Hôm nay,  

Mười Sự Kiện Vĩnh Viễn Làm Thay Đổi Hoàng Gia Anh

18/12/199900:00:00(Xem: 8166)
Năm 1923 một người đàn bà không thuộc hoàng tộc lần đầu tiên trở thành vợ của một hoàng tử thuộc dòng họ Windsor. Cho đến thời gian này triều đình Anh vẫn sống và hành xử theo những lề thói cổ điển của thời nữ hoàng Victoria. Bấy giờ vua George V đang cai trị nước Anh và hoàng tử Bertie, con trai thứ hai của nhà vua vừa đến tuổi trưởng thành. Khi bắt đầu biết yêu, người con gái làm trái tim của vị hoàng tử trẻ rung động không sao kìm chế được chính là nàng Elizabeth Bowes-Lyon, con gái của công tước xứ Strathmore. Tuy nhiên theo quy định từ thời nữ hoàng Victoria những hoàng tử Anh chỉ được phép cưới những công chúa thuộc các hoàng gia Châu Âu. Chiến tranh thế giới I bùng nổ biến các nước Châu Âu thành thù địch và hoàng tử Bertie không thể kiếm vợ ở nước ngoài. Phải sau ba lần cầu hôn, nàng Elizabeth mới nhận lời về làm vợ hoàng tử. Chính Elizabeth Bowes-Lyon đã mang một phong thái mới vào đời sống của hoàng tộc Anh và hạ sinh hai công chúa vào năm 1926 và 1930. Nữ hoàng Elizabeth hiện tại, con gái của Elizabeth Bowes-Lyon, được nuôi dạy không tuân theo những lề thói của triều đại Victoria chút nào.

Tuy nhiên người đàn bà làm hoàng gia Anh điêu đứng nhất trong thế kỷ 20 thì đó chính là bà Wallis Simpson. Là một người đàn bà Mỹ đã có hai đời chồng, bà đã làm cho đông cung thái tử Anh Edward, con trai trưởng của vua George V người sẽ trở thành vua Edward VIII, yêu mê mệt và muốn cưới nàng làm vợ. Tuy nhiên là một người đàn bà hai lần ly dị, bà Wallis không thể nào trở thành vợ của một hoàng tử Anh được. Thủ tướng Anh thời bấy giờ tuyên bố rằng thái tử Edward phải chọn một là làm chồng của bà Wallis hay là làm vua Edward VIII của nước Anh. Tháng 12.1936 vua Edward VIII của Anh tuyên bố thoái vị để cưới bà Wallis. Nhà vua đã tuyên bố mình sinh ra để sống cho tình yêu chứ không phải để làm vua. Sau đó nhà vua đã chấp nhận sống lưu vong với tước vị quận công và đã bị hoàng gia Anh đối xử hết sức lạnh nhạt. Triều đình Anh lúc bấy giờ không thể nào tin rằng dòng họ của họ lại có thể sinh ra một hoàng tử coi tình yêu nặng hơn chiếc ngai vàng.

Khi vua Edward VIII thoái vị, hoàng tử Bertie lên ngôi lấy vương hiệu là vua George VI. Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ ở Châu Âu và vua George VI và hoàng hậu Elizabeth Bowes-Lyon đi công du Canada và Hoa kỳ vào tháng năm 1929 để vận động sự ủng hộ cho nước Anh trong cuộc chiến chống lại phát xít Đức. Đây là lần đầu tiên hoàng gia Anh đi công du nước ngoài và khi hoàng hậu Elizabeth nghe giọng nói của người Scotland trong đám đông hoan hô, bà đã kéo tay nhà vua bước vào đám đông và trò chuyện với những người di dân Scotland. Khi đến dự một buổi lễ khánh thành một đài chiến sĩ trận vong, hoàng hậu Elizabeth lại bước vào đám đông bắt tay và trò chuyện. Vua George VI hoàn toàn chấp nhận cung cách bình dân nói trên và cho rằng thời đại xa cách giữa vua chúa và quần chúng đã chấm dứt. Khi con gái của vua George VI là nữ hoàng Elizabeth II hiện tại đến thăm Úc vào năm 1954, chính vị nữ hoàng trẻ tuổi này đã biểu hiện phong cách bình dân của vua cha và hoàng hậu khi tỏ ra rất yêu thích việc nói chuyện và tiếp xúc với những người dân dã bình thường.

Năm 1969 nhân dịp viếng thăm Úc chồng của nữ hoàng Elizabeth II là quận công Philip đã mời William Heseltine về viếng thăm cung điện Burkingham. Heseltine là tùy viên riêng của thủ tướng Úc Robert Menzies lúc bấy giờ. William Heseltine đã làm một việc trước đây chưa ai dám làm là thách thức viên quản gia rất ghét báo chí của triều đình là ngài Colville để làm một cuốn phim về cuộc sống của hoàng gia. Qua cuốn phim này khán giả 140 nước trên thế giới đã chứng kiến cuộc sống từ lâu vẫn là một bí mật của hoàng gia Anh. Công chúa Anne châm lửa, quận công Philip nướng thịt, nữ hoàng làm xà lách và hoàng tử Charles làm nước chấm. Trong cuốn phim người ta cũng nghe thấy nữ hoàng nhiều lúc vui miệng nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ rất bình dân chứ không phải cứng ngắc như các bài diễn văn của bà. Cuốn phim Royal Family của William Heseltine đã thành công rực rỡ nhưng cánh cửa bí mật của hoàng gia đã bật mở và công chúng đã hiểu được cuộc sống bên trong của gia đình Windsor.

Tuy nhiên hạnh phúc của gia đình Windsor tồn tại không lâu vì đến năm 1976 vợ chồng của công chúa Margaret ly hôn. Năm 1955 công chúa Margaret đã đặt trách nhiệm của hoàng gia lên trên khi không lấy đại úy Peter Townsend làm chồng mặc dầu rất yêu ông nhiều năm. Năm 1960 công chúa kết hôn với một nhiếp ảnh gia trẻ tên là Antonye Armstrong-Jones sau này được phong chức bá tước xứ Snowdon. Tuy nhiên hạnh phúc của cặp vợ chồng hoàng tộc này chẳng thuận buồm xuôi gió chút nào và quan hệ của hai người ngày càng lạnh nhạt. Hai vợ chồng đều bí mật ngoại tình. Năm 1976 công chúa Margaret bị bắt quả tang đang nhí nhố với một thanh niên trẻ hơn bà 17 tuổi, là một thợ làm vườn chuyên nghiệp. Chỉ trong vài ngày sau khi báo chí tiết lộ tin này, bá tước Snowdon đòi ly thân và hai năm sau thì hai người ly dị. Đây là vụ ly dị đầu tiên của hoàng gia vì lý do ngoại tình và là cuộc ly hôn mở đầu của một thảm họa ly dị hàng loạt trong hoàng gia Anh.

Tình hình bi thảm hơn đối với công nương Diana. Tháng 9 năm 1980 báo chí lần đầu tiên biết được thái tử Charles hẹn hò với một cô gái xinh đẹp bên bờ sông Balmoral. Vài ngày sau người ta biết được cô gái đó là công nương Diana Spencer đang làm việc như một cô giáo dạy trẻ ở Luân đôn. Cho đến tháng 7.1981 khi đám cưới với Charles, Diana đã trở thành người phụ nữ được chụp hình nhiều nhất thế giới và đám cưới của nàng với thái tử Charles đã trở thành một huyền thoại của thế kỷ 20. Tuy nhiên chỉ vài tuần sau khi kết hôn các bác sĩ tâm thần đã được mời đến khám cho Diana vì nàng lên cơn khủng hoảng do biết rõ về mối quan hệ giữa Charles và Camilla Parker Bowles. Cuộc đời của Diana thể hiện một số phận bi thảm của một người đàn bà đẹp bên trong gia đình một hoàng tộc từng nổi tiếng về cách cư xử bạc bẽo với những người phụ nữ. Tuy nhiên cũng từ đây huyền thoại về Diana bắt đầu.

Bên cạnh Diana là người chị em dâu Sarah Ferguson, hay còn gọi là công nương Fergie. Sarah Ferguson đã kết hôn với hoàng tử thứ hai của nữ hoàng Elizabeth II là Andrew sau khi chàng tham dự trận chiến Falkland với tư cách một phi công trực thăng chiến đấu. Sau khi thắng trận hoàng tử Andrew trở về Anh và được đón tiếp như một anh hùng. Thoạt đầu nữ hoàng vô cùng hài lòng với cô con dâu tương lai Sarah Ferguson vì thấy nàng rất hợp với đứa con trai của mình. Nhiều lần chính nữ hoàng và công nương Fergie đã trò chuyện không dứt về những con ngựa của họ. Tuy nhiên Fergie là một cô gái có máu nổi loạn và ngay từ đầu đã có quan hệ thân tình với Diana và hai chị em thường xuyên dèm pha về lề thói sống đạo đức giả của hoàng gia. Năm 1992 báo chí tình cờ chụp được một bức ảnh công nương Fergie đang đú đỡn với một cố vấn tài chính của nàng là John Bryan trên bờ biển Pháp. Bức hình cho thấy ông này đang mút ngón chân của công nương một cách thích thú. Quá bị sỉ nhục, hoàng tử Andrew tuyên bố ly dị và uy tín của hoàng gia Anh từ đó xuống thấp như chưa bao giờ có trước đó.

Tuy nhiên chuyện Fergie cho Bryan mút ngón chân của mình làm nữ hoàng và hoàng gia chưa nguôi ngoai thì tháng 4.1992 công chúa Anne và chồng tuyên bố ly dị. Hai tháng sau quyển sách Diana: Her True Story của Anrew Morton ra đời tiết lộ rằng công nương Diana đã từng tự tử hụt khi mang thai hoàng tử Henry và có lúc chửi tục “f..k” như những người dân dã khác. Trong khi đó thái tử Charles vẫn tiếp tục tình tự lén lút với Camilla. Đùng một cái ngày 20.11 một trận hỏa hoạn bùng lên tại lâu đài Windsor và quần chúng phẫn nộ khi quốc hội Anh muốn dùng tiền đóng thuế của dân để sửa chữa lại lâu đài này. Thêm vào đó bị áp lực của quần chúng ngày càng gia tăng lên tư cách đạo đức của các hoàng tử và công chúa, thái tử Charles và nữ hoàng bị quốc hội Anh buộc phải đóng thuế lợi tức như những công dân khác. Đồng thời ngân sách trợ cấp bằng tiền thuế của người dân 2.7 triệu đô la cho các nhân vật chóp bu của hoàng tộc cũng bị bãi bỏ. Nói chung dân Anh và cả thế giới đều cho rằng hoàng gia Anh đã hành xử rất là tồi tệ không xứng đáng là một gia đình mẫu mực như người ta vẫn mong đợi.
Trong bối cảnh đáng buồn đó hoàng gia lại càng thêm bối rối khi bất thình lình công nương Diana tử nạn trong một tai nạn giao thông ở Pháp. Càng căm ghét hoàng gia Anh người ta càng tỏ lòng thương mến công nương Diana và không ít thì nhiều người ta có cảm tưởng rằng hoàng gia Anh phải chịu một phần trách nhiệm về cái chết của Diana. Mặc dầu có quan hệ tình ái với nhiều người đàn ông khác, Diana không hề bị dư luận chê bai mà trái lại nàng được dư luận che chở và cho rằng tất cả chỉ vì Diana bị thái tử Charles phản bội một cách trắng trợn và tàn nhẫn. Trước áp lực của quần chúng và có nguy cơ bị buộc phải thoái vị, nữ hoàng Elizabeth đã tổ chức lễ quốc tang cho Diana và đám tang này đã trở thành một sự kiện của thế kỷ không kém gì với đám cưới của Diana trước đây. Khi quan tài của Diana được đưa qua cung điện, cả thế giới thấy nữ hoàng Elizabeth cúi đầu. Người ta không hiểu thái tử Charles buồn hay vui trước cái tang này, nhưng dù sao ông đã tỏ ra hành xử đúng mực trong khi điều hành đám tang người mẹ của hai con trai của mình.

Cũng trong đám tang của công nương Diana, dư luận bắt đầu chú ý đến hoàng tử William mà hiện được xem là tương lai của hoàng gia Anh. Tháng 9.1998 thay mặt hoàng gia hoàng tử William, nhân dịp giỗ một năm ngày Diana tử nạn, đã cám ơn tình cảm chân thành và nồng nhiệt của mọi người dành cho Diana. Nhưng vị hoàng tử trẻ cũng nhấn mạnh rằng dù sao Diana đã yên giấc ngàn thu và nên để câu chuyện buồn thảm ấy trôi vào quá khứ. Nhiều người hiện nay cho rằng với dáng dấp của Diana hiện đầy trên khuôn mặt, hoàng tử William sẽ là một vị vua chiếm được rất nhiều cảm tình và sự yêu mến của dân chúng. William được coi là thừa hưởng những đức tính tốt đẹp nhất của hai dòng họ Spencer và Windsor.

Trước thềm thế kỷ mới hoàng gia Anh vẫn đang đối đầu với nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp. Liệu bà Camilla có thể trở thành hoàng hậu của nước Anh khi thái tử Charles lên ngôi hoàng đế hay không, liệu Sophie người vợ mới cưới của thái tử Andrew có không lập lại những kỷ lục ly dị của hoàng gia hay không. Thêm vào đó dường như đang có áp lực từ bên ngoài lẫn bên trong đang tăng lên đòi nữ hoàng Elizabeth thoái vị sau nhiều thập niên trên ngôi báu với những tai tiếng do lũ con trời đánh vô tích sự gây ra.

Việt Đăng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.