Hôm nay,  

Cảm Nghĩ Khi Xem Vở Kịch Cọp Rằn Chương Thiện

27/06/200300:00:00(Xem: 7206)
PHOTO: Trần Hùng trong vai Đại tá Cẩn đang hành quân, và tấm bích chương vở kịch.

Cựu Quân Nhân Biệt Động Quân, NGÔ MINH HỒNG
Với tất cả tấm lòng của một cựu quân nhân Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hòa, tôi đã đi xem vở kịch CỌP RẰN CHƯƠNG THIỆN vinh danh Cố Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, trình diễn bởi đoàn kịch Trần Hùng chiều chủ nhật, 27 tháng 04, 2003 vừa qua tại rạp hát La Mirada.
Gần 1000 người đã hiện diện xem vở kịch CỌP RẰN CHƯƠNG THIỆN mặc dù đó là ngày đồng bào chúng ta tại Hải Ngoại làm lễ Khánh Thành Tượng Đài Việt Mỹ tại thành phố Westminster. Vở kịch vinh danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung và Cố Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, một anh hùng vị quốc vong thân nói riêng. Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân, trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế Nha Trang, nguyên Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân - Cọp Ba Đầu Rằn, nguyên Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Chương Thiện, vùng Bốn chiến thuật. Tên tuổi, chiến công, và đạo đức của một vị chỉ huy anh hùng là một trong những lý do khiến đông đảo khán giả hâm mộ đến xem vở kịch.
Việt Dzũng đã mở đầu chương trình, giới thiệu vở kịch CỌP RẰN CHƯƠNG THIỆN và đoàn kịch trẻ "Trần Hùng Entertainment," cũng như lý tưởng, hoài bão, và tất cả sự khó khăn mà Trần Hùng đã trải qua. Đây là tác phẩm thứ tư của đoàn kịch Trần Hùng, và cũng là vở kịch quân đội thứ ba của anh, sau tác phẩm LỜI NGUYỀN CỦA MẸ và QUÂN LỆNH CUỐI CÙNG.
Phần mở màn của vở kịch đã chiếm trọn cảm tình của khán giả, nhất là đối với những người trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa như tôi. Khán giả đã được chiêm ngưỡng những hình ảnh sơ khai oai hùng của tiểu đoàn 42 Biệt Động Quân - Cọp Ba Đầu Rằn, trong những năm mới thành lập, một tiểu đoàn đã nhiều phen làm kinh hoàng cộng quân. Tiếp theo, Trần Hùng trong vai Hồ Ngọc Cẩn và Đài Trang trong vai phu nhân đã lấy nước nước mắt của hầu hết khán giả trong cảnh vợ chồng cha con phải chia tay. Vở kịch được siết chặt ngay từ những giây phút đầu khi Trung Tá Hồ Ngọc Cẩn được về phép, dự định đưa gia đình đi hưởng thụ những giây phút đoàn tụ. Lúc bấy giờ, cộng quân đang vây hãm chiến trường miền Đông tại Bình Long - An Lộc, lệnh điều quân khẩn cấp từ Bộ Tổng Tham Mưu, Trung Tá Hồ Ngọc Cẩn phải từ giả vợ con, khẩn cấp tiến quân dọc theo quốc lộ 13 lên Tân Khai để giải vây cho An Lộc. Vợ xa chồng, cha xa con đã lâu, nay vừa gặp mặt chuẩn bị hưởng thụ giây phút đoàn tụ gia đình, vị Trung Đoàn Trưởng Trung đoàn 15 đã đặt Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm lên trên hết, gạt nước mắt từ giã vợ con để thi hành lệnh hành quân lập tức. Và.. mâu thuẩn gia đình đã bùng nổ. Đây cũng là bi kịch của rất nhiều gia đình sĩ quan cộng hòa khác trong hoàn cảnh chiến tranh của đất nước.
Xuyên suốt vở kịch, khán giả luôn cảm nhận được chính nghĩa của Cộng Hòa trong cuộc chiến Việt Nam. Là Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Chương Thiện, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn luôn nhắc nhở binh línhï về quân phong quân kỹ và tôn chỉ của Việt Nam Cộng Hòa. Đối với Việt Cộng, Đại Tá Cẩn luôn cương quyết nhưng luôn nêu cao chính nghĩa bao dung và chiêu hồi. Chính nghĩa cộng hòa và sự oai nghi của Đại Tá Cẩn đã khuất phục những cán binh chính quy của Cộng sản. Mỹ Huyền thành công trong vai Tư Khiết, một cán bộ phó chủ tịch Tỉnh, một công cụ được việt cộng nhào nắn và lý tưởng hóa. Mỹ Huyền đã làm xúc động khán giả trong hình tượng khăn choàng cổ vàng ba sọc đỏ quấn ngang lồng ngực; trước khi chết tha thiết xin đồng bào tha lỗi vì đã chọn lầm lý tưởng Cộng sản. Tâm tư, lý tưởng, và sự biến chuyển tư duy của một con người, đã được tác giả hình dựng rất nhân bản. Kết thúc oai hùng của đại tá Cẩn ngoài pháp trường đối nghịch với sự tàn ác, gian manh của việt cộng đã làm cho tất cả khán giả nghẹn ngào, đau nhói. Bản thân tôi, một chiến sĩ Biệt Động Quân từng xông pha ngoài chiến trường, cũng không kềm được những dòng lệ uất ức. Tôi đau xót cho Tổ quốc Việt Nam, đau thương cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, và đau lòng cho cả dân tộc.


Kịch sĩ Trần Hùng, tác giả và cũng là linh hồn của đoàn kịch, đã xuất sắc trong vai cố đại tá Hồ Ngọc Cẩn, oai hùng - chính khí - và lý tưởng. Vở kịch đã thành công trong việc lột tả các nhân vật tiêu biểu của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ tưởng cũng nên điểm lại. Vũ Mạnh Đôn chững chạc trong vai cố Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam. Vũ Thái Bình vai Sáu Đởm, quyền Bí Thư Tỉnh Uûy, với bộ mặt dốt nát, tham lam, và tàn ác của cộng sản sau những ngày trong "Bê." Hồng Nhân vai tài xế Mạnh, tiêu biểu cho bọn đón gió trở cờ mà chúng ta thường hay gọi là "dân Ba Mươi," đã chĩa súng vào người chỉ huy đáng kính để lập công với Cộng sản. Trâm Anh chất phát, thật thà, trong vai chị vú Tâm, trung thành với gia đình đại tá Cẩn, dùng mạng sống để cứu chủ. Tố Uyên tròn vai Tám Kiểm, một cán bộ Cộng sản dốt nát, tham lam, được chính nghĩa Cộng Hòa thức tỉnh lương tri. Lê Huỳnh trung thực trong vai gác ngục; giống như bao cán bộ chính quy khác của việt cộng, đi theo lý tưởng Cộng sản chỉ vì vật chất rẽ tiền.
Dù đã cẩn thận chuẩn bị, vở kịch vẫn còn vài khuyết điểm nhỏ. Tôi xin chân thành góp ý với đoàn kịch Trần Hùng với hy vọng các tác phẩm kế tiếp sẽ được hoàn hão. Nhận xét đầu tiên của tôi là lệnh điều động hành quân, trên nguyên tắc, phải từ đơn vị gốc, từ Quân Đoàn điều động, không phải từ bộ Tổng Tham Mưu. Kế đó, sự thiếu sót quân trang như dây ba chạc có thể thông cảm được do thiếu thốn phương tiện vật chất. Nhưng nếu nghệ sĩ Đài Trang, trong vai bà Hồ Ngọc Cẩn, tận dụng khả năng diễn xuất nhiều hơn trang phục bề ngoài, vở kịch sẽ có giá trị cao hơn. Nữ nghệ sĩ Mỹ Huyền, trong vai một cán bộ cộng sản chân chính, sao lại mang đôi guốc cao gót màu đỏ" Thật đáng tiếc…
Tuy nhiên, vở kịch đã thành công lớn về nghệ thuật diễn xuất, dàn dựng công phu, quân phục- quân trang- quân kỷ, ý nghĩa lịch sử, và nhất là về mặt chiến tranh tâm lý. Tác giả Trần Hùng và đạo diễn Mai Thế Hiệp đã làm việc ngày đêm tạo ra một tác phẩm có tầm vóc lớn về giá trị lịch sử lẫn nghệ thuật. Khi kịch đã hạ màn, tôi trong số khoảng 300 khán giả đã ở lại với đoàn kịch để tâm sự cùng các em. Được biết vở kịch sẽ được quay thành phim, đặc biệt là quay ở ngoại cảnh chứ không phải trên sân khấu và sẽ được trung tâm Asia phát hành khoảng trung tuần tháng 07 năm 2003. Như vậy, sắp tới đây, chúng ta sẽ có cơ hội xem bộ phim CỌP RẰN CHƯƠNG THIỆN qua hình thức Video và DVD. Có lẽ mọi người đang háo hức chờ đón để mua xem, để vào tủ sách gia đình, hoặc tặng cho người thân.
Lời cuối…, không chỉ riêng tôi, mà rất nhiều khán giả và các cựu quân nhân rất xúc động và không hiểu được tại sao với tuổi đời trẻ như Trần Hùng, một người ăn học thành công trong xã hội Mỹ và chưa bao giờ phục vụ trong Quân đội, một người có khả năng dàn dựng được các tác phẩm tình cảm xã hội, lại dấn thân vào việc vinh danh các chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa đầy gian truân, mất nhiều thời giờ và tài chánh. Trần Hùng, một nghệ sĩ trẻ đa tài, một diễn viên chuyên nghiệp có công gầy dựng nền kịch nghệ tại Hải Ngoại, một thanh niên với tâm hồn yêu nước đáng quý… Chúng ta, những người tỵ nạn cộng sản, những cựu quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa, hãy tự hỏi chúng ta đã làm gì để đáp lại tấm lòng của Trần Hùng"""
Westminster - Ngày 16, tháng 05, 2003
Ngô Minh Hồng,
Cựu Quân Nhân Biệt Động Quân

Ý kiến bạn đọc
26/03/201621:52:10
Khách
Vị nào quen biết ông Đại Tá BDQ Ngô Minh Hồng, xin vui lòng cho biết địa chỉ email hay số điện thoại. Bạn cùng khóa nhảy dù 105 tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn nhảy dù năm 1966 . Đa Tạ.
Lê phú Nhuận
(832)788-1516
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.