Hôm nay,  

Một Sự Hiếp Đáp Có Tên Là Franz Kafka

20/06/200300:00:00(Xem: 4056)
Une agression nommée Franz Kafka.
Lời người dịch (bản tiếng Việt): Primo Levi người Ý gốc Do Thái - kẻ sống sót Lò Thiêu, tác giả "Đây có phải một người", "Những kẻ chết đuối và những người được cứu thoát" - đã từng dịch Vụ Án, của Kafka. Sau đây là bài phỏng vấn, (dịch từ bản tiếng Pháp) khi cuốn sách dịch của ông, cuốn dầu tiên của tủ sách mang tên Nhà văn dịch Nhà văn, ra mắt độc giả Ý. Người phỏng vấn là Federico De Melis, cho báo Il Manifesto, số đề ngày 5 tháng Năm 1983, được in trong “Primo Levi, Trò chuyện & Phỏng vấn” (Marco BELPOLITI trình bầy và ghi chú. Thierry LAGET dịch từ nguyên bản tiếng Ý, và tiếng Anh, Dominique AUSTRAND, từ tiếng Đức, qua tiếng Pháp. Tủ sách 10/18, nhà xb Robert Laffont, 1998)


Từ mấy ngày nay, tại những tiệm sách có trưng bầy một cuốn sách, nhỏ hơn loại sách bỏ túi, trình bầy giản dị, của một tác giả không phải đương thời. Đó là cuốn sách đầu tiên của một tủ sách mới, của nhà xuất bản Einaudi, “Những nhà văn được dịch bởi những nhà văn”. Đây là cuốn Vụ Án của Franz Kafka, do Primo Levi dịch. Chúng tôi đã tới gặp tác giả “Có phải đây là một người”, tại Turin, thành phhố mà ông ra đời.


Cơ duyên nào đưa đến chuyện dịch này"

Đây là ý định của nhà xb Einaudi, muốn lại đưa ra thị trường một số nhà văn cổ điển, được dịch bởi những nhà văn hiện đại. Sau Vụ Án, tới Bà Bôvary của Flaubert, do Natalia Ginzburg dịch. Đây đúng là một ý nghĩ thông minh, uyên nguyên (originale) và ngược ngạo (provocatrice). Thông minh, là bởi vì ngược ngạo. Hiển nhiên là mỗi một cuốn sách dịch như thế sẽ gây ra tranh luận về chính nó, và trở thành đề tài nghiên cứu bổ ích và thú vị. Nhưng nói gì thì nói, đây là những cuốn sách trái khoáy (illlegitime: bất hợp pháp), bởi vì có tới hai tác giả. Người ta thấy ngay điều này, ở nơi bìa cuốn sách với hai tên tác giả, tên cuốn sách và dịch giả mầu trắng, còn tên tác giả, mầu đen. Chắc là sẽ rất phong phú, nếu nói về sự “qua lại” giữa hai tác giả. Ý định [của nhà xb] là như vậy. Trong khi dịch, tôi đã sống như là ngôi thứ nhất [như là tác giả của cuốn sách] – và tôi phải thú nhận – tôi đã phải đánh vật với chính tôi, khi đối diện với, một bên là ý thức ngữ văn – nghĩa là phải tôn trọng Kafka - và một bên là những phản xạ cá nhân, những thói quen cá nhân của một nhà văn, điều mà người ta gọi là văn phong, một văn phong cho tới bây giờ đã đóng rễ ở trong tôi. Vả chăng, một văn phong như thế, độc giả của tôi rành rẽ hơn là chính tôi, là người tạo ra nó, giống như một bức chân dung nhìn nghiêng. Chúng ta đâu có rành về chúng ta qua một bức chân dung nhìn nghiêng. Chúng ta chẳng bao giờ nhìn nghiêng chúng ta.

Franz Kafka-Primo Levi, tại sao"

Không phải tôi chọn, mà là nhà xb. Họ đề nghị và tôi chấp thuận. Kafka không hề là tác giả ruột của tôi. Nói đúng ra, thì là thế này: Tôi đã hơi coi nhẹ một việc dịch như vậy, bởi vì tôi không nghĩ, là mình sẽ phải cực nhọc với nó. Kafka không hề là một trong những tác giả mà tôi yêu thích. Tôi nói lý do tại sao: Không có gì là chắc chắn, về chuyện, những tác phẩm mà mình thích, thì có gì giông giống với những tác phẩm của mình, mà thường là ngược lại. Kafka đối với tôi, không phải là chuyện dửng dưng, hoặc buồn bực, mà là một tình cảm, một cảm giác thủ thế, phòng ngự. Tôi nhận ra điều này khi dịch Vụ Án. Tôi cảm thấy như bị cuốn sách hiếp đáp, bị nó tấn công. Và tôi phải bảo vệ, phòng thủ. Bởi vì đây là một cuốn sách rất tuyệt. Nhưng nó đâm thấu bạn, giống như một mũi tên, một ngọn lao. Độc giả nào cũng cảm thấy như bị đưa ra xét xử, khi đọc nó. Ngoài ra, ngồi thoải mái trong chiếc ghế bành với cuốn sách ở trên tay, khác hẳn chuyện hì hục dịch từng từ, từng câu. Trong khi dịch tôi hiểu ra lý do của sự thù nghịch (hostile) của tôi với Kafka. Đó là do bản năng tự vệ, phản xạ phòng ngự, do sợ hãi gây nên. Có thể, còn một lý do xác đáng hơn: Kafka là người Do Thái, tôi cũng là Do Thái. Vụ Án bắt đầu bằng một chuyện bắt giam không dự đoán trước được, và chẳng thể nào biện minh, nghề nghiệp viết lách của tôi bắt đầu bằng một vụ bắt bớ không lường trước được và chẳng thể biện minh. Kafka là một tác giả mà tôi ngưỡng mộ, tuy không ưa, tôi sợ ông ta, giống như bị sao quả tạ giáng cho một cú bất thình lình, hoặc bị một nhà tiên tri nói cho bạn biết, bạn chết vào ngày nào tháng nào.

Trong cái phòng thí nghiệm-dịch thuật của ông, ông đã chọn lựa, thêm thắt, gia giảm như thế nào"

Tôi cố làm sao cho độc giả người Ý không bị đè nặng bởi mật độ (densité) của ngữ pháp tiếng Đức. Tiếng Đức thường đa dạng về ngữ pháp, là một điều tiếng Ý không quen. Khi Vụ Án được dịch vào năm 1973, Giorgio Zampa đã tôn trọng nguyên bản. Tôi thì không luôn luôn như vậy. Gặp những đoạn cứng rắn, ghồ ghề, tôi gọt rũa, xé lẻ chúng. Một khi nắm được nghĩa, tôi sẵn sàng bẻ gẫy câu văn tiếng Đức. Kafka là một tác giả không ngần ngại chuyện lập lại: chỉ trong mười dòng, ông lập lại ba hoặc bốn lần, cùng một từ. Tôi tránh làm vậy, bởi vì độc giả Ý, do qui ước của tiếng Ý, sẽ không chịu nổi. Có thể, về phần tác giả, ông tỏ ra thoải mái khi lập lại từ, và ngay cả trong tiếng Ý, sự lập lại từ như thế cũng tạo ra hiệu quả này, nọ. Tôi cảm thấy thương hại một độc giả Ý, khi phải đọc một tác phẩm rõ ràng là dịch phẩm.
Có hai cực đối nhau, trong việc dịch. Ở một cực này, người ta có Vincenzo Monti, khi dịch Iliade: Ông ta kể cùng những sự việc, bằng một ngôn ngữ chiều theo khiếu thưởng ngoạn đương thời, và chẳng mắc mớ gì với nguyên ngữ trong nguyên tác. Ở cực điểm kia, dịch giả dịch sát, dòng theo dòng, từ theo từ, theo kiểu trường lớp, cố làm sao thật sát nghĩa. Cách thứ nhất làm cho độc giả cảm thấy mình đang thưởng thức một cái gì quen thuộc, với cách kia, họ luôn luôn có cảm tưởng, đang đọc một cuốn sách dịch. Giữa hai cực điểm, tôi cho rằng có thể tìm một sự dung hòa. Cách dịch như thế đó còn cho phép tôi – như một nhà văn – không bị bó chân bó tay. Nhất là trong những đối thoại, tôi cảm thấy thật là giả tạo, nếu cố tạo ra một thứ tiếng Ý đặc biệt, riêng cho từng trường hợp dịch, ở đây, là cố tạo lại những đặc điểm của một ngôn ngữ cách khá xa về thời gian cũng như về không gian, là ngôn ngữ Prague, vào thập niên 1920. Như vậy, những nhân vật của tôi, bắt đầu từ Joseph K. họ nói thứ tiếng Ý bây giờ.

Trong ghi chú về Vụ Án, ông có nói về sự thiếu thân quen (un manque d'affinités), với Kafka...

Cái thiếu đó, theo tôi là do sự kiện này: Kafka là nhà văn hoang tưởng. Ông kể hoài những hoang tưởng đó. Chúng thật tuyệt vời, thật đáng nể. Ông chẳng khi nào rời khỏi đề tài này. Ông chẳng hề dang tay để giải thích cho bạn, những cơn hoang tưởng đó che giấu cái gì, ý nghĩa của chúng ra sao. Ông để cho độc giả tự mình xoay sở, về ý nghĩa những câu chuyện có tính hoang tưởng đó, làm sao giải thích chúng, và thực thế, những giải thích thì thật vô cùng. Chỉ riêng cuốn Vụ Án có chừng 20 cách giải thích. Ý thức được sự quá đổi khác biệt về phẩm chất (qualité), giữa tôi và Kafka, tôi luôn chọn một con đường khác, trong những cuốn sách của mình. Tôi bắt đầu bằng cách viết về những trại tập trung, tiếp đó, về những gì đã xẩy ra cho tôi, nhưng luôn luôn với một ưu tư, là làm sao cắt nghĩa, làm sao cho con đường trở nên bằng phẳng. Người ta thường chê cách viết của tôi là mô phạm. Cả nửa cuốn “Đây có phải một người” là để cố gắng giải thích cho chính tôi, và là cho độc giả, những lý do của cái bất bình thường bề ngoài, là cái tạo nên những trại tập trung Đức quốc xã. Cũng vậy, trong Hệ thống tuần hoàn (Le Système périodique), tôi cố gắng giải thích cái vị trí lập lờ, mù mờ của tôi, giữa hóa học và văn học. Tôi chẳng hề, hay là gần như chẳng bao giờ chọn lựa, trừ trong mấy truyện ngắn, con đường của Kafka, tôi chẳng bao giờ cho thả giàn cái điều còn ở trong tiềm thức.

Người ta cho rằng Kafka là một nhà văn giết đời sống (un écrivain qui tue la vie), ca ngợi sự trống vắng, hoài nhớ cuộc đời và tình yêu. Không khí hiếm hoi ở trong truyện của ông là cái tinh túy của một cuộc đời đã mất. Người ta chẳng hề kiếm thấy điều này ở Primo Levi, ngay cả khi ông nói về những trại tập trung...

Chúng tôi có những số mệnh khác hẳn nhau. Kafka lớn lên trong một hoàn cảnh đối nghịch nặng nề với người cha, ông là kết quả của ba nền văn hóa trộn vào nhau – văn hóa Do Thái, Prague, và Đức. Ông là người khốn khổ vì những liên hệ tình cảm, bực bội ở nơi làm việc, và sau cùng bị bịnh nặng. Ông chết trẻ. Còn tôi, mặc dù quãng đời ở trại, vốn khắc đậm ở nơi tôi, tôi có môt đời sống khác hẳn, đỡ khốn khổ hơn so với Kafka. Với tôi, là chuyện, cái gì tốt thì kết cục tốt, như thể cái chuyện tôi sống sót Lò Thiêu làm cho tôi lạc quan một cách kỳ cục, nếu có thể nói, ngu đần. Bây giờ tôi không còn lạc quan nữa. Nhưng khi đó, tôi đã lạc quan. Khi đó, tôi cứ thế dàn trải ra, một cách không thuận lý, hết kết cục hạnh phúc này tới kết cục hạnh phúc khác, ấy là nói về cuộc phiêu lưu cá nhân của tôi – nó làm cho tôi giầu có một cách đáng kể, bởi vì tôi trở thành nhà văn nhờ nó - qua tất cả những thảm cảnh trần gian.

Cho dù nói về những chuyện khủng khiếp, nhưng “Đây có phải một người” của tôi thực là xa cách với Kafka. Rất nhiều độc giả nói rằng, đây là một cuốn sách lạc quan, và thanh thản (serein), nó nâng bổng người ta lên, từng chút từng chút, nhất là ở chương chót. Thật là phi lý, khi nghĩ rằng, từ cái hố sâu là Lager [tiếng để chỉ những nhà thương điên, vốn dược dùng để nhốt những chính trị phạm trí thức chống đối chế độ, và những trại tù Xô Viết] lại đẻ ra một thế giới tốt đẹp hơn. Bây giờ tôi quan niệm khác: Lager chỉ đẻ ra Lager. Rằng một kinh nghiệm như thế chỉ đẻ ra cái xấu, cái ác. Khi người ta thấy rằng, một Nhà Nước hiện đại như thế, có tổ chức, có kỹ thuật, có tính hành chính cao như thế, mà lại đẻ ra Lò Thiêu, người ta có một ấn tượng khủng khiếp, rằng Lò Thiêu có thể tiếp tục xuất hiện. Kinh nghiệm đó có thể tái sinh, tôi không nói là nó sẽ như vậy, nhưng mà là có thể như vậy, tôi nhận thấy thế, và tôi sợ.

Ông đã từng chứng kiến sự dã man của trại tập trung. Liệu Kafka có thể có được cái kinh nghiệm đó, dù không sống"

Phải nhìn nhận là Kafka có được những cái tài, cái khiếu (don) vượt ra ngoài lý luận thông thường. Rõ ràng là ông có được, cái mà tôi gọi là bản năng, cảm tính hầu như chỉ loài vật mới có, thí dụ như những con rắn biết trước những cơn động đất. Sống những năm đầu thế kỷ, trải qua Thế Chiến I giống như một người cưỡi ngựa xem hoa, vậy mà ông đoán trước được rất nhiều điều. Giữa một đống hỗn mang những dấu hiệu lẫn lộn, những ý thức hệ, ông tách riêng ra, chỉ cho thấy những dấu hiệu mang trên chúng cái gọi là số mệnh Âu Châu hai mươi năm sau đó, hai mươi năm sau khi ông mất.

Trong Vụ Án, người ta có một trực giác sớm sủa, qua nó, là điều này: rằng cái hung bạo, bạo động đến từ bàn giấy, hành chánh: thứ quyền lực cứ thế tăng lên mãi, thứ quyền lực không thể cưỡng lại được và là kết quả (le fruit) của thế kỷ chúng ta. Mấy chị em của Kafka đều chết ở trại tập trung, nạn nhân của một bộ máy ti tiện, thối rữa mà ông đã tiên đoán. Tôi phải nói thêm là cách giải thích Vụ Án là hoàn toàn mang tính cá nhân, người ta có thể đưa ra những giải thích khác. Với một số người, không phải là cái tòa án mang tính hành chánh, chính nó quyết đoán, nhưng sự kết án, chính là căn bệnh mà Kafka cảm thấy ở trong ông. Với những người khác nữa, phải mở ra cuốn sách bằng cái chìa khóa thần học, tòa án ở đây là một ông trời lạ hoắc, chẳng ai biết.

Những tác phẩm của Kafka, chúng đều mang tính mâu thuẫn, nhất là cuốn Vụ Án. Joseph K cảm thấy lúc thì vô tội lúc thì có tội. Con người chẳng bao giờ bằng với (égal) chính mình. Người ta có thể liên tiếp, hoặc cùng một lúc, cảm thấy mình vô tội và có tội. Tìm một sự hữu lý, một sự hài hòa trong một bản văn như Vụ Án, là làm cho nó biến chất, chối từ nó, hủy diệt nó.

Trạng thái u mê, sử sự như thú vật (L’abrutissement) không chỉ kết án nạn nhân, mà luôn cả đao phủ, nó xóa bỏ sự khác biệt, khoảng cách. Đây là đề tài của “Đây có phải một người”, và cũng là đề tài mang tính Kafka (Kafkaien)...

Ngay ở đầu cuốn sách, người ta thấy một y sĩ Hungary, học ở Ý, nói tiếng Ý giọng ngoại quốc rất rõ. Đó là viên nha sĩ ở trong trại/ Một tên tội phạm (le criminel), ông ta cũng nói về mình như vậy. Đây là một “Haftling” [Tiếng Đức, có nghĩa là một tên tù, một kẻ bị giam giữ, nhưng trong Đệ Nhị Thế Chiến, được dùng để chỉ một “tù nhân ở trong trại tập trung”], “một kẻ có đặc quyền, đặc lợi”, một nạn nhân biến thành đao phủ. Ông ta điên, với chúng tôi, hình như ông ta điên, bởi vì ông ta miêu tả những chi tiết của cuộc đời của ông ta ở trong trại với một sự tỉ mỉ, chính xác, và ông ta làm cho chúng tôi thoát khỏi cái cảm giác bị đè nát. Thí dụ như ông ta nói thế này: nếu người nào giỏi đánh bốc (quyền Anh), người đó có thể trở thành đầu bếp. Điều này đối với chúng ta thật là phi lý, thật là điên. Nhưng sau đó, chúng tôi thấy rằng ông ta có lý, bởi vì bắt buộc một tay làm bếp phải thạo đánh bốc, bởi vì người đó phải bảo vệ thức ăn. Rõ ràng rồi, có một cái gì đó mang vẻ Kafkaien trong tất cả điều đó. Sự méo mó, làm biến dạng thế giới ở trong trại là mang tính Kafkaien. Trong trại, người ta luôn luôn đụng phải cái điều không chờ đợi, đúng theo kiểu Kafka, cái hoàn cảnh thí dụ như là khi ta mở cửa, và thấy, không phải cái mà mình trông mong, mà là một cái hoàn toàn khác hẳn.

Ông tính “gửi” cho ai, cuốn “Vụ Án” của ông"

Khi dịch Vụ Án, tôi có những tình cảm thay đổi, đối chọi nhau, thích thú, hoan hỉ nữa, vui vẻ, như khi tôi giải được một bài toán khó, san bằng một khó khăn. Nhưng tôi cũng cảm thấy âu lo, hốt hoảng (angoisse), và một nỗi buồn thăm thẳm. Chính vì vậy, trong khi mà tôi luôn luôn trao những cuốn sách của tôi tới tất cả mọi người, tôi không muốn như vậy, với cuốn Vụ Án này. Tôi tự hỏi, thí dụ vậy, liệu có tốt không, khi một đứa bé mười lăm tuổi, đọc một cuốn sách như là Vụ Án. Tôi mong tránh cho đứa trẻ khỏi phải đọc. Hình như với tôi, đây là một cuốn sách nậng những điềm triệu.
Jennifer Tran

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.