Hôm nay,  

Người Cựu Quân Nhân Qlvnch Vào Đầu Thế Kỷ 21

07/01/200200:00:00(Xem: 4624)
Những éo le của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới trong những thập niên cuối thế kỷ 20 đã đặt người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào một vị trí vô cùng quan trọng và ý nghĩa: Chiến đấu chống lại sự xâm lăng của CS Bắc Việt để bảo vệ sự sống và tự do dân chủ trên lãnh thổ Miền Nam. Chính nhờ sự chiến đấu và hy sinh của người lính VNCH nên suốt 20 năm, từ 1954 đến 1975, người dân Miền Nam đã được sống hạnh phúc, được làm ăn buôn bán phồn thịnh, được suy tư, học hỏi trong bầu không khí tự do, dân chủ... những điều tuy khiêm tốn, nhưng người dân Miền Bắc chỉ dám lén lút ước mơ. Chính tư tưởng tự do dân chủ, cùng sự hiểu biết của người dân Miền Nam trong suốt 20 năm, đã là những động lực không những có giá trị cảm hóa người dân Miền Bắc, khai hóa cho những cán bộ cộng sản, mà còn đóng góp quan trọng vào tương lai tự do dân chủ và thịnh vượng tại Việt Nam. Có nhìn vào bối cảnh tự do dân chủ của Miền Nam trong quá khứ, cùng viễn ảnh của đất nước trong tương lai, ta mới thấy được tầm mức vô cùng quan trọng của người lính QLVNCH trong lịch sử hiện đại.

Đặc biệt, bi kịch 30-4-1975 còn đặt người lính Quân Lực VNCH, nhất là những người lính VNCH hiện đang sống tại hải ngoại, một trách nhiệm và một bổn phận vô cùng to lớn: Tiếp tục duy trì và bồi đắp sức mạnh cùng niềm tin chính nghĩa trong cuộc đấu tranh giải thể chế độ cộng sản, quang phục quê hương Việt Nam. Tương lai tự do dân chủ của Việt Nam, sức mạnh của những niềm tin, và sự thịnh vượng của dân tộc Việt, là cả một quá trình tùy thuộc vào nhiều yếu tố, mà yếu tố quan trọng nhất là sự tiếp nối của thế hệ con em đối với những truyền thống, những giá trị cao đẹp mà thế hệ cha anh đã tạo dựng. Rõ ràng, trong bối cảnh đất nước, dân tộc còn đang bị cộng sản đô hộ, người lính VNCH trong suốt 26 năm qua cũng như trong tương lai, đã và mãi mãi là niềm tin là hy vọng, là nơi nương tựa cho cộng đồng người Việt hải ngoại, cho dân tộc, cho đất nước và là tấm gương cho thế hệ trẻ Việt Nam học hỏi, dấn thân.

Để làm sáng tỏ thêm vai trò của người cựu quân nhân QLVNCH trong lịch sử, cùng những ảnh hưởng của người lính VNCH đối với thế hệ trẻ Việt Nam hải ngoại, Sàigòn Times trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả hai bài tham luận có ý nghĩa đặc biệt được đọc trong Đại Hội CQN/QLVNCH/UC, khai mạc ngày 27 tháng 12 vừa qua. Bài thứ nhất của Ông Lưu Tường Quang, Giám Đốc SBS Radio, nhan đề "Vai Trò của Người Cựu Quân Nhân đầu thế kỷ 21". Bài thứ hai của Anh Nguyễn Hoàng-Thanh Tâm, Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Úc Châu, nhan đề "Ta Làm Gì Cho Hết Nửa Đời Sau""

*

"Trả lại thế đứng xứng đáng cho Quân Lực VNCH trong lịch sử Việt Nam hậu bán thế kỷ thứ 20 không những là một việc công bằng mà còn là điều kiện khách quan thúc đẩy cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa phát triển vai trò độc nhất của mình trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại vào đầu thế kỷ thứ 21".

25 năm là một khoảng thời gian tương đối ngắn trong độ lùi lịch sử để một cái nhìn hoàn toàn khách quan có thể xét lại tất cả những nguyên nhân và định giá trị cho một biến cố lịch sử. Trong trường hợp Việt Nam, khoảng thời gian nầy chưa cho phép lịch sử Việt Nam hậu bán thế kỷ thứ 20 được đánh giá đúng mức và trung thực, bởi lý do, đất nước chúng ta kể từ năm 1975 vẫn chưa thoát ra vòng kiềm tỏa của một chế độ độc tài độc đảng. Trừ một vài ngoại lệ, hầu hết tập thể sử gia hiện nay tại Việt Nam - chẳng hạn như Dương Trung Quốc, một sử gia tương đối trẻ, đáng lẽ phải có một cái nhìn mới - đều tuân thủ giáo điều và lập trường của đảng Cộng sản Việt Nam. Họ giải thích và đánh giá mọi diễn biến tại Việt Nam từ năm 1945 đến nay qua lăng kính của đảng. Trong tiến trình ấy, họ chỉ biết tô son điểm phấn cho chế độ Cộng sản, tôn vinh đảng Cộng sản và nhất là giới lãnh đạo Cộng sản, trong khi lại bôi bẩn, mạ lỵ hay cố tình bỏ quên tất cả những đóng góp của bất cứ ai không nằm trong quỹ đạo kiểm soát của Bộ Chính Trị đảng.

Bên ngoài Việt Nam, điều đáng tiếc là các sử gia và những nhà bình luận thời sự chính trị Tây phương hầu hết đã viết về cuộc chiến Việt Nam từ góc cạnh quyền lợi chiến lược hoặc kinh tế của Pháp hay của Mỹ. Họ chỉ trích, đả phá, tranh luận về chính sách của Paris vào thời kỳ cuối mùa chế độ thuộc địa, hoặc của Washington trong bối cảnh chiến tranh lạnh Đông Tây, mà Việt Nam chỉ là một con cờ nhỏ bé. Trong tiến trình ấy, họ bỏ quên ước vọng chính đáng của dân tộc Việt Nam trong cuộc tranh đấu giành độc lập và tự do dân chủ. Hoặc tệ hại hơn, họ còn coi đảng Cộng sản Việt Nam và tập đoàn lãnh đạo là thế lực chủ động "yêu nước" duy nhất đáp ứng lại ước vọng tự do dân chủ của dân tộc Việt Nam. Trong tiến trình nầy, họ tạo ra ấn tượng sai lầm là cuộc chiến Việt Nam chỉ có 2 phe: đó là Cộng sản Bắc Việt và Hoa kỳ, trong khi Hoa kỳ trên lý thuyết cũng như về mặt thực tế, là đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa - nạn nhân của cuộc xâm lăng từ miền Bắc mà Liên Xô và toàn thể khối Liên minh quân sự Warsaw cũng như Trung Quốc và Bắc Triều Tiên yểm trợ mạnh mẽ trên 2 thập niên.

Xác định vị trí của Mỹ trong giai đoạn trước năm 1975 là "đồng minh" của Việt Nam Cộng Hòa, một quốc gia độc lập có toàn vẹn chủ quyền, là trọng yếu để phản bác quan điểm của sử gia Cộng sản và một số các tác giả Tây phương về tương quan gọi là bất bình đẳng giữa Washington và Sài Gòn.

Nếu lịch sử do kẻ chiến thắng viết, như người ta vẫn thường nói thì không có lý do gì mà "bạn" lại cùng bắt tay với kẻ thù để tiếp tục bóp méo lịch sử Việt Nam - và cá biệt là vai trò của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trong cuộc chiến giành độc lập, bảo vệ độc lập và phát huy tự do dân chủ cho Việt Nam. Khi nói đến "bạn", chúng ta không đề nghị hoặc đòi hỏi một sự thiên vị nào cả mà chỉ yêu cầu sự kiện lịch sử được cứu xét và đánh giá một cách khách quan.

Trong thời chiến, giới truyền thông Tây phương hầu hết chỉ tham dự và tường thuật sinh hoạt và các cuộc hành quân của quân đội Mỹ và đồng minh nước ngoài. Lý do rất dễ hiểu vì họ muốn được di tản an toàn, khi cần hoặc khi bị thương. Và lý do thứ hai là vì họ phục vụ thị hiếu của khán thính giả và độc giả tại đất nước của họ. Trong số rất ít những ngoại lệ là ký giả kiêm nhiếp ảnh viên Neil Davis của Úc Đại Lợi - là người đã dám theo chân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa khắp các mặt trận. Tiếc thay, anh đã không thiệt mạng tại chiến trường Việt Nam hay Cao Miên, mà anh đã tử thương trong công tác nghề nghiệp khi anh đang thu ảnh một cuộc đảo chánh tại Bangkok hồi đầu thập niên 1980.

Sự thiếu sót của giới truyền thông tây phương trong thời chiến đã đem lại hậu quả lệch lạc vào thời bình. Trong nhiều năm qua, nhân những tiếp xúc thường ngày với mọi giai tầng xã hội tại Úc Châu cũng như trên một vài diễn đàn quốc tế, chúng tôi vẫn thường nhắc nhở họ rằng - trái với những hình ảnh truyền hình hay những bài tường thuật trên báo chí mà họ đã xem hoặc đã đọc, quân dân Miền Nam Việt Nam đã đứng mũi chịu sào trong cuộc chiến chống Cộng từ sau thế chiến thứ 2 đến năm 1975. Thống kê chính thức của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã ghi nhận 631,000 quân nhân thuộc mọi binh chủng Quân Lực Việt nam Cộng Hòa đã tử trận tính đến năm 1973 - là thời điểm ký kết Hiệp Định Paris về Việt Nam. Mức độ thương vong thực sự của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có thể cao hơn so với con số chính thức nầy rất nhiều, nhất là trong khoảng thời gian từ đầu năm 1973 đến ngày 30.4.1975. Tất nhiên, cũng như bất cứ quân lực nổi danh nào trên thế giới từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, không phải bất cứ người lính Việt Nam Cộng Hòa nào cũng can đảm, không phải bất cứ sĩ quan VNCH nào cũng tinh nhuệ, không phải bất cứ tướng lãnh VNCH nào cũng có tài lãnh đạo, nhưng QLVNCH là một lực lương chiến đấu có truyền thống hào hùng và đã lập được rất nhiều chiến công hiển hách và có rất nhiều anh hùng.

Nếu 2 chính phủ Anh Quốc và Hoa Kỳ đã học được bài học Việt Nam và áp dụng kinh nghiệm nầy vào cuộc chiến tại Falkland Islands năm 1982, cuộc chiến tại bán đảo Balkans năm 1998 và trong năm 2001, cuộc chiến tại Afghanistan, thì những tác giả và sử gia Tây phương về cuộc chiến Việt Nam vẫn tiếp tục đi con đường mòn lệch lạc. Họ vẫn từ chối ghi nhận đúng mức vai trò và công lao đáng kể của QLVNCH. Trên căn bản dài hạn, điều nầy sẽ có ảnh hưởng tai hại cho các thế hệ trẻ tương lai Việt Nam ở nước ngoài. Và đây là một trong nhiều vai trò mà người cựu quân nhân QLVNCH ở nước ngoài có thể phát triển thêm vào đầu thế kỷ thứ 21.

Nhìn lại quãng đường từ năm 1975, sự hình thành của cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài phần lớn là nhờ có sự hợp tác và lãnh đạo của tập thể cựu quân nhân QLVNCH. Không kể những thanh niên sinh vào cuối thập niên 1950, hầu hết những ai là nam giới ở lớp tuổi 20 trở lên vào thời điểm năm 1975 - đều thuộc gốc nhà binh vì hoàn cảnh chiến tranh của đất nước và vì lệnh tổng động viên mà chính phủ đã ban hành sau Tết Mậu Thân 1968, bất kể là họ có nghề nghiệp chuyên môn hoặc sinh hoạt trong những lãnh vực nào khác của đời sống dân sự.

Tại Úc Châu cũng như tại Bắc Mỹ, sự hình thành của cộng đồng Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn - và bất cứ ở giai đoạn nào cũng có sự đóng góp thiết yếu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp của tầng lớp cựu quân nhân QLVNCH.

Ngay từ sau năm 1975, các tổ chức cộng đồng người Việt tiểu bang đã được thành lập, dẫn đến một cấu trúc Liên bang vào cuối năm 1977 dưới hình thức Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu, để đáp ứng nhu cầu vận động chính giới và công luận lúc bấy giờ cho việc nhập cư và định cư của người tị nạn Việt Nam. Hầu hết những người làm công tác thiện nguyện trong giai đoạn sơ khởi nầy đều là cựu quân nhân Việt Nam. Diễn tiến kế tiếp là những tổ chức cựu quân nhân được thành lập riêng biệt cho từng binh chủng như Hải Quân và Không Quân hoặc cho từng quân trường như trường Bộ Binh Thủ Đức hoặc trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt với một tổ chức chung, cấp toàn quốc là Tổng Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH tại Úc châu.

Từ cuối thập niên 1970 - đầu thập niên 1980, chúng ta nhìn thấy những tổ chức đấu tranh được thành lập với các chủ trương và đường lối hoạt động thích hợp với hoàn cảnh và cảm tính của tập thể người Việt tị nạn lúc bấy giờ. Cũng vào thời điểm nầy, Giáo Hội Phật Giáo, Cộng Đoàn Công Giáo và Hội Thánh Tin Lành, các Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài được thành hình để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của cộng đồng Việt nam.

Trải qua 2 thập niên, Cộng Đồng Người Việt Tự Do, các tổ chức cựu quân nhân và các tổ chức đấu tranh đã thay đổi , cải tiến phương thức sinh hoạt, hành động rất nhiều, để đáp ứng với những biến chuyển quan trọng trên thế giới và tại Việt Nam kể từ đầu thập niên 1990, đồng thời thích nghi với môi trường sinh hoạt hợp pháp cá biệt của từng quốc gia định cư [thí dụ như tại Mỹ với luật Neutrality Act, và tại Úc với luật Crimes (Foreign Incursions and Recruitment) Act 1978].

Diễn tiến sau cùng trong mấy năm gần đây là sự xuất hiện của những Hội ái hữu cựu học sinh của nhiều trường nổi tiếng ở Việt Nam trước năm 1975 - như các trường Pétrus Ký - Gia Long, Chu Văn An - Trưng Vương, Quốc Học -Đồng Khánh, Nguyễn Đình Chiểu - Lê Ngọc Hân, Phan Thanh Giản - Đoàn Thị Điểm, vv...

Theo thiển ý, sự xuất hiện có thể nói là khá rầm rộ của những Hội Ái hữu cựu học sinh có thể đánh dấu một giai đoạn mới trong tiến trình định cư của cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài. Vào cuối thập niên 1970, người ta nhỏ lệ khi nghe tiếng hát của Nguyệt Ánh - Việt Dũng trong niềm thương nhớ Việt Nam. Trong thập niên 1980, người ta vui mừng đón tiếp hàng chục, hàng trăm ngàn người Việt tị nạn định cư tại những quốc gia dân chủ Tây phương. Trong thập niên 1990, người ta cảm thấy phấn khởi và tràn trề hy vọng trước sự sụp đổ của Liên Xô và toàn thể khối Cộng Sản Đông Âu. Vào cuối thập niên 1990, người ta trở về nguồn một cách cá biệt với mái trường cũ, con đường xưa đày dẫy những ký ức học trò. Trong khi tất cả những cảm tính, hoài bão và lập trường tự do dân chủ đã và đang được nuôi dưỡng từ sau năm 1975 vẫn sinh động song hành ở các mức độ khác nhau, thì diễn tiến mới nhất có thể là dấu hiệu chứng tỏ cộng đồng Việt Nam ngày nay, tuy cảm thấy hài lòng với chính mình, tuy đã hoàn tất giai đoạn định cư khó khăn về mặt an sinh xã hội, tuy đã tạo dựng được cơ sở kinh tế tài chánh và đang đóng góp vào lãnh vực sáng tạo cho xã hội chủ lưu, nhưng vẫn còn một khoảng trống tình cảm cần được khỏa lấp.

Một đoạn đường 25 năm tuy ngắn ngủi, nhưng là một đoạn đường mà tập thể cựu quân nhân QLVNCH giữ vai trò quan trọng. Vai trò nầy đang được tiếp nối ít nhất là trong thập niên đầu của thế kỷ thứ 21. Tuy nhiên trong thập niên nầy, người cựu quân nhân QLVNCH còn có thể quan tâm đến những gì khác"

Sau chính biến 1917 tại Nga - mà người Cộng Sản gọi là cuộc Cách Mạng Vô Sản Bolshevik - tập thể cựu quân nhân Bạch Nga đã di tản sang Tây Âu mà phần lớn định cư tại Paris. Từ thủ đô ánh sáng của nước Pháp tự do dân chủ, họ mơ đến một ngày trở về nước Nga mà lá cờ đỏ búa liềm không còn bay trên điện Cẩm Linh nữa. Hầu hết đã biến mất đi - nói theo lời của Đại Tướng Douglas MacArthur là: "người lính già không bao giờ chết" - vì họ đã phải chờ đợi quá lâu. Thế nhưng thế hệ con cái của họ đã nhìn thấy diễn biến mà họ đã mơ tưởng khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1990.

Tập thể cựu quân nhân QLVNCH chưa phải là người lính già và chưa biến mất đi vào đầu thế kỷ thứ 21. Thế nhưng thử thách lớn lao cho chúng ta là làm thế nào để thế hệ trẻ sinh đẻ hoặc trưởng thành ở nước ngoài, hấp thụ một nền học vấn tân tiến với khả năng lập luận suy nghĩ trên những dữ kiện khách quan, có thể hiểu được thực chất của cuộc chiến Việt Nam và hoài bão tự do dân chủ của dân tộc.

Chúng tôi không dám nói - và cũng không đủ tư cách để nói - là người cựu quân nhân QLVNCH phải làm gì, nhưng theo chúng tôi nghĩ khi kinh nghiệm bản thân về cuộc chiến Việt Nam được cha truyền con nối theo nghĩa là chia sẻ được thực chất và đối tượng từ trong gia đình đến ngoài cộng đồng, thì có lẽ thế hệ trẻ hiện nay và thế hệ trẻ kế tiếp gốc Việt Nam sẽ không phải chờ đợi quá lâu như trường hợp tập thể cựu quân nhân Bạch Nga và con cái của họ sau năm 1917.

Trong khi nhiều người đã thành công vượt bực sau khi trở lại đời sống dân sự, chúng tôi vẫn nghĩ rằng tập thể cựu quân nhân QLVNCH nói chung là thành phần bị thiệt thòi nhiều nhất, không những tại Việt Nam hiện nay như là cựu chiến binh bị quên lãng, mà ngay cả ở nước ngoài vì nhiều người đã không có đủ cơ hội để trau giồi những kỹ năng chuyên môn khác có thể sử dụng dễ dàng trong môi trường nhân dụng của xã hội định cư.

Dù vậy, chúng tôi tin rằng thử thách nói trên sẽ có thể đáp ứng được - nhất là khi vai trò và những đóng góp quý báu của QLVNCH trong hậu bán thế kỷ thứ 20 cho tổ quốc Việt Nam được lịch sử đánh giá đúng mức và khách quan. Việc xét lại vai trò lịch sử nầy không những là một điều công bằng mà còn là một yếu tố khách quan thúc đẩy cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa phát triển vai trò độc nhất của mình trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại vào đầu thế kỷ thứ 21. Vai trò độc nhất nầy có được là nhờ kinh nghiệm sống thực tại Việt Nam trước và sau năm 1975.

Và mọi người chúng ta trong cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài có thể đóng góp vào tiến trình cải thiện cái nhìn lịch sử dành cho tập thể cựu quân nhân QLVNCH như là một công tác ghi ơn đối với thành phần đã hy sinh rất nhiều cho tổ quốc.

Trên đây chỉ là những nhận xét và ý kiến cá nhân của chúng tôi với tư cách là một thành viên của cộng đồng Việt Nam ở Úc Châu. Và bài thuyết trình nầy đặt trọng tâm vào người cựu quân nhân QLVNCH, một tập thể có khả năng sử dụng kinh nghiệm quá khứ cho tương lai dân tộc, nhưng không bị cầm chân bởi ám ảnh của dĩ vãng. Việt Nam đang đối diện với nhiều thử thách mới và cộng đồng Việt Nam hải ngoại - đặc biệt là thành phần chuyên nghiệp trẻ tuổi, đang có các cơ hội mới để góp phần đưa Việt Nam vào thế kỷ thứ 21.

Ls. Lưu Tường Quang

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.