Hôm nay,  

Các Hãng Vn Thúc Giục Thương Ước Việt-mỹ

15/02/200000:00:00(Xem: 5011)
Các công ty nội địa VN đang sốt ruột chờ đợi thương ước Việt-Mỹ, hy vọng đây sẽ là phao cứu nguy thúc đẩy xuất cảng, theo các tin tổng hợp từ các báo quốc nội.
Hiện nay, mỗi năm Hoa Kỳ tiêu thụ một lượng hàng hoá nhập cảng trị giá lên tới trên 1,200 tỉ đô. Vì vậy, có thể nói, không có nước nào trên thế giới lại không chú trọng mở rộng quan hệ ngoại thương với Mỹ để hàng hoá của mình gia tăng số lượng nhập vào thị trường này. Riêng tại Việt Nam, các doanh nghiệp nội địa đang đặt nhiều hy vọng ở thị trường lớn nhất thế giới này, nhất là sau khi Hoa Thịnh Đốn bình thường hóa quan hệ ngoại giao với CSVN.
Theo ghi nhận của báo Thanh Niên dựa theo tài liệu của bộ Thương mại CSVN, năm 1995 là năm đầu tiên hàng hóa Việt Nam được xuất cảng vào Mỹ với giá trị thương vụ 170 triệu USD. Từ đó đến nay kim ngạch xuất cảng vào thị trường Hoa Kỳ tăng liên tục và đạt khoảng 600 triệu USD vào năm ngoái. Theo lượng định của bộ Thương mại CSVN, Mỹ đã trở thành thị trường xuất cảng quan trọng đứng hàng thứ 7 của nước Việt Nam, và Việt Nam cũng đã trở thành nước đứng thứ 76 về tổng kim ngạch buôn bán với Mỹ và đứng hàng thứ 71 trong số 229 nước và lãnh thổ xuất cảng vào nước này. Tuy nhiên, những biểu số nói trên vẫn chưa không có gì lạc quan khi mà tỷ lệ hàng hóa xuất cảng vào Mỹ mới chiếm khoảng 5% tổng giá trị thương vụ xuất cảng của Việt Nam và hàng hóa nhập cảng từ Việt Nam chỉ chiếm 0.05% tổng giá trị nhập cảng của Mỹ. Theo phân tích của báo Thanh Niên thì con số này là hết sức nhỏ bé so với “tiềm năng và nhu cầu buôn bán của hai nước”.
Trình bày về hiện trạng xuất nhập cảng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, báo Thanh Niên viết như sau: Lý do là vì Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ chưa được ký kết, nên Việt Nam vẫn còn là một trong 6 nước trên thế giới chưa được hưởng quy chế quan hệ thương mại bình thường-NTR (trước đây thường gọi là tối huệ quốc-MFN) với Mỹ. Nhìn chung, trừ một số mặt hàng, đặc biệt là nông thủy sản thô hoặc sơ chế (như cà phê, chè đen, hạt tiêu chưa xay, quế chưa nghiền, cả, tôm, cao su thiên nhiên...) thuế suất khi có NTR hoặc chưa có NTR đều bằng 0%, còn đối với hầu hết các mặt hàng công nghiệp hoặc nông sản chế biến, thuế suất khi chưa có NTR là quá cao so với khi đã có NTR, với mức chênh lệch gấp hai, ba, thậm chí đến bốn lần. Với mức thuế này, tất nhiên hàng hóa Việt Nam không thể cạnh tranh với hàng hóa hầu hết các nước khác trên thị trường Mỹ.

Cũng theo báo Thanh Niên, nếu Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ được ký kết, có lẽ dệt may là ngành có khả năng tăng kim ngạch xuất cảng lớn nhất. Năm 1999, mới chỉ có 71 triệu USD hàng dệt may vào được thị trường Mỹ, mặc dù tăng gần gấp 3 lần so với mức 26 triệu USD của năm 1998 nhưng vẫn là con số không đáng kể, bởi vì mỗi năm Mỹ nhập cảng trên dưới 50 tỉ USD hàng may mặc. Trở ngại chính là mặt hàng này của Việt Nam đang bị Mỹ đánh thuế từ 45 - 90% trong khi thuế suất NTR chỉ ở mức từ 4% đến cao nhất là 29.3%.
Theo Bộ Thương mại CSVN, nếu ký được Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, có khả năng thương vụ xuất cảng VN sẽ tăng đột biến, cả thương vụ sang Mỹ và thương vụ chung trong đó các mặt hàng dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, đồ nhựa gia đụng và thực phẩm chế biến sẽ có tốc độ tăng mạnh nhất.
Bộ Thương mại CSVN cũng đã ghi nhận ảnh hưởng rất lớn của hiệp định khi cho rằng những tính toán tiềm năng xuất cảng vào Hoa Kỳ, VN không thể bỏ qua yếu tố Hiệp định Thương mại sẽ góp phần thúc đẩy các nước đầu tư vào VN để sản xuất hàng hóa xuất cảng sang Hoa Kỳ.
Lê Quốc Ân cho biết thêm, vào tam cá nguyệt 4-1999, khi có thông tin chuẩn bị ký Hiệp định Thương mại, nhiều nhà đầu tư Hồng Kông, Nam Hàn, Hoa Lục... đang có sẵn khách hàng Mỹ đã đặt vấn đề liên doanh với VN để xuất cảng sang Mỹ. Nhưng vì hiệp định chưa ký nên họ đã dừng lại để chờ.
Theo báo Thanh Niên, rất nhiều công ty Mỹ đã đến Việt Nam “đặt hàng với số lượng lớn”, trong đó Công ty Buggle Boy đã mua của Công ty Phương Đông (thuộc Vinatex) 5 triệu áo sơ-mi/năm, họ “cố chịu lỗ gần hai năm nay để kiên trì chờ Hiệp định Thương mại, nhưng đến nay thì đã mệt mỏi không chờ thêm được nữa”. Nếu hiệp định được ký trong năm 2000 thì phải đến năm 2001 mới có hiệu lực vì còn chờ Quốc hội Mỹ thông qua. Tuy nhiên, theo lời Lê Quốc Ân, hiệp định sẽ có tác dụng ngay sau khi ký, vì các nhà đầu tư và các thương nhân chắc chắn không chậm chân để bỏ lỡ cơ hội tận dụng các lợi thế ban đầu mà nó đem lại.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.