Hôm nay,  

Mùa Chay: Bài Học Về Sám Hối, Ăn Năn

10/04/200400:00:00(Xem: 4731)
Tuần này người Ki-Tô Giáo gọi là Tuần Thánh, một tuần lễ với nhiều nghi thức tôn giáo được cử hành để suy niệm về cuộc khổ nạn của Giêsu. Một tuần lễ tôn nghiêm nhất trong đời sống tâm linh của những ai tin vào Đấng Cứu Thế.
Mấy tuần trước, phim The Passion of the Christ (Cuộc Khổ Nạn của Đấng Cứu Thế) về những giờ phút cuối cùng của Giêsu được trình chiếu và hiện có số khán giả kỷ lục. Một hai tuần đầu, những xuất chiếu phim đều đông người xem, có cả trẻ em được phụ huynh dẫn theo, dù phim có nhiều đoạn rất bạo động với cực hình dã man, máu chảy lai láng.
Người Mỹ kéo nhau đi xem phim này thì không phải là điều ngạc nhiên, vì Hoa Kỳ là một quốc gia mà đại đa số người dân là tín đồ Thiên Chúa Giáo. Từ nhỏ họ đã biết nhiều về Giêsu qua những lời giảng trong thánh đường, qua sự học hỏi thánh kinh. Phim chỉ là hình thức làm sống lại lịch sử mà những người Thiên Chúa Giáo đã học qua.
Phim về cuộc đời của Giêsu thì đã có nhiều, được chiếu nhiều qua màn hình ti vi, nhưng Passion là một phim của màn ảnh lớn. Một người Ki-Tô Giáo ở bất cứ đâu, không cần hiểu ngôn ngữ, không cần có khả năng đọc phụ đề trong phim, cũng có thể hiểu được Passion với nhiều chi tiết diễn đạt trong đó.
Khoảng 40 ngày trước khi Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, Ngài đã vào một nơi rừng núi hoang vu để cầu nguyện và bị cám dỗ đủ điều bởi ma quỷ. Bị dân Israel ghét vì suốt cuộc đời Giêsu đã nói những điều như không tưởng - thuộc về tín lý và thần quyền - và làm những điều khó tin - những phép lạ như chữa cho người mù trông thấy, người câm nói được, người chết sống lại, biến nước thành rượu. Dân Israel cho đó là những hành vi ngạo mạn nên Giêsu đã bị kết án, bị tra tấn, bị cho đội triều thiên bằng gai nhọn và gán cho tước hiệu: Vua Israel.
Nhưng Giêsu không phải là người của trần thế bình thường. Giêsu đã xuống thế để cứu chuộc tội của con người. Đó là tín lý của những người Ki-Tô Giáo. Chính nhờ niềm tin này mà nhiều người đã có thể trải qua biết bao thử thách, cam go trong cuộc sống.
Cuộc khổ nạn bắt đầu khi Giuđa trao một cái hôn phản bội, trị giá 30 đồng bạc, để rồi Giêsu bị nhận diện và bị bắt. Phép lạ đã xảy ra, khi Giêsu chữa lành cho một kẻ dữ vừa bị môn đệ của Ngài chém đứt tai. Ngài cũng còn tiên đoán trước là Phêrô, vị tông đồ cả, vì lo sợ bị liên lụy sẽ chối bỏ Giêsu ba lần. Nếu tin Giêsu là con người của công chính và lẽ phải, thì nhiều người trong chúng ta đã chối từ Giêsu không chỉ ba lần mà rất nhiều lần trong đời sống.

Passion là hình ảnh sống động của 14 chặng Đường Thánh Giá có trong các nhà thờ công giáo. Đối với nhiều người công giáo Việt Nam thì sinh hoạt trong Tuần Thánh còn có ngắm 15 sự thương khó để tín hữu suy ngẫm trước khi thực hiện nghi thức đóng đanh, tháo đanh và táng xác Giêsu trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh.
Chặng đường khổ nạn của Giêsu còn là phản ánh niềm xót xa, nỗi đau thương của những con người trần thế, với Simon không cùng tôn giáo mà đã phải vác thánh giá giúp Giêsu, với bà mẹ Maria sầu não con nhìn con bị hành hạ, với Matđalêna và Gioan luôn theo chân, với người phụ nữ Veronica can đảm lấy khăn ra lau khuôn mặt đẫm máu của Giêsu.
Phim đầy rẫy những cảnh tra tấn, đánh đập, đầy mồ hôi và máu để nhấn mạnh một tín lý là Giêsu chịu cực hình, chịu chết là vì tội lỗi của con người.
Trong sinh hoạt của Ki-Tô Giáo có hai mùa lễ chính: mùa Vọng, chờ đón Chúa giáng trần. Bốn tuần lễ mùa Vọng, tín hữu chuẩn bị tâm hồn để đón mừng ngày Giêsu ra đời mà cao điểm là những nghi thức mừng lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 mỗi năm.
Mùa lễ thứ hai là mùa Chay, kéo dài sáu tuần, suy niệm cuộc khổ nạn của Giêsu, một người được sinh ra cách đây hơn hai nghìn năm và đã bị đóng đinh trên Thập Tự Giá khi mới ngoài 30 tuổi. Mùa Chay bắt đầu vào ngày thứ Tư Lễ Tro, rơi vào khoảng thời gian từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 tây lịch. Trong ngày này, tín hữu đến thánh đường dự lễ và được in dấu tro lên đầu hay trên trán làm dấu chỉ để xác tín là con người đến từ tro bụi và rồi cũng sẽ trở về cùng với bụi tro. Cuộc sống nơi trần thế này rồi cũng qua đi, còn lại điều vĩnh cửu là linh hồn.
Linh hồn là một cái gì đó trừu tượng, mang tính linh thiêng. Theo nghĩa thông thường, linh hồn có thể hiểu như là một tâm hồn, tức tư duy của mỗi cá thể. Tư duy cao thượng dẫn đến hành động tốt đẹp, tư duy thấp hèn dẫn đến xấu xa. Nhưng dù có tâm hồn cao thượng, con người trần thế không sao tránh khỏi những lỗi lầm.
Trong Passion có câu chuyện của một phụ nữ phạm tội ngoại tình, một trọng tội đáng bị ném đá cho chết theo luật Môisen. Giêsu nói với những kẻ đòi ném đá rằng nếu ai trong họ không có tội thì hãy ném đá vào người phụ nữ đó. Từ từ mọi người bỏ đi, chỉ còn lại Giêsu và người đàn bà. Giêsu không kết án bà ấy mà chỉ nói: bà hãy về đi và đừng phạm tội nữa.
Đó là bài học về sự sám hối và lòng ăn năn. Những điều này thì mọi tôn giáo đều có dạy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.