Hôm nay,  

Quy Phạm Nhân Quyền Cho Doanh Nghiệp

15/03/200600:00:00(Xem: 6000)
- ... nếu quyền làm người của công dân mình bị xâm hại thì chẳng những là cản trở thực tế của hồ sơ WTO đối với phía Mỹ mà còn gây thiệt hại cho xứ sở...

Thứ Hai mùng sáu vừa qua, Đặc sứ Liên hiệp quốc về vấn đề Nhân quyền và Doanh nghiệp là Giáo sư John Ruggie đã có báo cáo sơ khởi về trách nhiệm phát huy và bảo vệ nhân quyền của các doanh nghiệp đa quốc. Diễn đàn Kinh tế trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về đề tài này với những hậu quả trực tiếp đối với Việt Nam. Chương trình chuyên đề sẽ do Việt Long thực hiện sau đây.

Hỏi: Câu hỏi đầu tiên thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, là vì sao lại có vấn đề trách nhiệm của các doanh nghiệp đa quốc về nhân quyền do Liên hiệp quốc nêu ra"

- Tôi xin cố trình bày ngắn gọn bối cảnh của một vấn đề phức tạp và là biểu hiện của một trào lưu mới trên thế giới. Năm 2003, một tiểu ban trong Cao ủy Liên hiệp quốc về Nhân quyền đã công bố một tài liệu có tên là “Quy phạm Liên hiệp quốc về Trách nhiệm của các Công ty Xuyên quốc gia và các Doanh nghiệp khác Liên hệ đến Nhân quyền.” Nhưng sau đó, tài liệu này vẫn chưa thành một văn kiện có khả năng cưỡng hành về pháp lý cho mọi quốc gia và doanh nghiệp. Năm 2005, Cao ủy Nhân quyền ra nghị quyết yêu cầu Tổng thư ký Liên hiệp quốc bổ nhiệm một Đặc sứ bên Tổng thư ký để nghiên cứu các tiêu chuẩn về trách nhiệm cho các doanh nghiệp về nhân quyền nên Tổng thư ký Kofi Annan mới mời giáo sư John Ruggie thuộc Đại học Harvard và đang là Phụ tá cho mình về trù hoạch chính sách làm Đặc sứ về Nhân quyền. Thứ Hai tuần qua ông Ruggie đã có báo cáo sơ khởi đầu tiên về hồ sơ này.

Hỏi: Bắt đầu đi vào nội dung, thì vì sao lại có những quy phạm về nhân quyền đặt ra cho các doanh nghiệp"

- Vấn đề là các doanh nghiệp nên hành xử ra sao về các vấn đề nhân quyền, lao động, môi sinh và cả văn hóa tại các nước ta gọi là “khách”, là nơi tiếp nhận đầu tư" Thí dụ ai cũng có thể thấy là một doanh nghiệp Đông Á vào Việt Nam khai thác tài nguyên và lao động Việt Nam để bán cho thị trường Việt Nam hoặc xuất khẩu ra các thị trường khác. Nếu có sự lạm dụng, như bóc lột công nhân, chà đạp nhân phẩm phụ nữ, khai thác thiếu nhi, làm hủy hoại môi sinh vì cách xử lý phế vật được thải ra sông ngòi ruộng đồng, v.v… thì ai sẽ chịu trách nhiệm" Từ nhiều năm nay, các tổ chức ngoài chính phủ mà ta gọi tắt theo Anh ngữ là NGO đã lập phong trào đòi hỏi các doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm. Vấn đề là chịu trách nhiệm với ai"

Hỏi: Xin nhờ ông đặt vấn đề trách nhiệm này cho thính giả có thể hiểu rõ thêm về tầm quan trọng và hậu quả của chuyện nhân quyền trong kinh doanh.

- Thưa vâng, cách đặt câu hỏi này sẽ cho ta thấy những quan hệ phức tạp trong kinh tế quốc tế. Ta có giới lao động làm thuê tại quốc gia “khách” là xứ tiếp nhận đầu tư, có chính quyền của quốc gia khách, có chính quyền của quốc gia chủ là quốc gia xuất xứ của doanh nghiệp, ta có giới tiêu thụ sản phẩm ở nhiều nơi, tức là khách hàng của các doanh nghiệp này. Ta có các tập đoàn kinh doanh và hiệp hội tranh đấu cho quyền lợi của họ, như Phòng Thương mại và Công nghiệp. Thế rồi có các tổ chức bất vụ lợi ngoài chính phủ, như Amnesty International, Human Rights Watch, Oxfam, v.v… đang gây sức ép rất mạnh với các doanh nghiệp hay chế độ vi phạm nhân quyền. Ở vòng ngoài, hay ở trên, ta có các tổ chức như Liên hiệp quốc hay tổ chức lao động quốc tế ILO, các định chế tài trợ như Ngân hàng Thế giới, hay cơ quan IFC của Ngân hàng Thế giới… Ngần ấy tác nhân liên hệ phải tranh đấu, vận động hay thương thảo với nhau để tiến tới một quy tắc hành xử chung cho các doanh nghiệp và các chính quyền, cả chủ lẫn khách.

Hỏi: Và chúng ta đi tới tài liệu gọi là Quy phạm về Nhân quyền như ông vừa giới thiệu"

- Từ hai năm nay, các NGO rất hài lòng với bản Quy phạm ấy và muốn tiến tới một thỏa ước quốc tế về nhân quyền trong các lãnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa, với định nghĩa mở rộng về nhân quyền, về quyền của con người. Thay vì chống lại kinh tế thị trường, toàn cầu hóa hay doanh nghiệp đa quốc, họ muốn vận dụng chính các doanh nghiệp này hơn là chỉ có các chính quyền của quốc gia khách để tôn trọng nhân quyền của người dân ở các xứ nghèo. Mục tiêu nhắm tới là một cơ sở pháp lý đặt ra cho các chính quyền và doanh nghiệp. Theo tinh thần của họ thì một doanh nghiệp có thể bị quốc tế kiện nếu không đãi ngộ công nhân viên và cộng đồng địa phương cho xứng đáng, hoặc nếu không ngăn ngừa được vi phạm nhân quyền.

Hỏi: Thế lập trường của các doanh nghiệp trong vấn đề này là như thế nào"

- Vì phong trào tranh đấu của các NGO nên giới tiêu thụ và, nói chung, công chúng các nước, ngày càng ý thức được trách nhiệm và cả những vi phạm của doanh nghiệp, trước sự thờ ơ hoặc toa rập từ các chính quyền của quốc gia khách. Áp lực ấy, kể cả sự tẩy chay hàng hóa của các công ty vi phạm, khiến doanh nghiệp biết là phải hành xử đàng hoàng hơn. Đồng thời, tôn trọng nhân quyền trở thành một ưu thế về quảng cáo và tiếp thị vì nâng cao uy tín của doanh nghiệp với khách hàng. Nhưng, các doanh nghiệp cũng muốn có tiếng nói của họ và đòi là mọi công ty đều phải tôn trọng các quy phạm này một các bình đẳng. Bản quy phạm trở thành trái bóng để các phe liên hệ truyền qua truyền lại cho nhau từ mấy năm nay mà chưa đi tới thống nhất. Qua báo cáo sơ khởi, ta đoán rằng Đặc sứ John Ruggie đang đề ra biện pháp khai thông theo khảo hướng khác, một phương thức tiếp cận khác.

Hỏi: Ông có nghiên cứu hồ sơ ấy thì thấy Giáo sư Ruggie có khảo hướng nào khác"

- Bản dự thảo Quy phạm về nhân quyền là tài liệu lý tưởng nhưng khó áp dụng trong thực tế và lâm vào ách tắc vì các phe liên hệ đều cù cưa trì hoãn để đòi tối đa cho mình. Thí dụ như các NGO thì muốn nêu rõ loại vi phạm trắng trợn để công chúng biết và gây sức ép cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thì nêu ra quy tắc hành xử tự nguyện để bày tỏ thiện chí đối với khách hàng và công luận, đồng thời chứng minh là việc áp đặt luật lệ quốc tế trở thành không cần thiết. Cho nên, nếu cứ tranh luận trên Quy phạm của Liên hiệp quốc thì người ta không tiến được. Căn cứ trên nhận định ấy, vị Đặc sứ mới dè dặt nói tới một hướng đi khác, như Liên hiệp quốc phải đi bước đầu bằng cách xác định những tiêu chuẩn cụ thể về nhân quyền khả dĩ đo lường được rồi mới vận động một thỏa ước quốc tế về những tiêu chuẩn này.

Trong việc xác lập một hệ thống định lượng được, tức là đo lường được, về các tiêu chuẩn nhân quyền, đạo luật của Hoa Kỳ về những vi phạm ở nước ngoài có thể là một mẫu mực. Đạo luật có tên là Alien Tort Claim Act, gọi tắt là ATCA, theo đó, một công ty Mỹ có thể bị truy tố trước các tòa án Hoa Kỳ về tội vi phạm nhân quyền đã can dự ở xứ khác. Nội dung đạo luật ATCA có thể là cơ sở cho việc xác định hệ thống các tiêu chuẩn. Ngoài ra, nhiều tổ chức quốc tế như cơ quan tài chính IFC cũng có những tiêu chuẩn nhân quyền của họ và nếu muốn vay tiền Ngân hàng Thế giới thì sẽ phải hội đủ những tiêu chuẩn này.

Hỏi: Ông có thể giải thích thêm về mấy đề nghị này không vì vấn đề hơi rắc rối khó hiểu"

- Thưa đúng vậy nhất là khi chúng ta trình bày trên làn sóng điện cho thính giả nghe. Cái hướng mà ta hiểu được từ đề nghị của Đặc sứ John Ruggie là, thứ nhất phải xác định tiêu chuẩn về nhân quyền thì mới nêu rõ được tội trạng nặng hay nhẹ. Thứ hai, phải bắt doanh nghiệp chịu trách nhiệm với cơ quan tư pháp của quốc gia hay chính quyền của mình. Giả dụ như công ty Mỹ mà vi phạm nhân quyền tại Á châu vẫn có thể bị truy tố ngay tại Mỹ.

Hỏi: Xin ông đơn cử cho vài thí dụ về cái hướng này, vì vi phạm nhân quyền xứ khác mà lại bị truy tố ở nhà"

- Tôi xin minh diễn bằng một thí dụ: vì muốn làm ăn tại Việt Nam chẳng hạn, một công ty bất lương có thể toa tập với chế độ độc tài và coi thường quyền lợi của người dân. Trường hợp ấy mà xảy ra thì người dân bị ngoại quốc bóc lột với sự đồng lõa của chính nhà nước của mình. Như vậy, ai sẽ ngăn được chuyện đó" Thí dụ này không hoàn toàn giả tưởng khi ta thấy công nhân Việt Nam phải đình công vì bị công ty nước ngoài bóc lột mà lãnh đạo Hà Nội lại xin lỗi nước ngoài thay vì điều tra xem có nạn bóc lột lao động không để giải quyết thỏa đáng.

Với cái hướng thực tiễn được đề ra thì chính quyền của quốc gia chủ, thí dụ như Đông Á hay Hoa Kỳ, là nơi xuất phát doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, có trách nhiệm truy tố và giải trừ nạn vi phạm nhân quyền. Điều ấy có tác dụng thực tế của nó là làm cho công ty đầu tư không thể chiều ý các chế độ độc tài coi thường nhân quyền vì sẽ bị trách nhiệm ở nhà.

Một thí dụ nóng hổi là khi chính quyền Bắc Kinh bắt các công ty Yahoo! hay Google phải tuân thủ một số điều kiện nhằm giới hạn quyền tự do thông tin của người dân Hoa lục thì các công ty này có thể bị truy tố tại Mỹ là đã vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc. Luật lệ ấy sẽ giúp các công ty Mỹ có thể trả lời chính quyền Bắc Kinh là họ không thể đáp ứng những đòi hỏi có nội dung vi phạm nhân quyền. Ta không quên là năm 1977 Hoa Kỳ cũng có đạo luật về tham nhũng ở nước ngoài với nội dung cụ thể là cấm doanh nghiệp Mỹ hối lộ công chức xứ khác để giành hợp đồng chẳng hạn.

Hỏi: Về trường hợp của Google hay Yahoo!, ông có thể giải thích vì sao các công ty ấy chưa bị truy tố chăng"

- Lãnh đạo các công ty ấy bị Quốc hội Mỹ mời ra điều trần và người ta không lại bỏ giả thuyết là họ có thể bị truy tố nếu các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền và Quốc hội đào sâu vấn đề để xem là có vi phạm hay không. Trước mắt thì uy tín của họ xuống dốc điều ấy có ảnh hưởng đến trị giá cổ phiếu trên thị trường. Thị trường và công chúng các nước đã có sức ép.

Hỏi: Nếu vậy, chiều hướng tương lai hồ sơ nhân quyền trong kinh doanh quốc tế sẽ ra sao"

- Đề nghị của Đặc sứ Ruggie có thể gây tranh luận nhưng vẫn có hướng thực tiễn nhất. Bị luật lệ quốc gia kiểm soát thì doanh nghiệp đòi hỏi các nước khác cũng phải có luật lệ tương tự để khỏi bị cạnh tranh bất chính. Đòi hỏi bình đẳng ấy sẽ tạo ra quy tắc hành xử chung, do Liên hệ quốc đề ra cho các nước hội viên cùng tôn trọng… Các doanh nghiệp lẫn chính quyền sẽ thấy là ngoài tổ chức thương mại thế giới WTO, thì Liên hiệp quốc và nhiều định chế quốc tế khác cũng sẽ có tiếng nói về kinh doanh và kinh tế để nâng cao tiêu chuẩn về nhân quyền cho thế giới. Nhưng việc thi hành chủ yếu sẽ thuộc phạm vi của các chính quyền, trước hết là chính quyền của các nước công nghiệp tiên tiến, thay vì là trách nhiệm của một cơ chế quốc tế như Cao ủy Liên hiệp quốc về Nhân quyền chẳng hạn. Lý do là cơ chế quốc tế có khi sẽ cho chìm xuồng các vụ vi phạm vì khó đạt nhất trí với nhau.

Hỏi: Ông thấy về trường hợp Việt Nam, lãnh đạo nên làm gì"

- Nhân quyền không là một vấn đề chính trị mà là mối quan tâm lớn của thế giới văn minh và sẽ chi phối cả hoạt động kinh tế lẫn nhiều chính sách quốc gia. Lãnh đạo Việt Nam hẳn phải hiểu việc đó, là nếu quyền làm người của công dân mình bị xâm hại thì chẳng những là cản trở thực tế của hồ sơ WTO đối với phía Mỹ mà còn gây thiệt hại cho xứ sở khi cả thế giới đang tiến lên hình thái sinh hoạt văn minh hơn. Chuyện cướp đất hay ép lương của dân, hủy hoại môi sinh và bóc lột lao động là điều phải được chính quyền giải quyết nhanh chóng và có hiệu quả, vì không được thế giới chấp nhận nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.