Hôm nay,  

Luật Pháp Phổ Thông

08/12/200300:00:00(Xem: 4770)
Hỏi (Ông Phan T.H.): Cách đây gần ba tháng con tôi bị cáo buộc về tội hành hung. Mặc dầu cháu không chịu nhận tội, nhưng cuối cùng tòa án thiếu nhi đã buộc và kết tội cháu.
Vì đây là sự vi phạm lần đầu, nên cháu đã không bị án tù. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra ở đây là cháu đã được luật sư và thông dịch viên của chính phủ giúp đỡ, và người thông dịch viên làm việc cho vụ việc của cháu hôm đó không có giấy phép hành nghề hợp lệ. Nói đúng hơn là không chịu đăng ký lại giấy phép hành nghề, vì thế giấy phép hành nghề của cô ta đã quá hạn.
Vào ngày xét xử, cháu được luật sư của chính phủ gọi lên để trưng dẫn những chứng cớ cần thiết.
Sau khi nghĩ giải lao và tòa tái nhóm, ông chánh án yêu cầu người thông dịch viên xác quyết lại khả năng và cấp độ thông phiên dịch của cô ta. Đồng thời ông chánh án cũng đã yêu cầu cô cho ông ta xem thẻ hành nghề. Sau khi xem thẻ hành nghề, ông chánh án cho cô ta biết rằng thẻ hành nghề của cô ta đã quá hạn hơn 6 tháng. Tuy thế, ông ta vẫn cho phép cô ta tiếp tục công việc cho đến lúc kết thúc vụ xét xử hôm đó.
Cuối cùng tòa đã xử phạt con tôi 9 tháng tù treo.
Với bản án mà con tôi đã bị tòa xét xử, xin LS cho biết là tôi có quyền kháng án dựa vào lý do là thông dịch viên không có giấy phép hành nghề đã trợ giúp cho tòa trong thủ tục xét xử con tôi hay không"
Trả lời: Trong vụ Clough v Rosevear (1997) 69 SALR 67. Trong vụ đó, bị cáo đã bị kết tội hành nghề y tá mà không chịu đăng ký theo “Đạo Luật về Y Tá 1984” (the Nurses Act 1984) [SA].
Bị cáo có bằng y tá và đã đăng ký trước đây. Tuy nhiên, cô ta đã không chịu trả tiền lệ phí hành nghề vì thế cô đã bị gạch tên ra khỏi danh sách hành nghề.
Vào lúc xét xử, bị cáo đã chấp nhận rằng cô ta đã tiếp tục hành nghề trong thời gian cô không có tên trong danh sách đăng ký hành nghề. Tuy nhiên, cô cũng cho biết thêm rằng cô hoàn toàn không hề hay biết là cô không có tên trong danh sách đăng ký hành nghề.
Mặc dầu, vị thẩm phán tọa xử đã thừa nhận rằng đây là sự vi phạm thuộc về “trách nhiệm nghiêm ngặt” (strict liability). Tuy nhiên, bị cáo đã trưng dẫn bằng chứng để biện minh cho việc không có tên trong danh sách hành nghề chỉ là một “sự lầm lẫn ngay tình” (honest mistake). Cuối cùng, vị thẩm phán tọa xử đã tha bổng cho cô ta.
[Ghi chú: Strict liability (trách nhiệm nghiêm ngặt): Theo luật về trách nhiệm dân sự, thuật từ được dùng để chỉ trách nhiệm về sự sai trái mà trách nhiệm này buộc phải chịu mà không cần chứng minh về sự bất cẩn hoặc lầm lỗi. Ví dụ; nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về tất cả những sự hà tì và thiệt hại gây ra bởi các sản phẩm của đương sự mà không cần phải xem xét đến mức độ của sự cẩn trọng mà đương sự đã hành xử. (In the law of torts, the term used to refer to liability for a wrong that is imposed without the need to prove negligence or fault. For example; a producer is liable for all the defects and injuries caused by his or her products regardless of the degree of care that he or she exercised)].
“Người đứng đơn khiếu tố” (the complainant) bèn kháng án để xin hủy bỏ quyết định của vị thẩm phán tọa xử, mặc dầu đương sự đã không thỉnh cầu tòa kháng án thay thế quyết định vừa nêu bằng một phán quyết có tội, cũng như đã không thỉnh cầu tòa kháng án đưa ra một phán quyết để buộc vấn đề phải được xét xử lại.

Vào lúc kháng án, bị cáo đã tranh cãi rằng công tố viện phải chứng minh rằng “ý định phạm tội” (mens rea = a guilty mind) là yếu tố căn bản của sự vi phạm này. Điều này có nghĩa là công tố viện phải chứng minh rằng bị cáo vẫn hành nghề khi biết được rằng mình không đăng ký, hoặc vẫn không chịu đi đăng ký khi biết rằng mình không có tên trong danh sách đăng ký hành nghề.
Tuy nhiên, tòa kháng án đã cho rằng bằng chứng mà bị cáo đã trưng dẫn trước vị thẩm phán tọa xử là bị cáo đã không chịu lưu ý đến việc tái đăng ký hành nghề vì giấy tờ tái đăng ký đã gởi về địa chỉ cũ của cô ta, hơn nữa văn phòng hành chánh nơi cô ta làm việc đã không hề hỏi cô ta về giấy phép đăng ký hành nghề. Tòa kháng án cho rằng nếu bị cáo lưu ý đến vấn đề thì bị cáo sẽ thấy được rằng bị cáo đã tiếp tục hành nghề mà không chịu tái đăng ký. Cuối cùng tòa kháng án đã hủy bỏ quyết định tha bổng của vị thẩm phán tọa xử.
Trong vụ Proudman v Dayman (1941) CLR. Trong vụ đó, bị cáo đã bị kết tội tại tòa sơ thẩm vì bị khiếu nại là đã cho phép một người có tên là Hawke lái xe của đương sự trên đường South Road, khi biết được rằng Hawke không có bằng lái.
Bị cáo bèn kháng án lên Tòa Thượng Thẩm của Nam Úc. Tòa đã hủy bỏ phán quyết của tòa sơ thẩm và tha bổng bị cáo vì cho rằng bị cáo đã tin tưởng rằng Hawke có bằng lái xe vào lúc bị cáo cho Hawke lái xe, và rằng bị cáo đã có lý do chính đáng để biện minh cho sự tin tưởng của mình.
Dayman bèn kháng án quyết định này lên “toàn tòa” (the full Court).
[Ghi chú: Full court (toàn tòa): Phiên tòa gồm hơn một vị thẩm phán [hoặc không được ít hơn số thẩm phán quy định] nhằm mục đích quyết định đơn xin được phép kháng án, kháng án, hoặc liên hệ đến vấn đề pháp lý. Thuật từ cũng còn được dùng để chỉ phiên tòa với tất cả các thẩm phán hiện diện. (A sitting of a court consisting of more than one judge [or not less than a prescribed quorum of judges] for the purpose of determining applications for leave to appeal, appeals, or references on a question of law. The term also used to denote a sitting of a court with all the judges present)].
“Toàn tòa” đã tái xác nhận quyết định kết tội của tòa sơ thẩm, và cho rằng công tố viện không có nhiệm vụ phải chứng minh rằng bị cáo đã biết hoặc phải biết rằng tài xế không có bằng lái.
Để biện minh đối với sự kết buộc này Bà Proudman phải chứng minh là bà đã tin tưởng ngay tình với lý do hợp lý rằng tài xế có bằng lái vào lúc bà cho phép tài xế lái xe.
Tuy nhiên, Bà Proudman đã không chứng minh cho tòa thỏa mãn được rằng vào lúc đưa xe cho Hawke bà đã tin tưởng một cách hợp lý rằng Hawke có bằng lái xe.
Bà Proudman bèn “xin phép đặc biệt để kháng án quyết định đó lên Tối Cao Pháp Viện Liên Bang” (applied for special leave to appeal to the High Court from that decision), nhưng Tối cao Pháp Viện Liên Bang đã từ chối đơn xin của bà.
Dựa vào các phán quyết vừa trưng dẫn, ông có thể thấy được rằng sự tắc trách không chịu đăng ký mà cứ hành nghề là một sự vi phạm không thể biện minh được, vì sự vi phạm này thuộc về “trách ngiệm nghiêm ngặt.” Ông có quyền dựa vào lý do này để kháng án.
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra trong trường hợp của ông là liệu người thông dịch viên quên đăng ký hành nghề đó, có phạm phải những sai lầm nghiêm trọng trong việc chuyển dịch những lời khai mà con của ông đã đưa ra trong tiến trình xét xử hay không" Ngoại trừ có những sai lầm nghiêm trọng trong việc chuyển dịch các chứng cớ, bằng ngược đây không phải là lý do để chuyển đổi bản án của tòa sơ thẩm. Nếu ông còn thắc mắc, xin điện thoại cho chúng tôi để được giải đáp.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.