Hôm nay,  

Chúng Ta Đã Thắng Ở Việt-nam Như Thế Nào?

15/03/200100:00:00(Xem: 4419)
Heritage Foundation, Policy Review, December 2000 - January 2001

Nguyễn Q. Khải chuyển ngữ với sự chấp thuận của GS Đinh D. Việt và Heritage Foundation. Tuy nhiên người dịch chịu hoàn toàn trách nhiệm về vấn đề dịch thuật.

Giới thiệu: Tiến Sĩ Đinh D. Việt là Giáo Sư và Phụ Tá Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Luật Pháp Á Châu và Chính Sách của Georgetown University. TS Việt tốt nghiệp Đại Học Harvard, đã từng phục vụ tại Tối Cao Pháp Viện Hoa-Kỳ và văn phòng Thượng Viện. Một số việc làm của ông liên quan đến vụ án Whitewater và vụ án xử tội Tổng Thống Clinton. GS Việt vừa được Tổng Thống Bush đề cử làm Thứ Trưởng Tư Pháp chuyên về chính sách pháp lý (Assistant Attorney General for Legal Policy). Việc bổ nhiệm sẽ phải được xác nhận bởi Thượng Viện.
*
Chính sách của Hoa-Kỳ đối với Việt-Nam đã phát triển mạnh mẽ trong hai năm vừa qua. Các phái đoàn Quốc Hội do các TNS Richard Shelby and Chuck Hagel cầm đầu đã đến Việt-Nam, tiếp theo là cuộc viếng thăm của Bộ Trưởng Ngoại Giao Madeleine Albright. Vào tháng 3, 2000, trong khi Việt-Nam tung ra chiến dịch tuyên truyền để ăn mừng 25 năm kỷ niệm Chiến Thắng của Cộng Sản, ô. William Cohen trở thành Bộ Trưởng Quốc Phòng đầu tiên đến thăm Việt-Nam kể từ khi chiến tranh chấm dứt. Vào mùa hè vừa qua, Hoa-Kỳ và Việt-Nam đã ký thỏa hiệp thương mại song phương và đầu tư và có thể dẫn đến việc bình thường hóa hoàn toàn liên hệ kinh tế - một quãng đường khá xa kể từ khi Hoa-Kỳ chủ xướng một cuộc cấm vận quốc tế chống lại Việt-Nam vào năm 1975. Kết quả của những tiến triển này là chuyến đi của Tổng Thống Clinton vào tháng 11, 2000, một cuộc viếng thăm Việt-Nam đầu tiên của một vị tổng thống kể từ khi ô. Richard Nixon tới Việt-Nam vào tháng 7, 1969. Mức độ chú ý này rất là đặc biệt đối với bất cứ một quốc gia nào khác có cùng một cỡ và tầm quan trọng.

Nhưng dĩ nhiên Việt-Nam không chỉ là một quốc gia có một ý nghĩa quốc tế không đáng kể. Đây là một cái tên vẫn còn ăn sâu vào tâm lý của người Mỹ, nhắc nhở chúng ta một cách không thoải mãi đến những sai lầm. Sự chú ý đến một quốc gia đang bị khốn đốn ở bên kia trái đất không những chỉ biểu hiệu cho việc thi hành một chính sách ngoại giao ở một mức độ đáng kể, nhưng cũng là một cố gắng của một quốc gia phải đối phó với lịch sử đau thương. Đây không phải chỉ là những gì chúng ta sẽ làm đối với Việt-Nam mà còn là những gì chúng ta nghĩ về chính chúng ta.

Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara khởi xướng một đợt tự kiểm với việc xuất bản cuốn sách "Argument Without End" vào năm 1999. "Thẩm định lại" và "kết thúc" trở thành những từ ngữ của tiến trình chữa bệnh tập thể.

Đề tài chính của những công trình nghiên cứu nhân dịp kỷ niệm 25 năm chiến tranh chấm dứt (kỷ niệm Kent State năm thứ 30) là kiểm điểm lại những sai lầm và suy xét nhầm lẫn trong suốt chiến tranh. Bài phân tích này cố gắng để chữa cho Hoa-Kỳ khỏi hội chứng Việt-Nam - mối lo sợ dai dẳng về chiến tranh ngăn cản Hoa-Kỳ can thiệp vào những nước khác. Biết hoặc ít nhất nghĩ rằng chúng ta biết những lỗi lầm của chúng ta, chúng ta có thể tiến tới mà không bị vướng víu bởi kinh nghiệm. Thừa nhận những lỗi lầm làm cho việc hòa giải dễ dàng - không những giữa chúng ta và kẻ thù cũ, nhưng quan trọng hơn, giữa những phe xung đột và giữa chúng ta với nhau.

Với tư cách một người khách của Quỹ Tài Trợ Đài Tưởng Niệm Cựu Quân Nhân Chiến Đấu tại Việt-Nam (Vietnam Veterans Memorial Foundation), vào tháng 4, 2000, tôi đã trở về một quốc gia mà tôi đã bỏ chạy. Cuộc thăm viếng này mang nhiều ý nghĩa tượng trưng. Những người đã xây bức Tường Tưởng Niệm những người đã tử trận trong thất bại đã dơ tay ra đón những người đã sống qua chiến thắng. Và chúng ta đã chứng kiến những giây phút thật sự đáng lưu ý: Những cựu chiến binh Hoa-Kỳ chào mừng và có lúc khóc với những cựu chiến binh Việt-Nam; Những nhà lãnh đạo kinh doanh Hoa-Kỳ cố vấn những lãnh tụ chính trị của Việt-Nam về chính sách kinh tế. Những nhóm Việt-Nam yêu cầu Hoa-Kỳ giúp đỡ trong những dự án từ giáo dục tiểu học cho đến việc gỡ mìn.

Nhưng còn quá sớm để báo trước một thời đại của những cảm giác tốt. Dưới một lớp mỏng của những điều tượng trưng là một sự thật phức tạp hơn và bướng bỉnh hơn và những khó khăn khá lớn làm cản trở việc hòa giải hoàn toàn. Cũng vào tháng Tư, TNS John McCain đến Hà-Nội để nói chuyện một cách thẳng thắn. Nhớ đến sự đối sử tàn nhất của những tên cai tù, lưu tâm đến đàn áp sau chiến tranh của chế độ cộng sản, quan sát thấy nền văn hóa tham nhũng và quản trị sai lầm tại Việt-Nam, ô. McCain tuyên bố thẳng thừng, "Phe sai lầm đã thắng cuộc chiến." (the wrong side won the war). Khi những nhà lãnh đạo của nền Kinh Tế Mới như người sáng lập công ty AOL James Kimsey, chủ ngân hàng đầu tư Herbert Allison, và chủ tịch E-Trade Christos Cotsakos kêu gọi những lãnh tụ Việt-Nam hãy cải tổ ngay hạ tầng cơ sở về luật pháp, kinh tế, và kỹ thuật để giúp quốc gia hội nhập vào nền kinh tế thế giới, những viên chức Việt-Nam đáp lại với một chương trình cải tổ trong 20 năm. Đề nghị trợ giúp miễn phí một hạ tầng cơ sở Internet trị giá nhiều triệu Mỹ kim cho các cơ quan giáo dục đã bị từ chối một cách lễ phép với lý do là những dự án như vậy phải được chính phủ chấp thuận.

Sự thiếu hợp tác như vậy nhấn mạnh đến lý do thứ hai giải thích tại sao Việt-Nam quan trọng đối với Hoa-Kỳ. Cùng với Cuba, Bắc Hàn, và một số quốc gia khác, Việt-Nam là một trong những nước cuối cùng mà chính quyền còn bám chặt vào chế độ cộng sản chuyên chế. Sự đòi hỏi về thuần túy tư tưởng này không đứng vững, vì ở hầu hết các nơi khác, dân chúng thừa nhận rằng chế độ tư bản dân chủ mang lại một đời sống tốt, tự do và công bình. Tổng Thống Clinton vừa mới đây đã tuyên bố trong một bài diễn văn đọc tại Trung Tâm Luật Khoa của Georgetown University, "Tôi tin rằng thế kỷ 20 đã giải quyết rõ ràng một vấn đề lớn. Niềm hi vọng tốt nhất của nhân loại để có một tương lai hòa bình và thịnh vượng trông cậy vào những người có tự do và những chế độ dân chủ pháp trị với nền kinh tế thị trường." Về khía cạnh này, TNS McCain không đúng hoàn toàn khi nói rằng phe sai lầm đã thắng cuộc chiến. Hoa-Kỳ và đồng minh đã thua trận ở Việt-Nam nhưng đã thắng một cuộc chiến tranh lớn hơn và quan trọng hơn, đó là chiến tranh lạnh chống lại chủ nghĩa cộng sản khắp hoàn cầu.

Như vậy Việt-Nam tiếp tục quan trọng đối với Hoa-Kỳ bởi vì quốc gia này tượng trưng cho một trong những nơi giao tranh cuối cùng giữa những tư tưởng của chủ nghĩa tư bản dân chủ và cộng sản độc tài. Trong sự liên hệ với Việt-Nam sau chiến tranh về phương diện ngoại giao và kinh tế Hoa-Kỳ cũng theo đuổi cùng một tiêu như khi can thiệp quân sự trong thời chiến. Mục tiêu đó,xưa và nay, là phát triển lợi ích chiến lược của Hoa-Kỳ, cũng như là tôn trọng nhân quyền, và cải thiện đời sống của con người ở mọi nơi.

Tuy nhiên có một sự khác biệt quan trọng. Hoa-Kỳ và đồng minh dã chiến thắng trận chiến toàn cầu về ý thức hệ. Sự thành công hay thất bại trong cố gắng lôi cuốn Việt-Nam vào trong cộng đồng của những quốc gia dân chủ không làm thay đổi sự thắng lợi đó. Khác với các thập niên 1960 và 1970, bất cứ cái gì xẩy ra ở Việt-Nam bây giờ sẽ không có ảnh hưởng tai hại đến mục tiêu của chính sách ngoại giao toàn cầu của chúng ta. Như vậy, cái mâu thuẫn củaViệt-Nam là: Kể từ khi chúng ta thua chiến tranh Việt-Nam, chúng ta đã thắng chính cuộc chiến tranh đó.

Ý nghĩa của ngăn chặn

Trước hết, hãy nói qua về khía cạnh lịch sử liên quan đến mục tiêu và bối cảnh của chiến tranh. Mỹ từ của chiến tranh Việt-Nam là ngăn chặn. Trong nhiều thập niên sau khi Saigon thất thủ, những nhà phê bình chống chiến tranh đã chộp lấy mỹ từ đó và coi thường lý thuyết domino để chống lại sự khôn ngoan của chiến tranh. Lý luận của họ như sau: sau khi Việt-Nam (và Cao Miên và Lào) thất thủ, chủ nghĩa cộng sản đã không lan tràn ra khắp trong vùng. Do đó, chiến tranh là không cần thiết, thiếu cân nhắc kỹ lưỡng, trái với đạo đức, và có thể biện luận là không chính đáng. Nhưng ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Việt-Nam đi ra ngoài phạm vi quốc gia, vùng hoặc tầm với của những con cờ domino đổ ngã. Nó phản ảnh một chiến lược rộng lớn hơn nhằm duy trì một liên minh chống lại chế độ cộng sản.

Như đã được ô. George Kennan mô tả ngắn gọn trong "bức điện tín dài" nổi tiếng, lý thuyết ngăn chặn dựa vào hai định đề căn bản. Thứ nhất, khối cộng sản là một tảng đá lớn dắn chắn và như vậy sẽ là một mỗi đe dọa liên tục. Thứ hai, cũng như tảng đá lớn nguyên vẹn kia, khối Tây phương cũng không cho phép phòng tuyến ngăn chặn của họ có một khe hở nào cả. Khi khối cộng sản bắt đầu nứt rạn, rõ rệt nhất là giữa Nga Sô và Trung Quốc và định đề thứ nhất đã chứng tỏ là không đúng, chính sách [của khối Tây phương] cần phải được duyệt xét lại vì đã tiên đoán rằng nếu phòng tuyến ngăn chặn bị chọc thủng sẽ đưa đến một kết thúc thê thảm. Tuy nhiên, đây không có nghĩa rằng định đề thứ hai cần phải bị hoặc đã bị bác bỏ. Như ô. Henry Kissinger đã lý luận trong bài tiểu luận có ảnh hưởng mạnh mẽ vào thời đó, bất kể đến sự khôn ngoan nào đã đưa tới quyết định đầu tiên để can thiệp vào Việt-Nam, tiếp tục can dự chắc chắn phù hợp với quyền lợi của Hoa-Kỳ một khi đã có sự hiện diện của nửa triệu quân Mỹ: sự tín nhiệm vào Hoa-Kỳ bị đe dọa.

Như vậy, theo những nhà bình luận của Stratfor.com, một công ty tình báo tư nhân đặt trụ sở tại Hoa-Kỳ, đã ghi nhận trong một cuộc nghiên cứu vững chắc - Việt-Nam không những chỉ là vấn đề ngăn chặn "đe dọa đỏ" mà còn là một thử nghiệm về sự cam kết và quyết tâm của Hoa-Kỳ. Chiến lược là bao vây khối cộng sản bằng những mạng lưới liên minh bảo đảm bằng những hứa hẹn trợ giúp của Hoa-Kỳ - tài chánh, quân sự, và nếu cần, nguyên tử. Ô. John F. Kennedy mở đầu nhiệm kỳ tổng thống bằng sự công bố mà sau này được gọi là chủ thuyết Kennedy: một sự hứa hẹn "trả bằng mọi giá, chịu mọi gánh nặng, ... hỗ trợ bất cứ người bạn nào, chống bất cứ kẻ thù nào để bảo đảm sự sống còn và thành công của tự do." Cũng giống như bất cứ hứa hẹn nào không có thể buộc phải thi hành, giá trị của sự cam kết của Hoa-Kỳ hoàn toàn dựa trên việc thực hiện khi cần tới.

Việt-Nam là một trường hợp đó. Như ô. Arthur R. Schlesinger Jr. nhắc lại trong "Một Ngàn Ngày", Kennedy "chắc chắn cảm thấy rằng một sự thoái lui của Hoa-Kỳ tại Á châu có thể làm đảo lộn cán cân thăng bằng của toàn thế giới". Mối đe dọa làm mất thăng bằng thế giới này không phát xuất từ một ý niệm kỳ lạ rằng nếu hàng rào ở khu vực Đông Nam Á bị chọc thủng, chế độ cộng sản sẽ lan tràn trên khắp thế giới tự do. Mối đe dọa lại bắt nguồn từ mối lo sợ rằng toàn thể hàng rào (hoặc một phần lớn của nó - thí dụ, Âu châu), đan kết lại bởi các liên minh và những cam kết của Hoa-Kỳ, sẽ xụp đổ nếu những đồng minh nhận thấy rằng giá trị của những cam kết của Hoa-Kỳ không hơn tờ giấy ghi những sự cam kết đó.

Có lý luận cho rằng sự can dự của chúng ta ở Việt-Nam là một lối lầm cuối cùng. Lý luận này dựa vào một giả thuyết rằng liên minh dân chủ không cần thiết để đánh bại cộng sản hoặc là liên minh không tan vỡ nếu Hoa-Kỳ không can thiệp vào Việt-Nam - nói một cách khác, một chiến lược vĩ đại đã được tạo dựng một cách lầm lẫn. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng chiến lược vĩ đại sau hết đã thành công. Mặc dù Hoa-Kỳ đã thua về quân sự, Việt-Nam đã trở thành một biểu tượng về uy tín và quyết tâm của Hoa-Kỳ trong cuộc đấu tranh toàn cầu chống lại chế độ cộng sản. Trong một sự phân tách sau cùng, sự kiện này đóng góp vào sự toàn thắng của Hoa-kỳ trong chiến tranh lạnh hoặc, ít nhất đã ngăn ngừa sự thất bại của chúng ta.

Việc Hoa-Kỳ rút lui khỏi và ngưng trợ giúp Miền Nam Việt-Nam đã đưa đến sự chiến thắng của cộng sản vào năm 1975 và thử nghiệm một cách đau đớn giá trị của sự cam kết của Hoa-Kỳ và sức mạnh của liên minh Tây phương. Chiến thắng của Hà-Nội tại Đông Nam Á đã khiến nhân dân Mỹ và đồng minh của Hoa-Kỳ nghi ngờ ý chí hoặc khả năng chính trị cơ chế của Hoa-Kỳ "trả bằng mọi giá, chịu mọi gánh nặng" để chống lại cộng sản. Những quốc gia dựa vào Hoa-Kỳ đã phải trải qua những giai đoạn bất chắc. Nhưng có những người nhìn vào kết quả của cuộc chiến để lý luận rằng sự can dự của Hoa-Kỳ vào Việt-Nam là không cần thiết. Những người này chịu trách nhiệm vì chứng minh một cách sai sự thật rằng nếu Hoa-Kỳ không can thiệp vào Việt-Nam từ thời chính phủ Kennedy, liên minh tập thể chống cộng sản cũng không bị ảnh hưởng. Vào thời đó, Charles de Gaulle và những nhà lãnh đạo Âu châu khác đã công khai đặt nghi vấn về giá trị của những sự cam kết của Hoa-Kỳ trong trường hợp phải hành động ngược lại với quyền lợi trực tiếp của mình bằng cách chống lại cộng sản trong những hoàn cảnh không tạo ra mối đe dọa an ninh trực tiếp cho Hoa-Kỳ. Nếu 58,000 mạng sống Hoa-Kỳ, hàng tỷ Mỹ kim, và xáo trộn nội bộ trong nhiều thập niên còn không đủ để xóa bỏ những hoài nghi về cam kết của Hoa-Kỳ, hãy thử tưởng tượng những ngờ vực đó sẽ được bộc lộ như thế nào nếu Hoa-Kỳ đã vô tình phớt lờ sự trông đợi vào những cam kết của Hoa-Kỳ. Và chúng ta cũng đừng quên rằng, chính sách nhượng bộ gây ra bởi mệt mỏi vì chiến tranh vào thập niên 1970 đã không chiến thắng được cuộc chiến tranh lạnh. Sự cảnh giác trong thập niên 1980 đã thành công, một điểm liên quan đến chính sách Mỹ-Việt mà tôi sẽ bàn trở lại.

Nếu thừa nhận rằng Việt-Nam không phải là một thất bại riêng rẽ, nhưng là một phần của một cuộc đấu tranh vinh dự và sau cùng thành công để dành tự do và thịnh vượng, thì phải khen ngợi sự đóng góp của đồng minh chính của chúng ta trong cuộc chiến này là Việt-Nam Cộng Hòa. Điều này bác bỏ một ý niệm cho rằng miền Nam Việt-Nam là một con tốt hoặc bù nhìn của Hoa-Kỳ - những người chống chiến tranh thường hay kết án như vậy để mô tả can thiệp của Hoa-Kỳ là không chính đáng. Không có cái gì khác xa sự thật hơn thế. Dân miền Nam Việt-Nam đã chiến đấu và tìm sự giúp đỡ của Hoa-Kỳ bởi vì họ tin vào cùng những nguyên tắc tự do và dân chủ mà Hoa-Kỳ là ngọn hải đăng. Họ gồm có hàng trăm ngàn người miền Bắc trong đó có gia đình của cha tôi, họ đi lãnh nạn từ miền Bắc khi đất nước bị chia cắt vào năm 1954 - mối lo sợ chính quyền cộng sản và hi vọng một cuộc sống tốt lành và tự do đã lôi cuốn họ ra đi. Những hi vọng đó đã khiến dân miền Nam Việt-Nam tranh đấu cho phần đất còn lại và, trong trường hợp một phần tư triệu người đã hi sinh tính mạng cho chính nghĩa đó.

Quan trọng hơn về quan điểm của Hoa-Kỳ, sự thừa nhận này hợp thức hóa giá trị của những hy sinh của những quân nhân Hoa-Kỳ đã chiến đấu, đã chịu đau khổ, và chết cho cùng một chính nghĩa. Việc công nhận giá trị, và còn hơn thế nữa, danh dự, là một điều tự nhiên của một quốc gia đã đưa thanh niên của họ ra chiến trường. Nhưng quyết định này đã bị đình hoãn lại bởi những người mang nặng lý tưởng chống chiến tranh và lẫn lộn vì mỹ từ chống đối. Cựu Bộ Trưởng Bộ Hải Quân James Webb, một thủy quân lục chiến phục vụ trong đơn vị chiến đấu ở Việt-Nam và là một chuyên gia ghi chép những kinh nghiệm chiến tranh, đã đau sót bầy tỏ quan điểm trong một bài tiểu luận đăng trên tờ Wall Street Journal nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 chiến tranh chấm dứt:

"Lịch sử mắc nợ những người đã phục vụ ở Việt-Nam một cái gì, và sự phán xét về những người đã tin rằng nỗ lực này là thích đáng. Chúng ta vẫn có thể bàn cãi rằng chiến tranh có đáng với tổn phí không, nhưng kinh nghiệm của 25 năm qua đã thừa nhận một cách rõ ràng giá trị của chủ đích của chúng ta. Sự nhận định này có vẻ đơn giản, nhưng để tiến hành nó cần phải đối phó với vấn đề nan giải của thời đại chiến tranh Việt-Nam."

Bằng chứng của 25 năm qua mà ông Webb đề cập tới quả thực là một thí dụ tốt nhất cho thấy rằng, mặc dù thua về quân sự, Hoa-Kỳ đã thắng trong một cuộc tranh đấu lớn hơn cho hòa bình và thịnh vượng qua chế độ tư bản dân chủ. Vài ngày sau khi Saigon thất thủ, ô. Stanley Hoffman viết trong báo New Republic số ngày 3.5.1975: "Về phương diện này, Việt-Nam nên dậy cho chúng ta một bài học quan trọng. Một mặt, Hà-Nội, một trong những nước nghèo nhất trên thế giới đang cố gắng và sẽ cố gắng tạo ra một xã hội tập thể, dựa vào những nguyên tắc mà chúng ta không ưa thích, tuy nhiên có nhiều triển vọng tạo ra một nền an sinh xã hội tốt hơn cho dân chúng so với những giải pháp khác trong vùng, với một giá phải trả là tự do mà chỉ ảnh hưởng đến một thiểu số." Hãy nói như vậy với vài triệu người Cao Miên đã chết trong cánh đồng tàn sát để trở thành những vật tế thần đặt lên bàn thờ của chủ nghĩa tập thể. Hoặc hãy nói với hàng trăm ngàn người miền Nam Việt-Nam, trong đó có cha tôi, đã bị đưa vào những "trại cải tạo" sau chiến tranh, nơi mà nhiều người đã bỏ mạng. Hoặc nói với gia đình và thân nhân của những người miền Nam Việt-Nam bị chính quyền Hà-nội tình nghi và vì vậy không có đồ ăn, quần áo, và nhà ở. Hoặc nói như vậy với hàng triệu người Việt-Nam, trong đó có gia đình tôi, không chịu nổi sự đàn áp của cộng sản và đã phải liều lĩnh vượt đại dương ra đi bằng mọi cái gì có thể nổi trên mặt nước.

Thích đáng hơn là hãy nói như vậy với những người dân Việt-Nam đã sống dưới chế độ cộng sản trong những thập niên 1980 và 1990. Thay vì an sinh xã hội và an toàn, cái mà người dân lãnh hội được là mất hết tất cả những quyền tự do căn bản; nghèo đói gây ra bởi việc quản lý sai lầm nền kinh tế tập trung và tham nhũng trong bộ máy hành chánh; và một chính quyền hiếu chiến đến nỗi vẫn tiếp tục bành trướng quân sự trong khi dân chúng phải chịu đựng một nạn hạn hán nghiêm trọng nhất trong lịch sử trong khoảng đầu thập niên 1980.

Chúng ta phải cần khôn ngoan luôn luôn nhớ đến sự tàn bạo của cộng sản khi chúng ta phải đối phó với những cố gắng gượng gạo của Việt-Nam về việc cải tổ kinh tế. Một nhà biện hộ thường thường hoặc một người theo chủ nghĩa biệt lập sẽ phản ứng dễ dàng nếu bị lầm lạc. Nhưng những người tin vào sự thay đổi qua chính sách hợp tác xây dựng phải hành động hết sức khéo léo để bảo đảm rằng những cố gắng của chúng ta sẽ phục vụ mục tiêu tối hậu của chúng ta - con người tự do và một nền dân chủ pháp trị với kinh tế tự do, một nước Việt-Nam sẽ được hưởng một nền hòa bình và thịnh vượng như chúng ta đã giúp bảo đảm được ở những nơi khác trên thế giới.

Tiếp tục cố gắng

Vào năm 1986, bị thúc đẩy bởi sự ngưng viện trợ của Nga Sô, lúc đó đang tiến hành chương trình "perestroika", Việt-Nam bắt đầu cố gắng cải tổ thị trường một cách không đều đặn. Quốc gia này bắt đầu tìm kiếm vốn đầu tư ngoại quốc để khơi động nền kinh tế tồi tệ vì quản lý sai lầm. Việt-Nam đã làm một cố gắng tỉnh táo để gia tăng hợp tác vùng và quốc tế bằng cách gia nhập Tổ Chức Các Nước Đông Nam Á (ASEAN) và Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Á Châu - Thái Bình Dương (APEC) và xin gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO).

Chính phủ Việt-Nam đi theo cuộc hành trình này như một kẻ đi lậu hơn là một hành khách nhiệt tình (nhưng ghen tị). Sự do dự bắt nguồn từ những ước vọng mâu thuẫn của chính phủ muốn cởi mở kinh tế, một biện pháp cần thiết để ngăn chặn đất nước khỏi rơi vào hàng ngũ những quốc gia nghèo nhất thế giới, trong khi đó lại muốn duy trì sự trung thành với ý thức hệ cộng sản để duy trì độc quyền. Những cố gắng để cải tổ pháp luật và kinh tế lúc có lúc không, và sự thành công lúc được lúc hỏng bởi vì chính quyền đang phải đối phó với một mâu thuẫn căn bản của chính sách: kinh tế tư bản có thể chung sống với chế độ cộng sản không"

Chương trình cải tổ và đổi mới bắt đầu vào Đai Hội 6 Đảng Cộng Sản vào tháng 12, 1986. Hai năm kế tiếp là những hỗn loạn. Mặc dù chính phủ đã quyết định dứt khoát bãi bỏ chế độ hoàn toàn chỉ huy và kiểm soát kinh tế, không có một cái gì để sẵn sàng thay thế. Kết quả là nền kinh tế đại tượng bị mất thăng bằng trầm trọng. Tiết kiệm mang số âm, trị giá xuất cảng không được bằng nửa trị giá nhập cảng vào năm 1986. Nạn lạm phát gia tăng tới ba con số, thay đổi trong khoảng 300 và 500 phần trăm mỗi năm trong khoảng thời gian 1986-1988.

Cho mãi đến tháng 3, 1989 Việt-Nam mới rõ ràng thoát ra khỏi mô hình kinh tế của Stalin-Mao. Sau cùng, kiểm soát giá cả chính thức được bãi bỏ, hàng hóa tiêu thụ bán tại các cửa hàng của nhà nước được định theo giá thị trường tự do (đen). Tiền Việt-Nam (đồng) được phá giá mạnh mẽ để đem hối suất chính thức ngang bằng với hối suất thị trường. Chính phủ bãi bỏ chính sách phân phối tài nguyên và chỉ tiêu kế hoạch và cho các công ty quốc doanh nhiều quyền tự trị hơn. Đại Hội 7 của Đảng Cộng Sản vào năm 1991 chấp thuận kế hoạch cải tổ kinh tế, và nhà nước đã làm một việc phi thường là thảo ra luật nhằm giúp cho sự chuyển tiếp sang kinh tế thị trường được dễ dàng - luật Dân Sự, Luật Tư Doanh, luật Công Ty, luật Đất Đai, luật Đầu Tư Ngoại Quốc, và luật Phá Sản. Nhà nước cũng cải tổ guồng máy hành chánh để cải thiện hiệu năng và ngăn chặn tham nhũng. Thủ Tướng Võ Văn Kiệt sát nhập tám cơ quan chính phủ thành ba tổng bộ vào tháng 10, 1995 để giúp việc "chuyển tiếp sang kinh tế thị trường được trơn tru." - kể cả việc thành lập Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư để "cải thiện môi trường cho những nhà đầu tư ngoại quốc." Cơn sốt cải tổ lên cao đến nỗi mà ông Đỗ Mười, lúc đó là Tổng Bí thư của Đảng Cộng Sản vào đầu năm 1986 đã tuyên bố, "Châm ngôn của chúng ta lúc này là tư bản, tư bản và nhiều tư bản."

Nền kinh tế phản ứng một cách rất thuận lợi đối với chương trình cải tổ. Tổng sản lượng nội địa (GDP) gia tăng đều đặn, và nạn lạm phát, sau khi lên cao nhất vào năm 1988, đã được kiềm chế. Cộng đồng thế giới hân hoan đón mừng cố gắng cải tổ của Việt-Nam. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cho Việt-Nam vay tiền lại vào tháng 10, 1993, và tiếp theo là Ngân Hàng Thế Giới và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu. Lệnh cấm vận sau 20 năm áp dụng đã được bãi bỏ vào năm 1994 và một năm sau bình thường bang giao. Những nhà đầu tư ngoại quốc nhìn soi mói vào Việt-Nam qua cặp kính pha mầu hồng của lịch sử và những biểu tượng, đổ vào Việt-Nam. Đầu tư ngoại quốc tổng cộng là $8.3 tỷ Mỹ kim, tương đương hơn một phần ba GDP vào năm 1996.
Nhưng cải tổ đã phải nhường bước cho sự giảm bớt chi tiêu. Phần lớn chương trình đổi mới căn cứ vào những ý tưởng cớ tính cách thách thức lý thuyết cổ truyền của cộng sản, thí dụ như sự thừa nhận quyền tài sản và thương mại. Những người cứng dắn cương quyết bảo vệ vai trò chi phối của nhà nước trong việc ấn định phát triển kinh tế trong tương lai, và quả thật, ngay trong giai đoạn cải tổ 1986-95, khu vực nhà nước gia tăng so với khu vực tư theo tỉ lệ với GDP. Vào đầu năm 1996, nhà nước tung ra một chiến dịch lên án "nạn ô nhiễm văn hóa" và "cách mạng thầm lặng" do những thế lực thương mại và ngoại giao ngoại quốc. Đảng thề rằng đất nước sẽ không "đi lạc vào con đường tư bản" và quyết định rằng khu vực nhà nước phải bành trướng gấp đôi để đạt được 60 phần trăm của GDP trong 25 năm. Đại Hội Đảng lần thứ 8 vào tháng 6, 1996 báo hiệu cho biết quyền lực tiếp tục chuyển từ nhóm cải tổ sang nhóm bảo thủ cứng dắn. Bộ Chính Trị bành trướng thêm và số ủy viên gốc quân đội từ bốn tăng thành sáu.

Vào tháng 11, 1999, đảng dùng chiến dịch bài trừ tham nhũng để khai trừ những viên chức cao cấp ủng hộ cải tổ. Nhân viên cao cấp nhất bị cách chức là phó thủ tướng, người đã than phiền rằng "những xí nghiệp quốc doanh chỉ biết ngồi một chỗ và đòi hỏi thêm trợ cấp và bảo vệ". Cùng trong một ngày việc khai trừ xẩy ra, những lãnh tụ tuyên bố về sự bế tắc của thương ước song phương mà Việt-Nam và Hoa-Kỳ đã thương thuyết từ năm 1995.

Thương ước Việt-Mỹ sẽ phục vụ quyền lợi của Mỹ bằng cách mở rộng thị trường với 80 triệu người cho việc buôn bán và đầu tư. Thương ước này cũng sẽ đẩy mạnh quyền lợi ngoại giao của Hoa-Kỳ bằng cách thiết lập liên hệ mật thiết với một quốc gia giáp danh với Trung Quốc. Đối với Việt-Nam, thỏa hiệp hứa hẹn một mức sống khá hơn cho dân chúng bằng cách gia tăng khả năng sản xuất qua đầu tư ngoại quốc, và có được hàng nhập cảng tốt hơn và rẻ hơn. Việt-Nam sẽ có thể xuất cảng sang Hoa-Kỳ nhiều hàng hóa hơn mà hiện nay bị cản trở vì thuế nhập cảng cao. Ngân Hàng Thế Giới ước tính rằng trong năm đầu của chế độ mậu dịch bình thường, quần áo xuất cảng sẽ gia tăng 10 lần từ mức của năm 1996 lên đến $384 triệu Mỹ kim, và tổng số hàng xuất cảng của Việt-Nam sang Hoa-Kỳ sẽ tăng gấp đôi đến 1.3 tỷ Mỹ kim. Vào tháng 7, 1999 hai phe đã đạt được một thỏa hiệp trên nguyên tắc, và dự trù sẽ được hoàn tất tại buổi lễ vào tháng 9, 1999 trong buổi họp của APEC tại New Zealand. Tuy nhiên Bộ Chính Trị cản trở và bưởi lễ kỹ kết bị hủy bỏ vào phút chót.

Lý do giản dị: thương ước song phương đe dọa ý thức hệ căn bản của giới lãnh đạo bảo thủ của Việt-Nam và quyền hành của họ. Thương ước này là một thỏa hiệp toàn diện với nhiều chi tiết về các điều khoản về mọi khu vực thương mại và dịch vụ và những bảo đảm cụ thể chống lại việc chiếm đoạt đầu tư của Hoa-Kỳ tại Việt-Nam. Thương ước cũng bao gồm một lịch trình thi hành vững vàng. Một chương trình cải tổ rộng rãi như vậy sẽ làm giảm một cách đáng kể phạm vi và ảnh hưởng của những xí nghiệp quốc doanh và như vậy sẽ làm bớt quyền kiểm soát (và cơ hội hối lộ) của đảng, đặc biệt là phe quân đội mạnh về quyền thế và bảo thủ về tư tưởng. Thương ước đòi hỏi cải tổ hệ thống ngân hàng kém hiệu năng, một cơ quan bao cấp của những xí nghiệp quốc doanh trì trệ. Thỏa ước sẽ mở cửa cho những sản phẩm và những chuyên viên ngoại quốc, như vậy sẽ du nhập những "tệ đoan xã hội" đe dọa sự đoàn kết của cộng sản và gia tăng mối lo sợ một cuộc "cách mạng yên lặng" bởi những thế lực ngoại bang. Thương ước cũng sẽ đặt Việt-Nam vào ảnh hưởng mạnh mẽ của hệ thống tiền tệ quốc tế với những rủi ro đã được chứng minh gần đây trong thời kỳ khủng hoảng tài chánh Á châu vào năm 1997. Những nhà bảo thủ coi việc bất ổn tiền tệ là một mối đe dọa khác nữa cho quyền kiểm soát của đảng.

Phản ứng của những nhà đầu tư ngoại quốc đối với những biến chuyển về chính trị và chính sách này rất là quyết liệt. Vào tháng 1, 2000, vốn đầu tư trực tiếp ngoại quốc giảm xuống bằng mức đầu tư vào năm 1992. Số tháng 11, 2000 của tạp chí "Vietnam Investment Review" (tình cờ bị mất tài trợ của ngoại quốc) báo cáo rằng đầu tư trực tiếp của nước ngoài bằng một nửa mức đầu tư trong cùng một giai đoạn của năm 1999 và như vậy "hãy còn ở mức đầu tư hàng năm thấp nhất." Vào đầu năm 2000, tạp chí the Economist trình bầy theo thứ tự thời gian một câu chuyện "từ nghèo đến giầu đến nghèo" và đặt tên là "Chúc Việt-Nam ngủ ngon". Vào tháng 7, 2000 để đối phó với mức đầu tư tiếp tục xuống dốc, Việt-Nam thỏa thuận tất cả những điều kiện đòi hỏi và ký vào thỏa ước thương mại song phương. Thương ước này sẽ được chuẩn y bởi Quốc Hội Hoa-Kỳ và Việt-Nam và sẽ được thi hành theo thời khóa biểu đã định hay không là một vấn đề cần được xem lại. Cuộc tranh đấu trong nội bộ của chính quyền Hà-Nội chưa có dấu hiệu là đã giải quyết xong.

Từ những viên đạn cho đến tư tưởng

Nếu bài phân tích này có vẻ giống như môn học về ngoại giao và tổ chức chính phủ của Nga Sô trong quá khứ, đó là vì thực sự nó là như vậy. Nhưng bài này có một chủ đề rộng lớn hơn. Việc chống lại những cải tổ về kinh tế và pháp luật và mối sợ hãi về một cuộc cách mạng thầm lặng của giới lãnh đạo bảo thủ của Việt-Nam là một thí dụ cho thấy giới lãnh đạo bảo thủ công nhận rằng mối quan hệ hiện tại với Hoa-Kỳ là một phần của cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa tư bản dân chủ và chủ nghĩa cộng sản độc tài, mà trước đây đã diễn ra dưới dạng chiến tranh - một cuộc chiến mà những người cộng sản đã thắng. Nhưng cuộc tranh đấu quân sự đã biến thành một cuộc tranh dành ảnh hưởng về kinh tế và xã hội. Những vấn đề cải tổ là những bãi chiến trường mới.

Nếu tin như vậy thì giới lãnh đạo bảo thủ Việt-Nam đúng. Cũng như những tướng lãnh của miền Bắc Việt-Nam đã tin tưởng rất đúng rằng chiến tranh Việt-Nam không chỉ là một cuộc xung đột quân sự, và phải chiến đấu ngay trong nội bộ chính trị của Hoa-Kỳ cũng như trên chiến trường. Quả vậy, Việt-Nam thừa nhận rằng họ đã tổn thất 1.4 triệu binh sĩ trong cuộc chiến, so với 58,000 binh sĩ Hoa-Kỳ và 250,000 binh lính của miền Nam. Chiến thắng chỉ đạt được khi Hoa-Kỳ, mệt mỏi vì chiến tranh, rút quân khỏi Việt-Nam và Quốc Hội đã từ chối $800 triệu viện trợ quân sự cần thiết cho Việt-Nam Cộng Hòa.

Vậy thì của chính sách hiện nay của Hoa-Kỳ đối với Việt-Nam phải có mục đích gì" Đúng như Cộng Sản Việt-Nam thừa nhận rằng cải tổ kinh tế hơn nữa sẽ đe dọa quyền lực của họ, Hoa-Kỳ cũng nên thừa nhận đang tham gia vào một trận chiến cuối cùng để giúp chủ nghĩa tư bản dân chủ tiến tới. Cũng như những tướng lãnh miền Bắc đã nhận thức được sự liên hệ mật thiết giữa chính trị nội bộ Hoa-Kỳ và chiến tranh Việt-Nam, những nhà ngoại giao của chúng ta nên coi chính sách của Hoa-kỳ đối với Việt-Nam như một cố gắng không chỉ giản dị để định nghĩa mối quan hệ giữa hai nước, nhưng còn ảnh hưởng đến tình cảm và lý trí của nhân dân Việt-Nam và đưa đẩy chính phủ dần dần vào con đường dẫn đến chế độ dân chủ tư bản.

Đây không phải là một cuộc chiến với bom đạn, nhưng là một cuộc chiến về tư tưởng và thể chế. Chính quyền Clinton đáng được khen ngợi về việc điều đình một thỏa hiệp khó khăn về mậu dịch và đầu tư và chống lại sự thiếu khoan nhượng của Việt-Nam trong tiến trình thương lượng. Chính quyền sắp tới cần tiếp tục công việc này và bảo đảm rằng thỏa ước được chuẩn y và sẽ được thi hành đầy đủ theo đúng lịch trình. Hoàn tất tiến trình này sẽ tạo ra một hạ tầng cơ sở kinh tế vững chắc, minh bạch, và phân nhiệm rõ rệt, rất cần thiết cho Việt-Nam tiếp tục tiến tới nền kinh tế thị trường.

Nhưng thị trường tự do chỉ là một nửa của chế độ tư bản dân chủ; con người tự do là một nửa còn lại. Ở phương Tây, chúng ta có đặc quyền tranh luận có tính cách học đường về ý nghĩa của những từ ngữ như bầy tỏ ý niệm chính trị, tự do tôn giáo, và tự do báo chí. Các học giả của chúng ta thường kết luận rằng những nguyên tắc này không có thể được xác định một cách khách quan, theo một cách có thể làm hài lòng mọi người. Và những chuyên gia về pháp luật đã cố gắng định nghĩa những từ ngữ này một cách chính xác và có thể điều chỉnh (nếu không có thể thi hành được) bởi những vị thẩm phán quốc tế. Những nhà ngoại giao có đầu óc cứng dắn cười thầm về những cố gắng này. Nhưng chắc chắn rằng chế độ cộng sản ở Việt-Nam đã vi phạm trầm trọng những nguyên tắc này. Trên trận tuyến cuối cùng của cuộc tranh đấu chống chế độ độc tài, quyền của con người mang một ý nghĩa trọng yếu.

Những ý niệm mù mờ về việc diễn đạt ý niệm chính trị có một ý nghĩa thật sự trong một chế độ mà kẻ thù bị trừng phạt bằng một tiến trình "cải tạo" thông thường đồng nghĩa với thủ tiêu; bắt giam những kẻ nào có can đảm đưa ra những đề nghị khác với đường lối của nhà nước; đàn áp bất cứ cố gắng nào, dù yếu ớt hoặc bất lực, muốn có những tổ chức xã hội. Tự do tôn giáo bắt đầu trở nên cụ thể khi những nhà lãnh đạo tôn giáo bị khủng bố và tù đầy và những người theo đạo tự hy sinh để phản đối một cách vô hiệu quả. Và tự do báo chí trở thành một khẩu hiệu trong một môi trường mà một tờ báo được nhà nước bảo trợï như tất cả những ấn phẩm khác, đã bị đóng cửa chỉ vì dám viết rằng dân chúng "lo âu và buồn" là nhà nước cấm đốt pháo trong dịp đón mừng Tết (năm mới âm lịch).

Đừng bao giờ bận tâm rằng tất cả những quyền tự do này trên danh nghĩa được bảo vệ bởi hiến pháp của Việt-Nam. Sự thực hiện những quyền tự do này có thể bị trừng phạt bởi vì nó vi phạm một điều khoản quan trọng hơn trong hiến pháp. Theo đó quyền lực được trao trọn cho Đảng Cộng Sản. Hoa-Kỳ phải có một lập trường cứng dắn về việc Chính phủ Việt-Nam đối sử tàn tệ với chính ngưới dân của họ, bởi vì đây chính là vấn đề then chốt của cuộc tranh đấu.

Khi ngoại quốc yêu cầu chính phủ Việt-Nam phải tôn trọng quyền của dân chúng, Việt-Nam thường phản ứng là những đòi hỏi này xâm phạm vào chủ quyền nội bộ. Đây là một lời tuyên bố trỗng rỗng. Giới lãnh đạo Việt-Nam, vì nhu cầu, đã phải từ bỏ chủ nghĩa tập thể của Marx - Lenin. Hiện nay họ cố bám lấy quyền lực. Chúng ta cần phải cảnh giác và gây áp lực để làm suy yếu móng vuốt đang bám lấy quyền lực độc đoán của họ, như chúng ta đã làm để lôi kéo họ vào con đường đi tới kinh tế thị trường.

Hãy luôn luôn nhớ rằng chúng ta đang tiếp tục một cố gắng to lớn hơn cho nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản, có nghĩa là phải bảo vệ để chống lại sự soi mòn của những lý tưởng căn bản của Hoa-Kỳ qua tiến trình hợp tác. Chúng ta phải làm việc để cho nhân dân Việt-Nam thấy sự hứa hẹn của tự do và diễn đạt ý niệm chính trị dân chủ, trong một nền kinh tế và xã hội được bảo vệ bởi chế độ pháp trị.

Quan trọng không kém đối với chính đất nước của chúng ta, một sự thừa nhận như vậy sẽ đặt chiến tranh Việt-Nam vào một bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn và thích hợp. Điều này sẽ giúp hàn gắn những vết thương trong thời đại đau buồn và giúp dân chúng Hoa-Kỳ nhận thức được rằng những binh sĩ của họ đã không chết một cách vô ích, những cựu chiến binh đáng được vinh danh và biết ơn, và những lý tưởng và thể chế của họ là những mục tiêu xứng đáng để chiến đấu trong quá khứ cũng như hiện tại.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.