Hôm nay,  

Hoa Kỳ Vào Phi Châu

02/07/200300:00:00(Xem: 4545)
Cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ sẽ dẫn Hoa Kỳ vào tới Phi châu, đấy là ý nghĩa của việc Tổng thống Bush sẽ thăm viếng lục địa này, và một dấu hiệu kiểm chứng có thể là biến động tại Sudan...
Trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, chính quyền của Tổng thống George W. Bush chỉ trích về nhiều điều - bất ổn liên tục tại A Phú Hãn hay tại Iraq là những nhắc nhở - nhưng ông vẫn là người không hề thiếu ý chí. Trong tháng này, ông sẽ thăm viếng một lục địa xa xôi là Phi châu, và chuyến đi có mục tiêu giăng thêm mẻ lưới diệt trừ khủng bố. Hoa Kỳ sẽ vào Phi châu và thời sự quốc tế sẽ nhắc nhở đến lục địa này, cho đến nay chỉ nổi tiếng ở sự lầm than, bệnh Liệt kháng và nạn nội chiến liên tục...
Ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld thông báo việc Hoa Kỳ sẽ triệt thoái ra khỏi các căn cứ quân sự tại Saudi Arabia, Tư lệnh Tối cao Lực lượng Đồng minh là Tướng James Jones đã tuyên bố rằng quân lực Mỹ sẽ phải quan tâm đến Phi châu hơn nữa và trong một tương lai không xa, các mẫu hạm Mỹ sẽ tuần tiễu ngoài khơi Tây phi nhiều hơn là trong Địa trung hải. Người ta thấy là Mỹ đang mở rộng địa bàn truy lùng khủng bố sang Phi châu, ở cả hai mặt Đông Tây. Các nhà quan sát đặc biệt chú ý đến sự việc đó vì xưa nay phe Cộng hòa bảo thủ vẫn coi lục địa Phi châu là vùng không đáng kể về quyền lợi, trong khi Phe Dân chủ thiên tả lại cho rằng lục địa này chỉ đáng kể ở nạn nội chiến. Chính quyền Bush lại đi một nước cờ táo bạo hơn và thuyết phục cả hai phe về nhu cầu tiến vào Phi châu. Hai tháng sau khi chính quyền Bush thông báo kế hoạch viện trợ 15 tỷ đô la để chống nạn Liệt kháng, một thiên tai cho lục địa Phi châu, thì một số giới chức Mỹ nói đến mặt kia của lục địa: dầu thô. Khi Tướng James Jones tuyên bố là hải đội Mỹ sẽ tuần tiễu ngoài khơi Tây phi, quanh vịnh Guinea, thì Tư lệnh phó Lực lượng Mỹ tại Âu châu, Tướng Charles Wald tự nhiên nhắc nhở, rằng xứ Nigeria tại đây cung cấp từ tám đến 14% số dầu thô tiêu thụ tại đây, và tỷ lệ này có thể tăng vọt lên 25%. Xứ Saudi không còn giữ vị trí trọng yếu trên cả hai lãnh vực chiến lược của Hoa Kỳ là khủng bố và dầu thô vì trọng lực đã chuyển dịch qua hướng khác.
Những người mau mắn đả kích Mỹ là bành trướng thế lực để trục lợi về dầu hỏa tất nhiên kết luận là Đế quốc Hoa Kỳ đang vươn bàn tay nhám vào lục địa Phi châu để cướp dầu. Nhưng họ không nhắc nhở gì đến một sự thật khác là trước khi lãnh đạo quân lực Mỹ nói đến Phi châu hay dầu hỏa thì lục địa này đã khét tiếng toàn cầu về nạn tàn sát trong cái trớn của những vụ nội chiến, và các xứ Âu châu xưa kia có ảnh hưởng trong lục địa này, như Pháp, Bỉ, Anh hay Đức, ngày nay đều bó tay. Ngoài vấn đề nhân đạo, nghèo đói, bệnh tật và nội chiến, Phi châu còn đáng chú ý vì có thể là hậu cứ của quân khủng bố, nhất là tại các quốc gia Đông phi có dân chúng theo đạo Hồi. Trường hợp nổi bật là xứ Sudan, nơi mà Osama bin Laden đã dừng chân và nơi mà nhiều hoạt động bí mật đang được Mỹ tiến hành để diệt sạch các cơ sở khủng bố của al Qaeda. Theo dõi tin tức tại Sudan và hải cảng Djibouti, người ta có thể suy đoán ra những trận chiến tình báo và đặc vụ đang xảy ra ngòai màn ảnh của truyền thông quốc tế trước khi được công luận chú ý.

Chuyến thăm viếng năm nước Phi châu của Tổng thống Mỹ trong tháng này vì vậy có thể báo hiệu việc Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với các nước liên hệ. Thực ra, chuyến đi đã được trù tính từ tháng Giêng mà bị đình hoãn vì chiến dịch Iraq cho đến ngày 20 tháng qua mới được tòa Bạch Cung thông báo. Người ta thấy chính quyền Bush chú ý đến khu vực này từ lâu và giữa những chuyến vận động bầu cử và các hồ sơ nội chính, ông Bush sẽ mở một mặt trận ngoại giao quy mô để xiết chặt quan hệ với các nước Senagal, Nam Phi, Botswana, Uganda tại Trung Phi và trở lại Tây phi thăm Nigeria.
Danh sách các nước này cho thấy tầm quan trọng của chuyến đi. Nam Phi là quốc gia lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trong lục địa; Nigeria, với Tổng thống Olusegun Obasanjo vừa tái đắc cử là nguồn cung cấp dầu hỏa đáng kể cho Hoa Kỳ. Các quốc gia còn lại là những giao điểm về tình báo liên hệ đến khủng bố, một lãnh vực mà hệ thống tình báo Mỹ có nhược điểm hiển nhiên. Senegal là một xứ Phi châu có đa số dân chúng theo đạo Hồi và là một nước lớn trong vùng trước đây là thuộc địa của Pháp. Khi tăng cường hợp tác với xứ này, Hoa Kỳ vừa chứng minh là mình không kỳ thị các nước Hồi giáo, vừa triệt hạ ảnh hưởng của Pháp và đồng thời lại mở rộng mạng lưới thu thập tin tức về al Qaeda. Vị trí Uganda lại có ý nghĩa khác, vì liên hệ đến tình hình nội chiến tại Sudan lẫn Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Chad và Cộng hòa Trung Phi. Nếu ổn định được tình hình Uganda, Hoa Kỳ có hy vọng chấm dứt được nạn tắm máu trong khu vực đồng thời có thêm ảnh hưởng đối với các lân bang để mở rộng màng lưới chống khủng bố.
Trong ngần ấy quốc gia, nếu Nigeria là một quốc gia dầu hỏa thì các nước kia lại chỉ có đặc sản bi đát là nội chiến và trạm tiếp vận của khủng bố. Ông Bush muốn qua đến tận đó để vừa chứng minh mối quan tâm đến các vấn đề cao thượng như nghèo đói, bệnh tật và chiến tranh trong một môi trường thiếu dân chủ, vừa nâng cao uy tín cho các lãnh tụ tại chỗ, hầu giúp cho hệ thống tình báo Hoa Kỳ có thêm những nguồn yểm trợ mới.
Đấy là ý nghĩa của chuyến đi Phi châu sắp tới của Tổng thống Mỹ, báo hiệu một kỷ nguyên mới trong một lục địa bị lãng quên từ quá lâu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.