Hôm nay,  

Phá Tảng Băng Ngầm

26/03/200200:00:00(Xem: 3829)
Chuyện nước giầu cần giúp nước nghèo đã được nói đến quá nhiều ở các diễn đàn quốc tế từ mấy chục năm nay, khiến đề tài đã quá nhàm. Trên thực tế cái "giúp" chẳng đem lại hiệu quả bao nhiêu và phần lớn khi đã viện trợ, người ta muốn có lợi riêng thu về chớ không mấy ai chịu cho không. Vậy tại sao trong cuộc họp thượng đỉnh tuần qua tại Mễ Tây Cơ, các vị lãnh đạo 50 nước đã mau lẹ đưa ra tuyên ngôn "Đồng thuận Monterey", kêu gọi những nước giầu góp thêm hàng tỷ đô la giúp những nước nghèo và lập ra một quỹ viện trợ với chương trình cụ thể"

Khi bọn khủng bố đánh vào nước Mỹ ngày 11-9 năm ngoái, chúng tôi đã viết vụ này chỉ là mỏm đầu lộ ra trên mặt nước của một tảng băng ngầm khổng lồ chìm dưới mặt biển. Cuộc họp ở Monterey có nghĩa là người ta đã bắt đầu phá tảng băng ngầm đó. Cuộc họp do LHQ bảo trợ có tên là Hội nghị quốc tế Tài trợ Phát triển đã kết thúc ngày thứ sáu tuần qua. Các nhà lãnh đạo đã nhận chân một thực tế không thể đóng vai đạo đức giả, nói mà không làm. Họ nhìn nhận cung cấp viện trợ không còn là một chuyện "bác ái" để nói, mà là một nhu cầu để làm. Vì khi giúp nước nghèo, các nước giầu sẽ tạo ra những thị trường tiêu thụ tốt hơn cho các sản phẩm của họ. Nhưng không phải chỉ có vậy. Tiêu diệt nghèo khổ là tiêu diệt một môi trường giúp cho nạn khủng bố nẩy mầm. Mục tiêu này quan trọng và cần gấp hơn cả thị trường tốt.

Hơn nửa dân số thế giới ngày nay chỉ có lợi tức trung bình dưới 2 Mỹ kim một ngày, bởi vậy các nước giầu cần phải bỏ thêm nhiều tiền. Nhưng giúp với điều kiện nào" Vấn đề chính trị không được đặt ra, chỉ có vấn đề xã hội. Hàng tỷ đô la sẽ được bơm cho các nước nghèo, chỉ cần đòi hỏi các nước nghèo ổn định chính quyền và nền kinh tế của họ. Các nhà lãnh đạo 50 nước ra tuyên bố nói các nước giầu có bổn phận bỏ tiền ra giúp, đối lại các nước nghèo cũng có bổn phận tranh đấu chống tham nhũng, xây dựng kinh tế vững chắc và lành mạnh, và phải sử dụng các khoản tiền viện trợ hữu hiệu hơn. Như vậy bất luận các nước có chế độ theo khuynh hướng chính trị nào cũng có thể được viện trợ chăng". Viện trợ quốc tế đòi hỏi một chính quyền ổn định và kinh tế lành mạnh là đủ nói lên một điều có ý nghĩa nhất: một chế độ độc tài đàn áp không thể nào có ổn định và một nền kinh tế tập đoàn tham nhũng lũng loạn không thể nào gọi là kinh tế lành mạnh.

Tổng Thống Bush đến dự Hội nghị đã tuyên bố rõ rệt hơn về chủ trương viện trợ cho nước nghèo: "Chúng ta sẽ quyết đấu với nạn nghèo khó và sự tuyệt vọng, sự thiếu giáo dục và những chính quyền đã thất bại, cho phép nẩy nở những hoàn cảnh để bọn khủng bố nắm lấy, chuyển sang thế có lợi cho chúng". Tổng Thống Zine el-Abidine Ben Ali của nước Tunisia nói thế giới sẽ không sống trong hòa bình nếu nạn nghèo khổ không bị diệt diệt. Hòa bình và an ninh sẽ không thể có trên thế giới nếu không xóa bỏ được mọi hình thức nghèo khổ, mọi hình thức nhằm gạt ra bên lề hay loại trừ. Hai quan điểm tuy khác nhau về góc nhìn nhưng cùng chung một mục tiêu. Điều đáng chú ý là những cuộc họp thượng đỉnh có tính quốc tế cho đến nay vẫn bị các nhóm phê phán biểu tình chống đối, nhưng cuộc họp Monterey là cuộc họp quốc tế đầu tiên không có biểu tình phá rối. Các tay hoạt động chống các cuộc họp quốc tế nói sở dĩ không có biểu tình lớn là vì các nhà lãnh đạo thế giới nay đã bàn vào những đề tài mà chính họ đã vận động tranh đấu. Nhưng họ cảnh cáo nếu lời nói không đi đôi với việc làm, họ lại xuống đường.

Vậy việc làm như thế nào" Mọi con mắt đều nhìn về Mỹ, vì Mỹ là nước giầu nhất. Tổng Thống Bush cho biết kế hoạch của ông là gia tăng ngoại viện hàng năm thêm 50%; hiện nay ngoại viện của Mỹ là 10 tỷ đô la một năm và sẽ tăng dần đến 15 tỷ vào năm 2006. Thế giới vẫn phàn nàn Mỹ giầu mà giúp nước nghèo quá ít, chỉ bằng 0.1% tổng sản lượng nội địa, còn ít hơn viện trợ của các nước giầu khác. Nhưng TT Bush cũng có lời biện luận giải thích. Ông nói: "Từ mấy chục năm nay sự thành công của viện trợ phát triển chỉ được đo lường bằng số tiền cấp, chớ không phải bằng kết quả đạt được". Bởi vậy ông đòi điều kiện "các nước đang phát triển, cứ mỗi đô-la nhận được viện trợ là phải có khả năng thâu hút 2 đô la của lãnh vực tư doanh đầu tư".

Cuộc họp thượng đỉnh Monterey đã kết thúc với một sự đồng thuận về mục tiêu chung các nước giầu gia tăng viện trợ để xóa bỏ nạn nghèo trên thế giới. Tất cả những nhân vật trong 50 phái đoàn tham dự đều đã nhìn nhận trực tiếp hay gián tiếp tùy theo hoàn cảnh, một điểm căn bản: nghèo khổ là môi trường bị bọn khủng bố lợi dụng gây chia rẽ và phá hoại.

Nhiều đề nghị đã đưa ra để xóa bỏ nạn nghèo khổ, nhưng phá được tảng băng ngầm không phải là chuyện dễ và không phải chỉ tung tiền viện trợ thật nhiều là có thể làm được. Những điều kiện đưa ra về cải thiện kinh tế và xã hội đều đúng, nhưng tất cả chỉ là những nhát búa chỉ có thể làm bể được mảnh vỏ của tảng băng chớ nhất thời không thể làm nó tan biến.

Tảng băng đó tuy lớn, nhưng nó cũng có chỗ yếu nhất của nó, chỉ cần nhằm vào đó mà đánh mới có thể tận diệt được nó. Chỗ yếu đó là nạn ngu dốt. Chính sự ngu dốt bị khủng bố lợi dụng chớ không phải sự nghèo khổ bị lợi dụng. Dân Việt Nam từ lâu đã có một câu nói mỉa mai nhưng rất hiện thực. Đó là công thức: Hăng + Dốt = Phá Hoại. Đã hăng thì đừng có dốt. Mà đã dốt thì chớ có hăng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.