Hôm nay,  

Vì Sao Uùc Đại Lợi Vào Iraq?

29/03/200300:00:00(Xem: 4107)
Hôm Thứ Sáu, một số phóng viên quốc tế bị chế độ Saddam Hussein trục xuất khỏi Baghdad, ra tới ngoại ô của thủ đô đổ nát họ đã gặp những đơn vị Biệt kích Úc Đại Lợi nằm phục ở ngoài, bên cạnh những chiến xa Iraq còn nghi ngút khói. Trong khi đó, báo chí chỉ nói tới sự hiện diện của binh lính Úc đâu đó ngoài sa mạc, đang đóng chốt trên vùng biên giới giữa Iraq và Jordan. Nhưng, vì sao một quốc gia nửa Âu nửa Á nằm thật sâu dưới miền Nam Thái Bình Dương lại lao vào một cuộc chiến xa xôi ngay giữa ổ kiến lửa Trung Đông"
Trong Thượng đỉnh Mỹ-Anh tuần qua tại Camp David, Thủ tướng Úc John Howard không tới tham dự, nhưng đã điện đàm tay ba với Tổng thống George W. Bush và Thủ tướng Tony Blair. Trong tổng số 48 nước liên minh (con số cho đến cuối tuần này) tiến vào “Chiến dịch Iraq Tự Do”, Úc là đồng minh chặt chẽ nhất của Mỹ, chỉ đứng sau Anh.
Một số học giả giải thích rằng Mỹ, Anh và Úc là các nước cùng nói tiếng Anh và cùng có hệ thống “Thường luật” (Common Law) xuất phát từ nền văn hóa và luật pháp của Anh. Lời giải thích này có thể xác đáng đối với trường hợp của Nga hay Trung Quốc, không có dân chủ, không có hệ thống Thường luật do dân lập ra qua tập quán. Hoặc trường hợp của Ý Đại Lợi và Tây Ban Nha, theo chế độ Dân luật (luật pháp do các nhà làm luật vạch ra, và ban hành từ trên xuống). Nhưng giải thích này không ổn vì nếu cứ theo tiêu chuẩn đó, thì Gia Nã Đại hay Ái Nhĩ Lan và cả Tân Tây Lan, một láng giềng của Úc, tất phải có mặt trong liên minh diệt Saddam.
Một cách giải thích khác là “ý thức về mối nguy an ninh”, khiến Úc chứ không phải Gia Nã Đại hay các xứ Anh thoại (nói tiếng Anh) theo Thường luật. Úc Đại Lợi là một quốc gia đại lục nằm dưới Nam Dương, một quốc gia quần đảo gồm 210 triệu dân trong đó có 190 triệu theo đạo Hồi. Nam Dương đang bị đe dọa phân hóa và đã từng bị khủng bố tấn công tại Bali năm ngoái, nên có thể gặp loạn và gieo họa cho Úc. Vì vậy mà Úc trực tiếp tham gia giải quyết vụ Đông Timor của Nam Dương sau năm 1998, và ngay sau vụ khủng bố 9-11 tại Mỹ, Úc đã có mặt bên cạnh Hoa Kỳ trong trận chiến chống khủng bố toàn cầu. Lý luận này có thể xác đáng hơn: ở trong cùng một vùng, Tân Tây Lan có được Úc che chở và có tinh thần chủ hòa mạnh hơn Úc, với một ngân sách quốc phòng không đáng kể, và đã rút khỏi Liên minh phòng thủ Mỹ-Úc-Tân Tây Lan (ANZUS) từ 15 năm trước. Nhưng, lý luận này không giải thích vì sao các nước cùng bị đe dọa bởi khủng bố ở trong vùng, như Phi Luật Tân hay Mã Lai Á lại không theo Mỹ. Hoặc trường hợp cũng nguy ngập không kém là Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) và Saudi Arabia"

Nói rằng các xứ đó có dân chúng theo Hồi giáo và sợ phản ứng nổi loạn của họ thì ta nghĩ sao về trường hợp Ấn Độ, đang kịch liệt đối nghịch với một xứ Hồi giáo và bị các nhóm Hồi giáo cực đoan tấn công tại Kashmir"
Sau cùng, nhìn trong lịch sử, người ta thường thấy Úc đưa quân (những đơn vị nổi tiếng thiện chiến) đi rất xa, tại Bắc Phi trong trận chiến chống Đức Quốc xã) hoặc tại Miến Điện và Việt Nam trong thời chiến tranh lạnh. Quốc gia này có quá khứ Âu châu (do Anh quốc thành lập như một trại tù ngoài địa đầu thế giới) nhưng có tương lai Á châu, vì buôn bán và sinh sống trong lục địa bát ngát và phức tạp này. Úc là quốc gia ý thức được mối nguy Trung Quốc không khác gì Nhật Bản và lẳng lặng bảo vệ tương lai đó bằng chủ truơng sát cánh với Mỹ trong mọi nỗ lực quân sự. Nhưng, đó là khi ta nhìn xa về quá khứ. Ngay trước mắt, trong chính trường Úc, phe đối lập gồm các đảng Lao động, Môi sinh (đảng Xanh) và đảng Dân chủ vẫn kịch liệt chống lại quyết định tham chiến của Thủ tướng Howard, hiện đang lãnh đạo một liên minh giữa đảng Tự do của ông và đảng Quốc gia thuộc cánh hữu. Nếu không phải Thủ tướng Howard và cánh trung hữu của ông cầm quyền thì chưa chắc Úc Đại Lợi đã sốt sắng đến như vậy.
Kiểm đi kiểm lại, có lẽ người ta phải nghĩ đến một cách giải thích “tổng hợp”. Thứ nhất, Úc là quốc gia có ý thức bị đe dọa cao và có ý chí chống trả quyết liệt (khác với trường hợp Tân Tây Lan). Thứ hai, khác với Ấn Độ, Úc là một quốc gia có thỏa ước phòng thủ với Mỹ (lời giải thích đó có thể áp dụng cho trường hợp của Ba Lan, một quốc gia cũng sát cánh với Mỹ do liên minh quân sự NATO và cũng có ý thức chống trả rất cao, khi đã khởi đầu phong trào giải phóng khỏi chế độ Xô viết). Sau cùng, một ngẫu nhiên đáng mừng cho Hoa Kỳ, lãnh đạo Úc ngày nay thuộc khuynh hướng trung hữu và có ý thức đấu tranh quyết liệt hơn khuynh hướng thiên tả của phe đối lập.
Những chi tiết trên cho thấy cái thế liên minh rất bấp bênh trong trận tuyến chống khủng bố, vì nó tùy thuộc vào quá nhiều yếu tố như văn hóa, lịch sử, quyền lợi, ngoại giao và bối cảnh chính trị nhất thời... Những điều đó cũng có thể giải thích vì sao một đồng minh truyền thống là Turkey, vào giờ chót đã bỏ rơi Hoa Kỳ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.