Hôm nay,  

Ông Bảo Lộc, Nhân Chứng Đặc Biệt Trong Vụ Mậu Thân (1968) Ở Huế Vừa Nằm Xuống

05/06/200600:00:00(Xem: 3023)

(Để tưởng nhớ Ông Bảo Lộc, Phó Tỉnh Trưởng Thừa Thiên, đã bị Việt Cộng bắt trong Tết Mậu Thân ở Huế, còn sống sót sau 13 năm tù (1968-1980) mới qua đời 29/5/06 tại San Diego)

Báo Người Việt hôm 31/5/2006 có đăng một phân ưu của bạn bè với gia đình Ông Bảo Lộc, Khóa 3 Quốc Gia Hành Chánh, đã từng giữ chức vụ Phó Tỉnh Trưởng Quảng Trị (1964-1965) và Phó Tỉnh Trưởng Thừa Thiên (1966-1968) vừa qua đời tại San Diego lúc 1:10 AM ngày 29 tháng 5 năm 2006 (nhằm ngày mồng 3 tháng 5 năm Bính Tuất) hưởng thọ 72 tuổi.

Trong Tết Mậu Thân (1968) ở Huế, hai ông Phó Đãi (Nguyễn  Văn Đãi, Phụ Tá Đại Biểu Chính Phủ tại Vùng I) và Phó Lộc (Bảo Lộc, Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh tỉnh Thừa Thiên) đã bị Việt Cộng bắt trong những ngày đầu tiên khi bọn chúng tràn chiếm Thành phố Huế. Hàng ngàn đồng bào bị giết chết tập thể, nhưng hai vị công chức cao cấp nầy đã may mắn còn sống sót sau mười mấy năm bị giam giữ tại Miền Bắc và đã  đến được đất tự do Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Văn Đãi mới qua đời cách nay mấy năm và Ông Bảo Lộc mới qua đời lúc 1:10 AM ngày 29/5/2006 tại San Diego. Hai ông là nhân chứng đặc biệt, đã trải qua những ngày máu lửa trong Tết Mậu Thân (1968), đã bị bắt rất sớm và đã được đưa ra khỏi thành phố Huế cũng rất sớm, để đưa ra giam giữ tại Miền Bắc, trước khi có cuộc thảm sát hàng ngàn người vô tội tại Huế và Thừa Thiên. Ông Nguyễn Văn Đãi, dưới bút hiệu Hoàng Liên, đã để lại những dòng hồi ký "Tết Mậu Thân ở Huế" rất giá trị. Và ông Bảo Lộc, dưới bút hiệu Hồng Châu, qua hồi ký "5000 Ngày Trong Cõi A Tỳ" trong đó, tường thuật lại đoạn đường tử thần "Qua Trường Thiên Hựu" dưới con mắt của một nhân chứng. Hai đoạn hồi ký nầy đã được trích đăng trong tuyển tập

"Thảm Sát Mậu Thân ở Huế" do Phong Trào Giáo Dân VN Hải Ngoại thực hiện, xuất bản tại Hoa Kỳ và tại Âu Châu năm 1998 nhân dịp kỷ niệm 30 năm vụ Thảm sát Mậu Thân (1968) ở Huế (1968-1998)...

Người viết (NLT) được quen biết ông Bảo Lộc vào đầu năm 1964 khi ông đang giữ chức Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh tỉnh Quảng Trị, lúc đó ông vào độ tuổi 30, rất trẻ, dáng dấp của một thư sinh, dòng dõi vua chúa (hoàng tộc nhà Nguyễn) nhưng đã tỏ ra là một cấp chỉ huy với đầy đủ uy tín,  chững chạc, có nhiều kinh nghiệm về hành chánh...đã làm cho mọi giới trong tỉnh rất kính trọng và đầy tín nhiệm nơi ông. Lúc bấy giờ Tỉnh trưởng Quảng Trị là ông Hoàng Xuân Tửu, một người tranh đấu, hoạt động cách mạng, hoạt động chính trị, đã từng vào tù ra tội vì thuộc thành phần đối lập với chế độ đệ I Cộng Hòa (thời TT Ngô Đình Diệm) và có liên can đến vụ chiến khu Ba Lòng của Đại Việt tại Quảng Trị (1955).

Nhiều lần chúng tôi đã đến gặp Ông Phó Lộc tại Tòa Hành Chánh cũng như những dịp được đàm đạo với ông, cả những bữa ăn sáng hay những bữa cơm thân mật giữa bạn bè có ông tham dự...Bản tính "Ông Phó Lộc" vốn thận trọng, ăn nói nhỏ nhẹ, khôn ngoan trong cách cư xử...đã gây được nhiều cảm tình trong các giới nhân sĩ, trí thức tại địa phương, trong đó có cá nhân chúng tôi.          

Làm việc ở Quảng Trị một thời gian, ông lại được thuyên chuyển về Huế, một tỉnh lớn và quan trọng hơn tại Miền Trung. Thời gian nầy, chúng tôi là sinh viên tại Đại Học Sư Phạm và Văn Khoa Huế, vừa đi dạy trường tư, vừa sinh hoạt chính trị trong mợt chính đảng quốc gia chống Cộng...

Đối với anh em trẻ chúng tôi, ông Bảo Lộc vừa là bậc đàn anh, thuộc thế hệ đã trưởng thành, đã có địa vị trong xã hội, nhưng ông luôn luôn cư xử như là người bạn thân tình, luôn giúp đỡ chúng tôi nhiều mặt nhất là trong các hoạt động văn hóa, xã hội...Ông luôn luôn là một người cố vấn đầy kinh nghiệm, nhất là về các thủ tục hành chánh và các luật lệ về tài chánh...

Mùa Xuân năm 1967, lúc bấy giờ tôi đang làm việc tại Bộ Giáo Dục và được Trung Ương phái ra Huế để liên lạc với Ban Tổ Chức  Đại Hội Thể Thao Liên Viện Đại Học để tìm các phương tiện giúp Đại Hội Thể Thao thành công tốt đẹp. Tôi đã thường xuyên tiếp xúc với "Ông Phó Lộc" để xin ý kiến về các thủ tục đấu thầu cung cấp thực phẩm và giải khát cho sinh viên trong thời gian tranh các giải thể thao tại Huế...Từ tháng 8 năm 1967, chúng tôi đã nộp đơn ứng cử Dân Biểu Hạ Nghị Viện (nhiệm kỳ 1967- 1971) tại tỉnh Thừa Thiên và tất nhiên chúng tôi cũng đã thường xuyên liên lạc với ông Bảo Lộc.

Sau khi  đắc cử Dân Biểu được 3 tháng thì xảy ra biến cố Tết Mậu Thân (1968) tại Huế. Ông Bảo Lộc và ông Nguyễn Văn Đãi bị bắt, ông Trần Đình Thương (Phó Thị Trưởng thị xã Huế) bị chết và nhiều sĩ quan, binh sĩ, công chức, cảnh sát, cán bộ, sinh viên học sinh, tu sĩ và đồng bào vô tội bị giết chết tập thể ...Tuyệt nhiên, chúng tôi không có tin tức gì về ông Bảo Lộc! Xem như ông đã chết! Chúng tôi nghĩ rằng với con người thư sinh, mảnh khảnh như ông nếu không bị chôn sống, bị giết tập thể thì cũng không chịu nổi cảnh lao tù đói rét, bị hành hạ áp bức dưới chế độ Cộng sản VN, chắc chắn sẽ không còn sống sót! Nhưng khi được tin ông còn sống sau hơn 12 năm tù, được cho về dự đám tang thân phụ, được gặp lại người thân trong gia đình thì chúng tôi cho rằng cái mạng của ông quá lớn và phúc đức của cha mẹ ông bà để lại cho ông quá dày!

Ông bị bắt khi đang còn ở trong nhà với vợ con, đường Lý Thường Kiệt, quận 3 Huế, đối diện với Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ...gần trường Thiên Hựu Huế. Ông mới lập gia đình trước đó vài năm và mới có được một đứa con gái duy nhất. Sau hơn 12 năm tù dưới chế độ CSVN, năm 1980, ông được trại tù cho về thăm gia đình 3 hôm để dự đám tang thân phụ của ông qua đời tại Huế.

Thừa dịp đó, gia đình ông đã móc nối được với một người quen đang tổ chức vượt biên. Chuyến đi may mắn trót lọt và ông đã được định cư tại Hoa Kỳ. Ông và vợ con đã làm lại cuộc đời tại quê hương thứ hai từ 25 năm nay. Người con gái đã có chồng cách nay vài ba năm. Trong dịp nầy, bạn bè đã vinh danh người vợ của ông, một người đàn bà Việt Nam thuần túy nề nếp Nho phong, đạo đức, trung thành với chồng, thờ chồng nuôi con (hay chờ chồng trong vô vọng)!

Năm 1994, tôi và gia đình được qua định cư tại Hoa Kỳ, nhưng mãi đến 03 năm sau, tôi mới liên lạc được với ông. Ông đã gởi cho tôi một phần của tập hồi ký "5000 Ngày Trong Cõi A Tỳ" với bút hiệu Hồng Châu. Ông có hứa sẽ xem lại toàn bộ và bổ túc những chỗ thiếu sót trước khi xuất bản tập hồi ký nầy. Nhưng không hiểu vì một lý do nào đó mà ông không cho phổ biến như đã hứa với anh em chúng tôi.

Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với ông thường xuyên vì chúng tôi biết ông là người chứng rất độc đáo về vụ Thảm Sát tết Mậu Thân (1968) tại Huế. Ông có cho tôi biết về cái chết của ông Võ Thành Minh trong Tết Mậu Thân tại Huế. Ông Minh là một trong những người đầu tiên của Phong Trào Hướng Đạo Việt Nam. Năm 1954, ông qua Genève theo dõi Hội Nghị bàn về việc đình chiến tại Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh. Ông đã dựng một căn lều bằng vải (của Hướng Đạo khi đi cắm trại) ở bên bờ hồ Leman thành phố Genève, nơi đang họp hội nghị, suốt ngày thổi sáo và phân phát truyền đơn kêu gọi  hòa bình, chấm dứt chiến tranh, đừng chia đôi nước Việt Nam.  Những năm 1965-1966, ông có mặt tại Huế và cư ngụ trong khu từ đường của cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự, với một lối sống độc đáo từ cách ăn mặc cho đến giao thiệp bạn bè. Vào thời điểm đó những ai chủ trương chống chiến tranh, có nghĩa là chống Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa thì được Cộng sản nằm vùng móc nối vì chúng xem họ là đồng minh của chúng trong chiến tranh "chống Mỹ cứu nước"!

Trong Tết Mậu Thân 1968, Việt Cộng đã cho người đến tiếp xúc với ông và mời ông làm Chủ Tịch Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình tại Huế nhưng ông đã từ chối. Sau đó, Việt Cộng đã đưa ông Lê Văn Hảo (Tiến sĩ Nhân chủng học, Giáo sư Đại học Văn khoa Huế) lên làm Chủ Tịch Liên Minh DT,DC, HB ...

Tại Sài Gòn chúng đã đưa Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch Liên Minh DTDCHB... Thượng Tọa Thích Đôn Hậu (chùa Thiên Mụ) và Bà Nguyễn Đình Chi (cựu Hiệu trưởng trường Đồng Khánh Huế) làm Phó Chủ tịch. Hoàng Phủ Ngọc Tường (Giáo sư trường Quốc Học Huế) làm Tổng Thư ký. Tên tuổi của những vị nầy đã được công bố trên đài phát thanh Hà Nội và đài Giải Phóng (của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam).

Xin lưu ý: vào thời điểm 1968, ngài Thích Đôn Hậu là Thượng Tọa Chánh Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (Miền Vạn Hạnh), ngài ở tại chùa Thiên Mụ. Sau 1975, khi trở về Huế, ngài Đôn Hậu mới được gọi là Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. Trước khi xảy ra vụ Thảm sát Tết Mậu Thân 1968, người viết bài nầy cùng đi chung một chuyến bay với ngài Thích Đôn Hậu từ Sài Gòn ra Huế và đã được ngài Đôn Hậu mời đến thăm chùa Thiên Mụ vào sáng 30 tết.

Khi ông Bảo Lộc bị đưa lên tạm giam tại một địa điểm trong vùng núi Trường Sơn thì ông Võ Thành Minh cũng đã có mặt tại đó. Ông Võ Thành Minh cho biết ngay khi chiến sự xảy ra tại Huế, ông đã sử dụng loại xe ba gác (xe kéo bằng tay có ba bánh xe) đưa những người bị thương trong vùng về từ đường cụ Phan Bội Châu để săn sóc. Việt Cộng đã thuyết phục ông theo chúng nhưng ông đã từ chối. Vì thế ông đã bị chúng  bắt đưa lên núi. Ông Bảo Lộc cho biết ông Võ Thành Minh đã bị Việt cộng giết tại Trường Sơn. Sau đó, ông Bảo Lộc được đưa ra Bắc giam chung với nhóm Biệt Kích Nhảy Bắc...tại vùng núi Hoàng Liên Sơn. Trong số anh em gốc Biệt Kích ở chung với ông Bảo Lộc, hiện có người đang ở tại Nam Cali và đã liên lạc với ông.

Qua Mỹ, tôi tiếp tục làm thơ, viết văn, viết báo, nghiên cứu lịch sử...Những tác phẩm của tôi xuất bản từ 1996 đến nay, tôi đều gởi tặng ông Bảo Lộc  và được ông khuyến khích, nâng đỡ rất nhiều. Cách nay mấy năm, tôi nghe tin ông bị ung thư...Tôi có hỏi thăm, nhưng ông chỉ trả lời "sức khỏe vẫn bình thường"! Tôi có được mời dự đám cưới con gái duy nhất của ông, tổ chức tại San Diego. Tôi nhận thấy ông tuy già đi so với thời trai trẻ, nhưng vẫn còn vui vẻ, nhanh nhẹn và vẫn giữ được vẻ bình thản như không hề có chuyện gì xảy ra, nhất là lúc đó ông đang mang bệnh nan y trong người.

Mấy tháng trước đây, tôi có được mời dự Hội Thảo do bên Phật Giáo tổ chức nhân dịp khánh thành ngôi chùa mới tại San Diego. Tôi có ý định đến thăm ông Bảo Lộc nhưng Cựu Dân Biểu Lê Tấn Trạng (gốc Quốc Gia Hành Chánh) vì bận việc nên đã không đưa tôi đến thăm ông được. Tin ông qua đời vào lúc 1:10 AM ngày 29 tháng 5 năm 2006 (mồng 3 tháng 5 Bính Tuất) thật quá đột ngột. Tôi từ Âu Châu về đến Cali tối 29/5 thì hôm sau được tin ông mất!

Không biết những dòng hồi ký của ông đã hoàn tất trước khi ông mất hay chưa" và hiện nay vợ con ông có giữ lại bản thảo hồi ký đó hay không" Tôi đánh giá cao những điều ông viết vì ông là một trong hai nhân chứng rất độc đáo đã sống sót sau vụ Thảm sát tại Huế trong Tết Mậu Thân 1968. Chỉ còn 02 năm nữa là kỷ niệm 40 năm vụ Thảm sát Mậu Thân (1968-2008), chúng tôi hy vọng gia đình sẽ cho xuất bản cuốn hồi ký của ông vào dịp nầy vì đó là tài liệu lịch sử vô giá.

Sau đây, xin mời quý vị đọc một đoạn trong hồi ký "5.000 Ngày Trong Cõi A Tỳ" của Hồng Châu (bút hiệu của ông Bảo Lộc) kể lại khi ông bị Việt Cộng bắt và dẫn vào giam giữ tại trường Thiên Hựu:

"Bước qua những mảnh cửa kính vỡ dọc hành lang ngôi trường và xác những con lợn lai to lớn không hiểu tại sao nằm chết ở đó, tôi bị dẫn vào một phòng học bỏ trống, cửa ngõ mở banh, không khí rùng rợn như một trạm hành quyết. Góc tường, nhiều vết đạn lỗ chỗ và một vũng máu lớn lan đọng trên nền, chỗ còn đỏ tươi, chỗ đã đen thẫm, bốc lên một mùi tanh khó tả của máu người. Cổ họng tôi nghẹn đắng một cảm giác căm hận. Không nghi ngờ gì nữa, đây là chỗ Việt Cộng thủ tiêu người. Bao nhiêu người đã bị xô vào góc tường này để hứng lấy những phát đạn bắn gần. Máu họ còn đó, nhưng thân xác bị vùi dập nơi đâu" Lúc đó, thật tình tôi không biết ở khu vực quanh tôi nhiều người cũng bị bắt đến đây như tôi và càng không thể ngờ rằng trong số những người không may đó, có rất nhiều gương mặt, quen cũng như không quen, đến nay vẫn tuyệt mù tăm tích, để lại mình sống chết ra sao.

Trường học là nơi đóng quân trong thành phố của Cộng Sản, cũng là bãi giết người tập thể. Hầu như ít ai đã lọt vào đây mà được trở về. Tôi bị bắt khi Cộng quân đang chuẩn bị rút. Chúng bận rộn lo di tản thương binh và chống đỡ với phi pháo nên hoạt động khủng bố phần nào bị hạn chế. Suốt hôm đó tôi không thấy có ai thêm bị đưa vào trường ngoại trừ anhLuận. Nhưng những xác chết trong đêm mà tôi thấy nằm rải rác trên đường đi từ ngã tư Nguyễn Huệ - Lý Thường Kiệt cho đến phía bên kia Cầu Kho Rèn khi Cộng sản bắt đầu đưa tôi lên núi, thì rất có thể họ là nạn nhân của những vụ hành quyết  tại chỗ.

Càng gần thất bại, Cộng quân càng trở nên dã man. Diễn tiến tình hình tại Huế đã cho thấy như vậy. Chỉ tiếc màn đêm và sự canh chừng của Cộng sản đã không cho phép tôi nhận diện được họ rõ hơn. Chỉ biết đấy là xác những thường dân, trên người còn mặc bộ áo quần ngủ. Tôi thông cảm sâu sắc niềm đau miên viễn của gia đình những người bất hạnh. Mười mấy năm qua vẫn chưa thôi truy tìm dấu vết người thân, dầu là một chứng tích bi thảm cũng đành lòng hơn chút ảo tưởng sống còn ngày càng mơ hồ vô vọng. Bản thân tôi, gia đình tôi không chỉ hết nước mắt nhớ thương mà hết luôn cả hy vọng nhặt xác con về. Có hầm chôn tập thể, khe suối vùi người nào được khai quật mà gia đình tôi không đến lật tìm từng mảnh vải còn vương, đến hàm răng, chiếc sọ bầy nhầy để xem có di thể tôi trong đó không. Những người thân yêu nhất trong đời tôi, mẹ tôi, chị tôi - khi nhắm mắt vẫn còn yên trí tôi đã là một hồn ma không còn trên cõi thế.

Trở về sau 13 năm trôi dạt ngục tù, tôi xem ra thành kẻ chứng nhân cho một chuỗi ngày khổ tận. Không phải tất cả những người mất tích đều đã chết. Nhưng sự sống sót chỉ là hạt cát trong biển máu không lồ. Mỗi trại giam lụp xụp giữa Trường Sơn là một khu mồ dựng sẵn. Nhưng bản năng sinh tồn cũng có những sức đề kháng kỳ lạ. Có những lời nhắn gởi bị dìm đi, nhưng cũng có những lá thư nhà đầy khí khái của kẻ sĩ sa cơ coi nước đã mất thì nhà không còn...

Nhìn chúng đi lại tôi ước lượng khoảng một đại đội Việt cộng đang chiếm đóng khu trường. Nhiều tên ghé lại đứng nhìn ngắm chúng tôi rồi chỉ trỏ bàn tán với nhau. Có vẻ chúng đang chuẩn bị đem chúng tôi ra bắn. Một tên du kích mặt non choẹt, toàn thân vàng bủng nhưng điệu bộ cực kỳ hung ác được giao canh giữ chúng tôi.

Bằng một giọng Thừa Thiên quê đặc hắn vừa phun ra những lời chửi rủa độc địa, vừa dí mũi súng carbine vào người tôi, ngón tay cong lại như sắp bóp cò. Vừa khi đó hai chiếc trực thăng vũ trang bỗng từ đâu sà đến, nhả liền mấy quả rốc kết vào bọn Việt cộng trên lầu. Khói bụi bốc mù mịt, vôi vữa rơi đổ ào ào.

Mấy tên du kích hốt hoảng tìm chỗ ẩn núp, quên khuấy chúng tôi. Ngồi trên chiếc bục giảng bài của thầy giáo, tôi ngẫu nhiên được chứng kiến cảnh chiến đấu đang diễn ra. Tôi thầm cảm phục sự can đảm của hai viên phi công trực thăng. Từ các cửa sổ tầng trên ngôi trường, các họng súng đại liên, trung liên, cọng với hằng trăm cây súng cá nhân cộng sản thi nhau nhả đạn vào hai chiếc máy bay, tưởng như thế nào cũng bị tiêu cháy đến nơi. Nhìn từ phía trận địa địch, rõ ràng trong chiến đấu, trực thăng là một đối tượng rất dễ bị tổn thương. Thế mà cái khối chậm chạp lắc lư đó như không biết sợ là gì, vẫn bình tĩnh lượn gần quan sát, thỉnh thoảng nghiêng mình bắn trả những đường đạn chính xác. Tôi nghe rõ nhiều tiếng kêu la trên lầu vọng xuống.

Bọn Cộng sản đã bị trừng trị. Trong tiếng la thất thanh tôi nghe cả giọng đàn bà. Chúng điên cuồng hò nhau bắn trả, nhưng hai chiếc trực thăng chỉ dạt ra rồi lại sà xuống tiếp tục bắn phá. Ở những vòng lượn thấp, tôi nhìn thấy viên xạ thủ người Mỹ phơi mình bên khẩu đại liên, giữa lúc lao vào ổ địch mặt  vẫn lạnh băng như không biết sợ là gì.

Cũng những người lính viễn chính ấy tôi thường gặp trong những phi vụ đưa đón phái đoàn, từ sân bay Thành Nội, bãi đáp Macv đến không trạm quân đoàn, trông họ rất đỗi bình thường, lặng lẽ và lễ độ. Thế mà giờ đây trong mắt tôi họ bỗng trở thành một thứ hiệp sĩ thần kỳ, phù nguy diệt bạo. Tôi hoàn toàn không nghĩ là mình đã được giải cứu, nhưng vẫn cảm thấy một cái gì như hả dạ khi biết rằng bọn sát nhân đang bị những đòn giáng trả đích đáng. Có thể chúng sẽ giận dữ hơn, tàn bạo hơn đối với những người rơi vào tay chúng, nhưng ít ra chúng cũng hiểu không kẻ nào gieo gió mà không gặt bão.

Nhưng tiếc thay sự hiện diện của lực lượng đồng minh hôm đó chỉ có thế. Sau khi hai chiếc trực thăng bỏ đi, bầu trời im ắng trở lại, trả cho bọn Cộng Sản cái quyền thao túng mặt đất mà chúng đang nắm giữ bằng sắt và máu. Cũng như tất cả những người bị cô lập với bên ngoài, tôi có cảm tưởng lực lượng ta đã rã hết rồi. Và chiếc máy bay chợt đến rồi lại chợt đi như đóm lửa chưa kịp bùng cháy mà đã vội tắt.

Thấy tạm yên, mấy tên du kích đanh ác lại ngóc đầu lên. Nhưng lần nầy chúng có vẻ hơi gờm, chỉ gườm gườm nhìn chúng tôi chứ không chửi rủa và đòi dọa bắn.

Đến tôi, hình như có lệnh mới, chúng tôi được dẫn tới một phòng khác có vẻ là nơi chuẩn bị để di chuyển. Đi qua những hành lang dài vun vút nhưng tuyệt không một ánh đèn, chúng tôi bước mò mẫm trên những mảnh kính vỡ và nhiều chướng ngại không tên để cuối cùng dừng lại trước một cánh cửa tối om. Chúng đẩy tôi vào và bảo ngồi đấy đợi. Quơ tay, tôi sờ thấy một chiếc mền dạ không hiểu của ai vứt lại trên thềm.

Tối quá tôi không biết ngoài tôi và anh Luận còn có ai trong phòng nữa không. Nhưng chắc chắn là có người vừa từ ở đây bị dẫn đi và vì vội quá nên không kịp đem theo chăn mền của mình. Chiếc khăn dạ tốt, loại nhà binh Pháp để lại, nhất định không phải thứ mà Cộng sản có được.

Đêm tháng Giêng trời lạnh, trên mình lại chỉ phong phanh một bộ đồ mỏng, không dày dép, tôi và anh Luận quấn luôn chiếc mền vào người và cũng không có ý định giao nó lại cho những tên Việt cộng tham lam. Sau này, khi chuyển trại, chiếc chăn được xé làm đôi, tôi một nửa, anh Luận một nửa. Chính nhờ mảnh chăn đó mà tôi đã có thể cầm cự nổi ví cái rét cắt da thịt của Trường Sơn, và đã không sớm ngã xuống như nhiều anh em khác.

Khi đưa ra giam ở Miền Bắc, tuy có được phát mền sợi Trung cộng, nhưng tôi vẫn giữ mảnh chăn bên người với ý định sau này nếu có cơ hội sẽ tìm gia đình người có tấm chăn trả lại như một dấu tích của người thân để lại.

Càng về đêm, bọn Cộng sản lại càng đi rộn rịp. Như một loài ma ăn đêm, chúng có vẻ quen thuộc với bóng tối. Mọi sự chuyển vận, hoạt động đều không cần tới ánh sáng. Tiếng dép lốp nghiến xào xạc trên mảnh chai, tiếng súng khua lách cách. Thỉnh thoảng có ánh diêm chớp lóe đỏ soi lên tường những bóng đen qua lại. Bỗng trong sâu thẳm của tối tăm nổi lên nhiều tiếng rên rỉ đau đớn. Tiếng rên đau phát ra từ dãy phòng phía hữu gần cổng chính ngôi trường. Ở đó có các thương binh của chúng nằm dài trên nền xi măng chờ được cáng đi.

Qua thoáng nhìn vội, tôi thấy được cảnh tượng mà Cộng sản ít khi để lộ ra ngoài. Những thân người sắp lớp  từ phòng này qua phòng khác, cái đã bất động, cái còn cựa quậy rên la chứng tỏ khi đi gây tội ác, chúng đã tổn thất. Giấu giếm là sở trường của Cộng Sản. Sợ dân chúng biết, chúng đã dồn hết những đồng bọn không may vào đây, chờ đêm tối mới bắt đầu chuyển về sào huyệt. Những chiếc khăn màu xám dơ bẩn buộc túm hai đầu luồn dưới một thanh tre dùng làm đòn khiêng là cái tải thương đường dài của chúng. Trong khi những tên bị thương khóc lóc, kêu khát đòi xin nước thì những tên khác vẫn thản nhiên bước qua, không buồn dừng lại hỏi han một tiếng.

Mùi xú uế tanh tưởi của máu mủ lan khắp mọi nơi..."

(Trích hồi ký của Hồng Châu (bút hiệu của ông Bảo Lộc): "5000 Ngày Trong Cõi A Tỳ" được đăng lại trong sách Thảm Sát Mậu Thân ở Huế, do Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại xuất bản năm 1998 từ trang 74 - 79)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.