Hôm nay,  

Tưởng Niệm 30-4

05/05/200300:00:00(Xem: 5137)
28 Năm Đấu Tranh Bằng Lửa Tim Và Những Nỗi Cô Đơn

Bài viết của Ông Võ Đại Tôn nhân ngày Quốc Hận 30/4/2003.

Trong những ngày qua, súng đạn và khói lửa trong cuộc chiến Iraq trên vô tuyến truyền hình gợi lại trong tâm não tôi biết bao cảnh tượng hào hùng xen lẫn tang thương của cuộc chiến Việt Nam, tưởng rằng đã đi vào quá khứ lãng quên, nhưng vẫn còn ẩn hiện đâu đây qua từng nhịp thở của kiếp sống lưu vong. Khi lực lượng liên quân Anh-Mỹ tiến vào thủ đô Baghdad, dân chúng đã hò reo nhảy múa, kéo sập tượng đài Sadam Hussein đã từng ngạo nghễ đứng nơi công viên thành phố từ mấy chục năm qua. Những người mẹ già Hồi giáo phủ kín khăn đen cài lên chiếc áo trận của người lính phương xa từng nhánh hoa dại, các em bé khẳng khiu ôm hôn người chiến binh ngoại quốc với nụ cười ngây thơ còn sót lại trên môi. Trong khói lửa vẫn chan hòa nước mắt, nước mắt của mừng vui được thấy Tổ Quốc hồi sinh. Các cộng đồng Iraq lưu vong tại Hoa Kỳ từ mấy thập niên qua cũng vội ra đường phất cao ngọn cờ quê hương, mừng reo chiến thắng bạo tàn, cầm tay nhau mà ước hẹn ngày về. Tôi ngậm ngùi nhìn những hình ảnh ấy, lòng nao nao mơ ước rồi mai đây tôi cũng sẽ được hòa chung vào dòng sông Dân Tộc để chảy về quê hương bên kia bờ đại dương. Trong 28 năm qua, tuy công cuộc phục quốc chưa thành, nhưng tôi vẫn không thẹn lòng vì đã đấu tranh bằng ngọn lửa quả tim chân chính, tuy có nhiều lúc cảm thấy cô đơn trên hành trình hơn một lần trở lại quê hương.
Bao nhiêu lần tôi đã nghĩ rằng muốn trị lành một vết thương trên cơ thể con người thì ngoài việc chọn đúng thuốc còn cần đến yếu tố thời gian. Nhưng đối với vết thương tâm hồn, vết thương của người dân mất nước, thì không có loại dược phẩm nào có thể chữa trị, và thời gian tuy có giúp phôi phai phần nào nhưng nỗi thao thức và trằn trọc vẫn âm thầm sống trong từng huyết quản. Nước mắt vẫn chảy về đêm trong ác mộng lao tù, trong tiếng kêu thảng thốt, nhất là đối với các thế hệ cao niên tuổi hạc càng cao thì nỗi nhớ thương quê cha đất tổ càng quằn quại tâm tư. Hơn một phần tư thế kỷ đã lạnh lùng trôi qua, thêm một thế hệ Việt Nam nữa đang trưởng thành, những oan khiên cay nghiệt của một giai đoạn lịch sử đã được chứng minh bằng máu của Dân Tộc. Những bí ẩn của cuộc chiến trong thế chiến lược toàn cầu đã được giải mã và hơn hết, những tội ác của người Cộng Sản đã được minh chứng bằng những bản thống kê trung thực trước lương tâm nhân loại, do Liên Hiệp Quốc phổ biến chứ không phải do bất cứ ai ngụy tạo. Hơn hết, mỗi người trong chúng ta đã là nạn nhân và chứng nhân thời đại. Rồi, tôi lại đứng lên từ những nỗi cô đơn của một người kháng chiến suốt 28 năm qua, và lại bước đi dưới ngọn lửa soi đường của con tim không bao giờ được phép quên niềm đau của Tổ Quốc.
Không ít thì nhiều, chúng ta đã bao lần nêu lên các câu hỏi : - Làm gì" Làm thế nào" Ai làm" Xây dựng từ đâu" Đánh phá từ đâu" Bao giờ hành động" Lấy gì tiếp ứng" Bằng cách nào để thành công" - Những câu hỏi triền miên ấy, chúng ta biết hỏi ai" Không ai có thể giải đáp những vấn đề này cả. Chỉ có mỗi người trong chúng ta cần phải quay về trong tự thể một lần nữa để cật vấn cái Ý Nguyện của mình. Ý Nguyện không phải chỉ biết "Muốn Thành Công" mà không chịu hành động. Xin hãy xét lại cái Tâm của mình để đừng bao giờ đặt cái Ta lên trên Tổ Chức và đặt Tổ Chức lên trên Tổ Quốc. Có như vậy thì mới mong hợp đoàn để cùng nhau hành động đúng, rút ngắn con đường đi đến thành công cho toàn Dân Tộc chứ không phải cho riêng mình và phe nhóm. Đã 28 năm trôi qua rồi đấy.
Chúng ta hãy bình tâm nhìn lại sự kiện ngày 30.4.1975. Thông thường, sự kiện này được giải thích là ngày sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa và là ngày đại thắng của Cộng Sản Bắc Việt. Nhưng ngoài hai cách nhìn tổng quát này, còn một cách nhìn thứ ba sẽ chờ thời gian đem đến kết luận. Trong thập niên 60, khi viếng thăm Saigon, được hỏi làm thế nào để chiến thắng Cộng Sản thì MOSHÉ DAYAN, danh tướng độc nhãn Do Thái đã trả lời như sau: "Bắc Việt sẽ thất trận khi họ chiếm được miền Nam". Lúc bấy giờ ít người hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu trả lời này. Nhưng đến nay, trải qua hơn một phần tư thế kỷ, mọi việc đã rõ ràng. Ngay cá nhân tôi, khi sáng tác bài thơ "Mẹ Việt Nam ơi, chúng con vẫn còn đây" vào năm 1972, (đã được Nguyễn Ánh Chín phổ nhạc) ba năm trước ngày chúng ta mất quê hương, tôi đã tiên đoán, "Mẹ lòng đau, phương Bắc chiếm phương Nam". Chiếm chứ không phải thắng. Theo biểu kiến bên ngoài thì đúng như người Cộng Sản đã huênh hoang tuyên bố là họ đã đánh cho "Mỹ cút, Ngụy nhào" nhưng thực sự là Mỹ không cút, mà phải nói cho đúng bối cảnh lịch sử toàn cầu là Mỹ ngưng không tiếp tục hiện diện ở miền Nam Việt Nam vì lý do thay đổi chiến lược của họ, và lực lượng Việt Nam Cộng Hòa không thất trận, chỉ ở thế bị bắt buộc ngưng chiến đấu, để đổi lấy sự chấm dứt chiến tranh lạnh giữa hai cường quốc Liên Xô và Hoa Kỳ. Đất nước chúng ta, ở vào thế nhược tiểu, bị làm nạn nhân của một cuộc sắp xếp chiến lược toàn cầu. Đấy là nỗi oan khiên của lịch sử Dân Tộc mà chúng ta đành phải chấp nhận trong nước mắt và máu hận. Từ sự chấm dứt chiến tranh lạnh dẫn đến sự sụp đổ toàn diện của khối Xã Hội Chủ Nghĩa do Liên Xô lãnh đạo. Riêng về chế độ Cộng Sản Việt Nam, thời gian thống trị của họ đã đem đến cho toàn dân một sự thật, như học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết : "Muốn thấy chế độ đó ra sao thì phải sống dưới chế độ đó. Đó là bài học đầu tiên và vô cùng quan trọng mà tôi và có lẽ hơn 90% người dân miền Nam rút ra được từ năm 1975 đến nay". Tiêu biểu nhất là ý kiến của Vũ Đình Huỳnh (cha của Vũ Thư Hiên, tác giả hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày) một thời làm bí thư cho Hồ Chí Minh, gần cuối đời đã tỉnh ngộ và đề nghị "Muốn cho dân tộc ta không thua kém các dân tộc khác, muốn cho đất nước ta được thịnh vượng, dân ta không nghèo khổ mãi thì không thể thiếu một điều kiện tiên quyết, ấy là phải gạt bỏ sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản". Một sử gia lừng danh của Pháp, ông MARGOLIN, từng ủng hộ Cộng Sản Bắc Việt, đến nay cũng phải tuyên bố : "Nhưng đến bây giờ thì không phải một mình tôi mà tôi tin rằng còn có nhiều người cùng thời với tôi đã bị sai lầm vì những tuyên truyền sai lạc của Cộng Sản". Nữ tài tử điện ảnh JANE FONDA của Hoa Kỳ, một nhân vật nổi tiếng về các phong trào phản chiến, triệt để ủng hộ Hà Nội, nhưng đến năm 1988 đã phải tuyên bố cùng báo chí : "Tôi sẽ còn hối tiếc cho đến ngày tôi chết về những điều tôi đã làm trong các phong trào phản chiến. Hành động của tôi đã làm hại biết bao chiến sĩ. Đó là hành động sai lầm kinh khủng nhất mà tôi đã phạm. Đúng là tôi đã không biết suy nghĩ". Còn biết bao nhiêu lời tuyên bố phản tỉnh, cùng những bằng chứng cụ thể khác, viết cho đến nghìn trang không hết về chế độ Cộng Sản Việt Nam ngày nay trên quê hương chúng ta.


Giờ đây, cho dù đã muộn, chúng ta cũng cần xác định lại ý nghĩa của Lòng Yêu Nước và Hành Động Cứu Nước trong khi những biến chuyển về tôn giáo và lòng dân quốc nội đang tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho công cuộc đấu tranh chung vì Tự Do và Dân Chủ. Từ lòng yêu nước đến hành động cứu người cứu nước, là một quãng đường xa với nhiều gánh nặng, đòi hỏi nhiều hy sinh. Con đường hành động của người Việt Nam yêu nước chân chính nếu không được hướng dẫn bởi ý thức cứu nước, được rèn luyện qua các giai đoạn lịch sử, nếu không được trải bằng Hạnh Hy Sinh, không được soi bằng Đạo Sống Việt, thì chỉ là những đường đi không tới đích. Thế giới không có một trường học nào dạy ta cứu nước và cũng không có cường quốc nào vô tư giúp ta cứu nước. Người Cộng Sản đã đồng hóa Lòng Yêu Nước với Yêu Mình và Yêu Đảng, Yêu Xã Hội Chủ Nghĩa. Kết quả là họ đã đưa toàn Dân Tộc vào hố thẳm diệt vong ngày hôm nay, về mọi phương diện từ vật chất đến tâm linh trong đời sống con người trên quê hương chúng ta. Kẻ gọi là chiến thắng đã thẳng tay bóc lột, đàn áp, trả thù, hơn cả ngoại bang xâm lược. Người thua trận đành phải âm thầm nhịn nhục trong lao tù và tìm mọi cơ hội bỏ nước ra đi.
Chúng ta cần bình tâm nhận xét khách quan về Thế Mạnh và Yếu giữa hai chiến tuyến quốc gia - cộng sản hiện nay. Với chế độ Cộng Sản, thế mạnh của chúng là chúng còn nắm được sự độc tôn cai trị và là thành viên của Liên Hiệp Quốc, được một số nước viện trợ, giao thương. Chúng còn nắm được hai lực lượng mạnh nhất là quân đội và công an, với khả năng tập trung nhanh để đàn áp các phong trào quần chúng nổi dậy. Chúng còn nắm được trọn vẹn tài sản chìm và nổi của đất nước. Chưa kể đến số ngoại tệ khổng lồ hằng hai ba tỷ đô la mỗi năm do người Việt hải ngoại gửi về, gián tiếp nuôi sống chế độ Cộng Sản.
Thế yếu của chúng là chúng mất lòng dân vì đã để lộ chân tướng tuyên truyền lừa bịp, không còn ai muốn lao vào cuộc chiến một cách cuồng nhiệt, bất chấp mọi hy sinh như trước đây. Chúng ở vào thế thủ vì phải lo bảo vệ những gì đã cướp đoạt được, vì lẽ đó đã mất đi quyền chủ động trong mọi cuộc đấu tranh. Ba là đảng Cộng Sản đã bị đồng đô la của Mỹ phá hoại từ ngày gọi là Đổi Mới đến nay, tranh chấp nội bộ vì quyền lợi ngày càng trầm trọng, không còn là một khối "độc thể" có sức mạnh như trước nữa. Bốn là giá trị chiến đấu của đảng viên CS ngày càng sụt giảm, vào đảng để kiếm quyền lợi chứ không phải vì lý tưởng. Trước đây họ không có gì cho nên cần phải chiến đấu để có. Đến nay thì lại có quá nhiều tài sản riêng tư, do tham nhũng hối lộ, cho nên chỉ lo bảo vệ những gì đã tước đoạt được từ người dân, từ miền Nam. Tham nhũng đã trở thành quốc nạn, thậm chí đã tạo ra tư tưởng: Tham nhũng từ đảng mà ra, diệt tham nhũng là diệt đảng, cho nên họ chỉ còn cố bám vào đảng để được tiếp tục tham nhũng, chứ không phải vì bị nhồi sọ về ý thức hệ. Điểm nữa là CS mất điểm tựa vững chắc là khối CS Quốc Tế, từ khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Bắc Hàn và Cu Ba thì đang hấp hối, đói nghèo kiệt quệ. Dựa vào Trung Cộng thì không tin được.
Phía khối quốc gia chống Cộng thực sự vì Lý Tưởng Dân Tộc có thế mạnh là nắm được chính nghĩa Dân Tộc, có thể huy động được sức mạnh của Lòng Dân. Hai là chúng ta trưởng thành trong đau khổ, trong tù đày, trong uất hận, trong ly tán gia đình, trong cảnh lưu vong tủi nhục. Không còn bị mê hoặc bởi những lời tuyên truyền lừa bịp, những lời ngon ngọt nữa. Đấy là bài học quý giá giúp chúng ta tiếp tục chiến đấu để tự cứu mình, cứu người và cứu nước. Tại hải ngoại, chúng ta khai thác được sức mạnh của truyền thông để phá vỡ sự bưng bít thông tin của chế độ cộng sản.
Thế yếu của ta là ta không có chính quyền cho nên tiếng nói không được cộng đồng thế giới tôn trọng. Ta còn thiếu thốn quá nhiều phương tiện chiến đấu, đặc biệt về tài chánh. Lực lượng chống cộng trong nước phải hoạt động bí mật và bị phân tán trước khả năng đàn áp của chế độ cộng sản. Lượng thông tin phản kháng bị bóp nghẹt, không được phổ biến đến quảng đại quần chúng. Điểm yếu nữa là chia rẽ trong hàng ngũ chống cộng tại hải ngoại, nhiều phen làm băng hoại niềm tin vì có cá nhân hoặc tổ chức không phục vụ đúng lý tưởng vì Dân vì Nước.
Đấy là những phân tích tổng quát để tìm ra tử huyệt của Cộng Sản mà hành động xuyên thủng, tìm ra thế yếu của ta mà bổ khuyết. Chúng ta cần phải đưa người và chuyển tin ngày càng nhiều vào trong nước để góp công tạo thành một trận chiến tâm lý quần chúng, kết hợp với các phong trào nổi dậy đòi tự do tín ngưỡng, đòi quyền sống, đất đai, kích động tuổi trẻ đòi đời sống văn minh dân chủ để khởi động một cuộc Cách Mạnh Dân Tộc.
Nhưng, muốn đạt đến thành công, tôi thiển nghĩ mọi kế hoạch và chiến thuật hành động đều phải phát xuất từ cái TÂM trong sáng vì Dân Tộc chứ không vì tham vọng cá nhân hay phe nhóm. Những người nào có Chí Bền, Dạ Sáng, Tâm Rộng, Nghĩa Sâu thì mới mong đóng góp được Công Đức vào đại cuộc cứu người và cứu nước.
Từ ngọn lửa của quả tim đập cùng nhịp tim của Tổ Quốc, từ những nỗi cô đơn trong cuộc trường chinh góp công cứu nước, chúng ta lại cùng đứng bên nhau và tiến bước để có một ngày không xa nữa sẽ được nhìn thấy ánh vinh quang của Dân tộc và ta sẽ quỳ hôn lại những kỷ niệm ngày xưa trên quê hương yêu dấu.

Võ Đại Tôn

30/4/2003, hải ngoại.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.