Hôm nay,  

Chuyến Nghỉ Hè 1.834 Dặm Đường

01/09/200600:00:00(Xem: 2732)

Las Vegas có khoảng 10 tiệm phở ở phố Tầu, duy nhất một quán trên phố chính ngay cạnh sòng bài trong khách sạn Treasure Island.

Thứ Bẩy 12.8

Sáu giờ sáng chúng tôi rời nhà. Trời se lạnh. Nhiệt độ sáng sớm chỉ mới 62oF.

Trời còn tờ mờ, thinh lặng. Mặt trời mới toả chút mầu hừng đông non lên không gian. Đã lâu lắm tôi mới ra đường vào sáng sớm một ngày cuối tuần khi mọi người còn đang ngủ bù cho những ngày trong tuần với giờ làm việc dài hơn những giấc ngủ.

Một giờ đồng hồ sau xe bắt vào quốc lộ 5, con đường huyết mạch nối liền nam bắc California, kéo dài lên Canada và xuống đến Mexico. Mặt trời ở ngang tầm mắt, chói một mầu vàng lên những đồi cỏ khô và những cánh đồng hoa quả thẳng cánh cò bay. Cam, quít, chanh, lê, mận, đào, rau, hành, tỏi không chỉ từng mảnh vườn mà là những cánh đồng xanh đến tận cuối chân trời. Mỗi lần đi qua vùng đất này tôi thường tự hỏi làm sao giữa sa mạc hoang vu, không có gì ngoài đồi cát sa mạc nóng khô mà người Mỹ đã dẫn nước vào và biến thành một vựa cây trái, rau cỏ khổng lồ góp phần cho sự giầu mạnh của bang California, nếu tách riêng thành một quốc gia thì đứng thứ 7 trên thế giới về phát triển kinh tế. Hai trăm dặm đường thẳng băng trước mắt là những cảnh quan như thế cho đến khi xe vượt đèo vào vùng Los Angeles mới thấy nhà trên những triền núi, đỉnh đồi.

Điểm đến đầu tiên là Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Ronald Reagan nằm trên đỉnh một ngọn đồi của thị xã Simi Valley, cách Los Angeles chừng 60 dặm đường.

Tôi đã thăm nhiều bảo tàng viện của những Tổng thống Mỹ thời cận đại như Lyndon Johnson, Richard Nixon, Gerald Ford. Trong đó tôi nhận ra một điều là ngoại trừ Bảo tàng viện Johnson ở Austin, Texas là không thấy trưng bày Bức tường Bá Linh, còn những nơi khác đều có di vật này. Đó là biểu tượng sụp đổ của những chế độ và chủ thuyết cộng sản. Riêng tại Bảo tàng viện Reagan có đến ba nơi đặt những mảng Tường Bá Linh.

Ở Mỹ bảo tàng và thư viện của Tổng thống thường nằm cạnh nhau. Trong Bảo tàng Reagan tôi đọc được nhiều lời tuyên bố danh tiếng của những lãnh tụ cộng sản, là chân lí một thời, ghi lại cạnh những mảng tường:

“We will bury you.” - Nikita Khrushchev. Chúng tao sẽ chôn bọn mày.

“The Communist Party can never be wrong.” - Nikolai Bukharin. Đảng Cộng sản không bao giờ sai lầm.

“Ideas are more powerful than guns. We could not let our enemies have guns, why should we let them have ideas"” - Joseph Stalin. Tư tưởng mạnh hơn là súng. Chúng ta không để cho kẻ thù có súng, thế thì tại sao lại nên để cho bọn nó có tư tưởng.

Ronald Reagan nổi tiếng với câu nói: “Mr. Gorbachev, tear down this wall.” - Ông Gorbachev, hãy giật sập bức tường này xuống - như một lời thách thức của Hoa Kỳ với khối cộng sản trong thời Chiến tranh Lạnh còn nóng bỏng. Ronald Reagan đã trở thành vị Tổng thống anh hùng của nước Mỹ với những thành quả cắt giảm vũ khí chiến lược và cùng Tây Âu tác động làm cho khối đông Âu sụp đổ, Liên bang Sô-Viết tan rã.

Nhắc đến Ronald Reagan, người Việt nhớ đến ông là vị tổng thống đã cử đặc sứ đi Hà Nội thương thảo về vấn đề tù cải tạo để sau này họ được qua Mỹ định cư theo diện hát-ô (HO).
*

Xuống Little Saigon, chúng tôi đi ăn chả cá Thăng Long ở quán Hà Nội, tạm được, xem tranh Nguyên Khai trưng bày tại tòa soạn Việt Báo.

Gặp Nguyên Khai trong phòng triển lãm, hỏi thăm và nghe anh kể về đời sống nghệ thuật ở Việt Nam sau ngày 30.4 khi anh và họa sĩ Đỗ Quang Em vẽ hình công nhân tầu lửa bị cán bộ văn hoá phê bình, đề nghị sửa áo người công nhân không được rách, thêm đồ nghề sửa chữa để thấy giới công nhân không nghèo đói, thiếu thốn. Đỗ Quang Em đã có thời vượt biên không thành, bây giờ giầu có nhờ bán tranh. Về tự do sáng tác, Nguyên Khai nói có nới lỏng nhưng nghệ sĩ vẫn “chưa thoát khỏi cái vòng kim cô”. Tuy sống ở nước ngoài Nguyên Khai vẫn thường tham dự triển lãm ở quê nhà. Tranh của anh mang nhiều hình ảnh thiếu nữ và đã nhiều lần được giải thưởng trong nước. Đã lâu rồi tôi mới có dịp xem tranh của hoạ sĩ Việt được trang trọng trưng bày như phòng tranh đây.

*

Thời gian ở Nam California, chúng tôi có buổi họp mặt với một số bạn học cũ và mới, tất cả chín gia đình, đa số là cựu sinh viên AH và ACK Đại học Bách khoa Phú Thọ trong những năm ngay sau ngày 30.4, chỉ mình tôi học luật và một bạn đi du học từ năm 1973. Có người từ Toronto, từ Ottawa qua, từ Boston về, từ San Jose xuống.

Những ngày xưa cũ, chúng tôi thường tụ họp uống cà phê, đàn ca, đánh ping-pong, chơi cờ tướng. Thời sinh viên chúng tôi chẳng phải học tập một giờ chính trị và còn có khuynh hướng chống chính phủ nữa. Sau biến cố tháng 4.1975 nhiều bạn từ Minh Đức, Taberd thi đậu vào Phú Thọ nhưng rồi cũng tìm đường ra đi vì sự học nay đã khác, không còn thích hợp với ước mơ trở thành chuyên viên kỹ thuật đóng góp vào việc xây dựng đất nước mà phải theo Đoàn, theo Đảng - như tôi được nghe kể về danh hiệu ACK74 mà các bạn hay nói giễu là hễ có AK-47 là ngon lành - để phải nhồi nhét những kinh điển giáo điều lạc hậu. Còn trường luật bị đóng cửa, đổi thành trường dạy kinh tế xã hội chủ nghĩa. Theo tôi, quyết định đó của nhà nước còn ảnh hưởng dây chuyền cho đến ngày hôm nay với tình trạng thiếu luật sư và tinh thần tôn trọng pháp luật trong xã hội Việt Nam còn ở mức rất thấp, thể hiện ngay trong đời sống người dân từ cung cách chạy xe ngoài đường cho đến tinh thần làm việc của cán bộ, công nhân viên trong cơ quan.

Hôm nay tụ họp. Có bạn ngày đó thi tú tài đôi đậu cao, thấp nhất cũng hạng bình, được đi du học nên 33 năm rồi mới gặp lại nhau. Chúng tôi là đám học trò sau cùng thi viết trong các kỳ thi tú tài I và II. Niên học sau bỏ thi tú tài I và cải tổ kỳ thi tú tài II với cách thi trắc nghiệm, chấm bằng máy IBM. Khi còn thi viết, cả nước chỉ có một hoặc hai học sinh đậu hạng tối ưu vì tất cả các môn phải đạt điểm 18/20, mà khó cho thầy cô nhất là khi chấm bài luận triết. Năm đó tôi nhớ có Phùng Bảo Toàn của trường Chu Văn An đậu tối ưu mà báo chí nhắc đến nhiều và được học bổng Úc. Không biết cậu học trò giỏi nhất miền nam niên khoá 1972-1973 bây giờ ra sao"

Chúng tôi giờ là kỹ sư, luật sư, chủ hãng xe tải, giáo viên, ổn định cuộc sống nơi xứ người và “xin nhận nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương” như lời hát xưa. Nhiều bạn có dịp đi công tác châu Á đều nhận xét là Việt Nam chưa có đủ hạ tầng để hấp dẫn đầu tư công nghệ từ nước ngoài. Hầu hết đã có dịp về thăm quê nhà nhưng chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện về lại đó sống.

Những buổi hội ngộ ở Quận Cam, ở Oceanside gợi lại biết bao kỷ niệm. Vào tuổi 50 rồi nhưng chúng tôi vẫn tếu, trêu chọc nhau, cười vang như pháo nổ chẳng khác gì hơn ba mươi năm về trước. Nếu đúng mỗi nụ cười là một liều thuốc bổ thì trong những tối gặp lại nhau, dù thức thật khuya nhưng chúng tôi đã tiêu thụ cả tấn thuốc bổ, bổ hơn cả rượu thuốc Minh Mạng hay rượu rắn hổ mang nhâm nhi với mồi ốc vòi voi, bê thui, với tiết canh vịt đã được chiêu đãi. Có hai bạn đáp xe đò Hoàng từ San Jose xuống chỉ để gặp lại nhau một đêm rồi sáng sớm về lại, thật là trân quý tình bạn đến mức nào. Gặp nhau là được dịp cười liên tu vì ba mươi năm trước chúng tôi đang rất yêu đời, rất tếu, rất vui.

Một buổi tối, đám đàn ông rủ nhau đi ăn phở Thanh Lịch, ngon, rồi kéo qua cà phê Dĩ Vãng 3. Tôi cứ nghe nói, đến Little Saigon mà không đi uống cà phê Dĩ Vãng 3 thì coi như chưa đến đó. Bây giờ mới hiểu tại sao, vì ở đó có những thiếu nữ mặc đồ bikini phục vụ khách hàng.

*

Thứ Hai 14.8

Đoàn du lịch có 4 gia đình, tất cả 8 người lớn và 7 trẻ nhỏ: vợ chồng Tuấn từ Canada, vợ chồng Quốc từ Boston, vợ chồng tôi từ San Francisco và vợ chồng Quang là thổ địa lo phối trí tổ chức cuộc họp mặt và chuyến đi chơi xa.

Lên ba chiếc xe, chúng tôi xuôi nam theo quốc lộ 5, dừng lại tham quan khu phố cổ San Diego. Sau đó ghé cửa hàng miễn thuế để mua bia rượu trước khi vượt biên giới qua Mexico.

Phần tư thế kỷ trước tôi đã vượt biên giới phiá nam một lần trong một chuyến đi đầy ắp lo âu lẫn thích thú vì lái xe vào xứ lạ, không biết đường đi nước bước, không hiểu ngôn ngữ. Bốn đứa sinh viên thời đó chỉ ra chòi, ngồi ngó biển, tối đi ăn nhà hàng và ở qua đêm rồi hôm sau quay lại Mỹ. Lần này trở lại Mexico, tuy đã biết chút ít tiếng Tây Ban Nha, nhưng vẫn canh cánh lo sợ không biết có phải lái xe trên những đoạn đường gập ghềnh như ở Việt Nam hay ở châu Phi và nhịp xe của những người tài xế bản xứ ra sao. Nhưng chỉ độ mười lăm phút qua biên giới thì cảm giác lo lắng tiêu tan đi nhiều, khi xe chạy êm với tốc độ 100 cây số giờ trên xa lộ dọc bờ biển của dải Baja California, hai bên là những dãy nhà ngói đỏ mới xây hay còn đang mọc lên, thỉnh thoảng có chung cư cao cấp mấy chục tầng với biển quảng cáo giá bán từ 100 nghìn đô la một căn, 250 nghìn thì có thể mua được ngôi nhà biệt lập. Những biển quảng cáo toàn tiếng Anh, nhắm vào những công dân Mỹ từ phía bắc, những người như chúng tôi trong tương lai chăng"

Đến cây số 100 là thấy bảng Bienvenidos chào đón khách du lịch vào địa phận thành phố Ensenada. Trong không khí thoang thoảng mùi cá như khi đi ngang Phan Thiết. Ensenada trước đây chỉ là một làng đánh cá nhỏ do nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Don Juan Rodriguez tìm ra năm 1542, bây giờ có 400 nghìn dân sinh sống. Trong thành phố không thấy xe máy hay xe đạp, toàn ô-tô. Nhiều ngã tư không đèn, chỉ có bảng ALTO, ngừng, không thấy cảnh sát nhưng người dân rất tôn trọng luật lệ lưu thông, nhường nhau trật tự, không bóp còi inh ỏi.

Chúng tôi ghé một khu ăn uống gần bến tầu. Cả đám đồng ý là không khí, cảnh vật, nếp sinh hoạt ở đây giống Việt Nam quá, từ những giàn bông giấy đỏ, hàng quán bên đường, ghế ngồi, đến cách bài trí, gọi khách và cả những con ruồi, tuy không nhiều và không có những người ăn xin hay trẻ em đi bán rong. Taco là món ăn phổ thông như người Việt ăn phở và cũng có đủ loại taco, bò, cá, tôm, mực, giá 8-10 pesos một cái. Một đô la đổi được 10.5 pesos nhưng người dân quen dùng tiền Mỹ nên việc chuyển đổi dễ dàng. Chúng tôi gọi taco cá. Người lớn ăn 3 cái với đầy đủ rau, hành, củ cải đỏ, cà chua, vắt chanh, bỏ ớt vào nữa rất ngon miệng và no. Thỉnh thoảng có ban hát đi ngang với mấy chiếc đàn ghi-ta đủ cỡ, với kèn đồng mời gọi, nếu thích nghe họ sẽ biểu diễn và mình trả tiền. Không níu kéo hay ép khách nghe.

Ăn xong các chị kéo tôi qua chợ cá để mặc cả vì tiếng Tây Ban Nha của tôi cũng vừa đủ cho mấy chuyện đó. Hải sản từ biển kéo lên trong ngày, còn tươi. Bào ngư loại nhỏ 100 P một ký. Sò nâu to bằng nửa bàn tay giá từ 30-50 P một chục 12. Các chị mua nhiều thứ để tối nấu ăn và nhậu.

Trên đường đến nhà nghỉ, bên đường thấy có McDonald, Burger King, Costco, Home Depot là những cửa hàng thương hiệu Mỹ. Xe qua trung tâm thành phố chừng 10 cây số, rẽ vào mấy đoạn đường đất cát thì chúng tôi đến hai căn nhà nghỉ mát nằm trên bãi biển, ngó ra Thái Bình Dương. Ra khỏi cửa là bước chân xuống bãi cát mịn, thoai thoải nước ấm, trong xanh, mát. Đám trẻ con nhào ngay xuống nước nghịch, bơi.

Trong đám chúng tôi có Quốc vượt biên đường bộ, từng chia ngọt sẻ bùi đời sống trại tị nạn với Lý Tống; còn Tuấn, Quang và tôi đi thuyền qua Thái Lan, Mã Lai, Philippin nên biển gợi nhớ nhiều. Có lẽ vợ chồng Tuấn, đến từ vùng đất tù Ottawa là nhớ biển hơn cả nên cứ sáng sớm đã thấy anh chị ngồi trên ghềnh đá, ngó biển, nghe sóng vỗ, nhìn vài ba con tầu còn cào lưới muộn màng trong ngày. Tôi chỉ mang máng nhớ Vũng Tầu, nhưng Tuấn nhớ rất rõ. Ngồi nhìn ra Thái Bình Dương, Ensenada có hình vòng cung, bên trái với ngọn núi cao mà Tuấn gọi là Long Hải, kéo dài qua Phước Tỉnh, rồi bãi Sau, bãi Ô Quắn, Tầm Dương, bãi Dâu, bến đá, bến đình.

Một sáng chúng tôi lên núi xem suối nước phun lên từ ghềnh đá ở La Bufadora. Đường lên ghềnh hai bên là những quầy bán đồ kỉ niệm, quần áo, nhạc cụ truyền thống và cả xì-gà Cuba. Có một thứ lạ, đậu Mexico, to bằng đầu ngón út, mầu xanh lá, có vân, để lên đĩa cứ tự động nhảy tành tạch. Hỏi một anh bạn mới biết loại đậu đó là một thứ tổ kén.

Tối chúng tôi mua củi về đốt lửa trại trên cát. Đêm nay không có nhiều tiếng nói cười. Mấy đứa bé thích nghịch củi cháy nổ tí tách, còn người lớn nhìn ánh lửa bập bùng, nghe sóng vỗ mà theo đuổi những suy tưởng riêng, của quá khứ biển, của kỷ niệm, của tình bạn hôm qua và hôm nay. Với riêng tôi biển luôn mang lại âm hưởng mơn man như triền sóng, hồi hộp như những chuyến đi và thanh thản như cơn gió nhẹ thoảng qua.

*

Thứ Năm 17.8

Sau mấy ngày ở xứ nghèo - không nghèo sao người dân Mễ, chứ không phải dân Canada ở biên giới phía bắc, cứ tìm mọi cách vượt biên qua Mỹ - chúng tôi về Las Vegas và bị choáng ngợp bởi văn minh vật chất, bởi cái ồn ào náo nhiệt của Sin City (Thành phố Tội lỗi) hay Lost Wages City (Thành phố Nướng lương), thiên đường ăn chơi bất kể ngày đêm giữa chốn sa mạc với nhiệt độ ngoài trời vào mùa hạ thường trên 110oF, còn trong khách sạn, khu giải trí thì lúc nào cũng mát dịu như trên cao nguyên xanh cây.

Tôi đã đến đây nhiều lần, chủ đích là đi chơi, ăn uống, coi sô chứ đánh bài chỉ chút đỉnh mà người Việt quen nói là “đóng góp tiền điện” cho Las Vegas, còn hên lắm thì “gỡ được mấy bóng đèn” đem về. Kỳ này có sô KÀ đang diễn ở MGM thật đặc sắc. Đây là chuyện tình ngang trái với những cảnh có thể nối kết được với tâm tình của nhiều người Việt: tầu bị bão đánh chìm, người chết đuối hay cảnh như Trương Chi thổi sáo, với kỹ thuật sân khấu quay vòng cầu cực kì hiện đại. Las Vegas không chỉ là nơi chốn cờ bạc, rượu chè mà còn là thành phố của nghệ thuật đang có những sô nhạc kịch Mamma Mia!, Phantom of the Opera, triển lãm ảnh của Ansel Adams. Tôi muốn coi sô LOVE với những ca khúc yêu thích một thời của Beatles, nhưng đoàn hát đang nghỉ hè. Đã coi KÀ hay nghe Célin Dion trình diễn ở đây rồi thì chẳng muốn coi những chương trình văn nghệ Việt Nam nữa.

Những năm gần đây, giới tiếp thị Las Vegas rất chú ý đến dân châu Á nên quảng cáo khuyến mãi rộng rãi trong cộng đồng da vàng. Xem ti-vi trong khách sạn có đến 5 đài tiếng Hoa. Nhiều sòng bài mời ca sĩ Việt đến hát. Trong tháng Tám ở khách sạn Hilton có hai sô, ngày 6 với Thiên Kim, Don Hồ và ngày 20 với Lưu Bích, Nguyên Khang. Ngày 26.8 sân khấu MGM có Miss Vietnam Global với em-xi Thanh Bạch từ trong nước cùng các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Vân, Khắc Triệu, Lam Trường, Hồng Ngọc, hợp với ca sĩ hải ngoại Trường Vũ, Phi Nhung, Ái Vân, Tuấn Anh, Thu Phương. Khách đến đây nếu đánh bài ghi đủ số giờ là được tặng vé ăn, vé coi văn nghệ.

Khi dot.com ở California xì hơi, nhiều người Á Đông bỏ đi, đổ về Las Vegas xoay sở cách sinh sống. Chục khu phố trên đường Spring Mountain nay là phố Tầu sầm uất với nhiều cửa hàng ăn, trong đó có chục tiệm phở, dăm tiệm neo của người Việt. Nhưng giá nhà Las Vegas cũng đã lên cao. Một người quen, sống trong căn nhà rộng 3.600 bộ vuông - 400 mét vuông - giá xấp sỉ 800 nghìn đô, cách xa trung tâm thành phố 40 phút lái xe. Như thế đâu có rẻ hơn nhà ở Quận Cam hay vùng Vịnh San Francisco, California.

Ngoài những mục giải trí không phải là cờ bạc, tôi còn thích Las Vegas ở chỗ đây là một xã hội sang trọng nhưng không giai cấp. Khách dạo chơi trong những khu phố ở Bellagio, Venetian, Paris-Paris hay Wynn không diện thanh lịch mà vẫn luôn được đón tiếp niềm nở.

Nhìn những khu ăn chơi ở Las Vegas, thu hút 37 triệu du khách mỗi năm, nơi người Mỹ đem Paris, New York, đem Venice, Ai Cập, Luxor dựng lên giữa lòng sa mạc làm tôi không khỏi cảm phục về khả năng xây dựng cực kì siêu đẳng của những tài năng trên đất nước này. Ngược lại cũng có điều nghịch lý là người Mỹ đã không làm được gì trên ruộng đồng Việt Nam ngày trước và nay trên sa mạc Iraq.

*

Chủ Nhật 20.8

Mười hai giờ trưa từ giã bạn bè ở Quận Cam trong lưu luyến, hẹn nhau vài năm tới hội ngộ.

Gần tám giờ tối về đến nhà. Gió lành lạnh thổi. Nhiệt độ ngoài trời êm dịu ở mức 60oF. Nhìn đồng hồ cây số, tính nhẩm, gia đình tôi đã vượt 1.834 dặm đường trong một chuyến đi nghỉ hè với nhiều kỷ niệm và tình thân cũ mới.

© talawas.org

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.