món ăn thiêng liêng bổ dưỡng cả tinh thần cũng như thể xác. Tạo hóa đã ban cho trẻ thơ những món ăn vô giá ấy mình không có quyền cấm cản hoặc cắt xén .

* * *

- Anh ơi! Anh ra check lại cửa nhà dùm, em nhớ lúc nãy khóa rồi nhưng anh coi lại lần nữa cho chắc đi.

- Anh lạy em! Nhắm mắt lại ngủ đi, đừng nghĩ gì hết, cứ nghĩ vớ vẩn như vậy mất ngủ là phải!

- Nếu anh không check cửa dùm em, anh không ngủ được với em đâu.

Tôi làm lơ không trả lời, quay sang một bên.

- Đi Anh!...

- Nếu em muốn thì tự em ra check, anh lên giường là để ngủ, trễ rồi.

- Em sợ, nếu em không sợ thì em đâu cần nhờ anh.

- Nhà mình mà em sợ cái gì"

- Em không biết, nhưng anh check cửa dùm em đi.

- Anh nói không là không. Tối nào cũng vậy, cứ lên giường rồi bắt người ta ra check cửa là cái gì"

- Biết đâu em khóa chưa chắc rồi có thằng nào nó lén vào, nó đâm chết anh, chết con thì sao"

- Nhà mình còn mấy con mực khô phải không" Cứ để nó vào, anh sẽ mời nó ngồi uống bia với anh. - Tôi hạ giọng đùa cợt đánh trống lảng.

- Đi Anh!

- Trời ơi! Em không quên đi được sao"

- Hay là Anh dẫn em ra ngoài thôi, để em check cũng được.

- Em đúng là con nít! Nếu anh dẫn em ra thì anh làm... mẹ nó cho rồi!

Cuối cùng tôi cũng không thể thắng được sự mèo nheo của nàng, đành phải bước ra, cố tình đưa tay vặn ổ khóa kêu lách cách cho Quyên nghe rõ để nàng yên tâm và tôi bước vào giường.

* * *

- Đống quần áo này mớì giặt hôm qua mà sao em phải giặt lại"

- Tại tối hôm qua đi chơi về trễ, không lấy vào sớm để quần áo phơi sương em sợ bị bệnh cùi!

- Sang đến bên này rồi mà em còn nói như vậy được sao" Anh đã giải thích cho em bao nhiêu lần rồi, em không nhớ được sao"

- Người ta bảo vi trùng cùi nó bay theo sương bám vào quần áo.

- Thôi đi! Nếu nó ẩm thì mang ra phơi, hôm nay trời nắng tốt. Nếu em cần bộ nào gấp cho con mặc thì bỏ vào sấy, nếu giả sử có vi trùng thì nó cũng phải chết, làm gì mà sợ.

Sau này tôi mới hiểu được Quyên bị ám ảnh bởì những tấm hình triển lãm cứu trợ nạn nhân bệnh cùi do một nhóm thanh niên thiện chí tổ chức ở Footscray Park nhân hội chợ tết 1994 mặc dù hôm ấy Quyên cảm thương và ủng hộ hết lòng.

* * *

- Anh có yêu em không"

- Có. Anh yêu em. Thôi ngủ đi đừng hỏi nữa. - Tôi hôn Quyên âu yếm.

- Em xấu hơn nhiều người anh quen mà lại không có học sao anh lại cưới em"

- Sao em lại nói như vậy" Em không nên đánh giá em qúa thấp, không nên tự ty mặc cảm như vậy. Nếu em mặc quần áo và trang điểm lên rồi đưa lên màn ảnh thì cũng đâu thua gì các cô tài tử điện ảnh.

- Anh nói vậy để em vui chớ gì! Em không tin đâu. Sao anh lại chọn em mà không chọn người khác"

- Em cứ tin rằng anh yêu em nên anh cưới em. Em không thể so sánh em với mấy người bạn của anh. Em có nhiều điểm phù hợp với anh so với bạn của anh nên anh cưới em. Anh chọn em vì em không xấu, duyên dáng, không kiêu xa như nhiều người khác. Cũng có thể anh muốn chọn người khác nhưng người ta đâu thèm chọn anh bởi vì anh vô gia cư không cha mẹ, ai biết anh là người tốt hay xấu. Anh yêu em, anh chọn em vì em nhận lờì anh tỏ tình vô điều kiện, em nói rằng em rất vui vì em đã có anh, em không hề nghi ngờ anh lợi dụng em như những cô gái khác.

- Anh giấu em, em không tin đâu. Có phải bên này ít con gái nên anh cưới đại em chứ anh đâu có yêu em phải không"

- Em hỏi anh kỳ cục qúa vây. Lập gia đình đâu phải là trò chơi. Anh cưới em dĩ nhiên có sự lựa chọn, là con người ai cũng bất toàn. Anh chọn em bởì vì những điểm em phù hợp với anh nhiều hơn những điểm không phù hợp.

- Vây em không phù hợp anh những điểm gì"

- Thôi đi! đừng nói nữa. Mình đã có con rồi chớ đâu phải là mớì quen nhau đâu. Cứ nói đi nói lại chuyện này hoài mệt qúa à.

- Anh! Có phải anh hối hận lắm đã cưới em phải không"

- Ừ ! đừng nói nữa ngủ đi...

Kể từ buổi tâm tình tối hôm đấy tôi đã lầm lỡ nên đã bị "chụp mũ" bị mắc phải cái bẫy mà giờ này tôi vẫn chưa hoàn toàn gỡ bỏ được: "Anh hối hân đã cưới em!" Tôi đau khổ nhiều mỗi lần Quyên nhắc đến cụm từ này. Tôi không thể giải thích cách nào cho thỏa đáng, càng giải thích, tôi càng trở thành "cái lưỡi không xương..."

* * *

Anh còn yêu em không" Anh thấy em có đẹp không" Anh hối hận đã cưới em hả... Hình như nhà mình có ma... Không biết em đã khóa của chưa" Hình như có ai rình nhà mình! Rõ ràng em nghe tiếng động... Anh ơi em muốn chết... Anh ơi em điên mất rồi... Anh ơi em không ngủ được... Anh chẳng hiểu em... Tại vì anh cho nên...

Tất cả những câu nói như vậy được lập đi lập lại, khiến tôi khó chịu. Nhiều khi tôi phải cáu gắt lên vì tôi cảm thấy bị bất tín nhưng tôi không biết làm gì hơn nên lại phải "giảng bài" với tựa đề cũ rích. Sự thiếu thông cảm nhau nhiều ngày cứ chồng chất, nhiều khi chúng tôi giận nhau cả tuần, thậm chí từ rất tối kỵ: "Ly Dị" cũng được mang ra thách thức nhau. Hai chúng tôi rất khổ tâm nhưng người khổ nhất vẫn là con gái của chúng tôi. Chúng tôi không hiểu nhau, cũng chẳng có một bác sĩ nào hiểu Quyên cả. Cuối cùng nàng đã tự hiểu nàng mà nàng tin rằng do sự soi sáng của Thiên Chúa khi nàng khẩn thiết kêu cầu dưới chân ngài. Nếu Quyên cảm tạ Thiên Chúa đã giúp nàng chữa bệnh Trầm Cảm thì tôi cảm tạ Thiên Chúa đã cứu sống hạnh phúc gia đình tôi, ngài cũng đã chữa luôn chứng bệnh "mù và điếc" của tôi qua tay vị bác sĩ người Tích Lan kia. Quyên đã bị Trầm Cảm rất nặng sau khi sanh (post natal depression) Quyên đã tìm ra thuốc, tuy nhiên phải uống thuốc hàng ngày. Dẫu sao chúng tôi đã tìm ra đúng thầy đúng thuốc. Tìm đúng bác sĩ không những trị được bệnh Trầm Cảm của Quyên mà trị luôn chứng bệnh bảo thủ của chính tôi.

Hoàng Tâm (St Albans Victoria)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.