Hôm nay,  

Nhà Trần Khởi Nghiệp (13).

18/09/200600:00:00(Xem: 12576)
Trần Việt Bắc

Thấy họ Trần mở rộng địa bàn hoạt động, Họ Đoàn cũng không chịu thua, bèn mang “người ở vùng Hồng đánh Nam Sách, Phạm Võ đầu hàng”(ĐVSL), sau đó Đoàn Thượng sai Đoàn Trì Lỗi (56)giữ Nam Sách. Ông này không được lòng dân Nam Sách, Phạm Võ thừa dịp nổi lên chống lại, và giết Đoàn Trì Lỗi. Để phục thù cho Lỗi, “người vùng Hồng lại đốc xuất binh lính qua sông (NV: Thái Bình) đánh Nam sách. Người Nam Sách chạy trốn ở núi Kỳ Đặc (57), Phạm Võ mắc tai ách mà chết” (ĐVSL). Người Nam Sách thua, Phạm Võ chết. “Dân Nam Sách sai người đi cầu cứu Trần Tự Khánh”(ĐVSL). Làm sao Khánh có thể bỏ lỡ được dịp may này, “Trần Tự Khánh sai tướng là Đinh Khôi đánh vùng Hồng. Quân vùng Hồng thua chạy” (ĐVSL).

Lúc này quân vùng Hồng đã phải chia ra làm ba hướng khác nhau. Một toán đang ở kinh sư, một toán khách tấn công vùng Nam Sách, toán còn lại lo cố thủ căn cứ địa. Trần Tự Khánh đã nhận thấy sự phòng thủ yếu ớt của người vùng Hồng, thêm sự cầu cứu của dân Nam Sách. Khánh cho Đinh Lôi tấn công vùng Hồng. Đinh Lôi thắng trận, sau đó “Trần Tự Khánh lại đi kinh lược Lạng châu đến núi Tam Trĩ (58). Lúc bấy giờ hết cả đất đai ở đấy Trần Tự Khánh lấy được hết cả” (ĐVSL). Vậy là nguyên một vùng rộng lớn ở trung du Bắc Việt - gồm các tỉnh Nam Định, Hưng Yên và Hải Dương - đặt dưới ảnh hưởng của họ Trần.

Dù chiếm được đất, nhưng các tướng dưới quyền Đoàn Thượng và người ở vùng này vẫn không tuân phục Trần Tự Khánh, những cuộc chiến vẫn diễn ra liên tục ở đây . Rồi ở vùng Hồng họ Đoàn cũng sẽ khôi phục lại lực lượng để chống họ Trần và tranh hùng cùng họ Nguyễn ở Bắc Giang.

Họ Trần đã tạo được binh lực mạnh nhất ở châu thổ sông Hồng. Về những vùng họ Trần đã chiếm, không thấy sử liệu nào nói về việc cai trị, tuyển quân hay thu thuế để nuôi quân, nhưng để có được một đội quân hùng mạnh thì quân lương là một vấn đề ưu tiên hàng đầu. Họ Trần phải có một kế hoạch định sẵn, sự hoạch định việc cai trị tới lúc này, vẫn đang là một câu hỏi cho người viết.

Đạt được một vùng rộng lớn, đông dân cư và tương đối trù phú, họ Trần mưu tính kế hoạch lớn hơn nữa là mang quân về kinh đô Thăng Long để thao túng triều đình nhà Lý. Hai tháng sau khi chiếm được vùng Hồng, “tháng chạp (NV: tháng 12, năm 1211) Trần Tự Khánh rầm rộ kéo binh đến đóng ở bết Tế Giang” (ĐVSL).

Lúc này đám quân của Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi có lẽ đã rút khỏi kinh thành (59)vì muốn tránh phải đối đầu với Trần Tự Khánh,dù nhà vua cũng đã ra chiếu chỉ cho các đạo binh đánh Tự Khánh, nhưng không có lực lượng nào là địch thủ của ông này. Khánh kéo đại binh về Thăng Long, lực lượng vùng Hồng bắt buộc phải triệt thoái.

Tại kinh sư, đã xảy ra một biến cố rùng rợn là cảnh “mẹ "ghẻ" giết con chồng” một cách tàn bạo để bảo vệ chức Thái hậu cùng địa vị họ hàng của mình. Thái hậu họ Đàm, mẹ của vua Huệ Tông (An Toàn hoàng hậu), 6 tháng trước có nghe Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi nói vu là Trần Tự Khánh có ý muốn làm chuyện phế lập. Trần Tự Khánh mang đại quân về kinh đô. “Thái hậu nghe quân đến, ngờ Trần Tự Khánh có ý mưu việc phế lập. Trần Tự Khánh bèn cắt tóc mà thề với trời đất rồi lại sai công chúa Thiên Trinh (60)tâu với bà Thái hậu rằng là mình không có ý chi khác. Thái hậu cũng không tin. Một đêm bà Thái hâu sai bắt Nhân Quốc vương (61)và hai Vương tử là người con trai thứ sáu, người con trai thứ bảy, cả ba đều bị đem dìm xuống cái giếng trong khu nhà của vua, để vùi lấp cái manh mối của việc cải lập. Xong rồi sai khiêng những cái thây ấy để ở ngoài cửa cung Lâm Quang” (ĐVSL). Thật là một việc hết sức kinh khủng, ba người em cùng cha khác mẹ của vua Huệ Tông bị mẹ đẻ của mình giết chết một cách thảm khốc mà nhà vua không làm gì được. Viên hoạn quan “sâu dân mọt nước” Đàm Dĩ Mông là anh của thái hậu họ Đàm có lẽ đã tham dự vào biến cố này, vì trước khi xảy ra biến cố này, khoảng thời gian giữa tháng 7 và tháng 10“nhà vua hạ chiếu cho Đàm Dĩ Mông được phục chức, được mời tham dự việc triều chính”(ĐVSL). Đây là việc mà một ông vua nhu nhược có lẽ bị buộc phải làm, vì bị áp chế bởi một bà mẹ cùng với đám ngoại thích gian ác. Sự việc đưa đến một hậu quả khó lường cho nhà Lý (62). Các hoàng tử bị giết, xác vất một đống ngoài cửa hoàng cung. Nhà vua thì như vậy, quan lại nhà Lý cũng chả ra gì, “Các quan viên theo hầu vua đều sợ Thái hậu nên không dám nhìn. Chỉ có một viên quan nhỏ là Trịnh Đạo khóc than vô cùng thảm thiết rằng: “Tiên quân đi đâu mà khiến cho ba người con bị hại như thế này!”...Vua Cao Tông khi vừ mới mất có câu đồng dao rằng: “Cao Tông táng vị tất, tam thi tích vi nhất”. Dịch nghĩa: “Cao Tông mất chưa táng, ba thây một đống nằm”(ĐVSL).

Dòng tộc nhà Lý đã bị bà Thái hậu họ Đàm sát hại thảm khốc. Vua Huệ Tông không có con trai, các anh em của nhà vua bị giết, quan lại thì không ra gì, nhà Lý thật sự đã hết người!

(còn tiếp)


56) Đoàn Trì Lỗi: người viết không truy cứu được ông này là ai, chỉ phỏng đoán ông này là em hay con của Đoàn Thượng hoặc Đoàn Văn Lôi.

57) “Người Nam Sách chạy trốn ở núi Kỳ Đặc” (ĐVSL). Người viết chưa tra cứu được núi Kỳ Đặc toạ lạc ở đâu. Tuy nhiên, tìm thấy tên núi khá gần Nam Sách là núi Phượng Hoàng, có tên khác là Kiệt Đặc, người viết đoán núi Kỳ Đặc là núi này. ĐNNTC, tập 3, trang 397 có viết về tên nuí Kiệt Đặc như sau: “Núi Phượng Hoàng: ở cách huyện Chí Linh 12 dặm về phía bắc, có tên nữa là núi Kiệt Đặc, ngọn giữa cao vót, hai cánh hai bên như hình chim phượng, nên gọi tên thế”.

58) Người viết chưa tra cứu được vị trí của núi Tam Trĩ.

59) Không thấy sử liệu nào diễn tả việc rút quân của Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi ra khỏi kinh sư.

60) Người viết chưa tra cứu được công chúa Thiên Trinh là ai mà Trần Tự Khánh lại có thể sai đi để gặp thái hậu .

61) Người viết chưa tra cứu được tên của vị này cùng hoàng tử thứ sáu và thứ bảy của vua Cao Tông.

62) Về sau, vua Huệ Tông phát điên loạn có lẽ cũng vì một phần bị ảnh hưởng bởi biến cố này: “Đinh Sửu, [Kiến Gia] năm thứ 7 [1217] , (Tống Gia Định năm thứ 10). Mùa xuân, tháng 3, vua dần dần phát điên, có khi tự xưng là Thiên tướng giáng, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, đùa múa từ sớm đến chiều không nghỉ, khi thôi đùa nghịch thì đổ mồ hôi, nóng bức khát nước, uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh”(ĐVSKTT).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.