Hôm nay,  

Vĩnh Biệt Hoa Hậu Úc Đại Lợi

14/01/200000:00:00(Xem: 5382)
Có một thời cùng lúc với chiếc vương miện hoa hậu Úc được trang trọng đặt lên đầu, hào quang chói sáng của cuộc đời cũng xuất hiện với giai nhân nào nhận được vinh dự đó. Có thể nói rằng cánh cửa của giàu sang, danh vọng và tiếng tăm đã hoàn toàn rộng mở cho những cô gái được chọn là hoa hậu Úc. Tuy nhiên, buồn thay, thời thế đã thay đổi và kỳ thi hoa hậu Úc lần cuối cùng sẽ được tổ chức vào tháng 2.2000 để vĩnh viễn chấm dứt một thời vàng son của những kỳ thi tuyển giai nhân đẹp nhất Úc Đại Lợi. Dù sao cũng không ai quên được rằng những hoa hậu Úc trước đây du hành trên những chiếc xe hơi sang trọng cùng với các chính khách chóp bu, những ngôi sao điện ảnh. Đến nơi đâu cũng có hàng trăm phóng viên bao vây chụp ảnh, cảnh sát hộ tống và bước đi lộng lẫy trên những tấm thảm nhung đỏ trải dài từ máy bay ở các phi trường.

Người đẹp Judy Gainford được tặng vương miện hoa hậu Úc năm 1947, nay đã 72 tuổi và đang điều hành một công ty riêng của mình cho biết: “Em trai của ngôi sao Grace Kelly đã từng làm bạn với tôi trong suốt cả một đêm dạ hội tưng bừng. Tôi cũng đã nhận một món quà sinh nhật lần thứ 21 quý giá từ tay của Edward Robinson và Eddie Cantor. Thời đó cuộc đời của các hoa hậu Úc toàn nhung lụa và hào quang rực rỡ. Đáng buồn thay những ngày ấy sắp kết thúc vì những cuộc thi hoa hậu đã bị bãi bỏ vì sự can thiệp của các chính khách”. Judy hồi tưởng lại bà đã làm một cuộc du lịch bằng xe bus Greyhound vòng quanh nước Mỹ và đi đến đâu cũng được thiên hạ chen lấn nhau chiêm ngưỡng. Một tờ báo ở New York còn tổ chức một buổi biểu diễn bơi lội vì nghe tiếng hoa hậu July Gainford của Úc là một tay vô địch nữ về bơi lội.

Giờ đây việc trở thành một hoa hậu Úc cũng chẳng mang lại được bao nhiêu âm vang và khi kỳ thi hoa hậu cuối cùng được tổ chức vào tháng hai năm 2000, truyền thống 73 năm những giai nhân hương sắc nhất nước Úc sẽ vĩnh viễn trôi vào dĩ vãng. Margaret Rohan Kelly, hoa hậu Úc năm 1967 cho biết: “Thật là đáng buồn nhưng điều ấy không thể tránh khỏi”. Là một bà mẹ có tám con và giám đốc của công ty Hoa hậu Úc, Margaret có một quá trình làm việc gắn bó với các kỳ thi hoa hậu Úc. Theo bà thì con người đã thay đổi, xã hội đã thay đổi. Thế nhưng việc bãi bỏ những kỳ thi hoa hậu thật là thảm họa vì nó mang lại bao nhiêu sự tốt đẹp cho phụ nữ và xã hội.

Vào thời của Margaret, hoa hậu Úc phải là những cô gái trinh nguyên, không bao giờ chửi thề hay nói tục và nụ cười không bao giờ phai nhạt trên đôi môi xinh đẹp. Hoa hậu Úc thời ấy coi như không thể đi đâu mà không có một bà bảo mẫu theo hầu và phải sống một cuộc đời đức hạnh như các Nữ Thánh. Bù lại xã hội tôn trọng và đối đãi với các nàng như là những nàng công chúa trong hoàng gia. Tuy nhiên năm tháng dần trôi những hoa hậu Úc càng ngày càng lạc lõng trong xã hội. Những hoa hậu Úc với cá tính đặc biệt, những lời phát biểu ngọt ngào, những y trang lộng lẫy không còn đi vào lòng mọi người một cách mãnh liệt và sâu sắc như trước đây nữa. Ngày nay hoa hậu Úc phải cạnh tranh với những người mẫu thời trang, những ngôi sao thể thao, âm nhạc, điện ảnh và trong cuộc chiến đó, hoa hậu không còn đủ sức để lôi kéo sự hâm mộ của xã hội nữa.

Từ năm 1954 những kỳ thi hoa hậu Úc đều do viện nghiên cứu thần kinh nhi đồng Spatic Centre điều hành. Mục đích chính của viện này là gây quỹ để giúp điều trị những trẻ em bị bệnh liệt não. Hồi đó mỗi kỳ thi hoa hậu, viện Spastic Centre thu được hàng triệu đô la và giúp mang lại cuộc sống dễ chịu cho hàng ngàn những trẻ em tàn phế. Mỗi kỳ thi hoa hậu làm cho tất cả mọi người Úc đều rộn ràng chờ đón và theo dõi. Giờ đây thì hầu như mọi người phụ nữ đều đi làm và cứ mỗi chiều thứ sáu thì đã kiệt sức và chẳng còn nghĩ gì đến tham gia những công tác từ thiện hay gây quỹ nữa. Trong những năm qua, các kỳ thi hoa hậu Úc đang mang lại cho Spastic Centre 100 triệu đô la và biến viện này trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu phát triển nhanh nhất thế giới.

Nguyên thủy cuộc thi gồm có hai phần, chọn nữ hoàng từ thiện và hoa hậu Úc. Nữ hoàng từ thiện được ban tặng cho cô gái nào gây được nhiều quỹ từ thiện và những cô gái này nhanh chóng bị dư luận quên lãng. Hoa hậu Úc được trao vương miện dựa trên sắc đẹp, cá tính và sự thông minh trong giao tiếp xã hội. Những tay đi săn giai nhân lần mò từng con đường, từng ngôi nhà để tìm người đẹp và thuyết phục những cô gái này dự thi hoa hậu. Mỗi cô gái dự thi được hứa trả một khoản tiền thù lao nào đó, nhưng bao giờ cũng ít hơn số tiền mà thực ra họ xứng đáng được trả.

Tania Verstak là hoa hậu được cho là nổi tiếng nhất trong lịch sử Úc vì bà là một người Nga di dân đến Úc năm 1952. Tania là cô gái di dân đầu tiên trở thành hoa hậu Úc và sau đó đã đoạt luôn vương miện hoa hậu thế giới. Hầu như tuần nào cũng có hình của bà xuất hiện trên báo chí trong nước và hải ngoại và Tania còn được mời phát biểu tại cao ủy Liệp Hiệp Quốc đặc trách người tỵ nạn. Đó chính là cao điểm trong cuộc đời danh vọng của bà. Tania kết hôn với một thương gia ở Perth và hiện sống tại đó. Con gái của bà là Nina, một nữ diễn viên đang sống ở Luân đôn.

Dấu hiệu đầu tiên của sự thoái trào của hoa hậu Úc là vào năm 1973 với vương miện được trao cho giai nhân Michelle Downes. Tuy nhiên bị ảnh hưởng của phong trào giải phóng phụ nữ, Michelle từ chối không đội mũ và đeo găng tay. Theo Michelle thì xã hội đã biến đổi quá nhanh trong khi các ông bà trong ban giám khảo vẫn sống trong thập niên 50. Michelle sau này có hai con gái và làm việc cho một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Thời của Michelle là thời của những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt nam và khi Germaine Greer viết cuốn sách “Những nữ thái giám” làm kích động tinh thần của giới phụ nữ Úc. Đó chính là thời gian con người chỉ muốn hòa bình, chơi ma túy và nghe nhạc rock'n'roll.

Theo Michelle thì áp lực lên những hoa hậu thời đó hết sức nặng nề. Bà phải luôn luôn săn sóc sắc đẹp của mình và tham dự từ 5 đến 6 buổi trình diễn hay hội họp mỗi ngày. Người ta đưa bà đi từ nơi này đến nơi khác, leo lên và leo xuống máy bay và đi xe hơi hàng ngàn dặm băng qua nhiều vùng của nước Úc. Mới trước đó Michelle còn là một cô bán hàng vô danh tiểu tốt, thế mà chỉ ngay sau đó nàng đã trở thành một biểu tượng của quốc gia, xuất hiện thường xuyên trên trang nhất các tờ báo. Thậm chí những lời tuyên bố ngây ngô của nàng cũng làm bùng lên những cuộc tranh luận dữ dội của các chính trị gia trên toàn quốc. Tuy nhiên ngay trong đêm hoa hậu mới được bầu chọn ở Brisbane, Michelle trở thành một người thừa thãi và nàng phải tự mình đón xe tắc xi đi về nhà. Năm 1986 khi Tracey Pearson được đội vương miện hoa hậu Úc, lần cuối cùng những kỳ thi hoa hậu này được truyền hình trên toàn liên bang. Tracey nay là một phát ngôn viên của đài truyền hình, kết hôn với nghệ sĩ Alan Dale và có một con trai là Simon hai tuổi.

Khi được mời tham gia dự thi hoa hậu, Tracey không nghĩ là mình sẽ được chọn. Tuy nhiên nàng tham gia vì sự hấp dẫn của công tác từ thiện của những kỳ thi này. Tracey mượn áo quần của bạn bè để tham dự các kỳ thi loại và trong đêm chung kết nàng mặc một bộ áo quần do mẹ của người yêu may. Tracey nhớ lại đêm tuyên bố giải, có nhiều cô gái dự thi đã tụm lại với nhau trong phòng và khóc thút thít. Những cô gái này không muốn mình thắng giải vì họ biết tương lai của hoa hậu Úc ngày càng phũ phàng. Tracey tin rằng những cô gái đó nhạy cảm và rất đúng khi suy nghĩ về tương lai của các kỳ thi hoa hậu Úc.

Khi ngôi sao khúc côn cầu của Úc là Allan Border tuyên bố Tracey được chọn là hoa hậu Úc 1986, Tracey cho biết nàng cứng người vì sợ hãi và không nở nổi một nụ cười. Nàng bước xuống tầng cấp và tiến về phía Allan trong bộ đồ dạ hội để hở đôi vai trần. Allan cúi người về phía trước và nói nhỏ và tai của Tracey: “Ngực bên trái của em bị hở ra ngoài đấy”. Tracey nhìn xuống và nhận ra rằng nó vẫn được che kín đàng hoàng và tự nhiên nàng cười tươi như hoa vì cảm thấy tự tin. Những bức hình chụp ngay lúc ấy cho thấy nụ cười của nàng sao mà tươi đẹp tuyệt vời và Tracey chợt hiểu ra để cảm thấy lòng biết ơn vô hạn của nàng đối với Allan Border.

Theo Tracey vương miện hoa hậu khiến một cô gái thôi không còn suy nghĩ đến những chuyện nhỏ nhặt nữa mà bắt đầu vẽ ra trong trí tưởng những giấc mơ đầy tham vọng. Tầm nhìn của các cô gái cũng xa hơn và cao hơn và cơ hội cũng đến dễ dàng hơn vì ai cũng muốn xem thử các hoa hậu sẽ làm được những gì. Khi đang còn mang vương miện thì bà ngoại của Tracey qua đời và những thành viên trong ban tổ chức giải muốn Tracey không nên đến dự đám tang vì thời khóa biểu làm việc của nàng rất căng thẳng và ban tổ chức trình diễn không muốn nàng bỏ lỡ một buổi họp hay ra mắt nào. Tuy nhiên cuối cùng Tracey tự mua vé và đến tham dự đám tang của bà. Khi vừa ra khỏi nhà thờ, những ông bầu của nàng lập tức chộp lấy nàng bỏ lên xe phóng chạy đến nỗi nàng không có thì giờ đáp lại những cái vẫy tay của đám người hâm mộ.
Trong những năm tháng qua những hoa hậu Úc sở dĩ vẫn giữ được niềm tin và sự năng động trong khi còn giữ chiếc vương miện trên đầu là vì các cô biết mình đang làm việc thiện. Những hoạt động căng thẳng của các cô đã giúp mang lại rất nhiều phúc lợi cho các trẻ em tật nguyền và cần sự giúp đỡ. Khi một hoa hậu nào muốn thoát khỏi những phiền toái đó, hình ảnh của những trẻ em tội nghiệp đã khiến họ vẫn tiếp tục công việc thiên chức của mình. Tuy nhiên mỉa mai thay, chỉ một năm sau khi Judi Green được trao vương miện hoa hậu Úc, những người tàn tật đã tổ chức một cuộc biểu tình với những biểu ngữ viết rằng: “Chúng tôi không cần một cô gái đẹp để nói thay cho chúng tôi”. Đó cũng là một dấu hiệu khác báo trước thời đại vàng son của những kỳ thi hoa hậu Úc đã phai tàn.

Cũng như những người khác, Tracey cũng buồn vì sự thoái trào của những kỳ thi hoa hậu Úc. Đúng ra, theo Tracey, đó là một phần của lịch sử và nên được tiếp tục duy trì như là một truyền thống văn hóa đẹp. Tuy nhiên một hoa hậu khác là Rosemary Fenton cho rằng sự đào thải của xã hội đối với phong trào thi hoa hậu là hoàn toàn hợp lý và không cần hoa hậu vẫn có thể thực hiện được những công tác từ thiện và gây quỹ. Hiện nay Rosemary là phu nhân của cựu lãnh tụ đảng Quốc gia liên bang Ian Sinclair và vẫn tiếp tục làm việc thiện.

Margaret Kelly cho biết: “Vào thời của chúng tôi chỉ có một vài những hoạt động gây quỹ từ thiện. Ngày nay có hàng trăm những hoạt động như thế mà số tiền cho thì không tăng lên bao nhiêu. Chúng ta phải thay đổi cách làm việc của chúng ta làm sao cho nó hợp thời hợp thế”.

Việt Đăng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.