Hôm nay,  

Tân Giám Đốc Orr: Ts Hạnh, Thử Thách Mới Cho 1 Di Dân

03/04/200200:00:00(Xem: 3848)
(Tin Biển - San Jose) Tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh, 63 tuổi, một di dân gốc Việt, đoàn viên lâu năm của Đảng Cộng Hòa vừa nhậm chức tổng giám đốc ORR do tổng thống Bush bổ nhiệm tại Washington. Đây là một chức vụ quan trọng nhưng cũng có thể gọi là "Hot Seat" của năm 2002. Sau biến cố 11 tháng 9-2001, văn phòng ORR tức Office of Refugee Resettlement (Văn Phòng Tỵ Nạn Liên Bang) thuộc US Department of Health and Human Services lo việc định cư dân tỵ nạn từ bốn phương trời đến đến Hoa Kỳ, đột nhiên phải đối phó với quá nhiều vấn nạn lớn lao.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh trong một chuyến "thăm dân cho biết sự tình" tại hai miền Nam Bắc California đã có dịp gặp gỡ một số đại diện tôn giáo và các cơ quan định cư tại trụ sở VIVO tại San Jose.

Hiện diện trong buổi gặp gỡ đặc biệt này gồm có ông Võ Văn Hà từ Denver, thẩm phán Phan Quang Tuệ San Francisco, ông Nguyễn Thanh Liêm đại diện Cao Đài, ông Vũ Văn Lộc giám đốc IRCC, ông Trần Hiếu thuộc Hội Đồng Mục Vụ, mục sư Josna Bee Le, mục sư Trương Văn Được, cô Phạm Mỹ Linh và ông Ngô Đức Diễm của VIVO.

Giãi bày về tình hình di dân tỵ nạn ông Hạnh cho biết những khó khăn chung của Hoa Kỳ về vấn đề an ninh chống khủng bố, sự suy thoái về kinh tế đã ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến công việc của ORR. Ngay sau khi vụ September 11 xảy ra, hơn 20 ngàn hồ sơ di dân tỵ nạn nhập cư Hoa Kỳ đã phải duyệt lại và những nhu cầu an ninh đã làm cho các thủ tục vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Thêm vào đó, với tư cách là tổng giám đốc ORR, ông đã có những quan tâm đặc biệt đến vấn đề kỳ thị gia tăng từ sau vụ khủng bố tại Nữu Ước và Ngũ Giác Đài.

Bên cạnh những khó khăn do hoàn cảnh đất nước hiện nay, tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh cũng cho biết thêm các điểm tích cực khác.

Trước hết là ông đề cập đến sự quan tâm của tổng thống Bush về vấn đề chống kỳ thị ngay sau khi vụ khủng bố xảy ra. Tiếp theo, ông loan báo trong tương lai có một chương trình đặc biệt sẽ được hành pháp đưa qua quốc hội đề nghị ngân khoản cần thiết để hướng về nhu cầu của các sắc dân và vai trò các tôn giáo trong việc bảo vệ truyền thống văn hóa và gia đình tại Hoa Kỳ.

Trong tương lai sẽ có thông tri của chính phủ loan báo về chương trình kể trên gồm mọi chi tiết về mục đích, tài trợ và các điều kiện cần thiết v.v...

Mặt khác, có thể nói, qua buổi tiếp xúc ông tổng giám đốc ORR có ý tạo nhịp cầu thông cảm và ghi nhận các dữ kiện ngõ hầu đệ trình lên chính phủ Hoa Kỳ các mục tiêu chính xác cho chương trình và ngân sách mới dự trù dành cho lãnh vực di dân và các vấn đề cộng đồng có liên hệ đến tôn giáo.

Bên lề buổi tiếp xúc dành cho mục đích tìm hiểu tin tức cho dự án mới của chính phủ, tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh cho biết là cơ quan INS cũng có sự cam kết là sẽ nỗ lực cùng với bộ ngoại giao và ORR để tận dụng hết cấp khoản 70,000 di dân tỵ nạn mà tổng thống Hoa Kỳ đã ấn định cho tài khóa hiện nay. Ông cho biết nỗ lực này đang gặp một vài trở ngại vì vấn đề an ninh cần nhiều thời gian cho từng hồ sơ.

Ông Hạnh cũng cho biết, dù có những khó khăn về tài chánh nhưng chính phủ của Tổng Thống Bush vẫn duy trì ngân sách cho ORR là 445 triệu Mỹ kim và sẽ có ý định giữ nguyên đề nghị cấp khoản này trong tài khóa sắp tới.

Cùng tham dự trong buổi tiếp xúc, có thẩm pháp Phan Quang Tuệ hiện nay là một trong các vị chánh án gốc Việt Nam đầu tiên của tòa án di trú San Francisco. Ông Tuệ cho biết với tư cách cá nhân, ông rất sẵn sàng góp ý và yểm trợ cho các chương trình dành cho các di dân là những người mà ông có rất nhiều liên hệ từ lãnh vực pháp lý đến tinh thần, vì mãi mãi ông vẫn là một "Refugee from Vietnam."

Ông Ngô Đức Diễm giám đốc VIVO nêu câu hỏi: "Thường các ngân khoản trợ cấp từ ORR đi qua cơ quan dịch vụ. Trong một buổi tiếp xúc, cô Thuận Nguyễn của tiểu bang California cho biết trong quá khứ tiểu bang California đã có những dịch vụ giúp các cộng đồng tôn giáo và thường do các Volags đảm trách. Nay, nếu ORR thực hiện sáng kiến mới của tổng thống Bush thì ngân khoản tài trợ phân phối theo ngả nào" Volags, MAAs hay cơ quan nào khác"

Ông Hạnh trả lời rằng, có nhiều cộng đồng tôn giáo nhỏ chưa có dịp tiếp nhận các ngân khoản của tỵ nạn liên bang, dù họ có nhiều nhu cầu cấp thiết. Ông khuyến khích cộng đồng tôn giáo nhỏ này tìm cách viết dự án xin tài trợ, đặc biệt các địa phương nên phối hợp để giúp nhóm thiểu số có khả năng thiết lập và hoàn thành những dự án có chất lượng, có thể tranh đua với các cơ quan khác.

Ông Trần Hiếu thuộc Hội Đồng Mục vụ đưa ý kiến về sự giới hạn khả năng viết dự án xin ngân khoản của các cộng đồng nhỏ và yêu cầu liên bang nên có huấn luyện về phương diện này.

Ông Võ Văn Hà hiện đang đảm trách chức vụ tư vấn cho văn phòng tỵ nạn liên bang cũng đã giải thích thêm nhiều chi tiết liên quan đến các dự án tương lai qua kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc trong cộng đồng tỵ nạn.

Cô Mỹ Linh phụ tá giám đốc của tổ chức VIVO đã ghi nhận khó khăn của các cộng đồng tôn giáo nhỏ. Cô đề nghị các cơ quan bất vụ lợi có kinh nghiệm nên phối hợp với các tổ chức tôn giáo trong nhóm di dân để tham dự làm thành các liên hợp để cùng viết và nộp dự án.

Đáp lời cô Mỹ Linh, ông Hạnh tin tưởng rằng nếu có sự hợp tác và đoàn kết của nhiều cộng đồng không phân biệt tôn giáo và chính kiến, không những dự án đệ nạp sẽ thành công mà trong tương lai cộng đồng của chúng ta sẽ lớn mạnh hơn.

Sau cuộc gặp gỡ ở San Jose vào tháng 2, ông Hạnh đã thăm các cộng đồng tỵ nạn và lãnh đạo tinh thần ở Seattle, tiểu bang Washington vào tháng 3-2002.

Được biết trước đây tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh sau khi du học Mỹ về, đã nhập ngũ theo sắc lệnh động viên, mãn khóa trường Thủ Đức được biệt phái làm giáo sư trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Chức vụ sau cùng của ông là Tổng Giám Đốc Kế Hoạch thuộc phủ Tổng Thống.

Ông Vũ Văn Lộc, giám đốc cơ quan IRCC đã nhắc nhở đến thời kỳ đầu tiên về các sinh hoạt định cư tại vùng vịnh Cựu Kim Sơn với sự tham dự tích cực của ông Hạnh từ Sacramento. Ngày nay trải qua biết bao nhiêu thay đổi. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh một người Việt gốc tỵ nạn đã có cơ hội giữ chức vụ quan trọng trong nội các của chính phủ liên bang quả thực là một vinh dự và cũng là một điểm son của tổng thống Cộng Hòa George W. Bush đối với di dân gốc Việt.

Theo ông Vũ Văn Lộc đây là một chức vụ có ngân sách lớn lao, có nhân viên đông đảo, có trọng trách nặng nề và đặc biệt là hiện tại phải đương đầu với nhiều thử thách mới mẻ nhất kể từ hơn 20 năm qua. Vì vậy ông tân giám đốc ORR vốn là một di dân tỵ nạn gốc Việt đã thăm viếng nhiều nơi để tìm hiểu nguyện vọng và hoàn cảnh của các cộng đồng.

Một trong các vấn nạn quan trọng của người tỵ nạn Việt Nam hiện nay là có một số di dân đến Mỹ qua hồ sơ bảo lãnh (ODP) và nhân đạo (PIP) không được hưởng các trợ giúp theo quy chế tỵ nạn. Trên thực tế những người này không có hoàn cảnh được thân nhân giúp đỡ như đã cam kết. Hơn thế nữa, nhiều khi chính thân nhân hiện còn đang bị thất nghiệp trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái. Mặt khác, khi địa phương chưa có các hội đoàn bất vụ lợi cung cấp dịch vụ cho người tỵ nạn thì mọi việc đều nhờ vào các tổ chức thiện nguyện. Chắc hẳn cơ quan ORR trong tương lai sẽ có những biện pháp lưu ý thêm về lãnh vực kể trên để mở rộng phạm vi hoạt động xã hội trong cộng đồng tỵ nạn tại Hoa Kỳ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.