Hôm nay,  

Bà Huyện Can Đảm

07/05/200200:00:00(Xem: 4269)
Đời nhà Đường. Giặc Lý Hy Liệt đã đánh được Châu Biện, rồi kéo đến đánh huyện Hạng Thành. Quan huyện Hạng Thành là Lý Khản muốn chạy trốn, nên chạy vào gọi vợ mà nói rằng:

- Thế giặc đang lớn. Tôi e mình không chống lại được đâu. Vậy bà hãy vào trong thu góp vòng vàng xuyến bạc, rồi theo cửa sau cùng tôi mà bỏ trốn. Chớ chần chờ không định, thì e rằng khó thọ đến mùa trăng…

Vợ của Lý Khản là Dương thị, nghe thế mới vội vàng hỏi tới:

- Chàng là mệnh quan của triều đình. Hưởng ơn vua, ăn lộc nước, mà không biết xả thân vì bá tánh, thì có còn là quân tử được chăng"

Lý Khản bỗng lớn tiếng mà quát rằng:

- Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Ta chẳng phải hạng… thất phu, thì ôm ấp chuyện hưng vong làm chi cho mệt. Đó là chưa nói đời người như bóng câu qua cửa. Dẫu có được tiếng là người vì nước. Phơi xương trải mật - rồi cuối cùng cũng vùi thân vào ba thước đất - thì phỏng đặng ích gì" Nay ta đã hưởng được cảnh an nhàn sung sướng, thì tội gì lại lăn mình ở mũi đạn hòn tên - rồi lỡ mạng vong - thì chữ Hiếu kia biết chừng nào mới đáp được"

Dương thị ngẫm nghĩ đôi chút, rồi nói từng lời như đục như cưa:

- Thiếp tưởng cõi trăm năm của con người, hơn nhau là biết dùng cái thân để làm lợi cho nhân quần xã hội. Thiếp cũng biết đời người ai cũng một lần phải chết, nhưng có kẻ chết để lại cho đời những công đức không bao giờ quên được. Còn có kẻ chết đi mà bá tánh… mừng như trúng số, thì thử hỏi lòng: Chàng khéo chọn đường nao" Hay chỉ biết vinh thân cho thỏa lòng ước vọng"

Lý Khản nghe vợ nói bỗng lặng người như trúng gió, nên nhất thời chưa biết liệu làm sao. Chưa biết chữ trăm năm vẫn còn trong hay đục, thành thử chốn tâm can như cầm ngay than nóng, mới bực dọc trong lòng mà nghĩ thật xa xăm:

- Kẻ thù hại ta, ta có thể tránh được. Còn… vợ định hại ta, ta không thể nào tránh khỏi. Bởi vậy, người quân tử không sợ người lạ mà chỉ sợ người thân. Không ngán thứ lăn dưa mà lại quýnh lên với tình bằng hữu. Thôi thì chuyện đã thế ta phải tìm xoay hướng khác. Chớ nấn ná đây hoài, e không sống được lâu!

Nghĩ vậy, Lý Khản mới đến bên vợ, mà nói nhẹ nhàng như rót mật vào tai:

- Một cây không làm nổi sườn nhà. Một giọt nước không làm thành biển cả. Thế nên, dẫu ta có cố thế nào đi chăng nữa, thì cũng chẳng nhằm chẳng đặng mẹ gì đâu, bởi quân tướng như ri làm sao mà đánh giặc" Đó là chưa nói cha hiền đã ngàn mây khuất núi. Còn mẹ già thui thủi một mình ên - mà ta cứ tiến lên - thì chữ Hiếu kia làm sao mà báo được" Rồi lỡ một mai ta nằm tiêu đâu đó - thì phận trai đầu - ta biết định liệu sao" Khi ở suối xa, thiếu đi nén hương thơm nhớ thương người khuất mặt. Thôi thì xuất giá phải nghe chồng trước hết. Dẫu không bằng lòng cũng bằng… mặt mà vui. Chớ không thể trống đánh xuôi, còn em… thổi búa xua mà coi được!

Dương thị nghe qua mới hết hồn hết vía, bởi hổng dè lại đụng đến tình cha, nên trong phút giây hông làm sao nói đặng, rồi sau hai khắc cho tỉnh người tỉnh trí, mới nói vài lời nghe thấu ruột thấu gan:

- Thiếp vẫn nghe người xưa hay nói: Giặc đến nhà đàn bà phải đánh. Huống chi thiếp là hiền phụ của quan, thì không thể co chân mà rút dù cho được!

Lý Khản nghe thế, mới lặng đi đôi chút, rồi hỏi vợ rằng:

- Vậy theo ý bà. Tôi phải làm sao"

Dương thị đáp:

- Giặc đến cướp thành thì phải hết sức mà giữ thành. Giữ không được thì phải liều chết với thành, Nay chàng lại chực trốn, thì còn cháo rau gì được nữa" Sao chàng không mộ quân cho nhiều. Khao thưởng cho to, thì chẳng những giữ được an nguy, mà không chừng lại cứu đặng Châu Biện nữa đó!

Lý Khản bỗng lạnh buốt cả châu thân, rồi giật mình trộm nghĩ:

- Vợ ta! Từ nào tới giờ, chỉ biết có canh cửi nấu cơm, thêm vá áo đan may khi hàn đông trở lại. Chớ chưa hề một lần nêu ý kiến. Chưa một lần trò chuyện nói việc công. Chưa biết cái binh đao nó… tròn hay méo đặng, rồi bỗng dưng hôm nay nói điều nghe nhức nhối - đụng đến can trường của chí cả làm trai - thì dẫu sống muôn năm ta cũng khó lòng tin rứa được. Thế mới biết cõi trên kia cũng gần bên sát nút. Cậu với Bà cũng cứ vậy mà đo, thành thử giáng vô… vợ ta để nói ra những điều khác lạ. Chớ không có thiên cơ mở đường đưa lối - thì dẫu đến bạc đầu - cũng chẳng bao giờ vợ… hót được vậy đâu!

Đoạn, Lý Khản mới gấp rút mà nói với vợ rằng:

- Cứu binh như cứu hỏa. Vậy bà hãy mau mau đăng đàn khiển tướng, đặng kịp thời cứu vớt vạn sinh linh. Chớ không thể nấn ná chần chờ thêm nữa được. Phần tôi dặn quân canh phòng hai con ngựa chiến, đặng lỡ bề gì còn có cái mà dong. Chứ hổng lo xa ắt vương mang điều hối hận, rồi lúc đó có thương nhau cũng khó lòng chung sống, cho đến ngày bạc trắng rụng hàm răng, thì nỗi đau kia làm sao bù đắp được"

Nghe thế, bà huyện mới hội họp quân lính và dân chúng lại, mà nói rằng:

- Quan huyện là chủ các ngươi thật, song chẳng qua ở đây độ năm ba năm, rồi cũng đổi đi nơi khác. Chớ không thể ở đây suốt hoài mãi được. Chỉ có các ngươi là người dân sinh sống, ở đất này với mồ mả cha ông, thì không thể đứng khoanh tay mà dâng thành cho chúng được. Vậy lẽ sống chết đã bày ra trước mắt. Tùy ở các người muốn chọn cái nào hơn, thì phận tôi trung ta sẽ hết lòng lo liệu. Chớ sống cõi ni mà hết lòng vun quén. Cho cái thân mình mập mạp béo phì lên, thì uổng phí đi công sinh thành dưỡng dục. Vậy ý các ngươi làm sao cho ta biết, đặng ta còn định liệu bước đường sau. Chứ không thể cứ im ru mà sống hùng sống mạnh…

Nói rồi, nước mắt lăn dài trên đôi má, khiến thiên hạ đứng nhìn mà tâm cứ rộn lên, thành thử một hai ba quyết lòng chung một dạ, đặng giữ cha ông được bình yên nơi chín suối, cùng mái gia đình thoát cảnh bị lìa chia, khiến bà huyện trên cao thấy nức lòng nức dạ, rồi nhân lúc mọi người đang bừng to khí thế, bà mới rõ ràng hạ lệnh trước hàng quân:

- Ai lấy gạch đá đánh được giặc, thưởng tiền một nghìn. Ai lấy gươm giáo giết được giặc, thưởng tiền một muôn. Ai bắt được tướng giặc, thì tài sản vợ con của giặc, sẽ về tay người ấy cả!

Thế là một đồn mười. Mười đồn trăm. Trăm đồn ngàn. Thét rồi nam phụ lão… trừ ấu, đều kéo ra ngoài thành chống giặc. Lý Khảm, đứng gần bên thấy thế, mới nhộn nhạo trong lòng mà nghĩ thật mông lung:

- Thiệt là nước mắt chẳng mất tiền mua, mà lại có thể mua được nhiều thứ khác. Thậm chí mua sinh mạng cũng còn thấy được. Hà huống chi đám giặc kia đụng đến mồ cha mả tía. Đụng đến bàn thờ tiên tổ ở ngoài kia. Đụng đến mái gia trang đã bao ngày xây dựng. Duy có một điều không làm sao hiểu thấu - là vợ của mình bỗng bộc phát tùm lum - khiến tả hữu chung quanh hết lòng ngưỡng mộ. Chừng mai đây khi bình yên đất nước. E đạo vợ chồng sẽ đảo ngược tràn lan, thì lúc í thấy năm bà cố nội…

Tối ấy, nhân lúc bà huyện đi trông nom lương thực cho quân lính, cùng đốc thúc mọi người hăng hái giữ thành. Lý Khảm mới tay ôm bầu rượu. Tay cầm nắm nem. Dzô vài chung cho vơi mối sầu vạn cổ, rồi trong lúc đang chìm sâu như thế. Chợt nghe tiếng nhẹ nhàng nhỏ híu tận bên tai:

- Chẳng hay tướng quân có gì khó nghĩ" Có thể chia xẻ phần nào với kẻ hèn này được chăng"

Lý Khải nhìn lại, thì ra là Tử Tang. Lãnh chức phó tướng trong huyện của mình, bèn dzô thêm hớp rượu, rồi buồn bã mà rằng:

- Bi kịch lớn nhất của con người là không bao giờ sống riêng rẽ được cho mình. Dù ta cố bình thản. Coi như không có ai hết, thì bên cạnh ta, cũng còn sự hiện diện của một người. Ấy là… vợ!

Tử Tang nghe thế, mới ngẩn người đi một lát, rồi nhỏ nhẹ nói rằng:

- Tôi vốn biết mình tài hèn phận bạc, nên thật không hiểu sự thâm sâu của những gì tướng quân vừa nói. Vậy có thể vì tình, mà khai mở cho kẻ này hiểu thấu được chăng"

Lý Khải đáp:

- Vợ ta thuộc loại nắng không ưa, mưa không chịu. Trong nhà sợ gió, ra đường ngại mù sương, mà bỗng hôm nay vươn vai thành Phù Đổng, khiến tự thâm tâm ta bừng lên lo lắng, bởi hổng hiểu mai này hoan lộ sẽ làm sao" Khi việc mấy hôm nay đến tai người chức trọng, thì không biết ta có còn vinh phú" Hay chạy qua bà thì… chết mẹ cái thằng tôi!

Tử Tang nghe thế, mới đực mặt ra mà thưa với Lý Khải rằng:

- Tôi vẫn nghe người xưa hay nói: Xấu chàng hổ thiếp. Nay vợ của tướng công làm được điều hay phải cho bá tánh, thì theo lẽ thường tình, tướng công phải vui. Hà cớ chi lại rũ như đêm ba mươi thiếu đi mùi rượu thịt"

Lý Khải thở một phát, rồi mới tỉ tê trải phơi niềm tâm sự:

- Đàn bà, đã lỡ leo lên… đầu một lần, thì không bao giờ xuống nữa. Ta chỉ sợ sau khi bình yên đâu đó - thì dân huyện này - sẽ theo bà chớ chẳng chịu theo ta, thì lúc ấy ta vui thế nào nữa được"

Tử Tang suy nghĩ một chút, rồi thả vài lời như gió thoảng vào tai:

- Tôi tưởng chuyện gì. Chớ chuyện ấy có gì đâu mà khó, đến độ phải nhọc lòng mượn rượu tìm quên! Phải mất vui khi đời đang tươi đẹp…

Lý Khải nghe thế, mới bừng đôi mắt sáng, rồi nắm tay Tử Tang, mà hỏi rằng:

- Ngươi có kế gì" Có thể hé mở vài lời cho ta biết được chăng"

Tử Tang đáp:

- Đàn bà, vốn được Trời ban cho Thiên chức làm mẹ, nên thường coi con hơn… nước. Coi mọi sự trên đời hổng thấm vào đâu, bởi so với con thì khác xa một trời một vực. Ngay cả chồng cũng chẳng nhằm chi hết ráo, bởi có thể bỏ chồng chớ không thể bỏ con, thì tự hậu trước sau chỉ con là quan trọng.

Nay tướng công với phu nhân chưa bồng con chi ráo. Sao không dộng một phùa cho có lấy mặt con, đặng… vướng bận con thơ mà chẳng lo toan gì nữa được. Chừng lúc ấy tướng quân muốn gì mà chẳng có. Muốn bạc muốn tiền muốn thiếp để đùa chơi. Muốn tiếng muốn danh muốn đời ghi công trạng. Muốn bá tánh lê dân ngàn năm ghi ơn nhớ, thì sẽ có liền như suối chảy ngoài kia. Như nước trong khe, như nguồn cao chảy bạo. Chớ để phu nhân cứ mình son như thế. Ắt sẽ có ngày… chết đẹp với hồng nhan. Với sắc với hương với nụ cười Bao Tự. Với tiếng trong thanh đắm chìm mê trong đó, và với nước mắt tràn cuốn… mẹ nó đời trai!

Mõ Sàigòn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.